Nói thật, từ khi về hưu tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện mình được ra Trường Sa lần thứ hai. Năm 2000, khi về Nhà số 4 được ba năm, trong tư cách là nhà thơ, biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi được cử đi Trường Sa để thâm nhập thực tế viết bài. Chuyến đi đầu tiên ấy cho tôi những cảm xúc mới lạ, mạnh mẽ, không thể nào quên. Lần ra quần đảo phong ba ấy đã cho tôi chất liệu viết trường ca Hạ thuỷ những giấc mơ; tác phẩm được Giải B - Giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học nghệ thuật giai đoạn 2010 - 2015. Còn lần đi này đúng là một cơ duyên của tôi với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Bộ phim ký sự nhiều tập về Trường Sa cần một nhân vật trải nghiệm và tôi được chọn cuối cùng trong ba người đưa ra. Khi lên tàu Trường Sa 571 của Quân chủng Hải quân để ra Trường Sa, Thanh Hương mới kể với tôi điều ấy. Chứ mấy ngày trước đó, Thanh Hương chỉ điện thoại nói với tôi ngắn gọn thế này: “Sắp tới, anh đi Trường Sa với bọn em nhé!”. Tôi hỏi lại: “Đi làm gì em?”. Người đẹp trả lời: “Làm phim anh ạ!”. Tôi lặng đi trong sự bất ngờ. Ra Trường Sa! Ra quần đảo yêu thương, nơi tôi đã đặt chân lên từ mười chín năm về trước.
*
Một ngày gần cuối tháng Tư, nắng chói chang, con tàu cất ba hồi còi tạm biệt Cảng quốc tế Cam Ranh nhằm hướng Trường Sa thẳng tiến. Trời xanh. Biển phẳng. Chợt nhớ câu Tháng ba bà già đi biển có từ lâu. Trong năm, tháng ba âm lịch sóng thường êm nhất. Nhưng có lẽ, không hoàn toàn đúng như thế. Lần ra Trường Sa trước của tôi, cũng đi vào tháng ba ta nhưng nhiều người cũng bị dính đòn sóng lừng, say lử đử. Còn thêm tình huống này, tàu vừa buông neo, chuẩn bị hạ xuồng để vào đảo Trường Sa Lớn (tên gọi lúc đó) thì trời biển bỗng tối sầm, gió dữ nổi lên, sấm chớp ầm ầm, sóng bạc đầu nối nhau lớp lớp. Biển cả thất thường lắm, không lường hết được những bất trắc hiểm họa đâu. Trong chuyến ra khơi lần này, vào mấy ngày đầu cũng có dăm người bị váng vất, châng lâng. Vẫn bị sóng ngầm đùa giỡn đấy thôi, may là tôi còn dẻo, không hề gì, tuy tuổi đời cao nhất trong số người có mặt trên tàu. Khổ nhất là Nguyễn Thị Tú Lệ, một thành viên trong đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần do Trung tướng, Chính ủy Lê Văn Hoàng dẫn đầu, chỉ sau mười lăm phút bước lên tàu đã say bê bết. Gần hai ngày đêm nằm bệt một chỗ, nôn thốc nôn tháo, quặn thắt ruột. Không dám và cũng không muốn cho thìa cơm, thìa cháo nào vào miệng. Một chiến sĩ trên tàu bảo: “Chị phải cố ăn một chút gì đi không kiệt sức đấy”. Lệ nói: “Chị ngửi mùi cơm đã muốn nôn rồi, ăn sao được em, giá mà có củ khoai lang luộc...”. Lát sau, một đĩa khoai lang luộc bốc hơi nghi ngút được người lính trẻ kia mang đến. Lệ nhón nhén ăn vào thấy êm êm. Kể từ đó, chẳng biết do khoai hay do quen dần biển cộng với tình cảm dành cho chiến sĩ mà trong suốt hành trình còn lại dù ở trên tàu hay lên bờ Lệ không còn say sóng nữa, nàng trở lại tươi tắn, hoạt bát và hát hay như thường. Anh em trong đoàn thường lấy củ khoai làm hình ảnh ám dụ ra trêu Lệ, cô chỉ biết cười trừ.
Dù biển có phẳng lặng, dịu êm đến bao nhiêu thì trong hải trình đến Trường Sa, người lính tàu vẫn phải luôn chuẩn bị tinh thần đối phó với những tình huống bất lợi. Nó là sự thử thách không nhỏ bản lĩnh của những người lính biển chúng ta. Giữa đêm biển rất yên bình, trời chi chít sao, gió nhẹ, gần xa lấp loáng ánh đèn trên những con tàu đánh cá của ngư dân ta, tôi ướm hỏi Đại úy Nguyễn Văn Sỹ, Chính trị viên tàu Trường Sa 571: “Tàu ta đi như thế này có bị họ theo dõi không em?”. “Có đấy anh ạ!” - Sỹ trả lời. Chàng sĩ quan sinh năm 1977, quê Ninh Bình, có một vợ, một con mới năm tuổi này kể với tôi: “Có lần tàu ta đang đi thì gặp tàu chiến họ. Hai tàu đi song song với nhau, gần lắm. Họ phát loa, ban đầu bằng tiếng Anh, rồi tiếng Trung, cuối cùng là tiếng Việt. Rất sõi. Phía bên kia thông báo tàu Việt Nam đang vi phạm vào lãnh hải của nước họ. Họ yêu cầu tàu chúng ta phải đổi hướng”. Tôi cắt lời Sỹ: “Họ là tàu chiến, mình tàu khách, nếu xảy ra sự cố chắc ta bị lép, vậy các em xử trí sao?”. Nguyễn Văn Sỹ mỉm cười: “Em nói với chiến sĩ cứ đi đúng hải trình, không được đổi hướng và phát loa trả lời: Tàu chúng tôi đang đi trên lãnh hải thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Tàu họ bám theo tàu ta một chặng nữa, sau đó bỏ đi...”. Tình huống như Chính trị viên tàu Trường Sa 571 vừa kể với tôi chẳng hề xa lạ với người lính và cả người dân của chúng ta trong nhiều chuyến xa khơi. Không chỉ trên vùng biển Trường Sa đâu, ngay cả những điểm gần đất liền như đảo Cồn Cỏ ở Quảng Trị chẳng hạn vẫn có khi gặp họ. Tàu quân sự, tàu cá của họ to lớn cố ý vi phạm vào lãnh hải thuộc chủ quyền nước ta, không chỉ một lần mà nhiều lần. Rất dễ xảy ra va chạm, đụng độ và Biển Đông có thể dậy sóng bất cứ lúc nào. Sự bình lặng của Biển Đông thực sự mong manh khi mưu toan độc chiếm phần lớn vùng đại dương này vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí họ.
Khẳng định chủ quyền thiêng liêng với Trường Sa và Hoàng Sa là điều chưa bao giờ thay đổi của chúng ta. Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, đó là gì nếu không phải minh chứng hùng hồn cho ý chí giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đến Trường Sa lần này, tôi tận mắt thấy muôn vàn đổi thay mừng đến rơi nước mắt của quần đảo yêu thương, từ cảnh quan, đến các công trình và cuộc sống của bộ đội và nhân dân trên các đảo, nhưng có một điều vẫn giữ vẹn nguyên không hề suy suyển. Đó là tinh thần giữ nước của chiến sĩ và nhân dân ta. Tinh thần bất khuất, can trường, kế sách phòng giặc từ xa được truyền lưu lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi lại muốn nói bằng một khái niệm khác, đó là văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, dẫu rằng nội hàm của nó chỉ là một. Tất cả các đảo đều dựng bia khắc ghi bài thơ Nam quốc sơn hà của danh tướng Lý Thường Kiệt. Bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất của dân tộc Việt Nam. Dưới lồng lộng trời cao, trong chói chang nắng biển, tôi đứng lặng yên trước tảng đá quý khá lớn khắc trọn vẹn bài thơ yêu nước có từ thế kỷ XI trên đảo Trường Sa. Bài thơ ngân vọng trong lòng tôi như từng vang lên trên phòng tuyến sông Cầu khi giặc Tống đang hung hăng tiến vào bờ cõi nước ta: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Thế đấy, rành mạch, rõ ràng như lời thề giữ nước sắt son: Sông núi nước Nam, Vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách Trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời! Không chỉ một lần mà mấy lần lũ giặc dữ phương Bắc cậy lớn, cậy mạnh đã sang xâm phạm non sông này, và không chỉ một lần mà mấy lần chúng đã bị đánh tơi bời. Chẳng hiểu sao trong những ngày trải nghiệm Trường Sa, trong tôi không hề nguôi vơi những ám ảnh về họ. Cũng như luôn hừng hực bật lên những vần thơ giữ nước, giữ biển của ông cha; từ Nhờ cậy dư uy trừ giặc Bắc/ Giúp ngay đất nước được thanh bình của Trần Quang Khải đến Sông Đằng một dải dài ghê,/ Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông/ Những người bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh của Trương Hán Siêu rồi Biển Bắc năm xưa đã diệt kình/ Dù yên, còn luyện ngũ ôn binh của Nguyễn Trãi và Trăm sông chầu xuống bể Đông/ Đảo bày ngan ngát, bể lồng trời xanh của Lê Thánh Tông... Còn nhiều lắm những bài thơ, câu thơ xác lập chủ quyền biển Việt xưa nay, xin được nhắc lại một minh triết giữ nước rất nổi tiếng được Nguyễn Bỉnh Khiêm đúc kết: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình.
Muốn đất nước trường tồn, phát triển phải giữ chặt biển đảo. Kế sách giữ nước ấy được truyền lưu từ đời này qua đời khác và cũng thật dễ hiểu khi các thế hệ đã nối tiếp nhau cưỡi sóng, đạp gió trấn giữ biển đảo Tổ quốc. Trong chuyến ra Trường Sa lần này tôi chủ tâm tìm gặp những chiến sĩ sinh vào năm 2000, năm tôi ra quần đảo lần thứ nhất. Những em bé nào cất tiếng khóc chào đời năm ấy bây giờ là người lính Trường Sa? May mắn cho tôi trong chuyến ra Trường Sa lần này đã gặp gỡ ba chàng lính biển sinh năm 2000. Chiến sĩ Nguyễn Quốc Trung ở đảo Đá Lát. Trung nhỏ bé, đen nhẻm, quê ở xã Quốc Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trung nhập ngũ năm 2018. Trung thỏn thẻn nói: “Mười bốn tuổi con đã học nghề sửa chữa ô tô. Con ở Trường Sa gần năm rồi chú ạ. Tết vừa rồi là lần đầu tiên con xa nhà đó chú!”. “Có khóc không con?”, tôi hỏi. “Dạ, cũng hơi khóc một chút thôi à”. “Khóc một chút cũng là khóc đó nghe!”. Trung cười: “Dạ, biết vậy, nhưng nhớ ba má quá không kìm được...”. Tôi ôm chàng lính vào lòng như bố ôm con trai vậy. Ngửi thấy mùi trời, mùi biển Trường Sa trên mái tóc hoe hoe và làn da đen cháy của Trung. Hình như có cả mùi bão giông chưa tan hết trên thân thể người lính trẻ. Trung nói: “Hết nghĩa vụ, con về quê tiếp tục làm nghề sửa chữa ô tô, được không chú?”. “Được lắm con ạ; may là con đã có một nghề để mưu sinh khi ra lính...”. Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn Tài ở đảo Phan Vinh. Tài sinh ở Cần Giuộc, Long An, đúng quê của các nghĩa binh yêu nước chống giặc Pháp được cụ Đồ Chiểu khắc tạc rõ nét đầy xúc động trong bài văn tế truyền đời của mình. Đi bộ đội vào tháng 3 năm 2018, Tài ra Trường Sa từ tháng 1 năm 2019. Mơ ước của chàng lính này là được học lái xe. Giản dị vậy thôi. Võ Gia Quốc là con đầu trong một gia đình có cha làm thợ xây, cũng nhập ngũ vào tháng 3 năm 2018, ra đảo cùng đợt với Nguyễn Ngọc Tấn Tài. Quê Quốc ở Tuy Hoà, Phú Yên. Ước mơ của Quốc là khi ra quân sẽ được học nghề sửa chữa máy. Tôi hỏi Quốc: “Con đã có người yêu chưa?”. Chàng lính cười: “Đã có... nhưng cô ấy bỏ con rồi chú ạ!”. Không phải cô gái nào cũng chịu thông cảm và chấp nhận cảnh chia xa biền biệt để giữ trọn tình yêu với người lính, tôi biết quá rõ điều đó. Có thể còn nhiều chiến sĩ sinh năm 2000 đang ở Trường Sa mà tôi chưa có dịp gặp gỡ để trò chuyện. Cái chung nhất ở họ chính là tuổi trẻ, sự trong sáng và biết chấp nhận gian khó để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, biển đảo của Tổ quốc. Chấp nhận nhưng không hời hợt, nông cạn mà toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi kẻ xấu gây hấn, không ai khác, chính những người lính ấy là lá chắn cho Tổ quốc ở phía Đông.
Trong chuyến ra Trường Sa lần này tôi đã tận mắt chứng kiến sự đổi mới đến khó tin của vùng biển đảo mình đặt chân lên mười chín năm về trước. Tôi đang đi giữa một Trường Sa sạch, xanh, đẹp theo nhiều nghĩa. Càng hiểu hơn Trường Sa ở chiều sâu văn hóa giữ nước của con người Việt Nam. Phải xây dựng Trường Sa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn không chỉ cho hiện tại mà phải vì tương lai. Những ngôi nhà nhiều tầng vững chãi, sáng sủa, thoáng đãng thay thế những ngôi nhà cấp bốn lợp tôn hay tấm lợp brô-xi-măng tôi từng thấy mười chín năm về trước. Trường tiểu học, trung tâm y tế, bưu điện, nhà khách... thậm chí cả Cảng Hàng không đều đã có ở thị trấn Trường Sa. Nguồn năng lượng sạch thu từ nắng, từ gió Trường Sa đã trở thành hiện thực một phần. Kết cấu hạ tầng vừa phục vụ nhu cầu an sinh hiện tại vừa để đặt nền tảng cho một tương lai không xa khi có tuyến du lịch ra Trường Sa. Tương lai xa hơn là một thành phố Trường Sa tuyệt đẹp như lời phát biểu của Trung tướng Lê Văn Hoàng với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đây. Lẽ nào ta không lãng mạn với Trường Sa khi vùng biển, vùng đảo này đã là một phần chủ quyền được xác lập của Tổ quốc ta. Xác lập bằng những cột mốc ghi rõ vĩ độ, kinh độ cụ thể và quan trọng hơn nó được khẳng định bởi văn hóa Việt đã được gieo cấy, vươn cành tỏa bóng trên vùng biển này. Những tán cây xanh, vườn rau tươi tốt, hoa cảnh khoe sắc làm dịu đi những ngày nóng bức và làm cho đất liền gần hơn. Tiếng gà gáy sớm gáy trưa, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng chó sủa, tiếng chim hót... với đất liền là chuyện không mấy ai để ý nhưng với Trường Sa đấy là thanh âm quê nhà.
Nỗi nhớ quê, nhớ người thân dễ gì quen được chứ. Giữa hiện thực đẹp đẽ vốn được phản ánh nhiều trong các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, trong chuyến đi này tôi gặp ở Trường Sa những góc khuất lặng lẽ. Như nốt nhạc trầm, thoảng rung trong bản giao hưởng Trường Sa vậy. Yêu thương và sự lo toan của người lính. Thiếu tá Trịnh Xuân Huân - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa, người bám trụ ở đây từ năm 2009. Anh quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Hỏi anh: “Trong mấy năm ở đảo, kỷ niệm nào Huân cho là sâu sắc nhất?”. Huân cười hồn hậu, trả lời luôn: “Nhớ mãi lần vợ em ra Trường Sa thăm”. Xa nhau đến mười chín tháng, Lô Thị Thu Hiền mới được theo tàu Trường Sa 571 ra đảo thăm chồng vào năm 2012. Tại cầu cảng, hai người ôm chặt nhau như chẳng muốn rời ra nữa. Hiền khóc, những giọt nước mắt mặn hơn vị biển thấm ướt vai áo chồng. Vợ chồng ở với nhau được một tuần. Giọng Huân bồi hồi: “Một tuần hạnh phúc nhất của vợ chồng em bác ạ, đêm tân hôn cũng chẳng được như thế!”. Tôi tin lời chàng Thiếu tá, anh nói thật, rất thật nỗi lòng mình chứ không hề thi vị hóa những ngày chồng vợ hiếm hoi của người lính biển. Chuyến tàu ra Trường Sa lần ấy có hai mươi thân nhân của bộ đội. Họ là mẹ, là vợ của cán bộ, chiến sĩ. Có cả mẹ vợ ra thăm con rể. Mẹ của thầy trụ trì chùa Trường Sa cũng đi trong đoàn. Có cả người bố ra thắp hương cho con đã hy sinh ở Trường Sa... Chuyện vui, chuyện buồn cứ trộn hòa như thế. Nụ cười. Nước mắt. Có trong Trường Sa một năm bảy, tám tháng biển động. Có trong Trường Sa đã đổ máu vì giặc xâm lăng. Có trong Trường Sa là Tổ quốc ở phía mặt trời lên. Có trong Trường Sa của những người lính mặt trẻ tóc già, tuổi mới mười tám đôi mươi mà tóc đã lấm tấm bạc. Có trong Trường Sa của những đứa bé thả diều chiều nay trước Nhà khách Thủ đô, bên những cây phong ba đang hồi sức sau cơn bão dữ dội năm ngoái. Có trong Trường Sa ngân vọng tiếng chuông chùa, rung rinh những bông sen mới nở...
Đây nữa, trên đảo Núi Le... Khi vào một căn phòng ở của cán bộ, tôi bắt gặp bộ sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 2. Chủ nhân của nó là Thượng úy Đào Quốc Doanh. Anh thuộc quân của Hải đội 4 Vùng 1 tăng cường cho Vùng 4 từ tháng 7 năm 2018. Doanh kể: “Hai lần vợ sinh con, em đều ở trên biển. Con trai đầu của em đang học lớp hai anh ạ. Em mang theo bộ sách giáo khoa này để đêm đêm học bài với con...”. Tôi ngạc nhiên: “Cách xa thế, em học với cháu thế nào?”. Doanh kể: “Em mua gói điện thoại V90 của Viettel và mỗi đêm cùng học với cháu một giờ. Em nghe cháu tập đọc rồi chỉnh sửa lỗi cho cháu nếu có hay hướng dẫn cháu làm toán. Khi được bố khen cu cậu khoái lắm anh ạ. Thỉnh thoảng lại nhắc, lúc nào bố về nhớ mua siêu nhân cho con nhé”.
Có một Trường Sa như thế. Trường Sa rất đời thường và Trường Sa tâm linh. Ai đến nơi này chắc không thể không đến chùa Trường Sa. Một ngôi chùa có từ lâu đời rồi nay được xây dựng lại khang trang, tôn nghiêm. Thầy trụ trì chùa là Đại đức Thích Tâm Tánh, sinh năm 1979, quê ở thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa. Mười lăm tuổi Thầy đã vào chùa, ra Quần đảo Trường Sa từ năm 2014. Trước đây, Thầy trụ trì chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh, năm 2017 về chùa Trường Sa. Thầy yêu văn chương và có làm thơ. Xin trích mấy câu thơ của Thầy: Tôi nhớ mãi tháng ngày bên biển đảo/ Khi thu về những chiếc lá vàng rơi/ Thảm cỏ non bên đường băng xanh tốt/ Nhộn nhịp vui đàn cò bay tung cánh trắng giữa trời... Thơ mộc mạc nhưng là ước vọng cho bình yên, thanh thoát, con người thiên nhiên hòa lẫn vào nhau, tựa nương nhau, thân thiện. Đại đức Thích Tâm Tánh cho rằng chùa Trường Sa là một cột mốc tâm linh, là điểm tựa tinh thần cho người dân và bộ đội. Tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn chính xác.
Vâng, kể sao hết bao sự thân thiện trên vùng biển đảo nhiều bão bùng sóng gió nhưng giàu tình thương yêu này. Lính với lính. Dân với dân. Lính với dân. Che chở, đùm bọc nhau. Ngư dân vươn khơi luôn coi các đảo ở Trường Sa là điểm tựa vững chãi của mình. Cả lúc trời yên biển lặng và khi giông gió nổi lên. Nước ngọt, lương thực, nhiên liệu hao vơi, thiếu thốn cũng đỡ lo khi có bộ đội bên mình. Ốm đau, tai nạn không thể không tìm đến các anh, các chú bộ đội. Bộ đội của dân, Bộ đội Cụ Hồ. Xưa đã thế, nay cũng vậy, đất liền hay trùng khơi vẫn tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Giữa tháng Tư này, ngư dân Nguyễn Thanh Trung, 52 tuổi, quê ở Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi đang đi biển thì bị đau bên bụng phải quằn quại. Dân đưa lên Bệnh xá đảo Phan Vinh. Thiếu tá, Bác sĩ Lê Xuân Vượng chẩn đoán anh Trung bị viêm ruột thừa cấp. Không còn con đường nào khác, mổ. Kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Vượng cùng với ba y sĩ Phạm Thanh Bình, Nguyễn Hải Hà và Đỗ Xuân Dũng. Hôm tôi vào thăm bệnh nhân đã ổn, sức khỏe tốt, Nguyễn Thanh Trung xúc động nói về sự quan tâm hết mực của các thầy thuốc mang áo lính.
Ngồi trước mặt tôi, dưới tán cây phong ba ở đảo Trường Sa là Nguyễn Thị Mỹ Dung, sinh năm 1992. Cô gái đang mang bầu sáu tháng. Bé Nguyễn Thị Mỹ Hoà, mới hai tuổi, con đầu của Dung đang ôm lấy vai mẹ. Nũng nịu. Người mẹ trẻ nở nụ cười tươi roi rói. Nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bầu bầu hiền hậu của Dung. Gần cuối năm nay, cô gái sẽ sinh con. Con trai nhé, cháu sẽ cất tiếng khóc chào đời vào năm 2019. Mười tám năm sau, biết đâu con trai của mẹ Dung sẽ là một chiến sĩ canh giữ Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Cũng như những em bé sinh năm 2000, năm tôi ra Trường Sa đầu tiên có người đang là chiến sĩ trên quần đảo này. Công cuộc giữ nước được chuyển giao từ lớp người, thế hệ này qua lớp người, thế hệ khác. Như một dòng chảy thắm tươi của lịch sử dân tộc, không bao giờ dừng. Chúng ta, một dân tộc luôn coi trọng hiếu thuận, biết lấy việc gìn giữ, nuôi dưỡng hòa bình làm hạt nhân của kế lược dựng nước, giữ nước. Nhưng cũng biết xả thân, biết đánh đến cùng cho sự sinh tồn của dân tộc. Nền tảng sức mạnh của dân tộc Việt Nam là ở đó.
Thật thú vị khi tôi được chứng kiến một cơn mưa rào khá lớn đổ xuống giữa trưa trên đảo Trường Sa. Mưa ào ạt. Mưa rào rào. Cây cối ướt đẫm. Cột chủ quyền được rửa sạch bụi bặm sáng láng. Một cơn mưa kim cương làm hân hoan phơi phới lính và dân Trường Sa. Đến bây giờ thì tôi cũng không xem mình là khách của Trường Sa nữa. Tôi là chủ của quần đảo này, cũng như trăm triệu đồng bào, chiến sĩ ta. Giơ bàn tay đã bắt nắng đen sẫm hứng những hạt mưa mát lành tới tấp rơi xuống, tôi bâng khuâng như gặp lại tuổi thơ mình. Mưa. Mưa. Mưa... Lễ hội của tuổi chín mười. Uôm uôm, oam oam tiếng ếch, tiếng nhái. Í ới, i ơi tiếng con nít gọi nhau. Mưa. Mưa. Mưa. Tiếng một chiến sĩ trẻ nói bên tôi:
- Sáu tháng nay, Trường Sa không có giọt mưa nào chú ạ!
Trường Sa - Hà Nội, cuối tháng 4 năm 2019