Trong chuyến ra Trường Sa gần cuối tháng Tư năm 2019, tôi được tham gia hai buổi chào cờ. Một buổi ở đảo Trường Sa và một buổi ở đảo Phan Vinh. Tôi nhớ, thị trấn Trường Sa hôm đó mới sáng sớm mà nắng đã chói chang và oi bức. Cái chói chang, oi bức dội từ trời xuống và hắt ở biển lên có lẽ không giống nơi nào cả. Trường Sa vốn rất khắc nghiệt về thời tiết; mùa khô có khi sáu tháng chẳng rơi xuống một giọt mưa nào, mùa bão thì gió tạt sóng mặn trùm qua đảo. Mỗi năm, ở Quần đảo Trường Sa thường có bảy, tám tháng biển động. Quần đảo phong ba là cách người ta vẫn thường gọi Trường Sa đó. Bộ đội, tự vệ, nhân dân hàng ngũ chỉnh tề cất lên bài Quốc ca trầm hùng. Những câu hát thân thuộc và thiêng liêng Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc... tôi nghe, tôi hát đã bao lần vẫn tràn đầy xúc động. Giữa Trường Sa, lá cờ đỏ sao vàng nhẹ bay trên nền trời xanh cao lồng lộng, trên mênh mang biển cả là một khẳng định về chủ quyền đất nước thân yêu. Tôi lắng nghe trong đó hành trình lịch sử bi tráng thắm đỏ máu và mồ hôi của lớp lớp người yêu nước, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...
Trường Sa! Phía trước Trường Sa là những khúc đoạn dựng nước, giữ nước gian truân và hy sinh không kể xiết. Không ai mang đến một triệu cây số vuông biển, ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa cho thế hệ hôm nay và mai sau ngoài tổ tiên, ông cha ta. Những minh chứng lịch sử văn hóa đã xác nhận rõ ràng điều đó. Chính vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà từ thế kỷ XVI, tức cách đây khoảng năm trăm năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu Bạch Vân Am cư sĩ, Tuyết Giang phu tử mà dân ta quen gọi là Trạng Trình đã thấu tỏ chiến lược bảo vệ Tổ quốc muôn đời rằng: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình. Không thể không rưng rưng nhớ tới những tháng ngày oanh liệt gần hơn, mùa Xuân năm 1975, những Người lính Cụ Hồ đã vượt sóng trùng khơi cắm lên Quần đảo Trường Sa lá cờ chính nghĩa sạm màu khói trận của cuộc trường chinh giải phóng đất nước kéo dài hơn hai mươi năm. Chiến công, kỳ tích không kể xiết và hy sinh, mất mát cũng vô cùng.
Quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng nhất về Tổ quốc, ở đâu cũng vậy, lúc nào cũng vậy, nhưng khi ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Trường Sa tôi cảm thấy nghẹn lòng. Quá nhiều tự hào, quá nhiều thương yêu nhưng khi nghĩ đến Quần đảo Trường Sa vẫn còn có mấy nơi ngoại bang tranh đoạt, chiếm giữ lòng mình lại xót buốt. Thêm nỗi xót buốt Hoàng Sa nữa cộng vào, không chỉ riêng tôi, một tôi mà của chung dân tộc Việt, của hàng triệu người Việt. Tôi đang nhìn vào những đôi mắt Trường Sa. Những đôi mắt ngước chào cờ Tổ quốc. Đôi mắt của các chiến sĩ hải quân, lục quân, thiết giáp, pháo binh, biên phòng... Đôi mắt của nhà sư, của thầy giáo, của công nhân, của các anh tự vệ, của các cô gái... Trời ơi, và đây nữa, những đôi mắt trẻ thơ. Các cháu bé đã theo mẹ cha ra dự buổi chào cờ. Gái. Trai. Đứa lên mười như cháu Nguyễn Trần An Thuyên, năm nay học lớp bốn. Đứa lên năm như cháu Nguyễn Trần An Tuyên... Đứa còn bé hơn nữa như các cháu Lê Xuân Viễn, Lâm Nhật Trinh Anh, Nguyễn Thị Mỹ Hòa. Có cả cháu đang nằm trong bụng mẹ. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1992, quê gốc Cam Lâm, Khánh Hoà đang mang thai tháng thứ sáu. Người mẹ trẻ có khuôn mặt tròn đôn hậu và nụ cười tươi tắn nói với tôi: “Còn ba tháng nữa cháu sinh con chú ạ...”. Nhìn vào đôi mắt bình yên chan chứa niềm vui và hy vọng của Mỹ Dung tôi nói: “Chúc cháu ba tháng nữa mẹ tròn con vuông nhé”.
Những đôi mắt Trường Sa thật đáng yêu. Nó mang ánh đẹp trong sáng, chân thành, tin cậy của một nơi đáng sống. Những đôi mắt chan chứa trời biển Tổ quốc thiêng liêng nơi xa đất liền hơn ba, bốn trăm hải lý. Đảo gần nhất như Đá Lát cũng cách đất mẹ yêu dấu chừng hai trăm bảy mươi hải lý. Trong những đôi mắt Trường Sa ấy, tôi thấy phấp phới Tổ quốc như một minh định về chủ quyền bất khả xâm phạm. Tôi thấy tình yêu đất nước sâu lắng, nồng nàn và bình dị. Đất nước hiện hữu bằng những thực thể quá đỗi thân thuộc và vô cùng sâu sắc ở quần đảo khi nắng gió bỏng rát, lúc mưa bão dữ dội này. Từ thềm đảo san hô loá trắng, cây phong ba, cây bàng vuông, cây tra và nhiều loài cây khác đang hồi sinh sau cơn bão dữ dằn năm ngoái đến những vườn rau xanh mướt được che chắn cẩn thận của lính, tiếng gà cục tác giữa trưa, tiếng chó sủa trong đêm, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng vịt kêu cạp cạp... Và cả những bông hoa hồng, hoa đại, hoa giấy rung rinh trong gió biển đậm hơi muối nữa. Đi cùng tôi chuyến này có Đại tá, nhà thơ Vũ Tuấn Anh, Chính ủy Công ty 22 thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Đến đâu Vũ Tuấn Anh cũng xúc động làm thơ, tôi còn nhớ mấy câu anh viết trong bài Ước mơ Trường Sa sau khi từ đảo Phan Vinh về tàu: Ước gì? Xin ước trời mưa/ Mơ gì? Mơ chớ có thừa bão giông/ Thêm rau, thêm đoá hoa hồng/ Tặng người lính đảo những đồng đội tôi... Với tôi, là lần thứ hai ra Trường Sa sau mười chín năm được đặt chân lên đây, thực sự bâng khuâng và mừng vui trước những đổi thay của quần đảo. Một Trường Sa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hiện lên trước mắt. Những ngôi nhà kiên cố, thoáng đẹp thay thế những ngôi nhà lợp tôn, lợp tấm brô-xi măng tôi từng gặp trong lần ra trước. Điện gió, điện mặt trời không còn là giấc mơ đẹp đẽ, xa vời ở nhiều đảo nữa. Tôi thong dong dạo một vòng quanh thị trấn Trường Sa. Một thị trấn xanh - sạch - đẹp đúng nghĩa của nó. Nhiều công trình dân sinh khang trang, sáng sủa mọc lên như trường học, bưu điện, ga hàng không, đường băng, nhà khách, cầu cảng... và cả các ngôi chùa nữa. Khi còn trên tàu 571, tôi đã được anh Lê Đình Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện đảo Trường Sa cho biết, hiện nay các đảo nổi đều được phủ cây xanh, có ba trường học và sáu ngôi chùa đã được xây trên một số đảo.
Đôi mắt Trường Sa chan chứa nhiều yêu thương. Tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu đồng đội hòa quyện trong mỗi người lính. Trước mắt tôi là Thiếu tá Nguyễn Văn Tăng - Phân đội trưởng Phân đội súng cối. Anh sinh năm 1982, có mười tám năm lính, đã từng làm nhiệm vụ ở Sinh Tồn, Phan Vinh và từ đầu năm 2019 cho đến nay có mặt trên đảo Trường Sa. Một tăng đảo thường tám đến mười hai tháng. Nỗi nhớ bố mẹ, vợ con không nguôi ngoai. Bố mẹ anh đã già yếu ở mãi Ninh Bình. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Mai Hiền quê gốc Hà Nam cùng đứa con trai chín tuổi đang ở Cam Lâm, Khánh Hòa. Giọng Tăng thật trìu mến khi nhắc đến thằng cu đang học lớp hai của mình: “Em nhớ nó lắm anh ạ. May mà cu cậu cũng ngoan, chăm học nên vợ chồng em cũng đỡ lo. Bố đi vắng biền biệt, mẹ ở nhà một mình nếu con bướng bỉnh cũng mệt lắm đó”. Tăng khoe: “Con trai em vừa được giải trong cuộc thi kể chuyện của trường anh ạ. Em nghĩ, đừng bao giờ tạo sức ép cho con cái, đừng đánh mất sự ngây thơ hồn nhiên của trẻ con. Nuôi dạy con cũng như uốn cây vậy, phải từ từ...”. Xin ai chớ nghĩ rằng những điều tôi viết ra đó là bịa đặt để làm màu mè cho tâm hồn người lính đảo. Thực trăm phần trăm, tôi cũng hơi ngạc nhiên khi nghe một sĩ quan ở đảo thổ lộ với mình về cách nuôi dạy con. Có lẽ, những điều ấy anh đã từng nói với vợ và chắc nó cũng xuất phát từ nỗi lo âu của những người bố xa nhà. Tôi đọc trong đôi mắt của người đối thoại những xao động rung rinh tâm hồn. Trường Sa chẳng hề khô khan, thô tháp chút nào trong giai điệu ca khúc tự biên của lính đảo mà Thiếu tá Nguyễn Văn Tăng đang hát cho tôi nghe dưới tán bàng vuông: “Như những cây phong ba ngày đêm gió reo lời ca/ Biển Đông quanh năm sóng xô/ Trường Sa chính quê hương nhà/ Trời bao la màu xanh hình bóng hải âu lượn quanh/ Từng bông hoa trên chiến hào nở thắm hương bay ngọt ngào/ Mà nghe tâm hồn xao xuyến/ Mà lòng càng thêm lưu luyến/ Tuổi xuân hiến dâng Tổ quốc, nguyện chiến đấu vì Trường Sa...”. Đôi mắt người lính biển ánh lên niềm yêu thương và lòng tự hào. Ngỡ như chỉ có sự thanh thản, nhẹ nhàng. Không phải. Những lo toan giông bão đã chìm khuất đâu đó hay nói chính xác hơn những người lính biển đảo đã tự mình chế ngự nó để làm tròn nhiệm vụ được giao. Tôi chỉ thấy một Trường Sa bình yên, quá đỗi bình yên trong đôi mắt những người lính như Nguyễn Văn Tăng.
Giữa trưa, một cơn mưa ào đến. Tưng bừng và mát mẻ sau sáu tháng trời Trường Sa không có nổi một giọt mưa nào. Mưa. Mưa. Mưa. Chưa bao giờ tôi nghe âm thanh một cơn mưa rộn rực, lâng lâng như thế. Ví von lãng mạn một chút nhé, một cơn mưa kim cương đẹp lộng lẫy. Chúng tôi ngước mắt chiêm ngưỡng mưa. Mưa Trường Sa. Cơn mưa mùa hạ, lễ hội bất chợt của đảo, người và cây, lính và dân cứ nao nức đón chào những dòng nước mát từ trời chảy xuống. Mưa làm dịu mát bầu không gian oi bức vừa nãy. Mưa tưới tắm cho những hàng cây, vườn rau của lính, của dân. Mưa tung tăng trong ký ức bồi hồi của những chàng lính trẻ. Thấp thoáng những cánh đồng ướt át, những dòng sông lấp loáng, những mái nhà thấp cao... Có một Tổ quốc thân thuộc đang lấp lánh trong mưa Trường Sa. Mưa đến bất ngờ và ra đi cũng chóng vánh. Bầu trời sau mưa sạch sẽ trong xanh. Tiếng sóng vỗ mơ hồ như vừa đến từ một cõi nào khác. Tôi nhìn ra, bia chủ quyền Tổ quốc vừa được rửa sạch tinh tươm, sáng đẹp vô cùng. Được gió, lá quốc kỳ phấp phới tung bay trên đỉnh cột. Bay như đã từng bay, sẽ bay, mãi mãi bay trên quần đảo không một giây dừng lại. Nhớ lời Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên phó đảo Trường Sa: “Cờ Tổ quốc không bao giờ ngừng bay trên đảo anh ạ. Nắng hay mưa, ngày bình lặng hay giông bão thì quốc kỳ vẫn tung bay. Bởi đó là dấu hiệu của chủ quyền thiêng liêng”.
Năm lá cờ Tổ quốc đã từng tung bay ở Trường Sa và vùng DK1 được Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều - Giám đốc Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam mang về trong chuyến đi này. Đó là những lá cờ thấm đượm nắng gió đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh, đảo Núi Le, đảo Đá Tây và Nhà giàn DK1/20. Những lá cờ từng tung bay trong trời biển Việt Nam, được chỉ huy đảo và nhà giàn ký tên lên đó như khắc sâu quyết tâm bám đảo, giữ đảo đến cùng. Những lá cờ thiêng liêng này sẽ được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Hậu cần Quân đội như là thêm một chứng cứ vững chãi về chủ quyền Tổ quốc. Đã có ba mươi tám năm bộ đội, hai mươi năm làm Giám đốc Bảo tàng Hậu cần nhưng mãi đến năm 2019, Đào Hải Triều mới có dịp ra Trường Sa. Tôi hỏi anh: “Với một người lần đầu tiên ra Trường Sa cảm nhận của anh thế nào?”. Không chút đắn đo, anh nói luôn: “Quá xúc động và ấn tượng anh ạ. Biển Việt Nam dài rộng và thật đẹp. Trường Sa xứng đáng là tiền đồn phía Đông của Tổ quốc ta cũng là nơi rất đáng đến, đáng sống”.
Chiều Trường Sa. Một buổi chiều an lành với những đám mây trắng muốt lững thững bay qua đảo. Cơn mưa ra đi để lại những vầng cây, những khay rau còn lấp lánh nước. Lòng thơi thới, tôi bước đến bia chủ quyền. Từ đây nhìn ra tôi thấy mênh mang một không gian ngập tràn yêu dấu. Tiếng trẻ con cười xa xa. Khúc kha khúc khích. Ô kìa, những em bé Trường Sa đang thả diều trên đường băng trước nhà khách Thủ đô. Những cánh diều nhiều màu lượn bay trong gió mang theo những ánh nhìn thơ bé. Trẻ em ở đâu cũng vậy, trong trẻo và hồn nhiên. Có một Trường Sa bay bổng cùng những ánh mắt tuổi thơ.
Tôi biết, không thể nào, không bao giờ mình quên được buổi chiều Trường Sa này. Cờ Tổ quốc bay. Phấp phới. Cánh diều bay. Chấp chới. Và những đôi mắt của người Trường Sa tôi đã gặp hay chưa gặp. Trong sáng. Yêu đời. Đủ cho ta yêu thương và tin tưởng. Trong cảm nhận về một Trường Sa tươi xanh, yên bình sau muôn vàn giông gió bão tố như khát vọng muôn đời không gì có thể dập tắt nổi của dân tộc này.
Hà Nội, tháng 6 năm 2019