Xin gửi lời tri ân đến tất cả những người thầy từng bước đi trong Vũ trụ mênh mông này.
Hy Lạp cổ đại là chiếc nôi của nền văn minh phương Tây, nơi hoài thai không ít những nhà tư tưởng lỗi lạc và những nhà khoa học xuất chúng. Tuy thời hoàng kim của những bậc vĩ nhân này đã qua đi nhưng dư âm của họ vẫn còn vang vọng mãi cho đến tận ngày nay. Nhìn vào chiều dài lịch sử thế giới, lắm khi chúng ta vội đưa ra nhận xét rằng thế giới phương Tây là nơi của nền văn minh vật chất, nơi sinh ra khoa học kỹ thuật, trong khi phương Đông là vùng đất tâm linh, huyền bí, nơi con người thường chiêm nghiệm về vạn nẻo nhân sinh và thân phận con người giữa thế giới này. Trên thực tế, quan niệm đó có phần chưa chính xác. Nền triết học và tâm linh thời kỳ cổ đại phương Tây, tiêu biểu là Hy Lạp cổ đại, không hề chịu lép vế so với phương Đông. Bằng chứng là từ ngàn xưa, nếu phương Đông có những bậc thầy vĩ đại như Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Đức Chúa Jesus thì phương Tây có Pythagoras, người đã dạy tín đồ của mình rằng con người có một linh hồn bất tử và phải trải qua một vòng luân hồi vô tận cho đến khi chúng ta thanh tẩy và trở về với tánh linh (Thượng đế) của chính mình; phương Đông có Kinh dịch, Bát quái để giải mã vũ trụ, phương Tây có Thần số học và Siêu hình học để triển hiện tự nhiên; phương Đông nổi tiếng với thuật luyện đan để tìm sự trường sinh bất tử thì phương Tây có thuật giả kim, biến sắt thành vàng. Kỳ thực những bậc thầy này mượn những phương thuật huyền hoặc và có phần phi lý như chuyển hóa thân phàm thành bất tử và khả năng cải biến những nguyên tố tự nhiên để ẩn ý về con đường tối thượng đi sâu vào trong nội tâm để gột rửa và thanh lọc tâm hồn của mỗi người, biến những phần thấp kém, hạ tiện thành cao quý và thiêng liêng, biến tâm hồn phàm tục của con người thành đền thờ linh thiêng của Thượng đế, tất cả đều là nội giáo tâm truyền (Esoterism), là con đường xuất thế vậy. Không chỉ dừng lại ở việc khai phá ra con đường tư duy và suy tưởng cho nhân loại, triết học còn là một ốc đảo xanh mát giữa sa mạc cuộc đời đầy cằn cỗi và nhiễu nhương, chính cái tên “triết học” đã mang trong mình bầu không khí của sự tinh sạch, trang nghiêm và thiêng liêng, khiến cho những ai biết tìm đường đến triết học đều nhận được muôn phần lợi lạc vậy.
Chủ nghĩa Khắc kỷ được Zeno thành Citium sáng lập ra dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Yếm thế với tư tưởng chủ đạo là sự tiết dục và làm chủ bản thân, những quy tắc đạo đức khắc kỷ xoay quanh việc truy tầm hạnh phúc đích thực, thứ chỉ có thể đạt được thông qua việc sống thuận theo tự nhiên, nghĩa là chấp nhận mọi điều xảy đến với mình, trong khi tập trung duy nhất vào mục tiêu sửa trị những thứ thuộc thẩm quyền và sở hữu của mình (tâm hồn mỗi người). Chủ nghĩa Khắc kỷ ra đời vào đầu thế kỷ 3 trước Công nguyên, xét về thời gian thì chủ nghĩa này thuộc lớp hậu học trong bản đồ triết học Hy Lạp cổ đại, nhưng những cống hiến và thành tựu trong mục tiêu lèo lái nhân loại tiến lên một tầng cao mới của đạo đức và phẩm hạnh thì không thua gì những bậc đàn anh như Chủ nghĩa Socrates hay Chủ nghĩa Yếm thế.
Có lẽ những ai từng tìm hiểu về Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ nhận ra điểm đặc biệt, đó là những nhân vật nổi bật trong lịch sử của Chủ nghĩa Khắc kỷ thuộc những giai cấp và tầng lớp khác nhau. Họ mang những thân phận khác nhau đến với ngôi nhà chung của triết học, để rồi khi rời đi trên muôn nẻo đường đời, tất cả đều mang trên vai gói hành trang đức hạnh và chân lý. Phần đông tôn giáo và triết lý từ cổ chí kim đều hướng về sự bình đẳng nhưng hiếm có tôn giáo và triết lý nào đạt đến sự bình đẳng như Chủ nghĩa Khắc kỷ đã đạt được. Những cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam như Marcus Aurelius — Đại đế La Mã, Seneca — quân sư của Hoàng đế Nero, Epictetus — người nô lệ là minh chứng cho việc triết học chẳng hề phân biệt địa vị hay tuổi tác, bất kỳ ai với cái tâm nhiệt thành và lòng mộ đạo chân chính đều có thể đạt đến đỉnh cao của triết học — đó là hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn.
Về phần tác giả của tác phẩm Những lời giáo huấn của Epictetus, Epictetus chưa từng viết một cuốn sách nào, tác phẩm này là do người học trò Arrian ghi chép và truyền bá rộng rãi. Bản thân Epictetus là một người có tư tưởng rất tiến bộ về triết học trong thời đại của mình. Ông cho rằng triết học chính là nghệ thuật sống, giúp con người thăng hoa trong hoàn cảnh của mỗi cá nhân, triết học là công cụ phục vụ con người, chứ chẳng phải thứ để người ta kính ngưỡng, tôn thờ. Sự nghiệp của Epictetus chẳng phải là nghiên cứu và rao giảng về triết học mà ông chính là hiện thân của những triết lý kia: cả đời ông sống giản dị, thanh bần, ngủ sàn cứng, mặc áo thô, ăn uống đạm bạc, nhưng đức hạnh và sự dũng mãnh của ông thì khó ai sánh kịp, thật xứng đáng với câu: “Chân đất đầu trần, tuệ đức gương trăng”. Người học trò Arrian từng mô tả về thầy Epictetus của mình như một nhà diễn thuyết có sức thuyết phục đặc biệt, ông có khả năng “làm cho thính chúng cảm nhận được những điều thầy Epictetus muốn họ cảm nhận”. Nhiều nhân vật trong giới tinh anh thường tìm đến thỉnh vấn ông, trong đó có Hoàng đế Hadrian. Đó cũng chính là khả năng “đắc nhân tâm” thường xuất hiện ở những bậc vĩ nhân và những người có tu dưỡng. Epictetus thường dùng một lối châm biếm rất sâu cay, đôi khi là nghiêm khắc để quở trách nhưng vẫn thấp thoáng khiếu hài hước và nét duyên dáng của một nhà giáo dục.
Hàng hậu học chúng ta, những người đang tìm kiếm chân lý, hãy cùng quay lại thời La Mã, cùng tề tựu về ngôi trường tại Nicopolis để được làm một người học trò nhỏ khiêm tốn nép bên chân thầy, được nương dưới bóng đại thụ của thầy và gột rửa mình trong cơn mưa chân lý. Chúng ta sẽ không khỏi bàng hoàng và thích thú trước trí tuệ siêu việt của người thầy già đáng kính.
Những lời giáo huấn của Epictetus là một tác phẩm với khối lượng kiến thức đồ sộ và đa dạng, người dịch tự thấy mình chưa đủ tài đức nên việc sai sót trong khâu dịch thuật và biên tập là không thể tránh khỏi, xin quý độc giả rộng lượng thứ lỗi! Quý độc giả cũng nên lưu ý rằng những bài giảng này được thuyết theo lối ứng khẩu, do đó, từng ý tưởng sẽ được trình bày tuần tự theo mạch tư duy của người diễn thuyết. Cho nên quý độc giả đừng nên quá ngạc nhiên khi bài giảng đang nói về chủ đề huân tập sự an định hay tự tại trước nhiễu sự lại chuyển sang hành trang triết học, thứ cần thiết nhất để duy trì sự an định đó.
Xin nói thêm, những ghi chú của bản dịch tiếng Anh được đánh dấu bằng dấu *, người dịch có tham khảo các tài liệu khác để soạn ghi chú chân trang trong phần nội dung chính1.
1 Các chú thích chân trang được người dịch tham khảo và biên soạn lại từ bản dịch The discourses của George Long.
Lời cuối xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý độc giả, những người góp phần giữ cho ngọn lửa tri thức được thắp sáng mãi qua nhiều thế hệ, chúc cho toàn thể quý độc giả tìm được niềm hạnh phúc chân thật thông qua những triết lý cao đẹp của Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Công Thành
EPICTETUS (50 - 135) là một nhà giáo có ảnh hưởng lớn về triết học đạo đức khắc kỷ. Ông sinh ra đã là một nô lệ ở Hierapolis (Anatolia hiện nay), chủ nhân của ông là Epaphroditus, một cựu nô lệ quyền lực trong triều đình của Nero ở La Mã. Ông theo học với giảng viên phái khắc kỷ Musonius Rufus và dạy triết học ở La Mã. Khi bị Hoàng đế Domitian trục xuất khỏi La Mã cùng với các triết gia khác vào năm 89, ông đã mở một trường học ở Nicopolis tại Hy Lạp bên bờ biển Adriatic và dạy ở đó cho tới khi qua đời. Ông không lập gia đình nhưng về cuối đời có nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh. Ngôi trường của Epictetus được nhiều người biết đến và thu hút nhiều học sinh cũng như khách tham quan, bao gồm cả Hoàng đế Hadrian (117 - 138).
A R R IA N (86 - 160), là một sử gia quan trọng, thời trai trẻ đã theo học với Epictetus, có lẽ là vào khoảng năm 107 - 109. Arrian đã ghi lại và công bố những bài giảng không chính thức và những cuộc đối thoại về đạo đức của Epictetus trong tám cuốn sách, trong đó còn sót lại bốn cuốn và một số đoạn giảng rời rạc. Các nội dung đó được tập hợp trong các tác phẩm Giáo ngữ; Arrian cũng viết một bản tóm tắt về các chủ đề chính, là Handbook (Cẩm nang thư) hay Manual (Enchiridion). Epictetus dùng những cuộc trò chuyện này để đưa ra những nguyên tắc then chốt của đạo đức khắc kỷ, và truyền tải những điều này bằng thứ ngôn ngữ sống động, gần gũi. Ông muốn chỉ ra rằng đạo đức khắc kỷ có thể có một sức ảnh hưởng mang tính chuyển hóa lên cách bạn sống và chỉ ra một con đường đầy quyền năng dẫn đến hạnh phúc cho nhân loại. Những tác phẩm này đã biến Epictetus trở thành một trong những bậc thầy nổi danh trong trường phái khắc kỷ thời cổ đại; chúng có sức ảnh hưởng lớn đến tác phẩm Meditations (Suy tưởng), một cuốn nhật ký triết học của Hoàng đế Marcus Aurelius (161 - 180). Chúng đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả và các nhà tư tưởng trong giai đoạn hậu kỳ cổ đại và từ thế kỷ 16 cho đến nay. Trong thế giới hiện đại, Epictetus đã giúp định hình sự phát triển của liệu pháp tâm lý nhận thức và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong các tác phẩm về “những chỉ dẫn trong cuộc sống”.
ROBIN HARD đã dịch tác phẩm Library of Greek Mythology (Tuyển tập Thần thoại Hy Lạp) của Apollodorus và Sayings and Anecdotes (Châm ngôn và giai thoại) của triết gia yếm thế Diogenes, thuộc dòng sách tác phẩm kinh điển của Nhà xuất bản Oxford World, đồng thời là tác giả của cuốn The Routledge Handbook of Greek Mythology (Cẩm nang Routledge về Thần thoại Hy Lạp).
CHRISTOPHER GILL là giáo sư về Tư tưởng cổ đại tại Đại học Exeter. Ông viết rất nhiều về triết học cổ đại, đặc biệt là về đạo đức và tâm lý học La Mã và Hy Lạp.