Discourses (Giáo ngữ) của Epictetus là một trong ba tuyên bố đầy sức thuyết phục của đạo đức học thực tiễn khắc kỷ từ thời kỳ đầu của Đế chế La Mã; hai tuyên ngôn còn lại là Letters (Những lá thư) của Seneca và Meditations (Suy tưởng) của Marcus Aurelius. Về phương diện nào đó, tác phẩm của Epictetus là quan trọng nhất. Epictetus, không giống như hai nhà tư tưởng kia, ông là một người thầy khắc kỷ chính thống và là một trong những người nổi tiếng nhất ở thời của ông.Discourses (Giáo ngữ) và Handbook (Cẩm nang thư) là hai tác phẩm sinh động, thẳng thắn, đầy sức thuyết phục và thách thức, được thể hiện theo phong cách gần gũi, dễ hiểu với nhiều người. Chúng trình bày các nguyên tắc đạo đức cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc kỷ dưới một hình thức được bố trí nhằm giúp mọi người có thể áp dụng những nguyên tắc đó vào thực tiễn và sử dụng chúng làm nền tảng để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp của con người. Một thông điệp chính yếu là: cơ sở của hạnh phúc hay an lạc đều “tùy thuộc vào chúng ta” và tất cả chúng ta đều có khả năng hướng đến trạng thái này, bất kể bối cảnh xã hội đặc thù hay cá tính của chúng ta. Một chủ đề có liên quan là: để đạt được tiến bộ theo chiều hướng này đòi hỏi sự kết hợp giữa suy ngẫm, phê phán và nỗ lực không ngừng nghỉ, đặc biệt là trong việc đưa những nguyên tắc của chúng ta vào hành động và các mối quan hệ của mình. Epictetus cũng nhấn mạnh rằng khả năng này tạo thành một phần quan trọng và không thể tách rời của những gì khiến cho con người trở nên đặc biệt trong vũ trụ tự nhiên, cũng như là biểu hiện xuất sắc của những điều “thần thánh” trong chúng ta. Giáo ngữ của Epictetus là tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất và có sức ảnh hưởng nhất trong tất cả các tác phẩm của trường phái khắc kỷ, từ thời cổ đại cho đến nay. Các bài thuyết giảng ấy vẫn phát biểu hùng hồn với độc giả thời hiện đại và đã khoác lên một ý nghĩa mới trong những năm gần đây, làm nền tảng cho “những chỉ dẫn trong cuộc sống” và trị liệu tâm lý nhận thức.
Cuộc đời của Epictetus và hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm
Chúng ta không biết gì nhiều về cuộc đời của Epictetus; và phần lớn những gì ta biết đều đến từ các tác phẩm của ông. Ông sinh ra ở Hierapolis, một thành phố cách Ephesus khoảng một trăm dặm về phía đông, ngày nay là phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Rất có thể, ông sinh ra đã là một nô lệ và chuyển tới La Mã tại một thời điểm nào đó, có thể là khi ông được Epaphroditus mua lại. Epaphroditus vốn là một nô lệ được giải phóng (cựu nô lệ), từng là thư ký và là nhân vật có ảnh hưởng trong thời kỳ cai trị của các hoàng đế Nero (54 - 69) và Domitian (81 - 96). Có lúc Epictetus đã miêu tả về mình như một lão già què chân (1.16.20)1; tình trạng thể chất này có thể là do tuổi già. Có lẽ khi còn ở với Epaphroditus, Epictetus đã có được những trải nghiệm về tham vọng, tính ganh tỵ và sự thất thường của cuộc sống tại triều đình mà ông đã gợi lên thật sinh động trong tác phẩm Giáo ngữ. Epaphroditus cho phép ông học triết học, khi vẫn còn là nô lệ (1.9.29), với Musonius Rufus (30 - 101), một nhà khắc kỷ nổi tiếng, một số bài giảng của ông về đạo đức thực tiễn đã được ghi lại. Ở giai đoạn nào đó, Epictetus đã được Epaphroditus giải phóng khỏi thân phận nô lệ và vươn lên trở thành một thầy giáo tại La Mã, có lẽ là dưới sự hỗ trợ của Musonius. Vào năm 89, Hoàng đế Domitian trục xuất tất cả triết gia khỏi Ý vì nghi ngờ họ chống đối lại chế độ của ông ta. Epictetus định cư ở Nicopolis, Epirus, phía đông Hy Lạp, một thành phố lớn và phồn thịnh, đây là nơi mà cả người Ý lẫn người Hy Lạp đều có thể dễ dàng ghé thăm. Ông mở một ngôi trường triết học, về sau ngôi trường ấy trở nên khá nổi tiếng và có một dịp nọ được Hoàng đế Hadrian (117 - 138) đến thăm. Có vẻ ông đã sống ở đó, thỉnh thoảng đi đó đi đây ít lâu cho tới khi qua đời. Ông sống độc thân, có vẻ là cống hiến cho công việc giảng dạy; nhưng tương truyền, vào cuối đời, ông có nhận nuôi một đứa trẻ và nhờ đó mà cứu nó thoát chết, ông đã lấy một người vợ hoặc có một người bạn đời để cùng chăm sóc đứa bé.
1 Mọi dẫn chiếu đều từ cuốn Giáo ngữ trừ khi được chú thích thêm (ví dụ 4.8).
Mặc dù chúng ta thường gọi Giáo ngữ và Cẩm nang thư là các tác phẩm của Epictetus, nhưng có vẻ như Epictetus, giống như Musonius và nổi tiếng hơn là Socrates (469 - 399 trước Công nguyên), không hề viết gì. Những tác phẩm này bao gồm các ghi chép về lời giảng dạy của ông, được lưu giữ bởi Arrian, người đã theo học với Epictetus từ khi còn trẻ, có thể là dưới thời Hoàng đế Trajan (105 - 113), khi Epictetus đang ở độ tuổi ngoài năm mươi hoặc đầu sáu mươi. Arrian xuất thân từ một gia đình Hy Lạp giàu có ở Nicomedia (bờ phía tây nam của Biển Đen), và tiếp tục có một sự nghiệp chính trị và quân sự lỗi lạc tại La Mã dưới thời Hadrian. Ông cũng là tác giả của một số tác phẩm lịch sử, trong đó có cuốn tiểu sử quan trọng về Alexander Đại đế. Quyển 1 của Giáo ngữ được mở đầu trong bản thảo của chúng tôi bằng một bức thư, trong đó Arrian giới thiệu chúng như một bản ghi chép những lời dạy của Epictetus, dựa trên những ghi chép của ông thời còn theo học Epictetus, và sắp xếp để tái tạo lại tác động mạnh mẽ mà Epictetus đã mang đến cho người nghe. Arrian có thể đã hạ thấp vai trò của mình trong việc chuyển những ghi chú của ông thành các bài giảng, dưới dạng độc thoại hoặc đối thoại, mà trong đó, mỗi bài đều có sự mạch lạc riêng và có một bài rất dài (4.1). Tuy nhiên, lối dụng văn đơn giản (ngôn ngữ Hy Lạp “bình dân”, hay koinē) và mang tính trực tiếp mạnh mẽ là rất khác biệt so với văn phong của Arrian; và do vậy điều chúng ta được nghe có lẽ rất gần với tiếng nói của chính Epictetus. Có vẻ như lúc đầu Arrian đã viết tám cuốn sách, nhưng chỉ còn sót lại bốn cuốn đầu tiên, và bản thân ông cũng viết cuốn Handbook (hoặc Manual, Encheiridion - Cẩm nang thư) là một bản tóm tắt những chủ đề chính từ cuốn Giáo ngữ.1
Chức năng chính của tác phẩm Giáo ngữ là gì? Mặc dù chúng ta thường gọi chúng là những bài giảng của Epictetus nhưng điều này ít nhiều gây hiểu lầm. Các bài viết không phải ở dạng các hướng dẫn chính thức mà Epictetus dành cho các học trò của mình. Qua phần tham khảo trong Giáo ngữ, rõ ràng là chúng có dạng bài thảo luận về các luận thuyết chính của phái khắc kỷ, đặc biệt là từ người đứng đầu thứ ba của trường phái, Chrysippus (280 - 206 trước Công nguyên), các bài tập được viết ra theo logic, và có thể là một số đoạn đối thoại của Plato. Có thể đặt giả thuyết là các bài học bao gồm ba phần chính trong chương trình học của phái khắc kỷ, đó là đạo đức, logic và vật lý (nghiên cứu về tự nhiên), mặc dù logic có vẻ được học chuyên sâu nhất.2 Tác phẩm Giáo ngữ ghi lại những cuộc thảo luận có tính chất thân mật hơn, diễn ra trong trường hoặc xung quanh trường học, có thể là ở ngoài trời. Hầu hết các bài giảng đều trực tiếp, một cách rõ ràng hoặc ngụ ý, hướng đến các học trò của Epictetus, những chàng trai trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc độ tuổi đôi mươi, nhiều người trong số họ sống xa gia đình. Đây là một nhóm người thường có kinh nghiệm thực tế hoặc kinh nghiệm xã hội tương đối hạn chế, nhưng vốn kiến thức về triết học thì khá tốt.
1 Mặc dù nhiều tựa đề được đính kèm trong nguyên bản (Diatribai hay Dissertationes, cả hai đều có nghĩa là những cuộc đàm luận thường nhật), nhưng dường như Arrian chưa từng đặt tựa đề cho tác phẩm này: tựa đề được sử dụng ở đây, Giáo ngữ, chỉ là tên dân gian gọi để phân biệt tác phẩm. Xem thêm A. A. Long, Epictetus: A Stoic and Socratic Guide to Life (Oxford, 2002), 38-43.
2 Nghiên cứu về luận lý hình thức (những hình thái tư duy hợp lý và phi lý) đã trở thành phần trọng tâm trong quá trình đào tạo triết học thời kỳ đầu của Đế chế La Mã, và không chỉ có trong những ngôi trường của Chủ nghĩa Khắc kỷ; những tác phẩm về Epictetus được xem như nguồn dẫn chứng quan trọng của việc đào tạo này: xem thêm J. Barnes, Logic and the Imperial Stoa (Leiden, 1997), ch. 3; P. Crivelli, “Epictetus and Logic”, trong T. Scaltsas and A. S. Mason (eds.), The Philosophy of Epictetus (Oxford, 2007).
Một chủ đề lặp đi lặp lại trong những bài giảng của Epictetus là học triết không chỉ là vấn đề diễn giải các câu chữ hay phát triển khả năng trong các hoạt động trí óc, đặc biệt là tư duy logic. Đó là việc học để đưa ra bức tranh tổng thể và mục đích cho cuộc sống của bạn; sử dụng kiến thức học được để định hướng cho mọi hành động, thái độ và các mối quan hệ của bạn.1 Quan điểm về mục tiêu triết học này đã được chấp nhận rộng rãi trong thời kỳ văn hóa cổ Hy Lạp Hellenistic (thế kỷ 3 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên) và trong hai thế kỷ đầu tiên của Công nguyên. Đặc điểm nổi bật của Chủ nghĩa Khắc kỷ là tuyên bố rằng, như các nhà khắc kỷ đã nói: “phẩm hạnh là thứ tốt đẹp duy nhất”, và sống có phẩm hạnh là mục tiêu chung đúng đắn duy nhất của một cuộc đời con người, so với điều đó, những thứ được gọi là tốt đẹp khác chỉ là “những vấn đề không quan trọng”.2 Phần lớn những lời dạy của Epictetus đều trực tiếp nhấn mạnh rằng mục đích của việc học triết học là để mang đến cho cuộc đời bạn một cấu trúc tổng thể và ý thức về các ưu tiên phù hợp với quan điểm khắc kỷ về hạnh phúc, thông điệp này đôi khi được củng cố bằng những lời chỉ trích về các cách tiếp cận đạo đức khác, mà trong đó, đáng chú ý là Chủ nghĩa Hưởng lạc (1.23, 2.20). Epictetus còn đưa ra chỉ dẫn về cách mà quá trình này ảnh hưởng tới việc thiết lập niềm tin, cảm xúc, các mối quan hệ cá nhân, và mô típ hành động của một người. Thông thường, đối tượng của các bài giảng được cho là học trò của Epictetus; đôi khi ông nói chuyện với những người lớn tuổi hơn mình, đây là những người đến thăm trường học của ông bởi vì họ sinh sống ở địa phương hoặc bị thu hút bởi danh tiếng của ông (ví dụ: 2.4, 2.14, 2.24, 3.4, 3.7, 3.9). Thông điệp của ông trong cả hai trường hợp về bản chất đều giống nhau, đôi khi đặc biệt hướng đến những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhưng trước đó lại ít được học tập, nghiên cứu.3
1 Xem ví dụ 1.4.6-15, 1.7.1-8, 1.17.13-18, 3.21.7-9. Xem thêm Long, Epictetus, ch. 4; J. M. Cooper, “The Relevance of Moral Theory to Moral Improvement in Epictetus”, trong Scaltsas and Mason (eds.), Philosophy of Epictetus.
2 Về quan điểm này trong giai đoạn triết học Hy Lạp - La Mã và luận điểm đặc biệt của Chủ nghĩa Khắc kỷ về đạo đức và hạnh phúc, xem thêm J. Annas, The Morality of Happiness (Oxford, 1993), chs. 1, 19, 22; R. W. Sharples, Stoics, Epicureans and Sceptics: An Introduction to Hellenistic Philosophy (London, 1996), ch. 5; J. Sellars, Stoicism (Chesham, 2006). Về những dẫn chứng về vị thế của Chủ nghĩa Khắc kỷ, xem A. A. Long and D. N. Sedley, The Hellenistic Philosophers, 2 tập. (Cambridge, 1987), 58, 63; tác phẩm này sẽ viết tắt là LS.
3 Xem ví dụ 1.11 (xem thêm Long, Epictetus, 77-79) chủ yếu bàn về phản ứng của người cha với căn bệnh của con gái.
Những chủ đề đặc biệt: Mối quan hệ với lý thuyết khắc kỷ
Nếu đây là mục đích chung của Epictetus trong các bài giảng của mình, vậy thì các bản ghi chép, chúng ta có được phản ánh mục đích này như thế nào? Liệu có tồn tại một hệ thống tổ chức rõ ràng hoặc ngụ ý nào trong Giáo ngữ và Cẩm nang thư hay không? Những chủ đề được đề cập đến trong tác phẩm của Epictetus tương ứng đến mức nào với những chủ đề được công nhận là tiêu chuẩn trong học thuyết khắc kỷ? Liệu Epictetus có đề xuất ý tưởng độc đáo hoặc sáng tạo nào trong triết lý khắc kỷ, trong những ghi chép này từ các cuộc thảo luận của ông không? Đó là những câu hỏi có phần phức tạp, đôi khi gây tranh cãi, nhưng lại là những câu hỏi cần được giải quyết để có thể đưa ra được ý nghĩa đầy đủ của các ghi chép giàu hàm ý này.
Đầu tiên, các chủ đề trong tác phẩm Giáo ngữ có mối liên hệ như thế nào với những đề tài được công nhận trong học thuyết khắc kỷ? Như đã đề cập, các học thuyết khắc kỷ, nhìn chung, được chia nhỏ giữa logic, đạo đức và vật lý (nghiên cứu về tự nhiên), tất cả đều được giải thích khá rộng. Đồng thời, các nhà tư tưởng khắc kỷ còn nhắm đến việc kết hợp và tổng hợp những phát hiện chính của các nhánh kiến thức này, cùng một số chủ đề “chung” nhất định, đặc biệt là về ranh giới giữa đạo đức và vật lý hay logic, được coi như là đặc biệt quan trọng. Đạo đức là lĩnh vực quan tâm chính của Epictetus, mặc dù các chủ đề liên quan đến các mối liên kết với logic và vật lý cũng quan trọng.1 Sau đây là một danh sách tiêu chuẩn về các chủ đề đạo đức của phái khắc kỷ: động cơ (hormē), tốt và xấu, cảm xúc hay đam mê (pathē), phẩm hạnh, mục đích hay mục tiêu của cuộc sống (telos), giá trị và hành động, “những hành động thích hợp” (kathēkonta), những phương tiện để động viên hoặc can ngăn. Mặc dù đã bị thất lạc tất cả, ngoại trừ những trích dẫn từ những luận thuyết về các chủ đề này của những người đứng đầu trường phái khắc kỷ trong thời kỳ Hellenistic, chúng ta vẫn có những bản tóm tắt về đạo đức của phái khắc kỷ phù hợp với các đề mục nhỏ này.2 Vậy thì các chủ đề trong các tác phẩm của Epictetus có liên quan với những bản tóm tắt này đến mức nào?
1 Xem LS 26: những chủ đề như tâm lý học (LS 53), thần học (LS 54), và thuyết quyết định (LS 62) rơi vào mặt bằng chung của những kiến thức này. Xem thêm C. Gill, The Structured Self in Hellenistic and Roman Thought (Oxford, 2006), 160-166, 197-203.
2 Xem LS 56 A; danh sách này tạo tiền đề cho việc lựa chọn những dẫn chứng trong LS 56-66 (trừ 62). Những tóm tắt chính của những nguyên tắc đạo đức khắc kỷ trong Cicero, On Ends 3; Diogenes Laertius 7.84-131; Stobaeus 2.5-12 (= 2.57- 116 trong bản của C. Wachsmuth and O. Hense (Berlin, 1884 - 1912; repr. 1958)). Với những bản dịch đầy đủ, xem B. Inwood and L. P. Gerson, Hellenistic Philosophy: Introductory Readings (Indianapolis, 1997), 190-260; B. Inwood and L. P. Gerson, The Stoics Reader: Selected Writings and Testimonia (Indianapolis, 2008), 113-176. Xem thêm M. Schofield, ‘Stoic Ethics’, trong B. Inwood (ed.), The Cambridge Companion to the Stoics (Cambridge, 2003).
Nhìn các tiêu đề trong tác phẩm Giáo ngữ, có vẻ như đưa ta quay trở lại với Arrian, cho thấy rằng các chủ đề của Epictetus không liên kết trực tiếp với những tiêu đề tiêu chuẩn hay tiêu đề phụ của lý thuyết đạo đức khắc kỷ. Các chủ đề của Epictetus đa dạng, mang tính cục bộ, và lặp đi lặp lại nhiều hơn; giống như những cuộc đối thoại Socrates trong Plato hay Xenophon (một nền tảng ảnh hưởng đáng kể tới tác phẩm Giáo ngữ), chúng thường tập trung vào các chủ đề nảy sinh khi Epictetus trao đổi với những đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, rõ ràng là Epictetus có hàm ý nhắm tới các nội dung của học thuyết đạo đức khắc kỷ. Để xây dựng một khung diễn giải cho Giáo ngữ, việc đọc chúng như một sự phản ánh đầy đủ phạm vi của những học thuyết này hữu ích đến nhường nào? Trong hai nghiên cứu đáng chú ý được thực hiện vào cuối thế kỷ 19, Adolf Bonhöffer đã chỉ ra rằng các chủ đề của Giáo ngữ có thể tương quan, từng điểm một, với những chủ đề tiêu chuẩn và học thuyết cụ thể của đạo đức khắc kỷ và những lĩnh vực tương tự, đặc biệt là tâm lý học.1 Các học giả cận đại hơn đã đề xuất rằng điều này mang đến một cái nhìn quá hệ thống về tính chất của các cuộc thảo luận của Epictetus. Ví dụ như, A. A. Long trong chuyên khảo của mình về Giáo ngữ đã nêu bật sáu loại chủ đề rộng và có phần trùng lặp, đó là: lý thuyết, phương pháp luận và thuật luận chiến ; tâm lý, xã hội và hướng nghiệp.2 Các học giả khác có khuynh hướng nhìn nhận sự phát triển hoặc tiến bộ đạo đức như một chủ đề thống nhất, đôi khi sử dụng chương trình ba chủ đề của chính Epictetus cho quá trình này như một chiếc chìa khóa diễn giải để hiểu ý nghĩa của các tác phẩm.3
1 A. Bonhöffer, Epictet und die Stoa: Untersuchungen zur Stoischen Philosophie (Stuttgart, 1890; repr. 1968); Die Ethik der Stoikers Epictet (1894; repr. 1968), dịch thành The Ethics of the Stoic Epictetus by W. O. Stephens (New York, 1996); và Epiktet und das Neue Testament (Giessen, 1911; repr. 1964), phủ nhận ý tưởng rằng Epictetus bị ảnh hưởng bởi những lý tưởng Cơ đốc giáo.
2 Long, Epictetus, 46-48; xem thêm R. Dobbin, Epictetus: Discourses Book 1 (Oxford, 1998), phần xiv–xix.
3 P. Hadot, Philosophy as a Way of Life: Spiritual Exercises from Socrates to Foucault (Oxford, 1995), 191-195; P. Hadot, The Inner Citadel: The Meditations of Marcus Aurelius, trans. M. Chase (Cambridge, Mass., 1998), ch. 5; J. Sellars, The Art of Living: The Stoics on the Nature and Function of Philosophy (Aldershot, 2003), 134-142; G. Roskam, On the Path to Virtue: The Stoic Doctrine of Moral Progress and its Reception in (Middle-) Platonism (Leuven, 2005), ch. 6. Về chương trình ba chủ đề, xem 3.2.1-5 và chú thích nn. 26, 38-39.
Nếu nhìn cụ thể hơn vào câu hỏi này, ta có thể xác định ba chủ đề hay cụm chủ đề đặc biệt nổi bật trong Giáo ngữ. Cả ba chủ đề đều quan trọng trong những tác phẩm về đạo đức khắc kỷ khác, mặc dù luận cứ của Epictetus đôi khi có những điểm nhấn mạnh đặc biệt. Một là năng lực của chúng ta trong việc lựa chọn, hai là năng lực của chúng ta để phát triển đạo đức (đặc biệt là về mặt xã hội); ba là ý tưởng cho rằng những năng lực này hình thành nên đặc trưng riêng biệt của bản chất con người trong khuôn khổ của một vũ trụ được định hình một cách thần thánh.1 Rất đáng để cân nhắc từng chủ đề một và để xét xem luận điểm về chúng của Epictetus phù hợp với các kiểu tư duy khắc kỷ như thế nào. Rồi sau đó, tôi sẽ thảo luận về việc những chủ đề này phù hợp với nhau như thế nào và mục đích tổng thể mà chúng mang lại trong bối cảnh giảng dạy của Epictetus là gì.
1 Ba chủ này đề có mối liên quan lớn đến những chủ để được Epictetus xem là trọng tâm trong Long, Epictetus, ch. 8 (về sự tự chủ); chs. 7, 9 (về các phẩm chất đạo đức và phát triển); ch. 6 (về bản chất con người và thần học).
Một nhóm các ý tưởng nổi bật trong Giáo ngữ có thể được liên kết với khái niệm về sự lựa chọn. Một là ý tưởng rằng chúng ta có thể và nên phân biệt rõ ràng giữa cái “tùy thuộc vào ta” (hay “trong khả năng của ta”, “eph” hēmin) với cái không phải là “tùy thuộc vào ta”, và tập trung sự quan tâm và mong muốn của ta vào nhóm đầu tiên, thay vì nhóm thứ hai. Nhóm đầu bao gồm các trạng thái tâm lý và phản ứng như niềm tin và động cơ, và nhóm thứ hai bao gồm tình trạng cơ thể, tài sản, hay địa vị xã hội của chúng ta. Chủ đề này đôi khi được liên kết với ý tưởng rằng chúng ta có thể và nên “kiểm tra lại cảm tưởng của mình” (nhận thức và suy nghĩ) trước khi “đồng ý” với chúng. Đặc biệt là, ta nên cẩn trọng để không gắn cái ý niệm “tốt” hay “xấu” một cách tùy tiện với các “ngoại cảnh” như tình trạng cơ thể hay tài sản của chúng ta. Làm như vậy sẽ tạo ra những cảm xúc (tiêu cực và sai lầm) như thất vọng hay oán giận. Hai chủ đề này thường được thể hiện bằng thuật ngữprohairesis. Đây là một từ Hy Lạp có nghĩa là “quyết định” hay “lựa chọn”, và đóng một vai trò quan trọng trong các tác phẩm về đạo đức của Aristotle. Epictetus sử dụng nó nhằm ám chỉ loại ý chí được thể hiện trong việc tập trung vào những gì “tùy thuộc vào ta” và trong việc “kiểm tra lại cảm tưởng”.1
Mặc dù một số điểm trong cách dùng thuật ngữ của Epictetus về chủ đề này khá không chuẩn trong Chủ nghĩa Khắc kỷ,2 nhìn chung những luận bàn của ông rất phù hợp với những đặc điểm đặc trưng và được nhiều người biết đến trong tư duy khắc kỷ về tâm lý con người. Trong học thuyết khắc kỷ về hành động, cả con người và những loài động vật không phải người đều được thúc đẩy bởi “cảm tưởng” hay “vẻ bề ngoài” (phantasiai), một phạm trù rộng bao gồm nhận thức và suy nghĩ. Nhưng phản ứng của con người, hay “động vật có lý trí”, khác với phản ứng của động vật phi nhân tính theo hai cách. Một cảm tưởng lý tính có cái mà chúng ta gọi là “nội dung mệnh đề”, nghĩa là có thể được diễn đạt dưới dạng một lời phát biểu, chẳng hạn như “hành động hay đối tượng này là đúng hoặc tốt”. Ngoài ra, con người cần “đồng ý” (hay “nói có”) với nội dung của cảm tưởng trước khi điều này kích thích động cơ hành động (hormē) hoặc những phản ứng khác, bao gồm cả cảm xúc và cảm giác. Các chủ đề của Epictetus dường như thừa nhận kiểu suy nghĩ này về động cơ của con người. Là những động vật có lý trí, chúng ta có thể “kiểm tra” nội dung “cảm tưởng” của mình trước khi “đồng ý” (hay “nói có”) với chúng. Theo cách này, chúng ta có thể quyết định rằng liệu những điều liên quan có phải “tùy thuộc vào ta” hay không, và liệu chúng có rơi vào phạm vi lựa chọn hay quyết định (prohairesis) hay không. Điều này, đến lượt nó, có thể hình thành động cơ và phản ứng cảm xúc của chúng ta. Do đó, lấy một ví dụ đơn giản, nếu chúng ta “đồng ý” với cái ý kiến rằng một đối tượng nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta là tốt (một cái xe hơi mới cứng, hay một người bạn gái hoặc bạn trai đẹp đẽ và dễ chịu), điều này có thể tạo ra cảm xúc thất vọng khi ta không thực sự có được đối tượng ấy.3
1 Xem chú thích Cẩm nang thư 1, 2, 5; và 1.1.7-12, 1.4.1-3, 1.12. Cũng xem Epictetus, ch. 8; R. Sorabji, “Epictetus on Proairesis and Self ”, trong Scaltsas and Mason (eds.), Philosophy of Epictetus.
2 Xem B. Inwood, Ethics and Human Action in Early Stoicism (Oxford, 1985), 115-125 và phần 2.
3 Xem LS 33 C, I, 53 Q(1); 65 A-K (on emotions); Handbook 5, 20, 42; 1.18.1, 3.2.1-5. Xem thêm T. Brennan, “Stoic Moral Psychology”, trong Inwood (ed.), Cambridge Companion to the Stoics; Gill, Structured Self in Hellenistic and Roman Thought, 139- 145; M. R. Graver, Stoicism and Emotion (Chicago, 2007), ch. 2.
Nói rộng hơn, Epictetus sử dụng chủ đề này để đề xuất một ý tưởng cơ bản cho phần lớn nội dung của Giáo ngữ và đạo đức khắc kỷ nói chung. Đây là ý tưởng cho rằng khả năng đạt được hạnh phúc là “tùy thuộc vào ta” (hay “trong khả năng của ta”) và không hề phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, như thường giả định trong lối suy nghĩ thông thường. Ở một mức độ nào đó, ý tưởng này có nhiều tương đồng với tư tưởng La Mã và Hellenistic. Nhưng người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ đưa ra tuyên bố này dưới một hình thức đặc biệt mạnh mẽ, có liên kết với quan điểm của họ về việc hạnh phúc được thiết lập từ đức hạnh; hay nói một cách chính xác hơn là đức hạnh là điều kiện cần và đủ để hạnh phúc.1 Epictetus không trình bày ý tưởng này dưới dạng thuyết minh, dạng thức mà dù dưới bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ không phù hợp với mục đích thân mật và thực tế của những cuộc thảo luận được ghi lại trong Giáo ngữ.2 Nhưng ý tưởng này được bao hàm trong toàn bộ tác phẩm và làm cơ sở cho một chủ đề mà Epictetus đã nhấn mạnh, đó là sự phát triển hoặc tiến bộ về đạo đức.
Một đặc điểm rất riêng và cơ bản của đạo đức khắc kỷ là ý tưởng rằng tất cả mọi người nhìn chung đều có khả năng thực hiện hai loại phát triển đạo đức, một có liên quan đến sự tiến bộ trong hiểu biết về các phạm trù giá trị, loại kia liên quan đến các hình thức quan hệ. Trong loại thứ nhất, con người chuyển từ sự hấp dẫn theo bản năng sang các sản phẩm của tự nhiên, chẳng hạn như sức khỏe, để “lựa chọn” một cách sáng suốt. Cuối cùng, nếu tiến bộ đúng cách, họ sẽ hiểu ra rằng điều quan trọng, xét cho cùng, không phải là đạt được những sản phẩm tự nhiên ấy mà là làm điều đó theo cách đúng đắn, nghĩa là, theo cách thể hiện những phẩm chất cơ bản đối với đời sống tốt đẹp của con người, hoặc đức hạnh. Ở điểm này, bất kỳ điều gì khác ngoài đức hạnh đều có vẻ là “vấn đề không quan trọng”, mặc dù việc chúng ta thấy một số điều, chẳng hạn như sức khỏe hay của cải, “được ưa thích hơn”, so với những thứ “không được ưa thích” cũng là điều tự nhiên.3
1 Xem các chú thích ở n.6
2 So sánh với Cicero, On Ends 3-4, tác phẩm mà lý thuyết khắc kỷ này được xem xét và phản biện với chiều sâu. Về nhân vật và mục đích cuộc đối thoại của Epictetus xem nn. 4-7.
3 Xem Cicero, On Ends 3.17-22 (= LS 59 D); LS 57 A, 58; xem thêm Inwood, Ethics and Human Action in Early Stoicism, ch. 6; Annas, Morality of Happiness, ch. 5; Gill, Structured Self in Hellenistic and Roman Thought, 129-166.
Loại phát triển đạo đức thứ hai cũng bao gồm một sự dịch chuyển từ trạng thái bản năng hay nguyên thủy sang một trạng thái có lý trí (hay đạo đức) hơn. Loài người, cũng giống như những động vật phi nhân tính, có khuynh hướng tự nhiên muốn mang lại lợi ích cho ít nhất một số đồng loại khác; tình yêu của cha mẹ đối với con cái là một ví dụ rõ ràng về điều này. Nhưng ở con người, không như những loài động vật khác, bản năng này có thể được phát triển như một phần của lý tính đang tiến hóa của chúng ta, và nó có thể dẫn tới nhiều loại động lực có lợi khác. Một trong số đó là tham gia vào khu dân cư hay cộng đồng theo cách cho phép chúng ta mang lại lợi ích cho những người khác. Một đặc điểm khác thường và đặc biệt hơn của tư tưởng khắc kỷ là coi tất cả mọi người (như những động vật có lý trí đồng loại) như thành viên của một nhóm bằng hữu nhân loại hay đồng bào của một cộng đồng thế giới.4 Mặc dù chúng ta không có phân tích rõ ràng trong học thuyết khắc kỷ về mối quan hệ giữa hai tuyến phát triển đạo đức (cá nhân và xã hội) này, có vẻ như rõ ràng, về lý tưởng, hai loại phát triển này đã kết hợp và củng cố lẫn nhau.5 Kết hợp lại với nhau, chúng cho phép ta tiến tới cái lý tưởng về đức hạnh mà cũng tạo nên hạnh phúc của con người. Ngay cả khi có rất ít hoặc không ai trong chúng ta tuân thủ chương trình này một cách đầy đủ, việc thực hiện dự án phát triển này và làm như vậy suốt cả cuộc đời sẽ tạo nên cốt lõi đời sống đạo đức cho bất kỳ người nào theo Chủ nghĩa Khắc kỷ.
4 Xem Cicero, On Ends 3.62-68 (= LS 57 F); LS 57 G-H; xem thêm Annas, Morality of Happiness, 262-275; M. Schofield, “Social and Political Thought”, trong K. Algra et al. (eds.), The Cambridge History of Hellenistic Philosophy (Cambridge, 1999), 760-768.
5 Về hai loại này và liên hệ giữa chúng, xem LS 57 D–E; Annas, Morality of Happiness, 275- 276. Về mối tương quan giữa hai loại này trong triết học La Mã, xem G. Reydams-Schils, The Roman Stoics: Self, Responsibility, and Affection (Chicago, 2005), ch.2.
Tuy Epictetus không sử dụng nhiều thuật ngữ khắc kỷ oikeiosis (“sự chiếm đoạt làm của riêng/dành riêng”, hay “làm quen”) cho quá trình này, nhưng rõ ràng nó là trọng tâm cho các bài giảng của ông, mặc dù ông thường chỉ bàn một phần về nó. Ví dụ, ông dành ít sự chú ý cho cái ý tưởng rằng chúng ta tiến dần đến chỗ hiểu ra giá trị của đức hạnh thông qua việc “lựa chọn” giữa “cái thích hơn” với “thờ ơ không ưa thích”.1 Ông tập trung nhiều hơn vào kết quả mong muốn của kiểu phát triển đầu tiên, nghĩa là, sự công nhận của chúng ta đối với giá trị tuyệt đối của đức hạnh, và, đặc biệt là kiểu trạng thái nhân cách gắn liền với sự thừa nhận này, đó là sự tận hiến toàn tâm toàn ý về mặt đạo đức hay sự chính trực tuyệt đối. Nhưng ông lại đề cao loại thứ hai, tuyến phát triển về mặt xã hội, đặc biệt ở những giai đoạn có lý tính về sau. Ông nhấn mạnh cả hai khía cạnh có thể có của sự phát triển xã hội, đó là sự tham gia một cách hợp lý vào vai trò và liên kết xã hội của chúng ta, và mối quan tâm nhân từ đối với toàn thể nhân loại. Ông cũng khám phá, theo nhiều cách, ảnh hưởng qua lại của hai tuyến phát triển này và cái cách mà tại đó, sự phát triển hiểu biết của chúng ta về giá trị tuyệt đối của đức hạnh, trong sự đối lập với những thứ được gọi là sản phẩm khác, có thể và nên cho biết về thái độ và cảm xúc của chúng ta đối với người khác. Một số những đặc điểm nổi bật và đáng nhớ nhất của Giáo ngữ bắt nguồn từ sự khám phá của Epictetus về sự ảnh hưởng qua lại này, điều này sẽ được minh họa ở phần sau.2
1 Điều này đôi khi được xem như phản ánh ảnh hưởng của nhà khắc kỷ thời kỳ sơ khai Aristo (về người này xem LS 58 F-G): xem Long, Epictetus, 184-185, 201-202; Roskam, On the Path to Virtue, 112-114. Nhưng thay vì vậy, nó có thể phản ánh một điểm trọng yếu trong việc giảng dạy về lý tưởng đạo đức mà ông thường thôi thúc học trò của mình.
Cụm chủ đề đặc biệt thứ ba của Giáo ngữ rơi vào khoảng giao thoa giữa đạo đức và logic hay vật lý, mà, như đã được nhắc tới ở trước, là những lĩnh vực quan trọng trong tư tưởng khắc kỷ. Ở phạm vi thứ nhất, một chủ đề quan trọng là ý tưởng cho rằng trạng thái tâm trí của một người khôn ngoan chuẩn mực được đánh dấu bằng tính nhất quán và sự hiểu biết chặt chẽ có được nhờ nắm vững logic và các nguyên tắc đạo đức.
Ý tưởng này đôi khi được mô tả là “tính biện chứng”, vì logic khắc kỷ cũng được miêu tả như là “phép biện chứng”.1 Epictetus không thường coi một người khôn ngoan là tiêu chuẩn để khao khát. Thông thường hơn, ông hay viện dẫn lý tưởng của mình là Socrates hoặc Diogenes thành Sinope.2 Tuy nhiên, ông có trình bày về trạng thái tinh thần liên kết với “tính biện chứng” như một mục tiêu để hướng tới — là kết quả của giai đoạn thứ ba trong chương trình ba giai đoạn tiến bộ đạo đức của ông.3 Ông cũng nhấn mạnh — một cách rất thường xuyên — một chủ đề liên quan, rằng không nên chỉ theo đuổi logic như một trò tiêu khiển trí óc, mà phải coi nó là một yếu tố cần để thúc đẩy sự phát triển đạo đức của chúng ta.4
Điểm chung giữa đạo đức và vật lý mang đến một vài ý tưởng quan trọng của Chủ nghĩa Khắc kỷ, tập trung vào ý tưởng cho rằng vũ trụ tự nhiên cung cấp một khuôn khổ thông tin cho đời sống đạo đức. Vũ trụ, hay yếu tố định hình, hay “thần thánh”, của nó làm điều đó hoặc như một mô hình của trật tự, cấu trúc, và độ sáng suốt, hoặc như một nguồn chăm sóc theo ý trời dành cho những bộ phận cấu thành của vũ trụ, đặc biệt là con người, những người chia sẻ sự sáng suốt “linh thiêng” với nó. Một ý tưởng liên quan cho rằng con người thực hiện năng lực ý chí của mình bằng cách hành động phù hợp với định hướng hợp lý (thần thánh) của vũ trụ cũng như với bên trong con người họ, “người bảo hộ tinh thần” sáng suốt (daimōn).5 Nhóm các ý tưởng này có một vị trí nổi bật trong Giáo ngữ, cũng như trong một số tác phẩm về thực hành đạo đức khắc kỷ, đặc biệt là Suy tưởng của Marcus Aurelius.6 Epictetus đặc biệt nhấn mạnh ý tưởng cuối cùng, nêu bật ý tưởng cho rằng Thượng đế là người điều khiển vũ trụ và là nguồn gốc của tính hợp lý thần thánh trong chúng ta. Một chủ đề khác được nhấn mạnh là năng lực thực hiện ý chí (năng lực lý tính) trong việc phát triển theo hướng đức hạnh (được diễn tả như là prohairesis của chúng ta) là một năng lực cơ bản hoặc không thể nhượng lại của con người, mà được xây dựng nên trong một vũ trụ tự nhiên, linh thiêng. So với Marcus, ông chú trọng ít hơn vào ý tưởng rằng một khía cạnh của đức hạnh bao gồm việc quan niệm bản thân chúng ta như là một phần không thể thiếu của toàn thể vũ trụ, và chấp nhận rằng chiều hướng của các sự kiện trong cái toàn thể này là tốt, cho dù chúng có vẻ như gây bất lợi cho cá nhân chúng ta. Tương tự, ông cũng ít chú trọng hơn Marcus đối với ý tưởng về thuyết định mệnh nhân quả phổ quát, hay số phận, như một biểu hiện của tác nhân thần thánh, ý trời.7
1 Xem LS 31 B; xem thêm A. A. Long, Stoic Studies (Cambridge, 1996), 91-94, 104-106.
2 Xem ví dụ 4.1.159-166 (Socrates), 3.22 (Diogenes the Cynic). Về tầm quan trọng của Socrates và Diogenes đối với Epictetus, xem thêm n. 37.
3 Xem 3.2.2, 5; xem thêm 1.4.11, 3.12.14-15, 4.10.13.
4 Xem các chú thích ở n.5.
5 Xem LS 54 C(6), H, L-M, 60 A, 63 C.
6 So sánh với tác phẩm Marcus Aurelius, Meditations 3.6, 4.4, 5.21.
7 Xem ví dụ 1.1.7-13, 1.14.11-14, 1.17.15-27, 2.8.12-13, 4.12.11-12; xem thêm về việc chấp nhận mọi sự như là số phận, 2.6.9. So sánh với Marcus Aurelius, Meditations 2.3, 2.17, 4.45, 5.8.
Đổi mới triết học hay Phong cách sư phạm?
Chúng ta có thể tìm thấy một lời giải thích tổng thể cho các chủ đề khắc kỷ được Epictetus nhấn mạnh hay ít chú trọng không? Nếu vậy thì điều này phát xuất từ tính chất độc đáo và sự đổi mới triết học hay từ bản chất của kiểu khuyến khích đạo đức thực tiễn được đưa ra trong tác phẩm Giáo ngữ?
Đôi lúc người ta cho rằng Epictetus đã giới thiệu những tư tưởng mới vào Chủ nghĩa Khắc kỷ. Chẳng hạn, hãy chú ý kỹ đến cách ông tập trung vào năng lực lý trí (chủ đề đầu tiên được lưu ý ở đây) và quan điểm rằng đây là một năng lực bất khả xâm phạm của con người (chủ đề thứ ba). Việc ông không nhấn mạnh vào thuyết tiền định đôi khi đi liền với điều này. Có ý kiến cho rằng Epictetus đang hướng đến một định nghĩa mới về phạm vi quyền tự chủ và trách nhiệm thường được các nhà khắc kỷ coi là một năng lực cơ bản của con người, một điều tương thích với ý tưởng về thuyết định mệnh nhân quả phổ quát. Epictetus được cho là đang nhắm đến việc xác định một lĩnh vực, thuộc về khả năng kiểm soát những suy nghĩ và động lực của chúng ta, đặc biệt là bằng cách “kiểm tra những niệm tưởng của chúng ta” trước khi “đồng thuận”, điều này không chịu tác động từ mô hình rộng hơn của thuyết định mệnh nhân quả.1 Epictetus đôi lúc mô tả năng lực này bằng thuật ngữ “quyền tự do” (ví dụ 3.22.42, Cẩm nang thư 1.2-3), mặc dù bản thân ông không xem động thái này như một yếu tố cấu thành lý thuyết về “tự do ý chí”. Tuy nhiên, người ta cho rằng động thái của ông có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của ý tưởng về “quyền tự do ý chí” được thể hiện trong ngôn ngữ của những cây bút Công giáo chịu ảnh hưởng từ Epictetus.2 Phần lớn những ý tưởng mà Epictitus đưa ra về Thượng đế đều là những tuyến phát triển nổi bật của tư tưởng khắc kỷ trong lĩnh vực này. Nhưng trước nay người ta vẫn cho rằng Epictetus trình bày chúng theo một cách mới mẻ hoặc đặc biệt, với một cái nhìn mang tính cá nhân hơn về Thượng đế và sự chăm sóc thần thánh dành cho nhân loại so với những gì thường thấy trong tư tưởng khắc kỷ.3
1 Xem R. Dobbin, “Prohairesis in Epictetus”, Ancient Philosophy, 11 (1991), 111-135.
2 M. Frede, A Free Will: Origins of the Notion in Ancient Thought (Berkeley, 2011), 44-48, 76-83, 113, 157-158.
3 Xem ví dụ Long, Epictetus, 142-147.
Do sự thất truyền của các luận thuyết chính trong Chủ nghĩa Khắc kỷ Hellenistic, và phải phụ thuộc vào các bản tóm tắt sau này của các học thuyết, chúng ta khó có thể lần theo bất kỳ động thái chắc chắn nào hướng tới sự đổi mới của các tác giả khắc kỷ sau này. Cũng vậy, trong những tác phẩm như Giáo ngữ, không dễ để phân biệt giữa các ý tưởng căn nguyên với những phát biểu nổi bật về các đặc điểm chính của học thuyết khắc kỷ, được thiết kế để phát huy trong bối cảnh thực hành đạo đức. Liên quan đến các nghiên cứu của Epictetus về hành động hợp lý, có ý kiến cho rằng, dù những phát biểu có hệ thống của ông có khác thường, ông chỉ đơn giản xác định theo cách của riêng mình những năng lực của con người đã được Chrysippus công nhận. Các nhà lý luận Chủ nghĩa Khắc kỷ trước đó đã khẳng định rằng thực tế con người cần “đồng thuận” với “cảm tưởng” khiến họ trở thành một loại tác nhân nhân quả khác với các loài động vật (hay khách thể) khác, và khả năng này tương thích với thuyết định mệnh nhân quả tổng quát. Do đó Epictetus kêu gọi chúng ta “xem xét những niệm tưởng” trước khi “đồng thuận” với chúng, cùng với việc nhấn mạnh vào đặc điểm “bất khả xâm phạm” của năng lực lý tính con người (hay prohairesis), có thể nhìn đơn giản như là một sự tái diễn đạt nổi bật của học thuyết này. Nhu cầu đối với một quan niệm về “người theo thuyết vô định” (không hợp với thuyết định mệnh) thuộc về, như đã được tuyên bố, giai đoạn sau của cuộc tranh luận cổ đại về chủ đề này.1 Dựa theo sự trình bày của Epictetus về Thượng đế, người ta đặt ra câu hỏi rằng liệu điều này có thực sự mang tính cá nhân hơn trong cách tiếp cận hay giọng điệu so với những gì có thể tìm thấy trong tư tưởng khắc kỷ trước đó hay không.2
1 S. Bobzien, Determinism and Freedom in Stoic Philosophy (Oxford, 1998), 331-338, 341-345 (về "thuyết vô định" trong cuộc tranh luận sau, xem ch. 8). Về lý thuyết nhân duyên của Chrysippus (được xem như đi đôi với thuyết tiền định), xem Cicero, On Fate 39-43 (= LS 62 C).
2 K. Algra, “Epictetus and Stoic Theology”, in Scaltsas and Mason (eds.), Philosophy of Epictetus.
Một phương pháp thay thế, và có thể hứa hẹn hơn, có lẽ là giải thích những điểm nhấn mạnh và khoảng trống (hay những yếu tố không được nhấn mạnh) của Epictetus thông qua việc tham khảo những mục đích thực tế hoặc giáo dục của ông trong những cuộc thảo luận được Arrian ghi lại. Đáng để nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng những cuộc thảo luận này chủ yếu hướng đến những học trò trẻ tuổi hoặc những vị khách đến thăm trường, và có vẻ như được đặc biệt thiết kế để mang lại cho các học trò cái ý tưởng rằng Chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ đơn giản là một môn học hàn lâm mà nó còn nhằm vào việc định hình hoặc tái định hình toàn bộ cách sống của một người. Rõ ràng, đây không phải là bối cảnh mà người ta sẽ mong đợi Epictetus đưa ra những ý tưởng cách tân về tư tưởng khắc kỷ, cho dù ông có thực sự làm vậy trong các lớp học chính thức của mình (mà chúng ta không có được các ghi chép về chúng).
Ở đây, có thể sẽ hữu ích khi ghi nhớ một số kiểu phân loại được sử dụng trong các phương pháp mô tả về đạo đức thực hành trong thời kỳ này. Một kiểu chia nhỏ diễn ngôn đạo đức có định hướng thực tế thành các phân nhóm: thuyết phục, trị liệu và lời khuyên. Mục đích của phân nhóm thuyết phục là khiến người nghe gắn bó với triết học, hoặc làm điều đó sâu sắc hơn; phân nhóm trị liệu hướng đến việc sử dụng triết học để giúp người nghe thoát khỏi những niềm tin sai lầm, ảnh hưởng đến động cơ, cảm xúc và hành động của anh ta; phân nhóm lời khuyên nhắm tới việc thay thế những niềm tin bị chối bỏ bằng các hướng dẫn hành động có cơ sở tốt hơn.1 Mặc dù Epictetus không sử dụng kiểu phân loại này một cách có hệ thống nhưng ông ám chỉ ý tưởng triết học như là một sự thuyết phục và trị liệu, và cũng sử dụng các bài giảng của mình một cách rộng rãi để đưa ra lời khuyên về cách sống dựa theo những nguyên tắc khắc kỷ. Ông cũng sử dụng phân nhómelenchus (bác bỏ một mệnh đ bằng cách chứng minh ngược lại — ND), hay diễn ngôn “bác bỏ”, sử dụng ngôn ngữ và, ở một mức độ nào đó, phương pháp luận của Socrates, như đã được lột tả trong những cuộc đối thoại Platonic ban đầu. Epictetus, giống như Socrates, bắt đầu chỉ cho người đối thoại của mình thấy rằng người đó đang sống cuộc đời trên cơ sở những niềm tin không tương thích với nhau, hay ít nhất là không tương thích với những niềm tin mà ông thuyết phục người đối thoại với mình hãy chấp nhận, và do đó sẽ sửa đổi hệ thống niềm tin của anh ta. Epictetus cũng xem Zeno — nhà sáng lập ra Chủ nghĩa Khắc kỷ, và Diogenes — nhà sáng lập Chủ nghĩa Yếm thế, như những biểu tượng cho hai sự đối lập, nhưng lại tương thích. Các phong cách diễn ngôn, một loại thì “giáo điều”, hay mang tính hướng dẫn hơn, và loại kia thì mang tính “khiển trách”, hay phê phán niềm tin hoặc lối sống (hoặc cả hai) của người nghe.2 Việc sử dụng thuật ngữ kiểu này của Epictetus, cùng với các tham chiếu đến chương trình ba chủ đề về đạo đức của ông, cho thấy rằng mối quan tâm chủ yếu của ông trong các bài thuyết giảng chính là sự thực hành, thông qua việc phê phán và các phương pháp suy diễn nhằm thu hút người nghe của ông tham gia và tiến bộ trong dự án thực hiện lối sống khắc kỷ.3
1 Loại hình này đặc biệt có liên quan đến tác phẩm Academic (Platonic) nhà chính trị Philo of Larisa (158-184); xem Stobaeus 2.39-41 (ed.Wachsmuth và Hense). Nhưng nhìn chung nó lại có liên hệ với việc thực hành triết học Hy Lạp – La Mã nhiều hơn. Về những loại hình thực hành phẩm cách trong giai đoạn này, xem C. Gill, “The School in the Roman Imperial Period”, trong Inwood (ed.), Cambridge Companion to the Stoics, đoạn 40-44.
1 Xem 2.26.4, 3.21.19, 3.23.33-37; xem thêm 1.11, 1.28.6-8, Về phương pháp hỏi gợi ý kiểu Socrate (Socratic elenchus) trong tác phẩm này. Xem thêm Long: Epictetus, 52-66, 74-79. Về tầm quan trọng của Chủ nghĩa Yếm thế, đặc biệt là nhân vật Diogenes, trong Epictetus, xem K. Ierodiakonou, “The Philosopher as God’s Messenger”, và M. Schofield, “Epictetus on Cynicism” cả hai đều ở trong Scaltsas and Mason (eds.), Philosophy of Epictetus.
2 Về chương trình giảng dạy ba chủ đề hay ba giai đoạn cho sự phát triển đạo đức hay tiến bộ, xem 3.2.1-5 và chú thích n. 26; xem thêm Long, Epictetus 112-118; Gill, Structured Self in Hellenistic and Roman Thought, 380–389; references in n. 12.
Nếu quay trở lại với ba chủ đề hay cụm chủ đề đặc biệt trong Giáo ngữ với nền tảng này, chúng ta có thể diễn giải rằng chúng, khi được kết hợp lại với nhau, hình thành nên tư liệu cho một chương trình tiến bộ liên quan đến đạo đức được thực hiện theo phương châm khắc kỷ. Sự nhấn mạnh vào năng lực của con người đối với ý chí (prohairesis), đặc biệt là phương cách liên quan đến việc đạt được hạnh phúc (hoặc bắt đầu làm như vậy), có thể được nhìn nhận như một phương tiện thuyết phục, thúc đẩy các thính giả của ông tham gia đầy đủ hơn vào nội dung đạo đức của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Việc nhấn mạnh vào năng lực lý tính của chúng ta, và thúc giục chúng ta tập trung vào những thứ “tùy thuộc ở chúng ta” (cũng như “xem xét những niệm tưởng của chúng ta” trước khi “đồng thuận với chúng”), có lẽ được thiết kế như là bước đầu tiên hướng đến việc diễn giải các ý tưởng triết học thành một chương trình dành cho cuộc sống.1
1 Xem p. xiii và n. 14; 3.2.1, 3; xem thêm Gill, Structured Self in Hellenistic and Roman Thought, 382-384.
Bước tiếp theo có thể được cung cấp bởi rất nhiều sự ám chỉ của Epictetus về các ý tưởng khắc kỷ liên quan đến việc phát triển đạo đức như một sự “chiếm đoạt/dành riêng”; rất có thể, khía cạnh xã hội của vấn đề này được trình bày như giai đoạn thứ hai trong chương trình ba chủ đề của Epictetus (3.2.4). Như đã nói, tâm điểm tập trung của Epictetus, trên khía cạnh phát triển cá nhân, chú trọng vào kết quả mong muốn của quá trình, tức là, xem cái gọi là “những điều tốt đẹp khác” là “vấn đề không quan trọng” nếu so sánh với đức hạnh, chứ không phải vào quá trình phân biệt giữa “cái thích hơn” và “những thứ thờ ơ không ưa thích”, vốn thường được trình bày như một công cụ để hướng tới sự công nhận đó. Sự nhấn mạnh này có thể được xem như là “thuyết phục” theo một nghĩa khác, đó là chỉ ra cho người nghe thấy được điểm cuối của sự phát triển đạo đức ngay cả khi bản thân họ còn lâu mới đạt được kết quả này. Tương tự, lời khuyên của Epictetus về cách thực hiện các khía cạnh xã hội trong sự phát triển cũng nhấn mạnh điểm cuối mong muốn của quá trình này: cam kết gắn bó đạo đức với một vai trò xã hội
cụ thể hoặc thực hiện sứ mệnh giúp đỡ nhân loại nói chung. Ông cũng nhấn mạnh sự tác động lẫn nhau giữa hai yếu tố, và tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa chúng ta với người khác khi công nhận sự ưu tiên tuyệt đối của đức hạnh (hay “tốt đẹp”) so với sự thờ ơ an toàn (hay “ngoại cảnh”, như ông thường gọi). Mặc dù Epictetus hướng sự chú ý và mong muốn của người nghe vào các lý tưởng cao đẹp hoặc các hành vi đạo đức tiến bộ hoặc các trạng thái tính cách, thì ông cũng làm vậy theo cách rất sinh động, với sự kết hợp giữa ngôn ngữ đơn giản và sự khắc họa tính cách kịch tính. Điều này lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả khi ông miêu tả những mức độ của sự hiểu biết về đạo đức vượt xa khỏi sự tiếp cận của những người đối thoại cùng ông, ông vẫn muốn họ nắm bắt và cảm nhận sức mạnh của những lý tưởng này.1
Cụm chủ đề thứ ba đã được nhấn mạnh trước đây, nằm trong khoảng giao thoa của đạo đức với logic hay vật lý, có thể được coi là xác định các khía cạnh của đạo đức cần nhiều trí tuệ hoặc sự suy ngẫm (hay “sự thông tuệ”, theo thuật ngữ khắc kỷ) hơn. Một khía cạnh của điều này là lý tưởng về một sự hiểu biết nhất quán về đạo đức, hay “đức tính biện chứng”, mà khả năng rất cao có thể được coi là giai đoạn thứ ba của chương trình ba chủ đề của Epictetus (3.2.1.5). Một khía cạnh khác là hiểu năng lực lý tính, hay prohairesis, như một năng lực không thể nhượng lại của con người trong một vũ trụ có tính thần thánh. Mặc dù những mô típ này liên quan đến trạng thái trí tuệ hoặc sự hiểu biết, chúng cũng liên kết chặt chẽ với hai chủ đề kia, những chủ đề đặc biệt, có xu hướng thực tế hơn (ý chí và phát triển đạo đức).2 Chúng có thể được coi là một khía cạnh khác của đức hạnh, có sức mạnh và giá trị như một lý tưởng sống mà Epictetus muốn truyền đạt. Do đó, xét một cách tổng thể, các tư tưởng chủ đạo nhất của Epictetus có thể được hiểu như một sự phản ánh những gì dường như là mục đích chính trong các cuộc thảo luận của ông với các học trò và những người khác. Điều này giúp họ giác ngộ, mạnh mẽ nhất có thể, ý nghĩa của việc tham gia, một cách chân thành và sâu sắc, vào dự án đạo đức về việc cam kết sống với triết lý khắc kỷ.3
1 Xem phần xv–xvi và nn. 22-23; Gill, Structured Self in Hellenistic and Roman Thought, 384-386 và chủ điểm 1.2.
2 Xem phần xvi–xvii và nn. 24-30.
3 Xem phần ix và n.5.
Bài đọc minh họa: Các bài thuyết giảng 1.1-2
Để minh họa cho một số chủ đề này và cái cách mà Epictetus làm nổi bật ý nghĩa của chúng, chúng ta hãy xem xét hai bài thuyết giảng đầu tiên trong Quyển 1. Trong cả hai trường hợp, Epictetus bắt đầu bằng cách xác định một chủ đề một cách tổng quát, trước khi khám phá ý nghĩa của nó đối với việc cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp. Ông kết hợp những lời phát biểu chung chung, có tính chất mô tả với cuộc hội thoại tưởng tượng đầy sinh động, đặc biệt là ở việc đưa ra hàm ý về các giá trị đạo đức học thực tiễn. Về các thuật ngữ mà đôi khi Epictetus sử dụng, ông kết hợp kiểu học thuyết với các kiểu thuyết phục và bác bỏ (bắt bẻ), hai kiểu thuật ngữ sau đôi khi được kết hợp lẫn với nhau.
Trong 1.1, Epictetus bắt đầu bằng cách trình bày rằng tuệ năng (năng lực lý trí), không giống như những năng lực và kỹ xảo khác, là thứ năng lực có thể hiểu được chính nó và những năng lực khác. Sau đó ông tách ra một khía cạnh nổi bật của năng lực này, “giúp ta xử trị những niệm tưởng của mình” (7), gói gọn sự kết hợp giữa khả năng quản trị bản thân và khả năng quản trị những thứ khác. Khả năng sau được mô tả, trái ngược với tình trạng sức khỏe, tài sản của cải và các mối quan hệ cá nhân của chúng ta, là thứ duy nhất hoàn toàn “tùy thuộc ở chúng ta” hoặc “nằm trong tầm định đoạt của ta” (eph’ hēmin). Ý tưởng này được trình bày bằng cách nói rằng năng lực này (là “một phần” của thần lực) là thứ duy nhất mà Zeus, vua của các vị thần, có thể hoàn toàn đặt trong khả năng của chúng ta (10-13, được thể hiện dưới dạng lời nói của Zeus). Epictetus tiếp tục khẳng định rằng, chúng ta thường dùng sai khả năng này; chúng ta bận tâm về những thứ “không tùy thuộc ở chúng ta” (của cải tài sản v.v.). Thay vào đó, chúng ta nên “tận dụng tốt nhất những điều nằm trong khả năng của mình và đối phó với mọi thứ khác khi nó xảy đến” (17). Khuyến nghị này sau đó được minh họa bằng một loạt các cuộc hội thoại tưởng tượng, một số trong đó liên quan đến các nhân vật lịch sử, bao gồm cả các ví dụ nổi tiếng lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa Khắc kỷ về việc chống lại thái độ hoặc hành động chuyên chế của các vị hoàng đế La Mã.1 Mỗi điều trong số đó đều được thiết kế để chỉ ra những gì liên quan đến việc “tận dụng tốt nhất những điều nằm trong khả năng của mình”, và cùng với đó “đối phó với mọi thứ khác” liên quan đến cơ thể hay cuộc sống tiếp diễn của chúng ta — “khi nó xảy đến”. Những ví dụ này cho thấy, như ông đã chỉ ra, “ý nghĩa của việc rèn luyện bản thân trong những vấn đề mà một người cần phải rèn luyện bản thân” (31).
Bài giảng tập trung vào các chủ đề nổi bật thuộc nhóm số một và số ba nói trên. Đôi khi, nó được coi, cùng với các bài giảng khác, chẳng hạn như 1.17, là đánh dấu một đóng góp mới mẻ hoặc có tính sáng kiến cho tư tưởng khắc kỷ về năng lực tâm lý, hay “ý chí tự do”. Tuy nhiên, năng lực nhận biết (lý trí) cũng có thể được xem là một phần của những ý tưởng khắc kỷ lâu đời về tính cách riêng biệt của lý trí con người cũng như khả năng tiến bộ về đạo đức.2 Nửa sau của cuộc thảo luận tập trung toàn bộ vào hai đặc điểm được trình bày như là những khía cạnh của hành động có đạo đức (hay ít nhất cho thấy sự tiến bộ trong đức hạnh). Các nhân vật được mô tả là “làm điều tốt nhất trong khả năng của chúng ta”, ví dụ như hành động dũng cảm, đồng thời “đối phó với với mọi thứ khác”, bao gồm cả sự cầm tù, lưu đày, hay cái chết đi kèm với hành động dũng cảm này “khi nó xảy đến” (17; xem 18-32). Kết luận của Epictetus, rằng “đây là ý nghĩa của việc rèn luyện bản thân trong những vấn đề mà một người cần phải rèn luyện bản thân” (31), cho thấy điều mà ông quan tâm tới ở đây là việc sử dụng đúng đắn ý chí như một cơ sở cho hành động có đạo đức và sự phát triển, cũng như ý tưởng rằng năng lực này là đặc tính cơ bản và đặc biệt của con người.
1 Xem Phần giải thích đến 1.1.
2 Xem phần xviii–xix và nn.31-34.
Bài giảng 1.2 có một cấu trúc tổng quát và phong cách tương tự; nhưng trọng tâm nằm ở các thái độ và hành động đạo đức, vấn đề được nói tới trong nửa cuối của phần 1.1, là tư tưởng chủ đạo của phần 1.2. Bài giảng bao hàm một học thuyết mà chúng tôi thấy được trình bày đầy đủ hơn trong On Duties I.107- 21 của Cicero. Đây là ý tưởng rằng, trong đời sống đức hạnh của chúng ta, ta nên thấy mình thể hiện bốn “vai trò”, hay “nhân vật” (prosōpa theo tiếng Hy Lạp và personae trong tiếng Latinh): vai trò con người tổng thể của chúng ta với tư cách là tác nhân đạo đức lý trí, tính cách cá nhân, và những vai trò xã hội cụ thể là kết quả của nền tảng hoặc lựa chọn của chúng ta. Đạt đến đức hạnh, hay thu được tiến bộ từ đó, ít nhất một phần cũng chính là việc cố gắng dung hòa những vai trò này.1
1 Về lý thuyết này, xem C. Gill, “Personhood and Personality: The FourPersonae Theory in Cicero, De Officiis 1”, Oxford Studies in Ancient Philosophy, 6 (1988), 169- 199; J. Annas, “Epictetus on Moral Perspectives”, và M. Frede, “A Notion of Person in Epictetus”, cả hai đều thuộc Scaltsas và Mason (eds.), Philosophy of Epictetus; B. E. Johnson, “Socrates, Heracles and the Deflation of Roles in Epictetus”, Ancient Philosophy, 32 (2012), 125-145.
Epictetus bắt đầu bằng cách khẳng định rằng: “Đối với một sinh vật có lý trí, chỉ có những gì đối lập với tự nhiên mới là không thể chịu đựng nổi, còn mọi thứ hợp lý đều có thể chịu đựng được.” Nhưng mọi người lại có những quan điểm khác nhau về việc điều gì là hợp lý hay không hợp lý để chịu đựng; và để nâng cao kiến thức của chúng ta trong khía cạnh này, chúng ta cần phải tiến bộ hơn trong việc đánh giá cả “giá trị của những thứ bên ngoài” lẫn việc “chúng có quan hệ như thế nào với tính cách cụ thể của chúng ta” (7). Trình bày ban đầu của Epictetus có thể gợi ý rằng ông có quan điểm tương đối trung lập về việc những người khác nhau thực hiện quá trình đánh giá này như thế nào; nhưng không hẳn là vậy. Tiếp đó, Epictetus đưa ra một loạt các nhân vật làm gương, tất cả đều tin rằng việc thể hiện tính cách cụ thể và vai trò xã hội mà họ đảm nhận đã đòi hỏi họ đề cao hành động dũng cảm và hạ thấp giá trị đối với “những thứ bên ngoài”, bao gồm cả cuộc sống đang tiếp diễn của họ.1 Ông cũng mô tả những con người ấy đã đề cao chính bản thân và cả năng lực lý tính (prohairesis) của mình, trái ngược với việc “bán rẻ nó” (33), và rõ ràng liên kết bản thân ông với lập trường của họ (11, 29, 33). Ông thừa nhận rằng, dù sao đi nữa, không phải ai cũng có thể cảm thấy sẵn sàng gánh vác vị trí này, hay sẵn sàng làm vậy vào lúc này. Nhưng ông kêu gọi các thính giả của mình “trải qua mùa đông khổ luyện” để chuẩn bị tinh thần làm như vậy (32), và, giống như bản thân Epictetus, đừng “ngừng cố gắng… chỉ vì tôi tuyệt vọng trong việc đạt được sự hoàn hảo” (37).2
1 Về những tấm gương này xem thêm Phần giải thích đến 1.2.
2 Xem Gill, “Personhood and Personality”, 187-191.
Bài thuyết giảng này rõ ràng có liên quan đến nhóm quan điểm thứ hai đã thảo luận ở trên, về sự phát triển đạo đức, đặc biệt là việc thực hiện các vai trò xã hội gắn liền với chủ đề thứ hai trong chương trình gồm ba chủ đề của Epictetus (3.2.2, 4). Chính xác hơn, nó có liên hệ với sự tác động qua lại lẫn nhau giữa hai mạch trong sự phát triển đạo đức giữa việc dấn thân vào đời, thực hiện vai trò xã hội đặc thù của một người và nhận ra rằng, so với hành vi có phẩm giá, đạo đức thì những thứ được gọi là tốt đẹp khác trong cuộc sống (ngay cả chuyện được tiếp tục sống) chỉ là “những vấn đề không quan trọng”. Epictetus đã nhiều lần khám phá lĩnh vực khá phức tạp này trong tác phẩm Giáo ngữ, nêu bật mâu thuẫn tiềm tàng, chẳng hạn như, giữa việc thực hiện vai trò trong gia đình của một người (theo cách hiểu thông thường) và lựa chọn hành xử một cách có phẩm hạnh. Ông cũng nhấn mạnh rằng, với lý do tương tự, chúng ta nên duy trì sự nhận thức về trạng thái hữu hoại của những người mà chúng ta yêu thương (cũng như trạng thái hữu hoại của chúng ta), nhưng hãy nhìn nhận về thực tế này bằng một nhãn quan đạo đức thích hợp.1 Những nhận xét này thường khiến người đọc cảm thấy lạnh lùng và vô cảm, và như thể đã trưng ra mặt vô tình của đạo đức khắc kỷ. Nhưng tốt hơn là nên nhìn nhận chúng như những hàm ý đối với các mối quan hệ cá nhân theo quan điểm đạo đức mà, xét về tổng thể, có mức độ đáng tin cậy cao và có tính chặt chẽ.
1 Xem 3.3.5-8, 3.24.84-88; Handbook 3; xem thêm Long, Epictetus, 233-244, 248-249; Gill, Structured Self in Hellenistic and Roman Thought, 385-386.
Đón nhận tư tưởng của Epictetus
Tác phẩm Cẩm nang thư và Giáo ngữ của Epictetus có lẽ được đọc rộng rãi và có ảnh hưởng nhất trong tất cả các văn bản của phái khắc kỷ từ lần đầu xuất hiện cho đến nay. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa lý tưởng đạo đức với tính thẳng thắn và dễ tiếp cận đã khiến những tác phẩm đó có một sức ảnh hưởng to lớn, vượt ra ngoài phạm vi tín đồ của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Mặc dù bản chất của những sự hưởng ứng này rất khác nhau, nhưng nó tập trung vào các tính chất được coi là riêng biệt, đặc biệt là sự nhấn mạnh vào yếu tố đạo đức của chúng ta và việc làm chủ hạnh phúc của chúng ta, cũng như hướng dẫn mang tính xây dựng và thiết thực về việc tự cải thiện bản thân về mặt đạo đức.
Vào thế kỷ thứ hai, Epictetus là người có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và phong cách của cuốn nhật ký triết học của Marcus Aurelius (Suy tưởng), và được các trí thức (không thuộc phái khắc kỷ) như Galen, Gellius và Lucian coi là nhà tư tưởng quan trọng. Lập trường đạo đức kiên định của ông khiến ông trở nên có sức cuốn hút đối với những tín đồ đạo Cơ đốc thời ban đầu như Clement, Origen, và John Chrysostom. Tư tưởng của ông về năng lực lý tính và quyết định (prohairesis)được xem là giúp định hình cho sự xuất hiện của quan điểm của người Cơ đốc về ý chí và tự do ý chí, đặc biệt ở Origen và Augustine (thế kỷ thứ ba và bốn).1 Vào thế kỷ thứ sáu, Simplicius đã viết một bài bình luận quan trọng về cuốn Cẩm nang thư, xem nó là một bản giới thiệu về triết lý và lối sống của người theo thuyết Plato mới. Cẩm nang thư cũng được tiếp nhận, với một vài sửa đổi (bao gồm việc thay tên “Socrates” thành “St Paul”), bởi các tu sĩ Cơ đốc giáo, và sử dụng nó trong hàng thế kỷ trong Giáo hội chính thống phương Đông (Giáo hội chính thống Hy Lạp). Thông qua các học giả Cơ đốc giáo xứ Syria cổ, tư tưởng của Epictetus đã lan truyền đến vùng Hồi giáo phương Đông, chẳng hạn như ảnh hưởng đến bài giảng “Xua tan muộn phiền” của al-Kindī, một nhân vật có tiếng tăm trong việc nghiên cứu các văn bản Hy Lạp ở Baghdad vào thế kỷ thứ chín.2
1 Xem Frede, Free Will, 113, 157-158. Về sự ảnh hưởng lên Cơ đốc giáo, xem M. Spanneut, “Epiktet”, trong T. Klauser (ed.), Reallexikon für Antike und Christentum, 24 tập cho đến nay (Stuttgart, 1950– ), vol. v.
2 Xem R. Dobbin, Epictetus: Discourses and Selected Writings, với phần giới thiệu và chú thích (London, 2008), phần xv–xvi.
Từ cuối thế kỷ 15 trở đi, các bản dịch và ấn bản của các tác phẩm của Epictetus được phổ biến rộng rãi trên hầu hết các nước châu Âu. Điều này đã thúc đẩy sự xuất hiện của triết học Neostoic do Justus Lipsius (người Hà Lan, 1547 - 1606) và Guillaume de Vair (người Pháp, 1556 - 1621) khởi xướng, tư tưởng này áp dụng một cách chọn lọc các chủ đề chính của phái khắc kỷ. Epictetus cũng có ảnh hưởng đáng kể đến hai nhà tư tưởng lớn đầu thế kỷ 17, Pascal (1623 - 1662) và Descartes (1596 - 1650). Cả hai đều hưởng ứng tuyên bố của Epictetus rằng năng lực lý tính là nền tảng cho bản chất của con người và sự khích lệ của ông đối với sức chịu đựng về tinh thần. Tuy nhiên, Pascal, giống như những tác giả Cơ đốc giáo khác trong thời kỳ này, có sự dè dặt đối với “sự kiêu ngạo” đậm chất khắc kỷ của Epictetus, tức là, niềm tin rằng sự hoàn hảo của chúng ta phụ thuộc vào nỗ lực của chính ta hơn là ân điển của Thượng đế. Descartes, trong luận thuyết của phương pháp hoài nghi của mình, hưởng ứng việc Epictetus nhấn mạnh cần “kiểm tra những niệm tưởng” trước khi “đồng thuận” với chúng.
Ở Anh, sức ảnh hưởng của Epictetus rõ rệt hơn vào thế kỷ 18. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm Giáo ngữ được Elizabeth Carter xuất bản năm 1758 và vẫn là bản tiếng Anh tiêu chuẩn cho đến thế kỷ 20. Các nhà tư tưởng người Anh chịu ảnh hưởng của Epictetus trong thời kỳ này bao gồm bá tước đời thứ ba của xứ Shaftesbury (Anthony Ashley Cooper, 1671 - 1713) và Bishop Joseph Butler (1692 - 1750). Những nhà tư tưởng này cũng hưởng ứng sự chú trọng của Epictetus vào khả năng của con người đối với yếu tố lý tính và đạo đức độc lập (“lương tâm” hay “lý do đạo đức”, theo thuật ngữ của Butler ).1
1 Xem Long, Epictetus, 261-268. Về những bản văn của Epictetus, xem W.A. Oldfather, Epictetus: The Discourses as Reported by Arrian, the Manual, và Fragments, 2 tập. (London, 1926), phần xxxi–xxxiii; Dobbin, Epictetus: Discourses Book 1, phần xxiii–xxiv.
Epictetus đã có tiếng vang lâu đời ở Hoa Kỳ; tính nghiêm khắc của ông trong việc không thỏa hiệp về mặt đạo đức hòa hợp với niềm tin Cơ đốc giáo Tin lành và chủ nghĩa cá nhâ đạo đức vốn đã tồn tại bền bỉ trong nền văn hóa Mỹ. Những người ngưỡng mộ ông trải dài từ John Harvard và Thomas Jefferson ở thế kỷ 17 và 18 cho đến Ralph Waldo Emerson và Henry David Thoreau ở thế kỷ 19. Gần đây nữa, Phó Đô đốc James Stockdale đã viết một cách đầy xúc động về việc chính nhờ tìm hiểu về Epictetus ở Đại học Stanford mà ông đã sống sót qua khỏi áp lực tâm lý khi bị bắt làm tù binh trong chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1965 đến 1973. Câu chuyện của Stockdale tạo nền móng cho phương thức điều trị nhẹ nhàng của sức mạnh đạo đức Chủ nghĩa Khắc kỷ trong tiểu thuyết A Man in Full (1998) của Tom Wolfe.1
Trong những năm gần đây, các tác phẩm của Epictetus, cùng với những tác phẩm khác về đạo đức thực tiễn của phái khắc kỷ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài liệu cho một sự bùng nổ các tác phẩm viết về một “cẩm nang sống” hay con đường dẫn đến hạnh phúc.2 Chủ nghĩa Khắc kỷ, đặc biệt được trình bày bởi Epictetus, cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự xuất hiện của phương pháp nhận thức trong trị liệu tâm lý, trong đó tập trung vào những nỗ lực có chủ ý của bệnh nhân nhằm giải quyết chứng trầm cảm và rối loạn cảm xúc, thay vì tìm cách khám phá những nguyên nhân gốc rễ trong vô thức của họ, như cách làm của phân tâm học Freud. Epictetus đã giúp định hình cho sự phát triển lối tiếp cận này của Albert Ellis và Aaron Beck, và rất có thể phù hợp hơn với một số phiên bản hiện thời của phương pháp này, những phiên bản đó gia tăng sự nhấn mạnh vào việc khuyến khích bệnh nhân suy ngẫm về các giá trị và lựa chọn cuộc sống của mình cũng như điều chỉnh những niềm tin và hành vi.3 Bằng cách này hay cách khác, lời kêu gọi mạnh mẽ của Epictetus để hiểu được vai trò quan trọng của việc nhận ra đâu là những thứ “tùy thuộc ở chúng ta” vẫn còn vang vọng với các độc giả thời hiện đại.
1 Xem Long, Epictetus, 268-270; Xem thêm J. Stockdale, Thoughts of a Philosophical Fighter Pilot (Stanford, 1995).
2 Xem ví dụ J. Evans, Philosophy for Life: And Other Dangerous Situations (London, 2012), 25-38.
3 Xem D. Robertson, The Philosophy of Cognitive–Behavioural Therapy (CBT): Stoic Philosophy as Rational and Cognitive Psychotherapy (London, 2010); T. Le Bon, Wise Therapy (London, 2001).