Không ai có thể thay đổi được hôm qua nhưng chúng ta có thể thay đổi được ngày mai.
COLIN POWELL
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush
Câu nói trên nghe rất quen thuộc phải không? Một số người sống trên đời này như thể lúc nào cũng có một tảng đá đè nặng lên họ. Nếu họ có thể vứt nó đi, họ sẽ tiến tới thành công nhanh hơn và dễ dàng hơn. Có thể một trong số đó là bạn. Bạn luôn giữ bên mình những vết thương, sự tức giận, nỗi sợ hãi, hay những việc dở dang trong quá khứ. Vứt bỏ những “tảng đá” này đi là bước cuối cùng bạn cần làm để đạt tới thành công.
Sự thực là… chúng ta cần phải quên đi quá khứ để tiến tới tương lai. Một cách tôi sử dụng để thực hiện điều này là Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật.
QUÁ TRÌNH HOÀN TOÀN THÀNH THẬT VÀ LÁ THƯ THÀNH THẬT
Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật và Lá Thư Thành Thật là hai công cụ giúp bạn quên đi những ký ức buồn để trở lại với tâm trạng vui vẻ, tràn đầy tình yêu trong hiện tại.
Lý do tôi gọi nó là hoàn toàn thành thật vì thông thường, sau khi vấp ngã, chúng ta không nói những cảm xúc thực sự của mình cho người đã gây ra điều đó. Chúng ta bị mắc kẹt trong nỗi đau, sự tức giận và rất ít khi cho qua nó. Kết quả là, từ khi đó, chúng ta sẽ thấy rất khó khăn để gần gũi - hay thậm chí là cảm thấy thoải mái khi bên cạnh người đã đi cùng mình.
Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật giúp chúng ta diễn tả các cảm xúc của mình. Nhờ đó, chúng ta lấy lại được những bản tính vốn có của mình: sự thân mật, sự quan tâm chu đáo và tính hòa đồng.
Chúng ta không dùng Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực của mình cho người khác. Nhưng nó có thể giúp chúng ta vượt qua và vứt bỏ những cảm xúc đó để tìm lại sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống. Rồi từ những trạng thái đó, chúng ta sẽ thấy được niềm vui, sự hân hoan và tính sáng tạo.
Các bước để hoàn toàn thành thật
Bạn có thể viết Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật ra giấy hoặc không. Dù bạn chọn cách thức nào đi nữa, mục đích của quá trình này là nhằm thể hiện sự tức giận hay nỗi đau của bạn, để sau đó bạn có thể tha thứ và yêu đời trở lại.
Nếu bạn chọn cách diễn đạt nó bằng lời - luôn phải có sự cho phép của người kia - thì hãy bắt đầu bằng cách nói ra hết nỗi bực dọc của bạn, rồi lần lượt qua từng bước cho tới khi kết thúc bởi tình yêu, lòng thương và sự tha thứ. Việc sử dụng các mẫu sau đây có thể giúp bạn tập trung hơn vào từng bước. Để thực hiện quá trình một cách hiệu quả nhất, bạn cần phải dành thời gian như nhau cho cả sáu bước.
1. Bực dọc và oán giận | |
Tôi tức một điều rằng… | Tôi phát ngấy với… |
Tôi ghét khi phải… | Tôi hận rằng… |
2. Nỗi đau | |
Tôi cảm thấy tổn thương khi… | Tôi thất vọng về… |
Tôi thấy buồn vì… | Nó khiến tôi đau bởi… |
3. Sợ hãi | |
Tôi sợ rằng… | Tôi sợ bạn sẽ… |
Tôi lo rằng… | Tôi sợ tôi sẽ… |
4. Ăn năn, hối hận | |
Tôi tiếc vì đã… | Tôi xin lỗi về việc… |
Hãy tha thứ cho tôi vì… | Tôi không cố ý…. |
5. Mong muốn | |
Tất cả những gì tôi muốn là… | Tôi muốn… |
Tôi muốn bạn… | Tôi ước rằng… |
6. Tình yêu, lòng thương, tha thứ và biết ơn | |
Tôi hiểu rằng… | Tôi tha thứ cho bạn về việc… |
Tôi trân trọng… | Cảm ơn bạn đã… |
Tôi yêu bạn bởi… |
Nếu bạn không thể diễn tả bằng lời, hoặc người kia không đồng ý tham gia cùng bạn, bạn có thể viết những cảm xúc thật của mình ra Lá Thư Thành Thật.
Lá Thư Thành Thật
Các bước để viết một Lá Thư Thành Thật:
1. Viết một lá thư cho người đã làm bạn tổn thương với bố cục gần giống như các bước diễn tả cảm xúc của bạn trong quá trình trên.
2. Kể cả khi người kia không đồng ý với bạn, bạn hãy cứ gửi thư đi. Hãy nhớ, mục đích chính ở đây là giải phóng bạn khỏi những cảm xúc bên trong, không phải là thay đổi cách nghĩ của người kia.
3. Nếu người kia đồng ý tham gia cùng bạn, hãy bảo anh ta viết một bức thư tương tự. Sau đó, hai người trao đổi thư cho nhau. Cả hai người đều nên có mặt khi đọc thư của nhau. Đừng cố chấp bảo vệ mình. Nên cố gắng đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu rõ hơn cho họ.
Sau khi thực hiện việc này, bạn sẽ thấy mình có thể trải qua sáu bước trên một cách dễ dàng. Những lúc gặp khó khăn lớn, bạn vẫn muốn sử dụng sáu bước này làm kim chỉ nam cho mình.
THA THỨ VÀ TIẾN LÊN
Nếu bạn không tha thứ cho ai hay bất kì điều gì, sự thù hằn sẽ chiếm mất một phần tâm trí bạn.
ISABELLE HOLLAND
Nhà văn đoạt 28 giải thưởng các cuốn sách đã viết
Dù chẳng có cuốn sách nào đề cập tha thứ như là một cách để đạt tới thành công, song sự thật là tức giận, bực bội và mong muốn trả thù sẽ lấy mất của bạn các nguồn lực mà bạn có thể sử dụng chúng để đạt tới mục đích.
Dưới ánh sáng của “Quy luật Hấp dẫn”, chúng ta đã thấy rằng bạn thu hút nhiều hơn những cảm xúc mà mình đang trải qua. Trong trường hợp tiêu cực này, sự tức giận và không dung thứ cho những nỗi đau trong quá khứ chắc chắn sẽ chỉ khiến bạn nhận được thêm nhiều hơn những điều đó trong cuộc đời này.
HÃY THA THỨ CHO NHỮNG GÌ ĐÃ QUA VÀ TRỞ LẠI VỚI HIỆN TẠI
Trong công việc, gia đình, các mối quan hệ cá nhân… chúng ta cần có tình yêu thương và lòng vị tha - để có thể tiếp tục tiến bước. Bạn cần tha thứ cho đối tác kinh doanh vì việc họ đã lừa bạn và khiến bạn bị thiệt hại về tài chính. Bạn cần tha thứ cho người đồng nghiệp đã “lấy trộm” mất niềm tin của sếp đối với bạn hay nói xấu sau lưng bạn. Bạn cần tha thứ cho người bạn đời đã từng lừa dối bạn, dẫn tới li hôn. Bạn không cần bỏ qua những hành động đó và tin vào họ một lần nữa. Nhưng bạn cần học cách tha thứ và tiếp tục tiến lên.
Khi bạn tha thứ cho những gì trong quá khứ, bạn sẽ quay về với thực tại. Từ đây, bạn có thể có được những điều tốt đẹp, có thể hành động để đạt được các mục tiêu trong tương lai cho bản thân, gia đình, nhóm làm việc hay công ty của bạn. Sa lầy trong quá khứ sẽ khiến bạn mất đi những năng lượng, động lực cần thiết để tiến lên phía trước, tạo ra và đạt được những gì mình mong muốn.
NHƯNG THẬT KHÓ ĐỂ BẮT ĐẦU
Tôi biết rằng, để tha thứ và tiếp tục tiến lên là một điều rất khó. Tôi từng bị một người lạ mặt bắt cóc và hành hung; có một người cha nghiện rượu; là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; bị nhân viên biển thủ một số tiền lớn; bị kiện trong những trường hợp tôi đúng rõ ràng và bị lợi dụng trong một số thương vụ làm ăn.
Nhưng sau những sự kiện này, tôi bỏ qua và tha thứ cho những người đã hại mình. Vì nếu tôi không làm như vậy, những vết thương trong quá khứ sẽ ăn mòn tâm trí tôi và không cho tôi tập trung toàn bộ chú ý trong việc tạo dựng cuộc sống mà mình mong ước.
Qua mỗi trường hợp, tôi lại học được cách phòng tránh không để nó tái diễn. Tôi học được cách sử dụng tốt hơn trực giác của mình; biết được làm cách nào để bảo vệ gia đình tốt hơn và những tài sản kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt. Mỗi lần tôi lại rút ra được một kinh nghiệm; trở nên sáng suốt, mạnh mẽ hơn - có nhiều sinh lực hơn để tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Không có những việc cá nhân không cần thiết, không có những sự trả thù cay đắng.
Có thể bạn phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau, nhưng tôi nghĩ mình cũng chẳng hề thua kém.
Nhưng bạn nên biết rằng điều có thể khiến bạn đau đớn hơn rất nhiều đó là nuôi dưỡng sự thù hận trong lòng và nghĩ đến chúng thường xuyên. Từ tha thứ ở đây có nghĩa là bạn hãy tha thứ cho chính mình - chứ không phải cho người khác.
Tôi chứng kiến nhiều người trong các buổi hội thảo của mình đã đạt được những gì sau khi họ thực sự bỏ qua những điều không tốt đẹp trong quá khứ. Có người khỏi được bệnh đau đầu kinh niên, thoát ngay khỏi bệnh táo bón và viêm ruột kết, hết đau khớp, cải thiện thị lực và hàng loạt các lợi ích cho sức khỏe khác. Một người đàn ông đã giảm được gần ba cân chỉ sau hai ngày mà không cần tới ăn kiêng! Tôi cũng thấy có rất nhiều người đạt được những thành công kì diệu trong vấn đề tài chính và sự nghiệp. Hãy tin tôi, bạn sẽ thu được những kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của mình.
CÁC BƯỚC THA THỨ
Những bước sau đây không thể thiếu để giúp bạn có thể tha thứ:
1. Thừa nhận sự oán giận của bạn.
2. Thừa nhận những vết thương và nỗi đau mà sự oán hận đó gây ra.
3. Thừa nhận nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ của bạn.
4. Những việc mà bạn đã làm khiến cho sự oán hận đó vẫn tiếp tục xuất hiện.
5. Thừa nhận bạn không muốn có sự oán giận này và sau đó đặt mình vào địa vị của người kia để có thể hiểu rõ hoàn cảnh của họ và tại sao họ lại hành động như vậy.
6. Hãy đi đến gặp và tha thứ cho họ.
Nếu bạn chú ý, bạn có thể nhận ra rằng các bước này cũng khá giống với các bước của Quá trình Hoàn toàn Thành thật.
LẬP MỘT DANH SÁCH
Hãy lập một danh sách những người đã làm tổn thương bạn và cách họ:------------------------ đã làm tổn thương tôi bởi-----------------------
Đối với từng người một, hãy dành cho họ lượng thời gian cần thiết để thực hiện các bước trong Quá trình Hoàn toàn Thành thật. Bạn có thể viết ra giấy hoặc nói ra và tưởng tượng rằng người đó đang ngồi đối diện để lắng nghe bạn. Bảo đảm rằng bạn dành đủ thời gian để nhận ra điều gì đã xảy ra với họ khiến họ phải làm như vậy. Hãy nhớ một điều sau đây bởi nó rất quan trọng:
Tất cả mọi người luôn làm tất cả những gì có thể để đạt được nhu cầu của mình. Họ làm thế với tất cả sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng, công cụ mà họ có vào thời điểm đó. Nếu họ có thể làm tốt hơn, chắc chắn họ sẽ làm. Khi họ nhận thức rõ hơn rằng những việc làm của họ gây hại cho người khác, khi họ học được cách làm điều đó hiệu quả và ít ảnh hưởng đến người khác, họ sẽ làm theo cách tốt hơn.
Hãy nghĩ về điều này. Không cha mẹ nào sáng dậy lại nói rằng: “Anh vừa nghĩ ra ba cách nữa để quát bọn trẻ.” Bất kì ai cũng muốn trở thành người cha, người mẹ tốt. Nhưng khi những tổn thương tâm lý, việc thiếu kỹ năng nuôi dạy con và những áp lực trong cuộc sống kết hợp lại, họ có thể làm chúng tổn thương. Bạn không phải là trường hợp cá biệt. Họ sẽ trút giận lên bất kì ai vào lúc đó. Điều này luôn luôn đúng với mọi người khác.
LỜI KHẲNG ĐỊNH THA THỨ
Kỹ năng cuối cùng giúp bạn bỏ qua hoàn toàn một sự việc trong quá khứ chính là lời khẳng định tha thứ. Bạn hãy đọc nó vài lần mỗi ngày:
Tôi đã thoát khỏi những đòi hỏi và việc chỉ trích - những thứ đã kìm hãm bản thân tôi. Tôi đã tự giải phóng mình - để được sống trong niềm vui, tình yêu và sự thanh thản. Tôi đã giúp mình có được các mối quan hệ tốt, đạt được thành công trong cuộc sống, tận hưởng niềm vui và đặc biệt là việc nhận ra mình có thể làm và xứng đáng với những gì mình muốn. Bây giờ tôi đã tự do. Tôi cũng giải phóng những người khác khỏi những gì tôi yêu cầu và đòi hỏi từ họ. Tôi đã chọn tự do. Tôi cũng mang đến cho người khác tự do. Tôi tha thứ cho họ và tha thứ cho chính mình. Mọi việc là như vậy.
NẾU HỌ CÓ THỂ THÌ BẠN CŨNG CÓ THỂ
Khi tìm kiếm chuyện để trích vào hàng loạt sách Chicken Soup for The Soul, tôi đã đọc rất nhiều chuyện về lòng vị tha và hiểu ra được rằng con người có thể tha thứ cho mọi việc - dù nó có bi thương và tàn ác đến đâu.
Năm 1972, bức ảnh chụp một bé gái Việt Nam đã đoạt giải thưởng Pulitzer. Tay em đầy máu và thương tích, em gần như không mặc gì khi quần áo bị bom thiêu trụi, em la hét và chạy ra khỏi ngôi làng đang bị bỏ bom Napalm trong chiến tranh Việt Nam. Bức tranh đã được in ra hàng nghìn bản trên toàn thế giới và ngày nay vẫn còn trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử. Cũng trong cuộc thảm sát đó, Phan Thị Kim Phúc đã bị bỏng hơn một nửa người. Thật kì diệu, Kim Phúc đã sống sót sau 17 đợt điều trị kéo dài suốt 14 tháng. Vượt qua nỗi đau trong quá khứ, cô đã tha thứ cho tất cả mọi việc. Hiện nay, cô là một công dân Canada, đại sứ thiện chí của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), và là người sáng lập ra quỹ từ thiện Kim chuyên giúp đỡ các nạn nhân vô tội của chiến tranh. Ai gặp Kim cũng đều phải nhận xét về đức tính yêu hòa bình ngập tràn trong cô.
Năm 1978, Simon Weston gia nhập vào binh đoàn Welsh Guards của quân đội Anh. Trong trận chiến trên đảo Falkland, tuần dương hạm Sir Galahad bị trúng bom của Argentina. Khi đó, Simon đang ở trên tàu. Anh bị thương nặng, mặt mũi biến dạng, 49% cơ thể bị bỏng. Anh đã phải trải qua hơn 70 lần điều trị kể từ cái ngày định mệnh đó, và bây giờ vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu anh chọn sống phần đời còn lại với sự cay đắng. Nhưng anh không làm như vậy mà nói rằng: “Nếu bạn sống cuộc đời trong sự đau khổ và thù hằn thì bạn đã đối xử sai với chính mình, bạn đối xử sai với Bác sĩ, với y tá và tất cả mọi người. Bạn không đền đáp gì cho những nỗ lực của họ. Lòng căm thù có thể hủy hoại bạn và nó là một cảm xúc không đáng có.”
Thay vì sống mòn trong sự đau khổ, Simon đã trở thành một nhà văn, một nhà diễn thuyết, là người đồng sáng lập và Phó chủ tịch của tổ chức Weston Spirit - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích tạo động lực cho hàng vạn thanh niên sống thiếu khát vọng tại vương quốc Anh.
Giống như Kim và Simon, bạn cũng hoàn toàn có thể vượt qua và chiến thắng quá khứ.