Sự thật vẫn luôn tồn tại dù chúng ta có cố tình lờ đi.
ALDOUS HUXLEY
Nhà văn nổi tiếng người Anh
Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình - nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình.
WALTER ANDERSON
Tổng biên tập tạp chí Parade
Nếu bạn muốn có được thành công trong cuộc sống, bạn không được phép phủ nhận mà phải đối mặt với những gì đang diễn ra. Bạn có lờ đi những tiêu cực trong môi trường mình làm việc không? Bạn có viện cớ cho cuộc hôn nhân tồi tệ của mình không? Bạn có phủ nhận việc bạn đang sống thiếu năng lượng, hay thừa cân, sức khỏe và thể lực yếu không? Bạn có dám thừa nhận rằng doanh thu liên tục giảm trong ba tháng vừa qua không? Bạn có dám sa thải nhân viên khi họ không hoàn thành công việc hay không? Những người thành công luôn đối diện thẳng thắn với các tình huống này. Họ lưu ý tới những dấu hiệu cảnh báo và có những hành động thích hợp, dù những việc làm đó có không thoải mái hay khó khăn thế nào đi nữa.
NHỚ CÁC CẢNH BÁO MÀU VÀNG
Hãy nhớ các “cảnh báo màu vàng” tôi đã đều cập tới khi nói về vấn đề E+R=O trong nguyên tắc đầu tiên (chịu trách nhiệm 100% với cuộc sống của chính bạn)! Cảnh báo màu vàng là những dấu hiệu nhỏ biểu hiện có điều gì đó không đúng. Đứa con của bạn đi học về muộn hai hôm liền. Các dấu hiệu khác thường trong hòm thư của công ty. Lời nhận xét kì quặc từ một người bạn hoặc họ hàng. Đôi khi, chúng ta cũng chú ý tới những cảnh báo này và hành động, nhưng chúng ta thường bỏ qua nó nhiều hơn. Chúng ta coi như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Đối diện với sự thực đồng nghĩa với việc bạn phải làm những điều chẳng dễ chịu chút nào. Bạn có thể phải tự rèn luyện kỉ luật, đương đầu với những người, những việc không mong đợi, đòi hỏi những gì bạn muốn có, yêu cầu được tôn trọng thay vì chấm dứt các mối quan hệ không tốt, hay thậm chí là thôi việc. Nhưng vì bạn không dám làm những việc này nên bạn thường giả vờ rằng sự thực không phải như vậy.
PHỦ NHẬN TỒN TẠI DƯỚI HÌNH THỨC NÀO?
Mặc dù các tình huống xấu có thể khiến cuộc sống của chúng ta không được thoải mái, khó khăn và đau khổ, song chúng ta vẫn thường chọn cách đồng hành cùng chúng. Chúng ta che giấu chúng trong tâm trí, mở rộng giới hạn chấp thuận để chấp nhận chúng hay biện hộ cho chúng. Chúng ta thậm chí còn không nhận ra rằng chúng ta đang phủ nhận chúng. Các lời biện hộ sau đây rất hay được sử dụng:
Con trai là như vậy mà.
Thời buổi này thì không thể kiểm soát được bọn trẻ mới lớn nữa rồi.
Tôi chẳng có gì để làm việc đó cả.
Nó chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của tôi.
Đây không phải là nơi để nói chuyện.
Đừng làm mọi chuyện thêm rắc rối.
Đừng gây chuyện nữa.
Mình chẳng thể làm gì được cả.
Đừng nói chuyện này giữa nơi đông người.
Thẻ tín dụng bị như vậy là chuyện bình thường.
Điều đó không bao giờ xảy ra đối với những người như chúng ta.
Nếu tôi nói ra, tôi sẽ bị đuổi việc.
May quá, đó mới chỉ là cần sa.
Nó còn là trẻ con mà.
Tôi cần được nghỉ ngơi.
Tôi phải cố làm việc trong điều kiện hiện tại để sau này được thăng tiến.
Chúng ta cứ đợi, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi.
Tôi tin rằng anh ta sẽ trả tiền.
Đôi khi, chúng ta thậm chí còn tìm ra lý do cho một việc không tồn tại. Chúng ta không nhận ra rằng nếu thừa nhận vấn đề sớm hơn, việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn. Sẽ đỡ tốn kém hơn để xử lý mọi việc, có thể thu được nhiều lợi ích hơn, chúng ta có thể thành thực hơn với mọi người, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân, hay thấy mình liêm chính hơn. Nhưng chúng ta không được phủ nhận.
Những người thành đạt luôn tìm kiếm lý do tại sao mọi việc lại không đi đúng hướng và tìm cách sửa chữa. Họ không cố gắng bảo vệ vị trí hiện tại của mình bằng cách lờ đi những vấn đề đó.
Trong kinh doanh, họ nhìn thẳng vào số liệu thực tế không mấy dễ chịu chứ không tìm cách tính toán lại để trông chúng bắt mắt hơn với các cổ đông. Họ muốn biết tại sao khách hàng không sử dụng dịch vụ hay hàng hóa của mình, tại sao chiến dịch marketing không hiệu quả và tại sao chi phí lại cao bất thường. Họ luôn đối diện với sự thật. Họ sẵn sàng nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết chứ không hề giấu giếm hay phủ nhận chúng.
Cố nghĩ đến những điều không tồn tại sẽ không làm mọi việc trở nên tốt hơn.
CHARLES J. GIVENS
Nhà đầu tư bất động sản và là tác giả cuốn Wealth Without Risk
BIẾT KHI NÀO CẦM NẮM GIỮ BIẾT KHI NÀO CẦN TỪ BỎ
Điều đầu tiên cần làm để từ bỏ sự phủ nhận thực tế là biết nhận ra tình huống xấu để quyết định điều cần làm. Tôi rất bất ngờ khi thấy rằng điều này rất khó thực hiện với mọi người - nhất là những người nghiện rượu và thuốc. Với những người nghiện, hôn nhân bị đổ vỡ, làm ăn thất bại, mất hết nhà cửa, thậm chí là phải sống vạ vật tại các khu ổ chuột, trước khi họ kịp nhận ra rằng ma túy không giúp gì cho họ.
Thật may, vấn đề của chúng ta không quá tồi tệ như những người nghiện ma túy, nhưng điều đó không có nghĩa là việc nhận thức và giải quyết nó đơn giản hơn. Ví dụ, bạn nhận một việc làm. Bạn có phủ nhận rằng việc bạn không hề thích công việc đó không? Tồi tệ hơn, bạn luôn bảo rằng mình hạnh phúc và mãn nguyện khi thực tế không phải vậy. Phải chăng bạn đang sống trong sự giả dối?
Những người ham việc là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Một lịch làm việc dày đặc không hề tốt cho bất kì ai về lâu dài. Nhưng những người này luôn viện cớ cho nó, như là “Tôi kiếm được nhiều tiền,” “đây là cách tôi nuôi sống gia đình mình,” “đó là điều tôi phải làm để đạt được thành công,” hay “tôi luôn hoàn thành nó tại văn phòng.” Nhưng chúng ta đều biết, những lời biện hộ và thanh minh chỉ là một hình thức của sự phủ nhận.
PHỦ NHẬN LÀ DO SỢ HÃI
Thông thường, bạn phủ nhận một việc là do sợ chuyện tồi tệ hơn sẽ xảy ra nếu như mình thừa nhận nó và hành động. Nói cách khác, chúng ta sợ đối mặt trực tiếp với sự thật.
Những tình huống nào mà bạn sợ phải giải quyết?
Con bạn hút thuốc và dùng thuốc phiện?
Người quản lý luôn về sớm nhưng lại giao những kế hoạch không kịp hoàn thành của anh ta cho bạn xử lý?
Đối tác kinh doanh không tham gia nhiệt tình hay đầu tư vốn đủ vào dự án của bạn?
Các khoản chi phí sinh hoạt ở nhà bạn vượt khỏi tầm kiểm soát?
Sức khỏe của bạn kém đi bởi chế độ ăn không đầy đủ hoặc bởi phong cách sống không thích hợp?
Bạn đời không yêu thương, thiếu tôn trọng hay lừa dối bạn?
Không có đủ thời gian dành cho bọn trẻ?
Mặc dù để giải quyết những vấn đề này, bạn cần thay đổi lối sống, cách làm việc và quan hệ với người khác, song hãy nhớ cách thức thích hợp không phải luôn là bỏ việc, ly dị, sa thải nhân viên, hay nhốt đứa con nghiện ngập lại. Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn chọn những hình thức bớt cực đoan hơn như nói chuyện với sếp, khuyên răn vợ (chồng), gần gũi hơn với con cái và tính toán lại các khoản chi tiêu, hay tìm kiếm những lời khuyên từ các chuyên gia. Tất nhiên, những cách này vẫn yêu cầu bạn phải dám đối mặt với sự thật và hành động.
Nhưng trước tiên, bạn cần phải đối mặt với những vấn đề khó khăn.
Một tin tốt là bạn càng đối diện nhiều với các tình huống xấu, bạn xử lý chúng càng tốt hơn. Chỉ cần một lần bạn dám đối diện với chúng, bạn sẽ bớt lúng túng hơn trong những lần sau và có thể hành động ngay tức khắc.
HÀNH ĐỘNG NGAY
Hãy lập một danh sách những việc đang diễn ra không suôn sẻ. Bắt đầu với bảy lĩnh vực chính mà bạn đã đặt mục tiêu cho mình: tài chính, sự nghiệp, thời gian cho gia đình, sức khỏe và sắc đẹp, các mối quan hệ, phát triển bản thân và sự khác biệt. Hãy hỏi nhân viên, gia đình, bạn bè, người trong nhóm, huấn luyện viên rằng họ nghĩ điều gì không tốt đang diễn ra.
Hãy hỏi: Điều gì không tốt? Làm cách nào chúng ta có thể cải thiện? Chúng ta có thể có yêu cầu gì? Anh cần gì ở tôi? Tôi có thể giúp gì cho anh? Chúng ta/ tôi cần làm gì? Chúng ta/tôi phải có hành động gì tiếp theo để giải quyết các tình huống này?
Bạn có cần nói với ai đó? Gọi một người thợ sửa chữa? Nhờ ai đó giúp đỡ? Học các kỹ năng mới? Tìm các nguồn lực khác? Đọc một cuốn sách? Hỏi một chuyên gia? Lập một kế hoạch để giải quyết?
Hãy chọn và thực hiện một hành động. Sau đó tiếp tục hành động, rồi hành động cho tới khi giải quyết xong xuôi vấn đề.