Hầu hết mọi cuộc trò chuyện đều giống như trò chơi Ping-Pony, trong đó người chơi chỉ đơn thuần chuẩn bị đóng lại điểm dừng tiếp theo, song dừng chân để hiểu ra các quan điểm khác nhau và những cảm xúc có thể biến đối thủ thành các thành viên trong cùng một đội.
CLIFF DURFEE
Người sáng tạo ra quy trình Trò chuyện Tâm tình
Thật không may, trong rất nhiều công việc kinh doanh, học tập hay những lĩnh vực khác, người ta không có cơ hội bộc lộ và lắng nghe những cảm xúc, do vậy những cảm xúc đó cứ dồn nén lại, tới mức người ta không có khả năng tập trung vào công việc trước mắt nữa. Việc có quá nhiều cảm xúc bị dồn nén cũng giống như cố gắng đổ thêm nước vào một chiếc ly đã đầy. Không còn chỗ để chứa thêm nước. Trước hết, bạn cần đổ nước cũ ra để chiếc ly có chỗ chứa nước mới.
Tình cảm cũng giống như vậy. Con người không thể lắng nghe trước khi có người lắng nghe họ. Trước hết họ cần cởi bỏ những gánh nặng của bản thân. Dù cho bạn vừa đi làm về, vừa xem bảng điểm toàn điểm C của đứa con, đang nỗ lực bán một chiếc xe mới, hay là một tổng giám đốc điều hành đang giám sát tiến trình sáp nhập hai công ty, trước hết bạn cần để cho những người khác giãi bày nhu cầu, mong muốn, hi vọng, ước mơ, nỗi lo sợ và quan ngại của họ trước khi bạn nói về bản thân. Điều đó sẽ mở ra khoảng không trong họ, giúp họ lắng nghe và tiếp thu những điều bạn nói.
TÂM TÌNH LÀ GÌ?
Tâm tình là một quá trình giao tiếp có tổ chức, trong đó tám thỏa thuận cần được tôn trọng triệt để nhằm đảm bảo quá trình giao tiếp diễn ra an toàn, sâu sắc, không bên nào lo sợ bị chỉ trích, bị ngắt lời hay thúc ép. Đây là một công cụ hữu hiệu giúp con người giãi bày và giải tỏa các cảm xúc có thể gây cản trở tới quá trình giải quyết công việc. Phương pháp này có thể được sử dụng tại nhà, nơi làm việc, trong trường lớp, trong đội thể thao... nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
KHI NÀO NÊN TRÒ CHUYỆN TÂM TÌNH?
Phương pháp trò chuyện tâm tình có hiệu quả trong các trường hợp:
• Trước hoặc trong cuộc họp với đồng nghiệp.
• Khi bắt đầu họp bàn công việc giữa hai nhóm mới quen biết và gặp gỡ lần đầu tiên.
• Sau một sự kiện nhạy cảm như sáp nhập, sa thải hàng loạt, nhân viên thiệt mạng, mất sức lao động, thua lỗ bất ngờ về mặt tài chính, hay thậm chí một thảm họa như cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001.
• Khi có tranh chấp giữa hai cá nhân, nhóm hoặc phòng ban.
• Thường xuyên tại nhà, công sở, trường lớp nhằm tạo mối giao tiếp và quan hệ sâu sắc.
PHƯƠNG PHÁP TRÒ CHUYỆN TÂM TÌNH
Một cuộc trò chuyện tâm tình có thể thực hiện cho một nhóm từ hai tới 10 người. Bạn cũng có thể chia các nhóm lớn hơn 10 người thành các nhóm nhỏ hơn, do nhóm lớn hơn 10 người sẽ làm giảm các yếu tố tin tưởng và an toàn, nên cuộc trò chuyện có thể kéo dài hơn.
Lần đầu tiên thực hiện một cuộc trò chuyện tâm tình, bạn hãy bắt đầu bằng cách giải thích giá trị của việc sử dụng cấu trúc trong giao tiếp, điều này sẽ giúp bạn lắng nghe sâu sắc hơn. Cấu trúc của một cuộc Trò chuyện Tâm tình tạo ra môi trường an toàn, không phán xét, giúp những người tham gia giãi bày cảm xúc mang tính xây dựng - những cảm xúc nếu không được giãi bày có thể cản trở tinh thần hợp tác, làm việc nhóm, tính sáng tạo và trực giác, những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới năng suất làm việc và thành công của bất kì tổ chức nào.
HƯỚNG DẪN TRÒ CHUYỆN TÂM TÌNH
Hãy bắt đầu bằng cách yêu cầu mọi người ngồi thành vòng tròn hoặc ngồi quanh bàn. Hãy giới thiệu những thỏa thuận cơ bản, bao gồm:
• Chỉ có người đang nắm giữ vật tượng trưng cho trái tim mới được nói.
• Bạn không phán xét hay chỉ trích bất kì điều gì được nói ra.
• Bạn chuyển trái tim sang người ngồi bên trái sau lượt của mình.
• Bạn nói về những cảm nhận của bản thân.
• Bạn giữ bí mật các thông tin.
• Bạn không bỏ đi cho tới khi cuộc trò chuyện được công bố đã hoàn tất.
Nếu có nhiều thời gian, một cuộc Trò chuyện Tâm tình tự nhiên kết thúc khi trái tim đã đi hết vòng tròn và không ai còn điều gì chưa giãi bày.
Yêu cầu cả nhóm thống nhất với những nguyên tắc trên - những nguyên tắc rất quan trọng để đảm bảo cuộc trò chuyện thành công và không mất đi giá trị. Do không ai được nói ngoại trừ người đang cầm vật tượng trưng cho trái tim, thông thường cách tốt nhất là đợi cho tới khi cuộc trò chuyện hoàn tất và nhắc nhở những người tham gia cần phải chú ý hơn về những thỏa thuận. Một lựa chọn khác là viết các thỏa thuận ra giấy hoặc lên một chiếc bảng và trong trường hợp có ai đó đi quá đà, sẽ chỉ cho họ xem lại những thỏa thuận đó. Đi ít nhất một lượt quanh cả nhóm - mỗi người đều được giãi bày cảm nhận của mình - hoặc đưa ra một khung thời gian (ví dụ như 15 tới 30 phút; các vấn đề mang nặng cảm xúc có thể dành thời gian lâu hơn) và tiếp tục cho tới khi hết thời gian hoặc mọi người đều đã giãi bày xong.
Bạn có thể dùng bất kì vật gì để truyền tay - một quả bóng, cái chặn giấy, cuốn sách hay bất kì vật gì mà mọi người đều có thể thấy được. Tôi đã từng thấy rất nhiều vật dụng được sử dụng: một con thú nhồi bông (các nhân viên bệnh viện), một quả bóng chuyền (đội tuyển bóng chuyền trường học) và một chiếc mũ bảo hiểm (đội tuyển bóng đá vô địch bang) cho tới một chiếc gậy của người bản địa (trong một chuyến đi bè dọc sông). Thực sự, tôi thích sử dụng những trái tim bằng bông có màu đỏ tươi mà Cliff Durfee, người sáng tạo ra phương pháp Trò chuyện Tâm tình, bán trên trang web1 của ông, bởi nó nhắc nhở mọi người rằng, những điều chúng ta đang nghe xuất phát từ sâu thẳm trái tim của người khác và chúng ta đang cố gắng thấu hiểu con tim của họ.
1 Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên truy cập vào trang web www. livclovclaugh.com và đặt mua một cuốn Heart Talk Book với giá chỉ 5 đô la. Mỗi cuốn sách còn kèm theo một hình trái tim màu đỏ tươi, trên đó có in tám thỏa thuận chủ chốt ở mặt sau giúp người sử dụng dễ nhớ hơn trước khi thực sự tham gia một buổi trò chuyện tâm tình.
NHỮNG KẾT QUẢ BẠN CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC SAU MỘT BUỔI TRÒ CHUYỆN TÂM TÌNH
Bạn có thể trông đợi một buổi trò chuyện tâm tình mang lại những kết quả sau:
• Kỹ năng lắng nghe tốt hơn.
• Giãi bày cảm xúc mang tính xây dựng.
• Kỹ năng giải quyết xung đột được nâng cao.
• Khả năng vượt qua những nuối tiếc và các vấn đề đã qua được cải thiện.
• Tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
• Đoàn kết, gắn bó hơn.
Một trong những tác dụng có giá trị nhất của Trò chuyện Tâm tình mang lại cho tôi là trong một chương trình đào tạo kéo dài một tuần, tôi thực hiện với sự tham gia của 120 hiệu trưởng tại Bergen, Na Uy. Chúng tôi đang chuẩn bị bắt đầu bài giảng buổi chiều thì có người thông báo một trong những học viên đã bị thiệt mạng vì tai nạn xe hơi trong giờ nghỉ ăn trưa. Tất cả mọi người trong phòng đều bị sốc và không khí ảm đạm bao trùm khắp lớp học. Không thể tiếp tục thực hiện theo chương trình đã đề ra, do đó, tôi chia các học viên ra thành từng nhóm sáu người và hướng dẫn học cách thực hiện một buổi Trò chuyện Tâm tình. Tôi yêu cầu họ chuyền tay nhau trái tim cho tới khi mọi người trong nhóm đều nói: “Tôi đã qua lượt rồi”, đảm bảo rằng mọi người đều đã được giãi bày.
Các nhóm trò chuyện và khóc hơn một giờ đồng hồ. Mọi người nói về nỗi đau, cảm nhận của mình về sự bất tử, cuộc sống đáng quý và đáng trân trọng biết bao, song đôi khi, nó có thể đáng sợ đến nhường nào và bạn cần tận hưởng từng giây phút bởi bạn không thể nào biết trước được tương lai của mình. Sau đó, chúng tôi nghỉ giải lao một lúc và lại có thể tiếp tục các công việc theo kế hoạch. Mọi cảm xúc khi đó đều đã được chia sẻ. Tất cả học viên lại sẵn sàng tập trung vào những kiến thức tôi truyền đạt.
CUỘC TRÒ CHUYỆN TÂM TÌNH GIẢI CỨU CÔNG VIỆC KINH DOANH CỦA GIA ĐÌNH
James sở hữu một công ty gia đình - công ty đã mang lại nguồn thu nhập cho ông và gia đình trong nhiều năm. Vợ và hai con trai ông - đều đã lập gia đình và có con, đều làm việc cho công ty gia đình này. Ít nhất một lần mỗi tuần, cả gia đình đều tụ tập cùng nhau ăn uống và James luôn cố hết sức để giữ gìn tình đoàn kết trong gia đình đang ngày càng một lớn này. James hi vọng khi ông về hưu, công ty gia đình này sẽ vẫn tồn tại và đem lại thu nhập cho tất cả mọi thành viên trong gia đình “mở rộng” của mình.
Mặc dù nhìn từ bên ngoài, đây có vẻ là một kế hoạch tuyệt vời, song luôn có sự cạnh tranh và thù địch giữa hai người con trai, và khi hai cô con dâu cũng vào làm trong công ty, mọi việc bắt đầu rối tung lên. Những bất bình xuất phát từ những việc nhỏ nhặt bị dồn nén nhằm giữ hòa khí, song lại được ngầm thể hiện về sau qua những lời châm chọc cay độc và cuối cùng thì những cơn giận dữ bùng nổ. Khi hai người con trai đánh đấm lẫn nhau, James nhận ra họ cần nói chuyện và giải tỏa. Song ông sợ tình hình có thể tồi tệ hơn nếu không đề ra những quy tắc nền tảng có hiệu lực - do đó, ông quyết định sử dụng cấu trúc của một buổi trò chuyện Tâm tình. Cả nhà ngồi thành vòng tròn rộng sau bữa ăn hàng tuần của gia đình, yên lặng, không hiểu chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. James bắt đầu yêu cầu mọi người thống nhất về tám luật lệ và cấu trúc của buổi nói chuyện. Lúc đầu, trái tim được chuyền qua tay song không ai nói gì nhiều. Lần thứ hai, một người con trai giãi bày sự tức giận của mình, và khi trái tim được chuyền tới tay người con trai thứ hai, anh này còn thể hiện thái độ thù địch sâu sắc hơn - song không ai có ý định vi phạm các nguyên tắc, bỏ ra khỏi phòng hay đập vỡ đồ đạc.
Đó là buổi trò chuyện không hề dễ dàng và có lúc mọi người đã muốn chuyển sang làm việc gì khác - ngay cả là rửa bát và dọn dẹp. Song trái tim vẫn tiếp tục được chuyền tay nhau, mọi người đều hiểu mình đang được lắng nghe và thái độ thù địch bắt đầu lắng xuống. Sau đó, một trong hai người con dâu bắt đầu khóc và tâm sự mình đang thấy vô cùng bế tắc. Cô không thể chịu đựng thêm những xích mích trong gia đình và công việc. Cô nói cần phải thay đổi. Khi đó, như được giải phóng, mọi người trong gia đình đều khóc. Khi trái tim tiếp tục được chuyền tay, nỗi buồn nhanh chóng được thay thế bằng nhận thức về tình yêu của từng người dành cho nhau và những điều họ biết ơn.
Mặc dù chưa bao giờ chắc chắn, song James vẫn tin chính cuộc Trò chuyện Tâm tình đó là chìa khóa giải cứu công việc kinh doanh, đời sống gia đình và sự minh mẫn cho ông.
“ĐIỀU TÔI MUỐN NÓI” ĐÃ TIẾT KIỆM HÀNG TRIỆU ĐÔ LA
Anh bạn Marshall Thurber của tôi là một nhà đào tạo và tư vấn quản trị, đã giảng dạy cách thức làm giàu và duy trì sự giàu có cho mọi người trong vòng hơn 30 năm. Gần đây, anh hợp tác với Lee Brower nhằm giúp đỡ các gia đình giàu có học cách quản lý tiền bạc và truyền lại cho các thế hệ sau. Marshall sử dụng một phiên bản đơn giản của phương pháp Trò chuyện Tâm tình, ông gọi đó là bài tập “Những điều tôi muốn nói”, mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc:
Tôi bắt đầu tất cả các cuộc họp bằng cách yêu cầu mọi người có mặt trả lời câu hỏi: “Anh/chị cần nói gì để bỏ qua và tới được đây?” Một trong những chìa khóa dẫn tới thành công là không ai bình luận về những gì được nói ra. Mọi người phải đợi tới khi người kia nói xong và “Cảm ơn,” sau đó tiếp tục tới người tiếp theo trong nhóm. Đôi khi chúng tôi vòng lại vài lần. Mọi người có thể bỏ qua lượt nếu họ đã giãi bày xong và cảm thấy rõ ràng.
Tôi đã làm việc với một gia đình giàu có, sở hữu tài sản hàng trăm triệu đô la song cuộc sống lại hoàn toàn không như ý họ. Con cái không nói chuyện với cha mẹ và “trừng phạt” cha mẹ bằng cách không cho các cháu nói chuyện với ông bà. Thái độ thù hằn, không thể trò chuyện và thiếu hợp tác đã khiến gia đình mất đi hàng chục triệu đô la!
Tôi yêu cầu mọi người ngồi lại và nói: “Hãy xem, rõ ràng là tất cả các vị đều có rất nhiều cảm xúc từ quá khứ, những vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, song nếu chúng ta không thể ngồi lại và giải quyết chúng bây giờ, chúng ta sẽ không thể có tương lai mới mẻ và tốt đẹp hơn”.
Khi tôi đề xuất thực hành bài tập “Những điều tôi muốn nói”, mọi người đều cho rằng đó là trò tiêu phí thời gian, song cuối cùng tôi đã thuyết phục họ làm theo và chúng tôi đã kết thúc sau bốn giờ! Thêm vào đó, trái tim không chỉ được chuyền tay một lần mà còn qua nhiều vòng, tuy nhiên, sau khi bốn tiếng đồng hồ kết thúc, họ đã yêu quý lẫn nhau, và đồng ý hợp tác với nhóm làm việc Lee Brower để xây dựng phương pháp mới, bằng tiền tài trợ của gia đình. Tuy kết quả đạt được chưa phải là hoàn hảo, song gia đình này đã đi từ bước không thể trò chuyện tới bước cùng nhau gặp gỡ. Và khi cùng gặp gỡ, gia đình đã thống nhất hai điều quan trọng – “gia đình trước hết” và “nếu đoàn kết, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.” Tất cả những gì chúng tôi làm chỉ có vậy, song mất tới cả ngày. Nếu chúng tôi không thực hành bài tập “Những điều tôi muốn nói”, hẳn gia đình này sẽ không có hi vọng gì. Không hề có bất cứ tia hi vọng nào cả!
Điều kì diệu nằm ở chỗ, bạn cần phải có mặt, cởi bỏ mọi bực tức, oán hận, nghi ngờ và chỉ giữ lại tình yêu thương. Và nhờ có tình yêu, bạn có thể làm được tất cả mọi việc.