Khi bạn nghi ngờ, hãy nói sự thật.
MARK TWAIN
Nhà văn Mỹ Hầu hết chúng ta đều tránh nói sự thật do việc này chẳng thoải mái chút nào. Chúng ta lo sợ hậu quả - khiến cho những người xung quanh khó chịu, làm tổn thương người khác, hay có thể khiến họ tức giận. Song khi chúng ta không nói lên sự thật và những người khác cũng không cho chúng ta biết sự thật, chúng ta không thể giải quyết vấn đề dựa trên thực tế được.
Tất cả chúng ta đều biết đến câu nói “Sự thật sẽ giải phóng cho bạn.” Và thực tế chính là như vậy. Sự thật sẽ cho phép chúng ta tự do xử lý các vấn đề theo đúng bản chất của chúng, chứ không phải theo cách ta hình dung hay hi vọng hay thậm chí là nhào nặn chúng cùng những lời nói dối của ta.
Sự thật cũng sẽ giải phóng năng lượng cho chúng ta. Nó giải phóng nguồn năng lượng được sử dụng để che giấu sự thật, giữ bí mật hay duy trì một hành động.
ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU BẠN NÓI LÊN SỰ THẬT?
Trong chương trình đào tạo nâng cao kéo dài bốn ngày, tôi đã thực hiện một quá trình có tên Những Bí mật. Đây là một bài tập rất đơn giản, trong đó chúng tôi dành một, hai tiếng đồng hồ nói cho cả nhóm nghe những bí mật của mình - những điều chúng tôi cho rằng nếu ai đó biết được, người ta sẽ không còn yêu quý hay ủng hộ chúng tôi nữa. Tôi mời các học viên đứng dậy, nói cho cả nhóm biết bất kì điều gì họ đang giữ kín rồi sau đó ngồi xuống.
Không ai thảo luận hay phản hồi gì cả, chỉ đơn giản lắng nghe và chia sẻ. Lúc đầu, mọi việc tiến triển rất chậm do mọi người còn ngần ngại, thử nghiệm với những câu như: “Tôi đã gian lận trong kỳ thi toán lớp tám” và “Tôi đã lấy cắp chiếc dao nhíp khi tôi 14 tuổi”. Song sau khi nhận ra chẳng có điều tồi tệ gì xảy ra với ai hết, mọi người bắt đầu cởi mở và nói tới những vấn đề sâu sắc, nghiêm trọng hơn.
Sau khi mọi người đã chia sẻ hết, tôi hỏi cả nhóm có ai thấy không còn yêu quý hay không thể chấp nhận người nào đó trong nhóm không. Trong suốt từng ấy năm tổ chức đào tạo, tôi chưa từng nghe câu trả lời “có” nào cả.
Sau đó, tôi hỏi: “Có bao nhiêu người cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi cởi bỏ được những gánh nặng này?”
Mọi người đều giơ tay.
Rồi tôi lại hỏi: “Có bao nhiêu người trong các anh/chị cảm thấy gắn bó với các thành viên trong nhóm hơn?” và lần này, mọi cánh tay lại giơ lên. Người ta nhận ra rằng, những bí mật họ che giấu từ trước tới nay không hề kinh khủng và ít ra cũng thường được một vài người trong nhóm chia sẻ. Họ không cô đơn mà vẫn là một phần trong cộng đồng.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên nhất chính là những điều các học viên kể lại trong những ngày tiếp theo.
Chứng đau đầu kéo dài hàng giờ không còn nữa. Một số người không cần phải điều trị chứng co thắt đường ruột nữa. Trạng thái trầm uất biến mất và họ lại cảm thấy sống động. Trông mọi người đều trẻ trung và có sức sống hơn. Quả thật là kì diệu. Một học viên còn thông báo anh đã giảm được 2,5 kg thừa trong vòng hai ngày. Anh cảm thấy thực sự được giải tỏa nhiều hơn với việc giãi bày những bí mật dồn nén bấy lâu.
Ví dụ này cho thấy chúng ta cần rất nhiều công sức để che giấu sự thật và những công sức đó, khi được giải phóng, có thể được dùng để làm nên những thành công lớn lao trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta sẽ ra quyết định nhanh chóng hơn, sẵn sàng sống với chính bản chất của mình hơn. Và khi sự thật được chia sẻ, chúng ta có thể biết và hành động dựa trên những thông tin cần thiết để làm việc hiệu quả.
BẠN CẦN CHIA SẺ NHỮNG GÌ?
Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, có ba điều bạn cần chia sẻ nhất, đó là: những oán giận, những nhu cầu giải tỏa oán giận đó và sự biết ơn.
Ẩn dưới nỗi oán giận là những nhu cầu và khát vọng chưa được đáp ứng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy đang oán giận ai đó, hãy tự hỏi bản thân: Mình mong muốn điều gì từ người đó mà chưa được đáp ứng? Sau đó hãy đảm bảo rằng ít nhất bạn cũng yêu cầu điều đó. Như đã đề cập trong phần trên, điều tệ hại nhất bạn có thể nhận được là một lời từ chối. Song bạn cũng có thể được chấp thuận. Nhưng ít nhất thì hãy cứ đưa ra yêu cầu.
Một trong những điều có giá trị nhất song lại khó thực hiện nhất đối với hầu hết mọi người là nói lên sự thật khi sự thật đó có thể gây “mất lòng”. Hầu hết chúng ta đều lo ngại sẽ làm tổn thương người khác tới mức chúng ta không dám chia sẻ những cảm xúc thực của bản thân. Và như vậy, chúng ta lại tự làm tổn thương chính mình.
NÓI LÊN SỰ THẬT SẼ MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH
Ngay sau khi sáng lập Quỹ Lòng tự trọng để đưa các chương trình đào tạo của mình tới các tổ chức phi lợi nhuận như trường học, nhà tù, dịch vụ xã hội, giám đốc của tôi - ông Larry Price đã nhận được yêu cầu của Phòng Giáo dục từ bang Los Angeles. Có hơn 84% số người tham gia chương trình hướng nghiệp đã không quay lại sau ngày tập sự đầu tiên. Chính quyền bang hiểu rằng cần có một chương trình định hướng khác có thể đem lại hi vọng cho người dân, khích lệ họ hoàn thành chương trình đào tạo nghề nghiệp và tạo ra cho họ cùng gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng tôi hiểu mình có thể thiết kế một chương trình theo yêu cầu của bang Los Angles, song chúng tôi cũng hiểu rằng chúng tôi không đủ thời gian và nguồn lực để đem lại kết quả mà chính quyền bang mong muốn. Rõ ràng là mong muốn của chính quyền bang về cơ cấu chương trình là không thiết thực.
Hào hứng với hợp đồng tiềm năng trị giá 730.000 đô la và xoay sở trong quỹ, chúng tôi đã làm việc hàng tháng trời để soạn thảo một bài thuyết trình tuyệt vời. Buổi tối trước khi tới hạn định, chúng tôi thức tới khuya, hoàn chỉnh, in ấn và đối chiếu lại vô số bản sao sẽ được gửi đi.
Đây phải là một đề xuất tốt, bởi chúng tôi được chọn là một trong ba nhà cung cấp trong danh sách cuối cùng và được mời tới văn phòng của bang để phỏng vấn trực tiếp và diễn thuyết.
Tôi vẫn còn nhớ lúc mình đứng trước văn phòng chính quyền bang, nói với Larry: “Anh biết không, chính tôi cũng không chắc mình có muốn giành thắng lợi trong lần này không. Dù chương trình của chúng ta có tốt như thế nào chăng nữa, cách chính quyền cơ cấu nó sẽ không thể giúp họ đạt kết quả như mong muốn. Tôi nghĩ ta nên nói cho họ biết sự thực. Làm sao họ có thể biết được cần cơ cấu lại chương trình? Họ không phải là các chuyên gia trong lĩnh vực này. Làm sao họ có thể yêu cầu một điều chính bản thân họ cũng không hiểu rõ?”
Chúng tôi lo sợ các viên chức của bang sẽ cảm thấy bị phán xét và chỉ trích, do đó sẽ ký hợp đồng với một bên khác. Quả thật trong trường hợp này rủi ro quá lớn, đặc biệt đối với chi phí và lợi nhuận có thể đạt được. Song cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định nói ra sự thật.
Phản ứng của các viên chức trong bang khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Sau khi lắng nghe quan điểm của chúng tôi, họ quyết định ký hợp đồng với chúng tôi bởi chúng tôi đã nói ra sự thật. Sau khi phân tích những điều chúng tôi nói, họ đã đồng ý và cảm thấy chúng tôi là những người duy nhất hiểu đúng tình hình.
Kết quả tuyệt vời tới mức, cuối cùng chương trình do chúng tôi xây dựng - The GOALS Program (Chương trình Mục tiêu) - cũng được các bang khác và cả Ủy ban Phát triển Thành phố và Nhà, Head Start, nhà tù San Quentin cùng một số nhà tù khác sử dụng.
KHÔNG CÓ “THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP” ĐỂ NÓI RA CÁC SỰ THẬT ĐAU LÒNG
Đúng như điều tôi đã khám phá được tại Phòng Giáo dục bang Los Angeles, nói ra sự thật chính là sự khác biệt giữa giành được và để mất hợp đồng. Đáng ra, chúng tôi đã có thể thỏa hiệp với tính chính trực của bản thân song chúng tôi đã quyết định nói ra sự thật càng sớm càng tốt.
Học cách nói ra sự thật nhanh chóng là một trong những thói quen quan trọng nhất để có được thành công. Thực tế, ngay khi bạn bắt đầu tự vấn Mình không biết khi nào là thời điểm thích hợp để nói ra sự thật thì đó chính là thời điểm thích hợp.
Liệu việc nói ra sự thật có khó khăn không? Có thể. Liệu người ta có thể phản ứng khác nhau không? Có. Song đó là điều đúng đắn. Hãy nhanh chóng hình thành thói quen nói thật. Bạn muốn đạt tới mức độ nói ra sự thật ngay khi nghĩ tới nó. Đó là khi bạn trở nên hoàn toàn đáng tin cậy. Những gì bạn thấy cũng là những gì bạn nhận được. Người ta sẽ biết bạn đang đứng ở đâu. Người ta sẽ tin tưởng tính thẳng thắn của bạn.
“TÔI KHÔNG MUỐN LÀM TỔN THƯƠNG NGƯỜI KHÁC”
Vô số lần, người ta lấy cớ không muốn làm tổn thương người khác để nói dối. Đó chỉ là lời dối trá. Nếu bạn phát hiện mình đang có suy nghĩ như vậy thì thực sự bạn đang tự bảo vệ mình khỏi những cảm xúc của chính bản thân. Bạn đang né tránh những cảm xúc bạn sẽ phải đối mặt khi người khác buồn đau và giận dữ. Đó là cách giải quyết hèn nhát và nó chỉ có thể trì hoãn mọi việc.
Bạn che giấu sự thật rằng bạn sắp chia tay với bọn trẻ, rằng gia đình bạn sẽ chuyển tới Texas bởi chồng bạn có việc mới, rằng bạn sắp phải sa thải một số đồng nghiệp, rằng bạn không đi nghỉ cùng gia đình năm nay, rằng bạn phải cho vật nuôi đi ngủ, rằng bạn không thể thực hiện yêu cầu đúng thời hạn đã cam kết, rằng bạn đã thua mất toàn bộ tiền tiết kiệm của cả gia đình vào chứng khoán.
Che giấu sự thật luôn đem lại những kết quả ngược với mong đợi. Bạn càng che giấu sự thật lâu, bạn càng làm hại chính mình và những người liên quan nhiều hơn.
BẠN KHÔNG MUỐN NGHE ĐIỀU NÀY, NHƯNG...
Tôi không muốn kết giao với những người ba phải. Tôi muốn mọi người nói lên sự thật, dù sự thật đó có thể làm họ mất việc.
SAMUEL GOLDWYN
Đồng sáng lập studio Metro-Goldwyn-Mayer
Marilyn Tarn là giám đốc cấp cao, giám sát hoạt động của 320 cửa hàng cho Miller’s Outpost vào năm 1986. Khi đó, một người bạn nói với cô rằng hãng Nike đang chuẩn bị mở các cửa hàng riêng và tổng giám đốc Phil Knight muốn mời cô quản lý dự án này. Giám đốc hãng Nike rất phẫn nộ bởi các cửa hàng giầy như Foot Locker không trưng bày sản phẩm tốt, làm hỏng hình ảnh của hãng. Marilyn cho rằng làm việc cho Nike sẽ là một cơ hội tuyệt vời, nên cô đã tìm hiểu trước khi cuộc gặp mặt. Cô đã tới thăm rất nhiều cửa hàng bán thời trang Nike để có thể đưa ra đề xuất cho Phil về việc xây dựng một cửa hàng mà hãng có thể tự hào giới thiệu ra thế giới.
Khi tìm hiểu, cô nhận ra hai điều: Giày có chất lượng tốt, nhiều chức năng, bền và giá cả hợp lý, song quần áo thì thực sự là thảm họa: không thống nhất về chất lượng, kích cỡ, độ bền và màu sắc không thể kết hợp với nhau. Sau này, cô khám phá ra rằng quần áo của hãng được sản xuất thêm do nhu cầu của người tiêu dùng. Do vậy, sản phẩm đã không được hoạch định thống nhất. Nike chỉ đơn thuần đi mua các sản phẩm và dán mác của hãng lên. Công ty mua sản phẩm quần áo từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, không có tiêu chuẩn thống nhất về kích cỡ, chất lượng hay màu sắc. Đó không phải là hình ảnh thực sự phản ánh đúng thương hiệu của hãng.
Marilyn đứng trước một nghịch cảnh: nguyện vọng làm việc cho Nike đối lập với những nhận xét chuyên môn về sản phẩm. Cô lo ngại rằng, nếu nói cho Phil sản phẩm không thống nhất với hình ảnh thương hiệu và không nên trưng bày tại cửa hàng, cô sẽ không được nhận vào làm.
Khi gặp Phil Knight tại Oregon, phần đầu của buổi nói chuyện về triển vọng xây dựng cửa hàng rất thú vị. Song càng nói, Marilyn càng cảm thấy không thoải mái bởi cô biết rằng mình cần nói cho Phil biết sự thật về chất lượng sản phẩm và cô tin rằng các cửa hàng sẽ thất bại nếu họ không tạo ra được dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và thống nhất. Tuy nhiên, cô ngần ngại bởi cô sợ Phil đang sốt sắng muốn xây dựng và đưa vào hoạt động các cửa hàng nên ông sẽ tìm một người khác. Sau hai tiếng đồng hồ, cuối cùng cô cũng quyết định nói cho Phil hay giày của Nike rất tuyệt song nếu họ muốn xây dựng cửa hàng dựa trên quần áo và các sản phẩm khác, mặc dù chúng chỉ chiếm 5% tổng doanh thu của công ty nhưng được trưng bày hơn một nửa diện tích các cửa hàng. Cô nói rằng, theo cô các cửa hàng sẽ thất bại nếu các sản phẩm của hãng được trưng bày không thực sự phản ánh giá trị cốt lõi của Nike.
Đúng như cô lo sợ, những điều Marilyn nói ra đã nhanh chóng kết thúc buổi nói chuyện. Cô bay về California, trong lòng băn khoăn liệu mình đã làm đúng chưa. Cô cảm thấy mình có thể đánh mất cơ hội làm việc cho Nike song cô vẫn thấy vui vì đã nói ra sự thật.
Hai tuần sau, Phil Knight gọi cho cô và nói ông đã xem xét lại những điều cô nói, đã tự mình tìm hiểu về chất lượng sản phẩm và đồng ý với những đánh giá của cô. Ông mời cô làm phó chủ tịch đầu tiên về nhãn hàng quần áo và phụ kiện. Ông nói: “Cô hãy tới, chỉnh sửa lại hàng hóa và chúng ta sẽ mở các cửa hàng”.
Như các bạn đã biết, phần sau của câu chuyện đã đi vào lịch sử. Mặc dù quyết định trì hoãn việc khai trương các cửa hàng tới hai năm, song nhãn hàng quần áo đã tăng trưởng mạnh mẽ và các cửa hàng đã giúp hãng Nike mở rộng, chiếm thị phần và niềm tin lớn hơn của người tiêu dùng Hoa Kỳ.