Tính hoàn thiện của ngôn ngữ có thể đem lại cho bạn tự do, thành công và của cải; nó có thể xua đi mọi lo sợ và biến lo âu thành niềm vui, tình yêu.
DON MIGUEL RUIZ
Tác giả cuốn The Four Agreements
Hầu hết chúng ta đều nói một cách vô thức. Hiếm khi chúng ta dừng lại để nghĩ về những điều mình nói. Suy nghĩ, ý tưởng, nhận xét và niềm tin cứ tuôn ra khỏi miệng mà chúng ta không hề xem xét cẩn thận lợi hại của chúng.
Những người thành công, ngược lại, luôn làm chủ lời nói của mình. Họ biết chính xác mình không chi phối lời nói mà chính là lời nói chi phối họ. Họ hiểu những suy nghĩ trong đầu cũng như những lời nói ra - đều về bản thân họ và những người khác. Họ hiểu rằng để thành công hơn, những lời nói của họ cần xây dựng lòng tự trọng, tự tin, thúc đẩy các mối quan hệ, những ước mơ - những lời khẳng định, khuyến khích, biết ơn, tình yêu, sự chấp nhận và tầm nhìn.
Hoàn thiện lời nói chính là nói những lời từ đáy lòng: nói có mục đích và thật thẳng thắn. Những lời nói của bạn phải phù hợp với những gì bạn muốn mang lại - tầm nhìn và ước mơ của bạn.
LỜI NÓI CÓ SỨC MẠNH
Khi lời nói được hoàn thiện thì nó không chỉ có sức mạnh với bạn mà còn với những người xung quanh. Hãy nói những lời thành thật, khẳng định và nâng cao giá trị của người khác.
Khi bạn học được cách hoàn thiện lời nói, bạn sẽ khám phá ra rằng, lời nói chính là nền tảng của các mối quan hệ. Cách tôi nói với bạn và về bạn quyết định mối quan hệ của chúng ta.
NHỮNG ĐIỀU BẠN NÓI VỚI NGƯỜI KHÁC SẼ TẠO NÊN ẢNH HƯỞNG TO LỚN
Đừng nói những lời khó nghe, hãy nói những điều sáng suốt, làm vui lòng người nghe.
EPHESIANS
Bản Kinh Thánh King James
Những người thành công luôn nói những lời mang tính xây dựng hơn là chia rẽ, chấp nhận hơn là từ chối, tha thứ hơn là thành kiến.
Nếu tôi thể hiện tình yêu và sự chấp nhận đối với bạn, bạn cũng sẽ có thái độ tương tự với tôi. Nếu tôi phán xét và chỉ trích bạn, bạn cũng sẽ phán xét lại. Nếu tôi bày tỏ sự tôn trọng và biết ơn bạn, bạn cũng sẽ tôn trọng và biết ơn tôi. Nếu tôi nói những lời hằn học với bạn, bạn cũng sẽ căm ghét tôi.
Sự thật là những lời nói của bạn sinh ra một năng lượng hoặc một thông điệp có thể làm phát sinh phản ứng từ người khác và phản ứng đó sẽ tác động ngược trở lại bạn với cường độ lớn hơn nhiều lúc phát đi. Nếu bạn thô lỗ, nóng nảy, kiêu ngạo hay thù địch, bạn có thể nhận lại thái độ tiêu cực tương tự.
Mọi điều bạn nói đều có tác động lên thế giới bên ngoài. Mọi điều bạn nói với người khác sẽ tác động lên người đó. Hãy nhớ rằng, bạn luôn tạo ra những tác động - dù tích cực hay tiêu cực - bằng lời nói của mình.
Hãy luôn tự hỏi bản thân: Liệu những điều mình sắp nói có thể giúp thúc đẩy quá trình thực hiện tầm nhìn, nhiệm vụ và các mục tiêu không? Liệu nó có đem lại cảm giác tích cực cho người nghe? Có truyền cảm hứng và khuyến khích họ không? Liệu nó có xóa đi những nỗi lo sợ, đem lại cảm giác an toàn và tin cậy? Liệu nó có giúp tạo dựng lòng tự tin, tự tôn, tinh thần sẵn sàng mạo hiểm và hành động?
HÃY NGỪNG NÓI DỐI
Hậu quả tiêu cực của việc nói dối là bạn không chỉ tự hạ thấp bản thân mà còn đứng trước nguy cơ bị lật tẩy và đánh mất niềm tin của mọi người.
Khi viết loạt sách Chicken Soup for the Soul, chúng tôi có một chính sách là ngoại trừ những bài thơ và câu chuyện rõ ràng thuộc thể loại hư cấu hoặc ngụ ngôn, còn lại mọi câu chuyện đều có thực. Điều này rất quan trọng với chúng tôi, bởi nếu câu chuyện đó thực sự có tính thuyết phục, chúng tôi muốn những người đọc sẽ thốt lên: Ồ, nếu họ làm được thì tôi cũng có thể làm được.
Đôi khi, chúng tôi phát hiện ra có tác giả gửi tới những câu chuyện không có thật. Mỗi lần như vậy, chúng tôi không bao giờ sử dụng một câu chuyện nào của tác giả đó nữa. Chúng tôi không còn đặt niềm tin vào những con người đó. Những lời nói của họ không đáng tin.
Trên thực tế, nói dối là sản phẩm của thái độ thiếu tự tin - của niềm tin rằng bạn và khả năng của bạn không đủ để đạt tới những điều mình mong muốn. Nó cũng dựa trên niềm tin sai lệch rằng bạn không thể kiểm soát những hậu quả của những người biết sự thật về bạn.
Khi bạn nói xấu một người với người khác, khi đó câu chuyện có thể giúp bạn thân mật hơn với người này, song nó lại tạo ra một ấn tượng lâu dài rằng bạn là người chuyên đi nói xấu người khác. Người đó sẽ luôn hoài nghi - ngay cả trong vô thức - rằng khi nào bạn sẽ dùng những lời lẽ độc địa đó để nói về họ. Nó sẽ hủy hoại niềm tin của họ dành cho bạn.
NHỮNG ĐIỀU BẠN NÓI VỀ NGƯỜI KHÁC THẬM CHÍ CÒN QUAN TRỌNG HƠN
Nếu chúng ta nhìn lại các sự việc đã diễn ra, thì những người thầy vĩ đại và được tôn trọng nhất luôn cảnh báo chúng ta về tác hại của việc nói xấu và phán xét người khác. Đó là bởi họ đã hiểu được tác hại của nó tới lòng tin. Mọi cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ lời nói. Người ta chém giết nhau cũng bởi lời nói. Các thương vụ làm ăn cũng bị hủy hoại bởi lời nói.
Không chỉ có vậy, nói xấu và phán xét cũng ảnh hưởng tới chính bạn, bởi bạn đã rót thuốc độc xuống dòng sông có thể mang bạn tới bến bờ mình mong ước.
Ngay cả khi không nói một lời nào, những người khác cũng có thể quy xét thái độ tiêu cực, chỉ trích của bạn về phía họ. Như vậy, những điều bạn nói xấu về người khác cuối cùng đã quay lại chỉ trích người bạn đang đối thoại. Rất nhiều lần, những người yêu quý tôi gọi điện nói với tôi rằng có người nói xấu tôi. Như vậy, điều gì sẽ xảy ra với mối quan hệ của tôi và những người đó? Hoàn toàn rạn nứt.
Thêm vào đó, tôi còn học được rằng khi tôi nói xấu một người, (1) tôi tự hạ thấp chính mình, (2) sự tập trung của tôi bị hướng vào những thứ tôi không muốn có trong đời - hơn là những điều tôi thực sự mong muốn, (3) nó làm tôi lãng phí thời gian và công sức. Tôi đã học được rằng thay vào đó, tôi có thể dùng sức mạnh của lời nói và trí óc để tạo ra những điều tôi mong muốn có được.
Để hoàn thiện phương cách giao tiếp với mọi người, hãy:
• Quyết tâm làm lời nói trở nên hoàn hảo khi bạn nói chuyện với người khác.
• Cố gắng đánh giá đúng một khía cạnh nào đó của những người bạn tiếp xúc.
• Cam kết nói lên sự thật khi bạn tiếp xúc, trò chuyện với người khác.
• Chủ động sử dụng mọi phương tiện giao tiếp để truyền cảm hứng, kích thích người khác. Hãy chú ý tới cảm giác của bạn khi thực hiện điều đó.
Thông thường, chúng ta sử dụng lời nói làm tổn thương người khác chỉ vì chúng ta không chú tâm. Chúng ta chưa từng được dạy về sức mạnh của lời nói.
TÁN GẪU
Tôi đã biết được sức mạnh của tán gẫu khi tôi đi dạy năm đầu tiên tại trường cấp ba vào năm 1968. Vào ngày đầu tiên, tôi bước vào phòng giáo viên trước khi lên lớp. Một trong những giáo viên lớn tuổi bước lại phía tôi và nói: “Tôi thấy anh phải phụ trách cậu Devon James trong lớp học lịch sử nước Mỹ. Năm ngoái tôi cũng phải dạy cậu này. Quả thật là một học sinh cá biệt. Chúc anh may mắn!”
Bạn có thể tưởng tượng điều gì khi tôi bước vào lớp và thấy Devon James. Tôi dò xét mọi cử chỉ của cậu bé. Tôi đón chờ cậu sẽ thể hiện như một học sinh cá biệt. Devon chẳng có cơ hội nào. Cậu bé đã bị nhìn nhận như một học sinh cá biệt. Tôi đã có ấn tượng về cậu ngay từ trước khi gặp hay nghe cậu nói lời nào. Và rõ ràng tôi cũng gửi tới cậu một dạng thông điệp vô thức: Tôi biết trò là một học sinh rắc rối. Đó chính là định kiến - thành kiến về người khác ngay trước khi bạn thực sự có cơ hội hiểu họ.
Tôi đã học được cách không bao giờ để cho một giáo viên - hay bất kì ai, vì bất kì lý do gì - nhận xét với tôi về một người trước khi tôi gặp người đó. Tôi học cách tin tưởng vào chính những quan sát của mình. Tôi cũng học được rằng nếu tôi đối xử với mọi người một cách tôn trọng và thể hiện những kì vọng tôi dành cho họ qua từng lời nói và hành động, họ sẽ luôn đáp ứng được những kì vọng tích cực đó.
Cái giá lớn nhất của việc tán chuyện, tất nhiên, là bạn mất đi đầu óc tỉnh táo. Những người hoàn hảo nhìn thế giới xung quanh rõ ràng hơn. Họ suy nghĩ tỉnh táo và do đó quyết định, hành động hiệu quả hơn. Trong cuốn The Four Agreements, Don Miguel Ruiz đã ví quá trình tán chuyện với việc đưa một con vi rút máy tính vào đầu óc bạn, khiến đầu óc thiếu tỉnh táo dần đi.
Đây là một vài cách thiết thực giúp bạn và những người xung quanh bớt tán chuyện:
1. Thay đổi chủ đề.
2. Nói những điều tốt đẹp về người đang được bàn luận.
3. Ngừng nói chuyện, đi chỗ khác.
4. Giữ im lặng.
5. Phát biểu rõ ràng rằng bạn không muốn bàn tán về người khác nữa.
KIỂM TRA SUY NGHĨ VÀ CẢM XÚC CỦA BẠN
Làm cách nào để biết được bạn đã cẩn trọng với lời nói của mình? Đó là khi bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thanh thản và điềm tĩnh. Nếu bạn không có những cảm giác này, hãy kiểm tra lại suy nghĩ của mình, những đoạn độc thoại nội tâm, cách nói chuyện và thư từ qua lại với người khác.
Khi bạn bắt đầu cẩn trọng với lời nói, bạn sẽ thấy được những thay đổi trong đời sống của mình.