Có những điều có thể thay thế sự thật phũ phàng, song nếu thực sự tồn tại những điều đó, tôi cũng không biết liệu chúng có thể là gì.
J. PAUL GETTY
Tác giả cuốn How to Be Rich
Vô số người lãng phí thời gian và nguồn lực quý giá vào việc băn khoăn rằng liệu người khác đang nghĩ gì, dự định gì hay làm gì. Thay vì trực tiếp hỏi những người này, họ lại đưa ra các giả định - và thường là giả định chống lại chính họ - sau đó đưa ra quyết định dựa trên những giả định này.
Những người thành công, mặt khác, không lãng phí thời gian vào việc ngồi băn khoăn. Họ chỉ hỏi: “Tôi không biết có phải…” hay “Bạn có đang cảm thấy…?” Họ không sợ bị từ chối, do vậy họ đưa ra câu hỏi.
NGƯỜI TA LUÔN TƯỞNG TƯỢNG RA ĐIỀU TỒI TỆ NHẤT KHI KHÔNG BIẾT SỰ THẬT
Vấn đề cốt lõi của việc giả định là gì? Đó là người ta thường lo sợ về những điều họ không biết. Thay vì kiểm tra, họ giả định những điều có thể không tồn tại, sau đó dựng lên những thành kiến xung quanh các giả định đó. Họ quyết định sai lầm dựa trên các giả định, những lời đồn đoán và theo ý kiến của người khác.
Hãy xem xét sự khác biệt khi bạn biết được mọi thông tin - các thông tin chân thực - về tình hình, con người, vấn đề hay cơ hội. Sau đó, bạn có thể đưa ra quyết định và hành động dựa trên thực tế thay vì những giả định và hình dung của bản thân.
Tôi còn nhớ trong một buổi hội thảo của mình, có một người tham dự, ngồi cuối phòng, trông có vẻ như không hề muốn ngồi tại đó chút nào. Trông anh ta khó chịu, tức giận và muốn thoái lui. Anh ta khoanh chéo tay trước ngực. Vẻ mặt hiện rõ sự cau có và dường như anh ta căm ghét mọi điều tôi nói. Tôi hiểu rằng nếu bất cẩn, tôi sẽ tập trung quá vào anh ta và thái độ thù địch của anh ta, gây ảnh hưởng tới những người tham dự khác.
Bạn có thể hình dung được điều này, không một diễn giả nào muốn nghe người tham dự bị bắt ép tới nghe anh ta nói và rằng anh ta chẳng hài lòng với những tài liệu hội thảo - hay tệ hơn, anh ta ghét vị diễn giả. Dựa theo những cử chỉ của anh chàng này, có thể dễ dàng đưa ra một trong những giả định trên.
Song thay vì giả định, tôi đã kiểm tra.
Trong giờ nghỉ giải lao đầu tiên, tôi đi tới chỗ anh ta và nói: “Tôi có thể thấy anh không thực sự thích nơi này lắm. Liệu có phải buổi hội thảo hôm nay không đem lại hiệu quả cho anh. Hay có lẽ quản lý của anh bắt buộc anh tới đây trong khi anh không muốn. Tôi thực sự rất quan tâm đến vấn đề này.”
Khi đó, thái độ của anh ta thay đổi hoàn toàn. Anh ta nói: “Ồ không, tôi rất thích bài diễn thuyết của anh. Song tôi thấy có vẻ mình đang bị cảm. Tôi không muốn ở nhà và bỏ lỡ buổi hội thảo này, bởi tôi biết nó rất hay. Tôi đã phải rất nỗ lực và tập trung mới đến được đây, song thực sự cũng đáng công đáng sức bởi tôi học được rất nhiều điều.”
Chà! nếu tôi không hỏi, chắc hẳn tôi đã phá hỏng cả ngày bằng những giả định tồi tệ.
Đã bao nhiêu lần bạn giả định - dù tốt dù xấu - mà không kiểm tra lại?
Bạn có giả định mà không kiểm tra lại liệu tất cả các bên sẽ thực hiện đúng kế hoạch khi một dự án quan trọng sắp kết thúc? Bạn có giả định mà không kiểm tra lại liệu bạn có đang cung cấp những sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng? Bạn có giả định mà không kiểm tra lại liệu cuối buổi họp mọi người đã hiểu rõ ai có trách nhiệm, nhiệm vụ gì, hạn chót là khi nào chưa?
Bạn hãy tưởng tượng xem, mọi việc sẽ dễ dàng biết bao nếu thay vì giả định - bạn chỉ cần nói: “John, anh sẽ hoàn thành bản báo cáo vào thứ Sáu tới, phải không? Và Mary, cô sẽ làm việc với báo chí để cho ra một bản tin vào năm giờ thứ Ba, đúng không?”
CHÚNG TA THƯỜNG DO DỰ KHI SỰ VIỆC CÓ THỂ DIỄN TIẾN THEO HƯỚNG XẤU
Thông thường, khi đưa ra giả định xấu nhất, chúng ta sẽ không muốn kiểm tra lại. Chúng ta sợ phải nghe câu trả lời. Nếu tôi chuẩn bị đi làm và vợ tôi mặt mũi cau có, tôi sẽ dễ giả định cô ấy đang giận tôi. Và mặc dù tôi có thể thận trọng, nghĩ xem mình đã làm gì sai, đoán trước một cơn giận dữ, song hãy hình dung xem mối quan hệ của chúng tôi có thể tốt đẹp hơn biết bao nếu tôi chỉ cần nói: “Trông em không vui. Có chuyện gì vậy?”
Tại thời điểm bạn bắt đầu kiểm tra, có hai việc sẽ diễn ra.
Một là, bạn tìm ra sự thật. Bạn có thực sự làm sai điều gì - hay chỉ là cô ấy vừa có một cuộc đàm thoại không vui với chị gái mà bạn không biết? Hai là, bạn có thể làm điều gì đó - để giúp vợ thay đổi tâm trạng - nếu bạn biết được điều gì đang diễn ra.
Những việc có thể cải thiện cuộc sống của bạn cũng vậy. Có lẽ, bạn giả định không có cách nào mua được vé xem nhạc rock vào ngày gần buổi diễn hay rằng bạn sẽ không bao giờ được nhận vào chương trình đào tạo mỹ thuật hoặc bạn không thể mua nổi món đồ cổ kia.
Kiểm tra lại đơn giản hơn nhiều. Hãy hỏi: “Tôi không biết có phải...” và “Liệu có ổn không nếu...”; “Có phải anh cảm thấy...”, “Liệu có thể...”, “Tôi phải làm gì để...”, “Điều gì có thể khiến anh...”
Ý ANH LÀ...?
Một cách kiểm tra các giả định là phương pháp tôi đã áp dụng trong một số bài giảng nhằm cải thiện giao tiếp trong các mối quan hệ.
Tôi gọi đó là phương pháp “Ý Anh Là”.
Giả sử vợ tôi nhờ tôi giúp dọn dẹp ga ra vào Thứ Bảy.
“Không,” tôi từ chối.
Vậy là, lập tức vợ tôi sẽ giả định Jack đang giận mình. Anh ấy không quan tâm tới những điều mình mong muốn. Anh ấy không thèm để ý rằng xe của mình không còn để vừa trong ga ra nữa… Song với phương pháp “Ý Anh Là”, vợ tôi sẽ không giả định điều gì mà hỏi tôi xem tôi thực sự đang nghĩ gì.
“Jack, ý anh là anh sẽ không giúp em dọn ga ra và để em tự làm một mình?”
“Không, anh không có ý đó.”
“Ý anh là anh muốn làm việc khác hơn?”
“Không, anh cũng không có ý đó.”
“Ý anh là anh bận vào ngày thứ Bảy và anh đã có dự định khác mà em không được biết?”
“Phải, ý anh là vậy. Anh xin lỗi anh chưa nói với em. Anh đãng trí quá.”
Đôi khi người ta không giải thích ngay những câu trả lời của họ. Họ chỉ nói không và không đưa ra lý do gì. Nam giới thường trả lời theo cách này. Trong khi phụ nữ thường đưa ra rất nhiều lý do để giải thích, nam giới thường chỉ nói ngắn gọn và không đi sâu vào chi tiết. Hãy hỏi “Ý anh là…?”, bạn sẽ sáng tỏ hơn và không còn phải băn khoăn điều gì đang diễn ra.
KIỂM TRA SẼ GIÚP BẠN THÀNH CÔNG
Kiểm tra những giả định sẽ cải thiện giao tiếp, các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống và đặc biệt là thành công và năng suất của bạn tại công sở. Bạn bắt đầu thu được nhiều kết quả tốt hơn. Bạn không phải giả định về những điều người ta định làm. Bất kì khi nào lo ngại Barbara không hoàn thành kịp tiến độ, hãy gọi cho Barbara. Hãy kiểm tra lại.
W. Edwards Deming, chuyên gia đầu ngành về hệ thống, người đã giúp tái thiết ngành sản xuất ô tô, điện tử và nhiều hàng hóa khác của Nhật Bản lên tầm cao hơn bất kì một quốc gia nào trên thế giới, đã từng nói 15% khoảng thời gian đầu tiên của bất kì dự án nào đều quan trọng. Đó là lúc bạn làm sáng tỏ mọi việc, thu thập số liệu và kiểm tra.
Ví dụ, khi bạn tham gia vào một mối quan hệ làm ăn, bạn quyết định - trong 15% khoảng thời gian đầu tiên - bạn sẽ hợp tác ra sao, giải quyết các tranh chấp thế nào, chiến lược giải thoát ra sao nếu có bên muốn ngừng hợp tác, tiêu chí quyết định liệu một người có hoàn thành đúng bổn phận hay không,… Hầu hết mọi tranh chấp xảy ra về sau trong các mối quan hệ bắt nguồn từ việc người ta đưa ra những giả định sai lầm mà không hề kiểm tra lại. Họ không tự làm sáng tỏ những thỏa thuận của chính mình.
Deming cũng phát biểu khi bắt đầu bất kì công việc gì, vô số người thường vội vàng tham gia mà không cân nhắc các dữ liệu thực tế - thậm chí còn không biết đo lường hiệu quả ra sao. Làm cách nào để bạn biết được khi nào bạn giành thắng lợi? Liệu bạn đang làm việc chỉ để kiếm tiền, thực hiện một mục tiêu xã hội nào đó, bán lại công ty và quy đổi lợi nhuận ra tiền mặt để nghỉ hưu sớm, sử dụng công ty của mình như một vũ đài chính trị, hay giải quyết một vấn đề nào đó trên thế giới? Mục đích của bạn là gì? Giá trị cốt lõi của bạn là gì? Chiến lược thoái lui của bạn là gì?
KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC QUY TẮC
Hiển nhiên, quy tắc 15% cũng được áp dụng với bất kì mục tiêu cá nhân nào mà bạn theo đuổi. Bạn có còn nhớ Tim Ferriss, vận động viên quyền cước vô địch quốc gia chỉ sau sáu tuần tập luyện? Ẩn sau câu chuyện đó là Tim đã không hề giả định gì về quy tắc thi đấu quyền cước, mà thực sự đã kiểm nghiệm chúng. Anh đã học được qua quá trình tìm hiểu rằng nếu bạn đấm trúng đối thủ hai lần trong một vòng, bạn sẽ thắng.
Giờ đây, trong bộ môn quyền cước, hầu hết mọi người nghĩ tới kicking - đá và đấm. Ngược lại, Ferriss vốn là một vận động viên vật. Do vậy, anh đã nói với huấn luyện viên: “Thầy đừng dạy em cách hạ đo ván đối thủ. Hãy dạy em cách ném đối thủ ra khỏi sân thi đấu mà không bị thua.” Chính nhờ cách đó, anh đã giành chức vô địch. Anh đã xác định sự khác biệt giữa các quy tắc thực sự và quy tắc do người ta giả định.
Trong đời sống, các quy tắc thực sự và giả định có sự khác biệt khá lớn. Nếu bạn không hỏi mà chỉ đơn thuần giả định mình không thể thực hiện được, có thể đáng ra bạn đã thành công dễ dàng nhờ có một vài sự thật hay lỗ hổng mà chỉ kiểm tra bạn mới biết được.