Tôi chưa từng thấy ai, dù xuất phát điểm ra sao, lại làm việc tốt hơn, nỗ lực hơn dưới sự chỉ trích thay vì được khen ngợi.
CHARLES M. SCHWAB
Chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Thép Hoa Kỳ
Theo một nghiên cứu quản trị học gần đây, 46% nhân viên bỏ việc do cảm thấy không được coi trọng; 61% cho hay, quản lý của họ không coi trọng họ như những người khác và 88% cho rằng, những nỗ lực của họ không được ghi nhận xứng đáng.
Email sau minh họa cho sức mạnh của lời khen và sự khác biệt lời khen có thể tạo nên. Trong kỷ niệm sinh nhật thứ 10 của cuốn Chicken Soup for the Soul, nhà xuất bản của chúng tôi - Health Communications, Inc., đã tổ chức một buổi tiệc và trình chiếu một slide show những dấu mốc đáng nhớ trong vòng một thập kỷ qua. Randee Zeitlin Feldman tới từ HCI là người thực hiện slide show và tôi đã gửi hoa cảm ơn cô về công việc tuyệt vời cô đã làm. Đây là email trả lời tôi nhận được. Tựa đề của email là “Tôi chưa từng cảm thấy được trân trọng tới vậy.”
Chào Jack,
Cảm ơn anh đã gửi cho tôi những bông hoa rất đẹp vào ngày hôm nay. Tôi thực sự rất cảm động và không thể tin nổi bó hoa đẹp đẽ đó là dành cho mình. Tôi thực sự cảm thấy may mắn và vinh hạnh khi được làm việc với anh trong suốt tám năm qua.
Tôi thấy thật tuyệt vời khi được đóng góp một phần (dù rất nhỏ) vào thành công của bộ sách. Những năm tháng qua đã mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui và tôi trân trọng mỗi giây phút đó. Tôi thấy mình thật may mắn và xin cảm ơn anh một lần nữa vì đã nghĩ tới tôi.
Mọi người đi qua văn phòng đều chú ý tới những bông hoa. Ai cũng muốn biết tôi đã làm gì để được tặng những bông hoa xinh đẹp nhường đó… tôi nói với họ, đó là nhờ tình yêu thương!
Một lần nữa xin cảm ơn anh.
Thân mến
Randee
Tôi chưa từng thấy ai phàn nàn về việc nhận được quá nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ người khác. Bạn đã gặp ai như vậy chưa? Thực tế, tôi chỉ thấy điều ngược lại.
Dù bạn là doanh nhân, giám đốc, giáo viên, cha mẹ, huấn luyện viên hay chỉ đơn thuần là một người bạn, nếu bạn muốn thành công, bạn phải làm chủ được nghệ thuật khen ngợi.
Hãy suy nghĩ về vấn đề này: Hàng năm, một công ty tư vấn quản trị thực hiện điều tra 200 công ty về chủ đề “điều gì khuyến khích nhân viên làm việc”. Khi được chọn trong danh sách 10 điều khiến họ thấy khích lệ nhất, các nhân viên luôn xếp được khen ngợi là nhân tố hàng đầu. Khi được yêu cầu xếp thứ tự quan trọng trong cùng danh sách 10 điều đó, giám đốc và các nhà quản lý lại xếp được khen ngợi ở vị trí số tám. Đây chính là sự bất hợp lý lớn, bạn có thể thấy trong biểu đồ dưới đây.
Một điều thú vị nữa là ba nhân tố quan trọng hàng đầu theo quan niệm của nhân viên - khen ngợi, cảm giác “được tham gia vào” và thái độ thấu hiểu - không hề đòi hỏi một chi phí nào, mà chỉ cần bỏ ra một chút thời gian, tôn trọng và thấu hiểu.
BA HÌNH THỨC KHEN NGỢI
Bạn nên phân biệt được ba hình thức khen ngợi khác nhau sau - thính giác, thị giác và cảm giác. Đây là ba cách bộ não thu nhận thông tin và mỗi người đều có một ý thích riêng đối với ba hình thức khen ngợi này.
Những người theo phái thính giác thích được nghe lời khen, những người theo phái thị giác thích được nhìn thấy còn những người theo phái cảm giác muốn được cảm nhận. Nếu bạn đưa ra phản hồi dưới dạng hình ảnh cho một người phái thính giác, hiệu quả sẽ không cao. Người này có thể nói: “Anh ta gửi thư, thiệp và e-mail cho tôi song lại chẳng bao giờ bỏ công tới gặp và nói với tôi cả.”
Những người theo phái thị giác, mặt khác, lại thích nhận được các tặng phẩm có thể nhìn thấy, có lẽ treo trên tủ lạnh nhà họ. Họ thích thư từ, thiệp, hoa, chứng nhận, tranh ảnh - hay các hình thức quà tặng khác. Họ có thể nhìn thấy và ghi nhớ về những lời khen tặng mãi mãi. Chúng ta có thể biết ai thuộc phái thị giác thông qua bảng tin, tủ và tường của họ. Họ sẽ treo đầy những tặng phẩm ghi nhớ tình yêu và sự khen ngợi họ nhận được.
Những người thuộc phái cảm giác cần cảm nhận được - một cái ôm, bắt tay, vỗ về lên lưng, hay một hành động gì đó, như mời họ đi massage, ăn trưa, ăn tối, đi chơi bóng rổ, đi dạo hay đi khiêu vũ.
Nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia khen ngợi thực thụ, hãy tìm hiểu xem hình thức khen ngợi nào khiến người được khen cảm thấy hạnh phúc nhất. Một cách đơn giản là hỏi người đó xem họ cảm thấy được yêu thương nhất trong đời là khi nào. Sau đó hãy yêu cầu người đó miêu tả trải nghiệm cho bạn nghe. Bạn có thể hỏi thêm các câu hỏi như: “Có phải là những câu bạn được nghe, những hành động họ làm hay cách thức của họ khiến bạn cảm động? Liệu ánh mắt (thị giác), giọng nói (thính giác) hay thái độ ân cần (cảm giác) của họ khiến bạn nhớ nhất?” Khi đã xác định được người đó thuộc phái thính giác, thị giác hay cảm giác, bạn có thể hành động theo hướng phù hợp nhất.
Tôi biết vợ tôi, Inga, thuộc phái cảm giác. Cô theo chuyên ngành vật lý trị liệu và là một nhà trị liệu bằng phương pháp massage, huấn luyện viên cá nhân và giảng dạy yoga trong nhiều năm. Cô thích leo núi, cưỡi ngựa, chạy trên bãi biển, bơi lội, lướt sóng và khiêu vũ. Cô thích tắm táp, massage và luyện tập yoga. Những hoạt động này khiến cô cảm thấy vui vẻ. Khi lựa chọn trang phục, cảm giác về chất vải quan trọng hơn thiết kế.
Cách tốt nhất để bày tỏ thái độ khen ngợi với vợ tôi là một cái ôm, một nụ hôn hay massage chân. Cô cảm nhận được tình yêu rõ ràng nhất khi tôi cùng cô đi dạo. Nếu tôi chỉ đưa ra những lời khen, cô sẽ muốn tôi ngồi đối diện, nhìn vào mắt, cầm tay cô. Chỉ việc nằm trên giường nắm tay nhau cũng khiến cô cảm thấy được yêu thương và trân trọng. Nếu tôi dùng nhiều lời lẽ khen ngợi cô, cô sẽ ngắt quãng tôi giữa chừng và nói “Blah, blah, blah; chỉ cần nắm tay em thôi.”
Mặt khác, Patty Aubery, giám đốc công ty tôi, lại thuộc phái thính giác. Cô thích nói chuyện qua điện thoại, nghe đài hoặc thích tận hưởng sự im lặng và thanh bình của ngôi nhà trống. Cô thực sự nhạy cảm với âm điệu trong giọng nói của tôi. Một cuộc điện đàm cảm ơn ngắn gọn sẽ có tác dụng rất lớn với Patty.
Tôi thì thuộc phái thị giác. Tôi thích được nhận quà, thiệp, thư và e-mail từ những người tôi đã biết. Tôi treo đầy thiệp, tranh ảnh, bìa sách và hoạt hình về cuốn Chicken Soup for the Soul, bìa tạp chí và tranh ảnh do bọn trẻ vẽ lên tường. Tôi thích mọi vật gọn gàng, ngăn nắp - dễ nhìn. Tôi có hai chiếc hộp đầy thư từ và các bài báo. Tôi gọi chúng là Những chiếc hộp Ấm áp Yêu thương. Chỉ cần lấy ra vài tấm thiệp, nhìn lại chúng cũng có thể khiến tôi rất hạnh phúc.
Đối với tôi, chỉ cần tặng một món quà đơn giản và nói: “Cảm ơn, tôi thực sự trân trọng tình cảm của anh.” Vợ tôi thường tặng tôi một bông hồng vào buổi sáng, đặt lên bàn làm việc và tôi có thể nhìn bông hoa cả ngày, cảm nhận tình yêu cô dành cho tôi. Đồng tác giả cuốn Chicken Soup for the soul với tôi, Mark Victor Hansen, đã mua tặng tôi một bức tượng nhỏ sau chuyến đi châu Á. Anh nói: “Tôi đã nghĩ tới anh khi nhìn thấy bức tượng này và muốn tặng nó cho anh.” Mỗi lần nhìn thấy bức tượng, tôi lại cảm thấy được trân trọng và yêu thương.
SỰ KẾT HỢP HOÀN HẢO
Khi nghi ngờ, bạn hãy sử dụng cả ba hình thức giao tiếp - thính giác, thị giác và cảm giác. Hãy nói với họ, thể hiện cho họ thấy và vỗ về họ. Bạn có thể cầm tay người đối thoại, nhìn thẳng vào mắt, chân thành nói với họ rằng bạn trân trọng và biết ơn những nỗ lực của họ. Sau đó hãy tặng người đó một tấm thiệp hay một món quà để ghi nhớ. Hay bạn cũng có thể khoác vai bọn trẻ khi cùng nhau đi dạo trên bãi biển, nói với chúng bạn yêu thương chúng và sau đó tặng chúng một tấm thiệp. Chắc chắn bạn sẽ “ghi điểm.”
HÃY KIÊN TRÌ CHO TỚI KHI BẠN LÀM ĐÚNG
Một lần, tôi dẫn theo một cặp vợ chồng tới tham dự hội thảo của Tiến sĩ Harville Hendricks, đồng tác giả cuốn Getting the Low You Want: A Guide for Couples, trong đó ông kể chuyện về việc làm thế nào để biết vợ ông muốn được yêu thương và trân trọng theo cách nào. Do vợ ông luôn tặng hoa và quà cho mọi người khi cảm ơn, ông cho rằng cô cũng thích các tặng phẩm như vậy. Vậy nên, một hôm, ông gửi tặng vợ một bó hoa hồng. Khi đi làm về, ông hi vọng sẽ nhận được “phần thưởng” - một lời cảm ơn chân thành từ vợ.
Những khi ông bước vào nhà, vợ ông thậm chí còn không nhắc gì tới việc đó. Ông hỏi vợ đã nhận được hoa chưa, cô nói “rồi”. Ông hỏi: “Em không thích à?”
“Không hẳn”.
“Anh không hiểu. Em luôn tặng hoa cho mọi người. Anh nghĩ rằng em thích hoa”.
“Em cũng không yêu hoa đến thế”.
“Ồ, thế em thích được tặng gì nào?”
“Thiệp”, cô đáp.
Được thôi, ông nghĩ. Ngày hôm sau, ông đi mua cho cô một tấm thiệp lớn có hình chú chó Snoopy ngộ nghĩnh bên trong và đặt tại nơi cô thường thấy trong ngày. Tối hôm đó khi đi làm về, ông lại mong chờ nhận được phần thưởng của mình.
Nhưng vẫn chẳng có gì cả. Ông rất thất vọng. Ông hỏi: “Em đã thấy tấm thiệp anh tặng em chưa?”
“Em thấy rồi”.
“Em không thích à?”
“Không hẳn”.
“Sao vậy em? Anh nghĩ em thích được tặng bưu thiệp mà”.
“Em thích, nhưng không phải thiệp ngộ nghĩnh. Em thích những tấm thiệp anh mua tại bảo tàng mỹ thuật, trên đó có một bức họa tuyệt đẹp và bên trong có những thông điệp ngọt ngào, lãng mạn.”
Được rồi.
Ngày hôm sau, ông tới Bảo tàng Mỹ thuật Thủ đô, mua một tấm thiệp đẹp và viết những lời ngọt ngào, lãng mạn bên trong. Hôm sau, ông đặt tấm thiệp tại nơi vợ ông có thể thấy. Khi về nhà, vợ ông ra đón ông tận cửa, ôm hôn cảm ơn ông về tấm thiệp.
Chính nhờ quyết tâm thể hiện tình yêu thương của mình với vợ, cuối cùng tiến sĩ đã tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để truyền đạt thông điệp của mình.
AI QUAN TÂM?
Nếu được hỏi, bạn có thể kể ra tên năm người giàu nhất thế giới, hay năm người đạt giải Nobel, hay giải thưởng của Viện Hàn lâm dành cho diễn viên nam, nữ xuất sắc nhất không? Vấn đề là, chúng ta không ai nhớ nổi nhân vật lên trang bìa ngày hôm trước. Khi những tràng pháo tay chấm dứt, giải thưởng mờ nhạt, thành công bị lãng quên, không ai còn quan tâm tới những người giành giải thưởng trong quá khứ nữa.
Nhưng nếu tôi yêu cầu bạn kể ra tên năm người thầy hướng đạo sinh tin tưởng, khích lệ bạn nhiều nhất, năm người bạn đã giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn, năm người đã dạy bạn những điều đáng giá, hay năm người đã mang lại cho bạn cảm giác đặc biệt và được trân trọng - bạn sẽ dễ dàng kể ra, phải không nào? Điều đó, thật dễ hiểu vì những người đem đến sự khác biệt trong cuộc sống của bạn không phải là những người giỏi giang nhất, giàu có nhất hay đạt nhiều giải thưởng nhất mà chính là những người quan tâm tới bạn nhất. Nếu bạn muốn được ai đó nhớ tới, hãy làm cho họ cảm nhận được bạn tôn trọng và yêu thương họ.
THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG CHÍNH LÀ BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Bạn luôn cần trân trọng mọi người, bởi khi đó bạn sẽ ở trong trạng thái tình cảm tốt nhất. Khi bạn trân trọng và biết ơn, tâm trạng bạn sẽ rất tốt. Bạn biết ơn những gì bạn có thay vì tập trung và nuối tiếc những điều bạn chưa có. Bạn chú tâm tới những điều mình nhận được, do vậy bạn nhận được nhiều hơn những gì bạn chú tâm tới. Theo luật hấp dẫn, những vật giống nhau sẽ hấp dẫn nhau, như vậy, bạn sẽ khiến cho những người khác cũng biết ơn bạn. (Bạn càng ở trạng thái biết ơn người khác, bạn càng hấp dẫn thái độ biết ơn của người khác về phía bạn.)
Hãy nghĩ xem. Bạn ta càng trân trọng và biết ơn món quà ta tặng, ta lại càng muốn tặng thêm các món quà khác cho bạn. Chính thái độ trân trọng và biết ơn đã khiến chúng ta muốn cho đi nhiều hơn nữa. Quy luật này không chỉ đúng với các mối quan hệ cá nhân mà còn đúng đắn ở các cấp độ lớn hơn.
TỰ CHẤM ĐIỂM
Khi tôi mới học về sức mạnh của thái độ trân trọng, tôi hoàn toàn thấu hiểu nó. Song, tôi lại quên không ứng dụng. Tôi vẫn chưa hình thành thói quen thể hiện thái độ trân trọng và biết ơn. Sau đó, tôi đã áp dụng một phương pháp hữu hiệu nhằm xây dựng thói quen mới này bằng cách mang theo một tấm bìa 4x6 cm trong túi, và mỗi lần thể hiện thái độ trân trọng và biết ơn ai đó, tôi lại tích một lần lên tấm bìa. Tôi không bao giờ tự cho phép mình kết thúc một ngày trước khi đã thể hiện thái độ trân trọng và biết ơn với 10 người. Nếu khi đã tối muộn mà vẫn chưa thực hiện được mục tiêu, tôi sẽ thể hiện thái độ trân trọng với vợ và các con, tôi gửi e-mail tới một vài đồng nghiệp hay viết thư cho mẹ hoặc cha dượng. Tôi làm như vậy hàng ngày trong suốt sáu tháng liền - cho tới khi tôi không cần tới những tấm bìa nhắc nhở nữa.
HÃY DÀNH THỜI GIAN TRÂN TRỌNG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
David Casstevens, nguyên biên tập viên tờ Tin tức buổi sáng Dallas, đã kể một câu chuyện về Frank Szymanski, tiền vệ trung tâm của đội Notre Dame, vào những năm 1940, anh này đã được triệu tập làm nhân chứng cho một vụ kiện dân sự tại South Bend, Indiana.
Quan tòa hỏi: “Năm nay anh có tham dự đội tuyển bóng đá Notre Dame không?”
“Có, thưa Quý tòa.”
“Anh đá vị trí gì?”
“Tiền vệ trung tâm, thưa Quý tòa.”
“Anh đá tốt không?”
Szymanski hơi lúng túng một chút sau đó quả quyết trả lời: “Thưa Quý tòa, tôi là tiền vệ trung tâm tốt nhất của đội Notre Dame.”
Huấn luyện viên Frank Leahy, đang ở trong phiên tòa, thấy vô cùng ngạc nhiên. Szymanski thường rất khiêm tốn. Do đó, sau khi phiên tòa kết thúc, ông gọi Szymanski lại và hỏi tại sao anh lại phát biểu như vậy. Szymanski đỏ mặt.
Anh nói: “Tôi ghét phải phát biểu như vậy, thưa Huấn luyện viên. Song tôi đã tuyên thệ trước tòa”.
Tôi muốn bạn cũng “tuyên thệ” như thế trong suốt quãng đời còn lại và trân trọng chính bản thân mình, những phẩm chất bạn có và những thành tựu tuyệt vời bạn đã đạt được.