Nguyên tắc 54Giữ lời hứa
Hãy thực hiện những điều bạn đã hứa.
WERNER ERHARO
Sáng lập viên Chương trình đào tạo và diễn đàn Landmark
Đừng bao giờ hứa nhiều hơn những gì bạn có thể thực hiện.
PUBLILIUS SYRUS
Ngày trước, mỗi lời nói giống như một giao kèo. Mọi người nói và tự nguyện thực hiện những điều mình đã nói ra. Người ta suy nghĩ kỹ càng mỗi khi hứa hẹn hay đồng ý điều gì. Điều này rất quan trọng. Tuy nhiên, ngày nay, người ta không còn coi trọng việc giữ lời hứa nữa.
CÁI GIÁ CỦA VIỆC KHÔNG GIỮ LỜI HỨA
Trong các chương trình đào tạo, tôi yêu cầu các học viên chấp thuận 15 quy tắc cơ bản bao gồm đúng giờ, chuyển chỗ sau giờ giải lao, không sử dụng đồ uống có cồn trước khi buổi học kết thúc,… Nếu không tuân thủ các quy tắc này, học viên sẽ không được tham gia khóa đào tạo. Thậm chí tôi còn yêu cầu họ ký vào một mẫu đơn trong tài liệu đào tạo, ghi rõ: “Tôi đồng ý tuân thủ các quy tắc và luật lệ này”.
Buổi sáng ngày thứ Ba, tôi yêu cầu các học viên đã vi phạm một trong các quy tắc hãy đứng lên. Sau đó chúng tôi cùng xem xét các bài học có thể rút ra. Rõ ràng, chúng ta đã hứa hẹn quá dễ dãi và sau đó cũng nhanh chóng không thực hiện được lời hứa.
Tuy nhiên, điều thú vị là hầu hết mọi người đều biết mình sẽ không thực hiện một trong các quy định ngay từ trước khi cam kết tuân thủ. Song họ vẫn cam kết. Tại sao lại như vậy? Hầu hết mọi người không muốn hỏi han về các quy tắc. Họ không muốn bị chú ý. Họ cũng không muốn người khác đối đầu với họ. Những người khác lại muốn tham gia khóa đào tạo mà không phải tuân thủ quy tắc gì, song lại tỏ ra đồng tình.
Vấn đề chính không phải là mọi người cam kết và phá bỏ cam kết quá dễ dàng mà ở chỗ họ không nhận ra cái giá phải trả cho việc này.
Khi không giữ lời hứa, bạn phải trả giá cả với chính bạn và với mọi người. Bạn đánh mất lòng tin, sự tôn trọng và tín nhiệm của người khác - gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng. Bạn hủy hoại cuộc sống của chính mình và của những người cần bạn thực hiện lời hứa - dù lời hứa đó chỉ là đến đúng giờ để cùng nhau đi xem phim, nộp báo cáo đúng hạn, hay dọn dẹp nhà xe.
Sau vài tuần không giữ lời hứa đưa bọn trẻ đi chơi công viên vào cuối tuần, chúng sẽ không tin bạn nữa. Chúng nhận ra rằng bạn không đáng tin cậy, và do đó, mối quan hệ giữa bạn với các con sẽ xấu đi.
MỌI LỜI HỨA CỦA BẠN SẼ ĐI THEO BẠN
Điều quan trọng hơn là mọi lời hứa của bạn đều đi theo bạn. Dù bạn có hứa với ai chăng nữa, bộ não của bạn cũng nghe thấy và ghi nhận lại. Bạn đang cam kết với chính mình và khi bạn không thực hiện được, bạn sẽ mất dần sự tin tưởng vào bản thân. Kết quả là, bạn đánh mất lòng tự trọng và tự tin. Bạn đánh mất niềm tin rằng bạn có thể đem lại những kết quả đã hứa. Tính chính trực của bạn dần mất đi.
Chẳng hạn như, bạn nói với vợ mình sẽ thức dậy lúc 6.30 sáng, tập thể dục trước khi đi làm. Nhưng sau ba ngày liền bạn tắt chuông đồng hồ đi ngủ tiếp, bộ não sẽ không thể tin tưởng bạn được. Hiển nhiên, bạn có thể cho rằng ngủ muộn một chút chẳng phải vấn đề gì to tát, song phần não vô thức lại không cho rằng như vậy. Khi bạn không thực hiện những điều đã nói, bạn tạo ra trạng thái bối rối và tự nghi ngờ bản thân. Bạn tự hạ thấp ý niệm của mình về sức mạnh của bản thân. Đây quả thật là cái giá quá đắt.
TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG ĐÁNG GIÁ HƠN CẢ TRIỆU ĐÔ
Khi nhận ra tính chính trực và lòng tự trọng thực sự quan trọng thế nào, bạn sẽ không còn đưa ra những lời cam kết mang tính đối phó với người khác. Bạn sẽ không bán rẻ lòng tự trọng để đổi lấy sự ủng hộ nhất thời. Bạn sẽ không đưa ra những lời hứa mà chính bản thân cũng không định thực hiện. Bạn sẽ ít cam kết hơn, và sẽ làm mọi việc để thực hiện các cam kết đó.
Để minh họa điều này trong các buổi hội thảo, tôi hỏi các học viên: “Nếu bạn nhận được một triệu đô la để tới cuối buổi mà không vi phạm quy tắc nào, bạn có làm được không?” Hầu hết mọi người đều trả lời có.
Thông thường, chỉ có một người vẫn kiên quyết nói: “Không, tôi không thể làm được. Trên đường tới đây, tôi còn bị tắc đường. Tôi không phải chịu trách nhiệm vì việc này.” Hay “Làm sao tôi có thể tới đúng giờ nếu hỏng xe?”
Sau đó, tôi lại hỏi: “Nếu người bạn yêu quý nhất thế gian sẽ chết nếu bạn không tuân thủ các quy tắc này thì sao? Bạn có làm khác đi không?”
Giờ đây, người viện lý do tắc đường cuối cùng đã nhận ra và thừa nhận: “Có chứ. Nếu con trai tôi bị nguy hiểm, thậm chí tôi sẽ không dám rời khỏi căn phòng này. Tôi thà ngủ lại đây còn hơn tới trễ.”
Khi đã nhận ra tầm quan trọng của việc giữ lời hứa, bạn sẽ thực hiện được lời hứa. Vấn đề đơn giản nằm ở chỗ bạn nhận ra mình đang đánh mất những gì. Sức mạnh cá nhân mà bạn có được từ việc giữ lời hứa còn đáng giá hơn một triệu đô la. Nếu bạn muốn trở thành người tự trọng, tự tin, mạnh mẽ hơn, bạn phải coi trọng những lời mình nói ra. Nếu bạn muốn được mọi người tôn trọng và tin tưởng - điều rất quan trọng nếu muốn đạt tới thành công trong đời (kể cả việc kiếm một triêu đô la), thì hãy coi trọng lời nói của mình.
MỘT SỐ LỜI KHUYÊN VỀ VIỆC NÓI VÀ GIỮ LỜI HỨA
Đây là một số lời khuyên về việc hứa ít và thực hiện những lời đã hứa.
1. Chỉ hứa khi bạn có ý định thực hiện. Trước khi hứa, hãy dành một chút thời gian suy nghĩ xem bạn có thực sự muốn thực hiện lời hứa đó hay không. Hãy tự nói với chính mình. Bạn cảm thấy thế nào? Đừng hứa hẹn chỉ vì bạn đang tìm kiếm sự đồng tình của ai đó. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng vi phạm những lời hứa đó.
2. Ghi lại những lời đã hứa. Dùng một cuốn lịch, sổ ghi chép hàng ngày hay máy tính để ghi lại tất cả những điều bạn đã hứa. Trong vòng một tuần, bạn có thể hứa hàng chục điều. Một trong những lý do chính chúng ta thường vi phạm lời hứa là do dưới áp lực của các hoạt động thường ngày, chúng ta quên đi rất nhiều lời hứa. Hãy ghi lại, và sau đó xem xét chúng hàng ngày. Như tôi đã nói trong các phần trước, theo một nghiên cứu về não bộ, nếu chúng ta không ghi lại, hay cố gắng ghi nhớ một việc, chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi trong vòng 37 giây. Bạn có thể có những ý định to lớn, tốt đẹp, song nếu quên không thực hiện thì cũng chẳng khác gì bạn cố tình không giữ lời hứa cả.
3. Trao đổi về những lời hứa không được thực hiện tại thời điểm thích hợp gần nhất. Ngay khi biết được mình không thể thực hiện cam kết - xe không nổ máy, bạn bị kẹt xe, con bị ốm, cô trông trẻ không thể tới được, máy tính bị hỏng - hãy thông báo cho người khác biết ngay khi có thể, sau đó hãy trao đổi lại về cam kết. Hành động này thể hiện thái độ tôn trọng đối với thời gian và nhu cầu của người khác. Đồng thời, nó cũng cho họ thời gian để thay đổi lịch trình, kế hoạch, sắp xếp lại và hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra. Nếu thời gian thích hợp sớm nhất là sau khi sự kiện đã xảy ra, hãy cứ trao đổi, cho họ biết bạn đã không thực hiện được cam kết, giúp họ giải quyết các hậu quả, và quyết định xem có tái cam kết hay không.
4. Học cách từ chối thường xuyên hơn. Hãy dành thời gian suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất kì cam kết nào. Tôi viết chữ không, đánh dấu vàng vào các trang lịch như một cách nhắc nhở bản thân cần phải thực sự xem xét tôi sẽ phải từ bỏ gì nếu đồng ý với các cam kết mới. Tôi sẽ dừng lại và suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất kì cam kết nào.
QUY TẮC CỦA TRÒ CHƠI
Một trong những chương trình đào tạo hiệu quả nhất mà tôi từng tham gia có tên gọi “Tiền bạc và Chính bạn,” do Marshall Thurber tổ chức vào cuối những năm 1970. Chương trình đào tạo đã thay đổi sâu sắc quan điểm của tôi về tiền bạc, kinh doanh và các mối quan hệ.
Mọi thứ bạn muốn đạt được đều cần tới các mối quan hệ - với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, huấn luyện viên, cấp trên, quản lý, ban giám đốc, khách hàng, đối tác, sinh viên, giảng viên, người hâm mộ,… Để những mối quan hệ này tốt đẹp, bạn cần xây dựng “quy tắc của trò chơi”, theo cách gọi của Marshall Thurber, D. C. Cordova, và các đồng nghiệp khác tại trường Kinh doanh Excellerated.
Chúng ta sẽ hợp tác ra sao? Các quy tắc cơ bản cho mối quan hệ là gì? Marshall chỉ dẫn cho chúng ta những quy tắc sau - tôi đã theo những quy tắc này suốt từ đó tới nay. Nếu bạn và những người bạn giao tiếp đều chấp thuận các quy tắc sau, mức độ thành công của bạn sẽ lớn hơn.
1. Sẵn lòng hỗ trợ mục tiêu, giá trị, quy tắc của chúng ta.
2. Nói với mục đích tốt. Nếu không, đừng nói gì cả. Không nên phán xét và chỉ trích người khác.
3. Nếu không đồng ý hay không hiểu, hãy hỏi và yêu cầu làm rõ mọi việc. Không hiểu nhầm, hiểu sai người khác.
4. Chỉ hứa khi bạn sẵn lòng và dự định sẽ thực hiện.
5. Nếu bạn không giữ lời hứa, hãy trao đổi trong thời gian thích hợp và sớm nhất với người liên quan. Giải quyết các hậu quả sớm nhất có thể.
6. Nếu có sự cố hay vấn đề gì, hãy xem lại hệ thống và đề xuất giải pháp.
7. Có trách nhiệm, không đổ lỗi, phán xét.
TỰ TẠO ĐỘNG LỰC
Nếu bạn muốn thực hiện các cam kết với bản thân, hãy sử dụng phương pháp sau của anh bạn Martin Rutte dạy cho tôi. Đưa ra các hình phạt (như trả một khoản tiền lớn cho một người hay một tổ chức bạn không thích, hoặc cạo trọc đầu) đáng sợ hơn hậu quả có thể xảy ra nếu bạn không giữ lời hứa. Những hình phạt nặng nề này sẽ buộc bạn phải thực hiện các cam kết.
Martin đã dùng phương pháp này để khuyến khích bản thân học lặn. Nhằm đảm bảo mình sẽ thực hiện cam kết, anh đã nói với bạn bè nếu anh chưa lặn được vào ngày A, anh sẽ trả khoản tiền trị giá 1000 đô la cho Ku Klux Klan. Martin không hề thích Klan. Rõ ràng, anh không hề muốn phải trả khoản tiền đó. Hình phạt này còn đau đớn hơn nỗi sợ hãi phải lặn. Nhờ đó, Martin đã học lặn thành công.
Điều gì quan trọng với bạn tới mức bạn không bao giờ muốn đánh mất? Hãy công bố trước bạn bè rằng bạn sẽ phải gánh chịu một hình phạt đau đớn, và coi đó như động lực khuyến khích bản thân thực hiện những điều đã cam kết.