Đ
iều khiến cậu ấn tượng nhất là việc một số tàu cứ trôi dạt vẩn vơ một cách nhàn tản trên biển Đại Tây Dương rộng lớn. Những tàu đánh cá, như Dan nói, phụ thuộc một cách tự nhiên vào phép lịch sự và sự thông thái của những tàu hàng xóm; nhưng họ kỳ vọng những điều tốt hơn từ các tàu hơi nước. Chuyện ấy xảy ra sau một cuộc phỏng vấn thú vị, khi họ bị một tàu chở gia súc nặng nề đuổi theo suốt ba dặm, tất cả đều được xếp ở boong trên, có mùi như cả nghìn chuồng gia súc cộng lại. Một thủy thủ hớn hở hét vọng xuống qua một cái loa, và con tàu cứ nằm đó dật dờ trôi một cách vụng về trên nước trong khi chính Disko đang lái thuyền Có chúng tôi đây! và đáp lại thuyền trưởng của tàu bên kia: “Anh đang ở đâu ấy à? Anh chẳng đáng có mặt ở đâu hết. Lũ ngốc các anh cứ trôi lãng đãng ngoài biển lớn mà không cân nhắc gì đến các tàu xung quanh, và mắt thì cứ dán vào cốc cà phê thay vì mũi tàu.”
Gã thuyền trưởng kia nghe thấy vậy liền nhảy lên cái cầu ngang ống khói của tàu và nói gì đó về con mắt của Disko. “Chúng tôi đã không quan sát gì ba ngày nay rồi ấy chứ. Anh nghĩ là chúng tôi lái thuyền trong khi bịt mắt à?” Hắn ta hét lên.
“À, tôi thì làm được việc đó.” Disko chế nhạo. “Con chì của anh có cái gì bám vào? Anh không ngửi được mùi của đáy biển, hay là do lũ gia súc hôi thối quá?”
“Anh cho chúng ăn cái gì thế?” Bác Salters chen vào với vẻ mặt nghiêm nghị, vì mùi của lũ gia súc đã đánh thức bản năng nông dân trong bác ấy. “Họ nói chúng ngã nước rất ghê khi đi biển. Không biết đó có phải là chuyện của tôi không, nhưng tôi có cảm tưởng là cái đống bã hạt ép dầu kia bị vỡ ra và bay khắp nơi rồi...”
“Khỉ thật!” Một gã chăn gia súc mặc áo len đỏ thốt lên khi nhìn sang bên cạnh. “Lũ này đã trốn khỏi nhà thương điên nào thế không biết?”
“Này anh bạn trẻ.” Bác Salters đáp lại, đứng hẳn lên đống dây buồm trước. “Để tôi nói cho anh biết, trước khi anh đi quá xa, rằng tôi... “
Gã thuyền trưởng đứng trên ống khói cởi mũ ra tỏ vẻ lịch sự một cách thái quá. “Xin lỗi!” Gã nói. “Nhưng tôi chỉ hỏi về vị trí của tàu. Nếu gã nông dân lông lá kia chịu ngậm miệng lại, gã mỏ ngắn mặc áo xanh với con mắt trợn trừng kia có thể bắt đầu giảng giải cho chúng tôi rồi.” “Giờ thì anh biến tôi thành trò hề rồi đấy, Salters.” Disko giận dữ lên tiếng. Ông không thể chịu đựng được kiểu nói chuyện đó, chỉ báo cho tàu kia vĩ độ và kinh độ của họ mà không giảng giải gì thêm.
“Chà, đúng là một cái thuyền toàn lũ điên.” Gã thuyền trưởng nói khi hắn ta rung chuông cho phòng máy và ném một đống báo xuống thuyền của Disko.
“Trong tất cả những lũ ngốc, xếp sau anh, Salters, hắn và thủy thủ đoàn bên ấy là những kẻ điên nhất đấy!” Disko nói khi thuyền Có chúng tôi đây! bỏ đi hướng khác. “Tôi chỉ định nhận xét về việc hắn cứ vật vờ quanh vùng này như một đứa trẻ đi lạc, còn anh thì cứ phải chen vào với mớ kiến thức nông nghiệp ngớ ngẩn của anh. Anh không phân định rạch ròi được hai công việc này à?”
Harvey, Dan, và những người khác đều lui về phía sau, nháy mắt với nhau ra chiều vui vẻ, nhưng Disko và Salters thì hục hặc một cách gay gắt cho đến tối. Bác Salters thì cãi rằng một tàu chở gia súc về cơ bản là một chuồng bò trên nước, và Disko thì quả quyết rằng, dù điều đó có đúng đi chăng nữa, lòng tự trọng và chính trực của một ngư dân cũng buộc bác ta phải biết “phân định rạch ròi”. Long Jack lặng lẽ đứng đó một lúc - một thuyền trưởng bực bội thì cả đoàn sẽ bực bội theo - rồi ông ta nói vọng sang đầu bên kia chiếc bàn sau bữa tối: “Cứ để bụng mấy lời của họ thì được ích gì?”
“Họ sẽ kể câu chuyện đó về chúng ta suốt nhiều năm về sau, thế thôi.” Disko nói. “Bã hạt ép dầu bị vỡ à!”
“Dĩ nhiên là có cả muối nữa.” Bác Salters câng câng nói trong khi đọc các báo cáo trồng trọt trong tờ báo New York đã ra cách đây một tuần.
“Nó gây ra tổn thương sâu sắc cho mọi cảm xúc của tôi.” Thuyền trưởng nói tiếp.
“Tôi thì không thấy thế.” Long Jack, người hòa giải, nói. “Nghe này, Disko! Liệu có tàu chở hàng nào khác ngày hôm nay, trong thứ thời tiết này, có thể gặp được một con tàu đi ngang qua và lại còn cho nó biết tọa độ của mình - rồi lại được nghe nhận xét về việc cầm lái hoặc đại loại như thế trên biển không? Quên đi nhé! Dĩ nhiên họ sẽ không kể xấu ta. Đó là cuộc nói chuyện thiên tài nhất tôi từng nghe. Ta có tay trên về mọi mặt rồi.”
Dan đá vào chân Harvey ở dưới bàn, và Harvey chúi mặt vào trong chiếc cốc của mình.
“Chà!” Bác Salters, người cảm thấy lòng tự trọng của mình phần nào đã được vực lại, nói: “Tôi đã nói là tôi không biết đó có phải chuyện của tôi không, trước khi nêu ra ý kiến mà.”
“Đúng thế!” Tom Platt, vốn là một người quy củ và thông hiểu phép tắc, nói. “Đúng thế, tôi công nhận điều đó, Disko ạ, lẽ ra anh nên yêu cầu anh ấy ngừng nói, nếu như theo anh, cuộc nói chuyện này sẽ đi theo hướng tiêu cực.”
“Có lẽ là như vậy.” Disko nói, có vẻ ông đã nhìn ra một lối rút lui mà vẫn bảo toàn được lòng tự trọng của mình.
“Dĩ nhiên là như thế rồi!” Bác Salters nói. “Chú là thuyền trưởng, và tôi đã vui vẻ mà ngừng nói nếu chú ra hiệu - không phải vì sợ họ, mà để làm gương cho hai đứa bé này.”
“Tớ đã nói rồi đấy, Harve, kiểu gì cũng nhắc đến mình trước khi chuyện này dàn xếp xong. Lúc nào cũng là vì hai thằng bé. Nhưng tớ không muốn bỏ lỡ màn này, dù có được chia một nửa cổ phần trên tàu bắt cá chim.” Dan thì thầm.
“Tuy vậy, anh vẫn cứ nên phân định rạch ròi.” Disko nói, và ánh mắt Salters lại bừng lên một trận khẩu chiến mới trong lúc bác ta nhồi những mẩu vụn thuốc vào tẩu của mình.
“Việc phân định rạch ròi mọi chuyện có những tác dụng nhất định.” Long Jack xoa dịu cuộc đối đầu. “Đó là chủ đích của Steyning, chủ quỹ Steyning và Hare, khi cử Counahan làm thuyền trưởng tàu Manila D. Kuhn, vì thuyền trưởng Newton bị thấp khớp và không thể đi được. Chúng tôi gọi ông ta là Counahan, Người định hướng.”
“Nick Counahan không bao giờ lên tàu mà không có một thùng rượu giấu đâu đó trong khoang hàng.” Tom Platt cướp lời. “Ông ta thường lảng vảng quanh các văn phòng môi giới ở Boston để tìm một ông chủ có thể biến ông ta thành thuyền trưởng của một cái tàu lai dắt dựa trên bảng thành tích của mình. Sam Coy, ở mãi đường Atlantic ấy, đã cho ông ta tự do lái tàu của mình một năm hoặc hơn, theo lời kể của ông ta.”
“Counahan, Người định hướng! Chậc! Chậc! Ông ta chết mười lăm năm nay rồi nhỉ?”
“Tôi đoán là mười bảy năm chứ. Ông ta chết vào cái năm họ đóng thuyền Caspar McVeagh, nhưng ông ta không bao giờ rạch ròi được trong công chuyện. Steyning nhận ông ta vì lý do ông ta cần làm việc theo kỷ luật, vì mùa cá năm ấy chẳng có thứ gì khác. Lũ đàn ông đã đổ cả về vùng Bank, và Counahan kiếm được một thủy thủ đoàn khá cứng tay. Rum! Bạn đã có thể lái thuyền Manila, với đầy đủ bảo hiểm các thứ, và họ chính là người lai dắt thuyền đó. Họ rời cảng Boston để đến vùng Grand Bank với cơn gió thổi phần phật về hướng tây bắc ở phía sau họ, và mọi thủy thủ đều say khướt. Đúng là họ đã được phù hộ, vì họ canh gác một cách quấy quá, và kéo dây hết sức cẩu thả, cho đến khi họ uống đến tận đáy của một thùng nước quả mười lăm gallon[11]. Chuyện đó kéo dài khoảng một tuần, theo như Counahan nhớ được. (Giá mà tôi có thể kể lại câu chuyện theo đúng cách ông ấy đã kể!) Trong lúc ấy, gió vẫn thổi đều đặn, và thuyền Manila - lúc ấy đang là vào mùa hè, và họ giương buồm trước trên đỉnh lên - cứ thế trôi đi băng băng. Rồi Counahan lôi cái “mõ heo” ra ngắm nghía nó một lúc, sau khi cân nhắc giữa tấm biểu đồ và giọng nói say xỉn trong đầu, ông ta đoán rằng họ đang ở phía nam đảo Sable, đúng theo lộ trình, nhưng lại không nói gì cả. Rồi họ khui một thùng rượu nữa và ngưng suy đoán về bất cứ việc gì. Thuyền Manila tạm nghỉ khi đến ngọn hải đăng Boston, và họ chưa bao giờ nâng mấy tấm mành bên mạn thuyền lên tính đến thời điểm đó - bọn họ nhào về cùng một bên mạn thuyền để nhìn ra ngoài. Nhưng họ không thấy cỏ cây, chim mòng biển hay thuyền cá nào; và lúc ấy thì họ đã đi được mười bốn ngày và lầm tưởng rằng vùng Bank đã tạm ngưng trả tiền cho họ. Vì thế họ quăng con chì và đo được độ sâu sáu mươi sải. “Tôi đoán đúng rồi!” Counahan nói. “Lần nào cũng đúng! Tôi đã đưa thuyền đến vùng Bank cho các bạn, và khi nào đến độ sâu ba mươi sải, chúng ta sẽ thả lưới. Counahan chính là người bạn của các anh.” Ông ta nói. “Counahan, Người định hướng!”
[11] . Một đơn vị do thể tích. 1 gallon = 3,785411784 lít.
“Trong lần tiếp theo họ đo được chín mươi. Counahan nói: “Hoặc là dây con chì đã bị kéo đi, hoặc là vùng Bank đang bị chìm dần.”
“Họ kéo dây lên, cảm thấy việc này cũng có phần đúng đắn và hợp lý, liền ngồi xuống boong đếm nút thắt, rồi buộc chúng lại với nhau một cách vụng về. Thuyền Manila lại giương buồm đi tiếp. Lúc ấy, một tàu chợ chạy đến gần và Counahan cất tiếng hỏi.
“Các anh có thấy tàu đánh cá nào không?” Ông ta hỏi một cách thân mật.
“Có hàng đống tàu như vậy ngoài khơi bờ biển Ireland.” Tàu chợ đáp.
“A! Anh đùa tôi chắc.” Counahan đáp. “Tôi thì liên quan gì đến bờ biển Ireland?”
“Vậy chứ ông đang làm gì ở đây?” Tàu chợ hỏi.
“Chịu đựng Chúa!” Counahan nói (Ông ta luôn nói như vậy khi không nghĩ ngợi được gì và cảm thấy khó chịu). “Chịu đựng Chúa! Tôi đang ở đâu?”
“Cách mũi Clear 35 dặm về hướng tây tây nam.” Bên kia đáp. “Nếu tin này khiến ông an tâm.”
“Counahan nhảy dựng lên, phải đến cả mét rưỡi, người đầu bếp đã đo rồi.
“An tâm à!” Ông ta dương dương tự đắc. “Anh tưởng tôi là thằng ngốc à? Cách mũi Clear ba mươi lăm dặm, và mười bốn ngày đi từ hải đăng Boston. Lạy Chúa, quả là một kỷ lục, và nhờ thế mà tôi đến được Skibbereen!” Nghĩ mà xem! Lạy Đấng toàn năng! Nhưng anh thấy đấy, ông ta chẳng bao giờ biết phân định rạch ròi mọi chuyện.
“Thủy thủ đoàn phần lớn là người vùng Cork và Kerry, trừ một gã người Maryland muốn trở về nhà, nhưng họ gọi hắn là kẻ làm loạn, đưa con thuyền Manila vào Skibbereen, và có một quãng thời gian nhàn nhã, thăm thú xung quanh với bạn bè kéo dài một tuần. Rồi họ trở về, mất ba mươi hai ngày để về lại vùng Bank. Khi ấy đã gần vào thu, lượng cá giảm, nên Counahan đưa thuyền về Boston và chẳng hề cảm thấy xấu hổ gì.”
“Vậy công ty kia đã nói gì?” Harvey hỏi.
“Còn nói gì được nữa? Cá thì ở vùng Bank, còn Counahan thì ở T-wharf kể về chuyến đi kỷ lục về phía đông của ông ta! Họ lấy đó làm thỏa mãn, và lỗi trước hết là do họ đã không tách thủy thủ đoàn ra khỏi đống rượu rum; thứ hai là lầm tưởng Skibbereen là Ouareau.
Counahan, Người định hướng, lạy Chúa! Quả là một gã bồng bột!”
“Một lần tôi đang ở trên thuyền Lucy Holmes.” Manuel cất giọng dịu dàng. “Họ không muốn mua cá của Gloucester, nên không thèm trả giá. Vậy là chúng tôi lại ra khơi, và định sẽ bán cá cho một gã người Fayal. Rồi có một luồng gió lạ thổi qua, chúng tôi đã không nhìn rõ đường. Sau đó lại có thêm một luồng gió lạ khác, và chúng tôi xuống dưới bụng thuyền để chèo thật lực mà không ai biết là về hướng nào. Dần dần chúng tôi thấy đất liền và trời trở nên nóng nực. Rồi có hai, ba gã da đen lại gần. Chúng tôi hỏi xem mình đang ở đâu, và họ nói - mọi người đoán xem họ nói gì?”
“Grand Canary.” Disko nói sau một giây nghĩ ngợi. Manuel lắc đầu cười.
“Blanco.” Tom Platt nói.
“Không. Còn tệ hơn thế. Chúng tôi đi quá cả Bezagos, và chiếc thuyền kia đến từ Liberia! Vì thế chúng tôi đã bán cá ở đó! Không tệ chứ hả?”
“Thuyền này có thể đến được tận châu Phi cơ à?” Harvey nói.
“Có thể đi vòng quanh mũi Horn nếu có thứ gì đáng theo đuổi ở đó, và nếu lũ cá cứ chường mặt ra.” Disko nói. “Cha ta có một chiếc thuyền riêng, và nó là loại thuyền nhỏ, ta đoán là chừng năm mươi tấn, thuyền Rupert, ông ấy lái thẳng đến những đỉnh núi phủ đầy băng của Greenland vào cái năm mà một nửa đoàn thuyền của chúng ta tìm cách săn cá tuyết ở đó. Hơn nữa, ông ấy còn đưa cả mẹ ta theo cùng, ta đoán là để cho bà thấy cách ông kiếm tiền. Và họ thì chết cóng, nhưng ta được sinh ra ở Disko. Dĩ nhiên là ta không nhớ chút gì về nơi ấy. Chúng ta đã quay về khi băng tan vào mùa xuân, nhưng họ đã đặt tên cho ta theo nơi ấy. Có phần ác ý khi đặt tên cho con như vậy, nhưng ai trong chúng ta cũng đều mắc lỗi trong đời mà.”
“Phải! Phải!” Bác Salters nói, lắc lắc cái đầu. “Ai cũng phải mắc lỗi, và hai đứa nghe này, sau khi mắc lỗi - hãy đừng kiếm được ít hơn một trăm con mỗi ngày - điều tốt nhất tiếp theo là thẳng thắn nhận lỗi như một người đàn ông.”
Long Jack nháy mắt mạnh đến nỗi khiến tất cả mọi người đều bật cười, trừ Disko và Salters, và vụ cãi nhau coi như được dàn xếp ổn thỏa.
Họ cứ liên tục thả lưới về hướng bắc, các xuồng ra biển gần như hằng ngày, dọc gờ phía đông của vùng Grand Bank, ở những vùng nước sâu ba mươi đến bốn mươi sải, và đều đặn có cá.
Chính ở đây, Harvey lần đầu tiên gặp được loài mực, mà thật ra chính là loại mồi tốt nhất dành cho cá tuyết, nhưng lại có tâm trạng bất thường. Một đêm nọ, khi đang nằm trong hốc, họ bị đánh thức bởi tiếng hô “Mực kìa!” của Salters, và suốt một tiếng rưỡi liền mọi người trên thuyền ai cũng bám lấy cái cần câu mực của mình - một mảnh chì sơn đỏ gắn ở đầu dưới của một vòng mũi câu như một bộ khung dù mở ra một nửa và bị uốn ngược lại.
Lũ mực - vì một lý do bí ẩn nào đó - thích thứ này và cuốn quanh miếng chì, rồi bị kéo lên đến nỗi nó không thể nhả được cái móc ra. Nhưng khi ra khỏi tổ, nó sẽ bắn, trước hết là nước, sau đó đến mực vào mặt người đã bắt nó, và cảnh tượng các thủy thủ cứ nghiêng đầu hết sang trái lại sang phải để tránh cú bắn đó thật là kỳ thú. Cả người họ đen như bồ hóng khi màn câu mực kết thúc. Có một đống mực lớn nằm trên boong, và lũ cá tuyết lớn rất thích những miếng tua mực nhỏ lấp lánh ở đầu một mũi câu kẹp. Ngày hôm sau, họ bắt được rất nhiều cá, và được gặp tàu Carrie Pitman. Họ hò reo chúc tàu ấy may mắn, tàu bên ấy muốn trao đổi với họ bảy con cá tuyết lấy một con mực cỡ lớn, nhưng Disko không đồng ý giá đó, tàu Carrie giận dỗi bỏ đi và buông neo cách đó nửa dặm, với hy vọng tự mình sẽ câu được chút mực.
Disko không nói gì cho tới tận sau bữa tối, khi ông cử Dan và Manuel ra ngoài để gắn phao cho dây buồm của thuyền Có chúng tôi đây! và tuyên bố ý định dùng loại neo hình lưỡi rìu lớn. Dan tự động nhắc lại những lời ấy với chiếc xuồng đến từ tàu Carrie, kẻ muốn biết vì sao họ lại gắn phao cho dây, vì họ không ở trên một vùng đáy biển nhiều đá.
“Bố tôi nói ông ấy không tin bất cứ cái xà lan nào ở trong bán kính năm dặm xung quanh các ông.” Dan hô lên, giọng vui vẻ.
“Sao ông ấy không ra ngoài? Ai mới đang gây áp lực đây?” Tàu kia nói.
“Vì các ông cũng chẳng khác gì ông ấy, ông ấy không nghe lệnh từ các tàu khác, đấy là chưa kể đến loại tàu trôi nổi lang thang như các ông.”
“Chuyến này ta không đi lang thang chút nào.” Gã ta phát cáu, vì tàu Carrie Pitman có tiếng là hay làm đứt dây neo.
“Vậy thì các ông thả lưới kiểu gì?” Dan nói. “Đó là phần hay nhất của việc đi biển. Và nếu nó không trôi dạt nữa thì ông đang làm cái quái gì với một trục buồm tam giác mới vậy?” Câu này đã đánh trúng tim đen của họ.
“Này, lũ Bồ Đào Nha đầu đường xó chợ kia, mang tiền của các người về Gloucester đi. Cậu thì quay lại trường học đi, Dan Troop.” Họ trả lời.
“Lũ nhồi lông! Lũ nhồi lông!” Dan la lên vì cậu biết một thủy thủ trên tàu Carrie từng làm việc ở xưởng nhồi lông áo khoác mùa đông năm ngoái.
“Lũ tép riu! Tép riu từ Gloucester! Biến đi, lũ Novy!”
Việc gọi một người Gloucester là người Nova Scotia thì không được lịch sự cho lắm. Dan tử tế trả lời: “Novy thì sao, lũ tỉnh lẻ Scrabble! Đồ ăn hại Chatham! Loại nhét gạch vào trong giày mỗi khi ra ngoài!”
Nói rồi ai nấy trở về tàu của họ, nhưng gã người Chatham thì giận tím mặt.
“Ta biết chuyện sẽ như thế này mà.” Disko nói. “Nó đã kéo gió về rồi kia kìa. Ai đó hẳn đã bỏ việc trên tàu chở hàng. Nó sẽ ngáy đến nửa đêm, và ngay khi ta vừa lên giường, nó sẽ nhổ neo. Cũng may là quanh ta không có nhiều tàu cá voi. Nhưng ta sẽ không thu neo vì lũ người Chatham đâu. Họ cứ đợi mà xem.”
Ngọn gió, đã đi một vòng và quay trở lại, nổi lên lúc chiều tà và thổi đều đặn. Nhưng sóng lại không đủ to để lay dây neo của một cái xuồng, tàu Carrie Pitman vốn thích làm một mình một kiểu. Đến cuối ca trực của hai đứa trẻ, chúng nghe thấy tiếng nứt vỡ như tiếng của một chiếc súng ngắn lớn ở trên tàu.
“Lạy Chúa lòng lành! Hallelujah!” Dan hát ông ổng. “Nó đi rồi, Bố ơi, nhưng đầu chúi xuống, mộng du y như hồi ở Ouareau.”
Nếu đó là bất kỳ tàu nào khác, Disko đã dám mạo hiểm, nhưng giờ ông chỉ cắt dây neo giống như tàu Carrie Pitman, để cho gió Bắc Đại Tây Dương ùa đến, lùa thẳng vào họ. Thuyền Có chúng tôi đây!, dưới ngọn buồm tam giác và buồm lái, không cho tàu kia thêm chút không gian thừa nào hơn mức cần thiết - Disko không muốn dành cả tuần đi tìm dây neo của mình - mà oằn mình trước gió trong khi tàu Carrie lại dễ dàng trườn ra, một con tàu lặng lẽ và giận dữ, đang chờ lòng thương hại của một mán tàu rộng đang chao đảo của vùng Bank.
“Chào buổi tối!” Disko vừa nói vừa lấy tay hếch cái mũ lên. “Vườn nhà các anh mọc tốt chứ?”
“Đến Ohio mà thuê lấy một con la đi.” Bác Salters nói.
“Ta không cần một lũ nông dân ở đây.”
“Tớ cho đằng ấy mượn neo xuồng nhé?” Long Jack bật cười.
“Tháo bánh lái ra và cắm nó xuống bùn đi.” Tom Platt bò ra cười.
“Nói xem nào!” Giọng của Dan the thé và chói tai trong khi cậu đứng trên bệ bánh lái. “Nói xem! Xưởng nhồi lông áo có vụ đình công nào à, hay họ đã thuê toàn con gái để làm việc rồi, hả lũ Shackamaxon?”
“Xoay mấy đường bánh lái ra ngoài ý.” Harvey hùa theo. “Rồi đóng đinh nó xuống đáy thuyền!” Đó là một trò đùa thâm thúy mà cậu vừa học được của Tom Platt. Manuel rướn người qua mạn thuyền và gào lên: “Johanna Morgan chơi đàn organ! Ahaaaa!” Anh ta giơ ngón tay cái to tổ chảng của mình ra làm động tác khinh miệt và nhạo báng, trong khi Penn bé nhỏ chìm đắm trong vẻ đắc thắng bằng câu: “Đáng đời lắm! Xùy! Lại đây nào. Ối chà!”
Họ cứ vừa lái thuyền vừa kéo xích theo suốt đêm, mà theo Harvey thấy đó là một cách di chuyển giật cục và chẳng dễ dàng gì, và mất đến nửa buổi sáng để tìm lại dây neo. Nhưng cả hai đứa trẻ đều đồng ý rằng so với vinh quang và chiến thắng vừa rồi thì rắc rối ấy chẳng bõ bèn gì, chúng đâm ra đau khổ khi nghĩ về những điều tốt đẹp đã định nói với tàu Carrie vừa bị thua cuộc.