Sinh năm: 1976
Quê quán: Vân Giang, thành phố Ninh Bình
Hiện công tác tại: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1
TÍN HIỆU MOÓC-XƠ
Vào thu, cái nắng dịu đi đôi chút, gió nhè nhẹ mà hanh khô. Thao trường đang trong giờ huấn luyện tổ ba người triển khai trạm tổng đài dã chiến dung lượng nhỏ, tổ của tôi chưa đến lượt thực hành, đứng ngoài tham quan các tổ bạn luyện tập. Tôi lơ đãng nghĩ thầm: Nội dung đơn giản vậy, tổ trưởng giao nhiệm vụ xong, các thành viên trong tổ cứ theo nhiệm vụ phân công tiến hành, có cái quái gì mà ngày nào cũng lôi nhau ra nắng, luyện với chả tập…
Những suy nghĩ bất mãn của tôi về kế hoạch huấn luyện của chỉ huy đơn vị chưa kịp đi đến kết luận đã bị tiếng hắt hơi liên tiếp của thằng Tấn đứng bên cạnh cắt đứt. Tôi quay sang thì thào:
- Mày bị vi trùng cúm tấn công rồi, hết giờ về doanh trại lên quân y xin thuốc tiêu diệt đi, kẻo lại quay táng cả lũ.
Thằng Tấn chẳng thèm để ý đến lời cảnh báo của tôi, nó tủm tỉm cười và buông một câu trọc lốc:
- Tín hiệu moóc-xơ!
Mãi sau này, tôi mới hiểu được câu trả lời mập mờ của nó hôm đó.
Đơn vị tôi mang phiên hiệu đơn vị thông tin, chỉ tập trung huấn luyện chuyên ngành rồi phân bổ cho các đơn vị thuộc binh chủng khác. Nghe có vẻ oai lắm, nhưng đã là lính thì nhiệm vụ nào mà chả quan trọng. Đơn vị có hai đại đội huấn luyện chuyên ngành khác nhau. Cánh con trai chúng tôi nhanh nhẹn, khỏe mạnh được biên chế vào đại đội hữu tuyến điện. Còn cánh nữ chiến sĩ nhờ có thiên phú “tai con gái” và đôi tay mềm mại, khéo léo nên được tập trung vào đại đội vô tuyến điện huấn luyện báo vụ - 15 oát. Mặc dù hai đơn vị cách nhau chưa đầy 100 mét nhưng chúng tôi không được phép qua lại thăm hỏi nhận đồng hương với nhau, chỉ huy cấm tuyệt đối vì sợ xảy ra tình huống bất trắc dẫn đến vi phạm kỷ luật... và với vô vàn các lý do chính đáng khiến chúng tôi rất khó chịu. Chẳng cần nói ra mọi người cũng biết, cánh lính chúng tôi được rèn luyện trong môi trường kỷ luật thép, cuộc sống gần như tách biệt với các mối quan hệ xã hội nên lúc nào cũng báo động ở trạng thái “dương cực thịnh”. Vui thì tếu táo lắm, ngược lại buồn thì cũng trầm ngâm, tư lự như chim mới rời tổ ra ràng bị bắt nhốt vào lồng vậy. Từ xa, nhìn đồng đội của mình tóc dài đi lại thướt tha, giọng nói, tiếng cười thanh thanh mà chẳng khác nào “kẻ thù” đang trêu ngươi chúng tôi. Có lần, thằng Tấn đi đi lại lại trước tôi đến chóng cả mặt, mắt nhìn sang đơn vị bạn cằn nhằn:
- Rồi cũng có ngày tao đột nhập được vào “đồn địch”.
Lúc đó, tôi nhìn nó từ đầu đến chân như nhìn một thực thể lạ mà lần đầu tiên tôi mới được thấy. Bởi lịch sử bao khóa huấn luyện từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra chuyện vi phạm kỷ luật giữa hai đơn vị, vả lại ai chứ thằng Tấn thì tôi quá rõ. Nó là đồng hương, học với nhau từ nhỏ, nhập ngũ cùng một đợt, sau 3 tháng tân binh tôi lại gặp nó ở đơn vị này, được biên chế cùng tiểu đội. Có bữa tôi trêu nó:
- Chẳng biết kiếp trước tao nợ nần mày cái gì mà đi đâu cũng không thoát khỏi gặp mày vậy?
Tưởng rằng đùa tí cho thêm gắn kết tình đồng hương, đồng đội, ngờ đâu nó lại xịu mặt phân bua:
- Ai bảo bố mẹ mày đẻ mày bằng tuổi tao, nhà cùng quê nên học cùng trường, còn cùng đơn vị là do tổ chức chỉ huy biên chế chứ!
Nhớ hồi học cuối cấp hai, tôi thường qua rủ nó đến nhà thằng Hiếu học nhóm để ôn thi tốt nghiệp. Hiếu học khá các môn tự nhiên, có gì chưa hiểu nó sẽ chỉ bảo cho chúng tôi biết thêm. Nhà Hiếu có một con chó nhắt rất dữ. Lần đó con chó mới đẻ nên càng dữ hơn, ai đến cũng gầm gừ chực lao ra cắn. Như thường lệ, sau khi học trên lớp buổi sáng, đầu chiều tôi ôm sách qua rủ Tấn sang nhà Hiếu để ôn bài. Trên đường đi, Tấn cảnh báo cho tôi biết rằng con “nhắt” nhà Hiếu mới đẻ dữ lắm. Khi đến nhà Hiếu, vừa bước vào sân chúng tôi đã nghe thấy tiếng grừ… gừ… của con “nhắt”. Tấn vội bảo tôi:
- Đừng chạy nhé! Nó đuổi đấy.
Tấn vừa dứt câu thì con “nhắt” đã lao ra. Thấy thế Tấn cuống cuồng co chân phóng ra ngoài cổng. Còn tôi chỉ kịp cầm cặp sách che xuống dưới chân. Ai dè thấy Tấn chạy, con “nhắt” không thèm đoái hoài đến tôi mà nó đuổi theo Tấn. Nghe tiếng chó sủa cùng tiếng la oai oái của Tấn, thằng Hiếu vội chạy ra suỵt chó, đến khi nó đã nhốt con “nhắt” vào bếp và Tấn quay lại với vẻ mặt của kẻ vừa thoát nạn khiến tôi cười phá lên:
- Cho đáng đời kẻ xấu, ai mượn đem con đi bỏ chợ!
Hơi thở còn hổn hển, Tấn vội phân bua:
- Đáng ra tao không chạy, nhưng nó lao ra thấy ghê quá…
Đấy, đồng đội của tôi “dũng cảm” là vậy nên bây giờ nó mới tuyên ngôn hùng hồn trước tôi như thế.
Những hồi ức về quê hương, về tuổi thơ làm tôi chộn rộn không sao ngủ được. Có lẽ cũng sắp đến ca gác của mình rồi, không đợi đốc gác, tôi vùng dậy mặc quần áo, xỏ giầy, chỉnh đốn tác phong rồi lững thững đi ra vọng gác. Thấy bóng tôi, đồng đội đang gác quát:
- Sông Lô!
- Sông Mã! - Tôi vội đáp lại.
Đúng mật khẩu, cả hai cùng im lặng. Đến gần tôi mới nhận ra Tấn gác ca trước mình. Nó cất giọng ề à:
- Còn những một tiếng nữa mới đổi ca, sao mày ra sớm thế?
- Đêm nay khó ngủ quá!
- Chắc lại nhớ người yêu chứ gì?
- Thằng nỡm, mày định chọc quê tao hả? Mày thừa biết là tao chưa có gì mà.
Nhập ngũ hơn năm trời rồi tôi chỉ nhận được những lá thư, những cuộc điện thoại của gia đình, vậy mà cái thằng trời đánh này nó lại hỏi tôi một câu đểu giả như vậy. Gió hiu hiu mát, lá bạch đàn xào xạc tấu lên khúc nhạc trữ tình trong đêm thu, tôi hít một hơi căng lồng ngực rồi ngước mắt lên nhìn trời. Trăng cuối tháng vênh vang như nụ cười trêu ngươi của cô thôn nữ trước đám trai làng, ánh trăng nhạt thếch, lúc mờ, lúc tỏ bởi những đám mây trôi qua, nó chẳng khác nào ánh nhìn trộm nhau của cặp tình nhân chỗ đông người. Bất chợt thằng Tấn hỏi tôi:
- Ra quân mày làm gì?
- Thì về giúp ông bà già thâm canh mẫu ruộng, sau này học lấy cái nghề nào đó rồi mới tính. Thế còn mày?
- Lấy vợ!
Cái giọng cụt lủn và tỉnh queo của nó khiến tôi bực mình nhưng tôi vẫn không nhịn được cười. Nó có hơn gì tôi!
Trong chương trình dự báo thời tiết thông báo: “Cơn bão số 3 di chuyển theo hướng tây bắc, tốc độ 30km/giờ, sức gió vùng tâm bão giật cấp 9, cấp 10…”. Thôi chết cha rồi, thảo nào mưa ràn rạt, gió ù ù. Vẫn biết rằng “nắng tốt dưa, mưa tốt lính”, khổ nỗi đối với lính đường dây chúng tôi thì đây lại là một tai họa lớn. Mưa gió vậy, đường dây thông tin mà đứt thì đêm hôm cũng phải đi khắc phục chứ chẳng nói gì đến ban ngày. Nỗi lo sợ của tôi đã thành hiện thực khi đồng chí trung đội trưởng gọi tổ tôi lên giao nhiệm vụ:
- Đường dây từ Sư đoàn xuống Tiểu đoàn công binh bị đứt, đồng chí Minh (tên tôi) và đồng chí Đông đi khắc phục. Đồng chí Tấn sang kiểm tra đường dây của đơn vị vô tuyến. Nhớ mặc áo mưa và mang theo đèn pin, hoàn thành nhiệm vụ về báo cáo tôi.
Tấn dò dẫm lần theo đường dây từ tổng đài xuống, nó phân thành từng đoạn rồi đấu máy điện thoại vào để kiểm tra, gần hết đường dây mà tín hiệu vẫn tốt, liên lạc thông suốt. Quái lạ, chẳng nhẽ máy điện thoại của đơn vị bạn hỏng. Nước mưa sướt mướt chảy trên mặt, nó lè lưỡi liếm một giọt đang lăn trên mép và cảm nhận được vị ngọt tinh khiết của dòng thác trời đang tuôn, nhưng ông trời cứ khóc hoài vài ngày thì hoa màu sẽ hỏng hết thôi…
Sợi dây cáp điện thoại lòng thòng từ cành tràm buông xuống mái hiên trạm vô tuyến điện 15 oát đập vào mắt Tấn cắt đứt dòng suy nghĩ. Thì ra gió thổi mạnh làm cây tràm nghiêng ngả dao động theo từng đợt gió đã kéo đứt dây cáp. Những tín hiệu tích tích… ta ta… líu ríu như tiếng chim hót từ trong phòng trực phát ra làm Tấn tò mò. Không nối đoạn dây cáp bị đứt ngay, dò dè từng bước đến bên cửa sổ, nó nhón chân dòm qua. Dưới ánh đèn nê-ông dìu dịu hiện lên gương mặt nhìn nghiêng cắt một lát van vát tinh tế, mái tóc dày óng ả xõa bờ vai chảy dài xuống lưng, gọn gàng, thanh thản trong bộ quân phục nữ, tấm lưng thẳng thắt lại ở khúc eo tạo nên đường cong gợi cảm của cặp mông đang ngự trị trên chiếc ghế đẩu. Bàn tay trắng ngần với những ngón xinh xinh nắm núm ma-níp gõ nhịp nhàng. Ôi chao! Còn chân dung nào của nữ chiến sĩ báo vụ đẹp hơn thế! Những ngẫu nhiên số học không ngờ đã đem đến cho Tấn một thực tại trộn lẫn thực hư, tạo nên một ám thị tổng hòa để nó có được cái năng lực hơn người là nhìn thấy vẻ đẹp thuần khiết của nữ chiến sĩ này. Rồi trong đầu nó bỗng nhiên nảy nở một khát vọng mang sắc màu hiệp sĩ là được nâng niu, giữ gìn, chăm sóc vẻ đẹp của đồng đội mình vĩnh hằng. Và thế là, thật tự nhiên, tình yêu của một hiệp sĩ đối với vẻ đẹp duyên dáng đang hiện ra trước mắt đã bắt đầu.
- Chào thủ trưởng!
Giọng nói của Tấn bất chợt vang lên trong đêm mưa bão làm cô gái giật bắn mình. Ngước mắt nhìn ra khung cửa sổ, cô thấy một khuôn mặt đen sạm ẩn dưới vành mũ cối với hàm răng trắng lóa, tí nữa thì cô hét toáng lên: “Có ma”! Nhìn đồng đội mặt cắt không còn giọt máu, miệng ú ớ, Tấn nhanh nhảu:
- Đường dây điện thoại của đơn vị đồng chí bị hỏng, nó đứt ngay bên hiên. Tôi muốn nhờ đồng chí cầm đèn pin soi giúp để tôi nối lại.
- Dạ, vâng ạ!
Những âm thanh trong trẻo vừa thốt ra từ cái miệng nhỏ xinh của cô gái vẫn chứa đựng chút e dè, nhưng Tấn như nghe thấy khúc đồng quê với tiếng sáo diều du dương đang át cả tiếng mưa, tiếng gió. Nó muốn được nghe mãi cái âm thanh vừa xa lạ phù phiếm, lại vừa gần gũi với cuộc sống đời thường đến thế. Tức thì trong đầu nó nảy ra một sáng kiến nhằm trì hoãn việc thực hiện nhiệm vụ để kéo dài thời gian hiếm có ngàn vàng này trong đời quân ngũ.
- Tôi tên là Tấn. Còn đồng chí tên gì nhỉ?
- Dạ, em là Tâm ạ. Đêm hôm mưa gió, các anh vất vả quá. Anh vòng qua đầu đốc, lên hiên nhà đứng cho khỏi mưa, kẻo về ốm đó!
Được lời như cởi tấm lòng, Tấn không bỏ lỡ cơ hội. Nó vòng ra phía trước gian nhà trực báo vụ, tót lên hiên. Lúc này Tâm cũng từ trong phòng ra đứng bên hiên, sợ Tấn vào phòng trực sẽ vi phạm kỷ luật thông tin, Tâm nhắc khéo:
- Phòng trực đơn vị em nghiêm cấm không cho người lạ vào. Chỉ huy đơn vị quy định chặt chẽ lắm, kể cả người cùng đơn vị chưa đến ca trực cũng không vào được, nên anh thông cảm nhé!
- Ồ không, tôi… À anh chỉ muốn nói chuyện với em chút thôi, kể cả đứng ngoài mưa cũng được. Mà em quê ở đâu nhỉ?
- Em ở Nho Quan, Ninh Bình ạ.
- Ối trời! Thế chúng mình là đồng hương rồi đấy.
- Anh này chỉ giỏi xạo.
- Thật mà, anh ở Gia Viễn. Em về quê là phải đi qua nhà anh đấy, trừ khi em đi… máy bay.
Câu nói hài hước của Tấn khiến Tâm bật cười, nó thầm nghĩ: “Anh chàng nói chuyện duyên đáo để”. Chỉ thế thôi cũng đủ làm cho mặt nó nóng bừng, may mà ngoài hiên tối nên nó không bị Tấn phát hiện ra điều đó. Đánh mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, gần 11 giờ đêm khiến Tâm hốt hoảng:
- Sắp hết ca trực của em rồi, anh nối thông đường dây đi còn về, người khác ra đổi ca họ thấy…
- Làm thế nào để mình gặp nhau được em nhỉ? - Tấn luyến tiếc.
- Em cũng không biết nữa. À! Mỗi khi vào ca trực, em phát một tràng tín hiệu tích… tích… tích… ta. Ở bên đó anh nghe thấy sẽ biết là em thôi.
- Như thế anh cũng chẳng gặp em được.
- Lúc đấy em sẽ gọi thầm tên anh, kiểu gì anh cũng bị hắt hơi cho mà xem.
Tâm nói xong tủm tỉm cười làm xuất hiện một lúm đồng tiền trên má trái khiến khuôn mặt vốn đã ưa nhìn của Tâm lại càng duyên hơn. Tấn bần thần một lát rồi bỗng nhiên nó ghé miệng nói nhỏ điều gì đó vào tai Tâm làm Tâm giãy nảy lên:
- Không được đâu, như thế bị kỷ luật chết.
- Chẳng ai biết đâu. Lâu lâu mới một lần thôi mà!
Chẳng cần biết Tâm nghĩ gì về điều Tấn vừa nói, nó vội đưa cho Tâm chiếc đèn pin nhờ soi giúp lên đoạn dây bị đứt rồi nó leo tót lên chạc ba cây tràm. Nối thêm đoạn dây cho đủ độ chùng phù hợp với dao động của cành cây trước sức gió, nó cẩn thận làm nút dẹt lõi nối thông đường dây cho chắc chắn. Xong xuôi, nó tụt xuống vào phòng trực đến bên chiếc điện thoại bấm số tổng đài, tín hiệu hồi âm chuông tốt, bên kia nhân viên tổng đài nhấc máy:
- A lô! 200 xin nghe.
- Trạm báo vụ kiểm tra máy, đường dây thông suốt, cảm ơn!
Trước lúc chia tay, Tấn bảo Tâm đến gần để nói nhỏ điều bí mật. Ai dè, khi Tâm đến bên, nghiêng tai để nghe thì Tấn lại chúm miệng hôn lướt nhẹ lên má Tâm rồi nó quay đầu chạy vội ra khỏi phòng trực, vì sợ Tâm tặng cho một “bông hoa móng rồng” lên mặt. Tấn nghĩ rằng Tâm sẽ rất giận và cơ hội để nó gặp em sẽ không bao giờ có nữa. Nhưng không, tình yêu là vậy. Nó muôn vàn màu sắc. Nó không đơn thuần như cách giải mẫu của một bài đại số. Nó có nhiều đường hướng khác nhau để gắn kết hai trái tim cùng chung nhịp đập. Cho nên, chính nụ hôn gió thoảng bất ngờ của Tấn đêm đó như nam châm hai cực trái dấu được đặt gần nhau, vừa hút vào chưa kịp dính chặt đã bị một lực khác mạnh hơn tách ra, tạo nên sự luyến tiếc, bồi hồi đan xen với tò mò, e lệ trong trái tim nóng bỏng đam mê khao khát được yêu của một thiếu nữ đang đến độ trăng rằm. Vậy là Tâm làm những điều mà Tấn đã nói với cô trong đêm mưa bão…
Không hiểu sao dạo này đường dây của trạm báo vụ hay bị hỏng thế, mà lần nào cũng thấy Tấn xung phong đi sửa. Có lần tôi nghe trung đội trưởng phàn nàn: “Cự ly đường dây ngắn, lại không phải đi qua địa hình phức tạp, chất lượng dây cáp tốt. Tại sao cứ hỏng liên tục nhỉ?”. Và việc Tấn thường xuyên xin đi khắc phục đã tạo sự nghi ngờ cho chỉ huy đơn vị. Tối hôm đó, theo thường lệ, Tâm trực máy ca đầu, nhẩm đốt ngón tay đã đến ngày hẹn. Cô lên máy gõ một tràng tín hiệu tích… tích… tích… ta… Đơn vị bên này đang trong giờ sinh hoạt đại đội, Tấn ngồi dưới hàng mà bụng dạ cứ bồn chồn. Nó ngọ nguậy, vẹo vọ không yên. Đúng lúc trực ban báo cáo chỉ huy có điện gọi từ tổng đài xuống xin cho người đi sửa đường dây hướng trạm báo vụ, đường dây bị chập. Chỉ huy đơn vị chưa kịp giao nhiệm vụ cho trung đội nào thì Tấn đã nhanh nhảu đứng lên xung phong đi sửa đường dây. Chỉ huy đồng ý nhưng ngấm ngầm sai cán bộ trung đội đi theo dõi. Chuyện này Tấn đâu có ngờ đến. Sau khi vào kho trang bị lấy máy điện thoại và túi ghim vồ đựng đồ dùng kìm, dao, Tấn không dò theo đường dây tìm chỗ bị hỏng, mà nó đi đường tắt sang trạm báo vụ. Đến đoạn dây cáp kéo từ cây tràm xuống qua lỗ thông gió sát dưới nền hiên nhà, nó bật đèn pin rọi vào đó và rút từ thân sợi dây cáp ra một chiếc kim khâu. Gói chiếc kim vào mảnh giấy nhỏ mà nó vừa móc trong túi quần ra, nhét mảnh giấy vào kẽ gốc cây tràm. Xong xuôi, nó đến bên cửa sổ gọi nhỏ: “Cúc Phương”.
Bắt được tín hiệu, Tâm vội ào ra khung cửa sổ. Hai đứa chưa kịp “giao lưu” nụ hôn thương nhớ qua song cửa như mọi lần đã thấy trung đội trưởng của Tấn và chỉ huy đơn vị Tâm xuất hiện…
Chao ôi! Tình yêu không chỉ là điểm hội tụ của những hạnh phúc, đam mê. Nó không chỉ liên kết bởi vẻ đẹp thương mến của hai trái tim rung động, mà tình yêu còn đan dệt nên những sai lầm, bi kịch, kể cả những đớn đau… Nhưng dù thế nào đi nữa thì loài người vẫn tìm đến tình yêu, vẫn cần yêu và được yêu. Chẳng vậy mà hôm nay, nhìn Tấn chững chạc trong bộ com-lê với bông hồng cài trên ngực, còn Tâm thì rực rỡ trong bộ váy cưới, mắt sáng long lanh, khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc sánh bước bên nhau. Tôi thầm chúc mừng cho chúng nó. Và tín hiệu moóc-xơ sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi.