Tên khai sinh: Nguyễn Văn Hùng
Sinh năm: 1981
Quê quán: Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Hiện công tác tại: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
NGƯỜI LÍNH VÀ CHIẾC BA LÔ...
Người lính trở về sau cuộc chiến tranh biên giới, trên vai anh là hai chiếc ba lô đã cũ sờn. Bộ quân phục bạc màu cùng đôi giày vải nhuốm đỏ bụi đường. Anh nhảy xuống từ thùng của chiếc xe zin khơ xanh màu lá ngụy trang, rồi cắm đầu đi thẳng về phía cuối con đường lởm chở đá.
Trở về quê hương sau hơn mười năm xa cách, hình như người lính không còn nhận ra con đường mình đang đi nữa. Nó khác, nó lạ và nó mới. Người lính vẫn cặm cụi bước theo từng vệt xe lăn còn sót lại. Con đường vào buổi trưa vắng tanh, không một bóng người. Cỏ cây hai bên vẫn lặng im chờ đợi, không một tiếng chim kêu, vượn hót. Sao lạ thường đến vậy? Phải chăng cỏ cây hoa lá vẫn nín lặng chờ đợi điều gì. Có lẽ đúng rồi, đúng là điều gì đó đang sắp xảy ra trên con đường làng vừa thân quen vừa xa lạ? Con đường của ngày xưa đã quá đỗi quen thuộc mà giờ trở nên mờ ảo trong trí nhớ của mình. Người lính vẫn bước thật nhanh, nhanh lắm. Nhanh đến nỗi có lúc hai chân đá lộn vào nhau, có lúc đế giày của chân này dẫm cả lên gấu quần chân kia khiến cho anh loạng choạng, ngả nghiêng. Thế đấy, anh vội vã lắm, vội vã không biết để làm gì. Hay anh sợ? Hay anh đang chạy trốn...
Người lính bỗng dừng lại khi chiếc ba lô bên vai phải trễ xuống, một quai của nó lẳng lơ, chơi vơi giữa không gian. Chiếc ba lô đã lởm chởm những vệt thời gian. Nó thủng. Nó rách. Nó lốm đốm các lỗ khoét… nhưng hình hài thì vẫn còn nguyên vẹn, nguyên vẹn như chính cái khuôn mẫu của nó. Chiếc ba lô đang sệ dần xuống trên vai người lính, rồi cuối cùng nó tuột khỏi vai xuống cánh tay, xuống con đường làng lởm chởm đá. Người lính cố gượng, anh nghiêng người, nâng cánh tay để xốc nó lên vai. Nhưng không được, sao giờ này nó quá nặng? Nó nặng trĩu như một tảng đá lớn đè lên vai anh. Kéo ghì lại và… rơi bịch xuống đất.
Người lính không thể bước tiếp, anh ngồi thụp xuống đường. Chiếc ba lô nằm chênh vênh trước mặt. Lặng lẽ, nghiêm trang. Người lính vội quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực một cách thành kính, mắt rưng rưng ngấn lệ, những giọt nước mắt lăn dài pha lẫn mồ hôi sóng sánh lăn trên gò má gầy guộc, miệng lẩm nhẩm điều gì đó. Rồi người lính khóc. Anh khóc một mình bên chiếc ba lô giữa con đường vắng teo vào buổi trưa oi ả.
Trời bỗng tối sầm lại như muốn đổ ập xuống, tiếng gió vù vù làm các ngọn cây va vào nhau ken két, ken két như đang chen nhau xô đẩy. Cơn mưa rào ào xuống, nước xối như người ta đang tháo mở cống bơm. Người lính vẫn ngồi nguyên vẹn, nghiêm trang trước chiếc ba lô giữa con đường. Mưa xối xả hơn, người lính chồm người lên đè chiếc ba lô xuống dưới ngực mình. Toàn thân anh đè lên chiếc ba lô như để che mưa. Nước té tát, người lính vội vàng ôm ghì lấy, kéo chiếc tăng dã chiến vẫn nằm ở chiếc ba lô còn lại bên vai trái. Người lính không che cho mình, người anh ướt sũng, đầy bùn đất bắn tung tóe. Chiếc tăng dã chiến được người lính trùm kín chiếc ba lô nằm ở dưới đường rồi hai tay nâng lên khỏi mặt đất. Chiếc ba lô lúc này tự nhiên nhẹ bẫng, nhẹ như một bó bông không thấm nước, nhẹ như cái gì đó chưa từng nhẹ. Người lính nhấc chiếc ba lô đặt lên phiến đá ven đường, che phủ, bao bọc bằng cả chiếc tăng dã chiến và thân hình mình. Cả tâm hồn anh nữa. Người lính che chiếc ba lô như che chở cho cả cuộc đời mình, bằng tất cả trái tim mình.
Trời tạnh mưa, gió không còn ào ào như trước, những ngọn cây ven đường thỉnh thoảng va vào nhau kèn kẹt, nước còn đọng lại rào rào từng đợt. Không nhiều, nhẹ nhưng đủ ướt. Mặt đường sũng nước, từng ổ gà, ổ trâu đọng nước đỏ au. Nước ở mặt đường không vàng, không sánh. Nước cứ sền sện, sền sện trông như màu đất đỏ. Nhưng không phải màu đất, cũng chẳng phải màu bùn mà là thứ màu gì lạ lắm. Nó lạ như cái màu ám ảnh anh hằng mấy năm nay. Cái màu mà cứ trong mỗi lần anh nhắm mắt nó lại hiện lên, lại tuôn trào, lại đòi anh ngăn nó lại. Cái thứ nước sền sện đó vẫn cứ đeo đuổi anh mãi cùng với đôi mắt nửa van xin, cầu khẩn, nửa trách móc kia trong cả đời thường lẫn giữa những cơn mơ. Và giờ thì… nó lại là thứ nước giữa đường, giữa trời mưa. Nó không trào ra từ con người trong vòng tay anh, không quện lấy người anh mà nó lại đang níu giữ bước chân anh. Nó không cho anh bước, không cho anh đi nữa. Nó bắt anh phải ngồi, phải ngồi đó, bên phiến đá, trước chiếc ba lô, trông chiếc ba lô và giữ chiếc ba lô…
Một cánh tay dang rộng vén màn mây đen còn sót lại trên bầu trời. Ông mặt trời lại ló ra, xuyên qua những tán cây, chênh chếch chiếu những tia nắng chói chang hình lỉa quạt xuống con đường. Nước đã đổi màu, xanh, đỏ, óng ánh. Cái nóng nóng, oi oi khó chịu lại sực lên. Người lính lặng lẽ đứng dậy, hai tay vẫn chắp trước ngực, miệng lẩm nhẩm:
- Thân ơi, tao xin mày. Mày sống khôn thác thiêng, tao sắp đưa mày về tới nhà rồi, mày hãy chỉ đường cho tao đi. Thân ơi….
Bộ quần áo trên người đã nhuốm đầy bùn đất, chiếc ba lô bên vai trái cũng nặng trĩu, ướt sũng. Người lính cúi người xuống, vén chiếc tăng dã chiến, cuộn tròn lại cho vào bên trong, đưa tay nhấc chiếc ba lô nằm trên phiến đá. Chiếc ba lô vẫn còn khô nguyên, gọn gàng và nhẹ như lúc ban đầu. Nó trở lại bình thường, ngoan ngoãn nằm trên lưng bên phải người lính. Anh đi tiếp về phía cuối con đường…
*
Tư ngồi tựa lưng vào gốc cây khộp to giữa rừng già, những tán lá không rộng và thưa không đủ để che đi cái nắng chói chang của mùa khô vào lúc mặt trời đang dần xế bóng. Rừng khộp này thưa lắm, nó còn thưa hơn cánh rừng khộp ở Tây Nguyên của Việt Nam. Nhưng cây ở đây thì to, rắn chắc, sần sùi. Có cây vỏ bóc lởm chởm, khoang khoét như da người bị cóc cáy, lở loét. Có cây cành nhô ra, chìa chìa ngáng đường, đứng ngoặt ngoẹo như người cụt tay, cụt chân. Có lẽ đây là hậu quả của những cuộc đụng độ giữa ta và địch mà cây rừng phải hứng chịu. Con người thật độc ác quá, dã man quá. Sinh ra chiến tranh, giết chóc. Nhờ cây rừng chở che nhưng lại biến chúng thành kẻ thù, thành quân xanh không có tiếng nói. Hòn tên, mũi đạn cho đến lựu đạn, bom, mìn… đều đổ dồn lên rừng cây cả, khiến nó nghiêng ngả, bong gốc, sứt sẹo như những chiến sĩ thiện chiến bị thương. Đã vậy con người còn không biết xấu hổ. Hành hạ nó vậy mà còn núp bóng dưới thân nó, còn tựa người vào nó, còn chờ đợi và cần được sự chở che của nó…
Giấc mơ ngắn ngủi thiu thiu hiện về, dưới màu cờ đỏ sao vàng, hàng ngàn, hàng vạn màu sắc sặc sỡ của nhân dân, của quân đội trộn lẫn trong niềm vui. Những cô gái Campuchia rực rỡ trong những bộ xà cạp đủ màu sắc nhảy múa. Người già, người trẻ cả lũ trẻ con nữa, chúng nó ùa ra, ôm chân, trèo vai, tót lên lưng, hôn… các chú bộ đội Việt Nam, các chú “Bộ đội nhà Phật”. Vui quá, hạnh phúc và tự hào quá.
Tiếng súng nổ phía xa xa, bọn địch bắn vu vơ phía dãy núi đằng kia. Tư giật mình thoát khỏi tiếng cười đùa, vui vẻ của cơn mơ ngắn ngủi. Cả đơn vị vẫn say sưa dưới cánh rừng khộp. Lặng im và chờ đợi. Biết rằng trong đêm nay, trận chiến khốc liệt sẽ diễn ra, kế hoạch của ta là sẽ tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch. Nhưng đây là nơi khó khăn, khó tiến đánh. Dải đồi đóng quân của chúng rất khó tiến vào, bởi đây là dải đồi rậm rạp, có nhiều cây lớn xanh um tùm che khuất, lại thêm con sông uốn lượn bao quanh như một vành đai kiên cố. Phía bên kia là lãnh địa của đất nước láng giềng, nơi bọn hậu thuẫn vững chắc của lực lượng Pôn Pốt đang chiếm giữ, nếu thất thủ chúng cũng có thể rút lui về phía đó. Vậy kế hoạch của cấp trên lần này là rất chặt chẽ, cụ thể để đối phó. Không cho bọn chúng rút chạy mà phải tiêu diệt hoàn toàn. “Đánh nhanh, tiến chắc, tiêu diệt gọn”, đó là mật lệnh của chỉ huy. Địch phòng thủ giữa đồi cao, kín đáo. Ta ở phía dưới, rừng thưa, dễ phát hiện, thật khó khăn. Nghe đâu cũng dải đồi này, trận tiến công của ta do đơn vị chủ lực lần trước tiến đánh đã thất bại nặng nề. Nên lần này, kế hoạch tiến công sẽ chặt chẽ hơn, chắc chắn hơn và cụ thể hơn. Ta dồn hết lực lượng và quyết tâm xóa sổ hoàn toàn những tên cứng đầu cố thủ còn sót lại. Biết làm sao được? Chiến tranh mà, sự sống và cái chết… chỉ một sợi tóc lửng lơ, mỏng manh như làn sương mùa hạ vào sáng sớm. Dễ tan, dễ vỡ và dễ đứt.
Lại nữa, tiếng pháo vu vơ của địch, đơn vị ta vẫn lặng im, chỉ có tiếng thú hoang rú lên, lũ chim rừng hoảng hốt đập cánh loạn xạ. Thú chạy. Rừng chuyển động, suối nước róc rách. Không ngừng, không lặng lẽ. Trời vẫn nắng, vẫn oi, khó chịu đến vô cùng…
Tiếng chim lợn bay ngay ngọn cây, rú lên, éc… é… c… éc… kéo dài thảm thiết. Tư rùng mình, đáng sợ quá! Loài chim lợn ác nghiệt kia tiếng kêu nghe sao rùng rợn. Cả đơn vị rục rịch tiếng thì thào, lẩm nhẩm. Có lẽ ai đó đang sợ hãi, đang rùng rợn bởi tiếng kêu thảm thiết của loài chim kia. Tư tựa lưng vào gốc cây, nhắm nghiền mắt, ôm khẩu súng vào lòng miên man nghĩ về miền xa thẳm ấy.
- Sovia nè, nếu ngày mai hết chiến tranh tui sẽ về tìm em nhé.
Cô gái Campuchia với màu tóc nâu, đôi mắt sáng cười tươi trong bộ dã chiến màu xanh lá cây, bằng thứ ngôn ngữ lơ lớ tiếng Việt.
- Anh… Tư cứ nói thế. Em… buồn… Các anh là những người con của Cụ Hồ về đây để giúp nhân dân chúng em, giúp đồng bào chúng em. Các anh là những anh hùng, là những người cứu tinh cho cả dân tộc em.
Tư cười, đưa bàn tay nắm chặt tay cô gái, mắt cố nhìn thẳng vào khuôn mặt tươi tắn đang sóng sánh những giọt mồ hôi. Ở phía đằng kia, hình như Thân đã tỉnh giấc, anh cựa mình, tiếng phản kêu kèn kẹt. Cô gái vội gỡ tay Tư ra khỏi tay mình rồi đi nhanh về phía Thân. Tư đưa mắt nhìn theo, thầm trách móc.
Cô gái nhẹ nhàng ngồi xuống, đỡ lấy đầu Thân, chiếc khăn được thấm ướt đắp trên trán Thân giờ đã khô keo.
- N… ư… ớ… c, nư… ớc…, ướ...
Thân thì thào đòi uống nước, đã mấy ngày nay Thân nằm li bì trên chiếc phản đó. Do mất nhiều máu quá nên Thân kiệt quệ hơn. Mà lẽ ra cái “phần thưởng” xứng đáng là những viên đạn đó phải dành cho Tư mới phải. Trong phút nản lòng, Tư đã không dám xông lên, anh để Thân tiến trước. Thế rồi một loạt đạn của kẻ thù Thân hứng trọn, may mà nó không vào những chỗ nguy hiểm nên vẫn cứu được. Hôm đó cả đơn vị bị thương gần hết, cũng cùng nằm trên giường bệnh nhưng Tư ân hận mãi. Tư vẫn day dứt về phút giây yếu đuối ấy của mình, thật khó có thể tha thứ đối với một người chiến sĩ trong thời chiến mà lại có những phút yếu đuối như vậy.
Đôi mắt của cô gái Campuchia ngấn lệ nhìn Thân. Cánh tay cô đỡ nửa thân người của Thân lên, rồi từng giọt nước thấm qua chiếc khăn bông cho vào miệng. Thân khẽ khàng, cố gắng nuốt lấy từng giọt nước mà mát rượi tâm hồn.
Người con gái Campuchia đã khóc. Cô khóc nghẹn ngào, khóc không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Từ phía giường này, Tư cũng rưng rưng không cầm được lòng mình.
- Sovia... sao em khóc? - Tư khẽ khàng gọi nhỏ.
Cô gái không trả lời, cô chỉ đưa tay lên gạt những giọt nước mắt của mình rồi quay lại nhìn Tư. Ánh mắt cô làm Tư không thể nén nổi lòng mình. Trong cái lán nhỏ này chỉ có một mình cô là y sĩ, với thân hình mảnh mai, cặp mắt đen và bộ tóc nâu dài quá vai hơi xoăn lại, làm cho những thương binh như Tư ngây ngất. Nhất là với mùi hương của lá rừng tỏa ra từ mái tóc nâu kia.
Nuốt từng giọt nước từ chiếc khăn bông, Thân lại lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.
Đặt nhẹ Thân xuống giường, cô gái quay lại nhìn Tư rồi lặng lẽ đi về phía cửa lán. Tư nhìn theo nhưng không dám gọi. Ngoài trời oi ả, nắng mùa khô giữa rừng già khắc nghiệt vô cùng. Và đó cũng là lần cuối cùng Tư nhìn thấy cô gái Campuchia ấy...
*
Lại một loạt đạn nữa dội lên sau tiếng pháo kích, bọn địch vẫn bắn vu vơ, hình như chúng chưa phát hiện ra điều gì. Mà chẳng hiểu sao chúng hoạt động không theo quy luật nào thì phải, thường trong những lúc phòng thủ chúng hay hoạt động theo quy luật tuần tra, bắn pháo vu vơ, khoảng năm, mười phút một lần. Đằng này, chúng hoạt động một cách lạ thường, không có thời gian, không chặt chẽ và cũng không có khe hở. Cách hoạt động của chúng như muốn cảnh báo một điều hết sức khó khăn cho bất cứ lực lượng nào muốn đối đầu với chúng. Lũ chim rừng lại rộ lên, gây ra những tiếng động rung chuyển cả rừng già. Tư rút miếng lương khô trong túi cho vào miệng nhấm nháp, chiếc bi đông đã cạn nước, anh cố dốc dốc tìm lấy những giọt còn sót lại để nhai nốt miếng lương khô. Cả đơn vị nhận lệnh chuẩn bị tiến quân, Tư vội vàng thu gom tư trang cho hết vào ba lô rồi ôm súng ngồi chờ đợi. Có lệnh “tất cả dừng lại để Tiểu đội 3 đi trước”. Tiểu đội 1 của Tư được lệnh ăn cơm chiều xong mới phải tiến công. Tư thở phào, lâng lâng suy nghĩ. Liệu có phải đây là bữa cơm cuối cùng? Cũng có thể như vậy lắm chứ...
Chuẩn bị đứng dậy tập trung, Tiểu đội 3 rầm rập cơ động ngang phía trước, chợt thấy bóng Thân vụt qua, Tư gọi gấp:
- Thân... Thân... dừng lại đã.
Thân quay người lại:
- Tư à? Tao đi trước đây.
- Thân nè, ăn với tao miếng cơm đã hẵng đi, có cả thịt gà nè.
- Không được, mi cứ ăn đi rồi lên sau, tiểu đội tao phải đi trước mà.
- Thì cứ ăn miếng đã rồi chạy theo vẫn kịp mà.
- Thôi, mi cứ ăn đi, tao ăn rồi mà. Tao đi đây, hẹn gặp lại khi chiến thắng.
Nói rồi, Thân ôm súng lao về phía trước. Tư lặng lẽ nhìn theo đội hình của Tiểu đội 3, đây là tiểu đội đảm nhiệm đi trước mở đường.
Cả đơn vị Tư đang ăn cơm thì nhận lệnh tiến công. Bữa cơm dở dang gác lại. Tiếng súng dồn dập phía trước. Tư cùng đồng đội ôm súng cơ động dọc theo đường mòn lúp xúp cỏ cây.
Địch đã phát hiện ra đội hình cơ động của ta, chúng liên tục nhả đạn xối xả, những nòng súng cỡ lớn nhả đạn như mưa xuống chân đồi. Quân ta cũng tiến công quyết liệt, pháo từ vòng ngoài nhận lệnh hỗ trợ bắn liên tục về phía đỉnh đồi. Tư đang men theo những bụi cây lúp xúp bên triền dốc chợt dừng lại. Phía trước mặt anh, Thân nằm sấp trên bãi cỏ, máu me lênh láng. Tư dừng lại, bò sát rồi xốc nách ôm Thân lê vào bụi cây. Ôm chặt Thân vào lòng, người Thân mềm nhũn, bộ ngực bị xé toạc, bụng lỗ chỗ. Màu máu đỏ tươi tuôn ra, quện với thứ nước vàng vàng, sền sện lênh láng trên ngực, trên bụng Thân. Tư đau đớn, giữa trận bão đạn kinh hoàng, tiếng của Tư hét lên như lời căm hận:
- Thân... Thân ơi! Mi tỉnh lại đi, Tư đây. Tư đây... Thân ơi...
Thân nằm trên tay Tư, mắt từ từ mở ra. Thân thều thào:
- T... ư... Tư... à...
- Thân ơi... mi tỉnh lại đi...
- Tao... không... thể... trở về... gặp má...
Tư siết chặt Thân vào lòng, anh mắm chặt môi, nhưng không thể hét lên thành tiếng.
- Không... mi phải sống... phải sống để về cùng tao, về mới má của mi... Thân ơi... Mi có nghe tao nói không Thân...
Đôi mắt của Thân lờ đờ nhìn Tư như cầu khẩn. Đôi mắt không còn sắc sảo như ngày xưa, không còn hằn sâu sự oán trách hôm nào. Giờ đây trên đôi mắt ấy chỉ còn sự khẩn cầu, van xin:
- Mi... đem ba lô... này về... cho má tao...
- Ừ!... Ừ... tao sẽ đem, tao sẽ đem về mà.
- Mi... về... nói với má tao... Tao... tao... thư... ơn... g... bả... l... ắ... m.
Thân lặng đi trên tay Tư, đôi mắt sáng ngày nào của bạn giờ không còn chớp nữa. Tư quặn lòng mím chặt môi, đưa bàn tay lên khẽ vuốt mắt bạn.
Tiếng đạn vẫn nổ dồn, tiếng pháo ngày càng dồn dập hơn, gấp gáp hơn. Cả đơn vị đang chiến đấu quyết liệt. Bọn địch chống trả rất ngoan cố.
Tư hét lên một tiếng thật to rồi đặt Thân nằm lại bên bụi cây già, khoác chiếc ba lô của Thân để lại vào vai và ôm súng lao về phía trước...
*
Dưới ánh nắng chiều oi ả, người lính với hai chiếc ba lô trên vai lặng lẽ đi trên con đường dài típ tắp. Những ngôi nhà xuất hiện trước mặt, một ngôi làng hiện ra san sát những nóc nhà. Người lính lặng lẽ đứng lại. Anh ta đang tìm, tìm điều gì đó. Đã hơn mười năm rồi anh mới trở về đây, tất cả đã thay đổi. Làng xưa, đường xưa và những cái ngõ dài sâu chỉ còn lảng bảng trong trí óc của anh. Người lính vẫn đứng lặng lẽ, nhìn ngắm và suy nghĩ.
Một lát sau, anh lại tiếp tục bước, những bước chân nặng trịch, vô định và cam chịu. Cuối cùng người lính dừng lại trước ngôi nhà nhỏ có cái cổng bằng tre đã cũ. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa một khu vườn rộng, bốn bên cây mọc um tùm. Chỉ có một khoảng sân nhỏ lát bằng gạch bát đã cũ, những viên gạch vỡ mốc xanh, rêu mọc nhờ nhợ. Người lính lặng lẽ đứng nhìn. Anh nhìn mãi mà không dám gọi. Trong nhà vẫn im phăng phắc, không một tiếng người, thỉnh thoảng chỉ có tiếng con gà mái nhảy ổ cục tác. Một lát sau, người lính bước tới gần hơn cánh cổng, anh đưa tay đẩy cổng bước vào thì một con chó từ bên trong chạy xộc ra, nó nhe răng, dựng ngược lông rồi nhảy xồ lên.
Người lính đứng lại, anh không dám tiến thêm nữa. Con chó thấy người lạ cứ thế chực xông tới. Rồi đột nhiên, nó không sủa nữa. Nó nằm rạp người xuống đất, hít hít, đập đập đuôi rồi xông thẳng vào người lính. Người lính vẫn đứng lặng im như trời trồng. Con chó chồm lên chiếc ba lô bên phải, đuôi nó ngoe nguẩy liên tục, nó rên lên từng tiếng ríu rít nơi cổ họng.
Lúc này, tiếng một cụ già từ trong nhà vọng ra:
- Mực... con Mực đâu. Có ai về à? Sao mi mừng dử?
Tiếng lộp cộp của chiếc gậy tre vang trên nền gạch bát, tiếng loẹt quẹt của bước chân nhẹ nhàng yếu ớt. Bà cụ già vận chiếc khăn nâu trên đầu, tay cầm gậy tre khuờ khoạng dò dẫm đi từng bước từ trong cửa ra, miệng lẩm bẩm gọi con mực:
- Mực... Mực... có ai đến à? Sao mày cứ mừng dử?
Người lính lặng người, anh không nói được điều gì, nhìn cụ già với chiếc gậy tre khua những bước đi dò dẫm. Hai chân anh khụy xuống nền đất, chiếc ba lô cũng từ vai anh xệ xuống, nó không muốn ở trên vai anh nữa. Con chó cứ cuống quýt, chạy đi chạy lại. Nó hết chồm lên chiếc ba lô lại lao đến húc húc cái mõm vào chân bà cụ khiến bà loạng choạng. Bốn chân của nó cứ chồm lên, cái đuôi đập mạnh xuống đất, cổ họng rít lên từng hồi khiến chiếc ba lô nghiêng ngả. Bà cụ cũng loạng choạng, miệng bà vẫn lẩm nhẩm.
- Mực à, hôm nay có chuyện gì sao mi lạ thế? Có ai về phải không Mực?
Nói rồi bà cụ lặng im, mái đầu bạc vận chiếc khăn nâu trùm gần hết, để lưa thưa mấy sợi vất vơ xõa xuống trước mặt. Người lính nhìn bà cụ trong lòng đau quặn lại, cổ họng anh như có cái gì đó chặn ngang. Anh muốn gọi bà nhưng không thể cất thành lời, những tiếng nấc nghẹn ngào, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má rám nắng gầy soạp. Bà cụ không bước nữa, bà đứng cách người lính chừng năm, bảy mét, nhưng đôi mắt của bà đâu có thấy gì. Bà cứ khuờ khoạng chiếc gậy tre xuống nền sân, miệng liên tục trách móc con chó.
- Mực à, mi lạ thế. Có ai về nhà mình đúng không? Hay là...
Nói đến đây, bà cụ lặng im, đôi tai của bà như muốn lắng nghe điều gì. Tự nhiên nước từ trong khóe mắt bà ứa ra. Bà không khóc, có lẽ đó là những giọt nước kỳ lạ. Đau khổ hay hạnh phúc?
Người lính vẫn không thể lên tiếng, miệng anh cứng lại, chỉ có những tiếng nấc nghẹn ngào ngân dài từ vòm họng. Bà cụ đứng lặng im một lúc rồi tự nhiên bà đánh rơi chiếc gậy tre xuống đất, bà khẽ hỏi:
- Ai đó? Có phải... có phải... Th... â... n... về không con?
Bà cụ vừa hỏi, vừa đưa hai tay về phía trước, quơ quơ giữa không gian. Những giọt cứ thế tuôn ra từ khóe mắt người lính. Toàn thân người lính tê cứng không thể cựa quậy được. Anh muốn chạy đến ôm chầm lấy bà cụ nhưng chẳng hiểu sao lực hút đã gắn chặt anh với nền đất, anh không thể đứng dậy, không thể khóc thành tiếng. Bà cụ già vẫn dò dẫm, đôi tay già nua quơ quơ giữa không gian, lê bàn chân sát trên nền gạch một cách yếu ớt, vội vã như muốn tiến về phía trước. Người lính muốn vùng dậy, anh cố hết sức để lao đến nơi bà cụ, nhưng sao khó quá. Rồi đột nhiên, như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, người lính bật dậy lao về phía trước như một mũi tên. Tới trước mặt bà cụ, người lính khụy xuống, hai tay anh đưa ra ôm chầm đôi chân bà cụ và hét lên:
- Má... má... ơi...
Bà cụ run run hai bàn tay gân guốc ôm ghì đầu người lính vào lòng, những giọt nước từ hai khóe mắt tuôi ra. Giọt nước mắt già nua, nhọc nhằn chảy chậm trên hai gò má, lăn theo những nếp nhăn trên mặt bà cụ, tiếng gọi nghẹn ngào như muốn đứt hơi thoát ra:
- Th... â... n... Th... ân... Thân... con về... đấy ư...?
Rồi tiếng khóc nức nở, tiếng khóc của niềm hạnh phúc, tiếng khóc của một già, một trẻ hòa lẫn vào nhau. Bà cụ siết chặt đầu người lính vào lòng, hai bàn tay gân guốc già nua sờ lên mái đầu, xuống khuôn mặt, gò má... người lính. Rồi hai bàn tay bà dừng lại nơi ve áo, tiếng khóc của bà nghẹn lại. Bà cụ dừng hẳn, hai bàn tay sờ đi sờ lại nơi gò má gầy guộc sạm đen của người lính. Bà cụ không khóc nữa, mặt bà tái đi, giọng nghiêm nghị.
- Không, không phải thằng Thân... Chú là ai?
- Má... má... ơi... Vâng!... con không phải là Thân... nhưng con là... con của má.
Bà cụ chợt trở nên nghiêm nghị, giọng nói già nua.
- Chú là ai? Là ai? Thế thằng Thân đâu? Thằng Thân của má đâu?
- Má ơi... con đây... con là Tư má ơi...
- Tư... Thằng Tư... Thằng Tư con má Sáu?
- Vâng... con đây má.
- Mi về lúc nào? Thế thằng Thân đâu? Thằng Thân của má đâu con? Nó có về cùng mi không Tư?
- Má... má ơi. Thân... thân...
Người lính nghẹn ngào không thể nói tiếp.
Bà cụ như hiểu được từ tâm trạng người lính, bà không khóc, giọng bà càng trở nên nghiêm nghị hơn:
- Thằng Thân... nó đâu con? Nó về cùng con chớ?
- Má... má ơi... Thân... thân... hy sinh rồi má ơi...
- Không! Thằng Thân không chết, nó không thể chết được, nó phải về chăm sóc má chớ. Làm sao nó có thể chết được...
Bà cụ buông tay khỏi khuôn mặt người lính, hai bàn tay yếu ớt đẩy mái đầu người lính ra khỏi người.
- Thằng Thân không chết. Nó không chết. Nó phải về với má chớ. Ngày nào má cũng nấu cơm chờ nó về mà. Má vẫn phần cơm nó mà. Tư ơi... Thân ơi!
Người lính gục xuống. Anh nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà cụ.
- Má ơi... con xin lỗi... con xin lỗi má...
- Không... thằng Thân của má đâu? Nó về cùng mi phải không Tư?
Người lính gượng đứng dậy, nắm chặt hai bàn tay già nua của bà cụ, rồi những bước chân chậm chạm dẫn bà cụ về phía chiếc ba lô. Con Mực nãy giờ nằm rạp bên chiếc ba lô như để canh chừng. Nó cứ dụi dụi cái mõm vào chiếc ba lô, và hình như nó cũng khóc. Đuôi nó không đập nữa, chỉ có những tiếng rên rỉ, trau trú.
Buông tay bà cụ ra, người lính cúi xuống nâng chiếc ba lô lên trước ngực một cách thành kính:
- Má... má ơi... thằng Thân... Thân... của má... đây...
Bà cụ đưa đôi bàn tay gân guốc già nua sờ lên nắp ba lô. Bà vân vê từng nếp, từng sợi dây, rồi ôm chặt chiếc ba lô vào lòng:
- Thân... Thân ơi...
Tiếng khóc nức nở òa lên, tiếng khóc của một già một trẻ, tiếng khóc đau xót trộn lẫn vào nhau làm vỡ tan khoảng không gian của buổi chiều oi ả...