Sinh năm: 1973
Quê quán: Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện công tác tại: Tạp chí Văn nghệ quân đội.
ĐÊM TRĂNG THIÊNG
Mẹ bảo không đêm trăng nào giống đêm trăng nào. Tôi đi công tác miền núi vào mùa đông. Mùa đông miền xuôi hiếm có trăng, tôi tưởng miền núi còn hiếm trăng hơn. Thế mà đoàn công tác đến Pà Nùng, chị Mây say xe lử đử suốt buổi đã kêu lên: “Ô! Trăng. Trăng thật”. Trăng đỏ dừ nhô lên ở hẻm đá đầu núi Dào Sìn. Mãi sau tôi mới biết núi Dào Sìn là núi thiêng của Pà Nùng. Già làng bảo núi Dào Sìn đã có từ buổi các dân tộc Pà Nùng đến đuổi con thú phát hoang sinh sống. Ngày ấy, trăng không mọc ở hòn đá to đầu núi mà mọc ở suối Pụa soi cho lũ con gái tắm. Một hôm có chàng trai mồ côi bên kia núi phải lòng con gái già làng. Đám trai Pà Nùng rình đánh nhiều lần không được vì mỗi khi chàng trai cắp cô gái chạy lên núi Dào Sìn thì trăng tối lại, lũ trai bản không nhìn thấy đường đuổi theo. Căm tức chàng trai lạ, lũ trai bản bàn nhau rình sẵn ở thềm đá trên núi đợi đôi trai gái lên tình tự sẽ hạ thủ. Chẳng may cho chàng trai, trăng Dào Sìn đã không che chở được kẻ si tình. Người con gái xinh đẹp nhất bản sau đêm ấy không ai thấy đâu nữa. Từ đấy núi Dào Sìn thiêng lắm. Trai lạ ở đâu phải lòng gái bản đều dang dở suốt đời sống không ra sống chết không ra chết. Già bản bảo đấy là chàng trai hận tình trả thù theo cách oái oăm của mình. Cũng từ ngày ấy trăng mọc lên từ phía hòn đá to là trăng thiêng. Đêm trăng thiêng, trai gái Pà Nùng dắt nhau vào núi tự tình sẽ được mùa, trẻ con khoẻ mạnh, gà lợn sinh sôi. Già làng bảo, đêm trăng mà có con trai lạ tình tự với gái làng thì phải giết nó kẻo dịch bệnh kéo đến. Ông trăng thiêng nhìn thấy xấu hổ không mọc nữa nổi giận sai con cầy, con cáo phá nương, con hùm con beo rình bắt gia súc. Ở bản phải cúng con gái đẹp thì mùa đông sau trăng thiêng mới chịu nhô ra ở hòn đá to đầu núi.
Tôi ngây ngô ngắm trăng Pà Nùng, bất giác nhớ trăng mùa phù sa sông Hồng đêm rước đèn. Đêm ấy, chị Mây nhờ tôi năn nỉ xin mẹ chị cho đi chơi, bảo là trông tôi kẻo ngã xuống sông. Tôi mười ba mà chị sợ té ngã xuống nước. Mẹ chị vuốt tóc tôi, tay mềm như suối tóc thả vào đêm trăng thở dài bảo: “Con gái lớn phải biết sợ ánh trăng Mây à. Có khi phải đem mày về núi mới yên cái bụng”. Chị Mây nũng nịu: “Mẹ còn đẹp lắm về núi làm gì. Lúc nào cũng nhớ núi. Con thấy bác ấy...”. “Cha tiên nhân cô - Mẹ chị Mây mắng át khẽ đẩy tôi ra - Trông em cẩn thận rồi về sớm. Nhớ thả đèn chỗ nước trong ấy”. “Vâng. Nhưng biết chỗ nào trong hở mẹ”. “Thì nhìn ánh trăng mà tìm”. Chị Mây chân sáo ra ngõ. Tôi vụt chạy theo còn thấy mắt người đàn bà u uẩn thấm đẫm ánh trăng.
Lúc ở trên xe tôi đã xin vào Dào Sìn trước. Lẽ ra phải xem xét kết luận đề án khu du lịch xong mới vào bản, nhưng vì tôi biết thực địa nên trưởng đoàn cằn nhằn: “Xong ở đây hãy vào. Rách việc”. Tôi muốn vào Dào Sìn trước còn vì người ta bảo lên miền núi thấy trăng cứ đi sẽ làm người yêu vừa lòng. Tôi muốn làm chị Mây vừa lòng. Hôm trước tôi mơ thấy mẹ chị Mây dặn đi miền núi thấy trăng đừng ở nhà nghỉ mà vào bản sẽ gặp kỳ duyên, sẽ thấy nhiều cái lạ. Tôi kiên quyết bảo ông trưởng đoàn: “Đêm nay cháu ở Dào Sìn. Mai cháu ra sớm đón ở suối Pụa”. Ông trợn mắt: “Mày bị ma dụ rồi. Dào Sìn chỉ có đá làm gì có người”. Tôi định phân bua với ông là không có nhiều tiền vào nhà trọ thì ông quát: “Ma bắt mày đi. Trình độ đại học mà ú a ú ớ”. Tôi biết từ khi thấy tôi cùng chị Mây lên xe ông đã gầm ghè tôi. Lẽ ra tôi không có chân trong việc khảo sát đề án. Chắc chị Mây đề xuất. Chị Mây về cơ quan công tác trước tôi. Chị đẹp lắm. Tóc chị bao giờ cũng để dài. Từ khi về cơ quan, tôi thấy chị ít cười, chỉ tóc là sáng lên thành thử chỉ nhìn thấy tóc chứ không hình dung được khuôn mặt chị. Thấy ông trưởng đoàn nhìn tôi rồi nhìn chị, tôi khó chịu quá, muốn tách đoàn đi riêng. Tôi bỗng giận chị. Nếu hôm qua chị không bảo: “Đi thực tế Pà Nùng thích lắm. Có nhiều hoa khô” và nếu tôi không nhớ tới giấc mơ thì tôi đã chả phải khó xử.
Chị Mây không nói gì, chỉ nhìn trăng nhô lên đỏ dừ núi Dào Sìn, mặt chị cũng đỏ sau rừng tóc đen. Tôi mạnh dạn nhìn vào đấy xem chị có nói gì không. Ông trưởng đoàn giục: “Đi thôi Mây”. Tôi lủi thủi bước ngược đoàn, bước ngược dãy nhà sàn xanh đỏ xập xình nhạc cát-xét. Mấy tay xe ôm bu đến: “Đi đâu?”. Tôi xốc ba lố lí nhí: “Đi Pà Nùng”. Họ líu lô tiếng dân tộc rồi dần dần lảng hết. Tôi vấp vào hòn đá. Trăng Dào Sìn lên non con sào, màu càng đỏ ối. Một bóng đen dật dờ trước mặt. Tôi giật mình. Một luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Chân lại vấp một hòn đá nữa đau điếng. “Mày đi Pà Nùng lên xe tao, thằng người xuôi à”. Tôi bàng hoàng. Sau bụi lau bên một mốc cây số là cái xe máy cà tàng và một người đàn ông. Trời càng lạnh, khí đá toát ra trắng mờ mịt. Trăng Dào Sìn đỏ đòng đọc trên đầu. Tôi đánh bạo: “Tôi muốn về Pà Nùng. Ông lấy bao nhiêu tiền?”. Người đàn ông không trả lời, đập bộp bộp vào bộ chàm xám đẫm sương lặng lẽ quay xe. Tôi nghe một giọng Kinh rất chuẩn: “Đi thôi. Tao đi đón người dưới xuôi. Nó không lên, tao với mày về Pà Nùng”. Tôi ngơ ngác lên xe. Chiếc xe xóc nảy người, tăng tằng leo dốc đá. Trăng sáng và lạnh hơn. Tôi cảm thấy ở trong sương mờ tóc chị Mây đen ấm quấn vào cổ tôi. Chị Mây không phải là người Hà Nội. Nghe kể hồi trẻ mẹ chị đẹp nổi tiếng, là người dân tộc. Tuyệt nhiên không bao giờ chị nói về bố mình. Đến đỉnh dốc người đàn ông thở dài bảo: “Lại phải đợi trăng mọc năm sau thôi. Mày về nhà tao cho đỡ lạnh”. “Ông ở một mình à”. Tôi cảm thấy bình tĩnh trở lại.
Xe trôi xuống dốc đá. Từng hòn đá to lố nhố nhổm dậy chắn đường. Người đàn ông tắt máy, xe vùn vụt luồn lách trong bầy đá hộc. Đã thế người đàn ông còn nghiêng mặt về phía sau nói âm u: “Nhà có năm người. Bây giờ chỉ mình tao”. Tôi giục: “Ông nhìn đường đi”. Tiếng cười cất lên u uẩn vọng vào đá dội lại thê lương: “Sao chúng mày ai cũng sợ chết. Người sống phải có người chết chứ”. Tôi bực dọc ngắt lời người đàn ông: “Sao cái gì cũng lấy cái chết làm thước đo. Sống còn không nổi thì làm gì. Làm ma với rừng xanh núi đỏ này à”. Người đàn ông im lặng. Đường càng lúc nhiều đá hộc hơn. Hơi nước từ miệng người đàn ông phả ra trắng mờ mịt...
*
Bếp lửa đặt ở góc nhà vẫn hồng. Người đàn ông thành thạo cời than gắp ra củ sắn. Tôi đặt thêm mấy thanh củi, củi khô bắt lửa bập bùng soi rõ mặt người. Người đàn ông ngồi bất động gương mặt chữ điền lởm chởm râu vô hồn thỉnh thoảng ngước nhìn lên trên xa xăm. Tự nhiên tôi nhớ chị Mây, cái nhớ bật ra từ cảm giác nao nao mùi tóc chị quanh quất. Người đàn ông móc ở trong người một cái bát nhỏ, tiếp đến là một chai rượu và một gói muối con con. Chiếc áo rộng thùng thình như một cái kho kỳ diệu chứa nhiều thứ lỉnh kỉnh. Tôi thấy trong lửa có ánh mắt chị Mây. Ông ngồi phía bên kia bếp lửa. Rất nhiều ánh lửa trong mắt ông. Bây giờ tôi mới thấy một vết sẹo nhỏ ở đuôi mắt dần dần bắt lửa hằn lên. Cả chị Mây của tôi cũng ở trong ấy. Ông trao tôi bát rượu hâm nóng, chậm rãi:
- Bao giờ cậu về dưới ấy?
Tôi nhìn người đàn ông qua bếp, lửa đã làm giọng của ông ấm áp dễ nghe chứ không nhơn nhớt như tiếng ông trưởng đoàn. Tôi cạn bát rượu vì nghĩ rằng chị Mây không hiểu tôi. Chị thì làm sao hiểu tôi cơ chứ. Chị đã kể là ông trưởng đoàn theo đuổi mẹ chị mấy mươi năm. Mẹ chị không ra xuôi cũng không xua đuổi người đàn ông có danh ấy. Mẹ chị hay nhắc đến một người đàn ông ở trên núi nhưng lại bảo ông ta không có duyên với mình. Thật chẳng ra làm sao. Tôi mới hay lén nhìn chị, ao ước sẽ có một lần lại cầm vào tóc chị như một lần tôi bạo dạn duỗi tóc chị ra để chị đo. Ngày ấy tôi mười ba tuổi còn chị mười sáu, ngày mới biết nhau ở bãi sông Hồng đêm rước đèn. Chị xoa đầu tôi khen ngoan rồi bảo từ rày có gì hay hay thì bảo chị. Tôi ấm ức thấy chị cứ coi tôi như thằng bé mười ba mãi. Chuyện gì chị cũng kể với tôi. Có lần thấy tôi đỏ mặt khi chị vô tình kể lần đầu lúng túng mặc áo lót ngực chị hồn nhiên vỗ vai: “Thôi chết. Chị xin lỗi em”. Lúc ấy tôi thấy chị đẹp và quý tôi thế.
- Bao giờ cậu về dưới ấy? - Người đàn ông lại hỏi.
Tôi chìa bát ra chửng chẳng:
- Chị Mây tôi đang trọ ở dưới thị trấn. Bao giờ chị Mây về thì tôi về.
“Mây à”. Người đàn ông khẽ nhổm lên nhích gần hơn về bếp lửa. Ông uống cạn bát rượu rồi chuyển bát cho tôi. Lửa bắt đầu rạc đi nổ lép bép. Tôi đón bát rượu, tiếp thêm củi. Người đàn ông lầm rầm: “Là Mây à. Rồi lại lênh đênh lắm thôi”.
Tôi ngẩn ra nhìn ngọn lửa đang to lên. Trong lửa tóc chị Mây dài lắm, quấn tràn cả sang ngực tôi, dài hơn cái đêm rước đền tôi cầm tóc chị. Khỉ thật. Sao tôi lại giận dỗi bỏ đi Pà Nùng trước. Liệu chị Mây có vừa lòng không? Hay là tôi bị ma dụ thật. Người đàn ông ngồi bên kia đống lửa là ma ư? Tôi bất giác rùng mình, không thấy người đàn ông đâu. Kinh hãi nhìn quanh quẩn chỉ thấy bát rượu, ít vỏ sắn cháy và gói muối lăn lóc bên bếp lửa. Tôi ngồi như chôn xuống sàn dụi mắt, đầu óc váng vất. Vách nhà in sững bóng mình nham nhở lập loè ánh lửa. Tôi hoang mang đưa mắt tìm người đàn ông chỉ thấy bóng tối bốn phía chập chờn.
Bỗng có tiếng khèn đâu đó réo rắt cất lên mơ hồ như sương khói rồi vụt rõ dần thả bập bùng vào ngọn lửa đương lụi. Tôi dỏng tai tìm hướng phát ra tiếng khèn rồi đứng lên bất thần chạm ngay phía trên đầu một khung ảnh ám khói. Tôi lùi lại nhìn khung ảnh, khung ảnh chia làm năm ô đều nhau nước ảnh đã mờ lắm. Giữa là một người phụ nữa trẻ khó đoán tuổi, hai bên hai chàng trai mặc quân phục mắt nhìn xuống đống lửa phía dưới, vẻ mặt như đang nuối tiếc điều gì. Hai bên rìa rõ ràng trước đó có hai tấm ảnh đã bị bóc ra còn vương lại dấu vết của hồ dán. Khói đùn lên quyện vào hư ảo. Trong màu khói, mắt người phụ nữ ánh lên sinh động nhìn tôi. Tôi thốt rùng mình không dám nhìn vào đấy. Bây giờ tôi mới lờ mờ hiểu tại sao người đàn ông hay ngước lên trên thỉnh thoảng lầm rầm câu thổ ngữ rồi nhìn sâu vào đống lửa rân rấn. Tiếng khèn to và rõ dần. Chậm chạp tiến về phía cầu thang. Trăng Dào Sìn bắt đầu xuống dốc đá, sắc đỏ bệch bạc sương khuya. Sương luẩn quẩn bám vào lá, phủ mờ mờ trên tóc, lên áo người đàn ông thổi khèn. Người đàn ông mê mẩn thổi kèn không biết tôi đang tiến lại. Tôi lặng lẽ ngồi xuống đầu hòn đá lạnh, chìm sâu vào tiếng khèn. Từng bông lau ở chân hòn đá rỏ sương xuống đất, có giọt chui vào cổ lạnh buốt. Điệu khèn mỗi lúc da diết hơn, chợt nấc lên rồi lịm xuống. Ánh trăng cuối đêm mờ mịt toả sương ngậm sững từng bụi lau, ướt rượt đầu tóc chúng tôi. Tiếng khèn lịm đi, người đàn ông ngồi như tảng đá. Tôi như người trượt dốc hút về phía u uẩn của tiếng khèn, của bếp lửa và mấy bức ảnh. Sao lại thế được? Tóc người đàn bà trong ảnh rất giống tóc chị Mây, dài và vương ra khắp nơi, tràn cả xuống đống lửa bên dưới. Và đôi mắt đầy trăng? Thôi đúng rồi! Chính là mùi tóc người trong ảnh cho tôi cảm giác nhớ chị, nhớ ngày hội rước đèn mười ba tuổi tôi cầm tóc chị. Sao tóc và mùi tóc người đàn bà ấy lại lẫn vào tóc chị Mây được. Tại sao? Tôi mộng mị đến bên người đàn ông: “Cháu muốn biết về người phụ nữ trong ảnh?”. Không biết sương hay nước mắt người đàn ông lăn xuống chân tôi. Người đàn ông nhìn về phía trăng đang xuống, nói lầm rầm: “Đã gần ba mươi năm ta đợi người ấy”. “Còn hai người mặc quân phục?”. Tôi hỏi to lên: “Họ chết rồi”. “Thế hai tấm ảnh bị bóc?”. Người đàn ông ngước lên: “Là ta, là hắn...”.
*
Con đường dẫn lên núi Dào Sìn dốc nối dốc kề vách đá. Người đàn ông đi trước liên tục quay lại quan sát tôi, lo lắng. Tôi bặm môi lựa từng kẽ đá lách lên. Mặt trời nhô ra ngay tầm tay sát hòn đá to mà đi mãi không tới. Người đàn ông bảo kề chân hòn đá ấy chính là nơi cất giữ mọi bí ẩn của ông cũng là nơi ông chờ đợi người phụ nữ và “hắn”. Ông khẳng định dứt khoát thể nào họ cũng sẽ lên. Thế nào mà đã gần ba mươi năm không một ai xuất hiện. Tôi linh cảm trong người đàn ông giữa rừng xanh núi đỏ có điều gì rất bí ẩn. Khi tôi cảm thấy kiệt sức loạng choạng giữa rừng đá vừa lúc người đàn ông bảo: “Đến rồi”. Tôi đổ người xuống thềm đá nhẵn lỳ hõm sâu dưới chân.
Hơi đá núi Dào Sìn đã mau chóng giúp tôi hồi sức. Người đàn ông chừng quen với việc leo dốc, lặng lẽ ngắm những vạt lau phía xa nói chậm rãi:
- Cậu châm hương rồi lên đây với tôi.
Người đàn ông bước chếch lên trên. Tôi châm được hương mang đến đã thấy ông quỳ trước hai tảng đá vuông vắn. Ô! Hai tấm ảnh ở nhà sàn lại có mặt ở đây, mắt nhìn xa xăm xuống chân núi Pà Nùng. Người đàn ông đỡ bó hương lấy ở trong chiếc áo thùng thình ra chai rượu rót xuống hai hõm đá. Không gian ắng lặng khác thường, không thấy cả tiếng gió trong lau ngàn lật phật. Một giọng phào phào như từ núi đá cất lên:
- Lềnh à. Sếch à. Rồi nó sẽ lên tạ tội. Cả Sương nữa. Tao vẫn đợi mà.
Tôi rùng mình. Lời nói văng vẳng, u u lại chui hút vào núi đá.
*
Chuyện xảy ra gần ba mươi năm trước cũng vào một đêm trăng.
“Không đêm trăng nào giống đêm trăng nào...”. Giọng người đàn ông rành rẽ. Mọi hình ảnh nối nhau chồng chất nhưng mạch lạc hiện rõ dần. Mọi việc như khởi đầu vào hôm qua và vẫn đang tiếp tục...
... Tổ công tác đặc biệt do Trung uý Từ Nguyên Đại chỉ huy gồm bốn người. Nhiệm vụ của họ là bằng mọi cách phải loại trừ một tên trùm phỉ mới xuất hiện ở Dào Sìn. Sau hơn hai tháng trời lăn lóc mai phục, đội phó Phi Hải đề xuất phương án dụ tên cầm đầu Voòng Seo ra đầu thú với cái lý: “Vòng Seo cũng là người Pà Nùng, cũng ăn bắp, ăn sắn Dào Sìn, cũng uống rượu men lá cất ở bếp già làng, uống nước suối Pụa như dân bản thì phải bắt cái đầu tăm tối của nó sáng ra thôi. Nó cũng là trai bản mà, sao cứ phải giết nó như giết con thú dữ”. Đội trưởng Đại dằn mạnh khẩu súng xuống sàn rung bếp lửa: “Không được đâu Hải à, cấp trên đã ra lệnh thì phải diệt thôi. Nay mai thằng Vòng Seo giết cán bộ ai chịu trách nhiệm. Tao là đội trưởng ở đây, tao bảo phải giết nó”.
Phi Hải ngẩn ra. Đuối cái lý rồi. Hai đội viên cùng bàn trước với Hải cũng tự nhiên thấy đuối lý. Đã bảo Đội trưởng Đại cái gì cũng đúng mà. Nhưng sao không lọt cái bụng. Hai đội viên người dân tộc nhìn nhau rồi nhìn đống lửa. Là người miền xuôi mà Đội phó Hải hay nói trúng cái bụng người miền núi mình. Hôm bị rắn cắn nó cũng biết nhai lá cỏ cứu mình, sao nó cũng biết không được bậy bạ vào suối Pụa. A Lềnh nuốt ực bát rượu nhìn Đội trưởng Đại:
- Mày bảo thằng khác đi bắn Voòng. Tao không bắn nó.
- Tao cũng không bắn nó đâu, Đại à.
Dào Sếch đặt bát rượu xuống.
Đội trưởng Đại quắc mắt ranh mãnh nhìn hút ra ngoài. Không ai thấy cái nhìn ấy, chỉ già làng Giàng Sang Xảy thôi. Già làng biết cuộc họp bàn căng thẳng từ tối mà ngồi lặng không nói gì, thỉnh thoảng lại gón lửa và vần rượu cho đội tiễu phỉ. Đội trưởng Đại nhìn già làng hỏi:
- Thằng Voòng còn theo con Sương nhà mình phải không Giàng?
Già Giàng ngồi im, chòm râu in sững trên vách. Cặp mắt sáng lấp lánh ánh lửa quắc lên. Hải và hai đội viên giật mình, dớn dác nhìn đội trưởng Đại. Sao lại thế được nhỉ? A Lềnh, Dào Sếch nhìn nhau không tin ở tai mình nhưng lại nghĩ cái gì Đội trưởng Đại nói cũng đúng. Sao cái đúng nào của nó cũng đáng sợ như con thú cùng đường, phũ phàng như người thương trở mặt thế không biết. Hải nhìn già Giàng rồi nhìn Đại. Sao lại thế được. Hai tuần Đại vắng mặt, Pà Nùng có nhiều chuyện quá. Hôm Hải đi xuống ven suối Pụa lấy cái lá chữa rắn cắn cho Lềnh thì chợt sững lại. Ô hay! Sao lại có ai tắm sớm thế? Như người ăn trộm bị bắt quả tang, Hải đứng im mặt đỏ dừ như trăng Dào Sìn đầu hòn đá to. Đang luống cuống trở lui đã thấy tiếng cười tinh nghịch: “Đội phó Hải à. Xuống tắm suối Pụa đi. Hay đội phó chê con gái Pà Nùng xấu”. Hải đi như chạy vẫn còn kịp thấy hai đầu ngực đỏ sẫm ngóc lên như sừng dê và cái gùi hoa đỏ đựng quần áo trên hòn đá. Hai bầu vú và cái gùi hoa đỏ ấy đã một lần Hải chạm hôm đến tìm già làng. Sương đón mấy anh em ở cầu thang. Hải chạm mặt quay đi trước sự hồn nhiên của cô gái dân tộc. Còn Sương lại lúng túng trước ánh mắt của Đại như ngắm trên ngực nàng. Một hôm Hải bảo Đại: “Đội trưởng à. Bông hoa rừng không biết có chủ chưa nhỉ?”. Đại giật mình. Hôm Đại say rượu ngủ tới sáng đang ngáp ngáp thì miệng cứng lại. Ở góc nhà, Sương đang lần lần cởi từng vòng xà chân, rồi váy, rồi... Đại như lên cơn sốt rừng nằm nín thở. Sao ở đây lại có cô con gái đẹp thế không biết... “Chưa đâu. Tao chưa muốn lấy vợ. Của mày đấy”. “Tôi ư? Về đây tiễu phỉ chứ. Phải để hoa ở rừng thôi. Sợ đội trưởng kỷ luật lắm”. Hải đỏ mặt trả lời lí nhí. Đại lẩm bẩm nghĩ. Tao biết tỏng con Sương có cảm tình với mày. Chúng mày đúng là một giuộc ngớ ngẩn. Tưởng cứ muốn cái gì là được ư, cứ thích nhau là được ư.
Đại giao tổ tiễu phỉ cho Hải rồi về tỉnh. Ba tuần ấy Hải như người ngồi trên đống lửa. Tình cảm của Hải với Sương cứ chảy mãi như suối Pụa trong rừng.
Già Giàng nhìn khắp lượt rồi nhìn Đại chậm rãi: “Đại à. Mày để từ từ tao bảo con Sương gọi Voòng Seo về. Mày đừng giết nó”.
Đại im lặng hút thuốc. Bắp chân trần, bộ ngực trần của Sương như quẩn trong khói thuốc bức bối, nhột nhạt khắp người. Những suy nghĩ luẩn quẩn như khói trong đầu không có lối ra. Đại vung tay ném vèo điếu thuốc vào đống lửa lầm bầm: “Theo cách của Giàng vậy. Đội phó Hải lo chuyện này nhé”. Rồi Đại khoát tay kéo A Lềnh, Dào Sếch bảo đi huyện sớm. Còn lại hai người, Hải ngồi đuỗn ra dưới đống lửa tàn cạnh cái bát uống rượu. Già Giàng nhìn Hải bảo: “Chỉ khổ con Sương. Rồi cả mày cũng khổ”. Hải không đáp lời lặng lẽ nhìn ra màn đêm mờ mịt...
... Mê mải nghĩ, Hải đã leo đến hòn đá to núi Dào Sìn, nơi mà A Lềnh, Dào Sếch và dân bản bảo Voòng Seo luẩn quẩn ở đó. Lềnh bảo: “Nó phải có một con đàn bà nuôi”. Ở đây ai trốn cũng có một con đàn bà nuôi. Hải vạch đá, vạch dây rừng lách dần lên. Mặt trời gác đỉnh hòn đá to thì Hải đến thềm đá Dào Sìn. Vắng ngắt. Bốn bề lau đùa gió lật phật. Mấy chú chim kêu “K.rách, k.rách”. Hải nghĩ bụng: “Phải kiên trì thôi. Phải xác định ai đã tiếp tế cho Voòng Seo mới dùng cái lồng ấy để nhử nó. Nó là con chó đực phải có con chó cái. Nó là con người cùng đường phải có cái giậu mục chui lủi”. Hải ăn qua loa, uống nước rồi nấp vào hõm đá. Cái mệt kéo Hải thiếp đi...
... Có cái gì chạm vào mắt Hải. Ô! Lại bắp chân và khuôn ngực Sương dập dềnh ở cầu thang. Đầu vú ngóc lên đỏ sầm như trăng Dào Sìn. Sương nhìn Hải cười: “Đội phó à. Đẹp không?”. Chân Hải vấp vào hòn đá. Lại thấy Sương ở suối Pụa té nước: “Đội phó Hải xuống tắm suối Pụa đi. Nước mát lắm”. Chân Hải vấp hòn đá nữa đau điếng. Hải dụi mắt. Ồ! Trăng đang ở ngang tầm tay ngay đầu hòn đá to đỏ suồi suội dưới chân Hải. Chợt có tiếng lích rích. Hải sực tỉnh căng mắt về thềm đá nhuộm đầy trăng. Ô hay! Sao phía trước lại có cái gùi hoa đỏ của Sương. Hải bàng hoàng. Thềm đá bên dưới đôi trai gái đang tình tự. Tai Hải ù đi, cổ như bị ai bóp nghẹn. Cặp chân trắng dập dềnh nhấp nhoá. Tiếng khàn khàn của người đàn ông như con chó đực: “Anh phải giết nó, nó đã nhìn em tắm”. Hải lạnh người tỉnh hẳn. Người đàn bà cốc vào trán con chó đực: “Không được. Hải đang muốn cứu anh”. “Anh không đầu thú đâu. Đã thề độc với Voòng Páo rồi”. Giọng đàn bà nũng nịu: “Seo à. Anh nghe Sương. Trở về với dân bản đi. Anh Hải hứa với Giàng, hứa với Sương rồi mà”. “Thế còn thằng Đại. Nó chỉ thích găm cái đạn vào đầu tao. Nó muốn Pà Nùng có chiến công của nó. Tao biết mà. Nó dùng thằng Hải là mồi nhử mày để lấy đầu tao mà. Hôm qua Voòng Páo bảo thế”.
Hải co người lên, bàng hoàng nhìn về phía Pà Nùng. Ông trăng đã nhô hẳn ra ngoài tảng đá. Chỉ một lúc nữa trăng Dào Sìn sẽ dọi vào hốc đá nơi Hải đang nín thở. Hải sờ tay vào khẩu súng dưới bụng rồi bỏ tay ra. Phải kiên trì để Sương kiên trì thuyết phục thôi. Nó cũng là con em Pà Nùng hãy để người ở đây dụ nó về. Xông ra bắt bây giờ nhỡ tên bay đạn lạc nguy hiểm cho Sương. Trăng lên cao, hốc đá càng trơ trọi. Hải rùng mình suýt kêu lên khi thấy ngay giữa bụi lau kề chân tảng đá đằng kia lấp ló một họng súng đen ngòm chĩa về chỗ Voòng Seo. Đúng lúc ấy, Voòng Seo co người đẩy Sương bật ra và rút súng. Cùng lúc đó họng súng đen của Voòng Páo giữa bụi lau khạc lửa. A Lềnh, Dào Sếch thét: “Đừng bắn” cũng là lúc hai quầng lửa nháng lên. A Lềnh, Dào Sếch chìm trong khói bên bụi lau, còn Voòng Seo gục xuống thềm đá. Súng của Hải không hiểu cũng đã rút ra từ lúc nào. Mặt đá bị đạn cào ngang dọc. Có cái gì nóng ấm trên mặt Hải. Không biết đạn hay mảnh đá cào rách một bên mắt máu đang chảy xuống. Đất trời như ngừng lại. Trăng Dào Sìn đỏ đòng đọc trên đầu. Sương lao thốc đến bên Hải cào cấu vào mặt đấm thùm thụp vào ngực Hải. Trăng loang lổ trơ ra hai người đàn ông đã chết trên mặt đá. Hải đứng như trời trồng. Sương buông Hải ra rú lên một tiếng man dại rồi chạy như điên xuống dốc lẩn mất trong sương núi Dào Sìn mờ mịt. Hải sực tỉnh chạy theo: “Sương à... Hải không bắn nó mà... Sương... Sương. Thằng Voòng Páo...”. Chỉ tiếng vọng của vách đá dội lại trả lời Hải. Núi không một bóng người, chỉ ánh trăng vằng vặc. Chân Hải vấp vào đá chảy máu. Hải rũ rượi dưới trăng đi về phía Pà Nùng. Thế nào Đội trưởng Đại cũng sẽ minh oan cho Hải thôi. Hải chưa nổ súng mà. Thấy tiếng súng, Hải xông ra thì sự việc đã kết thúc. Hải tập tễnh leo lên nhà sàn khi trời mờ sáng. Già Giàng vẫn ngồi chờ bên đống lửa. Không thấy Sương? Không thấy Voòng Seo? Thế là thế nào? Chưa kịp nói già Giàng đã hỏi: “Sao chỉ mình mày về. Tao nghe có tiếng súng trên núi”.
Hải kể xong, già Giàng im lặng ra hiệu bảo Hải đưa khẩu súng cho ông. Ông già từ từ đưa súng lên mũi ngửi rồi trả lại Hải. Trong hốc mắt hiền từ lăn xuống mấy giọt nước: “Tao tin mày không bắn nó. Tao già rồi, tối cái đầu quá. Mày bị oan rồi. Mai tao với mày lên núi”.
*
Kể đến đây người đàn ông im lặng. Một lúc sau ông lấy ở trong người ra cái khèn lá bắt đầu thổi. Mặt trời đã xuống cuối dốc đá hắt lên trên những chùm sáng cuối cùng. Tiếng khèn chảy sâu vào khe đá luồn vẳng trở lại u uẩn thê lương. Tôi lại nhớ chị Mây nhớ đến bật khóc. Mái tóc dài của chị, mùi tóc người đàn bà trong ảnh như phát ra tiếng khèn của người đàn ông. Sao tiếng khèn buồn lại đưa ra mùi tóc nhỉ. Tôi bất giác đứng dậy lần xuống dưới hõm đá, châm một nắm hương mụ mị đi lên phía hai nấm mộ. Lạ thật. Không thấy người đàn ông đâu chỉ hai nấm mộ im lặng và tiếng khèn vẳng lên da diết bám níu vào vách đá. Tôi chia đều hương cho hai mộ ngồi đợi người đàn ông. Thời gian chậm chạp trôi đi. Tiếng khèn lá réo rắt quanh quẩn đưa hương mùi tóc. Ô! Trăng lên. Ông trăng đã nhô ngang hòn đá to chỗ tôi ngồi chỉ đưa tay là chạm tới. Tôi mê mẩn ngắm trăng Dào Sìn. Giá có chị Mây ở đây nhỉ? Giá có chị Mây ở đây tôi sẽ lại cầm vào tóc chị, tóc chị lẫn vào trăng, Dào Sìn chắc đẹp lắm. Tiếng khèn vẫn réo rắt cất lên lẫn vào trăng, lẫn vào vách đá Dào Sìn. Sương bắt đầu mờ mờ, quanh quẩn bên mấy bụi lau, ngấm hơi lạnh xuống thềm đá. Vẫn không thấy người đàn ông trở lại, chỉ tiếng khèn mỗi lúc tưởng lịm đi lại vút lên vang da diết hơn. Tôi đứng lên, cố tìm hướng phát ra tiếng khèn để nói với người đàn ông về chị Mây của tôi, kể cho ông nghe vướng mắc giữa tôi và chị, đặc biệt là sự cản trở ở phía ông trưởng đoàn dọa “ma bắt mày đi”. Không! Nhất định người đàn ông không phải là ma, nhất định người đàn bà trong ảnh và chị Mây là có thực. Thực như trăng Dào Sìn có mùi tóc họ. Tôi nhìn về phía cuối dốc đá đầy trăng bất thần suýt reo lên: “Chị Mây! Đúng chị Mây kìa”.
Tôi luýnh quýnh chạy sát ra thềm đá. Cuối con đường lên núi trăng Dào Sìn nhuộm tóc chị Mây lóng lánh. Đoàn có ba người, đi đầu là một ông già râu tóc trắng màu trăng. Ở mỗi một khúc quanh tôi thấy ông lão chỉ trỏ hướng lên thềm đá phía tôi. Chị Mây ngước nhìn theo, trăng tràn lên mi lên má lên môi chị. Tóc chị bay về sau thỉnh thoảng chạm mặt ông trưởng đoàn phải đưa tay gạt, ông nhăn nhó khổ sở về tóc chị mà chị không biết, gió lại vô tình hất chảy mãi ra sau.
Tôi quýnh quáng tìm người đàn ông. Xung quanh chỉ toàn đá là đá. Tiếng khèn đã lịm hẳn từ khi tôi nhìn thấy chị Mây ở chân dốc. Tôi hốt hoảng chạy lung tung trên thềm đá nhìn vào cái hốc. Chỉ hai nấm mộ đá im lặng nghi ngút khói hương. Chợt một hơi thở âm ấm sát bên tôi và một giọng thào thào như cất lên từ núi đá:
- Họ đã đến rồi đấy.
Mai Châu, tháng 4 năm 1998 Hà Nội, tháng 4 năm 2001