Sinh năm: 1973
Quê quán: Đô Lương, Nghệ An
Hiện đang công tác tại: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
SÓNG TRÊN ĐỈNH NÚI
Tờ mờ sáng. Ông mặt trời hãy còn ngái ngủ ở xa tít tắp đằng đông, Sín đã dậy. Anh vận quần đùi, cởi trần. Nước da đen nhẻm. Hai vồng ngực vun lên săn chắc như hai phiến săng lẻ. Sín đứng giữa sân đảo, vươn vai, phóng tầm mắt ra xa. Biển phẳng lặng như tấm gương khổng lồ. Tiếng sóng vỗ vào chân đảo chìm nghe oàm oạp, oàm oạp hiền lành. Gió nhẹ. Lá cờ trên nóc đảo phất phơ bay.
Con Rếch đang nằm gác mõm trên bệ súng lim dim ngủ. Thấy Sín, Rếch bèn bật phắt dậy. Rếch vui sướng, ngoắt đuôi lia lịa. Nó lao lại phía Sín sủa inh ỏi chào anh. Rếch lao xuống mép nước. Nó nhìn chần chừ một lúc rồi lội xuống. Nước ngập ngang bụng. Rếch quay lại nhìn Sín như có ý mời anh cùng xuống nước. Nó lại sủa. Sín vừa thong thả bước xuống bờ kè đá vừa chụm hai tay trước miệng làm loa rồi cất tiếng gọi ồi ồi: “Rếch à! Rếch à! Thôi nào!”.
Sín lội ra một đoạn, nước đến ngực, anh tung hai sải tay lao đi. Con Rếch thấy vậy cũng bập bõm đạp nước bơi theo.
*
Sáng nào cũng vậy, Sín là người dậy sớm nhất đảo. Dậy từ lúc chưa có hiệu lệnh báo thức. Trừ những ngày mưa, biển động, Sín và Rếch đã thành thói quen là bơi một vòng xung quanh đảo chìm. Sín còn dạy cho Rếch bắt cá. Bây giờ, khả năng bắt cá của Rếch đã đạt đến độ “siêu” rồi. Nhờ vậy mà cả đảo luôn được cải thiện món cá tươi do thầy trò Sín bắt được. Tài bắt cá của Sín có từ khi còn bé. Hồi đó Sín thường theo pa lặn xuống những hốc đá sâu dưới sông Pác Kha săn cá sộp. Sín nổi tiếng là một tay sát cá của cả vùng. Bây giờ, pa Sín như con ngựa đực già, mỏi chân, đau móng. Ông chỉ quanh quẩn trong nương rồi lại trèo lên mấy bậc cầu thang ngồi nhìn ra xa. Ông nhớ những vực nước sâu dưới dòng Pác Kha nhưng chẳng thể làm được gì. Ông lại ngồi bên bếp lửa rót đầy những bát rượu ngô uống ừng ực để cho cái buồn theo cơn gió qua đi. Sín thương pa vô cùng.
Nhà Sín ở bản Cỏn, một bản người Mông ở dưới chân núi Cô Phài phía cực Bắc xa xôi. Sín thứ hai. Trên Sín là anh Sình, dưới là em Mỷ. Cả ba anh em đều cách nhau mỗi đứa chỉ hai mùa nếp nương. Sín đẹp trai, to khoẻ như con ngựa đực chưa thuần. Lên mười tuổi, Sín đã biết theo pa mé và anh cả gùi đất từ dưới ruộng trèo lên đổ đầy các hốc đá trên lưng chừng núi để trỉa ngô. Sìn có may mắn hơn anh Sình là được đi học trường dân tộc nội trú của tỉnh. Mười tám tuổi, Sín nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, Sín được đi học ba năm tại trường trung cấp quân khí. Tốt nghiệp, một sự tình cờ và hết sức bất ngờ đến với Sín, anh được điều về hải quân và ra nhận công tác tại đảo Đ. này.
Lần đầu tiên trong đời được thấy biển, Sín thật sự ngỡ ngàng bởi biển rộng hơn cả suy nghĩ của anh. Biển rộng hơn cả mảng trời trên bản Cỏn. Nước biển mặn chát chứ không ngọt như nước của hồ Vạc Vãi, như sông Pác Kha quê anh. Sín vẫn tự hào cho đến bây giờ anh là người đầu tiên của quê được thấy biển và được sống ngoài đảo xa. Hơn một năm sống cùng mười mấy anh em trên đảo, mỗi người một quê, từ chỗ cái gì cũng lạ lẫm đến nay Sín đã quen nhiều thứ. Sín mau chóng hoà đồng cùng anh em cả trong công việc và cuộc sống khó khăn trên đảo. Sín thường xung phong nhận những việc nặng nhọc, vất vả về mình. Duy chỉ cái tính ít nói thì vẫn vậy. Anh vẫn cứ lầm lì như tảng đá trên núi Cô Phài. Những lúc đồng đội trêu đùa, Sín chỉ bẽn lẽn cười để lộ hàm răng trắng phau như bông hoa mận. Vì vậy, Sín còn được anh em đặt cho biệt danh là Sín “đá”.
Sín và Rếch vừa bơi xong một vòng quanh đảo. Cả hai thầy trò lục tục bước lên bờ. Tay Sín xách một xâu cá sọc dưa lẫn cá giò còn tươi rói. Tiếng còi báo thức vang lên. Cả đảo chạy ra sân xếp hàng tập thể dục. Tiếng hô một... hai... một... hai vang lên hoà trong tiếng gió ngân nga. Sín say sưa tập cùng anh em. Con Rếch vừa rũ nước khỏi bộ lông vừa ngắm anh em tập thể dục. Nó đang ngồi canh xâu cá vừa bắt được.
Bình minh lên, biển đẹp một cách lạ thường. Bầu trời trong vắt, yên lành. Từng đám mây trắng bồng bềnh trôi. Tia nắng đầu tiên chiếu hàng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đảo Đ.; Kinh độ...; Vĩ độ...”, lấp loá phản chiếu ra xa.
Tập thể dục xong, anh em ùa lại xem sản phẩm mà Sín và Rếch vừa kiếm được. Tân “nhễu” cúi xuống định xách xâu cá vào bếp để làm món ăn sáng chợt nghe tiếng Đảo trưởng Hải quát to: “Tân, đứng yên!”. Mọi người giật mình chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì Đảo trưởng Hải đi lại gần nheo mắt cười, hất hàm hỏi Tân: “Đêm qua lại bắn máy bay phải không?”. Tân đỏ mặt, thẹn thùng phân bua: “Tại vì... đêm qua... em lỡ...!”. Nói rồi Tân cúi xuống xách xâu cá lên và chạy ù vào nhà bếp. Bây giờ mới vỡ lẽ, anh em cả đảo nhìn Tân cười ồ. Sín cũng cười, miệng lẩm bẩm: “A lúi! A lúi!”. Ngoài kia, những cánh hải âu đang mải mê chao liệng trên mặt sóng. Thỉnh thoảng có con lại sà xuống đậu lên mỏm đá mồ côi phía ngoài cửa luồng. Sín thấy mình cũng như con hải âu kia đang thoả thuê vẫy vùng trên sóng nước. Nhiều lúc Sín lại tự ước giá như bản Cỏn của mình cũng có biển để cho bà con biết được cái bao la, rộng lớn của biển, để bà con mình được nếm vị mặn của nước và để được xem Sín bơi lội và bắt cá biển như thế nào. Thôi được, Sín sẽ gom thật nhiều chuyện ở biển để hôm sau về phép Sín sẽ kể cho mọi người nghe, bà con trong bản đang mong Sín về để kể chuyện lắm đây.
*
Hôm nay có tàu từ đất liền ra. Đảo mình có cậu Huy và Toàn về phép cũng ra chuyến này. Nghe tin có tàu ra, cả đảo vui hẳn lên. Ai cũng mong thư và quà của người thân. Anh em túm tụm ngồi đoán những thứ mà đất liền gửi ra. Tuân “máy nổ” lên tiếng đầu tiên:
- Tớ nói không sai, kiểu gì vợ Đảo trưởng nhà mình lại chẳng gửi cho chồng một can cà muối và mấy cân ruốc bông!
- Sao biết? - Lừng “pháo thủ” chất vấn.
- Thì mấy lần trước đều thế cả đấy thây!
- Thế còn Chính trị viên Quý? - Lâm “thông tin” hỏi.
Tân “nhễu” cướp lời:
- Nhà anh ấy ở ngoài Bắc, chắc vợ chỉ gửi thư thôi. À, mà sẽ có ảnh con gái. Bốn tháng trước anh ấy bảo vợ mình vừa sinh con gái được ba cân tư mà!
- Ừ nhỉ! Thế còn “bố” Tuyên?
- Úi dào, ông này quê Quảng Bình chắc vợ thương nên gửi cho mấy cân ớt bột đây mà! - Tuân “máy nổ” chép miệng.
Nghe vậy, “bố” Tuyên nhảy dựng lên gõ liền mấy cái vào đầu Tuân “máy nổ” rồi nghiến răng trèo trẹo:
- Tiên sư cái thằng láu cá ni, vợ tau mà gửi thứ khác ra thì tau cho mi biết mặt!
Cả đảo cười nghiêng ngả. Sín cũng cười theo. Chính trị viên Quý nhìn Sín xong lại quay sang nhìn anh em:
- Không biết đồng chí Sín nhà mình sẽ có quà gì đây nhỉ?
Cả đảo nhao nhao góp chuyện:
- Một bao tải ngô!
- Một chảo thắng cố!
- Một thúng mận tam hoa!
Lại còn trêu chọc:
- Sín ơi, bảo pa gửi cho một con ngựa ra đây để anh em mình đi chợ tình nhé!
Sín cười nhìn anh em:
- A lúi, chắc là quê em xa quá chẳng ai gửi gì đâu!
- Có đấy Sín ạ, em cứ yên tâm chờ xem! - Quý động viên Sín.
Tàu đến đảo. Đảo chìm không có cầu cảng nên tàu phải neo ở ngoài xa. Một chiếc xuồng máy kéo chiếc xuồng chuyển tải phía sau chở người và hàng hoá dò dẫm vào đảo. Do lịch trình của tàu còn phải đi các đảo khác nữa nên chỉ lưu lại đây hơn một tiếng đồng hồ rồi lại nhổ neo tiếp tục hành trình. Huy và Toàn toe toét cười chào anh em rồi cùng mọi người khiêng vác đồ lên đảo. Tiếng anh em dồn dập hỏi thăm:
- Ở quê có gì mới không?
- Vợ con khoẻ không Huy?
- Em Yến của Toàn ra sao rồi? Đã dạm ngõ chưa?
- Sướng nhé, về thì tha hồ truy lĩnh, ra đi thì ứng hết vốn. Tham lam vừa thôi khỉ ạ!
Huy và Toàn vừa dọn đồ vừa thay nhau trả lời. Đảo trưởng Hải và Chính trị viên Quý đang gặp gỡ, làm việc cùng các đồng chí đại diện đoàn công tác. Trưa nay đảo được ăn tươi. Thịt heo, gà, giò lụa, rau, bầu bí, dưa muối được đưa từ tàu vào. Tý nữa Sín và Rếch xuống biển kiếm thêm mấy con cá tươi nấu với dưa thành món canh chua thì ngon tuyệt.
Đúng như Tuân “máy nổ”, Tân “nhễu” dự đoán, ngoài mấy thứ lặt vặt khác thì vợ của Đảo trưởng Hải không quên gửi cho chồng cùng anh em một can cà muối to bự và mấy cân ruốc bông. Chính trị viên Quý thì nhận được một tập ảnh gia đình. “Bố” Tuyên tất nhiên là có quà ớt bột. Anh em toàn đảo ai cũng có thư, quà. Mọi người vui sướng bóc ra đọc ngay. Sín nhận được hai lá thư. Một lá của anh Sình và một lá của cô gái có tên Phương Ngọc đang là sinh viên của trường Thuỷ sản Nha Trang mà Sín chưa biết mặt. Sín và Phương Ngọc quen nhau qua thư toạ độ. Cánh lính đảo thường nhận được thư toạ độ của các bạn trẻ khắp nơi gửi ra làm quen. Cầm lá thư anh Sình gửi mà lòng Sín rưng rưng cảm động. Vậy là anh Sình đã học được cái chữ rồi, mừng quá. Anh Sình à, em nhớ anh lắm, mình phải đọc thư của anh trước đã. Sín đi ra phía sau đảo, chỗ khuất nắng bóc lá thư ra đọc. Nét chữ anh Sình nguệch ngoạc, loằng ngoằng như con gà bới thức ăn dưới gầm cầu thang. Thư được viết trên mảnh giấy học sinh đã cũ. Chắc là anh Sình xé vở của thằng cu Páo để viết cho mình đây:
Bản Cỏn ngày... tháng... năm....
Sín à! Vậy là mày đã xa gia đình, xa cái nương ngô trên núi được mấy mùa rồi đấy! Ở nhà ai cũng nhắc mày. Thằng Páo cứ bảo chờ chú Sín về đưa nó ra sông Pác Kha để dạy nó cách săn cá sộp. Cả bản mình năm nay được mùa ngô Sín ạ. Nhà nào cũng đầy ngô, tha hồ nấu rượu. Pa mé dạo này già yếu lắm rồi. Pa hay ốm lắm. Bữa trước tao phải cõng pa lên Đồn biên phòng xin cái thuốc của bộ đội để uống thì con ma mới chịu đi. Pa mé muốn mày xin nghỉ phép để tranh thủ về nhà bắt vợ. Nhà mình đang cần người làm. Vợ chồng tao đi làm trên nương suốt, bận lắm. Chị dâu mày vừa sinh cháu gái, tao đặt tên cho nó là Sẻng La. Con Mỷ nó ưng thằng Lềnh ở bên kia núi Cô Phài rồi. Năm ngoái, chúng nó gặp nhau ở phiên chợ tình rồi ưng cái bụng của nhau. Tháng sau nhà nó sang đây bắt vợ đấy! Nó đi lấy chồng làm tao buồn, pa mé cũng buồn vì thiếu người làm nương. Mày phải về lấy vợ rồi muốn đi đâu thì hãy đi Sín nhé. Pa mé bảo số mày như con nai con hoẵng trong rừng, cứ chạy nhảy suốt thôi. Từ ngày mày đi bộ đội đến nay, con May nhà ở bản Coóng hay đến nhà mình chơi. Nó còn đi ra mỏ nước đầu bản gùi nước về giúp mé nấu ăn. Hình như cái bụng nó ưng mày rồi đấy Sín ạ!
Báo cho mày một tin mừng, tao đã học xong chương trình xoá mù chữ của Đồn biên phòng dạy bà con trong bản. Hiện tao được bầu làm đội trưởng sản xuất. Nhưng nó không vui bằng việc tao biết được cái chữ để viết thư cho mày. Mày có nhớ nhà không? Cả bản Cỏn nhắc mày suốt đấy. Bọn cá sộp dưới sông Pác Kha đang chờ mày về để bắt. Mày nhớ giữ gìn sức khoẻ để hôm sau về phép lên nương thu hoạch ngô cùng vợ chồng tao nhé! Thôi tao đi làm đây. Anh trai mày: Sình.”.
Sín ấp lá thư vào ngực. Lá thư nóng hôi hổi. Tim Sín đập thình thịch thình thịch liên hồi. Chà, anh Sình dạo này viết thư đâu ra đấy ghê quá. Chị dâu lại vừa sinh cháu à. Mà con Mỷ sao lại lấy chồng sớm thế nhỉ? Ừ, cái tục của người Mông mình là thế. Mà cũng tại con Mỷ cứ xinh mơn mởn như hoa, hai bắp chân nó trắng như đọt chuối rừng thế thì nó lấy chồng sớm là phải thôi. Mình chỉ thương pa mé ngày càng già, càng héo hon như tàu lá chuối phơi nắng. Mình lại ở xa quá nên không giúp được gì. Ở nhà phải nhờ hết vào vợ chồng anh Sình và em Mỷ. Tại sao cả nhà lại cứ muốn mình lấy vợ bây giờ nhỉ? Chẳng lẽ pa mé và vợ chồng anh Sình chỉ cần người làm nương thôi sao? Không được. Mình là người Mông nhưng bây giờ mình là bộ đội chuyên nghiệp rồi, mình lại vừa được học lớp cảm tình Đảng xong, mình còn phải phấn đấu. Lấy vợ bây giờ à? Nhẻn lắm, nhẻn lắm, chưa được đâu!
*
Đêm khuya. Tiếng gió rít mạnh qua khe cửa từng hồi từng hồi kin kít nghe rờn rợn. Tiếng sóng đập ầm ầm như muốn nuốt chửng cả cái đảo chìm nhỏ nhoi này. Cơn áp thấp nhiệt đới đang vào thời điểm sung mãn nhất. Biển động mạnh. Mấy ô rau trồng trong thùng gỗ bị gió quật nát bươm. Ngoài kia, biển và trời mang một màu đen đặc quánh. Những tảng đá mồ côi gần đảo ngoi lên như đàn thuồng luồng, cá mập đang háu đói chực ăn. Đảo trưởng Hải cầm đèn pin đi kiểm tra bộ phận trực thông tin, sẵn sàng nhận lệnh của trên. Anh bước nhanh xuống cầu thang, rẽ vào kho lương thực soi đèn kiểm tra xem gạo và thực phẩm dự trữ có bị ướt hay không. Mọi thứ được anh em kê cao, phủ bạt nên không hề hấn gì. Đảo trưởng Hải yên tâm về phòng của mình.
Phòng bên cạnh, mấy anh em hầu như cũng chẳng ai ngủ được cả. Con Rếch cũng chui vào phòng nằm dưới giường Sín. Tiếng sóng gào thét, tiếng gió đập liên hồi nghe sốt ruột. Biển hung hãn, lồng lộn như con thú dữ đang tìm cách cấu xé, hạ gục đối phương. Từ chiều nay, toàn đảo đã làm xong công tác chuẩn bị để đối phó với cơn áp thấp có thể gây thành bão này. Tất cả đồ đạc đều được anh em chằng buộc cẩn thận. Sín cùng mấy đồng chí lội xuống nước kéo chiếc xuồng nhôm lên bờ, tháo máy, lật úp xuồng lên và néo dây chắc chắn. Mọi người ở đây thường gọi vui chiếc xuồng là “U oát nước”. Nhờ có “U oát nước” mà anh em thường xuyên chạy tuần tra xung quanh đảo kết hợp thả một sợi cước dài, lưỡi câu được gắn với những sợi dây xanh đỏ rút ra từ bao dứa làm mồi nhử. Chính bài câu chạy này thỉnh thoảng cũng kiếm được vài chú thu bè hay mú hoa to vật để cho Tân “nhễu” trổ tài nấu cháo. Món cháo cá do hắn nấu không chỉ nổi tiếng ở đảo mà còn lan vào mãi tận đất liền. Có cô em ở Đoàn văn công cuối năm ngoái ra biểu diễn, được ăn món cháo cá mú của Tân cứ xuýt xoa khen lấy khen để. Rằng, từ bé tới giờ em mới được ăn một bát cháo cá ngon đến thế. Mấy tháng sau, cô nàng gửi thư và ảnh ra cho Tân. Nàng vẫn thỏ thẻ sẽ có lần quay lại để được thưởng thức món cháo cá tuyệt vời của anh. Đảo vui lây, còn Tân thì sướng phổng mũi. Đúng là số đào hoa, đen như cột nhà cháy mà lại được cô em văn công “bồ kết” mới oách chứ!
Sín nằm gác tay lên trán. Trằn trọc mãi và vẫn không ngủ được. Giường bên cạnh, Tuân “máy nổ” đang gạ Toàn kể chuyện ở quê. Giọng Toàn rủ rỉ, nghe nằng nặng:
- Từ bữa dạm ngõ xong, nàng có vẻ dễ dãi hơn với tau.
- Thế anh đã “tèng téng teng” chưa?
- Thì cũng tàm tạm. Hôm tau chuẩn bị vào trả phép, Yến cũng hơi buồn vì không muốn xa tau. Trước hôm đi, đêm ấy đi dạo xong tau chở Yến về. Hai đứa đang hôn nhau, bỗng nghe tiếng “e hèm!”. Hai đứa hoảng hồn vội vàng đứng dậy sửa quần áo. Nhìn vào đã thấy cha nàng đứng sừng sững trước cửa. Yến nói nhỏ vào tai tau: “Thôi, anh về đi kẻo mai lên ga muộn giờ!”. Tau xấu hổ với ông cụ quá, vội vàng chào ra về!
- Đen thế!
- Ừ, thôi đành phải chờ sang năm về cưới vậy!
Tuân và Toàn rúc rích cười. Sín cũng bật cười theo vì câu chuyện ngồ ngộ của Toàn mà anh vừa nghe lỏm được.
*
Đang mơ màng ngủ, tín hiệu báo động khẩn cấp vang lên. Cả đảo choàng dậy, Sín mở cửa lao lên phòng giao ban. Đảo trưởng Hải thông báo vừa nhận được tín hiệu cấp cứu của một chiếc tàu cá bị nạn ở gần đảo. Chắc là tàu cá của ngư dân mình chạy vào đây tránh bão thì đâm vào đá mồ côi và bị sóng đánh chìm đây. Đảo trưởng Hải ra lệnh thả xuồng. Sín xung phong đi cứu nạn. Đảo trưởng đồng ý và cắt cử thêm Chính trị viên Quý và Tuân “máy nổ” cùng đi. Con Rếch nhanh nhảu nhảy phóc lên xuồng. Sín cùng anh em nhanh chóng thao tác chuẩn bị. Cả ba người khoác vội áo phao rồi rọi đèn pin, nổ máy chiếc “U oát nước” lao đi về hướng có ánh đèn cầu cứu. Trời vẫn mưa, sóng vẫn đánh liên hồi. Cả đảo đứng dưới mưa chăm chú theo dõi chiếc “U oát nước” cứ xa dần xa dần, ánh đèn pin mờ nhạt rồi mất hẳn dưới những cơn sóng đang tung ngầu bọt trắng xoá.
Phải khó khăn lắm chiếc “U oát nước” mới tiếp cận được tàu cá bị nạn. Chiếc tàu đã bị chìm gần hết, chỉ còn lại phần mũi nhổng lên trên mặt nước. Hễ “U oát nước” áp sát lại phần mũi tàu thì lại bị sóng xô bật ra. Quý vừa soi đèn vừa tung cuộn dây sang phía tàu cá để cố định khoảng cách. Tuân “máy nổ” đang căng mình điều khiển cho “U oát nước” chạy ngược sóng để tránh bị đánh chìm. Những cánh tay chới với, tiếng kêu la cầu cứu dưới làn nước lạnh buốt, đen ngòm vang lên thất thanh. Không thể chần chừ được, Sín lao xuống biển. Anh rướn mình bơi ra phía có cánh tay đang vùng vẫy tuyệt vọng. Sín vội nắm lấy tóc người đó rồi vừa bơi vừa kéo về “U oát nước”. Quý và Tân “máy nổ” vội kéo người thanh niên có khuôn mặt nhợt nhạt kia lên. Sín lại tiếp tục lao ra phía mũi tàu . Có hai người đang ôm chiếc can nhựa đạp nước cố gắng tiến về xuồng. Sóng cứ chồm lên, nước tạt vào mặt mọi người như roi quất. Nước mặn chát làm mắt Sín cay xè. Sín vẫn bơi và đảo mắt kiếm tìm.
Một người…
Hai người…
Bốn người…
Bảy người…
- Còn một người nữa, thằng Tư “Rớt!” - Tiếng ông già nằm trên xuồng thều thào, đứt quãng. Máu chảy loang lổ khắp khuôn mặt trắng bệch của ông.
- Kia rồi!
Chính trị viên Quý thét lên. Anh lia đèn pin ra xa. Một mảng xốp trắng mập mờ đang bị những cơn sóng nhận trồi lên ngụp xuống. Người thanh niên đang gắng sức bám vào mảng xốp đó, một tay giơ lên chấp chới ra hiệu, ánh mắt cầu cứu, van lơn. Quý vội rút dao cắt dây néo với mũi tàu. Tuân “máy nổ”tăng ga cho chiếc “U oát nước” đè sóng vọt lên. Chiếc xuồng trềnh lên nghiêng ngả như muốn lật úp bất cứ lúc nào.
Sín kéo được nạn nhân về gần đến xuồng thì bất ngờ một con sóng chồm lên hất tung Sín và người thanh niên văng ra. Chính trị viên Quý lao xuống, bơi ra, nắm được nhúm tóc của nạn nhân. Quý lấy hết sức đạp nước, sải một tay về mạn xuồng. Tiếng Tuân “máy nổ” gào lên át tiếng sóng gầm: “Cố lên! Cố lên! Sắp tới rồi! Sín đâu rồi? Sín ơi!”.
Biển vẫn đen thẫm đến rợn người. Gió rít. Sóng giật liên hồi như con quái vật bị trọng thương. Những ánh mắt thất thần, nháo nhác nhìn biển. Con Rếch chống hai chân lên mạn xuồng rên ư ử. Nó khóc. Nó đang muốn cất tiếng gọi: “Sín ơi! Sín ơi!…”.
*
Vùng cao năm nay mùa xuân đến sớm. Hơi lạnh từ những dãy núi đá phả ra như cứa vào da thịt. Những làn mưa bụi mỏng tang rắc từ đỉnh Cô Phài xuống, len lỏi vào các khe ngách dưới lòng thung. Khắp các nương vườn giữa lưng chừng núi đậm một màu trắng muốt của hoa lê, hoa mận. Các ngả đường dẫn về chợ huyện người, ngựa nhiều như hoa rừng mới nở. Tiếng cười nói, tiếng nghêu ngao hát lượn vang vọng thung sâu. Ai cũng muốn có mặt trong phiên chợ cuối năm để tha hồ bán mua, để uống rượu và được say. Năm nay được mùa, lúa ngô đầy nhà. Ai cũng muốn sắm nhiều đồ để đón một cái Tết thật to.
Bản Cỏn hôm nay có khách. Một đoàn khách lạ từ miền Trung lên. Họ có ba người. Hai nam, một nữ. Hỏi thăm mãi, đi mãi mới tìm được gia đình anh Sình. Thấy khách lạ đến nhà, thằng Páo đang ngồi mài nhọn mũi sắt dùng để xiên cá vội chạy lên cầu thang gọi ông bà nội. Nhà trống huơ. Vợ chồng Sình đi chợ chưa về. Hai ông bà lão đang ngồi sưởi bên bếp lửa. Ánh lửa bập bùng soi rõ những nếp nhăn nheo trên gương mặt họ.
Trên bàn thờ, tấm ảnh của Sín mặc áo quân phục đang cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt như hoa mận. Cạnh đó là tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được đặt trong khung bằng gỗ săng lẻ chắc nịch mà anh Sình mới đóng.
Phương Ngọc vừa cắm nhang lên bàn thờ vừa sụt sịt khóc. Bên cạnh, Tư Rớt, anh trai cô cùng ông già bị nạn năm nào chắp tay khấn vái.
Ngoài kia, sương giăng một màu trắng đục khắp nương bản. Tiếng hát lượn vẫn còn vang vọng xa xa…