Sinh ngày: 19-4-1982
Quê quán: Tiên Lữ, Hưng Yên
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện công tác tại: Tạp chí Văn nghệ quân đội.
NGƯỜI KHÔNG CÓ MẶT Ở STOCKHOLM
Tháng 10 hàng năm là dịp giới tri thức, nhà văn tinh hoa của nhân loại hướng về Stockholm, nơi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố chủ nhân mới của giải Nobel danh giá. Khi một cái tên được xướng lên, đồng nghĩa với đó là những cái tên khác lại phải chờ đợi vòng thời gian quay đủ 364 ngày ít nhất một lần nữa. Giải Nobel văn học năm nay vì những lý do khách quan đã không xướng tên một ai cả. Các nhà văn lại phải chờ đến mùa giải năm sau. Có nhà văn, như Murakami, thời gian vẫn ủng hộ ông, nhưng có những người đã không còn cơ hội xuất hiện ở cung điện hoàng gia lộng lẫy ấy nữa. Kim Dung là một trong những người như thế. Ông đã về với thế giới “đao quang kiếm ảnh” của mình vào một ngày cuối tháng 10 năm nay.
Thật ra, trong những năm tháng tại thế, Kim Dung không hề hồi hộp, hy vọng và chờ đợi tên mình được xướng lên ở Stockholm như nhiều nhà văn khác. Đơn giản, vì ông hiểu mình không thuộc về nơi đó. Những người được trao quyền cầm cân nảy mực giải Nobel văn học cả thế kỷ qua mặc dù luôn cố gắng thể hiện tính khách quan, nghiêm túc, “cách tân”, “đột phá” trong việc trao giải (ví như việc trao giải năm 2016 cho ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan) thì ở họ vẫn có những sự “cố chấp”, “bảo thủ” một cách kỳ lạ khi không chấp thuận cho dòng văn học kiếm hiệp từ vị trí “ngoại biên” tiến vào “trung tâm” mặc dù dòng văn học này có một vị “minh chủ” xứng đáng, người đã tạo dựng ảnh hưởng to lớn không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới khi vinh dự được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp (1982), Huân chương danh dự OBE của Hoàng gia Anh (1981) và bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge danh tiếng (2005). Kim Dung vì thế chưa bao giờ nghĩ về một ngày mình có thể đọc diễn từ trong lễ trao giải, được dự tiệc mời của Hoàng gia Thụy Điển. Nhưng chắc ông cũng chẳng vì thế mà buồn lòng. Kim Dung từ lâu đã là vị “nhất đại tông sư” trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc ở Trung Quốc, Việt Nam cũng như trên toàn thế giới với những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình “danh chấn thiên hạ” của mình. Với hơn 300 triệu bản in trên khắp thế giới cho những Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên đồ long ký, Bích huyết kiếm, Hiệp khách hành, Lộc đỉnh ký… Kim Dung xuất hiện trên văn đàn kiếm hiệp trong tư cách một vị “chưởng giáo sư tôn”, bằng trí tưởng tượng không có giới hạn của mình đã có công lao “tái định nghĩa” dòng tiểu thuyết võ hiệp, “phát dương quang lộ” cho thể loại này lên một đỉnh cao mới. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Kim Dung còn lan tỏa sang lĩnh vực điện ảnh, truyền hình. Ông, như nhan đề bài báo của tác giả Vũ Trung Sơn trên trang Thể thao văn hóa là “nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh Trung Quốc” với 98 tác phẩm điện ảnh và hơn 4.000 tập phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của mình. Tiểu thuyết kiếm hiệp của ông như “nhuyễn vị giáp” mà Hoàng Dung mặc trong người, là bảo chứng bằng vàng cho sự thành công của tất cả những thành phần liên quan đến việc chuyển thể sang điện ảnh và truyền hình. Đạo diễn làm xong phim, nổi tiếng. Những diễn viên trẻ chưa mấy người biết chỉ sau một vai diễn vụt trở thành những ngôi sao truyền hình hạng nhất như lời thừa nhận của Lý Nhược Đồng: “Nhân vật Tiểu Long Nữ của ông đã cho tôi tất cả… Tôi vô cùng may mắn được diễn nhân vật của ông”. Ca khúc viết cho phim lập tức thuộc hàng top trong bảng xếp hạng âm nhạc. Tỉ lệ bạn xem truyền hình vụt cao ngất ngưởng…
Đấy là ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan còn ở Việt Nam thì sao? Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho biết: “Không có một nhà văn nước ngoài nào vào Việt Nam (kể cả những đại tác gia như Tolstoi, Balzac, Lỗ Tấn, Tagor...) lại trở thành đầu đề cho người ta bàn cãi và có nhiều cuốn sách nói tới đến như vậy”. Hay tin ông mất, trên trang cá nhân, các nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Nguyễn Một, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân… đều nói lời vĩnh biệt, tiếc thương một “huyền thoại văn chương”. Nhà phê bình Hoài Nam tiếc nuối nhớ về việc không gặp được Idol của đời mình mười mấy năm trước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh tiết lộ tên của mình được đặt theo tên một nhân vật trong bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh hồi tưởng lại kỷ niệm gặp Kim Dung trong lần sang Đài Loan dự hội thảo quốc tế về ông cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tú Châu… Hóa ra ngoài bạn đọc phổ thông, Kim Dung còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều người trong giới văn chương nước nhà. Vậy điều gì đã khiến “thiên hạ dậy sóng”, phát cuồng lên vì tác phẩm của Kim Dung đến vậy?
Phải chăng vì tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đẫm chất… ngôn tình. Một thứ ngôn tình vừa trong sáng vừa diễm lệ, lãng mạn nhưng không hề né tránh những gai góc xù xì của hiện thực. Có cả một “thế giới tình yêu” trong tiểu thuyết Kim Dung. Trong thế giới ấy, có mối tình vượt qua luân lý xã hội, vượt qua cách trở không - thời gian, có mối tình vượt lên trên thù hận của quốc gia, dân tộc, băng qua những lằn ranh giới chính - tà, thiện - ác, sang - hèn… Trong thế giới ấy, có vô vàn những kiểu yêu, cách yêu, quan niệm về tình yêu, về hạnh phúc. Đoàn Dự si tình, khờ khạo. Tiêu Phong thâm trầm, sâu sắc. Du Thản Chi u mê, mù quáng. A Châu, Tiểu Siêu ngưỡng vọng, dịu dàng, tận hiến, hy sinh. A Tử vị kỷ, vô vọng... Tôi đoan chắc những người đã đọc tiểu thuyết của ông, là con trai hẳn cũng đôi lần ước ao người yêu mình có vẻ đẹp trong sáng, mong manh như Vương Ngự Yên; xinh đẹp thông minh, lanh lợi như Hoàng Dung, thanh tao u nhã thoát tục như Tiểu Long Nữ, kiêu sa mà đằm thắm như Triệu Mẫn, uy nghiêm và dịu dàng như Nhậm Doanh Doanh; là con gái thì mộng mơ về người đàn ông lý tưởng của mình có chất lãng tử như Lệnh Hồ Xung, chân thật, hiền lành như Trương Vô Kỵ, chung tình như Dương Quá hay có khí độ anh hùng như Tiêu Phong. Bạn đọc sẽ thấy hình ảnh tình yêu đã/ đang/ sẽ của mình trong thế giới ấy.
Phải chăng vì tiểu thuyết Kim Dung đã khơi gợi trong mỗi chúng ta tinh thần hiệp nghĩa giữa đường thấy việc bất bình, sẵn sàng “bạt đao tương trợ” vốn bị khuất lấp bởi những nỗi lo lắng “cơm áo gạo tiền” thường nhật. Mặc dù thân thể đầy vết thương do thứ đao pháp nhanh như gió của Điền Bá Quang, nhưng Lệnh Hồ Xung vẫn nghĩ ra cách tỉ kiếm đầy mưu mẹo để cứu ni cô Nghi Lâm xinh đẹp khỏi bàn tay tên dâm tặc. Trương Vô Kỵ dẫu thân thủ mới chỉ ở mức “làng nhàng” cũng không ngại ngần chấp nhận đỡ ba chưởng trí mạng của Diệt Tuyệt sư thái nhằm cứu cho những giáo chúng Minh giáo mình không hề quen biết khỏi họa sát thân dưới cây Ỷ thiên kiếm thùy dữ tranh phong. Cái cao tay của Kim Dung là ở chỗ đó. Ông không cho những nhân vật của mình đóng vai người hùng khi đã trở thành “độc cô cầu bại”. Việc cứu người khi ở tư cách của kẻ mạnh rất đơn giản. Xả thân vì người khác khi mình ở thế yếu mới làm toát lên cái tinh thần nghĩa hiệp, cái tình người của nhân vật, mới đủ sức chạm đến trái tim vốn ngày càng trở nên khô cằn, cảnh giác của con người trong thời hiện đại đầy nghi ngờ và bất ổn này. Tiểu thuyết của ông mang ý nghĩa rất rõ ràng. Kẻ xấu phải trả giá, tội ác phải chịu trừng phạt. Những kẻ như Nhạc Bất Quần, Dương Khang, Tinh Tú lão nhân, Thành Khôn… sau cùng đều phải nhận những kết cục thê thảm. Vì thế, tiểu thuyết Kim Dung giúp bạn đọc củng cố niềm tin vào công lí, lẽ phải, điều ngàn đời con người vẫn đi tìm, vẫn hằng khao khát mong mỏi, điều mà nhiều tiểu thuyết văn học hàn lâm đương đại đã “bỏ quên” một cách vô tình hay hữu ý cùng với những trào lưu triết học cầu kì, khó hiểu của mình.
Phải chăng vì tiểu thuyết của Kim Dung mang trong đó những quan niệm triết lý nhân sinh thân thuộc đối với những người dân ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của vành đai văn hóa Trung Hoa. Đó là triết lý “vô cầu nhi đắc” như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh đã nêu lên, là quan niệm “buông bỏ” của Phật giáo, thái độ sống an nhàn, ung dung tự tại, hòa mình với thiên nhiên, vượt qua vòng danh lợi, kiềm tỏa như triết lý “nhà Nho ẩn dật” của Nho giáo… Trương Vô Kỵ đều sẵn sàng buông bỏ ngôi vị giáo chủ Minh giáo, và sau này có thể là hoàng đế nhà Minh để về sống cuộc đời của người bình thường, sáng sáng… kẻ lông mày cho vợ. Danh hiệu “Thần điêu đại hiệp”, “Tây cuồng” mà thiên hạ tấn phong, tung hô ngút trời cũng không làm thay đổi ý định “thoái ẩn giang hồ”, dời khỏi “hồng trần còn nhiều gian dối” của Dương Qua.
Phải chăng vì tiểu thuyết của Kim Dung ẩn chứa trong đó những vấn đề thú vị về nghệ thuật tiểu thuyết cần phải tranh luận, trao đổi để làm rõ. Nghệ thuật tiểu thuyết của ông đã kế thừa và đổi mới tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc như thế nào? Cách ông xây dựng, miêu tả nhân vật? Nghệ thuật tạo nút, thắt nút và tháo nút thắt của ông có gì đặc biệt mà hấp dẫn bạn đọc đến vậy? Mối quan hệ giữa võ học trong tiểu thuyết của ông với triết học, tôn giáo, nghệ thuật...
Bạn đọc từ phổ thông đến những người hành nghề cầm bút đều tìm thấy được điều mình quan tâm trong các tác phẩm của ông. Tiểu thuyết của ông đã vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của thể loại kiếm hiệp kỳ tình và trở thành - nói theo ngôn ngữ của thời đại số - tiểu thuyết all in one, tất cả trong một.
Sau một thời gian dài “phong bút”, “rửa tay gác kiếm”, Kim Dung lại “tái xuất giang hồ” với một bộ tiểu thuyết mới chuẩn bị xuất bản. Đáng tiếc lần tái xuất của ông lại không trọn vẹn. Kim Dung đã cưỡi thần điêu về với đảo Đào Hoa, nơi những “người tình trong mộng” đang đợi ông về để cầm tiêu hòa âm khúc Tiếu ngạo giang hồ. Rất có thể trong tương lai, những học giả ở Stockholm sẽ “cởi mở” hơn và tấm huy chương có hình nhà khoa học vĩ đại sẽ được trao cho ông dù muộn màng. Nhưng điều đó cũng đâu có gì là quan trọng vì nếu có trở thành hiện thực, đó cũng chỉ giống như việc thêm một nét hoa văn được chạm trổ tinh xảo lên tấm lệnh bài “thiên hạ đệ nhất nhân” mà cộng đồng người yêu kiếm hiệp trên toàn thế giới trao tặng cho ông mà thôi.