Sinh ngày: 20-11-1983
Quê quán: Nông Cống, Thanh Hóa
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện công tác tại: Tạp chí Văn nghệ quân đội.
VĂN CHƯƠNG ĐÃ LÂM NGUY NHƯ THẾ NÀO?
Văn chương lâm nguy là thực trạng mà T. Todorov đã lên tiếng cảnh báo. Là một nhà lý thuyết, Todorov đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu của mình cho các phương pháp, công cụ, phương tiện nhằm khám phá tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, sau những thành tựu lý thuyết, chính ông lại băn khoăn trước những gì mình đã từng nỗ lực tạo dựng. Cuốn sách Văn chương lâm nguy như một chứng lý cho quá trình tái nhận thức và phản biện của ông về con đường tiếp cận tác phẩm văn chương, cũng như bản chất thực sự của văn chương. Cuốn sách không còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng kỳ lạ là có không ít nhà phê bình, nhà quản lý văn hóa văn nghệ chưa hiểu đúng tinh thần của T. Todorov, khiến cho vấn đề Văn chương lâm nguy đôi khi bị hiểu một cách sai lệch. Bài viết của chúng tôi diễn giải tinh thần của Todorov trong Văn chương lâm nguy, trả lời cho câu hỏi: hiểu như thế nào về văn chương lâm nguy, hay nói cách khác: Văn chương lâm nguy như thế nào?
1. Đảo lộn giá trị và ý nghĩa - tình thế lâm nguy của văn chương
Không thể phủ nhận, có lúc công chúng đã phải đặt ra những câu hỏi về giá trị, ý nghĩa của một “tác phẩm” khi nó xuất hiện. Chẳng hạn, công chúng có thể phân vân về giá trị nghệ thuật của thơ Mở miệng, của thơ tân hình thức, của lối làm thơ ảnh tự, thơ con âm, phụ âm, thơ “phạc nhiên”, của những trình diễn hay trưng bày thơ trên thúng mủng giần sàng… Cùng với đó là sự xuất hiện những câu hỏi về ý nghĩa của các hiện tượng đó trong đời sống con người.
Lẽ ra, trong một hình dung có tính lý tưởng, sự song hành của giá trị và ý nghĩa đã làm cho văn chương gắn bó với đời sống đồng thời định hình các giá trị thẩm mĩ. Tuy nhiên, một hiện tượng khá mâu thuẫn đang diễn ra trong đời sống văn học chính là khi trật tự của giá trị và ý nghĩa bị đảo ngược. Theo đó, quan sát đời sống văn học, chúng ta thấy một diễn ngôn nào đó được đặt vào không gian văn chương và nghiễm nhiên trở thành đối tượng của thưởng thức, tri nhận hay thụ hưởng thẩm mĩ. Dù không còn là hiện tượng mới mẻ hay cần phải tranh luận, nhưng Mở miệng là một ca khá điển hình cho sự tình huống chúng ta đang nói tới ở trên. Dù các thành viên của nhóm tuyên bố chúng tôi không làm thơ, nhưng việc sử dụng lại các hình thức thơ, đưa diễn ngôn của mình vào trường thẩm mĩ của thơ đã khiến cho công chúng buộc phải tiếp cận nó từ góc độ nghệ thuật. Điều đó dẫn đến sự phủ nhận hay phản bác của cộng đồng đối với những thực hành ngôn ngữ này. Rõ ràng, một bộ phận rất lớn công chúng thấy rằng những thực hành ngôn ngữ đó rất ít giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, chính người đọc bị trường thẩm mĩ thơ ca chi phối, đã tự đánh đồng diễn ngôn của Mở miệng là thơ, để rồi thất vọng hay giận dữ. Nếu tỉnh táo hơn, chúng ta hình dung về (không chỉ) Mở miệng như một hiện tượng xã hội, một thái độ, một phản ứng… sẽ thấy rằng, ở đó, giá trị nghệ thuật không phải là điều nhóm Mở miệng hướng tới. Câu chuyện về ý nghĩa mới là điều cần phải bàn ở đây. Tương tự như thế, những thực hành chữ nghĩa của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Từ Huy, Đặng Thân, Tam Lệ,… trước hết cần phải được xem xét ở thái độ của chủ thể trước đời sống thể loại. Có thể, bản thân các tác giả không đề ra vấn đề giá trị mĩ học của văn bản. Điều họ muốn hướng đến là thái độ của nghệ sĩ trước nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật, là động thái của đời sống văn học trên tinh thần hướng đến những sắc thái mới mẻ hơn. Nhiều người, trong trường mĩ cảm truyền thống, quen tai, quen mắt, quen với sự du dương, vần điệu sẽ thấy thật khó để xem các sáng tác kiểu Mở miệng, “phạc nhiên”, ảnh tự, ngoài lời,… là thơ. Nhưng, trong tinh thần của mĩ học tiếp nhận, hình dung lịch sử văn học là lịch sử của những cách đọc, thì việc bị áp chế bởi không gian nghệ thuật có tính mặc định đã khiến cho người đọc thực sự bị che mắt. Đúng hơn, người đọc tự che mắt mình bằng định kiến về nghệ thuật khi một đối tượng bỗng nhiên được đặt vào không gian thẩm mĩ. Điều này, hơn ai hết T. Todorov đã nêu lên trong Văn chương lâm nguy và nhắc lại trường hợp của Ducham khi đưa bồn tiểu vào khu triển lãm nghệ thuật. Như thế, Todorov nhận định, trật tự của giá trị và ý nghĩa đã bị đảo lộn. Dường như, cái vẫn được xem là có giá trị nghệ thuật lại không có ý nghĩa đối với đời sống. Ở đó, không gian nghệ thuật đã tạo nên lớp huyền thoại bao phủ lên những hiện tượng vốn dĩ không mang giá trị nghệ thuật.
Trong tình thế trật tự của giá trị và ý nghĩa bị đảo lộn như thế, văn chương lâm nguy. Một lần nữa, khi đối diện với các hiện tượng thơ chữ, thơ con âm, thơ tự dạng, phụ âm, phạc nhiên, tân hình thức,… chúng ta không thể phủ nhận nó trong tư cách là các hiện tượng xã hội. Nhưng chúng ta có quyền chất vấn nó về giá trị nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử xã hội. Sự xuất hiện và thắng lợi của phong trào Thơ mới trước thơ cũ, trở thành một thời đại thi ca rực rỡ vào bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam là một minh chứng cho việc giá trị đã khẳng định được ý nghĩa của mình - đúng hơn là giá trị mĩ học đã thâm nhập được vào đời sống và hình thành trường văn hoá, trường thẩm mĩ mới cho cộng đồng. Văn học Việt Nam đương đại đối diện với tình thế bị đảo ngược hai hệ thống này đã biến nghệ sĩ thành người thợ, đẩy người đọc rời xa văn chương, làm tắt dần đi ở họ niềm say mê với nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại trở nên xa lạ, đáng hoài nghi trong cảm quan của chủ thể tiếp nhận. Điều đó, lẽ nào không làm chúng ta lo lắng hay bận tâm?
2. Văn chương lâm nguy từ những toan tính cá nhân
Những toan tính cá nhân trong cách hiểu của T. Todorov là tham vọng của con người - chủ thể sáng tạo trong việc phô bày thế giới nội tại của mình. Lẽ ra, điều đó không có gì là sai lầm hay nghịch lý. Bởi lẽ, sáng tạo văn chương luôn luôn là sự trình hiện thế giới bên trong của người nghệ sĩ. Tuy vậy, một khi những ý đồ sáng tạo lại được xây cất trên tinh thần hư vô và duy ngã, ngay lập tức, vấn đề nghĩa lý tồn tại và giá trị đích thực của sáng tạo bị hoài nghi. Văn chương lâm nguy chính trong những động thái hư vô và duy ngã, mang nặng toan tính cá nhân như thế.
Quan điểm hư vô phủ định tồn tại của ngoại giới, phủ định mối liên hệ của diễn ngôn văn chương với môi trường mà nó hiện diện. Nghĩa là, trong ý niệm của T. Todorov, những nhà văn này không chấp nhận một mối liên hệ xác thực nào giữa thế giới thực tại với những điều được miêu tả trong tác phẩm. Cắt đứt mối liên hệ của tưởng tượng, hư cấu với cơ sở của nó, kỳ thực là một trạng thái phi lý khi ta biết rằng hầu như không có gì được sinh ra từ hư vô. Tưởng tượng không thể nảy sinh trên một bối cảnh hoàn toàn không có gì. Tuy nhiên, sự tự mãn của tinh thần tự do đã khiến cho người ta nghĩ rằng có thể thoát ly mọi ràng buộc với thế giới ngoại tại. Nhưng, có lẽ sự phản tỉnh về nguy cơ của tính tự trị của văn học đã nhắc nhở T. Todorov về những điều phi lý ấy. M. Proust lẽ nào đã không bắt đầu những tưởng tượng của mình bằng ký ức, nơi thời gian đã mất. Cách ly trong phòng kín một thời gian khá dài vì dị ứng phấn hoa và chứng hen suyễn không tước đi ở M. Proust những kinh nghiệm đã có từ trước đó. Vì thế, Đi tìm thời gian đã mất kết lại bằng Thời gian tìm thấy lại là một minh chứng cho vai trò của ký ức, của vô thức ngủ yên trong đời sống bản thể. Ở đó, những dấu vết của thế giới ngoại tại hình thành nên cơ sở của tưởng tượng. Gần hơn, trong văn chương Việt Nam, Trương Đăng Dung với Những kỷ niệm tưởng tượng, Uông Triều với Tưởng tượng và dấu vết, dù tập trung biểu đạt thế giới hư cấu nhưng không ai có thể phủ nhận cơ sở của tưởng tượng đó chính là những trải nghiệm máu thịt của tác giả. Những tưởng tượng gợi lại thế giới đã từng hiện diện, thậm chí phóng to lên, khuếch trương lên để nhận diện thực tại một cách đầy đủ, phong phú hơn. Có nguyên cơ từ sự hoài nghi tính tự trị của văn học, Todorov đã lên tiếng về tình trạng lâm nguy khi nhà văn đoạn tuyệt với bối cảnh ngoại tại. Điều này, vô hình trung đã tạo nên cơ sở cho chủ trương duy ngã trong văn chương mà ông cũng xem là tác nhân đây văn chương vào vòng phi lý.
Duy ngã là hệ quả của quan điểm hư vô và tự tôn quá mức. Trong Văn chương lâm nguy, T. Todorov đã nhấn mạnh thói duy ngã chính là “mảng thế giới do chính tác giả tạo dựng… thỏa thích và say mê chính mình… Văn học tự biến thành một thứ phòng thí nghiệm để tác giả thỏa thích mô tả chính mình và toan tính hiểu mình đến nơi đến chốn”. Không ai phê phán hay phủ định việc đề cao cá nhân, bản thể. Tuy nhiên, sự tuyệt đối hóa cá nhân dựa trên tinh thần đề cao cái tôi, xem đó là “một bản thể độc nhất trên đời” cùng với quan niệm hư vô đã khiến cho những phô bày nghệ thuật trở nên xa lạ. Thêm nữa, chính Todorov đã nhận ra, khi quan điểm hư vô và duy ngã được khuếch trương, nó dè bỉu, chê bai và phủ định các giá trị khác bên ngoài nó. Vậy nên, văn chương, trong tư cách là giá trị để phụng sự nhân loại bỗng dưng biến thành một thứ vũ khí hay phương tiện nhằm loại trừ tính nhân loại. Văn học Việt Nam trong những đòi hỏi về sự sáng tạo, cách tân không phải không có những hiện diện cực đoan như thế. Bằng cách phủ định quá khứ, giải cấu trúc các giá trị đã định hình, tuyên bố về sự vô nghĩa, cạn kiệt giá trị của các hệ giá trị trong lịch sử, thực hành những cách tân về hình thức ngôn ngữ hay đào sâu vào thế giới bản thể,… cũng ẩn chứa những nguy cơ đưa văn chương vào vòng phi lý. Sự thực là, dù được đánh giá cao ở thái độ xã hội, thái độ sáng tạo, nhưng xét từ góc độ giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của một số cách tân hình thức thơ Việt những năm gần đây, chúng ta buộc phải suy nghĩ thật nghiêm túc về lời cảnh báo của T. Todorov. Văn chương lâm nguy khi chính nhà văn đoạn tuyệt với môi trường hiện diện của anh ta, của tác phẩm, lặn sâu vào những toan tính cá nhân, duy ngã và hư vô. Một sáng tạo nghệ thuật, để thực sự có ích, dù phô bày chiều sâu của cá nhân bản thể vẫn phải hướng đến những giá trị phổ quát. Chỉ trong những định hình có tính phổ quát, vượt lên những toan tính cá nhân, nghệ thuật mới thực sự giúp ích cho con người trên đường đi đến các giá trị nhân văn, hữu ích.
3. Phê bình văn học và sự thất bại của lý thuyết
Dù có nhắc đến những sa đà quá mức của văn chương vào thế giới duy ngã hay những thứ tầm thường nhỏ nhặt, những kinh nghiệm nhục dục vô nghĩa,… nhưng chắc chắn đó chưa phải là trung tâm của những phản tư trong tinh thần của T. Todorov. Điều mà tác giả Văn chương lâm nguy nhắc đến nhiều nhất chính là sự lên ngôi của công cụ, phương tiện, phương pháp, biến phương tiện thành cứu cánh - mục đích. Nhà phê bình sử dụng các lý thuyết, phương pháp để tiếp cận tác phẩm, nhưng lại quá chú trọng đến lý thuyết, đến cách thức mà không chú ý đến tác phẩm như là trung tâm, mục đích của thao tác luận. Vốn là một nhà nghiên cứu, giới thiệu Chủ nghĩa hình thức Nga tại Pháp, nghiên cứu và quảng bá, phổ biến chủ nghĩa cấu trúc như một trong những lý thuyết bao trùm, ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần học thuật Pháp và thế giới thế kỷ XX, nhưng cuối cùng, Todorov tự nhận lấy trách nhiệm của mình trong việc đã góp phần làm cho phương pháp cấu trúc trở nên lộng hành như thế. Ông nhận thấy rất rõ những thành tựu của lý thuyết hình thức hay phương pháp cấu trúc, sự chi phối của các thông tư trong việc định hướng việc đọc, học văn chương, sự diễn giải của nhà phê bình,… đang đưa văn chương xa rời yếu tính của nó. Sự hồn nhiên của tác phẩm và quyền được tiếp cận một cách tinh khôi của người đọc đã bị các nhà phê bình - kẻ đại diện của lý thuyết, làm cho triệt tiêu. Thậm chí, trong sự phản tư quyết liệt của mình, Todorov đã nhận thấy, qua diễn giải đầy thiên kiến và tự đắc của nhà phê bình, văn chương không còn là văn chương nữa. Nhà phê bình trình bày phương pháp, lý thuyết của anh ta mà quên mất rằng đó chỉ là công cụ, và cái đích đến vẫn phải là tác phẩm. Ông đặt ra câu hỏi, liệu rằng những kiến thức về tu từ học, ngôn ngữ học, thi pháp học, ký hiệu học có dính dáng gì đến việc xây dựng nội dung, ý nghĩa hay môi trường của tác phẩm? Và rằng, một người đọc phổ thông, bình dân, không có kiến thức về những phương pháp ấy liệu có thể tiếp cận được tác phẩm? Rõ ràng, Todorov muốn nhấn mạnh đến sự hồn nhiên tự thân của quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương. Mọi ý muốn thao túng việc diễn giải văn chương, nương nhờ trên một lý thuyết, một phương pháp nào đó đều ẩn chứa nguy cơ đẩy văn chương vào vòng phi lý. Cái mà ta tiếp cận - từ sự diễn giải của nhà phê bình, hóa ra không phải là văn chương. Todorov đã rất có lý khi cho rằng, dưới áp lực của lý thuyết, “người ta sẽ tự hỏi xem Vụ án thuộc thể loại hài hay phi lí, thay vì tìm vị trí của Kafka trong nền tư tưởng châu Âu”. Trong một ví von đầy hình ảnh, ông cho rằng, giàn giáo cần để xây dựng ngôi nhà, nhưng khi hoàn thiện ngôi nhà, giàn giáo cần phải được tháo bỏ. Sự lộng hành của công cụ, sự lấn át đến mức biến mình thành mục đích của lý thuyết diễn giải văn chương đã đưa văn học đến sự lâm nguy, khiến người đọc xa rời văn học, giết chết ở họ niềm say mê vốn là hệ quả của một quá trình tự nhiên - hồn nhiên.
Nhà phê bình là một người đọc. Dù được vũ trang bằng các lý thuyết, phương pháp, dù có thể nhận ra các tầng lớp ý nghĩa của tác phẩm nhờ công cụ, nhưng, trong sự phản tư của Todorov, điều đó đang làm văn chương trở nên nghèo nàn hay mất đi ý nghĩa thực tế. Người đọc hồn nhiên, cần ở văn chương những giá trị làm cho đời sống của họ tốt đẹp hơn, giàu có hơn, giúp họ nhận ra giá trị của con người và đời sống. Đó là điều trước hết thay vì các hệ thống lý thuyết, công cụ dưới sự dẫn dắt hay vờn vẽ của nhà phê bình. Văn chương lâm nguy trong sự lộng hành của lý thuyết. Và, như Todorov đã tự nhận, nhà phê bình, các chuyên gia, giáo viên và trường học phải chịu trách nhiệm về sự lâm nguy đó.
Văn chương dù được loan báo về sự lâm nguy, nhưng bánh xe lịch sử không ngừng lại. Nghĩa là, chúng ta vẫn phải chấp nhận sống cùng văn chương như nó vốn có. Sự đảo lộn trật tự giá trị và ý nghĩa, quan điểm hư vô và tinh thần duy ngã, sự lộng hành của lý thuyết,… có thể chưa phải là tất cả những suy tư của T. Todorov về thực trạng lâm nguy của văn chương, nhưng là những tham chiếu cần thiết để đánh giá hiện tình văn học đương đại Việt Nam. Ít ra, trong những diễn giải của ông, chúng ta nhận ra, và nhìn lại, văn chương Việt Nam có lâm nguy không?