Sinh ngày: 22-6-1976
Quê quán: Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
MẦM CỎ
Đêm hôm qua mưa vẫn còn rơi trên mái nhà. Đợt mưa kéo dài hơn một tuần lễ. Mưa rả rích, mưa lớt phớt, mưa bay bay, bụi mưa đọng trên ngọn cỏ, thấm sâu vào lòng đất… Cũng suốt cả tuần lễ nay Thái ngồi trong căn nhà nhỏ nhìn qua cửa sổ, khung trời hình chữ nhật ngút ngàn một màu trắng xóa. Kể cũng lạ! Nhận nhiệm vụ mới đã hơn một tháng nhưng lúc nào Thái cũng mơ thấy như mình đang sống cùng đại đội cũ.
Trong căn nhà nhỏ chật chội, chìm đắm dưới màn mưa giăng, lạc lõng trong khu thao trường diễn tập chỉ một mình Thái đối mặt với sự cô đơn. Giá như ngày ấy biết bảo ban nhau thì đâu đến nỗi. Cũng tại Thái, tại mấy thằng bạn lính, khiến hôm nay Thái phải ở đây, làm lại từ đầu. Thái thầm nghĩ tới những khóm cỏ ngoài kia đang đua nhau mọc lên tua tủa, trông giống hệt hàng trăm, hàng triệu ngọn mác vươn lên trời cao. Khu thao trường tổng hợp này quanh năm đón nhận các đợt diễn tập của các quân, binh chủng. Cỏ thao trường bị đủ các loại xe tăng, xe cơ giới giày xéo, cộng thêm cả những mảnh đạn pháo, đạn cối bắn phá tanh bành, thậm chí cả những gót giày bộ binh bé nhỏ cũng thi nhau dẫm đạp lên những thân cỏ non mơn mởn, xanh tơ. Thế nhưng chỉ cần một trận mưa thôi, cỏ lại mọc ào lên. Hễ nơi nào còn sót lại một sợi rễ, dù một sợi nhỏ cũng đủ để cỏ mọc, nảy nở ra vô số mầm cỏ mới. Đặc biệt cái giống cỏ này không bao giờ sống đơn lẻ. Ở đâu cũng vậy, cỏ mọc theo từng mảng, đan xen, dựa lưng vào nhau thành một khối bền chắc như thách thức con người và nắng mưa. Những ngày trời nắng như đổ lửa, mặt đất nóng như rang, cỏ phải dựa vào nhau để kháng cự không cho ánh nắng mặt trời lọt xuống đất cướp đi hơi nước, gốc rễ cỏ bám chặt lấy đất, những cánh lá xanh rì phơi phới như những tấm gương phản chiếu chống đỡ tia nắng mặt trời. Những nơi đất khô khốc như tro bụi cỏ nối liền từ rễ này sang rễ khác, vận chuyển hơi nước từ nơi thấp lên nơi cao, cuối cùng cỏ mọc được cả trên những tảng đá nhỏ. Mỗi đợt dông bão tới cỏ cùng nhau uốn mình rạp xuống nhịp nhàng như những lớp sóng mềm mại không bao giờ tan vỡ. Cứ thế cỏ tồn tại từ mùa này sang mùa khác, khiến cho bề mặt thao trường kín mít một màu xanh rộng khắp…
Đại đội trinh sát của Thái trú chân dưới một quả đồi. Ngoài giờ huấn luyện, những lúc được nghỉ Thái thường ngồi trên lô cốt ngắm đàn cò sải rộng cánh bay về rừng dẻ bao bọc phía sau đơn vị. Đôi khi Thái cũng cảm thấy nhớ nhà, nhưng Thái đã quyết tâm phấn đấu trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Thực ra trước lúc đi bộ đội Thái cũng rất phân vân, mẹ Thái bảo: “Con chịu khó rèn luyện thật tốt, huấn luyện tân binh xong mẹ sẽ nhờ bạn của bố xin cho về bộ chỉ huy phục vụ, ở đấy gần các chú, dễ bảo ban hơn”. Nghĩ như mẹ cũng phải, nhưng thực lòng Thái lại muốn khác. Thái thích được về đơn vị tập luyện, được đi đến tận cùng của đời sống chiến sĩ, được nhìn tận mắt những gì mà Thái ao ước. Thái đã chán ngấy cái cảnh sống núp mình dưới đôi cánh của mẹ. Là con chim lớn phải tự biết bay ra khỏi tổ bằng chính đôi cánh của mình. Người cán bộ mà Thái gặp đầu tiên là anh Đăng. Lúc anh đi giao ban trung đoàn về ngang cổng đơn vị, một chiến sĩ gác cổng giới thiệu Thái với anh để anh dẫn Thái về đại đội. Chiều hôm ấy trời cũng mưa. Mưa không nặng hạt mà bay bay như từ chiếc vòi phun nước vĩ đại mà ra. Anh Đăng mặc chiếc áo bạt đi trước, Thái khoác ba lô theo sau. Con đường về đơn vị lầy lội khó đi, chốc chốc Thái phải dừng lại để gạt bỏ lớp đất dính đế giầy. Vừa đi, anh Đăng vừa kể cho Thái nghe nhiều chuyện: Trước kia anh là cán bộ quân sự, nhưng nay chuyển loại sang làm cán bộ chính trị. Thái nghĩ người cán bộ chính trị chắc am hiểu tâm lý anh em chiến sĩ lắm. Đọc trong sách Thái thấy hình ảnh người chính trị viên thường gần gũi, hòa đồng và sống rất tình cảm. Thái mong có dịp nào đó được ngồi tâm sự cùng anh Đăng…
Đêm đầu tiên về đại đội, Thái ngủ thiếp đi vì mệt mỏi. Nhưng rồi Thái bị đánh thức bởi một bàn tay vén màn, lùa vào ngực áo, lay gọi:
- Dậy! Ra ngoài này tao bảo.
Thái bừng tỉnh giấc, vội vã xỏ dép đi theo bóng đen. Ra đến ụ súng, bóng đen bảo Thái dừng lại. Từ trong ụ súng lố nhố ba bóng đen nữa ló ra.
- Mày mới về đơn vị à?
- Vâng! - Thái đáp.
- Bọn tao ở cùng phòng với mày. Đi gác về thì mày đã ngủ rồi. Lính mới mà yếu thế?
- Hôm nay đi đường xa, hơi mệt, lại chưa được phân công nhiệm vụ gì…
- Bọn tao có gói kẹo, gọi là kê chân giường cho mày. Lúc chiều nay, anh Đăng có nói gì với mày không?
- Anh bảo về đây phấn đấu cho tốt, thế thôi.
- Ông ấy lúc nào cũng chỉ muốn khoe thành tích với cấp trên nhưng đối xử với anh em chả ra đếch gì. Mày mới về đừng vội vàng ôm chân ông ấy mà mất lòng anh em đấy. Bọn tao chỉ nói thế thôi. Tùy mày sống thế nào thì sống…
Chỉ sau vài câu trò chuyện Thái biết ngay đây là kiểu “liên kết chống đối”, và Thái đang bị lôi kéo vào. Thái chọn cho mình thái độ ôn hòa cho đến khi “lễ kê chân giường” kết thúc, ai nấy trở về chiếc giường cá nhân của mình, lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.
Hỏi rằng đi bộ đội Thái nhớ ai nhất, có lẽ Thái sẽ trả lời là nhớ ông bạn vong niên hàng xóm. Đó là một ông nhà văn già. Hồi ở nhà Thái thường sang chơi với ông. Thái thích nhất là cánh đối xử giữa hai người. Ông coi Thái như một người bạn, thường gọi Thái là “anh bạn nhỏ của tôi ơi”. Ông ở một mình trong căn nhà nhỏ nằm cuối phố và viết rất nhiều sách. Sách của ông chủ yếu viết về chiến tranh. Ông đã có cả một thời tuổi trẻ cống hiến cho trận mạc. Ông không thoát khỏi ám ảnh của những cái chết. Theo ông sự chết chóc đó chẳng qua là một tư thế chiến đấu, lớp người trước ngã xuống làm bàn đạp cho lớp sau tràn lên, chẳng bao giờ kẻ thù có thể tiêu diệt được sức mạnh vệ quốc chính nghĩa của một dân tộc. “Cỏ mềm nhưng mà nó có sức mạnh lắm đấy Thái ạ”. Nhiều hôm ông vừa viết vừa khóc, ông khóc vì sự hy sinh của những đồng đội mình. “Sự sống còn nhường cho nhau được thì mọi sự ham hố ở đời này có phải là vô nghĩa lắm không? Bọn mình đã từng nhường sự sống cho nhau đấy Thái ạ. Thế mà sống không ra cái gì thì có đáng sống không?”. Thái hiểu những suy nghĩ ẩn chứa trong khối óc của ông, và cũng chính từ suy nghĩ ấy đã truyền vào Thái một dòng máu phiêu bồng. Thái thích được sống như ông, được hy sinh cho lẽ sống mà không nghĩ đến bản thân. Hết phổ thông, Thái thi vào Trường Sĩ quan Lục quân nhưng không đỗ. Thái tình nguyện nhập ngũ để tìm một cơ hội khác cho mình. Và giờ đây Thái đã trải qua mấy mùa huấn luyện ở một đơn vị chủ lực. Thái đang hy vọng một ngày kia sẽ thỏa ước nguyện “lấy binh làm nghiệp”.
Đơn vị chỉ cách khu vực dân cư một đoạn đường nhỏ, băng qua vạt đồi là la liệt hàng quán. Buổi tối, sau giờ điểm danh, đợi cho anh Khôi trung đội trưởng đi ngủ, mấy thằng cùng phòng lại rủ Thái lẻn ra ngoài quán uống nước.
Thái từng ngạc nhiên khi lần đầu bước chân ra đây. Một góc khuất rất đặc biệt nằm ngay bên cạnh “thế giới trật tự kỷ cương” của đơn vị. Hàng quán đôi khi không bán cho những kẻ đói khát, mà bán cho những kẻ thích tụ tập. “U! Pha cho con bát mì tôm - U! Pha cho con ly cà phê - U! Chặt cho con cái chân giò…”. Đến tháng lĩnh phụ cấp thì thật là tưng bừng! Những tốp chiến sĩ lâu ngày không gặp nhau, mang đủ các loại chuyện buồn vui trong cuộc sống ra tâm sự. Chuyện nhớ bố mẹ. Chuyện người yêu đi lấy chồng. Chuyện chị gái sinh cháu thư lên đơn vị nhờ cậu đặt tên. Chuyện phố phường. Chuyện làng quê. Ôi chao! Cả những chuyện tầm bậy tầm bạ cũng ngồi kể bô bô cho nhau nghe. Rồi nổi máu tranh luận, rồi gầm ghè vì mâu thuẫn. Có lần chỉ vì “con tép” và “con tôm” ở quê tớ và quê cậu gọi khác nhau mà suýt nữa đã choảng nhau. Đời chiến sĩ có vô số những chuyện buồn vui. Góc khuất này chính là nơi bộc lộ nỗi niềm lính tráng sau những giờ phút “tất cả đều mang chung một khuôn mặt, một dáng hình, một sắc màu, một nhiệm vụ”. Mấy thằng bạn cùng phòng Thái thì bảo đấy là chỗ xả hơi sau những ngày huấn luyện vất vả. Tất nhiên Thái biết như thế là vi phạm kỷ luật, là tự ý trốn trại ra ngoài, là ảnh hưởng sức khỏe đến ngày huấn luyện hôm sau của bộ đội. Cùng với thói quen trốn ra ngoài là những cuộc báo động đại đội. Lần nào báo động cũng vậy, y như rằng sẽ vắng mặt một hoặc hai người không có lý do. Chính vì lẽ đó nên buổi tối cả đại đội lại phải ngồi nghe sinh hoạt. Anh Đăng sẽ lại nói rách da rách thịt, nói từ bảy giờ tối cho đến chín giờ vẫn chưa hết. Mà cái cách nói của anh Đăng mới nhức buốt làm sao, cứ như kim châm, dao cắt vậy. Anh soi thấu gan thấu ruột người ta, và anh không khoan nhượng trước những mũi khoan ngôn từ nhằm thẳng vào đám lính trẻ như Thái…
Kết thúc một giai đoạn huấn luyện là những cuộc diễn tập dài ngày. Thái rất thích đi diễn tập vì thoát được sự gò bó ở đại đội, không phải nghe anh Đăng sinh hoạt mỗi tối. Cả trung đoàn chỉ cần phái một phân đội đi cắt góc phương vị để xác định đường hành quân là đủ. Thái nằm trong phân đội ấy và khi ở trong rừng Thái được tự chủ với công việc. Trung đội trưởng Khôi lại là người có tác phong chỉ huy rất dễ chịu, không giống như anh Đăng. Anh Khôi có lối sống chân thành với chiến sĩ, nhất là những lúc huấn luyện ngoài thao trường, việc gì không nên không phải là anh thẳng thắn bảo ban, đôi lúc nóng giận là anh cũng quát mắng ra trò, không bao giờ anh chấp nhặt những chuyện vặt của lính. Làm lính của anh Khôi quả là học được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Khác với anh Khôi, anh Đăng luôn tỏ ra là người biết nhiều, anh thường mang cái nhìn cá nhân ra áp đặt cho người khác, nhất là điệu cười nhếch mép đã đủ làm chiến sĩ e sợ. Lần ấy, đơn vị chuẩn bị đón đoàn cán bộ trên sư về tham quan mô hình xây dựng đại đội chính quy, tối hôm trước ngồi sinh hoạt anh Đăng nói: “Các đồng chí phải thể hiện mình là người chiến sĩ có ý thức chấp hành kỷ luật tốt. Ăn nói, đi đứng phải thật thận trọng. Thủ trưởng hỏi cái gì thì phải trả lời đúng như tôi đã dặn, không được nói năng tùy tiện…”. Hôm đoàn về đơn vị đúng lúc anh Khôi đang huấn luyện tính năng các loại mìn chống bộ binh của địch. Anh Đăng đon đả tiếp đoàn. Thủ trưởng chỉ vào quả mìn K-58 hỏi: “Đây là loại mìn gì?”. Anh Đăng đỏ mặt ngắm nghía một lúc lâu chưa nói, anh Khôi nhanh miệng trả lời thì thủ trưởng ngăn lại: “Tôi không hỏi anh - Anh này trả lời”. Anh Đăng chắc nịch khẳng định: “Mìn K-56 do… Mỹ sản xuất”. Một chiến sĩ đứng trong hàng phì cười. Anh Đăng đánh mắt khiến điệu cười tắt ngấm.
… Cách làm việc của anh Đăng cũng làm cho nhiều chiến sĩ không ưa. Anh nói ra rả như một cái loa phóng thanh, động đến đâu cũng nguyên tắc và bới móc khuyết điểm của người khác để phê bình. Buổi tối, lúc đơn vị đã tắt điện đi ngủ, mấy đứa trong phòng Thái nháy nhau chui xuống gầm giường nằm. Nửa đêm anh Đăng kiểm tra thấy thiếu người, tức tốc báo động toàn đại đội tập trung giữa sân chào cờ. Trong tâm trí anh đinh ninh chuyến này sẽ bắt được mấy chiến sĩ vi phạm kỷ luật. Chưa kiểm tra quân số anh đã đùng đùng mắng anh Khôi là vô trách nhiệm, để chiến sĩ tự do la cà hàng quán. Đến khi điểm danh lại thì chả thiếu người nào. Anh Đăng tái mặt còn anh Khôi thì dở mếu dở cười. Thái nghĩ mà thương cho tình cảnh của anh Khôi, vì chiến sĩ trêu chính trị viên mà trung đội trưởng bị phê bình. Thực ra trước lúc đi ngủ anh Khôi đã sang phân đội nắm mọi tình hình rồi mới yên tâm về phòng. Đám lính tếu táo đã làm anh phải khốn khổ theo. Việc chiến sĩ trốn xuống gầm giường anh Đăng biết phải có một người đầu têu nhưng không tìm ra ai là thủ phạm chính nên bắt đại đội đứng một hồi lâu mới giải tán vào đi ngủ. Thái ân hận vì mấy cá nhân mà làm mất giấc ngủ của cả đại đội. Thái tự hứa sẽ bảo đám bạn cùng phòng không bày những trò tai hại kiểu ấy nữa. Sau buổi đó anh Đăng đặc biệt để ý đến mấy chiến sĩ ở phòng Thái.
Thêm một mùa huấn luyện nữa, đại đội được bổ sung thêm quân số mới. Như thường lệ, những cựu binh tỏ rõ thái độ cứng rắn với tân binh để nắn gân. Hình như cái tục “lính tuổi quân, dân tuổi đời” đã ăn sâu vào văn hóa ứng xử của chiến sĩ. Tụi chiến sĩ cũ bảo, nhìn điệu đi, câu chào hỏi của tân binh nghe không vào. Ai đời nào vừa mới chân ướt chân ráo về mà thấy các anh mắt cứ thô lố như mắt ếch, nói năng lấc ca lấc cấc như dân chợ búa. Tối tụi nó gọi tân binh ra ụ súng. Trong tốp chiến sĩ mới về có thằng Hòa là đáo để hơn cả. Thằng Hòa cũng chỉ huy một tổ như Thái, nó cậy có bố làm ở thành phố, mỗi lần bố nó đánh xe con xuống đại đội là anh Đăng đon đả đến bắt tay từ xa, lúc bố nó về anh Đăng lại gọi nó vào phòng riêng rì rầm trò chuyện. Từ ngày có Hòa về đại đội, những biểu hiện của chiến sĩ đều như có tai có mắt anh Đăng dõi theo. Những trò nghịch ngợm của anh em lần lượt được anh Đăng mang ra phê bình, lời nói mỉa mai của anh mới cay độc làm sao. Chúng nó bảo, chỉ có thằng Hòa thường xuyên mò lên tâu hớt nên anh Đăng mới biết từng chân tơ kẽ tóc tụi mình, chắc nó muốn ăn củ đậu bay? Kể ra anh em chiến sĩ đối xử với anh Đăng như thế cũng không phải, trong đó có cả một phần lỗi của Thái. Nhiều lần đứng gác một mình, Thái cũng tự nghiêm khắc kiểm điểm mình. Một quân nhân đúng nghĩa thì phải học tập tính độ lượng, đừng bao giờ chơi xấu, không được mang tư tưởng chống đối cấp trên, mình chống lại người ta tức là mình vi phạm kỷ luật, mà đã vi phạm thì trước sau cũng không còn được đứng trong hàng ngũ quân nhân nữa. Đáng lẽ Thái không nên làm thế, nhưng ghét cái tính của anh Đăng, làm vậy cũng là muốn thay đổi cách nhìn nhận của anh. Nhưng nghe ra anh Đăng không chịu điều chỉnh cung cách chỉ huy lãnh đạo của mình. Lại thêm cả thằng Hòa nữa, nó được anh Đăng chọn vào tổ thi đua, sáng nào kiểm tra nội vụ nó cũng cố tình đứng lại ở giường của Thái thật lâu để cho cả tổ tìm khuyết điểm. Thỉnh thoảng nó xoáy cho Thái một đòn đau điếng, khiến lần nào sinh hoạt anh Đăng cũng nhìn Thái bằng con mắt săm soi thiếu thiện cảm. Thái rất bực nó nhưng chưa có cơ hội nào để dạy cho nó một bài học nhớ đời.
... Đợt diễn tập đã diễn ra được hơn một tuần.
Trung đoàn đang trú quân dưới một thung lũng nhỏ. Bất ngờ trời đổ mưa. Mưa như trút nước, từ trên các sườn dốc, nước đổ xuống khe ầm ầm. Khả năng sẽ có lũ. Các lán trại sẽ không đảm bảo nếu lũ ập về. Đại đội trinh sát của Thái được phái đi tìm đường tránh lũ. Hôm đó anh Khôi phải lên trung đoàn vẽ kế hoạch tác chiến. Cả đại đội chia thành ba đường đi, do phân đội thiếu người chỉ huy nên đại đội trưởng giao luôn cho Thái phụ trách. Tọa độ X là họ phải đến. Đúng 17 giờ 00 ngày N-3 phải có mặt tại vị trí cũ đón trung đoàn hành quân. Khi đã làm xong mọi công tác chuẩn bị, Thái khoác ba lô, đeo tượng gạo vòng qua vai, treo khẩu AK báng gấp trước ngực, phát lệnh cho anh em lên đường. Hòa cùng phân đội hăm hở bước theo sau. Chẳng mấy chốc họ đến chân điểm cao 360. Trời vẫn mưa lây phây, núi rừng mù mịt và lạnh ngắt. Tất cả anh em đều thấm mệt, người run lên lập cập vì đói và rét. Thái cả quyết:
- Bằng mọi giá chúng ta phải vượt qua đỉnh núi trong đêm nay. Sáng mai đến tọa độ X rồi sẽ quay về theo đường cũ.
Bóng đêm đổ xuống núi rừng đen kịt, hơi lạnh toát ra từ lòng núi. Không gian chìm đắm trong màn sương huyền bí. Chốc chốc, từ đâu đó điểm vài tiếng cú mèo đi ăn đêm. Lúc chiều ngồi nghỉ dưới chân dốc người ta kể, cách đây ba mươi năm đỉnh núi này đã diễn ra một trận chiến ác liệt, thi thoảng trong vách núi vẫn vọng về những tiếng hú của những người lính gọi nhau...
- Anh Thái ơi! Đêm tối như thế này không thể vượt qua được. Hay chúng ta nghỉ lại đây. Tối nay em vào nhà dân dưới chân núi kia hỏi đường. Mai tất cả chỉ việc quay về báo cáo là xong - Hòa nói.
- Không được.
Đằng sau lưng Thái là cả một trung đoàn, hàng nghìn người đang trông chờ vào con đường mình sẽ đưa họ vượt qua. Không thể chần chừ, đoạn đường này phân đội chưa ai đi qua, mới xem trên bản đồ chỉ là một bước khái quát.
- Đi! Đã bảo đi là đi. Không bàn lùi! - Thái chỉ tay về phía trước ra lệnh.
Miễn cưỡng, cả đoàn nặng nề bò dốc. Dốc đứng, lại trơn, người đằng trước thò gậy kéo người đằng sau. Với tốc độ thế này chắc phải sáng mai mới tới tọa độ X. Thái lấy chấm đen trên nền trời phía trước làm vật chuẩn hô hào anh em khẩn trương vượt qua. Đi được một đoạn thì Thái nghe thấy tiếng gió thổi ù ù trong hai lỗ tai, mồ hôi nhễ nhại, từ phía sau có người gọi vọng lên: “Anh Thái ơi! Thằng Hòa bị trẹo chân ồi... ồi... ồi”. Toàn phân đội ngồi im chờ đợi. Thái gọi anh em xúm vào băng bó vết thương cho thằng Hòa, họ thi hành một cách nặng nề và lặng lẽ. Lúc đấy quỹ thời gian không cho phép được chần chừ, Thái đành đưa Hòa quay lại nhà dân gửi tạm rồi khẩn trương lên đường.
Kết quả thật mỹ mãn. Thái đã tìm ra con đường tránh lũ lý tưởng cho trung đoàn. Nhưng rồi chuyện phân đội trinh sát vượt rừng tìm đường tránh lũ cho cả đơn vị chả hiểu sao không được anh Đăng đả động đến bao giờ. Danh sách khen thưởng diễn tập đợt ấy không có tên Thái và phân đội trinh sát.
Đó là một buổi chiều chủ nhật.
Theo quy định của đơn vị, mỗi phân đội được giải quyết một phần ba quân số ra ngoài doanh trại mua sắm đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Thái dự định sẽ đi mua cuốn sách về đọc và tranh thủ vào quán “chát” với cô bạn ngày xưa học cùng lớp. Khi đại đội tăng gia xong, Thái lên nhà chỉ huy đăng ký xin phép ra ngoài. Anh Đăng cầm cuốn sổ ghi chép, bảo: “Cậu bị cấm trại, tuần này sai nội vụ hai lần, ngày… ngày…”. Biết không thể lay chuyển được quyết định của anh Đăng, Thái về phòng nằm nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu. Chẳng lẽ chỉ vì sai sót nhỏ như vậy mà bị cấm trại thì thật quá đáng, nội vụ của Thái sai cũng chẳng qua do sơ ý để dây cóc ba lô thò xuống giá một tí. Thằng Hòa còn sai nhiều hơn nhưng vì nó lươn lẹo, biết lấy lòng anh Đăng nên vẫn được ra ngoài. Thái vùng dậy, xỏ dép, lên mỏm đồi sau đại đội ngồi. Thái nhớ đến ông nhà văn già. Ông từng nói với Thái rằng, có những nỗi buồn làm con người ta thấy mình trong trẻo hơn. Sao nỗi buồn này lại làm cõi lòng Thái có phần như u tối đi?
Sáng hôm sau, đại đội cử Thái cùng Hòa lên trung đoàn trồng cây. Đây là cây lưu niệm do sư đoàn trưởng sắp nghỉ hưu tặng. Thái hì hục đào xong hố rồi nhẹ nhàng đặt bầu xuống, lấp đất. Khi đã lấp đầy đất vào quanh gốc, Thái bảo Hòa xuống ruộng xách nước tưới, nhưng nó õng ẹo mang về được nửa xô. Bực mình, Thái bắt Hòa xách thêm một xô đầy nữa. Hòa không chịu, vùng vằng ném cái xô xuống đất, bỏ đi. Thái nóng mặt, chạy lại tát mấy cái vào mặt Hòa. Không ngờ Hòa bị chảy máu cam. Nó ôm cái mặt đầy máu chạy đi tìm anh Đăng. Anh Đăng vội cử người đưa nó lên bệnh xá trung đoàn để… cấp cứu!
Vụ việc xô xát giữa Thái và Hòa đã làm xôn xao cả trung đoàn. Thái trở thành một kẻ “rắn đầu, khó bảo, vi phạm có hệ thống”. Thái không thể quay về nhìn mặt đồng đội được nữa rồi! Phải đi thật xa thôi. Năm ngoái trung đoàn vừa mới tước quân tịch một trường hợp. Kỷ luật quân đội luôn nghiêm minh, dù có là con ông trời đi chăng nữa thì kỷ luật vẫn cứ là kỷ luật. Không còn đường cứu vãn nữa rồi. Bỏ trốn thì suốt đời mang tiếng là đào ngũ. Bước chân Thái biết đi đâu, về đâu bây giờ? Đại đội trinh sát không còn chỗ cho Thái nữa. Thái hoang mang quá. Mọi thứ trong người Thái cứ tan ra như bọt nước…Thái cứ đi, phía trước là những quả đồi. Những con đường mòn. Trời đã tối sầm từ lúc nào? Bỗng trời đổ mưa. Sấm, chớp quay cuồng. Thân thể Thái run lật bật, những giọt nước mưa như kim nhọn líu chíu đâm vào da thịt. Cơ thể lạnh buốt, đôi chân Thái khụy xuống. Bỗng từ loa phóng thanh vang tiếng kèn báo hiệu kết thúc một ngày huấn luyện. Các dãy nhà tắt điện. Thái nhìn thấy đằng trước có ánh đèn bảo vệ phát sáng. Đó là nhà chỉ huy trung đoàn. Thái dừng lại rồi sực nhớ đến mẹ. Ngày còn ở nhà mẹ luôn lo cho Thái, mẹ bảo Thái nên đi về hướng có ánh đèn… Đúng rồi. Thái sẽ lên gặp chỉ huy trung đoàn. Đó là nơi Thái có thể bộc bạch được hết những suy nghĩ của mình.
… Tám giờ sáng, mặt trời chiếu xuống những tia sáng mỏng manh, tách qua đám mây nặng trĩu hơi nước. Ánh nắng còn yếu ớt, gió nhè nhẹ xua tan những quầng thâm u ám. Trời đất trong veo như pha lê, phóng tầm mắt có thể nhìn đến tận chân núi xa. Một buổi sáng đẹp tuyệt vời! Chẳng lúc nào trời lại đẹp như sau cơn mưa. Thái bước ra khỏi nhà, vươn vai, hít thở. Đã một tuần nay mưa, thao trường không người đến diễn tập, Thái cũng ru rú ở trong nhà, người ngợm thấy tù túng vô cùng. Sáng nay thì khác hẳn. Trên thao trường mênh mông như có sự thay đổi kỳ lạ. Cỏ không còn xơ xác nữa mà ken dày, xanh mướt. Hoa dại nở dọc các mép đồi, lan xuống các chiến hào. Ong, bướm bay dập dờn hong khô những đôi cánh nhỏ xinh xinh. Trên thao trường loang lổ vết lở loét nay đã tràn ngập một màu xanh. Ngay cả những rặng cây, khóm cỏ ven đường hành quân bị bụi phủ kín, đỏ au nay được nước mưa gột rửa cũng trở về màu xanh nguyên sơ. Thái nhận ra một điều: Chỉ có loài cỏ sống ngoài thao trường là đẹp hơn cả! Cỏ đội đất đá mọc lên, cây nào cũng thẳng tắp, hiên ngang. Cây này kết cấu với cây kia tạo thành một bãi cỏ xanh rộng bát ngát. Những ngọn cỏ dại này, dù có bị chà đạp hay bị giày xéo tơi bời, trong lòng đất thân cỏ vẫn ấp ủ một mầm sống. Chỉ cần một trận mưa thôi! Cỏ sẽ mọc ào ào và mang thêm một sức sống mới. Nhìn thao trường rộng lớn, Thái bỗng ước mình có đôi cánh để bay lên. Thái muốn rũ bỏ những nặng nhọc vô hình để thân mình được nhẹ nhõm hơn. Thái hít thở thật sâu khí trời, cảm giác cái án kỷ luật đã bớt nặng nề đi rất nhiều. Khiển trách trước toàn trung đoàn. Tiếp theo là điều ra trông coi thao trường. Thái đã tìm thấy con đường đi mới cho mình trong những ngày sống cô đơn ở thao trường này. Nghe đâu anh Đăng cũng bị chính ủy trung đoàn gọi lên nhắc nhở, rút kinh nghiệm sâu sắc. Chuyện thực ra chả có gì mà phải để tinh thần của mình bị tổn thương thế này, thật là cái giá quá đắt. Thái còn rất trẻ. Không thể để những phiền muộn không đáng có ám vào tâm hồn trai trẻ của Thái. Mấy đêm mưa vừa rồi, Thái không tài nào ngủ nổi. Giữa màn đêm yên tĩnh, Thái nghe từng tiếng mưa rơi lốp bốp trên mái nhà. Rồi Thái nghe được cả tiếng mưa thấm sâu vào lòng đất, hơi nước chan hòa với những mầm cỏ. Và, tựa hồ như, Thái còn nghe được cả tiếng cỏ đội đất, tách không gian vươn lên…
Để sáng nay cỏ dâng ngập lên trong mắt Thái một màu xanh của hy vọng.
Lớp viết văn Quân đội, tháng 4 năm 2008