Sinh ngày: 8-1-1974
Quê quán: An Hưng, An Dương, Hải Phòng
Hiện công tác tại: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
CHUYỆN MỘT NGƯỜI HẢI PHÒNG
Giữa lúc thân nhân và tôi đang bối rối không biết làm thế nào để lo việc hậu sự như vuốt mắt, tắm rửa thi thể cho kẻ vừa từ biệt cõi dương gian thì người đàn ông ấy bước đến.
Bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rõ lời, anh chia buồn với tang gia, rằng chuyện sinh tử của con người là lẽ thường tình, cái chết cũng là một cách để tái sinh cho kiếp sau. Lời nói thật giản dị ấy khiến cho mọi người vơi đi nỗi đau đang giằng xé tâm can. Anh bạn tôi chết khi chưa bước qua ngưỡng 40 lại mắc căn bệnh thế kỷ do một lần sơ sẩy khi cấp cứu tai nạn giao thông cho một gã giang hồ ở Bến Bính. Vậy cho nên người thân không dám tới gần. Vậy mà giờ đây có người xa lạ tới an ủi. Thấy chúng tôi đều bất ngờ, anh nói tiếp:
- Chúng ta hãy lo thật chu đáo cho người về cõi thiên thu. Tôi sẽ đảm nhiệm việc hậu sự nhập liệm nhưng bà con nên đến gần để tiễn người thân nằm vào áo quan.
Tôi nhắc để anh biết rằng người ấy mất vì bệnh lây nhiễm chưa tìm ra thuốc chữa. Anh đáp:
- Vâng, chính vì căn bệnh ấy nên tôi mới được chỉ định lo việc hậu sự.
Vào căn phòng để thi thể nạn nhân, anh thắp một bó nhang, chia cho mỗi người một cây, còn lại anh vái tạ người vừa từ trần cắm lên cái lư sành đặt trên cái bàn nhỏ phía đầu người chết. Rồi anh chậm rãi lấy cái áo trắng mắc bên tường, mở cái tủ đựng đồ để đeo găng tay, đi ủng, khẩu trang. Mọi việc thật thành thạo. Anh nói trống không:
- Kể ra anh về với tổ tiên như thế này là trẻ nhưng đã có hai đứa con đủ nếp tẻ rồi cũng là may. Nào để tôi tắm rửa cho anh, nào… Mời các bà, các chị lui ra ngoài…
Tôi đứng lặng nhìn anh tắm rửa bằng nước pha trầm hương, thay đồ áo, chải đầu cho bạn tôi một cách thật kính cẩn, tỉ mẩn như chính thân nhân của anh. Hơn thế, như người ta trang điểm cho người đi dự lễ. Cũng phải cả tiếng đồng hồ mới xong. Anh bấm điện thoại gọi mấy người đàn ông khác đến cùng anh đưa thi thể người quá cố vào áo quan. Khi chúng tôi ra khỏi phòng nhập liệm, trời đã khuya. Người chị cả của bạn tôi trao cho anh cái phong bì nhưng anh gạt đi:
- Tôi làm công việc ấy đã được Nhà nước trả lương rồi. Đó là nhiệm vụ của tôi mà!
Thảy mọi người đều sững người vì xúc động. Anh nói tiếp, giọng vẫn điềm tĩnh:
- Xin các bác, các chú, các cô đừng băn khoăn gì. Bao giờ đưa tang, đừng chạm vào quan tài, chú ý tới các cháu con anh ấy.
Dặn xong, anh bước ra ngoài. Tôi theo anh tới phòng vệ sinh rửa ráy. Đợi cho anh vệ sinh xong, tôi nói:
- Tôi muốn mời anh ra ngoài kia dùng bữa khuya.
Anh ngó tôi một thoáng, qua ánh sáng ngọn đèn xiên ngang, gương mặt vuông, đôi mắt nâu như phát ra ánh sáng:
- Chúng mình ra quán cà phê giải lao thì được. Anh đợi tôi một lát.
Anh vào căn phòng cuối hành lang lấy cái điếu cày. Tôi hỏi:
- Thời này còn hút thuốc lào?
Anh cười nhỏ:
- Dân Vĩnh Bảo mà anh. Tôi nghiện thuốc lào rồi. Này, chưa nghe ai bảo hút thuốc lào độc như thuốc lá nhỉ?
Tôi theo anh. Anh có đôi bàn chân to, bước chắc chắn nhưng rất nhẹ nhàng. Chúng tôi tạt vào quán cà phê chéo cổng bệnh viện. Đợi anh rít xong điếu thuốc lào, mà anh gọi là là điểm tâm khuya, tôi hỏi anh:
- Mỗi tuần anh trực mấy ngày, đêm?
- Thường xuyên vì bệnh viện này chỉ có tôi lo hậu sự cho người lây nhiễm.
- Nhà anh ở phố nào?
- Trước kia gia đình tôi thuê căn hộ nhỏ ở gần đây nhưng từ khi tôi làm nghề này bà xã tôi đưa ba đứa con về Vĩnh Bảo rồi.
- Sao quê anh ở Thủy Nguyên lại về Vĩnh Bảo?
Anh lặng người, khuôn mặt bất chợt nặng trĩu xuống:
- Chuyện dài, thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tôi được vậy cũng là hơn chán người rồi.
Anh tên là Phúng. Người Hải Phòng thường mau miệng và ít khi giấu chuyện riêng tư:
- Thời xưa, bố tôi hành nghề thầy cúng ở vùng quê Vĩnh Bảo nên thích dùng chữ theo nghề. Tôi là Phúng, em trai tôi là Cầu, em gái là Xin khi vào mẫu giáo nhà trường khuyên không nên dùng tên Xin, ảnh hưởng tương lai, nên đổi lại thành Xinh.
Hóa ra, như mọi thanh niên thời đất nước xảy ra chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Phúng đã lên đường đánh giặc. Sau ba năm quần nhau với lính áo đen Pôn Pốt, Phúng nhận quyết định phục viên. Về quê, thời gian đầu Phúng trồng ba sào cây thuốc lào, hai sào ruộng. Đâu được hai năm, anh thấy cần phải học ngành nghề gì đó chứ bám vào ruộng đất là khó sống lắm, độc thân còn khó huống hồ sau này còn vợ, còn con. Vậy là Phúng đậu vào trường Trung cấp Y, khoa Điều dưỡng. Ngày ấy, ai cũng chê khoa ấy vì làm việc cực nhọc, tiếp xúc với bệnh nhân mang bệnh nặng, có khi mắc chứng truyền nhiễm. Nhưng đã là người từng mặc áo lính, tôi xung phong vào cái khoa mọi người ghẻ lạnh ấy. Anh nói. Sau ba năm học, Phúng được tuyển vào làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng. Phúng mướn một căn phòng trọ nhỏ gần bệnh viện để ở, hằng ngày cơm hàng, cháo chợ. Nhưng so với thời chiến tranh, cũng là thiên đường rồi! Phúng thường thích những đêm khuya, anh thong thả đạp xe trên đường vắng, nhà bên đường đã đóng cửa, cây hai bên đỏ rực màu phượng vĩ tạo cho con đường dài như một cái ống dài, gió biển tràn lên rười rượi, khí trong lành.
Phúng thường thong thả đạp xe trên đường quen thuộc ấy nhưng mỗi lần qua đều phát hiện ra những nét mới của những thân cây cao hơn, những ngôi nhà vừa xây dựng lại, khang trang hơn. Trên nhiều khung cửa sổ thấp thoáng ánh đèn màu hạnh phúc. Phải, bao nhiêu năm mình xông pha lửa đạn cũng chỉ mong quê hương được yên bình thế này. Anh nghĩ vậy. Khuya ấy, không hiểu sao Phúng đạp xe lên phía nhà ga xe lửa. Khi tới gần cửa chính, chợt anh thấy mấy thằng du côn đang vây lấy một cô gái chòng ghẹo. Cô gái ôm khư khư chiếc túi muốn thoát khỏi vòng vây mấy gã ôn kia. Phúng hiểu ra liền, anh vội đạp xe đến, cô gái nhìn anh như cầu cứu, rất nhanh trí, Phúng nói to:
- Sao em về muộn thế, anh đợi mãi - Rồi anh nói với mấy thằng kia - Đây là em gái tôi - Mấy gã đưa bộ mặt bặm trợn ngó Phúng. Hình như thấy vóc dáng Phúng, chúng lùi ra. Phúng nói với cô gái:
- Em lên xe, anh chở về.
Mấy gã kia nhìn theo Phúng chở cô gái tiếc rẻ, miếng ăn kề miệng còn bị hụt, không tiếc sao được. Phúng tự giới thiệu:
- Tôi là nhân viên ở Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng.
Cô gái nhận xét:
- Nhìn dáng anh, em đoán anh từng là bộ đội.
- Cô tinh mắt đó, tôi từng là chiến sĩ chiến đấu nhiều năm ở biên giới Tây Nam. Bây giờ cô về đâu?
Cô gái nói, giọng dịu dàng nhưng vẫn chưa hết sợ:
- Em đi chơi nhà bạn ở Hà Nội về, tàu muộn nên vậy. Nhà em ở Vĩnh Bảo.
Suy nghĩ một lát, Phúng nói:
- Bây giờ không có xe đâu. Tôi có phòng riêng nhưng mời cô về nghỉ không tiện cho cô. Con gái cần phải phòng xa, kể cả tiếng đàm tiếu, đúng không? Để tôi đưa cô tới nghỉ nhờ nhà một chị cùng cơ quan tôi.
Người chị mà Phúng dẫn cô gái tới xin nán nhờ qua đêm tên là Phúc, quê ở An Hải. Chị Phúc làm việc ở khoa Nội tiết khá lâu, tuổi đã đứng nhưng vẫn độc thân. Vóc dáng cao ráo, gương mặt sáng, hài hòa nhưng đã ngấp nghé tuổi bốn mươi chị vẫn đi về lẻ bóng. Nhiều lúc Phúng suy nghĩ mãi về chị rồi anh tặc lưỡi, thôi thì do số chị vậy. Phúng hy vọng sẽ có đôi mắt xanh của chàng trai nào đó nhận ra nét đẹp đoan trang của chị. Gõ cửa người ta vào đêm khuya là ngại lắm nhưng hoàn cảnh này buộc phải thế. Nghe Phúng trình bày, Phúc quan sát cô gái một lát rồi nói:
- Tin chú Phúng, tôi mời cô vào nghỉ qua đêm.
Phúng mừng đến run lên. Anh nói:
- Chị cho em nấu cơm mời khách chứ.
- Cô chú hãy ngồi nói chuyện, để chị nấu.
- Chị quên em từng là anh nuôi rồi sao?
Tất nhiên người chị cùng cơ quan vui vẻ chiều theo ý Phúng. Khi Phúng chuẩn bị nồi niêu, cô gái nói với chị:
- Chị cho em nấu nướng, em đã làm phiền đến chị rồi.
Phúng gạt đi:
- Hai chị em cứ trò chuyện với nhau cho vui.
Trong lúc Phúng chuẩn bị bữa ăn, người chị trò chuyện với cô gái. Khi Phúng bưng mâm cơm, chỉ có một đĩa rau muống luộc, đĩa trứng rán lên, chị nói:
- Cô Hòa này là giáo viên dạy toán đấy, chú Phúng ạ.
Bữa ăn khuya bắt buộc tưởng diễn ra nhanh nhưng người chị lại say chuyện với cô gái quá thành ra khi kết thúc đã gần sáng. Phúng giục mọi người rửa ráy rồi mời ra quán phở gần đó ăn sáng. Rồi anh cũng phải tới bệnh viện làm luôn. Sau khi điểm tâm sáng, người chị dùng xe đạp chở cô gái về trường. Sáng Chủ nhật tuần ấy, cô gái cùng bà mẹ đến tận bệnh viện tìm Phúng, trao cho anh giỏ trái cây. Bà rối rít cảm ơn Phúng rồi nói nếu không gặp được anh chưa hiểu số phận con bà sẽ ra sao, nhờ phúc đức nhà tôi to nên gặp được chú. Rồi bà mở túi xách kín đáo trao cho Phúng cái phong bì đựng tiền dày tới độ mép rách lòi ra. Phúng gạt nhanh:
- Cháu chỉ xin ít trái cây chứ không bao giờ nhận tiền.
Bà mẹ đưa mắt nhìn cô gái, hình như bà rất xúc động, nét mặt đỏ bừng lên. Phúng đang nói chuyện với bà mẹ thì một nhân viên chạy tới:
- Anh Phúng, trưởng khoa cho em tìm anh, có việc cần.
Phúng xin phép bà mẹ rồi vào bệnh viện. Khoảng hai tuần sau, cô gái lại đến tìm Phúng. Bây giờ họ như là bạn của nhau, Phúng dùng xe đạp chở cô đi dạo những con đường anh cho là đẹp trong thành phố Hải Phòng. Rồi tình yêu đến tự lúc nào không hay. Chị Phúc là người ra sức vun vén tình yêu cho đôi trai gái này. Sau đám cưới đơn sơ nhưng đầm ấm do Đoàn Thanh niên bệnh viện đứng ra tổ chức, Phúng xin cho vợ về dạy học ở trường trung học. Một năm sau, họ đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Tưởng đâu cuộc sống hạnh phúc tròn đầy với gia đình bé nhỏ ấy nhưng sự đời không gì là trọn vẹn cả.
*
Phúng vê viên thuốc lào cho vào nỏ thong thả rít một hơi rồi nhả khói khoan khoái. Anh còn muốn kể tiếp cho tôi nghe nhưng tiếng điện thoại trong túi anh đổ chuông. Anh bắt sóng nói với ai đó một lát, vẫn là cái giọng nhỏ nhẹ. Rồi quay sang nói với tôi:
- Có một ca vừa tắt thở, tôi phải vào lo hậu sự đây. Mình hẹn nhau lúc khác.
Tôi nắm tay anh:
- Tôi đang nghỉ phép, rất muốn gặp lại anh.
- Vậy trưa mai chúng ta gặp nhau. Anh còn phải lo lễ mai táng người kia mà.
Tang lễ làm trong sáng mai. Gia đình ấy cũng sợ lây nhiễm nên không muốn đưa thi hài về nhà. Theo hẹn, non trưa hôm sau, tôi đến gặp Phúng. Phải đợi ở phòng khách một giờ Phúng mới xong việc. Chúng tôi đưa nhau ra cái quán ăn bên bờ sông. Phúng mời tôi chọn món ăn. Hóa ra anh cùng sở thích với tôi là món tôm sú nướng muối ớt, cá lóc hấp. Phúng rót bia vào ly cho tôi rồi nói:
- Ngày vợ tôi còn ở đây, chiều cuối tuần chúng tôi thường đến đây ăn uống.
Mặt Phúng trở nên trầm ngâm. Tôi an ủi:
- Anh nói đúng, ở đời chẳng gì trọn vẹn đâu. Đến trái đất chẳng tròn vạnh được cơ mà.
Phúng kể tiếp chuyện hôm trước. Khi bệnh nhân bị bệnh SIDA nhiều, việc khó khăn nhất của bệnh viện là tìm nhân viên lo điều dưỡng, chăm sóc người mắc bệnh này rồi lo việc hậu sự. Nhiều gia đình bỏ mặc bệnh nhân ở bệnh viện. Khi chết, rất hiếm gia đình nào dám khâm liệm, không dám chạm vào người chết vì sợ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ ấy. Một hôm, giám đốc bệnh viện gọi Phúng đến. Là một cán bộ lịch lãm, ông nói xa nói gần về tuyển một nhân viên ở khoa Điều dưỡng lo việc khâm liệm cho người bị bệnh SIDA. Phúng hiểu liền, anh nói:
- Nếu ai cũng ngại việc đó, các đồng chí cứ giao cho tôi.
Giám đốc bệnh viện nắm lấy tay Phúng:
- Đồng chí hãy trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống lây nhiễm trước khi tiếp xúc với thi thể ấy.
Phúng làm công việc ấy được đâu một tháng thì vợ anh biết. Vốn là một cô giáo hiền thục nhưng chị đã không kìm được tức giận:
- Anh không sợ lây nhiễm đến vợ con sao?
Phúng giải thích thế nào vợ anh cũng không nghe. Từ đó, chị nhìn anh với đôi mắt thiếu thiện cảm, bữa ăn cũng không được ngon lành như trước, đến lúc ngủ chị đưa con vào một phòng rồi đóng chặt cửa.
Hai người sống chung một nhà nhưng đã ly thân. Ly thân chỉ vì Phúng làm công việc thường xuyên tiếp xúc với thi thể bệnh nhân bị căn bệnh chưa có thuốc chữa ấy. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Một đêm Phúng đi làm về, cũng đã gần khuya, tưởng đâu sẽ được lót dạ món gì đó trước khi đi ngủ nhưng vợ anh đang ngồi ở bộ bàn ghế giữa phòng khách:
- Tôi có chuyện này muốn nói với anh.
- Chuyện gì nghiêm trọng vậy? - Phúng nói đùa.
Bằng giọng nói trơn tru như đã chuẩn bị từ trước, chị cho anh hay để bảo toàn tính mạng cho con, cho các thành viên khác trong gia đình, nói trắng ra là chính chị, khỏi căn bệnh quái ác ấy, chị đã xin chuyển về quê mẹ đẻ dạy học và dĩ nhiên là mang theo con trai. Nghe vợ nói, Phúng bàng hoàng. Nhưng anh biết tính vợ, không thể ngăn nổi đâu. Đàn bà, con gái Hải Phòng thường nóng tính, nói là làm bằng được. Anh cố giữ bình tĩnh nói:
- Cô đã quyết, tôi chấp nhận. Chỉ lo mình cô không nuôi dạy nổi các con.
Chị nhìn anh, cái nhìn sắc lạnh chưa bao giờ anh thấy đôi mắt vợ như thế:
- Tôi chỉ có một yêu cầu nhỏ, mỗi tháng anh gửi cho nó một triệu, để cho nó biết còn bố. Tôi sẽ đảm bảo dạy nó khôn hơn anh nhiều.
Phúng lặng người, đây là lần đầu tiên vợ anh nói giọng thất lễ như vậy. Phúng đang tìm cách nói thì vợ anh tiếp:
- Tất nhiên tôi vẫn là vợ anh. Chúng ta sẽ tái hợp khi anh bỏ công việc nguy hiểm ấy đi. Tất nhiên, trước khi về với nhau, tôi sẽ dẫn anh đến bệnh viện lớn khám toàn diện, xét nghiệm máu chu đáo.
*
Kể tới đó, Phúng nhìn tôi một lát rồi hỏi:
- Câu chuyện của tôi không có gì đặc biệt phải không? Chừng nào anh rảnh, gặp nhau tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện chúng tôi cứu nhân dân Campuchia chạy sang tị nạn thời Pôn Pốt diệt chủng.
Tôi gật đầu. Chợt điện thoại di động Phúng đổ chuông, anh áp tai lắng nghe một thoáng rồi nói với tôi:
- Lại có một ca chết vì nạn đua xe, mọi người nghi hắn nhiễm căn bệnh quái ác ấy, họ yêu cầu tôi đưa xác ấy vào áo quan. Tôi đi làm đã nhé.