Tên khai sinh: Nguyễn Văn Sáu
Quê quán: Thường Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hiện công tác tại: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
TRE KHÓC…
-Mẹ ơi… con sợ!
- Hừ, ngủ đi con, sợ gì... có mẹ đây này, dắm mắt vào, ngủ đi… - Ngần xoay người, dỗ dành con, nửa sườn phải vẫn ê ẩm đau.
- Mẹ ơi… ai khóc đấy mẹ?
- Hừm, đâu nào?
- Đấy, hu… hu… con sợ lắm. Ma đấy mẹ ơi…
- Ngậm miệng. Tre bị gió nó vít cong nên thế đấy, ngủ đi, làm gì có ma… - Nói nựng con vậy, nhưng Ngần cũng ớn lạnh khắp người, cũng sợ.
Đêm. Làng Dinh chìm vào giấc ngủ. Bão rồi. Không phải, chỉ là gió bấc chuyển mùa thổi ào ào. Gió vít cong thân tre quệt vào nhau rào rào, răng rắc, ken két. Có lúc tiếng ken két tưởng như tiếng ai khóc thút thít. Ngần nghe mà lòng dạ như có ai cào ai cấu… Chưa bao giờ Ngần thấy nỗi sợ, nỗi cô đơn lại đè nặng trong Ngần như bây giờ. Nó đến từ chiều nay, khi mà bác bưu tá chuyển cho Ngần lá thư kèm bức ảnh của một người đàn bà xa lạ…
“Chị Ngần!
Tôi và chị chưa hề quen biết nhau, cũng chả có ràng buộc gì, chỉ là vì một gã đàn ông tên là Hoan, chồng có hôn thú của chị…” - Người đàn bà kia dạo đầu bằng một giọng ráo hoảnh và trơ tráo như vậy. Chị ta kể rằng, đáng lẽ ra chị ta sẽ giấu nhẹm chuyện này, tức là chuyện đã có con với Hoan, chồng Ngần. Nhưng vì Hoan là kẻ “vi phạm hợp đồng”, “không biết mình là ai”, lại “có lời lẽ lăng mạ quá đáng” nên giờ chị ta buộc phải lật tẩy hết, kể cả với Ngần là vợ, và cả với đơn vị của Hoan, để hậu quả như thế nào thì đã rõ mười mươi…
Đọc xong lá thư và tấm ảnh đứa bé trai gần hai tuổi, giống chồng mình như tạc, Ngần rời rã thân xác, ngồi bệt xuống hiên nhà. Ngần cứ để nguyên tư thế ấy hàng tiếng, nhìn vào vô định. Phải đến khi thằng Hoàn đi học về, chưa tháo chiếc cặp ở vai đã ào vào làm nũng mẹ: “Mẹ thưởng con đi, con được điểm mười!”. Ngần mới choàng tỉnh. Ôm con vào lòng, Ngần vẫn chưa nguôi được nỗi đau giằng xé. Chị như đang rơi từ một độ cao nào đấy xuống tận cùng địa ngục, hay như là bị ai đó giáng một cú đánh mạnh, bất ngờ như trời giáng, không kịp định thần nó như thế nào. Hoan của chị là thế này ư? Bấy lâu nay chị vẫn tự hào về anh, một sĩ quan quân đội, một giáo viên dạy ở một trường sĩ quan danh giá. Hơn nữa, mỗi lần về tranh thủ, Hoan chẳng có biểu hiện nào khiến chị nghi ngờ về tình cảm với vợ con. Ai ngờ, tình cảm ấy đã bị chia sẻ mà Ngần đâu có biết. Thậm chí, giờ đây, Hoan còn đứng trước nguy cơ mất hết…
Trời lại mưa. Mưa quất vào mái hiên ràn rạt. Tre vẫn rũ rượi trong gió, trong mưa nghe như tiếng khóc nỉ non lúc xa lúc gần. Thằng Hoàn bấu lấy mẹ, sợ như gặp cọp. Ngần đưa bàn tay lạnh giá vỗ về con, người chị lạnh không phải bởi gió chuyển mùa bất ngờ chưa kịp lấy thêm chăn trên giá ra, mà bởi vẫn đang cảm giác bị rớt ngã. Ngoài thì lạnh mà trong ruột gan thì nóng, nóng lắm. Sôi ùng ục. Mong sao trời nhanh sáng để thuê xe ôm đến cái địa chỉ có người đàn bà xa lạ kia. Ngần cũng chưa biết phải làm thế nào, phải nói thế nào, nhưng nhất quyết phải ngăn chị ta lại, không để chị ta làm chồng mình rơi vào thế cùng đường…
*
- Bác ơi, làm ơn cháu hỏi đường về thôn Cầu Cất ạ? - Bác xe ôm chưa kịp dừng hẳn, Ngần đã hớt hơ hỏi một bà cụ đang quảy quang gánh đi ngược chiều. Ngó hai người lạ nhuốm đầy bụi đường đỏ ngàu từ chân đến đầu, bà cụ thủng thẳng:
- Cứ thẳng. Rẽ phải. Lên dốc… Mà hỏi nhà ai nhẩy? - Bà cụ hỏi lại.
- Nhà chị gì… À chị Lung… chị Lung… - Ngần lại hớt hơ, vừa nói vừa phải giở lá thư ra xem lại tên, địa chỉ.
- Phải. Cô Lung. Không chồng mà có con. Nhà bán quán nước bên đường. Đi đi. Đang ở nhà đấy - Bà cụ nói một thôi, rồi lại thũng thẵng quảy quang gánh đi.
Đây rồi. Cái người đàn bà xa lạ mà Ngần sắp giáp mặt đây rồi. Sao chân Ngần không muốn đặt xuống đất để bước vào. Bác xe ôm phải nhắc đến câu thứ hai rằng xuống đi, nhà đây rồi, Ngần mới giật mình lập bập xuống xe. “Tôi ngồi đợi ngoài gốc đa đằng kia, lúc nào về chị hú tôi đón!”. Bác xe ôm bảo vậy rồi để Ngần một mình lưỡng lự trước cửa ngôi nhà người mà Ngần đang cần gặp. Nó nằm ngay gần ngã ba đường rải đá cấp phối. Ngôi nhà mái bằng xây dạng nhà ống, phía trước là nơi bán hàng, phía sau là nơi sinh hoạt. Cởi chiếc áo chống bụi, không cả giũ, Ngần gấp xuê xoa, cầm tay trái, tay phải cầm chiếc túi rụt rè bước vào. Cửa vẫn mở, quán không có khách. Nhưng chủ quán hình như đang hí húi trong nhà. Ngần không dám cất tiếng gọi, cứ đứng chết lặng mân mê chiếc túi. Nếu có ai đó đi ngang qua nhìn thấy, người ta sẽ tưởng Ngần là người ăn xin đợi chủ nhà dang tay bố thí. Cũng có thể sẽ nghĩ đây là một người mất trí lang thang…
- Cô là Ngần? Vào đi!
Giọng nói lạnh và sắc cất lên bất ngờ khiến cho Ngần thót tim. Dù biết sẽ có giây phút phải đối mặt với con người xa lạ này mà sao Ngần vẫn không thể trấn tĩnh được. Ngước cặp mắt nhìn vào bên trong khung cửa có tấm rèm che kín đáo, Ngần đã nhìn thấy rõ người đàn bà ấy. Chị ta trẻ hơn so với sự tưởng tượng của Ngần, bởi trong thư chị ta nói hơn Ngần những bốn tuổi. Khuôn mặt được tỉa tót và mỹ phẩm nên không có vẻ lam lũ như Ngần, một giáo viên mầm non lại vẫn nhận khoán ba sào ruộng. Đôi mắt sắc lẹm, bộ ngực nở nang cứ như được phơi ra sau tấm áo nỉ cổ rộng. Nhìn chị ta, Ngần ớn lạnh, thầm nhủ: “Thảo nào mà…”.
Nhắc Ngần uống cốc nước trà nóng rót đã sắp nguội, người đàn bà tên Lung vào đề:
- Những gì cần nói, tôi đã nói hết trong thư gửi cô rồi, cô đến gặp tôi làm gì nữa, tôi có muốn cướp chồng của cô đâu?
Ngần bặm môi. Cơn gió bất ngờ ào đến hất mớ tóc rối lòa xòa của Ngần phủ kín khuôn mặt bàng bạc. Lạnh. Ngần co rúm người. Mãi sau mới cất được tiếng nói nhẹ và khản đặc trong cổ:
- Em bất ngờ quá… Em cũng chưa nói chuyện với anh Hoan… Chưa cho ai biết chuyện này… Em gặp là để… để xin chị… xin chị… đừng kiện… anh ấy… anh ấy sẽ bị kỷ luật và bị đuổi về mất… Em xin chị…
Ngần bật khóc. Đôi vai gầy của Ngần rung lên trong tiếng nấc. Cảm giác như Ngần là một người có lỗi, đang phải cố làm mủi lòng kẻ “nắm đằng chuôi” vậy.
- Nhân nào quả nấy mà cô! - Lung vẫn cất giọng lạnh lùng - Chỉ bao giờ hắn vác mặt đến đây, quỳ xin tôi mới có thể bỏ qua cho những lời đau độc ấy. Còn thì không bao giờ. Tôi cũng đâu cần hắn. Cứ tưởng là thằng tử tế, ai ngờ…
- Chuyện giữa chị và anh ấy thế nào em không biết, chứ mà em cứ xin chị, chị tha cho anh ấy, chị đừng kiện anh ấy, cho anh ấy cơ hội xin lỗi chị… - Ngần đã bớt cơn nghẹn ngào. Chị vẫn tha thiết van xin.
- Không được! Tôi không kiện, để hắn vẫn ung dung làm thầy dạy sĩ quan, vẫn ung dung đạo mạo và coi thường tôi, con tôi à! Thử hỏi, với những gì hắn làm, hắn có còn đủ tư cách là sĩ quan nữa không, chứ đừng nói chuyện làm thầy? - Lung gắt gỏng. Nhìn chị ta lúc này giống như một quan tòa, lạnh lùng và quyết đoán.
- Em cũng biết vậy, nhưng chuyện đã rồi, em cũng giận lắm, cũng đau lắm, nhưng vẫn không muốn anh ấy phải chịu hậu quả nặng như thế. Em vẫn cầu xin chị, xin chị đấy… - Ngần vẫn kiên trì.
*
Lại một lần Hoan được cử theo lớp đào tạo sĩ quan đi huấn luyện xa đơn vị. Hoan tốt nghiệp Sĩ quan Lục quân loại khá, quân hàm trung úy và được điều về trường này, cũng là một trung tâm đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Làm cán bộ “khung” trọn một khóa, Hoan được cất nhắc lên khoa giáo viên chiến thuật. Ở đây, Hoan được làm thầy. Đôi lúc những học viên sĩ quan tuổi chả kém anh là bao, gọi bằng thầy, Hoan thấy hơi ngượng ngùng. Cấp hàm thượng úy, tuổi đời chưa đến ba mươi, tương lai đang mở ra với anh. Có lần giờ nghỉ, cánh học viên quây lấy thầy chuyện trò tếu táo, một cậu bất ngờ hỏi:
- Thầy ơi, thầy đã bị một mắt xanh nào lọt vào tim chưa? - Cả nhóm cùng cười và hướng về Hoan, ý muốn thầy giáo trẻ kể chuyện riêng tư. Hoan định trêu lại, nhưng lại thật thà:
- Mình “bị” rồi! Ở quê cơ, nên đã có cháu trai gần 5 tuổi rồi!
- Ôi thôi! Tiếc nhỉ! Thầy đẹp trai thế, lại trẻ thế, ối cô còn mê tít mắt, thế mà… - Lại cậu ban nãy tếu táo.
Đôi khi Hoan cũng thấy tiêng tiếc. Ở tuổi anh, nhiều người vẫn “phòng không”, và họ vẫn còn nhiều mơ mộng lắm. Hoan thì đã yên bề. Bây giờ cứ hai tuần là anh lại “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết…” về quê với vợ con. Nhà cách trường hơn bốn chục cây số, mấy năm trước Hoan vẫn phải gò lưng đạp xe đạp. Mà mãi chiều thứ bảy mới được về tranh thủ. Đạp hơn bốn tiếng đồng hồ mới lọc xọc vào đến cổng nhà. Quê anh bấy giờ chưa có điện. Nghe tiếng xe lọc xọc là con chó cún gâu gâu báo hiệu, cậu con trai lậng bậng chạy nhao ra “bố bố”. Mỗi lần về vất vả thật đấy, nhưng cũng thấy vui, đầm ấm. Rồi chiều chủ nhật, Hoan lại ngậm ngùi chào con, chào vợ dắt xe đạp lên trường. Nắng ráo đã vậy, còn mưa, còn rét thì thật khổ. Bây giờ Hoan đã cố chắt chiu và vay mượn để tậu được chiếc xe Mô kích S51 cà tàng, “uống” xăng hơi tốn, nhưng cũng đỡ hơn cái xe đạp kia nhiều. Mỗi lần về “ẻn ẻn” đầu ngõ, là cu con nhà Hoan lại chạy nhào ra ngã dậm dụi…
Vợ Hoan là Ngần, một cô gái nết na. Đến bây giờ nghĩ lại, anh vẫn tự cho đó là một tình yêu “sét đánh”, bởi nó đến với anh quá nhanh, quá dồn dập, cứ y như bài chiến thuật đánh địch trong công sự dã chiến ấy, thời gian chuẩn bị không lâu, nhưng đã đánh là xung phong dứt điểm ngay sau “mở cửa”. Hoan tình cờ gặp Ngần trong lần dự liên hoan chia tay Hoàng - một cậu cùng xã chuẩn bị nhập học ở Trường Lục quân, nơi Hoan cũng đã từng là học viên và mới ra trường. Biết Hoan sơ sơ, nhưng Hoàng đã chủ động tìm anh để “nhờ cậy” anh chỉ giáo “đường đi nước bước”. Hoan cũng đang nghỉ chờ nhận công tác mới, nên nhận lời xuống nhà Hoàng dự liên hoan. Cùng xã, nhưng nhà cậu này với nhà Hoan cách nhau đến vài cây số, nên đây là lần đầu Hoan đến, phải tìm hỏi lòng vòng mãi. Gia đình Hoàng đón Hoan y như vị ân nhân lâu ngày gặp lại. Có lẽ bởi muốn qua Hoan, cậu Hoàng sẽ học hỏi được nhiều điều mà trước lúc vào trường cần phải biết, cần phải chuẩn bị. Bà mẹ Hoàng cứ bám riết lấy Hoan để nhờ cậy đủ điều, khuôn mặt bà lộ rõ vẻ lo lắng. Hoan đang cố gắng dùng lời thật khéo để bà yên tâm, thì chợt một cô gái bước ra từ trong bếp, má ửng đỏ, khuôn người nhỏ nhắn nhưng rất cân đối, miệng cười tươi chào anh. Hoan còn đang bối rối trước vẻ đẹp nền nã của cô gái, thì bà mẹ Hoàng đã nhanh nhảu:
- Cái Ngần, chị thằng Hoàng đấy anh ạ. Nó vào Nam từ mấy năm rồi, đang ra ngoài này học Sư phạm mẫu giáo - Bà quay sang Ngần - Đây là anh Hoan, sĩ quan Lục quân đấy con.
Cô gái bước đến sát bên bà mẹ, nép vào làm duyên:
- Thế ạ. Em nghe Hoàng kể về anh nhiều, giờ mới biết. Em tưởng sĩ quan Lục quân phải có nước da “chống mối mọt” cơ, ai dè lại như anh, thế này thì em đỡ lo cho cậu Hoàng nhà em rồi…
Sau lần ấy, Ngần và Hoan cho nhau địa chỉ, rồi liên tục thư từ cho nhau. Hai người đến với nhau tự nhiên như thể đã biết nhau từ lâu lắm. Có lần, Hoan còn đạp xe đến tận ký túc xá trường Ngần đang học, xa tới mấy chục cây số để thăm nhau. Ngần cảm động lắm. Hai mươi ba tuổi, Ngần theo chị gái vào Nam sinh sống từ năm mười tám. Cô dạy mẫu giáo ở một nông trường cà phê. Làm cô giáo rồi mới được cử ra Bắc học Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo. Lúc gặp Hoan, Ngần đang học năm cuối. Chỉ còn mấy tháng nữa tốt nghiệp, cô sẽ trở lại vùng đất cao nguyên xa xôi kia để vui với đàn em nhỏ mà cô yêu quý. Nhưng giờ đây, trái tim cô dường như đã thuộc về chàng sĩ quan trẻ này rồi. Lòng cô rối bời giữa hai sự lựa chọn: Ở lại hay là trở vào Nam? Ở lại, cô sẽ có người yêu, hai người sẽ xây dựng tổ ấm tại quê. Vào Nam, cô sẽ được sống và làm việc trên vùng đất mà chị em cô gắn bó mấy năm rồi. Nhưng như thế, có thể cô sẽ mất Hoan. Cũng không ít chàng trai đã khiến con tim cô xao động, nhưng lần này thì mạnh mẽ lắm. Cô cảm giác mình đã yêu, yêu chân thành. Hình bóng chàng sĩ quan trẻ này đã ngự trong trái tim cô. Chỉ có điều, sao anh vẫn chưa nói ra! Ngần nghĩ, chắc vì anh ấy còn e ngại, con trai gì mà nhút nhát…
Hai người đi bên nhau trên con đường làng ướt đẫm sương đêm. Trăng non đầu tháng mỏng mảnh treo chênh chếch lẫn vào với chi chít sao trời. Tiếng con cóc kẹc ọ ẹ ọ ẹ vui tai. Tiếng con cun cút chạy va cả vào thân cây lúa. Hoan bỗng dừng lại. Chưa bao giờ anh thấy Ngần gần anh như thế. Bàn tay anh nắm lấy bờ vai tròn của Ngần, kéo sát vào gần nữa. Ngần đã áp vào anh. Khuôn ngực thanh tân của Ngần sau làn áo mỏng đã áp vào khuôn ngực nở nang ấm áp của anh, hơi thở hai người hòa chung một nhịp. “Anh yêu Ngần! Anh yêu Ngần lắm!” - Hoan vùi đầu vào làn tóc đen mịn của Ngần, nói trong hơi thở gấp gáp. Ngần không nói, cô nhắm mắt, khuôn mặt đẹp tựa tiên sa chờ đợi. Hoan cúi đầu đặt nụ hôn vào môi Ngần. Ban đầu, hai làn môi còn như e ấp, thăm dò, sau thì như hút vào nhau, dữ dội, bỏng rát. Bất ngờ, đôi tay rắn chắc của Hoan bế Ngần lên, hôn như mưa lên cổ, lên vùng ngực phập phồng trong hơi thở gấp gáp của Ngần. “Đ… ừ… n… g… a… nh…” - Tiếng thì thào của Ngần không ngăn nổi cơn khát cuộn dâng trong thân thể căng tràn sinh lực của Hoan. Anh đặt cô lên cỏ. Bản năng tự vệ khiến cho Ngần co rúm lại. Nhưng Hoan đâu có còn nhút nhát, còn e ngại như cô từng nghĩ. Loáng cái, thân thể nõn nà của Ngần đã bị bóc trần, phơi ra dưới màn trăng sao mờ ảo, quyến rũ. Bàn tay chai sần như đường cày bén lẹm xới trên cánh đồng màu mỡ. Ngần bay lên, bay lên như thể cô đã hái được vì sao đang nhấp nháy phía xa kia… Ngần chợt nấc lên, tiếng khóc khiến Hoan bừng tỉnh, lóng ngóng: “Anh… anh xin lỗi…”. Ngần lại vụt lên, ôm lấy khuôn mặt Hoan, hôn như mưa lên môi lên mặt, lên cổ anh, rồi nói trong tiếng nấc: “Không… em yêu anh… em yêu anh… Em là của anh… Em sẽ ở lại với anh… Em không vào Nam nữa… Anh giữ em ở lại… anh nhớ…!”.
Họ làm đám cưới. Mùa cưới cuối cùng có tiếng pháo đì đùng nổ. Ngắm Ngần mặc áo dài trắng, nón trắng, cầm bó hoa tươi, đi bên Hoan chững chạc trong bộ quân phục tiểu lễ, mẹ Ngần gạt nước mắt vì vui sướng: “Đấy, nó cứ vào Nam thì bao giờ thân già này mới được nhìn thấy ngày vui như hôm nay!”. Ngần ngơ ngác trong hạnh phúc đến nhanh và bất ngờ khiến bao dự định bị đảo lộn. Cô bỏ công việc ổn định ở vùng đất cao nguyên để trở về làm một cô giáo mầm non của làng. Thu nhập quá thấp, Ngần nhận thêm mấy sào ruộng khoán để cấy lúa, có đủ thóc gạo ăn không phải mua ở chợ. Năm sau, cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của cặp đôi ấy thêm niềm hạnh phúc mới…
... Đang mải mê theo đuổi ký ức ngọt ngào, chợt Hùng, một cán bộ đơn vị học viên vỗ vai Hoan, khiến anh giật mình:
- Thầy Hoan nghĩ gì mà có vẻ ưu tư thế? Lại nhớ cô giáo Ngần à? Xinh tươi thế chả trách được, nhớ là phải!
Hoan ậm ừ, lảng tránh câu trả lời. Hùng lại vỗ vai, bảo:
- Thầy Hoan ơi, mình tranh thủ ghé vào quán cô Lung uống chén nước đi thầy?
- Lung nào nhỉ? Trong làng Cầu Cất này à? Sao mình không biết nhỉ? - Hoan hỏi.
Hùng “bắn liên thanh” một hồi về trích ngang cô chủ quán này:
- Cô Lung, từng là hoa khôi của làng. Đi xuất khẩu sang Đông Âu về dở chừng. Tiền nhiều. Vẫn là hoa khôi, nhưng là “hoa khôi cô đơn”. Nhưng sắc lắm, đừng có đùa. Hồng đẹp mà có gai đấy, thầy giáo trẻ đẹp trai ạ!
Hoan chả nói chả rằng, lặng lẽ đi theo Hùng. Đẹp, hoa khôi, có gai hay không gai thì liên quan gì đến mình. Hoan nghĩ vậy.
Cô Lung đẹp thật. Sao ở một nơi bán sơn địa thế này mà lại có người phụ nữ đẹp nhường này. Một vẻ đẹp hiện đại, chứ không dân dã như mấy cô thôn nữ vẫn đi làm đồng qua thao trường mà Hoan lên lớp. Có lẽ vì cô ta từng sống ở nước ngoài, nên từ hình dáng, cử chỉ đến lời ăn tiếng nói cứ như người ở phố xá lạc về quê. Hùng quen thân cô Lung nên tự nhiên lắm. Còn Hoan là lần đầu, dù Hùng đã giới thiệu với cô Lung về anh có phần hơi cường điệu gây không khí vui vẻ, nhưng anh vẫn lặng lẽ, thăm dò. Điếu thuốc lá cô Lung đưa ra mời anh, bảo: “Lần đầu gặp, em mời anh hút cho vui”, Hoan cầm mãi mà chưa châm lửa, cứ để nguyên trong tay, ngồi nghe Hùng và Lung chuyện trò rôm rả.
- Anh Hoan ít nói nhỉ? Anh không vui khi vào quán nhà Lung sao?
Câu nói của cô chủ quán bất ngờ phá tan sự im lặng đến… vô duyên của Hoan. Anh ậm ừ, quay nhìn vào ánh mắt sắc lẹm của Lung:
- Vâng… À không… Tôi xin cái lửa…
Lung cúi người đưa chiếc bật lửa cho Hoan, chiếc áo rộng cổ để lộ bầu ngực tròn căng, trắng nõn, khiến Hoan phải vội quay đi, người anh nhồn nhột, khó chịu…
Sau lần “bị” Hùng “lôi” vào quán cô Lung, Hoan bỗng thấy có cảm giác là lạ mỗi buổi tối. Đó là sự trống vắng, cô đơn. Điều mà bấy lâu nay, mỗi lần lên với địa bàn huấn luyện chiến thuật quen thuộc này, Hoan đâu có để ý đến. Khi đó, hình bóng cô chủ quán “hoa khôi” ấy cứ lởn vởn trong đầu anh. Cái miệng mỏng vẫn có hình trái tim, ánh mắt sắc lẹm, đôi gò bồng đảo như hai núi tuyết… tất cả lồ lộ trong anh. Không. Anh đã có Ngần, Ngần đẹp lắm, dịu dàng lắm. Vậy mà chỉ nhoáng cái, hình bóng Ngần lại như bay biến, thế vào đó, lồ lộ hình bóng cô Lung chủ quán…
Đêm thứ nhất, Hoan ngủ ít…
Đêm thứ hai, Hoan hết ngồi lại nằm, rồi vùng dậy khỏi giường, ra ngoài hành lang hút thuốc liên tục…
Đêm thứ ba, không thể chịu nổi nữa, Hoan lặng lẽ vào làng Cầu Cất. Con đường từ khu doanh trại vào ngã ba làng chỉ hơn cây số mà bước chân Hoan như líu ríu, nửa muốn nhanh tới, nửa muốn chậm lại. Nói thế nào nhỉ! Người phụ nữ này mình mới chỉ có một lần giáp mặt, không thân thích, không tỏ tường…? Vào mua thuốc lá ư? Xong rồi đi, có việc gì nữa mà nán lại?
Ngã ba làng đây rồi. Kìa, sao đã đóng cửa tắt đèn? Mà giờ mới chưa qua chín giờ đêm? Thất vọng. Bật lửa châm điếu thuốc, nén tiếng thở dài đánh thượt, Hoan quay bước trở về…
Đêm thứ năm. Cách một đêm thẫn thờ vì khó ngủ, lần này Hoan lại vục dậy vào làng. Tiếng bước chân anh bây giờ không ngần ngại như đận trước, mà bước phăm phăm. Chỉ còn có hai đêm nữa Hoan phải về trường. Phải gặp cho được người phụ nữ này. Một lần thôi cũng được…
Ánh đèn nê-ông hắt ra từ cửa quán như xoắn vào Hoan một thứ ma lực khó đặt tên. Kia. Nàng kia. Vẫn chiếc áo phông rộng cổ, hằn rõ đường cong mời gọi. Vẫn cái miệng, ánh mắt…
- Chào cô… Lung! Cho tôi bao thuốc… được không? - Hoan bỗng ngập ngừng.
- Ô! Anh… hay nhỉ! Nhà quán mà lại hỏi được không? Anh mua một bao thuốc, chứ mua cái gì nhà em chả có… hy hi… - Cái mắt sắc lẹm ấy lại liếc Hoan, đùa đùa.
Chả cần cô chủ kéo nài, Hoan đã bước vào phía trong cái tủ kính bày hàng, chủ động ngồi xuống chiếc ghế tựa, đối diện cô chủ. Lung cũng không lấy làm bất ngờ. Có lẽ với những khách quen, việc họ mua hàng xong, ngồi nán lại trò chuyện với cô chủ xinh đẹp, ngọt ngào là chuyện thường. Với anh sĩ quan trẻ này thì khác, chả quen, nhưng cũng chả sao, cô cũng đang thiếu người chuyện trò mà.
- Sao thế anh? Ra đây chỉ mỗi để mua thuốc lá và ngồi lặng yên thế à? Lạ nhỉ! Em chưa thấy người nào lạ như anh đấy!
Hoan vẫn im lặng. Biết nói chuyện gì. Chuyện huấn luyện chiến thuật ư? Hay chuyện về gia đình? Chả nhẽ lại khoe với cô ta về Ngần, người vợ duyên dáng, nết na…
- Em biết anh rồi. Anh Hùng kể là vợ anh rất đẹp. Chắc nhớ vợ hả anh? Thế thì ra đây làm gì cho nhớ thêm… Hi hi.
Như bị bắt “thóp”, Hoan không thể lặng yên mãi.
- Không… Tôi không… À, thôi, tôi về đây cô Lung nhé…
- Ấy… ấy anh… Em đùa đấy. Ngồi với em lát. Em một mình… cũng buồn…
Hai người bắt đầu vào chuyện. Tiếng là nói chuyện, nhưng nghe thấy giọng Lung là chính chứ Hoan thì thảng hoặc mới chen ngang vài câu cho đỡ nhàm. Lung kể với anh đủ chuyện, từ chuyện thời đi học, đi làm, đi xuất khẩu, chuyện yêu… đủ loại. Hoan nhìn Lung, đôi mắt lạ lắm. Với Hoan, cô chủ quán này vừa rất xa lạ, vừa rất gần gũi. Có lúc anh muốn nhấc chân đứng lên chào về, lại như có bàn tay vô hình nào níu lại. Chơi vơi…
- Em bảo này… Tối mai anh ra em nhờ tí tẹo, ra sớm nhé. À, đừng ăn cơm tối anh nhé…
Lúc Hoan sắp về, Lung bấu vai bảo vậy. Nghe như hai người đã thân từ lâu lắm rồi…
Và điều gì phải xảy đến đã xảy đến.
*
- Đây, cô xem, giấy cam kết giữa tôi và hắn ta còn tươi roi rói đây này. Cô xem thì sẽ biết!
Lung vừa nói vừa phăm phăm đi vào mở tủ mang ra một tờ giấy viết tay đưa cho Ngần. Mặt Ngần nhợt nhạt, mắt vẫn ngấn nước, tay run run nhận tờ giấy, cô đọc lướt rồi nhắm nghiền mắt như không muốn biết một sự thật phũ phàng sắp giáng xuống mình. Chao ôi, một người đàn ông có học thức, được rèn luyện trong môi trường nghiêm ngắn bậc nhất mà cô luôn ngưỡng mộ, giờ thành kẻ phụ tình như thế này ư? Làm sao anh ta có thể nhắm mắt đưa chân, rồi đưa cả tay vào cái còng vô hình với người đàn bà này? Cô chưa thể lý giải nổi. “Anh Ngô Viết Hoan đồng ý có với tôi (Nguyễn Thị Kim Lung) đứa con, đứng tên bố trong giấy khai sinh. Ngoài ra, anh Ngô Viết Hoan không có quyền và nghĩa vụ gì khác. Văn bản này…”. Ôi, sao lại có một cái thứ văn bản kỳ quái như người ta mua bán với nhau một thứ hết sức bình thường vậy. Rẻ rúng quá, ngây ngô quá! Không, nhất định có điều gì mờ ám ở đây. Có thể anh ấy bị ép buộc, bị lợi dụng lúc say xỉn rồi nhắm mắt ký bừa? Không thể… Đầu óc Ngần như muốn vỡ tung ra từng mảnh. Người đàn bà xa lạ đang ngồi trước mặt cô đây là người tử tế hay là kẻ gian ngoan, rắp tâm phá hoại tổ ấm của cô? Giờ lại định phá hết sự nghiệp của chồng cô?
“Dù sao thì cũng phải ngăn chị ta lại. Bằng mọi giá phải thế!” - Ngần bặm vành môi, cô không thể khóc lóc van xin mãi người đàn bà này. Cô phải hành động:
- Thế bây giờ chị cần điều gì ở chồng tôi? - Giọng Ngần đanh lại.
- Tôi cần ư? Như trong giấy cam kết tôi đã viết đấy thôi: Tôi cần sự tự do. Nhưng hắn đâu có thực hiện đúng điều đó. Đòi tôi phải thủy chung với hắn ư, còn lâu. Hắn cũng có thủy chung với cô đâu, phải không? Thủy chung là cái quái gì nhỉ? Thủy chung thì sao dám ăn nằm với tôi! Tôi cũng cần hắn giữ lấy cái nghề danh giá ấy lắm chứ, con tôi cũng muốn bố nó có vị trí trong xã hội lắm chứ? Nhưng cô hãy đi mà hỏi hắn ý, xỉa xói, lăng mạ tôi có còn ra cái gì nữa nào? Tôi ăn với thằng nào, ngủ với thằng nào là quyền tôi quyết, hắn là gì mà tôi phải xin, phải báo cáo! Và tôi còn cần gì hắn nữa khi mà không gửi cái đơn kiện hắn vào nhà trường. Tôi không muốn thấy cái mặt hắn còn xuất hiện ở đây mỗi lần theo học viên sĩ quan đi tập nữa… Ôi, tôi dây vào hắn nên tôi mới bị mất đi cái quyền tự do ấy chứ! Ha ha… - Miệng nói, tay như múa, cả khuôn người Lung uốn éo như một con rắn.
Thế là rõ. Chả cần phải hỏi ai nữa. Hoan đã bắt gặp người đàn bà này ăn nằm với một hay nhiều gã trai khác. Hoan đã ghen. Chắc chắn đã có một cuộc cãi vã không khoan nhượng ngay tại đây. Và Hoan đã biến Lung thành con thú bị đòn đau, nó buộc phải lồng lên, cắn phá tất cả những chỗ nào có thể. Và đó là nguyên nhân của lá đơn tố giác gửi vào nhà trường nơi Hoan công tác. Thế thì không còn hy vọng cứu vãn nữa rồi...
Ngần bước nhanh ra gốc đa có bác xe ôm đang gà gật trên yên xe chờ chị. Chị chả kịp nhận ra lúc ấy, đi ngược chiều với chị là một cháu gái đang bế một bé trai có khuôn mặt giống chồng chị như tạc…
*
Tối sẫm Ngần mới từ lớp học mầm non về đến nhà. Dạy mầm non là thế, phải đợi đến khi học sinh cuối cùng được phụ huynh đến đón cô giáo mới được về. Phụ huynh nhà nông chả có giờ giấc nào. Nhớ thì đón con sớm. Mải việc, nhất là ngày mùa màng như thế này, có khi còn quên cả đón con, đón cháu. Có hôm Ngần phải lóc cóc đạp xe đưa về tận nhà vì đợi quá lâu. Ấy vậy mà thu nhập của cô giáo lại quá thấp. Tất cả trông cậy vào đóng góp của phụ huynh. Mỗi cháu một năm là hai chục cân thóc, hết mùa thu hoạch lúa, có nhà “tử tế” phơi khô quạt sạch là mang đến cho cô, ngược lại, có nhà “chày bửa” cô giáo còn phải vác bao đi thu tận nhà mới đóng. Mỗi năm, tính ra với số lượng hơn hai chục học sinh, thu nhập của Ngần chỉ khoảng gần năm tạ thóc. Ăn tằn tiện thì mẹ con Ngần vẫn chỉ đủ. Giờ có thêm Hoan về, không công ăn việc làm, từng ấy thóc phải chia ra nữa thì thiếu là cái chắc. Hoan đã lĩnh đủ án kỷ luật: Khai trừ Đảng, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu sĩ quan cho về phục viên. Cái giá của sự buông thả đã khiến Hoan phải trả một kết cục quá đắt. Từ bé đến lớn, chỉ có học, đi bộ đội, rồi đi học, thành sĩ quan, Hoan trở về với số tiền “một cục” nhưng trong tay lại không có một nghề gì phù hợp với anh lúc này. Cầm tờ quyết định, ôm một nắm tiền, Hoan đâu đã dám về quê ngay để gặp vợ con, người thân, làng xóm. Hoan lên tàu đi vào Nam và cũng chưa biết đi đâu, làm gì. Sau hai tháng lang thang khắp phố phường nơi đô thị sầm uất nhất phía Nam, số tiền đã ngót, mà không tìm được việc gì thích hợp với cái “nghề sĩ quan” đã học, Hoan buộc phải tính chuyện quay về quê cày ruộng.
“Làm ruộng thì làm gì phải học” - Có người “chọc ngoáy” nói mát. Nói thế thôi chứ bây giờ Hoan quay về làm ruộng đâu có dễ, bao người chịu thương chịu khó hai sương một nắng vất vả mà thu nhập lại chả ăn thua, huống hồ sức “anh giáo bộ đội” như Hoan thì… Mà trở về khi danh dự bị “xuống cấp” như Hoan thì khổ đủ đường. Cả làng này ở đâu cũng nói chuyện về Hoan. Đi đến chỗ nào, ngồi ở đâu anh cũng bị những lời bóng gió: “Đường quang chả đi lại đi rúc vào bụi rậm! Sướng chửa?”. “Ấy đang sĩ quan ngời ngời, giờ về cày cuốc. Rõ khổ!”… Những lời như thế cứa vào ruột gan Hoan. “Nhàn cư vi bất thiện”, Hoan “làm bạn” với rượu. Rồi những lời văng tục, chửa bới, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với Ngần. Cô vẫn cố ngọt nhạt với Hoan, khuyên anh quên chuyện đã qua để bình tâm lại và tìm việc làm phù hợp. Nhưng Hoan đâu có nghe Ngần. Với anh bây giờ tất cả dường như đã vô nghĩa. Ngần nhận lại ba sào ruộng của người chị họ, Hoan biết, đánh chửi rằng: “Đừng có nghĩ thằng này chịu quay về làm ruộng”. Có người đến rủ Hoan đi phụ hồ xây dựng, Hoan gạt phắt, và lại chửi Ngần rằng: “Xui bọn vớ vẩn đến gạ chồng đi làm cái việc vớ vẩn”. Và hơn tháng nay kể từ ngày Hoan về, Ngần chưa sống một ngày yên ả…
Đã tối sẫm mà nhà cửa vẫn vắng ngắt. Hoan đi đâu chẳng rõ. Có thể lại say xỉn với mấy bạn nhậu ở quán nhà Dao đầu làng. Không công ăn việc làm, Hoan gần như suốt ngày ngồi ở đấy, hết chơi cờ tướng lại nhậu. Mà chỉ là rượu “xếch” chứ có mồi gì đâu. Thằng cu Hoàn chắc đi học về đã lại sang nhà hàng xóm, biết mẹ chưa về nên chưa dám về. Hôm nào Ngần cũng phải sang đón con...
*
Vợ chồng Hoan lại xô xát. Lần này nghe chừng khó hàn gắn lắm. Ngần vốn giỏi chịu đòn, chuyện bị chồng đánh “thường ngày ở huyện”, dù có đau đến mấy cô cũng cắn răng đến bật máu để nhịn. Lần này khác, Ngần thu vét hết các thứ đồ của mình, ôm theo đứa con lên bảy về nhà bố mẹ đẻ. Cũng chỉ tạm thời thôi, chứ đi đâu nữa cô cũng chưa biết. Mặc! Cứ đi. Lần này thì không thể chịu được cái kẻ vô nhân tính này nữa…
Nói và nghĩ vậy chứ Ngần vẫn hy vọng sự ra đi của Ngần sẽ khiến Hoan phải nghĩ lại, phải thay đổi. Từ ngày Hoan về hẳn, Ngần vẫn dịu dàng, không chì chiết chồng câu nào, chỉ buồn, buồn ghê gớm. Rồi chị lại nghĩ: “Thôi thì còn người là còn tất cả. Người ta có chồng rồi đi làm ăn, tai nạn rủi ro, mất cả người kia mà người ta vẫn sống. Chồng mình lành lặn, sức dài vai rộng, tuổi đang sung sức, làm sao phải buồn phiền mãi? Anh ấy đau lắm, buồn lắm, nhưng rồi cũng nguôi ngoai thôi, để mà còn làm ăn, lo cho gia đình chứ, chẳng lẽ cứ thế này mãi?”. Nhưng Hoan đâu có trở lại bình thường được. Một tháng. Hai, rồi ba, bốn tháng... nửa năm rồi, Hoan càng lún sâu vào u mê. Đã thế lại sinh ra đánh đập Ngần, nhạt nhẽo với con. Ngần phải tạm thời rời xa Hoan, niềm hy vọng mong manh vẫn rung lên trong chị...
Một tuần. Hai tuần. Ba tuần. Bố mẹ Ngần đánh tiếng mấy lần, Hoan cũng không thèm sang nhà đón Ngần. Cậu Hoàng đóng quân trên Cao Bằng biết chuyện cũng thư về động viên chị, anh rể cùng bình tâm hàn gắn để xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng Hoan vẫn bỏ ngoài tai.
Thế là hết. Ngần khóc ngậm ngùi bao đêm rồi. Con người vô tình vô nghĩa ấy đã không chút động lòng về chị, con chị.
Ngần bỏ con lại cho bố mẹ, lặng lẽ ra đi cũng vào một đêm mưa...
*
Đêm buông xuống. Gió bấc lại về. Mưa lất phất. Càng về đêm, gió càng mạnh. Tre lại kêu ken két, ken két...
- Bố ơi... Ai khóc đấy?... Con sợ...
Thằng Hoàn bấu chặt vào người Hoan, run bần bật. Nó sợ.
Ngần đi đã tròn năm rồi.
Không một lời nhắn về.
Không rõ đi đâu? Làm gì? Sống chết ra sao?
Hoan đã tỉnh ngộ sau cơn mê muội kéo dài. Mùa huấn luyện dân quân vừa rồi, xã đã trưng dụng anh làm giáo viên. Ban đầu Hoan e ngại, nhưng sau thấy nhớ nghề, anh đã vào cuộc hăng hái. Trung đội dân quân xã tham gia hội thao giành giải nhất tỉnh. Hoan lại được mọi người tung hô làm thầy. Tiếng thầy gợi lại kỷ niệm đẹp khi xưa đã mất của Hoan. Nhưng tiếng thầy cũng làm anh thấy cuộc đời mình còn ý nghĩa. Ngày mai, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy quân sự xã mời anh lên giao trọng trách mới: Xã đội phó. Anh nghĩ rồi, chức vị chả quan trọng, miễn là anh được trở lại với công việc mà mình đã từng làm, dẫu chẳng bao giờ “trở lại ngày xưa” được nữa. Mình sẽ làm lại, gây dựng lại... Điều day dứt bây giờ là Ngần. Cái mất rồi mới thấy thật quý. Hoan như người “cầm vàng lại để vàng rơi”. Biết tìm Ngần ở đâu?...
- Đấy... bố ơi... ai lại khóc đấy bố? Con sợ... - Thằng Hoàn lại co rúm.
- Không phải đâu con. Tre khóc đấy! - Hoan vỗ về con.
- Tre cũng khóc hả bố? Hay là... mẹ về... bố ơi... hay mẹ về... - Thằng Hoàn bất ngờ nhắc đến mẹ nó. Hoan ôm chặt con vào lòng. Nước mắt Hoan bỗng rỉ ra, nóng bỏng.
- Tre khóc... ừ, tre đang khóc đấy con ơi... Mẹ... nhất định mẹ con sẽ về…