Sinh ngày: 7-8-1964
Quê quán: Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Hiện công tác tại: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị
GIÔNG BIỂN
Reng... reng... reng. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn dập
- A lô, tôi Hải, trực ban Trung tâm cứu hộ, cứu nạn đảo Cồn Cỏ xin nghe.
- Tôi... tôi là Khương, Thuyền trưởng tàu đánh cá TH-3478-TS, đang đánh bắt tại tọa độ 17 độ 10 phút... kinh độ Đông, 107 độ 30 phút vĩ độ Bắc, hiện tàu tôi bị hỏng máy không thể di chuyển được. Theo thông báo của Trung tâm thời tiết, cảnh báo thiên tai Trung ương, tại tọa độ tàu của tôi đang khai thác từ 15 đến 17 giờ hôm nay sẽ có cơn giông mạnh với sức gió cấp 11, cấp 12. Do bất cẩn trong quá trình sửa chữa máy, một thuyền viên bị trượt chân ngã đập đầu xuống nền tàu bị bất tỉnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tàu TH-3478-TS xin cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.
- A lô, các anh cứ bình tĩnh khắc phục sự cố máy và sơ cứu cho thuyền viên, chúng tôi sẽ cố gắng có mặt trong thời gian ngắn nhanh nhất có thể.
Trả lời xong cuộc điện thoại, Trung úy Hải đi lại tấm hải đồ treo trên tường, anh dùng đầu ngòi bút chì rà từ vị trí của đơn vị đến tọa độ mà thuyền trưởng tàu gặp nạn vừa báo cáo rồi nhẩm tính khoảng cách trên hải đồ để quy đổi thành hải trình thực tế. Xong việc, anh cầm tổ hợp điện thoại bàn và bấm dãy số mà anh đã lưu sẵn trong bộ nhớ. Giọng của Hải gấp gáp nhưng vẫn giữ đúng điều lệnh quân đội:
- Báo cáo đồng chí đồn trưởng, tôi, Trung úy Lê Văn Hải - Trực ban cứu hộ, cứu nạn.
Giọng người phía đầu dây bên kia:
- Đồng chí báo cáo nội dung.
Giọng Trung úy Hải:
- Báo cáo, vào lúc 9 giờ 30 phút, tôi nhận được lời xin cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp từ tàu TH-3478-TS tại tọa độ 17 độ 10 phút kinh độ Đông, 107 độ 30 phút vĩ độ Bắc, lý do bị hỏng máy và có một thuyền viên bị trượt chân ngã hiện đang bị chấn thương khá nặng.
Giọng người phía đầu dây bên kia:
- Khoảng cách hải trình từ đây đến đó là bao nhiêu, tàu cứu hộ của đơn vị cần bao nhiêu thời gian để tiếp cận được tàu bị nạn?
Giọng của Trung úy Hải:
- Báo cáo, khoảng cách 35 hải lý, nếu tàu cứu hộ chạy với tốc độ 18 hải lý một giờ thì tổng thời gian hai giờ.
Giọng người đầu dây bên kia:
- Đồng chí thông báo toàn bộ kíp trực tàu cứu hộ đúng 10 phút có mặt tại phòng giao ban tác chiến của đơn vị để nhận lệnh.
Trung úy Hải:
- Rõ!
Trung úy Hải tiếp tục bấm các dãy số điện thoại để thông báo đến những đồng đội trong kíp trực theo lệnh của đồng chí Đồn trưởng, bất chợt đến số của Đại úy Phong, anh thoáng chút ngập ngừng rồi quyết định không thông báo cho Phong về mệnh lệnh của đồng chí Đồn trưởng.
Phòng nghỉ của Đại úy Phong lúc này cũng đang diễn ra một cuộc trò chuyện qua sóng điện thoại.
Đại úy Phong:
- A lô, vợ yêu à, tàu đã xuất bến chưa?
Tiếng vợ Phong:
- Chồng yêu, khoảng hơn nửa tiếng nữa tàu mới xuất bến được vì còn phải chờ thêm mấy người. Gì mà chồng yêu nóng ruột thế?
Đại úy Phong:
- Nóng ruột chứ, vợ yêu ra thăm mà!
Tiếng vợ Phong:
- Chồng yêu đã chuẩn bị cái gì để đón vợ yêu nào?
Đại úy Phong:
- Đặc sản đảo Cồn Cỏ về ẩm thực thì có ốc, ghẹ, mực còn về “Tác chiến quân sự” thì “súng ống” đã được lau chùi sạch sẽ, đạn dược đảm bảo đủ cơ số và có cả dự phòng, tinh thần thường trực để chiến đấu thì luôn thường xuyên ở mức cao, hiện vật còn nguyên vẹn 70 cân.
Tiếng vợ Phong:
- Thôi đi ông tướng, để xem “Súng ống, đạn dược” với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao đến đâu.
Đại úy Phong nhìn nhánh hoa phong ba vừa được anh hái vào gói khá đẹp trong tờ báo để trên mặt bàn làm việc với nụ cười rạng rỡ. Anh trả lời vợ:
- Hẹn gặp vợ yêu tại đảo nhé, mà vợ phải tập thật kỹ bài hát “Tình ta biển bạc, đồng xanh” để song ca nhé. Bai... bai vợ yêu.
Tiếng vợ Phong:
- Bai... bai chồng.
Đặt máy điện thoại xuống bàn, Phong định bọc lại nhánh hoa phong ba cho đẹp thì Trung úy Hải lấp ló phía ngoài cửa.
- Vào đi ông tướng, có gì mà cứ lấp ló thế!
Trung úy Hải
- Báo cáo anh, đồng chí Đồn trưởng triệu tập kíp trực cứu hộ, cứu nạn lên phòng Tác chiến để nhận nhiệm vụ ạ.
Đại úy Phong:
- Nhưng hôm nay mình được nghỉ để chuẩn bị đón vợ mà.
Trung úy Hải:
- Danh sách trực không có tên anh nhưng Đồn trưởng Hùng vẫn cho triệu tập anh lên để giúp kíp trực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Căn phòng tác chiến của trung tâm cứu hộ, cứu nạn Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ im lặng trong không khí khá căng thẳng. Đồn trưởng Hùng lật đi lật lại quyển sổ phân công kíp trực, trong thâm tâm của mình, người đồn trưởng vốn dĩ dạn dày đời binh nghiệp vẫn có nỗi niềm riêng khi anh điền thêm dòng chữ “Đại úy Nguyễn Thanh Phong - Thuyền trưởng tàu cứu hộ” vào danh sách cán bộ, chiến sĩ đi cứu hộ, cứu nạn tàu TH-3478-TS. Đồn trưởng Hùng biết hôm nay không phải là phiên trực của Phong, hơn nữa theo điện thông báo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thì chiều và tối nay một số giáo viên của các trường học trong đất liền sẽ ra thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, đi trong đoàn có cả vợ Đại úy Phong. Cũng đã gần 5 tháng Phong chưa có dịp ghé thăm gia đình, tuần trước Phong tâm sự với ông, sang tháng sẽ xin nghỉ phép về thăm vợ con và cũng tính đến chuyện sinh thêm em bé chứ cháu đầu năm nay đã học lớp 3 rồi, cả vợ và bố, mẹ hai bên cũng trông và giục nhiều lần vì hai ông bà tuổi cao, sức khỏe yếu nên muốn có cháu trai để bế. Trong khi Đồn trưởng Hùng đang cuốn theo luồng suy nghĩ của mình thì Hải và Phong có mặt với tác phong điều lệnh quân sự:
- Báo cáo đồng chí Đồn trưởng, tôi có mặt.
Quan sát thấy các thành phần được triệu tập đã có mặt đầy đủ, Đồn trưởng Hùng mở đầu buổi hội ý bằng việc thông báo sơ bộ tình hình do trực ban báo cáo. Bất chợt anh hơi chần chừ khi phân công nhiệm vụ, cắt cử quân số tham gia vào bộ phận đi cứu nạn.
Vừa giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng, vừa là chỉ huy Trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên đảo Cồn Cỏ, việc đi cứu nạn tàu cá ngư dân là chuyện thường tình của đơn vị, thế nhưng không một chuyến xuất quân nào mà anh không lo âu, hồi hộp, chỉ đến khi tàu trở về cập âu đảo, anh em báo cáo mọi thứ đều an toàn, lúc ấy anh mới thở phào nhẹ nhõm. Một chuyến ra khơi làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa bao giờ là không tiềm ẩn hiểm nguy, chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc một tính toán sai của người thuyền trưởng hay một động tác thiếu chính xác của thủy thủ tàu thì hậu quả xảy ra sẽ rất khôn lường. Biết thế nhưng với lương tâm, trách nhiệm của người lính thì không thể thờ ơ trước mỗi tai nạn của ngư dân, nên bất kể thời gian nào hễ nhận được tín hiệu yêu cầu cứu hộ, cứu nạn là gần như ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ đơn vị lên đường làm nhiệm vụ.
Sự đắn đo của Đồn trưởng Hùng xuất phát từ việc sáng nay, Thượng úy Trần Tuấn là người đang chỉ huy kíp trực tàu cứu hộ, cứu nạn có việc gia đình quan trọng đột xuất nên đã xin về tranh thủ sau khi được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đồng ý. Việc bố trí người trực thay tại chỗ, anh đã cử song để chỉ huy con tàu đi thực hiện nhiệm vụ xa đơn vị thì đòi hỏi phải những người có kinh nghiệm chỉ huy, mà trong đơn vị, việc này chẳng có ai qua được Đại úy Phong và Thượng úy Tuấn, giờ thì cả hai người đều có việc riêng quan trọng. Suy nghĩ một lúc, Đồn trưởng Hùng đi đến quyết định sẽ động viên Đại úy Phong chỉ huy tàu đi thực hiện nhiệm vụ. Anh tiếp tục nội dung cuộc hội ý.
- Tình hình hiện nay rất gấp rút, chúng ta phải triển khai ngay công tác cứu hộ, cứu nạn, ngặt nỗi sáng nay vợ đồng chí Tuấn chuyển dạ sinh, gia đình đã đưa vào bệnh viện nhưng do vợ đồng chí Tuấn tiền sử bị bệnh tim nên hiện đang rất nguy kịch, bệnh viện phải mổ cấp cứu, vì thế đồng chí đã được Bộ Chỉ huy giải quyết đi tranh thủ và đã theo tàu của ngư dân vào bờ, giờ chỉ còn đồng chí Phong là người duy nhất chỉ huy tàu đi thực hiện nhiệm vụ, nhưng vợ đồng chí Phong cũng đang cùng với đoàn công tác của ngành giáo dục huyện ra đảo thăm và giao lưu cùng các lực lượng và nhân dân trên đảo, đồng chí Phong cũng đã chuẩn bị tinh thần để đón vợ và thực hiện điều mong muốn lâu nay của bố mẹ hai bên, bây giờ đồng chí đi làm nhiệm vụ, tôi cảm thấy rất khó xử lý. Vậy ý kiến đồng chí Phong như thế nào?
Đồn trưởng Hùng vừa dứt lời thì Phong đã có ngay ý kiến:
- Báo cáo đồng chí Đồn trưởng và toàn thể các đồng chí, việc cứu hộ, cứu nạn ngư dân là việc vô cùng quan trọng và cấp bách, tôi sẽ nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu đi làm nhiệm vụ.
Đồn trưởng Hùng tiếp lời:
- Vậy các đồng chí về nhanh chóng chuẩn bị trang thiết bị, đúng bảy phút nữa, tàu sẽ xuất âu.
- Rõ! - Tất cả đều đồng thanh trả lời Đồn trưởng Hùng.
Cũng vào thời gian này, tại cảng Cửa Việt, một chiếc tàu khác của Hải đội 2 đang giục mọi người xuống tàu ổn định chỗ nghỉ để xuất phát ra đảo Cồn Cỏ theo kế hoạch. Ngồi trên boong tàu, Liên đưa mắt nhìn xa ra biển, sáng nay biển lặng nên những con sóng vỗ vào bờ rất nhẹ, một dòng suy nghĩ đang xâm chiếm dần tâm trạng của cô. Cũng đã mấy tháng rồi vợ chồng chưa gặp nhau, hàng đêm nằm bên bé Bông mà cô cảm thấy nhớ và thương Phong rất nhiều. Cô biết, tuy bố mẹ hai bên sợ cô buồn nên không nói ra chứ ai cũng mong vợ chồng cô sinh thêm cho ông bà hai bên một đứa cháu trai chứ bé Bông năm nay cũng đã hơn 10 tuổi rồi. Liên chuyển dòng suy nghĩ của mình đến người chồng đang mong vợ yêu ra thăm với trăm nghìn câu hỏi như: Không biết giờ này Phong đang làm gì, có hồi hộp khi biết tin vợ ra thăm và anh đã chuẩn bị những gì để đón Liên... câu hỏi mà Liên quan tâm nhất là không biết Phong có chuẩn bị được cành hoa phong ba nào để tặng vợ bởi Liên rất thích loài hoa này, tuy chưa một lần được ngắm nhìn trong thực tế vì thế Liên mong ra đảo lần này cô được ngắm hoa phong ba do chính tay người chồng yêu quý tặng.
Con tàu vẫn lừng lựng cưỡi trên ngàn con sóng để hướng mũi ra khơi xa, thoảng trong gió biển có vị mặn của muối, vị ngọt của muôn loài sản vật biển, mải ngắm nhìn cảnh trời, biển đến nỗi Hoa, cô bạn thân đứng cạnh bên lúc nào mà Liên chẳng hề hay biết. Hoa cất tiếng trêu Liên:
- Đang nghĩ về chuyện đêm nay hay sao mà thẫn người ra thế?
Liên trả lời bạn:
- Con nỡm ạ, tao đang ngắm biển xanh chứ nghĩ cái gì đâu.
- Thôi đừng giấu tao nữa, tim đập văng ra cả khỏi lồng ngực rồi còn giả vờ.
Liên thật thà:
- Tao cũng mong cho tàu nhanh ra tới để xem lính đảo sống ra sao, có vất vả như bọn mình nghĩ hay không? Giữa bốn bề sóng nước chắc là buồn lắm.
Rồi cả hai cùng nhìn về phía trước, hòn đảo nhỏ có tên Cồn Cỏ đang hiện dần ra trong sắc xanh và biển xanh. Bất chợt Liên đặt câu hỏi:
- Không biết còn bao lâu nữa thì tàu sẽ ra tới nhỉ?
- Nếu theo đúng thời gian thông báo lúc xuất phát thì còn khoảng 20 phút nữa là tàu sẽ cập âu. Mà đảo đã ở phía trước mặt rồi còn gì, mong vừa vừa thôi nàng ạ. - Hoa trả lời Liên.
Con tàu cứu nạn mang ký hiệu CN07 do Đại úy Phong làm thuyền trưởng đang mở hết tốc lực hướng về tọa độ đã được chấm trên hải đồ, được cái biển lúc này lặng gió nên tàu chạy tương đối nhanh. Phong hỏi người cán bộ lái tàu:
- Khoảng bao nhiêu thời gian nữa thì chúng ta sẽ tới chỗ tàu ngư dân gặp nạn?
Tiếng đồng chí lái tàu át trong tiếng sóng vỗ và âm thanh máy tàu.
- Báo cáo đồng chí, chúng ta đã đi được một tiếng, nếu thời tiết cứ êm như thế này thì gần một giờ đồng hồ nữa, tàu chúng ta sẽ đến tọa độ tàu ngư dân gặp nạn.
Bất chợt Phong nhẩm tính: Một tiếng, nghĩa là tàu của đoàn công tác cũng đã sắp ra tới đảo. Anh ngồi im lặng với những gì đang cùng diễn ra trong trái tim mình: Liên ơi, anh mong em đừng buồn và tha lỗi cho anh, sợ em thất vọng nên anh đã không gọi điện báo với em là anh có nhiệm vụ đột xuất phải đi gấp, vì thế anh không có mặt ở đơn vị để đón em được. Trưa ngày mai là em đã phải rời đảo để vào đất liền, chẳng biết anh có về kịp để vợ chồng mình gặp mặt nhau và để anh tặng em nhánh hoa phong ba, loài hoa mà em thích. Nhiệm vụ của người chiến sĩ biên phòng làm công tác cứu hộ, cứu nạn là muôn vàn đột xuất, muôn vàn sự hiểm nguy phía trước mà chẳng ai biết được những gì sẽ diễn ra trong quá trình thực hiện niệm vụ...
Bất chợt tiếng đồng chí quan trắc vang lên:
- Báo cáo đồng chí thuyền trưởng, thời tiết có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng xấu, gió dần thổi mạnh hơn, sóng biển mạnh hơn lúc nãy, trên trời mây đen đang dần xuất hiện, đây là dấu hiệu rất rõ nét sẽ có một cơn giông biển ập đến trong thời gian sắp tới.
Đại úy Phong ngước mặt nhìn lên trời và lượng tính bằng kinh nghiệm, cứ như thế này thì khoảng 13 giờ chiều nay, cơn giông sẽ xuất hiện ngay tại vị trí tàu ngư dân gặp nạn, tuy cơn giông không quá mạnh nhưng nó cũng sẽ gây khó khăn cho việc cập mạn và xử lý các tình huống, vụ việc xảy ra. Anh ra lệnh:
- Đồng chí Trung lái tàu mở hết tốc lực, tăng tốc để chúng ta tiếp cận tàu ngư dân bị nạn trong thời gian sớm nhất có thể, các đồng chí khác kiểm tra lại toàn bộ trang thiết bị và công tác an toàn để sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo.
Không ai bảo ai, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu khẩn trương thực hiện mệnh lệnh. Con tàu vẫn đè lên những lớp sóng để tiến về phía trước, nước biển mỗi lúc một đổi màu, không còn xanh ngắt như cách đây mấy phút mà đang dần chuyển sang màu đen giống như những đám mây đang chầm chậm trôi đến. Sóng đã bắt đầu tăng cấp độ, con tàu không còn êm nhẹ lướt trên sóng nữa mà đã chao đảo mỗi khi có đợt sóng lớn trườn tới. Cơn giông đến nhanh quá, biển sẽ có mưa và việc tìm kiếm vị trí tàu ngư dân gặp nạn càng thêm khó khăn. Sĩ quan theo dõi hải đồ báo cáo:
- Đã đến vị trí tọa độ mà tàu ngư dân phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp nhưng trên màn hình ra-đa chưa tìm thấy vị trí chính xác tàu của ngư dân.
Phong gần như lao đến bên chiến sĩ phụ trách ra-đa tìm kiếm tín hiệu, anh căng đôi mắt mình nhìn vào màn hình chiếc ra-đa gắn trong buồng điều khiển. Giọng anh gấp gáp trong tiếng gió, tiếng sóng và tiếng mưa của cơn giông:
- Các đồng chí chú ý quan sát xung quanh, không được bỏ sót bất kỳ một dấu hiệu nào trên biển.
Tất cả thủy thủ trên tàu cứu nạn, nét mặt ai cũng chăm chú nhìn xoáy vào màn mưa ken dày trên mặt biển. Con tàu vẫn kiên trì, lầm lũi trong cơn giông để tìm kiếm, màn hình ra-đa xuất hiện một chấm đen nhỏ, gương mặt mọi người tạm thời giảm đi sự căng thẳng. Vị trí hai con tàu cách nhau không xa nhưng do gió to, sóng lớn nên đã đẩy tàu của ngư dân đi lệch tọa độ ban đầu. Lệnh cho lái tàu chuyển hướng tiến về phía tàu của ngư dân và bật tín hiệu báo cho họ biết tàu cứu nạn của lực lượng Trung tâm cứu hộ, cứu nạn đảo Cồn Cỏ đang dần tiếp cận để họ yên tâm. Cơn giông càng lúc càng mạnh, gió tạt những hạt mưa vào mặt đau rát, con tàu chao đảo, lắc lư, nghiêng ngả, sóng hắt cả nước biển lên boong tàu, ai nấy đều sũng ướt nhưng mỗi con người trên đó không ai run sợ trước cảnh giông gió của biển khơi. Lựa chiều sóng, chiều gió, cuối cùng hai tàu cũng đã cập mạn được với nhau, các chiến sĩ vội nhảy sang tàu của ngư dân để hỗ trợ thêm việc sửa chữa máy móc, thiết bị thông tin và nhanh chóng cấp cứu người bị thương và chuyển sang tàu cứu nạn để chuyển vào đảo. Cơn giông sau một thời gian vần vũ, giờ có dấu hiệu giảm dần nhưng những con sóng vẫn lừng lững dâng cuộn như muốn nhấn chìm tất cả mọi sự sống tồn tại trên mặt biển trong vòng cuồng phong của nó. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang tiến hành một cách khá thuận lợi, người ngư dân bị chấn thương khá nặng đã được chuyển sang tàu cứu hộ, chỉ chờ mệnh lệnh từ Đại úy Phong là cho tàu trở về đảo thì từ phía mũi tàu ngư dân gặp nạn một tiếng kêu thất thanh: “Thằng Trung bị rơi xuống biển rồi, cứu nó nhanh lên”. Tất cả lao về phía có tiếng kêu, nhìn xuống nước thấy một người đang cố bơi nhưng sóng lớn cứ kéo ra xa dần nơi tàu neo đậu. Tình hình vô cùng khẩn cấp, Đại úy Phong vội ra lệnh: “Đồng chí Hải trực tiếp chỉ huy tàu vào đảo để kịp thời cứu chữa cho người bị thương” rồi anh cầm vội chiếc phao và lao xuống mặt biển. Không thể chần chừ vì ngư dân bị chấn thương xuất hiện dấu hiệu mạch nhỏ, hô hấp khó khăn rất nguy hiểm đến tính mạng nên tàu cứu hộ phải nhanh chóng trở về đảo.
Chuyến tàu chở đoàn công tác của ngành giáo dục tỉnh kéo một hồi còi dài trước khi cập vào âu đảo. Liên cảm thấy có chút hồi hộp xen lẫn với niềm vui khi con tàu cập âu an toàn và mọi người đang í ới gọi nhau lên đảo. Liên xách chiếc túi đựng tư trang cá nhân đứng tần ngần sát lan can của tàu, cô đảo mắt tìm kiếm trong số đông các chiến sĩ biên phòng xuống âu đón đoàn công tác với sự chờ đợi Phong sẽ xuống xách đồ và đưa cô lên đồn, thế nhưng người giúp cô lại là một chiến sĩ còn rất trẻ và anh nói với cô: “Dạ, anh Phong vừa chỉ huy tàu đi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn lúc sáng nên các thủ trưởng bảo em xuống đón và giúp chị lên đồn”. Nghe xong câu nói của người chiến sĩ, Liên cảm thấy có chút hụt hẫng, nước mắt cứ chực trào ra, một nỗi buồn từng lúc xâm chiếm trong trái tim của cô. Gặp cô tại sân đơn vị, Đồn trưởng Hùng nhẹ nhàng nói:
- Cô Liên ạ, chúng tôi mong cô thông cảm, vì công việc quá cần kíp và đột xuất nên đồng chí Phong phải cùng với một số anh em khác đang đi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Bây giờ cô về phòng đồng chí Phong nghỉ, chắc cũng khoảng gần hai tiếng nữa là tàu cứu hộ cũng về tới đơn vị.
Đồn trưởng Hùng nói động viên như vậy để Liên yên tâm chứ vừa rồi anh vừa nhận được điện báo cáo tình hình xảy ra trong quá trình xử lý công tác cứu nạn, anh cũng đang vô cùng hồi hộp, cầu mong sao cho mọi việc đều an toàn tuyệt đối và Phong sẽ trở về đơn vị giống như trước khi anh rời đơn vị để cùng với các đồng đội thực hiện nhiệm vụ.
Vừa bước vào phòng nghỉ của chồng, Liên vội đóng cửa và nằm thượt xuống chiếc giường cá nhân, chợt cô nhìn thấy cành hoa phong ba trên bàn làm việc cùng một tờ giấy viết vội dòng chữ: “Vợ yêu, em ra đảo thì anh đang cùng một số anh em đi làm nhiệm vụ cứu nạn nên anh không đón vợ được, mong rằng khi em nhìn thấy cành hoa phong ba này là em đã nhìn thấy chồng yêu đang đón vợ trong căn phòng nhỏ bé này. Ký tên: Chồng yêu”. Đọc xong mẩu giấy, Liên cảm thấy nỗi buồn và sự trống vắng trong lòng nguôi ngoai chút ít, cô lặng lẽ ngắm cành hoa rồi nở nụ cười với tấm ảnh chân dung chụp Phong đứng trên mỏn đá nhô ra biển với lớp sóng vỗ nhẹ dưới chân. Sau giấc nghỉ trưa chập chờn, Liên đang tô thêm chút son và sửa lại mái tóc để tý nữa tham gia hoạt động làm vệ sinh xung quanh đảo theo chương trình “Hãy làm sạch biển” do đoàn viên, thanh niên Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh và Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng phát động. Liên liếc nhìn đồng hồ, đã gần hai giờ chiều rồi mà tàu cứu hộ vẫn chưa về, chẳng biết có gì bất trắc xảy ra hay không nữa, lạy trời cho anh về kịp với em.
- Tàu cứu hộ về rồi anh em ơi!
Liên lao vội ra cửa khi nghe tiếng của ai đó thông báo như vậy. Cô bước những bước chân gấp gáp trên con đường dẫn xuống âu đảo nhưng mới đến giữa sân bóng đơn vị thì Đồn trưởng Hùng đã gọi cô dừng lại:
- Cô Liên đừng xuống âu chứ đồng chí Phong chưa về đâu.
Liên khựng lại.
- Anh nói gì ạ, sao anh Phong lại không về cùng với tàu cứu hộ? Hay anh Phong bị làm sao rồi mà các anh giấu em?
Không còn cách nào khác, Đồn trưởng Hùng thông báo hết mọi tình hình cho Liên rõ, nghe xong mọi chuyện, Liên đổ gục xuống sau tiếng gọi: “Trời ơi! Anh Phong ơi, anh đừng bỏ em với con, anh đừng chết”. Đồn trưởng Hùng đỡ cô dậy và động viên:
- Cô bình tĩnh đã, anh em cũng mới chỉ biết tình hình bước đầu như vậy, kết quả cuối cùng thì phải chờ tàu của ngư dân về lúc ấy mới biết rõ mọi việc được. Bây giờ chúng ta...
Đồn trưởng Hùng nói chưa hết câu, Liên đã vùng ra khỏi tay Hùng và chạy nhanh xuống âu đảo: “Anh để em xuống âu đón chồng em trở về”. Lúc này mọi người đã hiểu ra câu chuyện, ai cũng thương cảm, chia sẻ và động viên Liên cố gắng giữ bình tĩnh vì vẫn chưa hết hy vọng. Không khí trong toàn đơn vị lúc này như chùng xuống, trên khuôn mặt tất cả mọi người đều thể hiện sự căng thẳng và chương trình giao lưu văn nghệ tối hôm nay giữa hai đơn vị rất có khả năng sẽ không tổ chức được nếu như điều tồi tệ nhất xảy ra.
Mặt trời lặn dần về phía dãy Trường Sơn mờ ảo, sự căng thẳng vẫn hiện hữu. Và khi tia hy vọng cứ cạn dần theo thời gian thì tất cả vỡ òa bởi lời thông báo từ Đồn trưởng Hùng: “Tàu của ngư dân sắp về tới đảo sau khi đã khắc phục được sự cố máy tàu và mọi người trên tàu đều an toàn và có mặt đầy đủ, khoảng hơn 30 phút nữa, tàu sẽ cập âu đảo”. Mọi người đều nhảy lên reo hò mừng rỡ và chúc mừng Liên.
Mở đầu chương trình đêm giao lưu, tiết mục song ca bài hát “Tình ta biển bạc, đồng xanh” được thể hiện khá thành công của một cô giáo và một cán bộ biên phòng. Và trên tay cô giáo cầm một nhành hoa phong ba nở rất đẹp, nhành hoa ấy, sáng nay Trung úy Hải đã nhìn thấy trên bàn làm việc của Đại úy Phong.
Cam Lộ, ngày 17 tháng 5 năm 2019