Hình như, chưa lâu lắm, cái hồi cách đây chừng mươi, mười lăm năm thì phải. Đón Xuân! Chỉ vậy thôi đã rộn ràng làng trên xóm dưới, đã thao thức nhịp chày quết bánh phồng của bà, của mẹ, của chị gái, em gái với những mẻ mứt dừa khéo léo, trắng tinh đẹp như sự trong trắng của cô thôn nữ miệt vườn vậy đó. Có xa xôi gì đâu! Vậy mà giờ đây tất cả như truyện cổ tích làm đẹp cho trang sử truyền lưu. Ừ, buồn lắm... Mà thôi, cứ kể lại đi, chắc sẽ có nhiều người đồng cảm...
Không biết tôi sẽ bắt đầu với bạn như thế nào? Thôi, đầu tiên là từ mùa cá đìa vậy...
“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua...”.
Bây giờ, cái tuổi của nhộn nhịp phố xá, của tiếng động cơ ầm ào, biết mấy ai còn nhớ dân ca mà nhắc? Nhưng tôi tin, cái hồn quê vẫn còn lưu giữ trong tim người đau đáu về nơi mà mình đã cất tiếng khóc đầu đời. Và bạn, và tôi...
Có lẽ từ cuối tháng mười một âm lịch là đúng nhất. Mùa này nước chưa cạn lắm đâu, do đó làm đìa phải chọn cách “đìa chụp”. Là như thế nào hở bạn? Xin chú thích ở đây thêm một chút, có hai cách để người ta có thể thu hoạch cá trong đầm (đìa), cách thứ nhất, khi nước còn khá sâu, bà con quê mình thường dùng những mảnh lưới chuyên dụng cố định ở một đầu của bờ đìa, hai góc còn lại của mảnh lưới có thể dùng sào cột chặt và rà sâu dưới lòng đìa sát mặt đất chạy dài đến bờ còn lại của đầm cá, hoặc có thể có hai chàng thanh niên trai tráng sẽ nhảy ào xuống nước rà hai góc lưới một cách chậm rãi, những người trên bờ có thể dùng cây hoặc nhánh chà dài khua nước bắt đầu từ mép lưới ngược lại để cá giật mình và đâm đầu chạy vào tấm lưới. Mẻ lưới được kéo lên một cách từ tốn. Cách này đơn giản, ít tốn nhiều công sức, và thu hoạch nếu sản lượng cá nhỏ quá thì có thể thả lại thuần dưỡng để sang tháng hai, tháng ba âm lịch tiếp tục thu hoạch bằng cách tát cạn và lội bùn bắt cá - đây cũng là cách thứ hai tôi muốn gợi ra để bạn nhớ mùi cá lóc nướng trui thơm lừng trên bờ mương mùa đìa cạn, chấm với muối ớt. Và, đừng quên xị đế mẹ nấu còn thơm mùi hèm!
Không nhớ từ khi nào, bà con quê mình không còn dùng gàu để tát đìa nữa. Có lẽ do tốn thời gian nhiều và cái chính là bà con đã sử dụng được động cơ thay thế chân tay nhưng cái lớn hơn là đời sống kinh tế đã khá dần lên, đã trang bị được khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để thay thế hoạt động cơ bắp rồi. Mừng, mừng lắm nhưng một nét văn hóa đặc sệt Nam Bộ dần lui vào quá khứ, mà thời gian không lâu nữa, những điều này sẽ chỉ còn là kỷ vật hay gọi là hoài niệm về một thời chưa xa lắm...
Và, các bà thì giỏi giang vô cùng. Như cái mùa đìa này, sau khi tuyển chọn cá bán cho thương lái, số còn lại có thể thả vào ao nhỏ gần nhà để rọng lại đến ngày 25 tháng Chạp nấu mâm cơm cúng tiễn ông bà có thêm món bình dân, hoặc đến ngày 30 có cá lóc nướng trui chấm mắm tép mà rước ông bà thì cũng ấm cúng lắm. Còn số cá xấu hơn thì mấy bà cô, bà chị làm khô để cho mấy ông đờn ông nhâm nhi ba ngày tết, thong dong và chén tạc chén thù mà không sợ vợ cằn nhằn vì lúa bị đám chuột đồng cắn quá, vì mưa chướng làm chúng bị chín háp... Tha hồ mà nhậu...
Cái hồi nhỏ của tôi đó, không biết bây giờ còn nhà nào giữ nếp không nhỉ? Khoảng độ sau Rằm tháng Chạp là lúc mẹ và mấy người phụ nữ hàng xóm dần công nhau quết bánh phồng. Thích ơi là thích! Những nhịp chày vọng đều, đan xen cả vào giấc trưa yên ả. Nào là bánh phồng nếp, bánh phồng mì, mà loại nào cũng ngon cả, nhất là chất béo ngậy của nước cốt dừa, nướng bằng cái gắp làm bằng tàu lá dừa chẻ chảng ba, bánh vàng đều, phồng to lên thật thích. Có lẽ chính từ cái việc bánh bén lửa như thế mà ông bà mình gọi là bánh phồng? Không biết cách giải thích như thế này của tôi có ngộ nghĩnh không nữa...
Ở quê là vậy đó. Hình như từ những ngày đầu tháng Chạp là bà con mình rộn rã cho ngày cuối năm. Chuẩn bị mọi việc, từ dọn dẹp nhà cửa, sửa sang cái chái bếp, chủ yếu là chuẩn bị góc nhà ưng ý nhất để nấu bánh tét vào ngày Ba mươi. Mấy bà chị họ của tôi thì khéo léo hơn, nào là bánh này, mứt khác như bánh bột đậu, bánh bông lan, mứt dừa, mứt bí đao chẳng hạn... Tụi trẻ con của bọn tôi thì thích nhất là được chị cho cái chảo còn đường cặn chị xào mứt dừa còn sót lại, thơm, béo, ngọt dậy mùi va ni, thích lắm. Mà, ngày đó những bà mẹ có con trai lớn thì rất cẩn thận, như cái mùa tết thế này mới thấy được sự giỏi giang của những đám thiếu nữ mà con trai mình ngấp nghé...
Như cái chuyện treo lịch ngày tết nữa. Sao mà hiếm hoi không biết! Sau ngày Hai mươi tháng Chạp, ôi thôi, nhà nào cũng mua bột về khuấy hồ mà dán giấy. Lịch thì quý giá vô cùng, phải cắt ra từng tờ một dán lên mới che khuất cái khung buồng cũ ơi là cũ. Mấy cô thiếu nữ thì cẩn thận hơn, còn cắt dán hoa giấy treo dọc bên này, chéo bên kia, cũng bắt mắt lắm.
Mà không biết cái thời làm thịt heo chia lúa có còn gợi lại một nét đặc trưng của văn hóa miệt vườn không nữa? Có nghèo khó gì cho cam, nhưng, tết là vậy, ai muốn mổ heo thì phải đi dài xóm, hết nhà này đến nhà khác mời trước, và người mua cũng đa dạng lắm, như cái chuyện muốn ăn thịt như thế nào thì phải dặn trước cho người mổ heo, để khi ra thịt người ta sẽ để riêng những phần dặn dò qua một bên, như là đã bán rồi vậy đó. Và ai mua cái đầu heo thì phải biết cách tính bù, như ba ký kể hai chẳng hạn...
Trong không gian này tôi chưa thể liệt kê hết những dấu hiệu sắp biến mất một cách vĩnh viễn trong đời sống ồn ào thời công nghiệp được. Chỉ có tiếc và tiếc. Thử ngẫm ngợi thật lòng mà xem, như quy luật của tự nhiên, một ngày nào đó bà thanh thản bay về niết bàn, mẹ già yếu không còn đủ sức mà gói bánh tét, thì làm sao còn thấy được cái miệng bỏm bẻm nhai trầu nhả bọt vào cái ô đặt cạnh góc tấm ván được? Lúc đó không biết có ai còn nhớ cách ngâm gạo nếp như thế nào để khi nấu lên bánh tét sẽ dẻo và thơm nồng không nữa?
Mà tôi cũng nói thiệt, ba ngày tết ngán ngẩm với củ kiệu dưa hành, bạn thử về quê cùng tôi để ăn bữa cơm đạm bạc thơm lừng mùi gạo mới với cá lóc nướng trui bằng rơm chấm món mắm tép của mẹ tôi làm...