Vậy là sắp tròn năm ngày cha đi xa. Cha mất đúng ngày 30-4 là ngày giải phóng miền Nam; nhưng theo lịch âm, là ngày Rằm tháng Ba năm Mậu Tuất, 2018.
Ấu thơ con, là những ngày bình yên cùng mẹ cha nơi đồng đất nghèo quê mình. Tầm mười tuổi, con thường lúp xúp theo cha ra đồng mùa nắng hạn; hay lớn hơn một chút, tầm mười sáu tuổi, khi nhà mình mới làm lúa vụ hai mùa đầu tiên, tháng Bảy âm lịch, mưa ngâu rả rích, chẳng bao giờ ngơi hạt, thấy cha chống xuồng lúa vào, con loi choi nhảy xuống ôm một bó vác lên, cha, vừa rửa chân dưới cầu ao sau nhà, vừa nhắc: “Cứ để đó cho cha, con vác lên, coi chừng không quen, lá lúa cắt, sẽ bị ngứa đó”. Mà thiệt tình, tôi chỉ đủ hăng hái vác vài bó lúa, chưa kịp hân hoan với thành tích của mình, thì hai cánh tay đã bị ngứa, cảm giác như có con vật gì đấy châm chích liên tục. Từ đó về sau, tôi chẳng vác thêm một bó lúa nào nữa.
Nói thêm, dù hồi đó gia cảnh chật vật, nhưng tôi được cha mẹ và mấy anh trai cưng chiều, lúc nhỏ, tôi chẳng biết động tay động chân vào bất cứ việc gì cả. Giờ nghĩ lại, thấy thương cha mẹ và mấy anh trai vô cùng.
Khi tôi lớn lên một chút, ba người anh trai trọ học ở xa, chỉ một mình tôi ở nhà với cha mẹ. Là tôi, với nhiệm vụ bất di bất dịch, là mỗi sáng nhóm bếp, nấu ấm nước cho cha tôi uống bình trà “quạo” trước khi ông làm việc khác, như vót nan đươn lọp; làm cỏ vườn, dọn bờ mương, bờ đìa... Là tôi, với những lần quẩy chiếc rọng nhỏ theo cha bắt cá dưới những cái áo nhỏ đang cạn dần nước như mùa này; là tôi reo lên mừng rỡ mỗi khi cha đi làm đồng về với vốc thù lù chín trên tay, hay một nhúm trái nhãn lồng vàng ươm thương nhớ... Mãi hoài trong tôi là hình ảnh thềm nhà đầy nắng, với hàng hiên đầy hoa mười giờ. Và, cứ mỗi buổi chiều thanh xuân mùa cũ, cái thềm nhà đó, cha tôi ngồi vót nan lọp, mẹ tôi ngồi khâu lại mấy cái áo cũ, đã sờn vai, để cha tôi mặc đi ruộng, tôi cũng ở đó, nghịch cái rổ may đầy các cuộn chỉ nhiều màu sắc của mẹ...
Khoảng mười lăm năm trở lại đây, anh trai tôi đưa cha mẹ “thoát ly” khỏi đồng đất, để tiện chăm sóc. Chưa được hưởng thụ những ngày nông nhàn bao lâu, cha tôi - sau thời gian nằm viện dài ngày cũng được về với gia đình, nhưng kèm theo hồ sơ là bệnh K tủy sống. Hành trình suốt mười một năm ròng anh em tôi đưa cha lên xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi tháng một lần, cá biệt, có nhiều tháng phải đi hai lần. Sợ cha nản, không chịu “hợp tác”, anh em tôi cứ năn nỉ mãi, rằng, cha ơi cha bị viêm tủy nặng, muốn khỏi bệnh, phải kiên trì điều trị lâu dài. Cha ráng đi nghen cha! Thương làm sao những cơn đau dài hành hạ, nhưng chẳng bao giờ cha tôi than vãn, sợ anh em tôi thêm lo lắng.
Suốt mười một năm, cha tôi chưa bỏ tái khám lần nào; lần duy nhất và cuối cùng, đó là chưa kịp đến ngày hẹn, cha tôi đã không còn đủ sức chiến đấu với bệnh tật nữa. Giờ đây một năm tròn cha đã ra đi; nhưng những hơi thở yếu ớt cuối cùng trước khi người yên nghỉ, luôn luôn ám ánh trong lòng anh em tôi. Và khi cha đã khuất, mọi thứ thân thuộc xung quanh, tôi luôn luôn cảm thấy trống vắng... Mới đây, hôm chủ nhật vừa rồi, về quê cúng Thanh minh cho ông bà; riêng cha tôi, theo phong tục, người mất chưa đầy năm, thì chưa cúng; nhưng, cũng như những dịp lễ tết khác, mỗi khi về thăm mộ, chúng tôi cũng đều bày hoa quả và bánh mứt, thắp nhang và khấn vái cha tôi. Mùa này, đồng đất Nam Bộ nắng tràn như tươm mật. Nhà tôi ở quê, hơn mười năm nay, anh chị đầu của tôi “tiếp quản”. Về thăm quê hôm bữa, trong tôi đan xen nhiều cảm xúc khó tả. Ngay tại vườn nhà, cây ăn trái lâu năm mà hồi đó cha tôi gieo hạt, vẫn đang hồi ra hoa đậu quả. Và, nhất là cái hiên nhà, bây giờ, mùa thanh xuân cũ đã ngủ yên... Tôi ngậm ngùi khóc với riêng mình: Cha ơi! Từ ngày cha đi, nhà mình thềm nắng có còn! Sắp tròn năm ngày cha mất! Con gái viết trong đong đầy thương nhớ...