Những triền sông dài miên man, những con rạch ngoằn ngoèo chảy... để rồi, cuối những dòng chảy ấy, nước tụ về những cửa sông lớn như Trần Đề, Ba Thắc, Cổ Chiên... đó là một số trong chín cửa sông cùng xuôi ra biển ở miệt đồng bằng này. Những bến sông với đầy ắp triền gió trước cửa nhà, hỏi ai đi xa mà không thấy nhớ, mà không nao lòng với những bến hẹn hò cũ... Những triền sông, gắn liền với nó là những nếp sinh hoạt đậm chất... nước. Mấy ai ở miền Tây này mà không biết, cũng từ những triền sông đầy gió ấy đã làm nền cho soạn giả Trọng Nguyễn viết bài vọng cổ Chợ Mới: “... Chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo...”, để rồi chàng trai, cô gái trong câu hát ấy, đã trở thành biểu tượng đẹp trong tình yêu đôi lứa thời bấy giờ. Thắc thỏm bên những triền sông đầy gió là hình ảnh con đò quê dập dềnh trong sóng nước, là ngược xuôi những phận nghèo mưu sinh, là cảnh”thương hồ hát thương hồ nghe giữa những cây bẹo rao hàng”...
Ở miền Tây từ bao đời nay, gắn liền với những triền sông là bao câu chuyện kể, mà mỗi câu chuyện là một lát cắt, vui buồn đều có đủ. Từng nhánh sông gắn liền với từng bến nhớ. Cái nhớ này lại bắc cầu sang cái nhớ khác, để khi “có tuổi” một chút, xa những triền sông là khắc khoải những đợi chờ. Nhưng khi bị “tra vấn” đợi chờ điều gì, thì cũng khó liệt kê cho đầy đủ được. Cũng đành phải “cắt lát” từng khúc nhớ ở những triền sông... Từng mảng ký ức thời thơ ấu là những hoài niệm đau đáu cả đời người. Ở những triền sông đầy gió ấy, nước nhẹ nhàng chảy, ấp iu bao la tình thương của bà, của mẹ. Và khi tâm hồn ta bị tổn thương, những triền sông như vỗ về, ve vuốt, gội rửa. Đến khi vết thương liền sẹo, ta lại như cánh chim vụt bay đi, bỏ lại những triền sông đầy gió ngẩn ngơ nhớ... Những triền sông bồng bềnh trôi qua mỗi phận người, có thể có nhiều gấp khúc, hoặc êm đềm thư thái, nhưng đều miên man những con nước lớn ròng châu thổ. Nông sâu những dòng sông hay nông sâu lòng người, nào ai biết hay đong đếm được? Thời gian chỉ chảy về một phía, mà dòng sông mẹ thì nhiều nhánh rẽ quá... Đau đáu những hồn sông. Rồi cái bận anh trai tôi trở về sau năm lần bảy lượt hẹn hò với người yêu nơi quê nhà; đến khi sắp xếp được thì triền sông chẳng đặng đừng phải chứng kiến cuộc tình lỡ. Ngay trên bến đò đêm, người con gái ấy nước mắt ngắn dài tựa vào bờ vai anh tôi khóc, bởi, chỉ sáng hôm sau thôi, chị sẽ theo chồng về bên triền sông đầy gió khác... Mãi đến bây giờ, triền sông, với anh trai tôi, là nỗi ám ảnh không nguôi. Trong tâm hồn mỗi người con đất Việt, dường như đều có một triền sông, mà ở đó, có cả một trời hoài niệm. Mỗi triền sông đều có vui buồn như những phận người. Dòng trôi khi êm đềm, tĩnh lặng, thanh tao; lúc thì cuồn cuộn, lúc lại tạo ra những rãnh nước xiết... Đời người cũng vậy, thăng trầm và vạn biến; có những lúc chỉ muốn trở về với bến nước làng quê, với con đò, với triền sông thời thơ ấu, với những chiều thấp thỏm nhớ mông lung.
Nỗi nhớ về những triền sông, không thể nào định vị chính xác được. Nước ở triền sông trước nhà liu riu chảy dịu dàng như vòng tay của mẹ, bao bọc và chở che. Bên trên triền sông ấy, những hàng dừa xõa tán lao xao như những bàn tay vẫy. Thanh bình đến chảy tràn nước mắt khi ta xa quê, xa những triền sông thơ ấu. Sông cũng có tâm hồn, cho nên, với sông, ta hãy đối đãi như với phận người, neo nhớ thương vào dòng trôi. Những triền sông không chỉ có gió và gió, sông mang theo bao nhiêu cảm xúc của đời người xuôi ra biển... Mấy ai có biết để mà nhớ thương, mà lưu luyến? Còn gì ở những triền sông đó mà thổn thức nhiều đến vậy? Còn chứ, còn quá nhiều câu chuyện để nhớ, yêu thương và hoài vọng... Cứ mỗi buổi hoàng hôn ngấp nghé dưới bến sông quê, bà tôi lại mỏi mòn trông ngóng về phía chân trời vô định. Hình ảnh chú tôi ngày vừa tròn mười tám khoác ba lô theo cha tôi vào chiến trường thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để rồi không lâu sau đó, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử từ đơn vị gởi. Khi đất nước được thống nhất, hòa bình lập lại, hai miền Nam - Bắc được nối liền một dải, cha tôi trở về và tiếp tục tìm kiếm tin tức em trai... Bằng trái tim yêu thương vô bờ bến của một người mẹ, bà tôi luôn nuôi hy vọng có phép thần kỳ nào đó, chú tôi sẽ trở về bằng xương bằng thịt... Hy vọng dài đến mấy chục năm sau của một người mẹ. Và, nỗi buồn thương nhớ con trong lòng bà tôi như cô lại, vào một chiều mưa dầm ở triền sông ấy, bà tôi đã trượt chân ngã tại triền sông trước nhà và ra đi mãi mãi... Lạ một điều, dù dòng nước không đứng yên, nhưng triền sông quê đã giữ chặt hình bóng và tâm hồn bà tôi ngay bến nước cầu ao mà mỗi chiều muộn bà tôi thường ra mong ngóng chú... Hình ảnh đó neo vào trái tim tôi và những người thân khác trong gia đình tôi đến chảy tràn nước mắt, khắc khoải nỗi đau... Thời gian sẽ bào mòn nhiều thứ, kể cả nỗi buồn thương kia, rồi cũng dần nguôi theo năm tháng.
Tôi muốn kể thêm về triền sông trước cửa nhà bằng một hình bóng nữa. Đó là cô bé chèo đò tuổi trăng rằm ngày tôi mới lớn. Chưa biết hò hẹn như anh trai tôi. Đó chỉ mới là những rung động đầu đời của tuổi mười lăm, mười bảy. Chưa có một khái niệm yêu đương tròn trịa nào thuở nhỏ, chỉ là những xúc cảm trong sáng nhất mỗi khi nàng buông nhịp chèo chao nghiêng theo dòng nước đưa khách từ bên này qua bên kia sông. Mà lạ thiệt, chỉ thấy dáng nàng nhấp nhấp mái chèo trong chiếc áo bà ba màu tím hoa cà đã cũ, tự nhiên tim tôi lại đập loạn nhịp. Thực tế này theo tôi suốt đến vài năm. Trai mới lớn ở quê mà, không biết bon chen mồm mép. Để rồi, khi nàng đủ mười tám tuổi, triền sông đầy gió trước cửa nhà tôi lại làm thêm cuộc tiễn đưa... Đến bây giờ, hơn hai mươi năm sau ngày ấy, chắc nàng cũng không biết, phía bên này triền sông, có một chàng trai mới lớn đã yêu mình bằng một tình yêu đơn phương như thế. May một điều, dù bước ra từ triền sông đầy gió này, nhưng nghe đâu cuộc hôn nhân của nàng cũng đủ đầy, viên mãn. Tôi mừng cho nàng nhưng cũng nghe trong lòng mình man mác một phía gió lắt lay... Hình như tôi đã quá ích kỷ?
Vậy đó, những triền sông đầy gió đã thổi đi trong hiền hòa lau sậy, trong vi vu tiếng sóng, trong ngập nỗi mênh mông thương nhớ. Giờ đây, phía bên kia nhịp chèo đưa khách của người con gái đầu đời tôi đã yêu xưa, đã có cây cầu bê tông bắc qua phía nhà tôi rồi, nhưng mỗi lần về quê, tôi cứ hy vọng viển vông về những nhịp chèo xưa với dáng áo bà ba thanh tao màu tím hoa cà đã cũ... Mới hay có những thứ dù thời gian có trôi, có bào mòn đến đâu thì chúng vẫn hiển nhiên tồn tại, có thể ngập sâu hơn trong lòng người, như là nỗi nhớ. Những triền sông đầy gió với ký ức miên man là miền nhớ vô tận, nuôi tôi lớn lên với đủ đầy sắc thái yêu thương. Cảm ơn ấu thơ bên những triền sông đầy gió đã dưỡng nuôi tâm hồn tôi như hôm nay. Cảm ơn bà, cảm ơn mẹ, cảm ơn em đã kéo tôi về phía nhớ chưa bao giờ cũ. Thương làm sao những triền sông đầy gió quê mình!