Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới soạn hộp kim chỉ ra, thời gian trôi nhanh, mới ngày nào còn bé tẹo hay bày kim chỉ của mẹ chơi trò may quần áo cho búp bê, giờ đây tôi đã làm mẹ và khâu vá những chiếc cúc áo cho con. Những cây kim khâu sao mà thân thương quá đỗi, hình như tôi mang ra để đếm ngược thời gian hay sao ấy! Nói thật, với hộp kim chỉ, tôi thấy mình giống như cô Thắm về làng, thảnh thơi và uyển chuyển không kém mẹ ngày xưa nhiều lắm...
Mẹ tôi là thợ may rất khéo nhưng bây giờ thì xưa rồi, không ai mà đem vải đến để bà may áo hai mảnh cả, mà mẹ tôi có biết may như thế bao giờ đâu? Mẹ khéo nhất là may đồ bà ba cho mấy cô, mấy chị, kế đến là may pijama cho những người đàn ông lớn tuổi. Chỉ vậy thôi, nhưng khéo léo vô cùng. Có điều, giờ mắt mẹ tôi còn tinh lắm, không bị quáng vẫn có thể ngồi khâu đồ bằng cuộn chỉ màu đen. Ngày còn bé, mẹ hay kêu tôi vào soạn vải vụn để dạy cho những đường nét căn bản, mẹ nói: “Để khi lấy chồng còn biết đường mà khâu vá”. Vì sợ mẹ buồn nên tôi chấp hành chứ thật ra không có hứng thú gì trong chuyện này cả. Rất may là tôi có cái nhạy cảm của mẹ, nhờ cái thông minh của bà nên không cần tốn thời gian nhiều. Tôi không biết cắt may theo công thức giống mẹ nhưng chuyện khâu vá thì đáng tự hào lắm!
Có một giai thoại đẹp như thế này: Giáo sư Tôn Thất Tùng, một trong những chuyên gia mổ tim số 1 của Việt Nam và thế giới, trong một lần sang Mỹ trở về, sau khi tay bắt mặt mừng với thân nhân, đồng nghiệp và bạn hữu, có người hỏi cảm nhận của ông về cường quốc này như thế nào? Ông trả lời: nước Mỹ sẽ tuyệt vời hơn hiện tại nếu phụ nữ biết khâu vá... Thế đấy, dù hiện đại, lớn mạnh đến đâu thì nét đẹp đời thường của người phụ nữ nói chung và cả cộng đồng dù ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều được lưu truyền. Đẹp lắm lắm chứ bạn!
Hình ảnh mẹ ngồi vá áo quần cho gia đình vẫn còn in đậm trong tôi. Mẹ khéo léo vô cùng. Ví dụ, rách những đường chỉ cái to và dài thì mẹ thường đưa lên máy may nhấn bàn đạp một chút là xong ngay (đương nhiên đạp bằng chân chứ không có điện để hỗ trợ thợ may như bây giờ). Tôi vẫn thích nhất là mẹ đơm lại những cái cúc bé xíu, bởi vì lũ trẻ con chúng tôi hay chơi trò và níu kéo lẫn nhau rách toạt cả áo, đứt cúc, thậm chí còn phơi ngực trần ra nữa. Ôi! Đường kim mũi chỉ của mẹ mới thân thương làm sao! Bây giờ tôi thấy mình như bản sao của mẹ, ngay cả cái chuyện do vội mà mũi kim đâm nhầm vào tay, theo phản xạ tự nhiên, đưa ngón tay bị đau lên cho ngay vào miệng mút mút vài lần là sẽ hết chảy máu ngay. Thực tế là như vậy, nhưng nếu kiểm chứng bằng đôi mắt y học thì ôi thôi, “dơ” phải biết!
Cái chuyện may vá thì cũng đáng yêu lắm! Ngay mẹ tôi chỉ là thợ may nhà vườn mà cũng để lại trong tôi biết bao hình ảnh đẹp. Tôi còn nhớ như in, ngày đó mẹ lấy những mảnh vải vụn thật xinh xắn, sau khi cắt xén cẩn thận, ghép lại thành hình trái thị rồi cho những mảnh vải vụn hơn độn vào bên trong để làm nơi ghim kim vào, như vậy cây kim không bị gỉ sét hay bị tà đầu, mất đi độ nhọn cần thiết vốn có, hay gọi đúng từ dùng của mẹ ngày xưa là để tránh cho cây kim khỏi bị “sựt mũi”, khâu đồ sẽ mất đẹp. Và có thể nghĩ rằng, bạn cùng tôi ngày bé được mẹ may, khâu quần áo như thế, khi mặc vào chúng ta có cảm giác cô Tấm từ trong quả thị đó bước ra, theo chân những trò chơi dân dã quê mình, hình ảnh cô Tấm theo dọc hành trình tuổi ấu thơ với đêm trăng thanh lung linh soi bước nô đùa trên cuối con đường làng - nơi có cái am nhỏ thờ Ông Hổ xuất hiện lúc nào tôi cũng không biết. Ôi! Quả thị của mẹ như quả thị của bà đi ra từ cổ tích Tấm Cám vậy đó!
Nếu không nói thêm điều này sẽ rất khiếm khuyết, mẹ thật cẩn thận và tỉ mỉ dạy tôi rằng, phải biết chọn màu chỉ tương xứng với màu vải quần áo chúng ta cần khâu, như vậy sẽ thể hiện được sự tinh tế, nhạy cảm vốn có của phụ nữ. Ngay cả lúc nào thì cần thiết khâu đường chỉ đơn, lúc nào thì khâu đường chỉ đôi cũng là một chuyện. Và, khi đơm cúc áo thì phải bắt đầu từ ô nào cho đường chỉ êm và sáng nữa kìa. Cái hồi mẹ dạy làm con bọ bên ngực trái áo để mang bảng tên, tôi nhớ không biết bị mẹ cốc đầu bao nhiêu lần mới hoàn thành được. Mẹ bảo ráng mà biết chút gì để sau này có cái dạy lại con cháu. Nói thật, những gì mẹ nói với tôi, đến bây giờ thật quý giá vô cùng.
Từ ngày bé đến khi trưởng thành, trong chúng ta có lẽ không ai nhớ hết mình đã bao nhiêu lần không nghe lời ba mẹ nhỉ? Tôi thú nhận là có, thậm chí hơi nhiều. Giờ đây kiểm nghiệm lại thấy mình hơi mắc cỡ. Giữa thị thành trong mùa tết nhộn nhịp, chao ôi là nhớ cái ngày xưa, trong khoảng thời gian này mẹ phải tất bật lo may vá quần áo mới cho bốn anh em chúng tôi, mỗi đứa ít nhất cũng hai bộ.
Nghèo khó và vất vả là thế, nhưng có nghe mẹ than phiền chi đâu, mẹ làm việc trong niềm vui và hạnh phúc như vậy đó! Bây giờ tôi nhớ cái giỏ đựng đầy dụng cụ may khâu của mẹ, mẹ bày ra nơi thềm nhà - góc nào mà nắng chiếu vào sáng nhất, mẹ nói như vậy sẽ không bị hư mắt, nhớ tiết trời hây hẩy hương xuân, mẹ tất tả vội vàng xẻ từng cái khuy, đơm từng cái cúc, khéo léo vắt từng đường kim một, cho chiếc áo thật ưng ý. Mà, bạn biết rồi đó, gió quê lao xao mùi lúa chín, ngọt ngào hương khế, hương chanh... Làm sao không yêu cho được? Nhớ gì đâu cái lúc mẹ ngồi vá áo thềm xưa...