Những ai được sinh ra và lớn lên ở miệt này, mới thấy những vàm sông có ý nghĩa lớn lao với đời sống của người miền Tây như thế nào. Khắc khoải những đợi chờ, mông lung mấy miền thương nhớ... Vậy đó. Những vàm sông như nhiều khúc hẹn. Mà khúc hẹn nào cũng dày ký ức và rêu xanh màu kỷ niệm.
Bây giờ đô thị hóa đã ăn sâu vào vùng nông thôn miệt đồng bằng châu thổ này, cho nên những nét đẹp bình dị của đời sống cũng theo đó, ngày càng bị mai một dần. Để rồi giờ đây, những Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ đi vào dĩ vãng đã đành, đến những vàm sông nhỏ hơn, cũng trở nên thưa người và buồn muốn khóc.
Ở những vàm sông đó, rất nhiều người từng thổn thức với đầy vơi con nước ròng, con nước lớn; với tình đầu, tình cuối. Xin thưa, tình đầu tình cuối ở đây rất đơn giản và dễ hiểu, tình cuối là sau đêm nay, chỉ ngày mai thôi, nàng theo chồng về xứ khác, là lần cuối của những người yêu nhau hẹn gặp, chứ không phải tình cuối là răng long đầu bạc, là móm mém nhai trầu rồi mà còn hò hẹn.
Như hồi tôi mới hơn hai mươi; nàng của tôi vừa tròn mười tám. Giờ nhớ lại câu “Tình đầu ngơ ngác”, thật chính xác làm sao! Nghĩ lại ông bà xưa đúc kết hay thiệt. Trong một đêm trăng thanh gió mát, vàm sông hiền lành như đang xõa tóc nằm thiêp thiếp giấc. Nàng đã tựa đầu vào vai tôi thút thít khóc. Nàng nói nếu gia đình tôi không dạm ngõ, cha mẹ nàng sẽ gả nàng về làm dâu cho một gia đình khác, ở tận một vàm sông xa lắc xa lơ nào đó mà người ta vừa mối mai đến. Bàn tay tôi toát mồ hôi nắn nắn bàn tay nàng, không kịp giấu cả tiếng thở dài thườn thượt. Tôi nói: “Anh chưa có sự nghiệp công danh, ăn chưa no lo chưa tới; sao anh có thể làm chủ một gia đình, làm sao anh có thể cưới em trong lúc này?”. Nghe tôi trả lời trong yếu đuối, không một lời hẹn với tương lai; nàng liền đứng phắt dậy, gạt nước mắt đang lăn dài xuống đôi má, rất huyền ảo dưới đêm trăng rồi trả lời tôi bằng giọng rất quả quyết: “Ngày mai em sẽ nhận lời mai mối. Em sẽ đi lấy chồng”. Nói xong, nàng chạy dọc theo triền sông đêm, bóng nàng đổ dài dưới ánh trăng, xen kẽ là những tán lá cũng lao xao soi bóng, khi bờ vai nàng chạm vào... Đó là hình ảnh cuối cùng của mối tình đầu luôn đeo bám trong tôi, dù đã mấy mươi năm trôi qua. Với tôi, từ thời điểm đó, vàm sông đã bắt đầu thưa người...
Những vàm sông thường gắn với nhiều câu chuyện xung quanh... nước. Từng con nước lớn ròng, vàm sông chảy xuôi ngược ra sao; mùa nào, tháng mấy phù sa ngầu đục chảy về từ thượng nguồn sông Mê Kông; kèm theo những dòng chảy là những sản vật mà thiên nhiên đã ưu đãi hơn cho vùng châu thổ này, như bù đắp lại sự khắc nghiệt của đất trời.
Rồi cũng từ những vàm sông ấy; những chiếc xuồng đưa rước bọn trẻ đến trường cũng neo lại, sau khi làm cuộc tiễn đưa cuối cùng khi chúng đi tìm tương lai tươi sáng ở phố huyện hoặc thị xã để tiếp tục ở trọ và học những cấp cao hơn như cấp ba, trung học chuyên nghiệp hay cái nghề nào đó để sau nuôi thân, không phải vất vả bám ruộng đồng, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như đời cha, đời ông đã từng trải qua. Cứ thế, theo thời gian, những vàm sông lần lượt tiễn đưa từng mái chèo, từng phận người ra khỏi đời sông nước... Làm sao mà không buồn mông lung và khắc khoải?
Rồi bà tôi cũng ra đi trong một chiều mưa dầm trên bến sông vắng. Bà tôi qua sông bị lật xuồng mà không một ai hay biết. Đến khi trời ngưng mưa, nước đã cuốn bà tôi ra cuối dòng... Mới hay sống chết của đời người, của phận nghèo ở những vàm sông sao mà mong manh và dễ dàng đến vậy!
Giờ đây hình ảnh những vàm sông tràn ngập màu phù sa với từng dề lục bình trôi chầm chậm vào mùa nước nổi, thỉnh thoảng vướng nhẹ lại khi bị chặn bởi một ngã rẽ gấp khúc nào đó... đã không còn nữa. Những vàm sông từng là nơi hò hẹn, đợi chờ đó, giờ đã lui vào dĩ vãng. Mùa này những con sông cạn nguồn, những vàm sông đang thì thào nằm khát...
Vàm sông trong trí nhớ của mọi người: Đó là nơi mưu sinh của nghề chèo đò ngược xuôi đưa rước khách; đó là nơi những xuồng ghe buôn bán nhỏ, lâu lâu “bẻ lái” dừng lại, khi có người í ới gọi mua hàng; là nơi để mỗi chiều chạng vạng, những nam thanh nữ tú vạm vỡ của ruộng đồng, chỉ cần khỏa mái dầm khua nước cùng nhau, trao cho nhau những ánh nhìn trong veo mà ngời hạnh phúc, để đêm về thao thức mơ chung một ngôi nhà và những đứa trẻ...
Trong tôi luôn day dứt mùa ký ức cũ. Lúc bà còn sống, khi tuổi mười tám của tôi đã theo chồng, bà biết chuyện, dù tôi không hề hé răng nửa lời, mỗi lúc thấy tôi ngó ra vàm sông buồn buồn, bà nháy mắt ngân nga: “Trăm năm bến cũ con đò...”.
Vâng, bến cũ giờ đã không còn. Con đò thì chỏng chơ từ lúc vàm sông bắt đầu vắng bóng người, thưa dần, thưa dần... Còn chăng là nỗi buồn ngân ngấn nước?