Không giống như cái lạnh tê người của gió mùa đông ở miền Bắc, miền Tây mùa bấc trở ngọn chỉ đủ làm se se nhớ, nhẹ nhàng như mùa hè ở Đà Lạt, nhưng cũng đủ khiến đôi má của thiếu nữ hây hây đỏ...
Mùa bấc trở ngọn ở miền Tây còn gọi là mùa gió chướng. Với các bậc cao niên, trưởng lão ở miền Tây, họ cho rằng gió chướng là bắt đầu sự thay đổi từ hướng thổi của gió, vì trước đó hướng thổi từ phía tây nam và gây ra nhiều mưa, bây giờ gió chuyển hướng và mang theo dấu hiệu mùa mưa chấm dứt. Đơn giản và dễ hiểu hơn, cũng theo các bậc tiền bối trên, chướng là nghịch, là trái với lẽ thông thường mà thôi! Chỉ có vậy.
Và khi mùa bấc trở ngọn thì những cánh đồng ở miền Tây, lúa bắt đầu ngậm sữa, thoang thoảng hương, oằn bông, trĩu cong, suýt chạm mặt nước.
Ở miền Tây, mỗi năm chỉ có hai mùa rõ rệt. Tính theo âm lịch, mùa mưa bắt đầu từ tháng Năm và kết thúc vào tháng Mười. Trong cái khoảnh khắc giao mùa mưa nắng ấy, những cơn gió chướng bắt đầu nhè nhẹ thổi, lao xao trong đó có cả một trời quê cùng dậy mùi theo gió như hương chanh, hương bưởi, hương sả, hương mẻ cá đồng kho quẹt cuối chiều quê của mẹ cùng len lỏi trong lao xao gió ấy... Để rồi khi đi xa, tôi lại xốn xang nhớ đến mềm lòng mùa bấc trở ngọn nơi miền Tây quê mình...
Khi gió chướng thổi về là lúc triều cường liếm mép chân đê, dòng phù sa ngầu đục. Vào khoảng tháng Mười âm lịch như thế này, bông so đũa bắt đầu nở trắng, không kể bông trái vụ hay so đũa giống Thái màu đỏ quạch như bây giờ. Viết đến đây, tôi lại muốn quay về ký ức cũ, thời bà tôi còn sống. Mỗi khi về quê mùa bấc trở ngọn, tôi hay theo bà chèo xuồng dọc mé kênh, trên bờ là những hàng cây so đũa thân cao, trải dài thẳng tắp. Khi tôi nhón lên, đưa bàn tay với hái bông so đũa cũng là lúc bà nhẹ nhàng ngân nga:
So đũa bông trắng nhụy vàng
Thò tay anh hái cho nàng nấu canh.
Khi gió chướng thổi về, những cánh đồng miền Tây như có một sức sống mới, chuẩn bị “bung ra” để đón chờ mùa xuân tràn đầy năng lượng đang ngấp nghé bậc thềm tháng Chạp không xa.
Thời điểm tháng Mười âm lịch là lúc cá ngon nhất, bởi chúng ăn lúa trổ đòng đòng ngậm sữa, cá rô, cá lóc thịt ngọt, thơm mềm. Giữa tiết trời hiu hiu gió bấc, thử nấu nồi canh chua cá với bông so đũa hoặc nồi lẩu mắm đồng quê nghi ngút khói, lâu lâu đánh “chóc” ly đế rồi khà ra một tiếng, rặt chất miền Tây Nam Bộ. Thử hỏi mấy ai đi xa mà không thấy nhớ, mà không muốn trở về?
Cái độc đáo khác ở miền Tây vào mùa bấc trở ngọn này chính là làm hầm bắt cá. Theo kinh nghiệm lâu năm của bà con, khi mùa gió chướng thổi về, nước ở các ao đìa bắt đầu cạn dần, cá cũng cảm nhận được sự thay đổi của đất trời, chúng tìm đường ra sông rạch sâu hơn. Chính vì đặc điểm đó nên bà con mình hay làm hầm để dụ chúng.
Quê tôi - một xã thuộc vùng bán đảo Cà Mau, những nếp sinh hoạt xưa có thay đổi đôi chút, nhưng về cơ bản vẫn cố giữ gìn nét truyền thống. Mỗi vuông đất nhà quê, ngoài con rạch chính từ nhà ra tận ruộng, thường đi kèm các ao đìa lớn nhỏ khác nhau, tùy theo khoảnh đất được gia chủ chọn lựa trồng cây lâu năm hay rau màu nhanh thu hoạch, các ao đìa đó như hệ thống xử lý nước cho các liếp rau vườn cà. Chính điều này đã tạo nên các họng ao để khi mùa bấc trở ngọn, gió hiu hiu thổi, bà con mình hay đặt hầm bắt cá ngay các họng ao đó. Dụng cụ đơn giản lắm, chỉ cần đặt cái khạp giữa các họng ao rồi be đất cho láng bóng, đều, nhẵn xung quanh miệng khạp. Có khi cũng chẳng cần khạp, người ta đào đất làm hầm theo hình chữ nhật chiều dọc chừng năm đến bảy tấc, ngang chừng ba tấc, hoặc khoét một lỗ tròn đường kính cỡ bốn tấc. Xung quanh miệng hầm cần phải “ngụy trang” thật kỹ bằng sình, bùn hay cỏ cho giống môi trường tự nhiên; để đến nửa đêm trở về sáng, khi cá quẫy đuôi đi ăn hoặc tìm đường ra con rạch chính, thể nào cũng “té khạp”! Lúc đó có trời mà cứu!
Để rồi, khi sáng bảnh mắt một chút, trong cái se se lạnh của cơn bấc tràn về buổi đầu ngày, chịu khó thò chân ra khỏi mùng, rửa vội cho khuôn mặt sáng hơn một chút rồi đi lòng vòng xung quanh vườn, chắc chắn khi trở về, trên tay ít nhất cũng có một vài con cá lóc. Nói thiệt, cá lóc cỡ nửa cườm tay người lớn trở lên, nấu canh chua bông so đũa... Nhớ đừng hỏi có ngon không bạn nhé!
Miền Tây mùa bấc trở ngọn không chỉ có vậy. Những sắc nước mây trời, những âm ba đồng vọng, những hoài niệm về Bắc Cần Thơ, những “Từ là từ phu tướng” của bác Sáu Lầu... sẽ níu chân bạn. Nếu tình yêu chưa đủ lớn để dành cho châu thổ quê tôi, thì nhân mùa gió chướng này, tôi sẵn lòng mời bạn!
Mà tôi nói thật, chỉ có tình yêu sâu sắc dành cho nhau của đôi lứa trong mùa bấc trở ngọn ở miền Tây này mới có thể làm bạn nao lòng:
Gió chướng hiu hiu, chín chiều ruột thắt
Nhìn sao bên Bắc, nước mắt chảy bên Đông
Ai xui chi cho vợ vợ chồng chồng
Không biết đây với đó duyên hồng có xe?
Và bây giờ, miền Tây gió chướng đã về...