Trong ký ức của mỗi chúng ta, dẫu lên rừng xuống biển, dẫu đi cùng trời cuối đất cũng không nơi nào bình an và yên ắng bằng nơi quê nhà. Ở đó, dẫu no ấm, đủ đầy hay còn chật vật, còn chút khó khăn, vẫn là nơi bình yên nhất mỗi khi ta tìm về khóc cười với kỷ niệm. Chính miền thơ ấu này đã phác họa nhiều nét tinh tế, nuôi dưỡng hồn đất, hồn người. Và cũng chính nơi đây đã ươm hạt giống cho những mùa sau...
Trong ký ức nhiều sắc màu kỷ niệm ấy, lau sậy là miền dọc dài đầy gió ở những triền sông châu thổ. Và ai đi qua ấu thơ, đi qua miền lau sậy, có lẽ không thể không biết trận cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc? Cuộc sống sẽ cân bằng biết bao nếu chúng ta hướng đến tương lai bằng quá khứ và hiện tại được kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa trên nền những giai nhấn cũ?
Ký ức về miền lau sậy ấu thơ, chắc ai cũng có và có thể kể hoặc ghi chép lại được. Tuy nhiên, mỗi người có một cách cảm, cách nghĩ và cách viết khác nhau. Tôi đoán chắc rằng, miền lau sậy này đã được viết lên nhiều gam màu đẹp, đủ làm cho người ta sống với những hoài niệm bình dị và thân thương đến mềm lòng...
Và, bạn cũng đừng vội băn khoăn với ý nghĩ: Vậy thì còn gì để nói, để viết, để đọc và để nghe nữa? Xin thưa, phía nào còn hoài niệm, còn ký ức là còn tình yêu, thưa bạn!
Cái hồi chị em tôi còn nhỏ, lau sậy là một phần cuộc sống của gia đình tôi, bởi mẹ tôi gắn bó với lau sậy bằng nghề bó chổi. Không giống như chổi ráng, chổi bông sậy nhẹ, mềm và mượt hơn, nên thường được các gia đình chọn dùng. Hàng ngày, sáng - trưa - chiều, những nhịp chổi nhẹ nhàng đi vào từng ngóc ngách của ngôi nhà nhỏ một cách thân thương như thế. Và, cũng chính những cây chổi bông sậy tảo tần của mẹ, đã góp sức cùng cha nuôi chị em tôi khôn lớn như ngày hôm nay.
Trân trọng từng giây phút nghèo khó trong quá khứ, nên về miền lau sậy của chị em tôi là một miền rất khác. Cứ bắt đầu tháng Mười âm lịch, những bông lau nhỏ, mảnh như những sợi bông gòn bạc trắng kết thành rừng hoa màu khói, còn bông sậy thì sẫm màu hơn một chút, xam xám. Chúng được những cơn gió chướng đầu mùa thổi đi xa tít tắp. Lạ một điều, miên man với từng chùm lau sậy hoàn toàn không hương sắc, đó chỉ là những cây mọc dại, tự ra hoa, chẳng ai trồng, chẳng ai thu hoạch ngoài một vài người cắt bông sậy bó chổi bán như mẹ tôi; nên cũng chẳng có ai nghĩ đến chuyện giẫm đạp lên chúng, như một loài hoa cỏ trong tự nhiên, có cũng được, không có cũng chẳng sao... Nhưng với chị em tôi, một trời quê hương trong những bông lau sậy mỏng manh và nhẹ nhàng như gió ấy. Vì vậy, bất cứ ở đâu, với tôi, lau sậy cũng đã thành một miền ký ức, một miền quê hương.
Đời lau sậy thường gắn liền với đời sông. Mỗi vàm sông là một câu chuyện kể. Ký ức về những triền sông lau sậy cứ chảy mòn theo từng con nước. Để rồi một sớm mai thanh bình nào đó, ta lang thang tìm về miền kỷ niệm, chỉ còn lại một vùng trắng xóa mênh mông... Ơi về đâu lau sậy?
Nhà tôi ở quê xưa, nhìn thẳng ra nhánh sông lớn, thủy triều cứ lở bồi theo từng con nước. Trên bến sông trước cửa nhà mọc đầy lau sậy như những chiến binh giữ bờ bãi, giữ hoàng hôn... Mỗi khi mùa gió chướng trở ngọn tràn về thì bông sậy bay bay theo gió, nhỏ nhoi lau sậy, dung dị đời thường mà cũng làm cho ta day dứt nhớ thương, day dứt về triền hoa không tên tuổi.
Cứ đến mùa gió chướng, thấy lau sậy là thấy hồn quê. Những bụi lau sậy cần mẫn mọc như những bàn tay cần mẫn của người nông dân cấy vào hồn đất, hồn người nhiều hoài niệm. Trong óng ánh nắng vàng, triền bông lau sậy như mềm mượt, dịu êm hơn. Chính điều này làm cho ta xa, lau sậy thời thơ ấu như vương vấn, như gọi ta trở về.
Tôi tin trong đời người, ai đã từng gắn bó với một triền sông cũng dễ thổn thức về miền lau sậy như thế. Tôi xin mạn phép mượn ý của nhà thơ Chế Lan Viên trong tác phẩm Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh của ông “Hoa lau ở đâu?/ Hồn lau ở đâu?/ Hồn ta ở đâu?”, để kết thúc bài tản văn nhỏ này. Với tôi: Hồn lau ở đâu, hồn tôi ở đó...