(Nga)
trò chuyện với Bahgat Elnadi và Adel Rifaat
... Đằng sau tổng phổ các từ, có thể nhận thấy một thứ âm nhạc khác, âm nhạc của lương tri.
Vào thời gian cuối những năm 1950 nhà thơ lớn Liên Xô André Voznessenski đã nổi lên như một trong những chủ soái của cuộc đổi mới văn học diễn ra sau ngày Stalin qua đời. Ba mươi năm sau, trong công cuộc perestroika (cải tổ) ông kể dưới đây về tình hình văn hóa sôi động hiện nay (trước và sau 1990 - N.D.) tại nước ông.
Ông là chủ tịch một ủy ban thành lập tại Liên Xô để tổ chức một cách xứng đáng trong năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh Boris Pasternak. Nếu nhớ lại rằng chỉ mới cách đây có vài năm, tại Liên Xô, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Bác sĩ Jivago của Pasternak còn bị cấm và những tác phẩm khác của văn hào phải đọc hầu như lén lút, phải thấy là đã có một thay đổi lớn trong đời sống văn hóa xô viết. Theo ông, cuộc kỷ niệm này có những ý nghĩa gì?
- Đây sẽ là một dịp lớn không chỉ để ca ngợi Pasternak mà còn ca ngợi tự do của văn chương và các nhà trí thức Liên Xô. Bác sĩ Jivago không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, nó còn là một biểu tượng, biểu tượng cho thái độ của trí thức đương đầu với mọi hình thức hăm dọa. Pasternak không phải là một nhà chính trị, và Bác sĩ Jivago là một cuốn tiểu thuyết khi chính trị hết mực, tuy vậy nó đã có một tác động chính trị rất to lớn.
Chính Nikita Khoroutchev, khi ấy là người đứng đầu Liên Xô, đã phát động chiến dịch chống Pasternak. Ông bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Liên Xô. Tôi không tin rằng Khroutchev đã đọc một dòng nào của Pasternak, nhưng ông ấy ngại giới trí thức và coi những người như Pasternak là một mối rủi ro đối với chế độ.
Theo tôi, một sự việc cũng có ý nghĩa biểu tượng là việc Pasternak đã giao bản thảo cuốn Bác sĩ Jivago cho một nhà xuất bản Italia sau khi tạp chí Liên Xô Novưi Mir không chịu đăng. Bằng mối tiếp xúc đó với nước ngoài, Pasternak đã thể hiện chính nguyện vọng mở cửa của chúng tôi.
Vì vậy, chúng tôi không chỉ kỷ niệm ngày sinh của con người Pasternak mà còn kỷ niệm sự ra đời của biểu tượng mà Pasternak đã trở thành đối với trí thức Liên Xô. Chúng tôi sẽ thành lập một bảo tàng Pasternak tại làng các nhà văn ở Peredelkino, nơi ông đã từng có một ngôi nhà. Những nhà văn lỗi lạc trên khắp thế giới đã được mời tới dự kỷ niệm này, và tôi tin rằng nó sẽ được hàng triệu người dân Xô - viết say mê theo dõi.
Văn học, chính trị, tôn giáo, tất cả đều liên quan với nhau. Trong thành phần Ủy ban Pasternak, có những nhân vật tự do nổi tiếng, song còn có cả Giáo phụ Pimène, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga. Tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng gắn liền với nhau. Tôi càng vui mừng hơn về cuộc kỷ niệm này và chỉ cách đây vài năm thôi, đó còn là điều không thể nghĩ tới. Tôi cũng cảm ơn UNESCO đã ghi Pasternak vào danh sách những nhân vật lỗi lạc sẽ được kỷ niệm trong năm nay.
Trên phương diện nhà thơ, ông có chịu ảnh hưởng của Pasternak. Ông đồng nhất mình với Pasternak đến đâu?
- Năm 14 tuổi, tôi đã gửi thơ tôi đến Pasternak và ông đã gọi điện thoại bảo tôi đến gặp ông. Kể từ đó đến năm 28 tuổi, tôi rất gần gũi với ông và ông là người thầy duy nhất của tôi. Hồi bấy giờ, ông bị chính quyền làm rầy rà gắt gao.
Cố nhiên, tôi chịu ảnh hưởng của Pasternak, nhưng đó lại là một bi kịch đối với tôi, vì lẽ ông là một thiên tài nên tôi sợ rằng đến một lúc nào đó tôi sẽ trở thành nô lệ của ông, sẽ mất đi bản sắc của mình. Tôi còn nhớ có một mùa hè ông đưa tôi đọc những câu thơ ông vừa mới viết... Nhiều câu giống hệt những câu trong bài thơ của tôi mà trước đó ít lâu tôi đã đưa ông xem. Pasternak bảo tôi: “Cháu thấy đấy, Andrei, ta yêu thích thơ cháu đến nỗi ta nghĩ đó là thơ ta và đưa vào tập thơ của ta”. Ngay lúc bấy giờ, tôi rất kiêu hãnh là ông yêu thích thơ mình đến vậy, nhưng về đến nhà tôi nhận ra rằng đó là một bi kịch ghê gớm đối với tôi: những bài thơ của tôi không còn là của tôi nữa mà là của Pasternak! Tôi bỏ làm thơ và trong một năm, chuyển sang hội họa để quên thơ đi. Thế rồi, tôi lại cầm bút viết và lần này thì đúng là sản phẩm của tôi, đúng là thơ tôi, viết theo cách viết của tôi. Những bước đầu thực sự làm nhà thơ của tôi được kể từ đó.
Ông hiểu thiên tài thi ca của Pasternak như thế nào?
- Thi pháp và bút pháp của Pasternak bắt nguồn từ kinh nghiệm âm nhạc của ông, vì từ khi còn rất trẻ ông đã chơi piano rất nhiều, luyện đàn rất nhiều. Mỗi câu thơ, mỗi từ ông viết ra có tác dụng đúng như một nốt nhạc, như thể ông ấn ngón tay lên phím đàn. Không có câu thơ nào rỗng, không có lời nào thừa.
Nhưng đằng sau tổng phổ các từ, có thể nhận thấy một thứ âm nhạc khác, âm nhạc của lương tri. Thế giới ngày nay đang mắc phải căn bệnh thiếu lương tri. Đây là vấn đề của toàn thể loài người. Ta có thể nghe thấy tiếng nhạc của lương tri ấy qua bất kỳ trang sách nào trong cuốn Bác sĩ Jivago. Đó là tác phẩm máu thịt nhất của Pasternak và nó kết thúc bằng những lời tiên tri này:
“Chiến thắng đã không đem lại ánh sáng và sự giải thoát mà họ chờ đợi, dẫu vậy trong suốt những năm tháng sau chiến tranh, đã có một linh cảm về tự do và linh cảm ấy là ý nghĩa lịch sử duy nhất của những năm tháng ấy.”
Tôi nghĩ rằng những dòng trên đây nói lên đúng những gì đang diễn ra hiện nay.
Một tuyển tập thơ Pasternak vừa mới được xuất bản tại Liên Xô, in tới một triệu bản, thế mà hôm trước hôm sau đã bán hết sạch...
Một số tác phẩm lớn trong kho tàng văn học thế giới đã được in với số lượng rất lớn tại Liên Xô. Nước chúng tôi đang có những khó khăn về thực phẩm và hàng tiêu dùng, và chất lượng cuộc sống có lẽ chưa phải đã cao, nhưng công chúng Liên Xô là những người rất am hiểu văn học.
Tôi mong rằng mức sống ở nước chúng tôi sẽ được nâng cao lên ngang với ở phương Tây, nhưng tôi lo sợ một điều, đó là nước chúng tôi sẽ để mất giá trị tinh thần và nền văn học của mình. Tôi không muốn quá khứ rực rỡ của chúng tôi sẽ bị mai một. Tôi nghĩ rằng UNESCO có cùng một mục đích là giúp cho sự trường tồn của các nền văn hóa của các nước nhỏ cũng như các nước lớn.
Ông kể cho đôi điều về cuộc đời thi sĩ của ông
- Tôi không bao giờ làm thơ với cây bút trong tay. Tôi đi dạo ngoài phố, nếu có thể được thì trong rừng và sau khoảng hai giờ, tôi đã có một hoặc hai hoặc ba bài thơ trong đầu. Nếu tôi đi dạo lâu hơn thì bài thơ sẽ có tầm vóc lớn hơn. Nói chung, tôi cố hoàn thành bài thơ ngay trong ngày, chỉ sửa đổi một chút ít về sau. Vì hôm sau, tôi sẽ không còn như hôm trước. Màu trời sẽ thay đổi và cả tâm trạng tôi cũng vậy. Tôi yêu Maiakovski nhưng không bao giờ tôi viết được như ông... dựa vào một cuốn sổ tay trong đó đã ghi lại tất cả những gì lướt qua trong óc ông. Ngay những câu thơ chuẩn tắc nhất của tôi cũng được sáng tác trong đầu. Nó diễn ra như thế nào, tôi cũng không biết nữa.
Tôi thích đọc những bài thơ tôi làm, nhưng tôi không phải là một diễn viên, với lại tôi không thích các diễn viên đọc thơ tôi vì họ diễn đạt quá kịch. Đối với tôi, đọc thơ không phải là một hành động sân khấu mà là một hành động sáng tạo. Khi đọc một bài thơ, tôi nhớ lại những tình huống làm bài thơ đó và tái tạo quá trình sáng tạo ra nó.
Tôi đã có lần đọc thơ tôi tại một sân vận động ở Moskva trước 10.000 người. Lần kỷ lục là 14.000 người, nhưng tôi thích được đọc cho một cử tọa nhỏ hẹp hơn, không quá 2.000 người. Nhưng Moskva không phải là trung tâm duy nhất của văn học xô viết. Ở những thành phố như Novosibirsk hoặc Omsk, tôi cũng đã gặp rất đông khán giả yêu thích thơ bác học chứ không phải thơ “dân gian”.
Về thế hệ các nhà thơ mới thì sao?
- Các trào lưu văn học tiền phong đang lan khắp Liên Xô. Có rất nhiều nhóm nhà thơ trẻ, không chỉ tại Moskva mà ở mỗi thành phố, mỗi tỉnh lỵ.
Các nhà văn trẻ ở ngày nay đứng trước hai vấn đề. Thứ nhất, họ bắt đầu từ con số không nên họ có xu hướng dùng một ngôn ngữ thơ mới, nó nhiều khi có vẻ ngây thơ và cổ lỗ. Thứ hai, thơ nước tôi, dù mang nội dung chính trị, thần bí hay trữ tình, đều có chiều hướng giam mình vào trong những cái khuôn. Những cái khuôn ấy cần phải đập vỡ.
Hiện nay ông có được tùy ý tiếp xúc với phương Tây không? Và ông có tìm thấy ở các nước châu Âu hay ở Mỹ một sự tương ứng nào không đối với công việc của ông?
- Tôi cho rằng những người trí thức của tất cả các nước hợp thành một quốc gia chung. Vào những thời kỳ đen tối nhất của chiến tranh lạnh, các nhà thơ Mỹ như Robert Lowell và Allen Ginsburg luôn luôn là những người bạn rất tốt của tôi. Và hiện nay chẳng hạn, ở San Francisco có một phong trào thể nghiệm gọi là Language School Poetry có những quan hệ tiếp xúc chặt chẽ với các nhà thơ trẻ Liên Xô đang đi theo cùng hướng và viết gần như theo cùng một phong cách. Các nhà thơ thuộc thế hệ tôi cũng đã có và tiếp tục có những quan hệ rất tốt đẹp với các nhà thơ thuộc thế hệbeat như Allen Ginsburg, Lawrence Ferlinghetti và Gregory Corso, cho dù thơ tôi được viết ra một cách phức tạp hơn thơ họ và tôi cảm thấy gần gũi Robert Lowell và W. H. Auden hơn.
Nói cách khác, ông cho rằng văn học là một cái gì mang tính toàn cầu.
- Đúng vậy. Ta không thể đứng biệt lập. Viết bằng một ngôn ngữ, có nghĩa là cảm thấy mình thuộc về một quốc gia. Nhưng vượt ra ngoài cội nguồn ngôn ngữ và quốc gia, các nhà thơ có một cái chung, đó là cảm hứng. Có thể nó đến từ không trung, hay từ Thiên Chúa, hay chỉ là một linh cảm của con người, dẫu sao một điều chắc chắn nguồn cảm hứng là cái chung cho tất cả các nhà thơ.
Ông đã từng theo học ngành kiến trúc. Vậy ông có cho rằng thơ ông mang tính “thị giác” hay không?
- Thơ tôi là thơ thị giác vì chúng ta hiện đang sống ở thời đại truyền hình, thời đại tư duy thị giác trong một thế giới hình ảnh. Hồi bé, chúng ta thường được nghe kể chuyện cổ tích bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa...” Bây giờ thì người ta nhìn trước khi nghe, thế hệ trẻ ngày nay thích hình ảnh hơn âm thanh.
Tôi còn làm tranh và điêu khắc nữa. Về kiến trúc, tôi đã cộng tác với nghệ sĩ Grudia Zurab Tseretely làm một tượng đài được dựng cách đây 3 năm tại Moskva. Đây là một tượng đài về ngôn ngữ, cao 48m, chỉ gồm toàn những chữ cái bằng kim loại của bảng chữ cái Nga và Grudia.
Tôi cho rằng văn học thế kỷ XXI sẽ mang tính thị giác và âm nhạc. Cách đây ít lâu, tôi đã tiến hành những thử nghiệm với âm nhạc: đọc thơ Nga trên sâu khấu và thử chuyển thơ sang dạng nhạc. Giờ đây, tôi nghĩ đến việc hợp nhất âm nhạc với thơ, và tôi cũng tìm cách đưa thơ và các nghệ thuật tạo hình lại gần nhau.
Tạp chí thanh niên Yunost vừa mới đăng một bài thơ của ông nhan đề “Rápxôđi của sự tan rã” và trong dịp đó ông có nói rằng từ “tan rã” mang một ý nghĩa rất đặc biệt trong bối cảnh hiện nay ở Liên Xô. Ý ông muốn nói gì qua đó?
- Tôi là một nhà thơ chứ không phải là một nhà chính trị. Tôi cảm thấy có một chuyện gì đó đang diễn ra, nhưng tôi không muốn viết nó theo kiểu một nhà báo. Tôi cảm thấy nhiều thứ đang trong quá trình tan rã ở Liên Xô và tôi đã viết một trường ca trong đó tất cả các từ thể hiện chẳng hạn chủ nghĩa dân tộc, những khuôn sáo chính trị, đều gợi đến sự tan rã. Tan rã trong tiếng Nga là raspadcho nên tên bài thơ trong tiếng Nga nghe rất giàu âm điệu: “Rapsodia raspada”.
Đối với tôi, đó là một giai đoạn mới. Công chúng Nga đã chán thông tin thuần chính trị. Năm ngoái, số lượng phát hành của nhiều báo chí văn học đã tăng vọt lên tới hàng triệu bản, nhưng bây giờ nhiều tờ báo lại bắt đầu mất độc giả vì họ nói quá nhiều chính trị. Người dân muốn có một thứ văn học tốt. Vì lẽ đó tôi đã nói về tình hình không phải như một nhà báo mà như một nhà thơ.
Hiện nay, nhân dân Liên Xô đang ra sức khắc phục cái truyền thống lệ thuộc kéo dài một nghìn năm và nước tôi đang tìm những giải pháp dân chủ. Những thay đổi trong quá trình diễn ra và tôi cố gắng đóng góp phần mình vào đó bằng cách kiên trì thôi thúc mọi người rũ bỏ những thứ sáo mòn đã tồn tại quá lâu ở nước chúng tôi.
Thông điệp của tôi không chỉ để nói với đồng bào nước tôi. Tôi cố tìm một biểu tượng mang tính quốc tế. Mới đây tôi có đến thăm Jerusalem, cuộc viếng thăm đầu tiên của tôi tại Đất Thánh trong Phúc âm này. Jerusalem thuộc về cả đạo Hồi, đạo Cơ Đốc và đạo Do Thái - biết bao nhiêu thứ tập trung vào cùng một địa điểm! Đồng bào tôi cũng rất quan tâm đến triết học Ấn Độ. Nước tôi nằm vắt ngang ranh giới giữa châu Á lẫn châu Âu, là một gạch nối giữa hai lục địa đó. Thông điệp của chúng tôi có lẽ cũng có một ý nghĩa nào đó đối với người Ấn Độ và các dân tộc châu Á khác.
Ông có cho rằng ở điểm này có mâu thuẫn không? Ông nói đến việc mở ra nền văn hóa thế giới, nhưng trong khi đó chủ nghĩa dân tộc lại đang dựng lên những đường biên giới mới, những hàng rào mới giữa các dân tộc và các quốc gia?
- Đây là một vấn đề biện chứng. Tôi mong muốn đồng bào tôi vừa có cái ăn vừa có tự do. Chúng tôi đã không giải quyết nổi các vấn đề ấy ở thế kỷ XIX, và ở thế kỷ XX chính Stalin đã cản trở chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi lại bắt tay vào ra sức giải quyết các vấn đề ấy. Và tuy chúng tôi đứng trước nguy cơ tan rã, nhưng chúng tôi tin kết quả cuối cùng sẽ phải là một hình thức hợp nhất mới. Cho đến nay, sự hợp nhất người Nga với các dân tộc khác luôn luôn được tiến hành bằng vũ lực. Hợp nhất đích thực chỉ có thể thực hiện bằng lựa chọn dân chủ, hợp tác kinh tế và phát triển văn hóa.
Nước ông đã trải qua một thời kỳ hoạt động văn hóa sôi động, trong đó thơ ca xem chừng đóng một vai trò rất lớn.
- Hiện nay đang có một sự bùng nổ các hoạt động trong các giới văn học, trong thơ nhiều hơn trong văn xuôi. Đâu đâu cũng xuất hiện những nhóm văn học, và ở Moskva thì rất nhiều. Có một số nhà thơ rất xuất sắc trong các nhóm rock. Rock là một hiện tượng rất quan trọng vì nó là mới đối với chúng tôi. Trong nhiều năm, nó đã bị cấm đoán, nhưng bây giờ thì nó có ở khắp mọi nơi. Các nhà thơ rock viết không đều tay, nhưng họ chắc chắn ít bị cấm đoán hơn so với thời chúng tôi. Một số nhà thơ trẻ đọc thơ của mình ngoài đường phố, nhất là ở phố Arbat, phố nổi tiếng dành cho người đi bộ ở Moskva. Họ làm ra cái mà tôi gọi “thơ tức thời” và bán thơ của họ cho công chúng lấy ba rúp, đôi khi thậm chí lấy một rúp. Tất cả những cái đó nay dường như đã thành một bộ phận trong sinh hoạt ở nước chúng tôi. Tôi mong rằng họ sẽ tiếp tục thử nghiệm, cho đến khi đạt được một cái gì thật sự tuyệt vời...
Người đưa tin UNESCO, tháng 2/1990