(Pháp)
trò chuyện với Bahgat Elnadi và Adel Rifaat
... con người ở khắp mọi nơi, là kẻ du mục tìm kiếm tình yêu...
Nhà điện ảnh và đạo diễn truyền hình Pháp nổi tiếng Frédéric Rossif được biết đến chủ yếu ở những bộ phim của ông về loài vật (La fête sauvage, 1973), song ông còn thể hiện cả những đề tài lịch sử (Mourir à Madrid, Giải thưởng Jean Vigo 1963), và gần đây là De Nuremberg à Nuremberg, đề tài nghệ thuật (Picasso, 1982) và cũng đã quay một số phim truyện (Aussi loin que l’amour, 1971). Dù nói về con người hay thế giới loài vật hoặc cây cỏ, phim của Rossif đều ca ngợi vẻ đẹp rực rỡ của cuộc sống.
Anh đã đi khắp thế giới, qua những xứ sở rất khác nhau, gặp những người của mọi miền. Liệu anh có dám nêu lên một định nghĩa bao quát, toàn bộ về cuộc phiêu lưu của nhân loại?
- Có lẽ tôi sẽ nói rằng con người, ở khắp mọi nơi, là một kẻ du mục tìm kiếm tình yêu... Trong cái cuộc vật lộn ngắn ngủi là khoảnh khắc chúng ta tạm trú trên trái đất này, đối mặt với cái mênh mang của thời gian, chúng ta kiếm tìm. Chúng ta làm một chuyến đi chiến đấu, trong đó chúng ta tìm... tìm gì nhỉ? Những ốc đảo - không phải những ốc đảo để nghỉ ngơi, mà là để mưu cầu hạnh phúc. Cái đặc tính của sa mạc là nó cho ta những ảo giác nhưng lại không dội về tới ta những tiếng vang. Thành thử ta cứ đuổi theo ảo giác hoài, mỗi lúc một xa hơn, xa mãi và bao giờ cũng chỉ là một ảo giác không có vang âm. Cuối cùng, ta bắt kịp cái ảo giác đó, và với một số người, nó là thiên đường; với số khác, là bình yên vĩnh hằng; với số khác nữa, là cái chết sinh học. Hành trình đi qua cuộc đời bao gồm vài khoảnh khắc yêu đương, mỗi khoảnh khắc đó là một ốc đảo hạnh phúc trong một sa mạc không bao giờ vọng lại một hồi đáp. Điều quan trọng là đặt những câu hỏi, chứ không phải là có được những câu trả lời.
Trong những nước phương Tây, người ta sẵn sàng lấy câu của Guillaume d’Orange làm phương châm: “Cần gì phải hy vọng mới tiến hành công cuộc, cần gì phải thành công mới vững bền”. Thật là rất đẹp. Nhưng tôi đây vốn hơi “dị dạng”, tôi thích câu phương châm của các chiến binh Zulu hơn, đại khái như thế này: “Tiến thì chết, mà lùi cũng chết; vậy tại sao lại lùi?” Tôi cảm thụ điều này rất sâu sắc. Tại sao lại hạ mình, tại sao lại chịu nhục, tại sao lại phục tùng một tên bạo chúa nếu như số phận đã định là cả ta cả hắn đều phải chết như nhau?
Những quy chiếu của anh bắt nguồn từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Anh cảm thấy mình không thuộc về riêng nơi nào...
- Những ốc đảo của tôi rất khác nhau. Xưa nay tôi vẫn tìm kiếm những sự thông tuệ khác, những suy cảm khác. Sống ở phương Tây, nhưng tôi không muốn mình triệt để phương Tây. Thế cũng tựa như là triệt để hữu hay triệt để tả, tức là bị bán thân bất toại về tinh thần, như cách nói của Ortega y Gasset. Chỉ là phương Tây thôi tức là bị bán thân bất toại về cảm năng thơ. Là kẻ chỉ biết Rimbaud mà không biết kinh Veda, là kẻ không thấy được ba, bốn mầu trong bảy sắc cầu vồng. Kinh Veda đã hé cho tôi thấy một sự thông thái nhuốm màu mơ mộng. Hãy nghe hình ảnh này: “Chiều xuống, sau trận chiến đấu, những con bướm muôn màu nghìn sắc đậu cả trên những anh hùng tử trận lẫn những người chiến thắng đang ngủ”. Thật không có gì vừa sâu sắc hơn vừa nhẹ nhàng hơn cái hình ảnh ấy về dòng chảy của thời gian. Cũng có thể hiểu nó như thế này: những con bướm muôn màu nghìn sắc sống một ngày, nhưng chúng ta đã có ở đó 80 triệu năm; những thứ phù du không phải là đàn bướm mà là con người. Những con bướm cho rằng chúng vĩnh cửu vì từ 80 triệu năm nay, mỗi khi có một con chết, thì nó đều đã sản sinh ra lứa sau bằng một hành động ái ân...
Anh nói về cuộc đời, về tình yêu, về cái chết như một người đã từng đối mặt với cái chết...
- Điều đó đã xảy ra ở Iran, trong thời gian quay bộ phim Opéras sauvages (Những vở nhạc kịch man rợ). Chúng tôi rượt theo những con sói. Ở vùng núi biên giới Iran - Irắc, có những con sói đẹp tuyệt. Chúng tôi đã phát hiện được một gia đình sói, cả vợ chồng con cái, và chúng tôi theo chúng bằng máy bay lên thẳng. Con sói đực chạy chậm lại để khích bọn tôi đuổi theo nó cho con sói cái và bầy con trốn thoát. Tôi nói: “Ta hãy chấp nhận trò chơi để giúp nó”. Chúng tôi đã theo nó, để cho con sói cái và lũ con chạy trốn. Đặc tính của sói là hy sinh để cứu những con khác. Đó là một giống thú nhút nhát và can đảm. Đến một lúc, con sói đực đột ngột quay trở lại. Để theo nó, chiếc máy bay trực thăng quành lại và va vào núi. Động cơ tắc không nổ. Trong vòng mấy giây - cùng lắm là ba, bốn giây - chúng tôi sợ hết hồn. Cái sợ hẳn đã giải phóng một số yếu tố hóa học trong óc, chúng hòa quyện vào nhau gây một tác động kỳ lạ... Trong ba, bốn giây đó, tôi thấy cả cuộc đời diễn ra trước mắt tôi, chậm rãi và chính xác lạ lùng. Đó là một sự cảm thụ khác hẳn về thời gian.
Vẫn cái chết, và những con bướm nhiều màu sắc - đó là đề tài một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của anh: Chết ở Madrid.
- Chết ở Madrid, dạo ấy lâu lắm rồi. Phim này khi ra đời đã bị công kích dữ dội. Tất nhiên bởi phái cực hữu, nhưng bởi cả phái cực tả nữa. Bởi tất cả những ai chỉ thấy hai màu trắng và đen trong đời sống, và không hiểu rằng ở kẻ khốn kiếp nhất cũng có thể le lói một áng thơ, cần phải biết nắm bắt đúng lúc. May sao, chân lý của đời sống lại muôn màu nghìn sắc. Các tình huống lịch sử có cái tinh vi và những tương phản đặc biệt khiến lịch sử không bao giờ giống một hệ tư tưởng.
Không phải chỉ có mầu trắng và mầu đen, nhưng trong một số phim của anh, dù sao cũng nhiều mầu đen.
- Cần phải tìm cách giải thích mầu đen đen nhất. Chẳng hạn, trong khi mô tả chủ nghĩa quốc xã đang lên, cần phải chỉ ra sự lạm phát kinh khủng: một ổ bánh mì giá hàng tỷ mark. Cả sự nhục nhằn nữa. Chính Dostoievski đã nói: những người đau đớn kinh khủng sẽ làm những điều kinh khủng. Nếu không tính đến nỗi nhục chất chứa thì không thể hiểu được sự nổi lên của chủ nghĩa quốc xã cách đây 50 năm, hoặc vấn đề khủng bố hiện nay. Nhục nhằn là một trong những điều khiến người ta không thiết đến tính mạng mình nữa. Không những người ta chấp nhận liều mạng, mà còn bất cần nó nữa. Nhục nhằn là cái cấu trúc không sờ thấy được đã ngăn các dân tộc phương Đông và phương Tây nhiều thế kỷ nay không gặp nhau được.
Cần phải làm một phim lớn về lịch sử nỗi nhục đó. Nhưng liệu rồi mọi người ở hai bên cái biên giới vô hình ấy sẽ tiếp nhận nó ra sao?
- Không ai biết được giờ giấc trên mặt đồng hồ vô hình của lịch sử, cũng không ai biết được giờ giấc trong thị hiếu của công chúng. Trên giường lâm chung, ở tuổi 100, nhà khoa học Pháp de Fontenelle đã phát biểu ý ấy theo cách khác. Trả lời một người hỏi ông cảm thấy nỗi đau nào, ông nói: “Không một nỗi đau nào cả, chỉ trừ nỗi đau phải tồn tại. Tôi cảm thấy tồn tại là rất khó”. Cũng chính ông đã nhận xét rằng trong một rạp hát, 999 người có trình độ thông minh trung bình cộng lại, ắt thông minh hơn một thiên tài đơn độc vì họ “gom lại để hiểu”. Ông đã cảm thấy khả năng xúc cảm và nhận thức tăng lên bội phần của một công chúng được tập hợp, cái bí ẩn của trí thông minh tập thể khiến cho từng người hiểu rõ hơn những sắc thái của vở kịch bởi vì tình yêu của người này quyện vào tình yêu của người kia, xúc cảm của người này cuốn xúc cảm của người kia vào một cơn lốc. Sự đồng nhất tập thể ấy có thể thể hiện trong những tập hợp đáng ngờ hơn. Vào thời các cuộc thập tự chinh, ở Pháp có một nhà hùng biện tên là Bernard, thánh Bernard. Ông nói tiếng Latinh; mọi người không hiểu ông nói gì; vậy mà họ vẫn ào ào lên đường đi tới một nấm mồ rỗng.
Trong những năm 1950, khi tổng thống Ai Cập Nasser nói hàng giờ trước loa phóng thanh, mọi người đâu có hiểu hết những lời ông nói. Tuy nhiên, tiếng sang sảng của ông phát ra một rung động kỳ lạ, một điệu nhạc hòa với gió sa mạc, quyện mọi độ vang của tiếng Arập, thôi thúc đồng bào ông cũng ra đi giải phóng một nấm mồ rỗng khác. Cái dạng nhận thức tập thể ấy có thể trở nên huyền thoại, có thể trở nên đầy kịch tính.
Ta hãy trở lại lĩnh vực sở trường của anh: nghe nhìn. Trong lĩnh vực này, triển vọng những năm tới sẽ ra sao?
- Ngành nghe-nhìn của thập niên đang bắt đầu sẽ cần đến ký ức, đến các nền văn minh, đến những câu chuyện của những con người, nó sẽ kêu gọi trái tim, kêu gọi những diễn viên thiên tài để họ nói về chúng ta hết sức giản dị, viện đến sự mẫn cảm của cây cối và loài vật, viện đến một nền văn hóa của đời sống, vốn đã tản mạn khắp nơi từ nhiều thế kỷ, từ nhiều thiên niên kỷ. Tóm lại, nó sẽ cầu đến trái tim và ký ức. Càng ngày những buổi phát chương trình theo trái tim và ký ức sẽ càng đông người nghe và xem hơn những chương trình rập theo “mô hình Mỹ” đang tàn lụi.
“Mô hình Mỹ” là thế nào?
- Mô hình Mỹ ở vô tuyến truyền hình, chẳng hạn, là cái loại chương trình pha trộn những trò tạp kỹ với các cơ may kiếm tiền, trong đó thống ngự mồi bả tài lợi và thói mị dân mùi mẫn và qua đó, người ta muốn kích động một đám công chúng được coi là tham lam và thiển cận. Một thí dụ khác về mô hình Mỹ: Phim Dallas trong đó người ta cho những người nghèo sắp chết đói xem những cuộc phiêu lưu không tưởng tượng nổi của những tỷ phú không tưởng tượng nổi. Nhưng, theo tôi, ngay cả ở Mỹ, loại phim đó cũng hết thời: những trò xấu xa ô nhục của những nhân vật trong Dallas không còn làm ai thích thú nữa.
Cơ sở của mô hình ấy là cái ý này: “Công chúng thích cái này, ta hãy cho họ thích; công chúng không thích ước mơ, ta hãy gạt bỏ những ước mơ để cột chặt họ vào máy thu hình”. Nhưng bây giờ, công chúng đã lại học mơ ước. Và dần dần cái mô hình Mỹ trứ danh ấy sụp đổ. Chính người Mỹ là những người đầu tiên nhận thấy điều đó, vì những người điều khiển các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ là những tay láu cá. Họ đã hiểu trước tất cả mọi người rằng cái mô hình ấy đã hết thời, rằng họ không thể tiếp tục chỉ đưa ra những phim trinh thám vô vị trong đó bao giờ cũng có pha ôtô dượt đuổi nhau, đàn bà lõa thể, những trò nguy hiểm hồi hộp... Hết thời rồi. Cái cơ chế lặp lại không còn tác dụng nữa. Những hình ảnh và tình huống ấy mòn đến nỗi không còn làm công chúng chú ý đến nữa...
Người Mỹ làm thế nào để vượt qua tình thế ấy?
- Họ đang trở về với trí tuệ, với một sự đồng tâm nhất trí khác. Họ muốn trở về với Alexandre Dumas, với Walter Scott, với Shakespeare. Đùng một cái, họ hiểu ra rằng thế giới, khi về già, lại thấy chất thơ của mình. Trái tim thế giới đang già đi, nó như một trái chín, nó dịu ngọt hơn và thơ hơn...
Phải chăng Spielberg và Lucas là những người tiên phong mở đường đi tới sự đồng tâm nhất trí ấy?
- Phải, đó là những người mở đường vạch lối. Ta hãy nhớ lại Chiến tranh giữa các vì sao; đó là một bộ phim tuyệt đẹp với những hình ảnh tựa như của một họa sĩ siêu thực. Spielberg và Lucas là những người đầu tiên hiểu được quyền lực của truyền thuyết và huyền thoại. Chắc chắn đã có một thời loài người và thú vật biết cách giao lưu để hiểu nhau. Trong tất cả các tôn giáo, đa thần cũng như độc thần hay Phật giáo, ước mơ tối thượng là thiên đường trên trái đất. Huyền thoại duy nhất chung cho cả các tôn giáo là huyền thoại về thiên đường trên trái đất, tức là một nơi mà loài người, thú vật và thiên nhiên trò chuyện với nhau - một thế giới của giao hòa và hòa bình.
Phải chăng đó là điều anh tìm kiếm trong những phim về loài vật?
- Điều tôi tìm kiếm trong những phim về loài vật của tôi, đó là ý nghĩa một câu của Gaston Bachelard đã in dấu vết sâu đậm trong tôi, mà tôi thường nhắc đi nhắc lại từ khi bắt đầu làm điện ảnh: “Loài vật là bầu bạn mộng mơ lâu đời nhất của chúng ta ”. Trước khi con người đứng thẳng dậy, trước khi con người bắt đầu tư duy, nó đã sống trong sự bầu bạn thường xuyên và trực tiếp với loài vật. Thú vật đã là những mẫu đầu tiên cho những hình vẽ của nó trên vách hang động, những biểu hình vật tổ đầu tiên của nó, chúng đã gây cho con người những nỗi sợ, những niềm vui, những mộng mơ; tiếng chim hót đã là âm nhạc duy nhất của con người suốt hàng chục thiên niên kỷ.
Với anh, hình như giao lưu đồng nghĩa với thơ...
- Sự giao lưu của ước mơ và của tính nội tại ngày càng trở nên cần thiết và thiết yếu đối với chúng ta. Nhưng cần phải nói thêm ngay rằng điều đó chỉ có thể triển khai trong một chế độ dân chủ. Dân chủ, như Churchill nói, là chế độ tồi tệ nhất, trừ tất cả những chế độ khác. Sự giao lưu trong dân chủ là sự giao lưu tồi tệ nhất, nhưng chẳng có cách nào khác để giao lưu thật sự. Chính bởi cái biện chứng cần thiết của khẳng định và phủ định, của khuyến khích và trả lời, khiến cho câu chuyện của chúng ta có được một sự cân đối đúng mực, cân đối giữa ánh sáng và bóng tối.
May thay, dân chủ vừa mới tiến những bước lớn. Bất lợi cho hệ tư tưởng. Do đó, sự giao lưu, theo nghĩa rộng nhất, sẽ được tăng cường. Thế còn văn hóa?
- Thậm chí ta có thể nói: kỷ nguyên của hệ tư tưởng kết thúc, kỷ nguyên của văn hóa bắt đầu... Theo cái nghĩa: các hình thái tự do, thoát khỏi gông cùm của hệ tư tưởng, rốt cuộc sẽ làm trỗi dậy những nền văn hóa sâu xa của mỗi dân tộc. Hãy xem việc dân chủ hóa ở Liên Xô chẳng hạn. Cuối cùng nó giải phóng những mảng văn hóa bị chôn vùi của đất nước bao la ấy: tiểu thuyết, thơ, âm nhạc, cả tôn giáo nữa. Văn hóa cần sự hòa tấu đó của nhiều nhạc cụ để tạo nên những âm thanh kỳ lạ của ký ức và trí tuệ con người.
Anh không sợ những mâu thuẫn, những căng thẳng, thậm chí những bùng nổ hung hãn?
- Một người sáng tạo bao giờ cũng đi ngược chiều. Anh ta không bao giờ khuất phục. Tại sao? Bởi vì anh ta thấy trước những gì sắp đến, còn những người khác quanh anh ta chẳng thấy gì hết. Một người sáng tạo cũng là một nhà tiên tri. Một nhà tiên tri là người có trí nhớ tuyệt đối, nhớ tương lai vì biết rõ quá khứ. Nhưng xin nhắc lại lần nữa, muốn phục hồi mọi ký ức, chỉ có một nơi duy nhất, một agora (quảng trường) duy nhất là dân chủ.
Nghĩa là trên phạm vi toàn thế giới?
- Tất nhiên là trên phạm vi toàn thế giới. Đối với phần phía Bắc của hành tinh, điều đó đã diễn ra. Đối với phần phía Nam, chắc cũng không lâu lắm nữa. Khắp nơi, dân chủ sẽ xua đi những nỗi sợ, phá vỡ những ức chế, cho phép mọi khêu gợi và mọi dạng thơ. Sau rốt, nó sẽ cho phép mọi người tự do ước mơ và tự do chết.
Anh trả lời thế nào những người cho rằng anh hơi quá phiêu diêu với thơ và mơ mộng trên mây trên gió, rằng anh không thực tế, trong khi thế giới đang đầy rẫy khổ đau, quằn quại và đầy bi kịch?
- Không ai có đầu óc thực tế hơn các nhà thơ. Năm 1936, Paul Eluard đã viết: “Trái đất xanh như quả cam”. Tất cả mọi người đều cười. Khi con tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ, con tàu Pioneer, chụp ảnh trái đất, người ta “thấy” trái đất giống như một quả cam màu xanh. Eluard đã đi bước trước con tàu Pioneer! Chỉ những nhà thơ là có óc thực tế. Họ đi vào cốt lõi.
Có lẽ để kết luận, xin anh cho biết dự án về tạp chí văn hóa truyền hình mà anh chuẩn bị với Người đưa tin UNESCO.
- Phải đấy. Ta sẽ cùng nhau làm tờ tạp chí mà ta đã quyết định đặt tên là “Hợp tuyển Schéhérazade”. Đã bao năm ta nghĩ đến chuyện ấy, bàn chuyện ấy, mà đến nay vẫn chưa dựng được, bởi vì cuộc đời là thế, đủ cả hôn phối tốt đẹp, tình yêu ảo tưởng và thời cơ bỏ lỡ - hoặc là thời cơ mà ta tưởng là bỏ lỡ nhưng thực ra chỉ là chưa chín muồi mà thôi. Bây giờ thời cơ là đây.
“Hợp tuyển Schéhérazade” phải đáp ứng một nhu cầu nay đã thành cấp bách. Với những chủ đề đa văn hóa, những phóng sự lớn lao bao quát cả hành tinh, những cuộc phỏng vấn các nhà sáng tạo và bác học, với những thư viện sẽ hợp thành một thư viện duy nhất và những bảo tàng sẽ hợp thành một bảo tàng duy nhất, với ba trăm kỳ quan của thế giới sẽ hợp thành một chuỗi duy nhất những kỳ quan, tạp chí này của chúng ta sẽ phải đáp ứng một khao khát lớn lao kết hợp cả mơ ước lẫn kiến thức, muốn làm cuộc viễn du kỳ thú qua những lục địa của văn hóa và những đại dương của tri thức. Đó chính là loại chương trình cho truyền hình ngày mai mà chúng ta cần đưa ra công chúng ngay từ hôm nay.
Thực ra, có thể nói là chúng ta buộc phải làm tạp chí truyền hình này: có một cái gì dẫn dắt chúng ta mà chúng ta hầu như không biết, một thứ chất lỏng đang chập chờn mà người ta gọi là dư luận, mà không ai xác định được, trong khi nó lại xác định tất cả chúng ta. Ta không biết tại sao nhưng biết rằng chính hình thức biểu hiện này là cần thiết. Những dấu hiệu báo trước đã có khắp mọi nơi. Và trước hết là trong sự trào dâng của những hy vọng dân chủ ngày càng kêu gọi một tính sáng tạo không vướng vào sự khinh miệt kẻ khác mà, trái lại, dựa trên sự tôn trọng tất cả những người khác.
Tất cả những người khác... Còn phải bắc những cầu nối giữa Đông và Tây, và cả giữa Bắc và Nam nữa, nghĩa là giữa những xã hội châu Âu và tất cả các xã hội khác...
- Những cầu nối ấy, đó chính là cái thiếu nhất. Tạp chí của chúng ta phải tăng bội số cầu nối lên bằng cách biến mình thành người dịch những lời ca của tất cả các nhà thơ, thành chiếc máy khuyếch đại âm thanh của tất cả các loại trống mà âm nhạc Phi hoặc Á sử dụng để tạo ra thứ tiết tấu làm xúc động người phương Tây... Bí quyết là ở chỗ không cho xem hoặc nghe sự sáng tạo ở dạng thô chế, mà đặt nó vào bối cảnh, gắn nó với những gì chiếu sáng nó. Chẳng hạn, nếu muốn giới thiệu văn hóa Inđônêxia với một công chúng châu Âu, ta sẽ bắt đầu bằng cách đưa lên những gương mặt Inđônêxia giữa những sắc màu thân thiết đối với họ; rồi cảnh nông thôn Inđônêxia với những mảnh đất nhỏ xíu nhìn từ trên cao - một khung cảnh trừu tượng. Sau đó, ta đi vào đền Boroboudour, một thí dụ chưa từng thấy về một tu viện Phật giáo được bảo toàn và khôi phục bởi một dân tộc Hồi giáo với biết bao công của. Cuối cùng là nghe nhạc Gamelan, một trong những nền âm nhạc đẹp nhất thế giới. Người châu Âu sẽ dễ dàng theo dõi được tiết tấu của thứ nhạc này, nó có một hệ thống tổng phổ rất tinh tế. Nếu cho họ nghe thẳng những tổng phổ rất tinh tế này, họ sẽ thấy chối. Vậy vấn đề đối với ta là đặt những hiện tượng văn hóa trở lại trong vầng hào quang thơ tự nhiên của chúng, lập tức mọi người sẽ hiểu.
Một thí dụ khác: các “đervích” (giáo sĩ đạo Hồi) lên đồng sống trong các vùng núi giữa Irắc và Iran. Các “đervích”, nếu được đưa lên mà không có giáo đầu, giữa lúc họ đang nhẩy múa đến độ nhập đồng, điều đó cũng sẽ làm đông đảo công chúng thấy chối. Nhưng nếu bắt đầu bằng cách đưa đúng tính cách tự nhiên của họ, nếu ta bước vào trong lều của họ, làm một cảnh quay chậm thật đẹp những con cò bay lượn trên trời, sau đó dõi máy theo một con sói trong núi tự mình tìm được đường tới thánh đường nơi các “đervích” đã bắt đầu hát, nếu ta giải thích rằng “đervích” nghĩa là nghèo và nếu cuối cùng, các khán giả truyền hình thấy trong một chuỗi khuôn hình tĩnh các “đervích” mô phỏng đã cất cánh bay lên của đàn sếu... thì những hình ảnh đó sẽ được cảm thụ, chấp nhận một cách khác. Chúng ta là những người giới thiệu, những người môi giới, chúng ta là thế đó. Mỗi một nền văn hóa đều cần sự môi giới với những nền văn hóa khác. Chúng ta phải đem lại sự môi giới đó cho các nền văn hóa phương Nam đối với các nền văn hóa phương Bắc và ngược lại.“Hợp tuyển Schéhérazade”, đó là phép thần kỳ của cô gái tuyệt diệu đã làm vua Arập hồi hộp chờ đợi suốt nghìn lẻ một đêm bằng cách kể cho vua nghe những truyện ở nơi khác. Phép thần kỳ ấy nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng ngôn ngữ sinh ra là dạy cho con cái con người biết những mơ ước của người khác. Đó là điều quan trọng và đó là điều chúng ta sẽ cố gắng chung sức làm - vì các khán giả truyền hình toàn thế giới. Bấy giờ, đối với họ, chúng ta sẽ là những nhà biên kịch của những giấc mơ báo hiệu thiên niên kỷ thứ ba.
Người đưa tin UNESCO, tháng 3-1990