(Mỹ)
trò chuyện với Bahgat Elnadi và Adel Rifaat
Mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, tôi đều thấy hụt hẫng và hết sức lo lắng...
Nhà văn Mỹ William Styron, Giải thưởng Pulitzer, là tác giả của một loạt sách văn học hư cấu độc đáo lạ lùng, với phong cảnh gần như barôc, trong đó miền Nam quê ông là khung cảnh cho những sự kiện bi thảm và bạo liệt. Trong cuộc phỏng vấn này, ông nói về cuộc đời kinh nghiệm của ông với tư cách nhà văn và đưa ra một số lời bình luận sắc bén về những diễn biến hiện nay trên thế giới.
Mọi người đều biết tiếng William Styron, tác giả của The confessions of Nat Turner (Những lời thú tội của Nat Turner) Giải thưởng Pulizer, và Sophie’s Choice (Lựa chọn của Sophie), nhưng không mấy ai biết về quá khứ của ông - chẳng hạn về việc ông đã từng là sĩ quan lính thủy đánh bộ Mỹ hồi Thế chiến II, hoặc về chuyện ông đã trở thành một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của Mỹ như thế nào.
- À, những cái đó chẳng có gì là kỳ thú cho lắm. Tôi sinh ở Newport News, bang Virginia, tháng 6-1925, và tôi có tham gia Thế chiến II vào thời kỳ cuối. Tôi gia nhập Lính thủy đánh bộ năm 17 tuổi; hồi đó, có một chế độ nhằm giáo dục cho anh đôi điều, nếu anh còn rất trẻ, trước khi phái anh đi chết ở Thái Bình Dương. Tôi rắp tâm trở thành thiếu úy Lính thủy đánh bộ, mặc dù tỷ lệ tử vong trong đám thiếu úy Lính thủy đánh bộ là cao hơn trong bất kỳ cấp bậc nào khác trong quân đội, nhưng đó là thói thường khi người ta còn trẻ và “yêng hùng”.
Thế là tôi đến học một thời gian ở Đại học Duke, North Carolina, và năm 1944, tôi được chuyển qua trại huấn luyện sĩ quan ở Virginia. Tôi sắp về sư đoàn Lính thủy đánh bộ II thì chiến tranh kết thúc bằng việc ném bom nguyên tử. Cảm giác của tôi về trái bom nguyên tử là nước đôi vì mặc dù xẩy ra tấn thảm kịch Hiroshima, nó đã cứu sinh mạng không những của tôi mà cả hàng chục vạn thanh niên, cả Mỹ lẫn Nhật.
Tôi trở về Đại học Duke, tiếp tục theo học. Tôi được một giáo sư tài giỏi phi thường, William Blackburn, làm thầy kèm cặp, ông hướng dẫn tôi và khuyến khích tôi viết văn. Cho nên, tốt nghiệp xong, tôi đến New York và làm biên tập viên đọc bản thảo một thời gian ngắn cho công ty xuất bản McGraw Hill. Công việc đó làm tôi khổ sở và thất vọng. Tôi thật sự muốn thành nhà văn, cho nên tôi không thành công lắm trong cương vị biên tập và chẳng bao lâu tôi được thôi việc, như trút được gánh nặng.
Thế là tôi bắt đầu viết văn. Bấy giờ, tôi lại gặp một con người đặc sắc nữa. Hiram Haydn, giảng viên tại trường New School of Social Research ở New York. Ông khuyến khích tôi: “Tôi nghĩ anh nên viết một cuốn tiểu thuyết”. Vậy là tôi phục xuống và viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi bỏ vào đấy mấy năm vì tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết “đủ lông đủ cánh”, chứ không phải loại tình cảm lâm ly điển hình của một chàng trai.
Cuốn sách ra đời năm 1951 dưới nhan đề Lie Down in Darkness (Nằm trong bóng tối). Kỳ lạ thay, nó rất đắt khách, tuy không thuộc loại “bom tấn” nhưng bán được tới 35.000 bản. Vào thời đó, và ngay cả bây giờ, đó là một mức cao đối với một cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Người ta nói Dostoievsky khi viết tiểu thuyết thường ở trạng thái căng thẳng tột độ - thậm chí gần như điên. Thần kinh ông ra sao những lúc viết, đặc biệt trong trường hợp một cuốn tiểu thuyết dài như Lựa chọn của Sophie?
- À, tôi nghĩ mình đã thoát khỏi điên loạn, nhưng mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, tôi đều thấy hụt hẫng và hết sức lo lắng về những gì mình đã làm. Giống như cái hụt hẫng mà người đàn bà cảm thấy sau khi sinh nở vậy. Tôi nghĩ có một liên quan rất rõ. Hễ xong một công trình dài hơi nào, là thể nào cũng tiếp liền theo một tâm trạng lo lắng cao độ, một cảm giác hụt hẫng bao trùm - mới đầu là phởn phơ, cực kỳ phởn phơ, nhưng sau đó là tụt xuống một tâm trạng chán nản sâu xa.
Ông đã sống qua những năm sáng tạo đó như thế nào? Trong những thời kỳ đó, ông quan hệ với những người khác như thế nào?
- Thật khó mà tả được cách sống của tôi khi lao vào một công việc lâu dài và liên tục. Những thời kỳ làm việc của tôi có cường độ rất cao và khi tôi dứt khỏi công việc để sống nốt phần còn lại của ngày một cách bình thường, thì bản thân công việc vẫn như tự động nẩy mầm không ngừng trong đầu tôi. Có nghĩa là tôi vẫn sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường, vẫn đến thăm bạn bè, lái xe đến New York, vân vân. Nhưng cứ như thể công việc chẳng lúc nào rời xa ý thức của tôi. Bao giờ cũng nghĩ đến những gì sắp tới.
Như tình trạng mang thai?
- Đúng thế. Cách nào đó nó hệt như mình biết rằng mình mang trong bụng cái thai chưa đến cữ, đang chờ ngày mãn nguyệt khai hoa. Tôi nhớ cái dạo tôi đang hoàn tất cuốn Lựa chọn của Sophie. Tôi có hai chỗ ở. Mùa đông, đầu xuân và cuối thu, tôi ở Connecticut, còn cuối xuân, mùa hè và đầu thu, tôi ở Matha’s Vineyard. Năm tôi phải làm thành Lựa chọn của Sophie, ngay trước khi rời Martha’s Vineyard, tôi nhớ mình đang đứng trên vỉa hè, bỗng hiểu ra trong một lóe chớp nhận thức rằng chỉ còn hai tháng nữa là xong. Cái ý thức thoát thai là một nhân tố rất quan trọng. Tôi nhớ lúc đó tôi đã tự nhủ: “Mình sắp xong việc”. Hẳn cũng giống như một người đàn bà nói: “Một tháng nữa là mình sinh rồi”.
Ông có thể cho chúng tôi biết về hoàn cảnh thúc đẩy ông viết Những lời thú tội của Nat Turner ? Ngoài tầm quan trọng về nghệ thuật tiểu thuyết, cuốn sách còn chứa đựng những chìa khóa giúp cho độc giả hiểu xã hội Mỹ và thấy được những hậu quả của chế độ nô lệ, không những đối với người da đen mà cả với người da trắng nữa.
- Lẽ ra tôi nên nói từ đầu rằng tôi được nuôi lớn lên ở miền Nam vào những năm 1930, trong thời kỳ phân biệt chủng tộc. Cũng như tất cả các bang trước thuộc Liên bang (thời Nội chiến - N.D), Virginia có những luật lệ chống người da đen. Việc hòa trộn giữa những người khác màu da là thực sự phạm pháp. Khi lên xe buýt, nếu anh là da trắng, anh ngồi phía trước, còn người da đen ngồi ở phía sau. Ở các tỉnh nhỏ, vào rạp chiếu bóng, người da đen bao giờ cũng phải ngồi hạng ban - công, còn người da trắng ngồi phòng chính. Ở các thành phố lớn, như Newport News nơi tôi sống, người da đen có rạp hát riêng và phần lớn các phương tiện phục vụ công cộng, từ tiệm ăn đến vòi nước uống, đều có ghi bảng “da màu” hoặc “da trắng”. Không bao giờ người ta có ý nghĩ cho con cái đi học cùng một đứa bé da đen.
Tôi được nuôi lớn lên trong môi trường ấy, trong một gia đình khá tự do phóng túng, xét theo những chuẩn mực ấy. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi đều tuân theo những luật phân biệt chủng tộc đó. Nhưng dạo ấy tôi còn bé và tôi nhớ là mình bị cuốn hút một cách gần như lãng mạn theo tấn bi kịch của người da đen. Cách nào đó, tôi nghe nói về cuộc nổi dậy của Nat Turner, một sự kiện lịch sử xảy ra tại một vùng gọi là hạt Southampton, cách chỗ chúng tôi 40 - 50 dặm Anh. Ở đó, một tấm biển được dựng lên, ghi lại rằng năm 1831 một nô lệ cuồng tín tên là Nat Turner đã dấy lên một cuộc nổi loạn của nô lệ, tàn sát sáu mươi người da trắng, và sau đó bị treo cổ trên một cái cây ở gần đó.
Hồi niên thiếu, bản thân tôi cũng khá bướng bỉnh và lớn lên, tôi mê câu chuyện lịch sử này đến mức muốn viết thành một tác phẩm hư cấu. Tôi muốn đó sẽ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình nhưng tôi mau chóng nhận ra rằng mình chưa đủ điều kiện thực hiện ý đồ đó. Mãi đến đầu thập kỷ 60, khi sắp đến tuổi 40, tôi mới quyết định rằng đã đến lúc phải viết cuốn sách đó. Nhưng cần phải tìm tòi nghiên cứu và tôi nhận ra rằng mình chưa thực sự hiểu chế độ nô lệ là gì. Cho nên, tôi đã đọc rất nhiều về vấn đề này, tuy chưa đến mức trở thành học giả, nhưng đó là một khám phá đối với tôi.
Trong những năm 1920, một nhà sử học tên là Ulrich B. Phillips đi đầu trong lĩnh vực này với một luận văn giới thiệu chế độ nô lệ như một thiết chế tốt đẹp, đắc sách, đem lại một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề nhân công lao động. Rồi đến những năm 1950, một học giả tên là Kenneth Stampp viết một cuốn sách kịch liệt bác bỏ quan điểm của Phillips về người nô lệ mãn nguyện. Luận điểm xét lại này đi theo hướng đối lập và mô tả chế độ nô lệ như là một tình trạng suy đồi khủng khiếp, hoàn toàn là áp lực và tàn bạo.
Vào đầu thập kỷ 60, khi tôi bắt đầu viết về đề tài này, người ta đã bắt đầu thấy rõ là sự thật nằm ở đâu đó giữa hai cực điểm ấy. Không câu nệ học thuyết, cũng chẳng giáo điều triệt để, tôi chỉ nói: “Tôi sẽ dùng trực giác của mình, và dựa vào tất cả những gì đã biết về Nat Turner, tôi sẽ cố gắng viết một cuốn sách phản ánh cách nhìn của mình đối với chế độ nô lệ”.
Dù đúng dù sai, chí ít đó cũng là quan điểm của tôi và quan điểm đó có thể tranh cãi. Dù sao đi nữa, đó vẫn là nhận thức của tôi khi tiếp cận sự thật về chế độ nô lệ. Nó nảy sinh từ sự đồng cảm mãnh liệt của tôi với lời khẳng định của W.E.B. Dubois vào năm 1900 rằng vấn đề của thế kỷ XX sẽ là vấn đề chủng tộc. Tôi đã tin thế khi tôi viết Nat Turner và đến nay, tôi vẫn tin thế. Tôi tin rằng nỗi khắc khoải chính của đời sống Mỹ là ở vấn đề chủng tộc. Nó thấm vào hầu hết mọi hoạt động của chúng ta.
Tất nhiên, cuốn sách về Nat Turner bị các trí thức da đen phản đối kịch liệt và mãi gần đây, mới hết bị lăng nhục. Ở một mức độ nào, điều đó cũng có thể đoán trước được, vì tôi viết ở ngôi thứ nhất. Đó là điều khiến người da đen lộn ruột - tôi, một người da trắng, lại tìm cách đội lốt một người da đen và vì thế họ rất phẫn nộ. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu cuốn sách có một tính chân thực nào đó và một sức sống nào đó chính là vì tôi đã thực sự cố gắng nhân tính hóa một hình tượng trừu tượng trong lịch sử: người ta hầu như không biết gì về Nat Turner, vì hồ sơ hồi đó rất thô sơ.
Vậy ông vẫn coi những vấn đề hiện tại của Mỹ như sự kéo dài của vấn đề chủng tộc trong lịch sử?
- Phải, ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, trong đó có nhiều mẫu thuẫn đến nỗi tôi không muốn khẳng định dứt khoát điều gì. Người da đen ở Mỹ đã đạt được những thành quả to lớn. Nếu dạo bé, nghe ai nói rằng Thống đốc bang Virginia là một người da đen, tôi sẽ bảo là đồ điên. Hồi đó, chuyện ấy có vẻ hoàn toàn bất khả. Cũng như chuyện thị trưởng New York là người da đen hoặc chuyện hai người da đen kế tiếp nhau làm chánh án Tòa án Tối cao.
Tuy nhiên, nhìn chung, cả khối người da đen vẫn còn thiệt thòi về cơ bản. Vì bất kỳ lý do gì, họ không thành công như người da trắng ở các cấp sơ học. Không phải vì người da trắng được học ở những trường đặc biệt tốt, nhưng chí ít những trường hợp ấy cũng không có cái không khí hỗn mang và tội ác dữ dội như ở các thành phố lớn - Detroit, Los Angeles, New York... Theo tôi nghĩ, đó vẫn là di hại của chế độ nô lệ. Hơn nữa, cuộc sống gia đình của phần lớn những người da đen - không phải tất cả, nhưng tôi dám chắc là đại đa số - thiếu hẳn những thú vui mà người da trắng coi là lý tưởng theo chuẩn mực của mình. Và cái đó càng làm tăng cảm giác là họ không có tương lai. Như vậy, sự thiếu tương lai, vốn là đặc trưng của chế độ nô lệ, đã tràn lan sang cả thế kỷ này ở một mức độ lớn, chỉ trừ cái là những đường thoát pháp lý đã được khai thông và ở một số cấp độ, những người da đen đã có khả năng đạt những mục tiêu rất cao, nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ.
Một phần của bản thân tôi nói rằng chế độ nô lệ là một bi kịch của lịch sử. Nhưng phần kia lại nói, tất cả những khủng khiếp, ê chề mà người da đen đã chịu đựng ở Mỹ, với tất cả những khía cạnh tiêu cực của đời sống da đen, họ đã sản sinh một số điều kỳ diệu có sức sống phi thường như nhạc jazz chẳng hạn. Jazz đã ảnh hưởng ghê gớm đến nền văn hóa của chúng tôi, mà đó mới chỉ là một điểm. Lối sống của người da đen đã nhiễm sang người da trắng một cách kỳ khu tuyệt vời, khiến cho họ bớt khắt khe và bớt đạo đức chủ nghĩa đi. Nó đã trở thành một nét cố hữu của tinh thần dân tộc. Chỉ riêng cách nói năng của người da đen, cái tinh thần da đen, đã bổ sung thêm bao nhiêu cho văn hóa của chúng tôi.
Mà cả âm nhạc và nhảy múa trên thế giới ngày nay, về bản chất, cũng có nguồn gốc da đen.
- Phải. Một thí dụ thú vị của hiện tượng “truyền máu” da đen là nhạc rock. Từ đầu, đã có sự truyền tiết tấu da đen tạo ra nhạc jazz, rồi phát triển thành rock lan tới Anh lại được nhóm Beatles và các nghệ sĩ rock lớn khác phát triển thêm một bước nữa. Một khối lượng lớn nhạc rock hiện nay là từ Anh. Nhưng trước hết nó phát sinh từ nguồn gốc da đen.
Thoạt đầu, nó bị công kích dữ dội vì can tội du nhập một yếu tố tính dục da đen.
- Đúng thế, Elvis Presley, sinh ở Mississipi, là một người da trắng biểu diễn theo lối da đen, gây sốc đến nỗi bị đặt biệt hiệu là Elvis the Pelvis (Elvis Hạ Bộ).
Ta hãy quay về văn học ngày nay. Một thời gian dài, các nhà văn Mỹ đã kết tội hệ thống Xô Viết không cho các nhà văn tự do thể hiện mình. Thế nhưng ở Mỹ, Anh và Pháp, các nhà văn có mọi quyền tự do, mà người ta vẫn cảm thấy họ không sản sinh ra những gì mà họ có thể sản sinh.
- Có lẽ thế. Tôi không rõ. Các thời kỳ đến và qua đi. Có thể vào lúc này, cũng khó mà khẳng định. Có thể phải đến lúc kết thúc thời kỳ này mới nhận định được. Nhưng tôi hiểu ý các ông. Tôi nghĩ nước Anh từ sau Evelyn Waugh và Orwell chưa sản sinh được một nhà văn nào thật sự kỳ thú. Thực tình, tôi cho rằng văn học ở Anh đã trở nên phù phiếm không thể tưởng tượng được. Tôi nói hơi quá lời; từ sau Thế chiến II ở Anh đã có một số nhà văn rất cừ, nhưng tôi vẫn ưa nghĩ rằng Evelyn Waugh là người cuối cùng thật sự gây chấn động. Thử nghĩ về thế kỷ XIX ở Anh mà xem. Ta nghĩ đến Dickens, rồi đến D. H. Lawrence, thậm chí nghĩ đến Thomas Hardy, ông này tuy hiện giờ không còn được đọc nhiều nữa, nhưng vẫn là một nhà văn cự phách. Mặc dù có phần chủ quan tôi vẫn nghĩ rằng, từ sau Thế chiến II, nước Mỹ đã sản sinh nhiều nhà văn kỳ thú hơn nước Anh hoặc nước Pháp. Với nước Pháp, tôi nghĩ đến Albert Camus là hết. Ở Pháp cũng có một số nhà văn xuất sắc, nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến thế. Tôi muốn nhắc đến Marguerite Duras, Nathalie Sarraute, đó là những nhà văn giỏi, nhưng không gây chấn động đến cấp độ ấy. Marguerite Yourcenar viết rất hay đấy. Tôi không rõ nguyên nhân nào đã khiến văn học trở nên như ngày nay.
Vậy, chỉ tự do thôi là không đủ?
- Philip Roth (chúng tôi quen biết nhau lắm) nhiều lần sang Tiệp Khắc, ông ta đặc biệt quan tâm đến nước này hồi bị chiếm đóng. Ông nêu lên một so sánh rất thú vị giữa hệ thống cực quyền và hệ thống Mỹ: ở bên đó, cái gì cũng quan trọng, mà chẳng có gì trôi chảy. Đó là dấu hiệu của một hố ngăn cách lớn giữa hai dạng ý thức. Tôi nhớ năm 1985, tôi có đến Prague; hoàn toàn tình cờ, một cuốn sách của tôi được xuất bản tại đây đúng vào dịp này. Tôi tới thăm người bạn làm Đại sứ Mỹ ở Prague. Hôm sau, ông ta đưa tôi đến một hiệu sách và tôi được biết có một cuốn sách được in 45.000 bản (tôi chắc là Những lời thú tội của Nat Turner). Dòng người xếp hàng chờ mua sách kéo dài suốt năm khối nhà.
Ông có ký lưu niệm vào những cuốn sách ở đó không?
- Về sau, tôi có ký một số bản nhưng trước đó mọi người chỉ mua những bản bình thường thôi. Tôi rất xúc động được thấy một sự quan tâm như vậy. Ở Mỹ, ngay cả với một nhà văn có chút danh tiếng như tôi, cũng không ai xếp hàng để mua sách. Đành rằng có một cái khác là ở Tiệp Khắc chỉ có 45.000 bản để bán nhưng chuyện này chứng tỏ ở Tiệp Khắc, người ta quan tâm, còn ở Mỹ thì không. Ở đây, anh được tự do tuyệt đối, có nghĩa mọi sự đều trôi chảy, nhưng chẳng có gì quan trọng. Đó là một điểm khác lớn, một nét phân biệt lớn ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, mọi thứ đều thừa mứa. Chúng tôi bị tràn ngập trong hàng hóa, đồ vật, cảm giác, kinh doanh biểu diễn, đến nỗi loại hình nọ có chiều hướng bị nhấn chìm. Ở Mỹ, người ta viết tiểu thuyết không giống bất kỳ thời nào trước đây. Những cuốn tiểu thuyết đầu tay ở Mỹ, nếu không có quảng cáo rùm beng, phô trương biểu diễn, thì công toi. Nhà xuất bản bất cần, công chúng bất cần, thế là nhà văn bị bỏ rơi. Tất nhiên, với chút may mắn, anh có thể thành nhà văn nổi danh, nhưng nói chung, chẳng còn ý thức dấn thân nghiêm chỉnh vào văn học. Thật đáng tiếc.
Người đưa tin UNESCO, tháng 4-1992