(Côlômbia)
trò chuyện với nhà báo Pêru Manuel Osorio
Chưa phải là quá muộn để xây dựng cái không tưởng sẽ cho phép chúng ta chung nhau Trái Đất
Người được giải Nobel năm 1982, nhà văn Gabriel Garcia Marquez, sinh năm 1929 tại Aracataca (Côlômbia), từ 1967 đã tự khẳng định mình như một trong những bậc thầy của tiểu thuyết đương đại với thành công của Trăm năm cô đơn. Dưới đây, ông phát biểu cách nhìn nhận riêng của mình về châu Mỹ Latinh và nêu lên một số chủ đề lớn trong tác phẩm của ông, trong đó chất huyền ảo và chất kỳ diệu đem lại cho những thực tế nhàm nhất một khía cạnh huyền thoại.
Những tác phẩm chính đã dịch sang tiếng Việt: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân trong mê hồn trận, Ký sự một cái chết được báo trước, Mùa thu trưởng lão...
Sự cùng tồn tại của các nền văn hóa khác nhau ở Mỹ Latinh đã dẫn đến một tổng hợp vừa rất phong phú vừa rất độc đáo. Những người sống ở lục địa này có ý thức được sức mạnh của sự lai phối văn hóa này không?
- Kinh nghiệm nhà văn của tôi và những tiếp xúc thường xuyên của tôi với các xã hội và các môi trường chính trị khác nhau đã giúp tôi hiểu thêm một số khía cạnh của văn hóa Mỹ Latinh, nhưng chỉ mấy năm gần đây, tôi mới có ý thức về sự lai phối đó.
Trong thời gian đi thăm châu Phi, tôi đã nhận thấy nhiều nét giống nhau giữa một số biểu hiện nghệ thuật dân gian của châu Phi và của nhiều nước vùng Caribê. Điều đó cho tôi thấy và hiểu rõ hơn thực trạng văn hóa của chúng ta và quan hệ giữa các yếu tố của các nền văn hóa khác nhau.
Như vậy, ta có thể đồng thời phát hiện ra tính dân tộc của một nền văn hóa và khía cạnh phổ quát của nó. Có cả một mạng những liên hệ giữa các dân tộc mà chính họ cũng không nhất thiết phải ý thức đầy đủ.
Phải chăng đó là điểm xuất phát và thậm chí có thể nói là chủ đề chính trong các tiểu thuyết của ông?
- Khi viết các tiểu thuyết của mình, tôi không thực sự ý thức về sự tồn tại của những khía cạnh đa văn hóa đó, chúng tác động đến tôi một cách tự nhiên. Chỉ sau khi viết xong, tôi mới nhận ra rằng, ngoài ý muốn của mình, những cuốn sách của tôi đều mang những yếu tố lai chúng cứ dần dà len vào trong quá trình làm việc. Như tôi đã nói, văn hóa Mỹ Latinh là tổng hợp của nhiều nền văn hóa trộn lẫn với nhau và được lan truyền trên toàn lục địa: Văn hóa phương Tây, ảnh hưởng của châu Phi và một số yếu tố của phương Đông đã bổ sung cho các nền văn hóa bản địa tiền-Colombus.
Chính vì thế mà tôi cho rằng người ta không thể nói đến một nền văn hóa Côlômbia hoặc Mêhicô. Riêng phần tôi, tôi đã không còn tự coi mình đơn thuần là người Côlômbia: trước hết tôi là người Mỹ Latinh và tôi tự hào về điều đó.
Tôi muốn nói thêm, thật sai lầm nếu cho rằng lịch sử châu Mỹ Latinh bắt đầu từ cuộc chinh phục của Tây Ban Nha. Đó là một quan điểm thực dân. Không bao giờ chúng ta được quên rằng những quốc gia tạo nên bởi các phó vương Tây Ban Nha là kết quả của những quyết định độc đoán từ bên ngoài, chứ không phải do những nhu cầu đặc thù của chúng ta.
Để hiểu những vấn đề hiện tại của chúng ta, phải đi ngược lên tới thời kỳ trước cuộc chinh phục nói trên. Những đường biên giới phân chia các nước châu Mỹ Latinh chỉ được tạo ra để dễ bề điều khiển chúng ta và khi cần thiết họ không từ việc kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Tất nhiên, điều đó chỉ đẩy chúng ta chống lại nhau để ngăn không cho chúng ta thấy và tiếp cận những vấn đề chung của chúng ta. Mỗi nước có những đặc điểm riêng của mình, nhưng điều quan trọng là chúng ta có bản sắc chung làm nền tảng.
Vậy, theo ông, người ta có thể nói là có một nền văn hóa Mỹ Latinh?
- Tôi không nghĩ rằng người ta có thể nói đến một nền văn hóa Mỹ Latinh thật sự đồng nhất. Chẳng hạn, ở Trung Mỹ, ở vùng Caribê, ảnh hưởng rất đậm của châu Phi dẫn tới một nền văn hóa khác với ở các nước có đông dân Anhđiêng như Mêhicô hoặc Pêru. Nhiều nước khác ở Mỹ Latinh cũng vậy.
Ở Nam Mỹ, văn hóa Vênêxuêla hay văn hóa Côlômbia gần gũi với vùng Caribê hơn là với những cao nguyên Andes, mặc dầu hai nước này đều có dân Anhđiêng. Ở Pêru và Êcuađo, có sự dị biệt giữa miền duyên hải với miền núi. Tình trạng ấy là chung cho cả lục địa.
Chính sự đa dạng ấy tạo nên bản sắc, tính đặc thù và độc đáo của châu Mỹ Latinh so với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Trong bối cảnh ấy, ảnh hưởng của Tây Ban Nha đóng vai trò như thế nào?
- Không thể phủ nhận ảnh hưởng mạnh mẽ của Tây Ban Nha ở Mỹ Latinh, hoặc của Bồ Đào Nha ở Braxin. Ảnh hưởng đó hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, bắt đầu từ thứ tiếng mà chúng ta nói.
Đó là một đóng góp rất phong phú, nhưng cũng bị tranh cãi kịch liệt và đôi khi nằm trong di sản văn hóa của chúng ta, nhưng ở châu Mỹ Latinh vẫn tồn tại một sự nghi kỵ đối với tất cả những gì là Tây Ban Nha. Thái độ ấy tôi thấy là quá đáng và nguy hiểm, làm phức tạp thêm mọi sự. Về phần tôi, tôi rất tự hào được là người thừa kế nền văn hóa đó mà chẳng chút hổ thẹn. Ngày nay, chuyện thực dân hóa bởi Tây Ban Nha không còn là vấn đề nữa. Đành rằng, cách nào đó, chúng ta được tạo ra từ một sự dôi thừa tràn bờ của châu Âu, nhưng chúng ta không chỉ là một bản sao của nó. Châu Mỹ Latinh là một cái gì khác.
Do đâu mà ông thích viết và kể những chuyện đã cấu thành các tác phẩm Trăm năm cô đơn, Mùa thu của trưởng lão, Ký sự một cái chết được báo trước, Tình yêu thời thổ tả...
- Tôi cho rằng tất cả từ nỗi hoài nhớ mà ra.
Hoài nhớ đất nước, hoài nhớ tuổi thơ?
- Hoài nhớ đất nước tôi và hoài nhớ cuộc đời. Tôi có một thời thơ ấu kỳ lạ, xung quanh tôi là những người rất giầu tưởng tượng và đầy dị đoan sống trong một thế giới phủ sương đầy ảo ảnh. Chẳng hạn, bà tôi ban đêm thường kể những chuyện rùng mình sởn gáy một cách tự nhiên nhất trên đời.
Hình như ông nội ông là một nhân vật gần như huyền thoại trong gia đình. Cụ cũng đóng một vai trò quan trọng trong tuổi thơ của ông?
- Đó là một ông già to lớn dường như lơ lửng trong thời gian và ký ức. Tôi rất yêu cụ. Khi tôi lên tám thì cụ mất, tôi rất buồn. Cụ đã kể tôi nghe về đời cụ và mọi chuyện đã xảy ra trong làng, trong nước từ thời xửa thời xưa. Cụ đã kể tôi nghe chi tiết về những cuộc chiến tranh cụ đã tham gia và những cuộc tàn sát lớn ở các đồn điền chuối vào năm tôi ra đời, để lại một dấu vết lâu dài trong lịch sử Côlômbia.
Nhân cách của mẹ ông cũng đã ảnh hưởng đến nghiệp văn của ông?
Đó là một phụ nữ có duyên. Một hôm, có người hỏi, theo bà, do đâu mà con bà có tài như vậy, bà trả lời không mảy may nhấp nháy mắt: “Nhờ thuốc sữa Scott” (một loại thuốc bổ cho trẻ em - ND). Xin kể thêm một chuyện này để ông thấy rõ hơn tính cách bà. Tôi có đông anh em. Mỗi lần, một trong bọn tôi đáp máy bay đi đâu, bà đều thắp một ngọn nến, cầu sao mọi sự đều suôn sẻ. Nhưng bọn tôi nay không còn ở tất cả cùng nhà, và lần vừa rồi tôi gặp mẹ tôi, bà bảo: “Bây giờ, lúc nào mẹ cũng thắp một ngọn nến, đề phòng có đứa nào đi máy bay mà mẹ không biết”. Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều là quan trọng đối với tôi và đều xuất hiện, hoặc rõ rệt hoặc phảng phất, trong các tiểu thuyết của tôi. Tôi không quên rằng mình là con trai một nhân viên bưu điện ờ Aracataca.
Gốc gác ông ở vùng Caribê và những tiểu thuyết của ông phản ánh thực tế hừng hực và tràn trề của vùng này. Phải chăng ông cho đó là nguồn gốc cái “kỳ ảo thường ngày” đã làm cho tác phẩm của ông nổi tiếng khắp thế giới?
Ở vùng Caribê, có một sự cộng sinh hoàn hảo - dù sao cũng hiển nhiên hơn ở nơi khác - giữa con người, môi trường thiên nhiên và đời sống hằng ngày. Tôi lớn lên trong một làng heo hút giữa những đầm lầy và rừng rậm, trên bờ biển phía Bắc Côlômbia. Ở đó, chỉ riêng mùi cỏ cây đã đủ làm lòng dạ cồn cào.
Đó là một đất nước mà ở đó biển chuyển đủ các sắc độ có thể tưởng tượng được của màu xanh lơ, ở đó bão táp bốc nhà cửa bay tứ tung, ở đó làng mạc bị lấp dưới bụi và không khí thiêu cháy phổi. Đối với dân cư vùng Caribê, thiên tai và bi kịch con người là cơm bữa thường ngày.
Tôi xin nói thêm rằng cái thế giới ấy thấm đẫm những huyền thoại do những người nô lệ mang tới, kết hợp với những truyền thuyết Anhđiêng và trí tưởng tượng của người Andalucia. Cái đó tạo một cách nhìn rất đặc biệt, một quan niệm nhân sinh nó đem lại cho mọi vật một khía cạnh kỳ diệu mà người ta gặp lại không những trong các tiểu thuyết của tôi, mà cả trong các tác phẩm của Miguel Angel Asturias ở Guatemala, hoặc của Alejo Carpentier ở Cuba nữa. Có cái khía cạnh siêu phàm ấy của sự vật, một thứ thực tế không biết đến quy luật của lý trí như trong mộng vậy. Một hôm, tôi kể một câu chuyện không thể có thật là Đức Giáo hoàng đến thăm một làng hẻo lánh ở Côlômbia. Ấy thế mà mấy năm sau, Giáo hoàng đến Côlômbia thật.
Do những ảnh hưởng mà ông vừa nói tới và sự hiện diện của những điều kỳ diệu trong khắp các tác phẩm của ông, liệu có thể gọi ông là nhà văn “huyễn ảo” hay “barốc” được không?
- Ở vùng Caribê, và nói chung ở châu Mỹ Latinh, chúng tôi nghĩ rằng những tình huống “thần diệu” là một bộ phận của đời sống hàng ngày, cũng kể như thực tế bình thường nhất. Chúng tôi thấy việc tin các điềm lành dữ, hiện tượng thần giao cách cảm, các giấc mộng báo cũng như hàng loạt dị đoan và diễn giải “huyễn ảo” về thực tại, là hoàn toàn tự nhiên. Trong các cuốn sách tôi viết, tôi không bao giờ tìm cách giải thích hoặc chứng minh một cách siêu hình những hiện tượng ấy. Vì vậy, tôi tự coi mình là nhà văn hiện thực, có thế thôi.
Quan hệ giữa châu Âu và châu Mỹ Latinh bao giờ cũng bợn những hiểu lầm từ cả hai phía. Ông có nghĩ rằng đã đến lúc phải xua tan những hiểu lầm đó, làm dịu mối áy náy để đi đến chỗ hiểu nhau hơn, đến một sự cân bằng mới giữa phương Bắc và phương Nam?
- Những khó khăn của lục địa chúng ta to lớn tới mức che lấp không cho chúng ta nhìn rõ thực tại, mặc dù chúng ta ở chính giữa vấn đề. Cho nên chẳng có gì là lạ nếu châu Âu, vốn chú mục vào cảnh tượng và nhãn quan về nền văn hóa của chính mình nên thiếu phương tiện thích hợp để hiểu chúng ta. Việc người châu Âu, vốn kế thừa một truyền thống duy lý lâu dài, một mực xét chúng ta theo những tiêu chuẩn của chính họ, không đếm xỉa đến những dị biệt ở các cấp độ khác, là điều bình thường thôi. Cũng đương nhiên là họ không chịu thấy rằng nhu cầu phát đạt thịnh vượng và có bản cách riêng của châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á cũng có thật, mang tính sống còn và nhức nhối như chính nhu cầu ấy của họ khi xưa và cả hiện nay nữa. Dù sao, mọi diễn giải về thực tế của một bộ phận thế giới theo những tiêu chuẩn ngoài khu vực đó chỉ có thể dẫn đến những hiểu lầm ghê gớm làm cho mọi người lún sâu thêm vào sự biệt lập, cô đơn và tha hóa.
Lẽ ra châu Âu phải nhìn chúng ta dưới ánh sáng của quá khứ chúng ta. Dường như sự mất cân bằng của hiện tại khiến họ quên mất những thăng trầm trong lịch sử của chính họ. Ai còn nhớ rằng phải mất 300 năm mới xây dựng xong bức tường bao quanh London? Rằng Roma không phải được xây nên trong một ngày, mà suốt nhiều thế kỷ và chính một ông vua xứ Etrusque đã đưa nó vào lịch sử? Rằng khi những “conquistador” thâm nhập Tenochtitlán, thủ đô của người Aztèque, thì nơi ấy đã là một thành phố lớn hơn Paris?
Những người châu Âu có quan điểm rộng rãi đang ra sức xây dựng trên quy mô lục địa một xã hội nhân bản hơn và công bằng hơn, lẽ ra có thể thực sự giúp chúng ta nếu họ bắt đầu bằng cách thay đổi cách nhìn nhận đối với chúng ta. Một sự đồng cảm đích thực với những ước mơ và hy vọng của chúng ta lẽ ra phải thể hiện bằng một sự giúp đỡ cụ thể cho các dân tộc khao khát sống cuộc sống của mình trong một thế giới thấm nhuần một tinh thần thực sự bốn biển là anh em.
Tại sao các nước phương Nam lại không thể vươn tới những giải pháp mà người châu Âu đang áp dụng ở lục địa của họ, mặc dù có sự khác biệt về điều kiện và phương pháp?
Những trở ngại chủ yếu là từ bên ngoài hay bên trong?
- Tôi nghĩ phải từ bỏ cái luận điệu cho rằng bạo lực, khốn cùng và những xung đột đang vò xé châu Mỹ Latinh là kết quả của một âm mưu được sắp đặt từ cách chúng ta hàng ngàn cây số, như thể chúng ta không thể hình dung ra được một số phận nào khác ngoài việc chịu sự định đoạt của các cường quốc thống trị thế giới.
Đối mặt với những bất bình đẳng, với áp bức, cướp bóc và bỏ rơi, câu trả lời của chúng ta phải là sự sống, mà ngay cả hàng thế kỷ chiến tranh cũng không làm yếu được sự khẳng định ngoan cường của nó. Cách đây bốn mươi năm, William Faulkner đã khước từ không chấp nhận khả năng tận thế của loài người. Ngày nay, chúng ta biết rằng điều ông sợ chỉ là một giả thuyết khoa học đơn thuần. Trước cái thực tế có tác dụng đem đến an toàn, trong khi các mối liên hệ giữa các quốc gia ngày càng trở nên chặt chẽ và một thời kỳ mới đang hé mở, tôi tin rằng chưa phải quá muộn để xây dựng cái không tưởng sẽ cho phép chúng ta chung nhau Trái Đất. Một Trái Đất ở đó không ai sẽ quyết định thay người khác, ở đó các dân tộc ngoài lề sẽ được một cơ may mới, ở đó đoàn kết sẽ trở thành sự thật.
Khát vọng ấy biểu hiện ở toàn bộ văn nghiệp của ông, nó gắn bó chặt chẽ với châu Mỹ Latinh, với ý thức về số phận của lục địa này.
- Tôi nghĩ người ta không thể sống với một nỗi hoài nhớ như vậy, không thể kiên trì khám phá một đất nước, tìm hiểu một lục địa lâu đến thế, mà không cảm thấy gắn bó sâu sắc với đất nước ấy, lục địa ấy và qua đó, với toàn thế giới.
Người đưa tin UNESCO, tháng 10-1991