(Ixraen)
trò chuyện với nhà văn và nhà phê bình Edgar Reichman
Tôi cho rằng hòa bình và hạnh phúc của con người là quan trọng hơn những chủ trương thảm khốc của các vị anh hùng thời cổ đại
Amos Oz là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Ixraen. Tác phẩm của ông gồm nhiều tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có Elsewhere, Perhaps(1966), My Michael (1968), Touch the Wate, Touch the Wind (1973) và The Hill of Evil Counsel (1976). Cuốn In the Land of Israel (1983) của ông là một trong những tập tường thuật ghi lại những cuộc phỏng vấn người dân Ixraen thuộc mọi tầng lớp xã hội. Là một nhà văn có chính kiến kiên định, Amos Oz không ngừng đấu tranh cho sự hòa hợp giữa Ixraen và người Palestin. Quan điểm này đặc biệt đã được trình bày trong tập tiểu luận Les voix d’Israel (1983).
Ông viết bằng tiếng Hébreu, một thứ tiếng không mấy người biết và đọc được. Vậy ông giải thích tại sao các tác phẩm của ông vẫn có một số đông độc giả như vậy trên thế giới?
- Trên thực tế, sách của tôi đã được dịch ra 26 thứ tiếng, trong đó có tiếng Nhật và tiếng Catalan. Còn tôi, thì tôi chỉ nói có tiếng Hébreu và tiếng Anh thôi. Vì vậy, chính bản thân tôi, tôi vẫn tự hỏi không biết độc giả ở một lục địa khác, thấm nhuần một nền văn hóa xa lạ là thế đối với nền văn hóa của tôi, liệu có cảm xúc như thế nào khi đọc sách của tôi. Tôi nghĩ đọc một cuốn sách qua bản dịch chẳng khác nào yêu một người qua tấm kính cửa sổ, hay là chơi một bản nhạc soạn cho đàn violon trên đàn piano.
Bản dịch dù có tốt mấy cũng có vẻ như bị mất mát đi một cái gì. Rõ ràng là tất cả tùy thuộc vào tài năng của người dịch, dịch sao cho thoát mà lại sáng. Người dịch không phải lệ thuộc vào cú pháp của nguyên bản, mà phải chú ý đến ngữ nghĩa và nội dung của các từ, và làm sao chuyển được sang bản dịch một cách đầy đủ nhất âm điệu và tiết tấu của bản nguyên văn.
Cha mẹ tôi sinh ra ở Nga, nói với nhau bằng tiếng Nga và tiếng Ba Lan, đọc tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp là những tiếng đưa họ thâm nhập nền văn hóa phương Tây, và vì là người Do Thái, họ có lẽ cũng mơ bằng tiếng Yiddish là khác.
Vào thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, gia đình tôi đến định cư ở nơi hồi đó là Palestin dưới quyền ủy trị của Anh. Tại đây cha mẹ lại dùng tiếng Hébreu làm ngôn ngữ giao tiếp và quyết định chỉ nói với tôi bằng thứ tiếng này thôi, dù là chỉ để ngăn tôi có ý định rời bỏ nơi “tha hương” này, một nơi cám dỗ đối với tôi, mà cũng là đem lại cho họ biết bao thất vọng.
Cha tôi nghiên cứu văn học đối chiếu, và chính vì vậy mà tôi cũng đi vào đọc tác phẩm của các nhà văn lớn, những tác phẩm đặt ra các câu hỏi sâu sắc, cơ bản mà tất cả những người đàn ông và đàn bà trên thế giới đều tự đặt ra cho mình.
Khái niệm về tính phổ biến xem ra có thể là mơ hồ và đôi khi không xác đáng lắm. Chẳng hạn, người ta có thể tự hỏi một độc giả Ôxtrâylia hay Achentina làm sao có thể cũng tập trung chú ý vào những vấn đề như một độc giả Ai Cập hay Pakistan. Vậy thì làm thế nào tìm ra được con đường bí hiểm đưa từ cái riêng đến cái phổ biến? Các nhà văn lớn của Nga như Dostoievski hay Tchekov, của Ixraen như Agnon hay Brenner, của Trung Âu như Musil hay Thomas Mann đã biết cách vượt qua những khác biệt về lịch sử và văn hóa để đề cập những cam kết tôn giáo và chính trị khác nhau.
Nhân vật trong toàn bộ các tác phẩm của ông đều là những người luyến tiếc quê hương và bị mất gốc, đứng trước những cảnh xung đột nội bộ đau lòng, và đi tìm một “tha phương” khó tìm, nếu không phải là không thể tìm thấy được. Phải chăng những thảm kịch cá nhân đó là để nói lên những nỗi quằn quại và trăn trở của đất nước ông?
- Người ta thường nghi ngờ rằng các tác giả từ những điểm nóng của hành tinh này dùng ẩn dụ để nói lên quan điểm chính trị của mình. Đối với tôi, thì chính thực tế chính trị lại là ẩn dụ của những xung đột cá nhân hay gia đình. Vấn đề mà tôi bận tâm nhất là tính trường tồn của gia đình, một điều kỳ dị nhất, bí hiểm nhất và cổ xưa nhất của các thể chế xã hội chúng ta. Đàn ông, đàn bà, không phải bao giờ cũng một vợ, một chồng, mà còn đi xa hơn thế là đằng khác.
Tình yêu, dù là xác thịt, tình cảm thuần túy, hay tình bạn xen lẫn tình yêu đi chăng nữa, đều không phải lâu bền vĩnh viễn. Ấy vậy mà thể chế đó vẫn tồn tại suốt quá trình lịch sử, không thể phá vỡ được, mặc dù xã hội đã trải qua biết bao đảo lộn, biến thiên. Tại sao như vậy? Tôi đã cố tìm ra một câu trả lời qua tất cả các truyện của tôi. Về mối liên quan giữa tiểu thuyết và chính trị, tôi rất lấy làm lạ rằng tại sao, từ một nửa thế kỷ nay, một số độc giả châu Âu lại đặt tầm quan trọng lớn như thế vào việc “giải mã” nhằm tìm hiểu xem trong bất kỳ một tác phẩm văn học nào có cái gì liên quan đến thời sự hay không. Giả sử như Melville viết Moby Dick vào thời buổi này, có lẽ các nhà bình luận đã coi Achab như một kiểu nhà độc tài nào đó dày xéo lên tự do của cá nhân hiện thân trong con cá kình huyền thoại. Tại phương Tây, người ta có một khuynh hướng quá đáng cứ hay đọc bằng con mắt chính trị những gì viết trong bài văn chẳng hề có chút liên quan gì đến thời sự cả. Ngay tại các nước hay các khu vực tình hình đặc biệt căng thẳng, đời sống gia đình vẫn tồn tại với những chuyện vui, buồn, những chuyện sinh đẻ con cái, những xung đột không dàn hòa được, những vụ li dị, và những cảnh vợ chồng bỏ nhau rồi lại tái hợp với nhau. Thế giới tuy bị đảo lộn, mất phương hướng, cái chết tàn bạo tuy vẫn xẩy ra khắp đó đây, nhưng chẳng phải là đông qua xuân vẫn lại, cây cối vẫn đâm chồi nẩy lộc đó sao?
Các tác phẩm của ông có nhiều nhân vật cuồng tín. Như Michel Sommo, người tôn giáo cực đoan, và Alex Gidéon, nhà trí thức trong cuốn Black Box chẳng hạn. Vậy ông nghĩ như thế nào về sự cuồng tín?
- Tôi là một đứa con của Jerusalem, nơi thoát thai và là quê hương của các tôn giáo chỉ thờ một Chúa, thành phố tại đó người bên đạo chung sống với người bên đời, nơi những cộng đồng hết sức khác nhau chỉ ở cách xa nhau có một vài phố. Vì vậy tôi đã thấy cuồng tín trỗi dậy khắp nơi bằng những biểu hiện kinh hãi nhất. Tôi cũng thấy tệ nạn này ở nhiều nơi khác, dưới những hình thức và những cớ giả tạo khác. Tôi nghĩ rằng cuồng tín là nỗi ám ảnh cực độ của cái chết đối với một số người, thôi thúc họ đưa cái chết đến với người khác và nhận lấy cái chết cho bản thân mình. Người thực sự cuồng tín không chỉ bằng lòng hy sinh tính mạng của mình, mà trước hết phải thủ tiêu sinh mạng người khác cho kỳ được. Người đó không chỉ tồn tại với danh nghĩa một cá nhân thôi, mà bao giờ cũng là đại diện cho một cái gì đó, sẵn sàng hy sinh cả gia đình mình, cũng như bản thân mình cho một “sự nghiệp” được coi là ưu tiên tuyệt đối. Tuy vậy, không phải là “sự nghiệp” đó thúc đẩy người ta đi đến hành động sát nhân, mà chính là sự cuồng tín, một căn bệnh thực sự. Những “sự nghiệp lớn” rồi cũng qua đi, nhưng bệnh cuồng tín vẫn cứ còn đó.
Ngày nay, nhìn vào các nước trước kia thuộc khối cộng sản, chẳng phải chúng ta đang chứng kiến những hiện tượng thay hình đổi dạng kỳ lạ không thể tưởng tượng nổi đó sao? Chúng ta thấy những người cộng sản cố hữu trước đây bây giờ lại trở thành những phần tử dân tộc cực đoan, những chiến sĩ trước đây chống tín ngưỡng là thế, mà giờ lại đem tôn giáo áp đặt cho người khác một cách nghiệt ngã và ngược lại... Mà họ làm như thế không chỉ vì xu thời phụ thế. Đối với bất kỳ ý thức hệ nào mà họ bênh vực, họ đều tỏ ra một lòng hăng hái và một dạ trung kiên như nhau. Họ là những kẻ cuồng tín thực sự, cuồng tín do khí chất mà cũng do sự lựa chọn.
Alex Gideon, nhân vật chính trong cuốn Black Box, là một nhà chuyên môn về khoa học xã hội, nghiên cứu về cuồng tín tại một viện đại học Mỹ. Giống như một nhà nghiên cứu bị nhiễm thứ virus mà ở phòng thí nghiệm chính ông muốn cách li và muốn chống lại, trong quan hệ với người vợ cũ, ông đã bị nhiễm chính con virus mà ông truy lùng. Ông trở nên lầm lì ít nói, lúc nào cũng hậm hực, oán hờn.
Trong Knowing a Woman, một điệp viên Ixraen, sau cái chết bí hiểm của người vợ, đã quyết định rút lui, và luôn luôn trăn trở về ý nghĩa cuộc đời mình. Đây là một tác phẩm của một nhà đạo đức hay là một cơ hội để nói lên một điều gì về số phận con người?
- Trong truyện này, tôi tập trung ý nghĩ vào sự bí hiểm ẩn náu trong mỗi con người chúng ta, một bí hiểm mà người ta tưởng ở một nơi nào đó mà không phải bao giờ cũng ở đó. Bề ngoài thì xem ra chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Tôi đã đưa người thám tử ra ngoài khuôn khổ của một truyện trinh thám. Nhân vật của tôi, một con người cô độc và kín đáo, thử tìm hiểu quá khứ của mình, quá khứ của người vợ bị chết và đứa con gái bị trúng phong. Anh ta có chịu trách nhiệm về cái chết của người vợ mình, về nỗi đau buồn của con gái mình và về cái chết của một đồng sự thay mình đi làm nhiệm vụ hay không? Tất nhiên, những câu hỏi đó vẫn không được trả lời. Cái chết và sự cô độc là những nhân vật chủ yếu của cuốn sách. Đây là một cuộc hành trình đi tìm hiểu bản thân mình, nhưng tầm vóc đạo đức qua các câu hỏi có tính thần học vẫn là: đâu là cái thiện, đâu là cái ác? Liệu cái khuôn khổ Tội ác và Trừng phạt của Dostoievsky có còn thích hợp nữa chăng? Trong các truyện trinh thám thực sự, người đọc cuối cùng sẽ biết được ai là kẻ sát nhân, ai là người bị hại. Trong cuốn sách của tôi, thì có lẽ người đọc cuối cùng sẽ đặt ra những câu hỏi về chính mình.
Những vấn đề đó lại trở lại trong cuốn Fima, trong đó nhân vật chính tuyệt vọng trước những hoài bão cá nhân và xã hội của mình, tìm nơi ẩn thân ở một “cõi thứ ba”, tại đó con người tự thấy chỉ có một mình đối mặt với vĩnh hằng. Phải chăng như vậy là từ bỏ hy vọng và lẩn trốn vào cõi hư vô?
- Tôi cấu tứ cuốn sách truyện này như một thứ hài kịch thần học. Nhân vật của tôi, Fima, đích thực là một Sehlemiel, một người vụng về lúng túng, một nhân vật hài hước trong văn học dân gian Yiddish, đầu lúc nào cũng để trên mây, và luôn luôn gặp phải những chuyện vô lý không thể tin được, vì cứ hay lẫn lộn mơ ước với sự thật. Đến khi bố anh chàng chết, chấm dứt một cuộc xung đột lâu dài kiểu xung đột giữa Oedipe với cha mình, Fima tìm nơi ẩn thân ở “cõi thứ ba” này. Giống như hầu hết những người sống ở Jerusalem, Fima là một kiểu nhà tiên tri nhỏ, mắt chằm chằm nhìn các ngôi sao để cố tìm ra một khởi phát bí hiểm nào đó.
Anh ta đi tìm một sự hài hòa vị tất có được trong đó mọi âm thanh bất hòa của cuộc sống hiện thực có thể sẽ tan ra để hợp với nhau thành một bản hòa âm. Anh ta muốn hòa giải được những cái không thể hòa giải được.
Say sưa với bản thân mình như Narcisse say sưa trước bóng khuôn mặt mình dưới đáy giếng sâu, cũng giống như biết bao nhà trí thức, anh ta muốn người phụ nữ nào cũng mê mình, và thông qua mình, họ yêu quý lẫn nhau. Cõi thứ ba, đối với Fima, là nơi không còn việc gì phải quyết định nữa. Anh ta lẩn trốn về một Jerusalem xa vời, ở tận mây xanh cao thẳm. Anh ta là một con người tốt, nhưng khốn nỗi chẳng làm nên được điều gì là tốt cả.
Đối với anh, Jerusalem mang nặng những tội lỗi mà anh cho là tội lỗi của chính anh. Noi gương chúa Giêsu, anh ta gánh lấy mọi tội tình của thế giới. Anh tự thấy bản thân mình chịu trách nhiệm về Intifada. Giống như một số nhân vật của Tchekov, anh là con người đầy thiện chí. Sở dĩ không biến thiện chí thành hành động được, đó là vì sức mạnh của hoàn cảnh lớn hơn sức mạnh của anh nhiều, nên đành bất lực.
Trong tất cả các trước tác của ông đều toát lên một lòng yêu tha thiết đối với Jerusalem. Có thể nói Jerusalem đối với ông cũng như Trieste đối với Sveco hay Dublin đối với Joyce hay không?
Tôi lớn lên ở Jerusalem, giữa một môi trường quần chúng lao động, trong đó mỗi cá nhân, dù ở địa vị thấp hèn đến đâu, đều biến mình thành một nhà tiên tri hay một nhà chính trị học cả. Người hàng xén phản đối lại Marx bằng những lập luận trích của Hegel, người bán sữa, vào thời cuối Chiến tranh thế giới II muốn đưa ra một chương trình chi tiết nhằm thay đổi phương hướng các chính sách của Anh đối với Palestin là một xứ ủy trị. Rồi sau đó, người thợ chữa răng từ Nga tới, có chứng hay bịa chuyện hoang đường, vỗ ngực huênh hoang đích thân đã quen biết Staline
Cửa nhà tôi rộng mở để hàng xóm láng giềng đến chơi, nói chuyện với cha mẹ tôi về Sartre và chủ nghĩa cộng sản, về nước Mỹ và những cơ may của chúng tôi có thể sống hòa bình với các lân bang. Mỗi người bảo vệ lập trường của mình và tôi, đứa trẻ mới ra khỏi thời kỳ thơ ấu, tôi thấy ai nói cũng phải cả, giống như Fima vậy.
Trước những thảm kịch bắt nguồn từ bệnh cuồng tín cứ liên tiếp gây ra những vụ đổ máu trong thành phố này, tôi nhiều khi cũng bị nhiễm những nỗi thất vọng của mọi người. Tôi là Fima, nhưng cũng là chú bé đi xe đạp - một nhân vật trong cuốn truyện thiếu nhi của tôi, - đạp xe dạo khắp thành phố, trong lòng chứa chất những chua cay và cũng ấp ủ những niềm hy vọng. Bà tôi thường bảo: “Khi nào không khóc được nữa, cháu hãy cười lên”. Vì thế mà tôi cũng thích một câu chuyện vui cười, mà mỗi khi nói đến, tôi vốn đã hoang mang do dự lại càng hoang mang do dự hơn. Câu chuyện kể rằng, có hai người tranh nhau một tài sản, rồi đi tìm một vị pháp sư để nhờ phân giải xem ai đích thực là người chủ sở hữu. Vị pháp sư nghe người thứ nhất rồi gật gù bảo phải. Xong lại nghe người thứ hai và rốt cuộc lại đứng về phía người này. Về đến nhà, vị pháp sư kể lại sự việc cho bà vợ nghe. Bà sửng sốt: “Trời ơi! Rõ thật mình là một chàng “hai phải” mất rồi!”. Vị pháp sư bèn trả lời: “Ừ nhỉ, té ra mình cũng phải nốt”. Tôi cho rằng câu chuyện ấy đến nay vẫn còn giá trị.
Jerusalem đã dạy cho tôi thấy những hố sâu thăm thẳm của thuyết tương đối, thấy những kích thước kinh khủng của tấn trò đời nhưng đồng thời cũng thấy cả những khía cạnh khôi hài của vở bi kịch. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào có tính khôi hài lại trở thành cuồng tín. Là một nhà văn Ixraen tha thiết với hòa bình, tôi mong sao đoạt được giải thưởng Nobel cao nhất về y học. Một ngày nào đó, tôi sẽ giành được giải thưởng cao quý này, nếu tôi luyện được cái ý thức châm biếm đó thành thuốc viên cho mọi người trên thế giới uống để chữa cho ai nấy đều miễn dịch khỏi bệnh cuồng tín. Ấy, muốn lên được cõi thứ ba, thì hãy bắc thang bằng ý thức châm biếm đó.
Từ mấy chục năm nay, ông vừa là một nhà viết tiểu thuyết vừa là một chiến sĩ hòa bình. Ông nghĩ thế nào về những phát triển gần đây của tình hình?
- Với việc chính phủ Ixraen và PLO công nhận lẫn nhau, việc ký kết hiệp ước về nền tự trị của Gaza và Jericho, ảo tưởng về một “đại Israen” rốt cuộc đã tiêu tan, cũng như đã tiêu tan giấc mơ của những ai muốn đẩy người Do Thái trở về xứ sở quê hương của họ. Mặc dù vậy, vào thời điểm mùa thu năm 1993 lịch sử này, chúng ta vẫn chưa đi được tới đoạn cuối của con đường. Có lẽ chúng ta nên nói rằng, hiện giờ, chúng ta cùng ở “chỗ tận cùng của đoạn khởi đầu” bởi lẽ người Do Thái và người Arập tuy hiện cùng sống với nhau trên một mảnh đất, nhưng vẫn còn để lại đằng sau họ bao nhiêu ký ức về những nỗi đau khôn xiết. Sau đoạn khởi đầu này, một khởi đầu đánh dấu bằng biết bao chinh chiến và thương đau, chúng ta đã có thể thấy lóe ra những tia hy vọng đầu tiên.
Tuy nhiên, mặc dù giờ đây, các cuộc thương lượng giữa người Ixraen và người Arập đang diễn ra với những lập trường sáng suốt và tha thiết với hòa bình của chính phủ Ixraen và Tổ chức giải phóng Palestine PLO, vẫn chưa phải là lúc để hân hoan vui mừng. Chưa phải đâu, vì chúng ta vẫn còn chìm đắm trong một thực tế nghi kỵ và e sợ. Gây ra và tiến hành chiến tranh, chiến tranh là khó nhưng kiến tạo hòa bình cũng gay go, phức tạp một cách khác. Vấn đề là, một khi nền móng cho sự hiểu biết lẫn nhau đã được thiết lập, thì phải làm sao thay đổi tư duy để hòa bình có thể ngự trị trên những đường phố mà hiện còn vang lên những gào thét của các phần tử cực đoan. Điều đó có thể làm được và đã từng thực hiện được. Các cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh đã kéo dài hàng thế kỷ, nếu ta không nhắc đến những cuộc tàn sát lẫn nhau giữa người Đức và người Pháp. Vậy mà giờ đây, các dân tộc này hòa hợp với nhau như thế, để đi tới cùng nhau xây dựng cộng đồng châu Âu.
Ảo giác về một nền công lý toàn vẹn chỉ mang nặng sự mù quáng, chán chường và chết chóc. Tôi cho rằng hòa bình và hạnh phúc của con người là quan trọng hơn những chủ trương thảm khốc của các vị anh hùng thời Cổ đại. Sau khi đã từ bỏ những ảo tưởng hão huyền không thể thực hiện, cuối cùng chúng tôi đã đi được đến chỗ ngồi cùng một bàn, mắt anh trong mắt tôi mà nói chuyện với nhau. Nghệ thuật thương lượng và thỏa hiệp chẳng phải là những đức tính truyền thống của những con người sống trên khu vực này đó sao? Sử dụng nghệ thuật đó chẳng phải là vô cùng tốt hơn là sử dụng chiến tranh hay sao?
Ngày nay, khi mà hòa bình đã được khởi đầu, thì giữa những người Israen và người Palestine lại nẩy ra một cái gì nghịch lý: sự nghi kỵ xuất phát từ tình thương yêu nhau. Nghi kỵ là kết cục của một cuộc chiến đấu lâu dài giữa hai dân tộc chúng tôi, mà nguyên nhân lại chính là lòng yêu tha thiết, nằm ở đáy lòng của hai dân tộc, đối với mảnh đất đầy máu và nước mắt này. Nhiều thập kỷ cay đắng và thất vọng làm cho con người càng nóng lòng sốt ruột, làm tăng thêm ý định khước từ. Vì vậy, chúng tôi cần có một cố gắng lớn lao để làm sáng tỏ sự việc và gieo vào đầu óc mỗi người mầm sống của tinh thần chấp nhận lẫn nhau và chia sẻ lẫn nhau. Hận thù giữa hai phía đối địch trong chiến đấu có thể hóa thân thành sự tôn trọng lẫn nhau, nếu như kinh nghiệm đã dạy cho mỗi người hiểu được người khác rõ hơn, và nếu như đi đến kết cục nhưng đồng thời phẩm giá của mọi người đều được tôn trọng.
Người đưa tin UNESCO, tháng 11-1993