(Đức)
trò chuyện với François Hartog1
Có thể dành nhiều chỗ cho những khác biệt văn hóa, song người ta cũng có quyền chờ đợi ở một sự “thống nhất văn hóa” nhất định. Không có nó, vấn đề quốc tịch sẽ không được giải quyết.
Nhà xã hội học Đức Wolf Lepenies là Giám đốc Học việc Wissenschaftskolleg ở Berlin, một học hiệu của châu Âu mở cửa cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Là viện sĩ của nhiều viện hàn lâm Mỹ, Nhật, Anh, Thụy Điển và Pháp, ông đã giữ chức giáo sư khoa châu Âu tại Collège de France (Paris) từ 1991 đến 1992. Ông tin rằng nhà trí thức đóng một vai trò chính trị quan trọng tại châu Âu ngày nay và kêu gọi họ từ bỏ những cuộc tranh luận thuần túy về tư tưởng để bắt tay vào những vấn đề trực tiếp và cụ thể hơn.
1 François Hartog, nhà sử học Pháp
Cách đây chưa đến hai năm, ông đã cho xuất bản một cuốn sách về sự phá sản của các nhà tri thức châu Âu. Tình hình hiện nay như thế nào?
- Cần phân biệt giữa các nước còn lại ở châu Á với Đức. Ở Đức, các nhà trí thức không có khả năng tiếp nhận tình hình mới sinh ra từ việc thống nhất đất nước. Sự thách thức lớn nhất đặt ra với nước này hôm nay là trở thành một nhà nước quốc gia “bình thường” trong liên minh châu Âu. Chắc chắn đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng các nhà tri thức không cam kết đủ mức với nhiệm vụ này. Và cũng không có đủ cái mà tôi muốn gọi là “lòng yêu nước trí thức” (thế kỷ 18 cho chúng ta một định nghĩa rất đẹp về lòng yêu nước, đó là lập trường của những kẻ không có một chút quyền lực chính thức nào mà gắn bó với lợi ích cộng đồng). Đối với nhà trí thức, đây là một thời kỳ huy hoàng, một thời kỳ đẹp đem lại cho họ mọi cơ hội hành động, nhưng họ lại thích giữ một lập trường nửa ngây thơ nửa khinh bỉ, hoặc nếu không thì lý luận suông về những dự án không tưởng vĩ đại.
Ông lãnh đạo một học hiệu hết sức độc đáo ở Đức được gọi là Wissenschaftskolleg. Vai trò của nó là gì?
- Wissenschaftskolleg là một học viện cao nhất về các khoa học nhân văn. Hằng năm, chúng tôi mời khoảng 40 đến 50 nhà nghiên cứu từ khắp các nơi trên thế giới đến làm việc về dự án của chính họ trong 10 tháng. Mục đích chính của chúng tôi là “thức tỉnh các vị khách của chúng tôi một cách sinh lợi”. Nghĩa là làm sao để sau một năm tiếp xúc với tính cách khác, những bộ môn khác và những truyền thống lý thuyết khác, họ có thể có một cách nhìn nhận mới về công việc của họ và xem xét lại những điều mà trước đó họ coi là hiển nhiên. Chúng tôi còn lập ra cái mà chúng tôi gọi là những nhóm ưu tiên. Ví dụ, năm nay, chúng tôi có hai nhóm trong lĩnh vực sinh học lý thuyết.
Wissenschaftskolleg được thành lập tại Berlin vào lúc thành phố này giữ một vị trí rất đặc biệt ở châu Âu. Sự sụp đổ của bức tường Berlin và việc thống nhất nước Đức có làm thay đổi được gì không?
- Có chứ, vai trò của chúng tôi thay đổi. Trước đây chúng tôi cho rằng sẽ ngày càng có nhiều người quan tâm đến các vấn đề nội bộ của nước Đức, và chúng tôi phải tập trung nhiều hơn nữa vào Đông Âu. Nhưng chúng tôi cũng bắt đầu mở rộng quy mô và cam kết của chúng tôi với những vấn đề liên quan đến các nước đang phát triển. Chúng tôi muốn đưa các cố gắng của chúng tôi vào việc nghiên cứu so sánh các nền văn hóa.
Từ năm 1990, Đức đã là một quốc gia, nhưng là một quốc gia vẫn đang hình thành…
- Trước năm 1990, chúng tôi hy vọng rằng hai nước Đức cuối cùng sẽ hợp nhất làm một, nhưng trong thời hạn rất dài. Lịch sử đã quyết định theo cách khác. Và điều nghịch lý là, trong một bối cảnh trong đó lẽ ra phải suy nghĩ theo hướng xóa bỏ các nhà nước quốc gia thì nước Đức lại bắt đầu bằng việc trở thành một nhà nước quốc gia như những nước khác bằng cách phát triển các nguyên tắc quốc gia của mình. Đó là các vấn đề lớn của Đức. Chúng tôi bị giằng xé giữa mong muốn nhanh chóng tạo ra một châu Âu thống nhất và yêu cầu bắt đầu bằng việc tạo ra một nước Đức thống nhất.
Việc thống nhất nước Đức đã được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, Heiner Muller nói đến một quá trình thực dân đối với CHDC Đức cũ, còn Jens Reich thì miêu tả cảm tưởng xa lạ (Verfremdung) mà một người từ Phương Đông đến có thể cảm thấy khi đặt chân đến phương Tây.
- Cả hai cách nhìn đó đều đúng. Tuy nhiên cần nói rằng có một sự song song nhất định. Cảm giác xa lạ này có thể thấy ở cả phương Đông lẫn phía Tây. Ngay bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy xa lạ tại nhiều nơi ở CHDC Đức cũ, nhưng xa lạ theo nghĩa tích cực của từ này, theo nghĩa khám phá ra một cái gì mới và bất ngờ. Sự khác nhau thật sự là ở chỗ ở phương Tây, sự xa lạ này được cảm nhận như một sự thay đổi cảnh quan, như việc gặp gỡ với một cái gì đó mới mẻ, còn ở phương Đông, nó được cảm nhận như một sự tha hóa, một mối đe dọa. Về vấn đề chiếm thuộc địa, điều đó chỉ đúng ở chỗ người Tây Đức cho rằng họ đi theo con đường đúng và nhiệm vụ của người Đông Đức là phải đuổi kịp họ. Một thái độ thực dân là tin rằng mình đúng và muốn áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Chúng tôi chưa tự hỏi mình đù nhiều là liệu có những gì đáng để gìn giữ tại CHDC Đức cũ không? Ở điểm này có nhiều điều để nói, từ vai trò của phụ nữ đến việc chăm sóc y tế và giáo dục - các trường bách khoa, vai trò của thầy giáo bên ngoài nhà trường, vân vân… Nhưng luận điểm thực dân không chịu đựng được một sự phân tích sâu sắc. Nó không phù hợp với những gì đã thực sự diễn ra. Năm 1989, đã có thể tưởng rằng một giai đoạn mới trong công cuộc công nghiệp hóa siêu hiện đại và đầu tư ồ ạt nhằm mục đích lợi nhuận đã bắt đầu. Song đã không xẩy ra một cái gì thuộc loại như vậy. Nếu như một hoạt động thực dân kiểu như vậy đã diễn ra thì chúng tôi không vấp phải những vấn đề kinh tế hiện nay. Ngày nay, nhà nước đảm nhiệm hầu như mọi nhiệm vụ mà chúng tôi chờ đợi ở nền kinh tế thị trường.
Hơn nữa, sẽ là sai lầm nếu cho rằng người Đông Đức đã bị bất ngờ và bị ép buộc phải đi theo lối sống phương Tây. Ở phương Đông đã có một sự chờ đợi theo hướng đó và phương Tây đã hăm hở đáp ứng. Ở đây có một sự cộng đồng lợi ích.
Ngày nay người ta phát hiện ra rằng không thể viết lịch sử CHDC Đức mà không viết lại lịch sử CHLB Đức, vì chúng đan xen với nhau…
- Đúng vậy, nhưng điều nghịch lý là tuy rằng hai lịch sử ấy bám chặt lấy nhau nhưng những tính cách và lối sống đã hình thành cũng trong thời gian đó lại không như vậy. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để điều chỉnh hai tính cách đó với nhau.
Một phần những ảo tưởng của 1989 và những sai lầm theo sau nó phải chăng xuất phát từ việc chúng ta không có khả năng tính đến khía cạnh thời gian này?
- Đúng thế. Chúng ta đã không bỏ ra một giây nào để suy nghĩ xem thời gian có thể có ý nghĩa như thế nào như một kinh nghiệm chung đối với cá nhân, đối với quốc gia, đối với các dân tộc và nhà nước. Chúng ta thực sự không tự hỏi có thể có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của nước Đức việc một bộ phận lớn nhân dân Đức đã sống trong những chế độ cực quyền từ 1933. Đó là một điều lãng quên mà ngày nay chúng ta phải trả giá đắt tại châu Âu.
Phải chăng cụm từ “chủ nghĩa yêu nước hợp hiến” (ý muốn nói đến hiến pháp 1949 của CHLB Đức) do Jurgen Habermas đề xuất vẫn còn là một câu trả lời có giá trị đối với những gì đang diễn ra hôm nay?
- Tôi cho rằng điều đó không đủ là một câu trả lời. Nếu ta cố muốn có một sự trung thành rộng khắp và hợp lý đối với nền dân chủ Đức, nói với người Đức rằng đi theo chủ nghĩa yêu nước hợp hiến là cần thiết và đáng mong muốn là chưa đủ. Theo tôi như vậy là quá lạnh lùng, quá duy lý. Nhưng chúng tôi không thể nào miễn cho mình được một thứ yêu nước nào đó, nghĩa là một cảm tưởng mình thuộc về một đất nước, một xã hội.
Những tiến công bài ngoại bỗng nhiên gia tăng trong 1991-1992. Những sự bùng nổ bạo lực này đáng lo ngại đến mức nào?
- Cố nhiên, có nhiều điều để lo ngại vì những biểu tượng của chủ nghĩa quốc xã vẫn còn đang được giương lên tại Đức. Tuy nhiên tôi nghĩ vẫn còn có một số yếu tố hy vọng. Trong số những kẻ vung lên những biểu tượng ấy và nhân danh chúng gây ra những hành động giết người, có bao nhiêu kẻ thực sự cần bị coi là những tên “phát xít mới”? Ta không biết sự việc ấy che giấu đến mức độ nào một sự phản kháng chung; sự phản kháng này tìm kiếm những cách tự biểu hiện nào gây phẫn nộ nhiều nhất - và ở Đức, cách tốt nhất để làm điều đó là bằng chủ nghĩa quốc xã.
Những cuộc tiến công này còn đặt ra vấn đề sự hòa nhập của người nhập cư. Nước CHLB Đức cũ xưa nay vẫn nói rằng nó không phải là một nước nhập cư tuy rằng nó đã không ngừng nhận người nhập cư.
Làm thế nào để thực tế đó phù hợp vớ những nguyên tắc và pháp luật của nước này?
- Đức thực ra là một nước nhập cư và vấn đề đặt ra là chúng tôi chưa sẵn sàng hòa nhập thực tế đó vào trong cách suy nghĩ và hành động chính trị của chúng tôi. Tỷ lệ người nhập cư vào Đức cao gấp đôi so với ở Mỹ, một nước nhập cư truyền thống. Chúng tôi hãy công khai là một nước nhập cư và ấn định hạn ngạch - vì không một nước nào có thể mở cửa các đường biên giới của mình cho tất cả mọi người. Vấn đề cơ bản có lẽ là chúng tôi không phân biệt giữa việc xin tị nạn và nhập cư. Quyền tị nạn cố nhiên không thể phụ thuộc vào hạn ngạch. Tôi cho rằng sẽ là điều tốt nếu đưa vào trong pháp luật nước chúng tôi một ý thức nhất định về thực tế.
Ông có cho rằng sẽ có một cuộc tranh luận về những điều chỉnh có thể có về quyền công dân không?
- Chúng tôi phải thực sự từ bỏ khái niệm về quyền công dân gắn nối quốc tịch với huyết thống và nơi sinh. Nó lẽ ra phải được gắn liền với bằng chứng là người ta sẵn sàng thích nghi với một nền văn hóa nhất định và sinh sống trong nền văn hóa đó. Có thể dành nhiều chỗ cho những sự khác biệt văn hóa, song người ta cũng có quyền chờ đợi ở một sự “thống nhất văn hóa” nhất định. Không có nó, vấn đề quốc tịch sẽ không được giải quyết!
Chính sách khoa học của Wissenschaftskolleg có nằm trong khuôn khổ của một chính sách rộng lớn hơn không?
- Tôi xin trả lời bằng một ví dụ cụ thể. Năm 1989, tôi đã mơ tưởng thành lập một học viện tương tự tại Budapest. Hiện nay, học viện đó tồn tại và việc thành lập nó có thể dùng làm một ví dụ về cách làm sao tránh được một số sai lầm. Nguyên tắc thứ nhất là nó không được là một thể chế song phương. Tôi chống lại mọi hình thức song phương trong các vấn đề quan hệ văn hóa. Collegium Budapest được sự hỗ trợ của sáu nước châu Âu: Đức, Áo, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ. Đó là một điều kiện tiền quyết quan trọng cho thành công của nó.
Nguyên tắc thứ hai là không được chơi con bài từ thiện. Việc chia cắt châu Âu là một trở ngại cho cả phương Đông lẫn phương Tây. Cả hai bên cần giúp đỡ lẫn nhau bằng cách luôn luôn nhớ đến kinh nghiệm chung này.
Được đề ra trong và cho một thế giới lưỡng cực nay không còn nữa, Cộng đồng châu Âu hiện đang bị trục trặc. Hình như có những khó khăn trong việc thể hiện cục diện mới này bằng những từ ngữ chính trị. Các nhà trí thức có thể nói gì hay làm gì trước tình hình này?
- Một trong những nhiệm vụ chính của các nhà trí thức là tố cái hình ảnh phân cực này hiện tồn tại ở khắp nơi trong Cộng đồng kinh tế châu Âu, cho rằng có những người cho và những người nhận, và không có gì phải hoài nghi về việc ai cho và ai nhận. Thái độ này của Cộng đồng xuất phát từ ý kiến điều chỉnh tài chính. Đó là cách chúng ta xử sự hiện nay đối với phần còn lại của châu Âu: chúng ta nhìn nhận khả năng tham gia của những nước như CH Séc, Hunggari, Xlôvakia và Ba Lan từ một góc độ duy nhất, tức là những nước “cho” có thể tự cho phép mình “đi xa” đến đâu, nghĩa là Cộng đồng còn có thể tiếp nhận bao nhiêu nước “nhận” nữa. Chúng ta không sẵn sàng thừa nhận rằng sự gia nhập của những nước này là một cơ hội đáng để có những hy sinh. Tôi cho rằng làm sao xóa bỏ quan điểm kinh tế hẹp hỏi này khỏi tư duy châu Âu là một nhiệm vụ trí tuệ quan trọng cho tương lai.
Người đưa tin UNESCO, tháng 12-1994