(Pháp)
trả lời phỏng vấn của Michel Batisse
có nhiều khả năng là loài người xuất sinh từ một loài Australoptithecus (Vượn phương nam), nhưng giờ đây người ta vẫn còn chưa rõ loài nào.
Nhà cổ sinh học Pháp nổi tiếng thế giới Yves Coppens là chủ nhiệm bộ môn “Cổ nhân chủng học và tiền sử” ở Collège de France (Đại học Pháp quốc) tại Paris. Là một nhà khoa học lăn lộn trên thực địa, ông đã một mình hoặc cùng với các cộng tác viên phát hiện được nhiều hóa thạch thuộc họ Người và thu thập được những dụng cụ bằng đá đẽo cổ xưa nhất trên toàn thế giới (có từ cách đây trên ba triệu năm). Cũng chính ông đã lập được những mẫu hình để giải thích nguồn gốc họ Người bắt đầu từ cách đây tám triệu năm và nguồn gốc loài người cách đây ba triệu năm, và ông đã tạo được mô hình văn hóa để giải thích quá trình tiến hóa của tư tưởng. Trong số những xuất bản phẩm mới nhất của ông có thể kể: Pré-ambules, Ies premiers pas de I’homme (Những người chập chững, những bước đi đầu tiên của loài người, 1988) viết chung với Pierre Pelot và Tanino Liberatore, Le rêve de Lucy (Giấc mộng của Lucy, 1990), và L’origine et l’homme trên tạp chí Diogène số 155/1991)
Gauguin đã vẽ một bức họa ba phần nổi tiếng, trên đó người ta thấy những thiếu nữ Tahiti lõa lồ, có súc vật bao quanh và cạnh một nữ thần bản xứ. Trong cảnh thần tiên về mầu sắc và hình thể đó, ông ta muốn biểu thị số phận của con người bằng cách chú thích cho bức họa đó bằng dòng chữ sau: “Chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, chúng ta sẽ đi đâu?” Ba câu hỏi đó có phải cùng là những câu hỏi mà các nhà nhân chủng học tự nêu lên không?
- Đúng. Đó là những câu hỏi nảy sinh trong tiềm thức của con người. Đó là “mối lo âu về sinh tồn” của các triết gia hiện đại. Bức họa của Gauguin biểu tượng rất đạt ý nghĩa của các công trình nghiên cứu của chúng ta và chúng tôi cũng đã dùng nó để minh họa bìa ngoài của một trong những tập Tài liệu về cổ nhân chủng học mà tôi đã cho xuất bản từ mười lăm năm nay
Hiện nay người ta đang nói nhiều về các khủng long. Những quái vật đã từng thống trị thế giới từ kỷ Triat, cách đây 220 triệu năm, sang kỷ Jura và Krêta, trước khi chúng biến mất cách đây khoảng 70 triệu năm. Sự biến mất của nhóm động vật này đã được bàn cãi rất nhiều. Vậy ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Sự tuyệt diệt hàng loạt của một số loài có liên quan đến nhiều pha khác nhau của lịch sử trái đất, thể hiện rõ nét bởi sự lan rộng hoặc thu hẹp của các đại dương. Trong 500 triệu năm, cuối cùng đã từng xảy ra 35 đợt tiêu diệt hàng loạt. Sự biến mất của các khủng long ứng với giai đoạn tuyệt chủng của một số loài động vật thân mềm và điều đó cũng không là ngoại lệ. Thuyết về sự va chạm của một thiên thể, một “ngôi sao của tử thần” đã từng đổ ập xuống trái đất đối với tôi chỉ là một huyền thoại... Vì những lý do có nguồn gốc vũ trụ, có ảnh hưởng đối với vị trí của trái đất trên thị sai và do những biến đổi khí hậu, sinh ra từ đó, nên lịch sử của sự sống chỉ là một sự kế tiếp của những đợt lan rộng, tiếp theo bởi những đợt thu hẹp chậm chạp hoặc những đợt tuyệt diệt nhanh chóng của những loài sinh vật.
Ngay như kích thước của những con quái vật đó có phải chính là nguồn gốc nẩy sinh của tất cả các học thuyết kỳ dị về sự diệt chủng của chúng không? Một loài ăn thịt hung dữ như loài Tyrannosaurus rex (Bạo long chúa) dài tới 15 mét, có thể nào lẳng lặng bị tiêu diệt một cách kín đáo: phải có một biến cố kinh hoàng nào đó thì mới có thể làm cho chúng biến mất chứ?
- Ông nói cũng có lý. Đối với sự biến mất của những loài động vật không xương sống như nhóm Trilobita (Bọ ba thùy) cách đây khoảng 200 triệu năm chẳng hạn thì người ta không đưa ra nhiều thuyết này thuyết nọ để giải thích. Hoặc đối với sự tuyệt diệt của những con vật xinh xắn thuộc ngành Thân mềm mà chúng ta gọi là Ammonites (Cúc đá) cũng sống cùng thời với nhóm khủng long, thì người ta cũng không đặt nhiều câu hỏi và cách giải thích như đối với khủng long.
Các loại chim như chúng ta gặp ngày nay có phải đã bắt nguồn từ các khủng long không?
- Rất đúng như thế. Con chim đầu tiên mà chúng ta biết, con Archeopteryx (Chim thủy tổ) sống vào thời Jura muộn, rất gần với các khủng long về giải phẫu học: nó có những vuốt cong và móng dài; rất sắc chẳng khác gì móng vuốt đáng gờm của những con khủng long nhỏ thuộc giống Deinonychus mà John Ostrom ở trường đại học Yale đã phát hiện được vào năm 1964. Nhưng conArcheopteryx là một động vật có máu nóng và cũng như mọi loài chim, nó có lông vũ để cách nhiệt.
Để xác định một cách ngắn gọn nguồn gốc của loài người, người ta thường nhắc là các linh trưởng, tổ tiên xa xưa nhất của loài người, đã xuất hiện từ cách đây khoảng hai mươi triệu năm. Một vài triệu năm sau, dòng linh trưởng tách làm đôi để một bên thì sinh ra các loài khỉ: như tinh tinh và đười ươi, một bên sinh ra họ người. Sự phân tách đó, nếu không xảy ra thì chúng ta đã không tồn tại, đã từng xảy ra như thế nào?
- Sau mười lăm năm khai quật ở Đông Phi từ 1963 đến 1978, tôi rất ngạc nhiên thấy trong hàng nghìn di tích hóa thạch của các động vật có xương sống rải rác ở khắp cả các lớp đất địa chất có tuổi từ cách đâu tám triệu năm đến cách đây một triệu năm, tôi không tìm thấy một hóa thạch nào của tinh tinh, đười ươi hoặc những tiền bối của chúng. Ngược lại, cũng tại đó tôi đã tìm được hàng trăm di tích của họ Người. Vào thời đó có nhiều nhà sinh hóa và di truyền học, qua việc phân tích các gen và protein của loài Khỉ châu Phi, đã rút ra kết luận rằng chúng là những động vật có họ hàng gần gũi nhất với chúng ta và giữa chúng ta và chúng chắc chắn phải có những thủy tổ chung. Nhưng tôi thì lại đứng trước một số bí ẩn kì lạ mà tôi rất muốn tìm ra đáp số: đó là vấn đề các loại khỉ châu Phi và nhân loại có họ hàng thân thích với nhau, nhưng tại sao trên thực địa không bao giờ người ta tìm thấy khỉ châu Phi và người cùng để lại di tích ở một chỗ.
Vào năm 1932, nhân dịp một cuộc hội thảo ở Roma, và sau đó ở nhiều nơi khác và trong nhiều ấn phẩm, để làm sáng tỏ bí ấn này, tôi đã đưa ra một mẫu hình mà tôi gọi là “Câu chuyện bên phía Đông”. Đúng vào trước lúc các loại thuộc họ Khỉ và họ Người tách rời nhau cách đây tám triệu năm, chúng có một thủy tổ chung có mặt ở châu Phi xích đạo từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương trong những đồng bằng thấp, ẩm ướt, và có rừng rậm che phủ.
Đến lúc đó xảy ra một sự kiện kiến tạo làm biến đổi cảnh quan một cách sâu sắc. Thung lũng sông Rift sụt sâu xuống 4000 mét, trong khi đó rìa thung lũng lại nâng lên cũng theo độ cao như thế, làm cho châu Phi bị cắt làm đôi. Phần phía Tây, cho tới Đại Tây Dương vẫn ẩm thấp và phủ rừng, trong khi phần phía Đông kéo dài từ Rift đến Ấn Độ Dương chuyển thành một vùng mở rộng và khô hạn hơn nhiều và chỉ được tưới nước vào mùa mưa theo chế độ gió mùa.
Các tổ tiên của chúng ta, các linh trưởng, vì vậy bị chia thành hai nhóm: nhóm ở phía Tây, đông đảo hơn trong các vùng rừng rú, có lẽ sinh ra các loại tinh tinh và đười ươi. Còn nhóm ở phía Đông, có lẽ phải thích nghi với hoàn cảnh mới của vùng Savan rất có thể trở thành họ Người, tức là gồm những Australopithecus và những đại biểu khác nhau của giống Homo (giống Người).
Như vậy, tổ tiên của chúng ta phải rời bỏ cây để xuống đất?
- Họ không còn có cách lựa chọn nào khác.
Bộ xương hóa thạch của một đại biểu thuộc họ Người mang tính nữ mà người ta phát hiện được vào năm 1974 ở thung lũng sông Afar, ở Etiôpia, có tuổi khoảng 3 triệu năm là một bộ xương đầy đủ nhất mà người ta tìm thấy cho đến nay. Nó được đặt tên là Lucy theo một bài hát nổi tiếng của ban nhạc Beatles. Ngài có thể cho chúng tôi biết ít nhiều về cuộc phát hiện ở Afar đó không?
- Địa điểm cổ sinh học vùng Afar được một nhà địa chất Pháp tên là Maurice Taieb tìm ra vào những năm 60. Vì quen biết ông ta, nên ông đã trực tiếp đề nghị tôi xác định tuổi địa chất áng chừng của những địa điểm đó dựa theo những hóa thạch tìm thấy tại đó. Tuổi của chúng chừng khoảng 2 đến 3 triệu năm cách đây.
Năm 1072, Taieb thành lập một đội quốc tế dưới sự chỉ đạo của hai nhà khoa học Pháp, Taieb và tôi - và hai người Mỹ, Don Johanson và John Kalb: đó là hai đoàn quốc tế để nghiên cứu Afar. Chúng tôi tiến hành năm đợt khai quật kéo dài trong sáu năm. Phát hiện chính của chúng tôi là Lucy, một loại Australopithecus sống cách đây khoảng ba triệu năm. Đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy một bộ xương hoàn chỉnh như vậy thuộc một thời kỳ xa xưa đến thế, và điều đó cho phép chúng tôi thực hiện được việc mà trước đây chưa ai làm được, đó là có được khái niệm chính xác về kích thước của mẫu vật, về tỷ lệ giữa các xương, về chức năng của khớp.
Ở chính phòng thí nghiệm của tôi, chúng tôi dành cho Lucy mười công trình nghiên cứu, mỗi công trình kéo dài trong ba năm, như vậy tổng cộng mất 30 năm tìm hiểu nghiên cứu để hiểu về bộ xương này. Cuối cùng chúng tôi cũng đã vạch được một hình ảnh khác thường của một loài tiền nhân loại nữ tính, rất có thể vào khoảng 20 tuổi, cao 1 mét đến 1 mét 2, nặng khoảng 20 đến 25kg, có cánh tay dài, cằng chân ngắn. Đây là loài ăn hoa quả, rễ cây và củ, và có lẽ biết sử dụng dụng cụ thô sơ bằng đá. Nó đứng thẳng và đi bằng hai chân nhưng bước đi ngắn bằng cách quay tròn hông và vai. Chân dẹt và có ngón cái chân nắm bắt được; bằng đốt ngón tay cong và bằng chân nó có thể leo trèo trên cây.
Ngài xếp Lucy vào vị trí nào trên cây huyết thống của chúng ta?
- Rất có thể Lucy là một cô chị họ, nhưng dù sao Lucy cũng bắt nguồn từ một nhánh của Australopithecus mà chúng tôi gọi là Australopithecus afarens. Nhánh này chắc chắn đã sinh ra giốngHomo xuất hiện ở Đông Phi cách đây ba triệu năm nhờ một sự kiện sinh thái đặc biệt mà tôi đã tìm được dấu vết vào năm 1970 trong các lớp trầm tích ở thung lũng Omo ở Nam Etiôpia. Vì muốn chơi chữ nên tôi đã gọi sự kiện này là “sự kiện (H) OMO”..
Cách đây từ 3,3 đến 2,4 triệu năm quả thực đã xảy ra một đợt khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng - một đợt hạn hán kéo dài. Đột nhiên số lượng cây cối sụt đi rất nhiều, như chúng ta thấy rõ qua các lớp hóa thạch chứa trong các lớp trầm tích hình thành vào thời kỳ này. Toàn bộ hệ động vật bị biến đổi để gắng thích nghi nới môi trường mới. Trong họ người xuất hiện giống Homo có bộ bão lớn hơn rất nhiều (800cm3), đó là lời giải. Với thể tích bộ não chỉ có 340cm3 thì Lucy đáng thương hại này, thực không ăn nhằm gì. Giống Homo còn có bộ răng cho phép ăn tạp nhiều hơn so với bộ răng của Australopithecus.
Năm 1972, nhà nhân chủng học người Kenya Richarch Leakey đã phát hiện ở bờ hồ Turkana, ở Kenya, một vài hóa thạch thuộc họ Người có tuổi vào khoảng 2 triệu năm cách đây. Các đại biểu đó của họ Người đã đứng thẳng và bước những bước lớn cũng dễ dàng chẳng khác gì chúng ta ngày nay. Loài Homo habilis đó rất có thể là tổ tiên của chúng ta: thể tích sọ loài này đạt 800cm3, như vậy là đã hơn một nửa thể tích sọ của chúng ta.
- Trong chừng mực mà các loài người đầu tiên phát hiện ở Đông Phi, chỉ là nơi tìm thấy loại Australopithecus đầu tiên - tức là loài đứng gần chúng ta nhất trong dãy tiến hóa, và bởi vì cácAustralopithecus đầu tiên còn cổ hơn các loài người đầu tiên, nên có rất nhiều khả năng là loài người bắt nguồn từ một loại Australopithecus nào đó, nhưng cho đến nay người ta vẫn còn chưa biết rõ loại nào.
Các Australopithecus đều sống bằng thực vật và chỉ ăn thịt trong trường hợp rất đặc biệt do nhu cầu. Những đợt khủng hoảng khí hậu xảy ra cách đây ba triệu năm đã khiến loài Homo habilis vừa sống bằng thực vật, vừa sống bằng thịt động vật. Rất có thể loài này là loài đầu tiên biết giết thịt động vật, thỉnh thoảng ăn xác chết nhưng cũng biết săn bắn động vật.
Theo Raymond Dart, người ta đã bắt đầu đặt câu hỏi xem loài người có phải là thừa kế bản năng giết chóc của các tổ tiên ban đầu của mình không. Nhà giải phẫu học người Nam Phi này đã kết luận là một chiếc sọ vào năm 1924 ở Taung gần hoang mạc Kalahari là của một Australopithecus 6 tuổi sống cách đây khoảng 3 triệu năm. Cá thể non này đi bằng hai chân và có bộ não bằng não đười ươi. Theo hình dạng răng, Dart cho rằng nó sống bằng thịt. Vậy ngài có đồng ý kiến với Dart không?
- Cách giải thích của Dart dựa trên một số xương động vật kết hợp với loại Australopithecus chắc đã dùng những xương nhỏ làm dụng cụ (mà một vài tác gia gọi đó là “dụng cụ Dart”), không nghi ngờ gì nữa là có phần nào đúng đắn. Nhưng theo phân tích hình thái răng và những dấu vết còn thấy trên chúng thì dường như các Australopithecus đều sống bằng thực vật chứ không ăn thịt.
Nhân dịp này tôi xin kể một câu chuyện tiếu lâm: Một hôm tôi được mời nói chuyện trong một cuộc hội thảo về “Đứa trẻ ở Taung” ở thành phố Antananarivo ở Mađagaxca; những người đứng ra tổ chức hội thảo đã chuẩn bị một bức áp phích trên đó có vẽ hình dạng của cá thể Australopithecus non đó. Đúng vào lúc sắp diễn ra hội thảo tôi nhìn thấy hai phụ nữ Mađagaxca đứng nhìn tấm áp phích và tôi thấy một bà thốt lên câu: “Thuyết trình viên này thực là rất trẻ!”
Người Neanderthal mà người ta tìm thấy di tích hóa thạch gần Dusseldorf năm 1856 tỏ ra là bắt nguồn từ Australopithecus, robustus, một loại thuộc họ Người, còn chưa nhanh trí, còn hàm nặng nề, sống bằng thực vật. Không có khả năng chịu đựng cuộc sống đầy xáo động của thời đại đó, loài này đã biến khỏi cảnh quan. Nhưng người ta cho rằng nó đã tiếp tục sống còn dưới dạng người Neanderthal, khá giống với nó. Người Neanderthal lại rút khỏi diễn đàn trước sự xuất hiện của người Cro-Magnon. Vậy cái gì đã xảy ra với loài người này?
- Loài Australopithecus robustus là một trong những ứng đối của nhóm họ Người trước tình hình khủng hoảng về khí hậu gọi là “sự kiện (H) OMO”. Đây là một loài Australopithecus, nặng nề hơn, lớn hơn và khỏe hơn, có bộ răng kỳ lạ gồm những răng cửa nhỏ và răng hàm lớn hơn thích ứng với kiểu sống bằng thực vật cứng cần được nhai nghiền. Loài này tuyệt chủng cách đây khoảng một triệu năm.
Những Homo đầu tiên mà thể tích lớn của não bộ làm cho dũng mãnh hơn và khiến cho chế độ ăn tạp cơ động hơn, dường như đã bắt đầu mở rộng phạm vi lan tràn. Các loài mạo hiểm đó khởi xuất từ Đông Phi và sớm tiến tới Trung Đông rồi lan sang châu Âu rồi châu Á để sinh ra dần dần các loài Homo erectus và Homo sapiens mà thực ra không hẳn là những loài cá biệt.
Vào lúc đó xảy ra hiện tượng đóng băng kỷ Đệ tứ: băng che phủ dãy Anpơ và xứ Scandinavia cùng lãnh thổ nước Đức và nước Ba Lan làm tách biệt nhóm Người đầu tiên ở châu Âu. Trong những trường hợp như vậy bao giờ cũng xảy ra hiện tượng trôi đi di truyền. Ở Tây Âu loài Homo habilis chuyển thành Homo erectus cũng như ở mọi nơi khác. Nhưng ở đây, một nhóm Homo erectus đặc biệt đã hiểu hiện một số đặc trưng của người Neanderthal. Sau đó, cũng như ở mọi nơi, nó trở thành Homo sapiens Neanderthalensis.
Như vậy tức là người Neanderthal không phải là con cháu Australopithecus robustus mà là một biến dạng của Homo xuất sinh từ sự cách ly của Tây Âu. Sự trôi đi về di truyền chỉ kết thúc cách đây khoảng 30.000 đến 40.000 năm với sự ra đời của Homo sapiens sapiens ở Trung Đông. Nếu không thì hiện tượng Neanderthal tất đã sinh ra một nhân loại mới, không thể còn lai giống với nhân loại bắt nguồn từ người Cro-magnon.
Thuyết Darwin về sự sống còn của kẻ mạnh nhất thường hay được dùng để biện chứng cho những lập luận cho rằng người da trắng cao đằng hơn các giống nòi khác, da đen và da đỏ ở châu Mỹ chẳng hạn. Ngài nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Nhà khoa học dù ở lĩnh vực nào đều giữ trong mình một số ý tưởng đã tiếp thu được. Điều đó rất tốt, chừng nào những ý kiến đó vẫn chỉ là những giả thuyết để tiến hành nghiên cứu. Nếu những giả thuyết đó được chứng thực thì càng tốt, nhưng trong trường hợp ngược lại thì nhà khoa học chân chính cần phải từ bỏ những giả thuyết sai lầm và thay đổi ý kiến. Chính qua cái đó người ta nhận thấy rõ chân giá trị của người làm công tác khoa học.
Darwin là một bác học vĩ đại, đã từng phát biểu những ý kiến sáng lạn, nhưng ông đã sai lầm đem áp dụng nguyên xi cho loài người và cho xã hội loài người những kết luận mà ông rút ra được từ những công trình nghiên cứu thực vật và động vật, ông đã không chú ý đến ảnh hưởng của văn hóa đã đưa vào trật tự tự nhiên những khái niệm về tự do và trách nhiệm và đã làm đảo lộn các quy luật của tự nhiên.
Ở cổng vào của Bảo tàng về nhân loại ở Paris, nơi mà ngài đã từng làm Giám đốc, có treo một tấm biển lớn đề nghị người tham quan hãy để lại “văn hóa” ở tiền sảnh để chỉ chú ý đến những ái tình sinh dục học khái quát của loài người. Tuy nhiên hàng ngày vô tuyến truyền hình lại nêu ra cho chúng ta rõ những sai khác về cơ thể hoặc về văn hóa đều có thể gợi lên những đố kỵ mãnh liệt có thể dẫn tới sự bùng nổ thành hận thù.
- Đúng là con người đều khác nhau và thường hay đố kỵ nhau về kinh tế, lãnh thổ hoặc tôn giáo khiến cho họ đi tới bạo lực. Nhưng thực ra những sai khác đó cũng chỉ là hời hợt. Hết thảy chúng ta đều là những Homo sapiens sapiens cùng chung một nguồn gốc di truyền khiến cho chúng ta khác với loài khỉ.
Một số người muốn nhìn thấy trong những phát hiện của nhân chủng học những bằng chứng của một tác dụng thần bí, vì theo họ nhận định thì không có một học thuyết khoa học nào đã thực sự giải thích được sự tiến hóa của tinh thần ở nhân loại với tất cả sự phức tạp và sự lớn lao của nó. Vậy chúng ta có thể căn cứ vào đâu mà giải thích được vị trí duy nhất mà loài người chiếm cứ giữa giới động vật?
- Sự sáng chế dụng cụ đầu tiên bằng đá đánh dấu giai đoạn cơ bản của quá trình tiến hóa vì nó đã đưa văn hóa vào trật tự tự nhiên. Phái đoàn mà tôi lãnh đạo ở miền nam Ethiopia đã phát hiện được những dụng cụ đầu tiên có từ cách đây 3,3 triệu năm. Từ suốt 4 tỷ năm, thiên nhiên đá ngự trị độc quyền, bỗng xuất hiện một môi trường mới do bàn tay của một cá thể trong họ Người tạo nên. Điều đó làm thay đổi mọi thứ, vì từ đó con người đã phản ứng trước những đòi hỏi của môi trường nhanh hơn là thiên nhiên và có thể thích nghi với môi trường trước khi có tác động của sinh học. Do đó tiến hóa sinh học mất dần lý do tồn tại.
Việc tìm cách giải thích vượt cả học thuyết tiến hóa và được chứng minh trong sự nảy nở của lương tâm và lòng mong muốn làm dịu “nỗi lo về sinh tồn của chúng ta không thuộc phạm trù khoa học”. Mục đích của nghiên cứu khoa học là mô tả thế giới qua lịch sử của nó; là giải thích hoạt động của nó. Nhưng, cách giải thích tự nhiên không thể giải được vấn đề siêu tự nhiên.
Một giai đoạn của lịch sử đời sống thực là kỳ diệu, xuất phát từ chính nguồn gốc của nó - chưa đến một giờ theo tỷ lệ thời gian cổ sinh học thu về 24 tiếng - đến lúc xuất hiện những sinh vật đa bào đầu tiên và xuát hiện sự sinh sản hữu tính, sự hô hấp không khí, sự phát triển của thị giác, của tư tưởng, của tiếng nói, của sự tìm ra cách trồng trọt. Nhờ những nghiên cứu tiền sử, người ta còn biết được những giai đoạn khác nhau từ lúc con người biết chế ra dụng cụ đến người Cro-magnon, chúng ta biết được những giai đoạn cách biệt người Cro- magnon với giai đoạn khai sinh của những nền văn hóa sumeri và akkadi, chẳng hạn.
Nhưng, con người còn tỏ ra là động vật duy nhất đã biết “chọn” cách thích nghi để phát triển hệ thần kinh tới mức đó, trong khi các động vật khác đã chọn cách biến đổi các chi của chúng để chạy nhanh hơn, hoặc bộ răng của chúng để cải thiện dinh dưỡng. Câu giải đáp khoa học là như sau: sự kiện đó đã xảy ra ở đây chứ không phải ở nơi nào khác, và giai đoạn này chứ không phải giai đoạn khác và con người giữa toàn bộ giới động vật là loài đã phát triển được bộ não.
Bản chất con người có thể thay đổi đến mức có thể ngăn cản một sự tiêu diệt toàn bộ loài người sau một cuộc chiến tranh rộng khắp, do sự tàn phá môi trường không bền vững của chúng ta hoặc do sự bùng nổ dân số không kiểm soát được.
- Tôi thiên về lạc quan. Từ khi lương tâm xuất hiện cách đây khoảng ba triệu năm, chúng ta đã đạt được nhiều hiểu biết về bản chất con người của chúng ta, về môi trường của chúng ta và chúng ta mất đi những bản năng để thu được thêm tự do. Mặc dù chúng ta phải đương đầu một cách cá biệt hoặc cùng với cộng đồng, với những vấn đề ghê gớm, cách thức chúng ta tự tổ chức để giải quyết các vấn đề đó thực rất đáng chú ý.
Nhìn chung, chúng ta thấy nổi lên một xã hội loài người hợp lý và có tổ chức, biết rõ trách nhiệm của mình. Nhưng điều đó không phải dễ dàng: trong ba triệu năm chúng ta phải học cách sống cùng nhau, với hàng trăm nghìn rồi đến hàng triệu cá thể. Từ 200 năm trở lại đây, chúng ta sống cùng nhiều tỷ người. Giáo dục, sự tìm hiểu về hệ mặt trời của chúng ta, rồi trong một tương lai xa nữa là tới các thiên hà khác, khiến chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về hành tinh của chúng ta, hiểu tốt hơn về hoàn cảnh của nhân loại và cuối cùng là trong quá trình đó chúng ra càng đạt tới tự do rộng hơn.
Người đưa tin UNESCO, tháng 2-1994