(Tây Ban Nha)
trò chuyện với Ramón Luis Acuña tại Madrid
Trên toàn thế giới, quyền huyết thống đang nổi lên trở lại mạnh mẽ.
Nhà văn Tây ban Nha Camilo José Cela, sinh năm 1916 tại Galice, đã nhận Giải thưởng Nobel văn học năm 1989. Ông nhắc đến ở đây sự sáng tạo văn học, vai trò của nhà văn trong xã hội và sự tỏa sáng trên toàn cầu của nền văn học bằng tiếng Tây Ban Nha mà ông là một trong những đại diện lỗi lạc nhất.
Ông nhận định thế nào về văn học Tây Ban Nha những thập niên gần đây, nhất là so với sự bùng nổ của văn học Mỹ Latinh?
- Tôi rất ghét nhận định và tôi không phải là nhà sử học cũng chẳng phải là nhà phê bình văn học. Vả chăng những người sáng tạo thường là những nhà phán xét tồi, những nhà phê bình văn học dở, vì chúng tôi có khuynh hướng hoan nghênh tất cả những gì gần gũi với thẩm mỹ của chúng tôi, cái đó cố nhiên là hợm hĩnh.
Dù sao tôi cũng có thể nói rằng các tiểu thuyết gia Tây Ban Nha thuộc thế hệ tôi - Delibes, Torrente Ballester, Ana Maria Matute, Juan Goytisolo - là xuất sắc, cừ hơn các nhà văn trẻ hơn.
Còn về cái gọi là sự bùng nổ của Mỹ Latinh, đó chủ yếu là do các nhà xuất bản sắp đặt. Nhiều nhà văn rất lớn bị loại ra ngoài. Chủ yếu nó được dùng làm cái thùng cộng hưởng để thu hút sự chú ý của công chúng. Đừng tưởng rằng các tiểu thuyết gia minh tinh hôm nay là cao hơn cha đẻ của nền văn học Tây Ban Nha - Mỹ như Rómulo Gallegos, Benitos Lynch, Miguel Angel Asturias, mà những người này cũng đã chìm vào quên lãng. Đâu phải chỉ là một tiểu thuyết gia Tây Ban Nha - Mỹ cũng đủ khiến anh trở thành một nhà tiểu thuyết lớn, điều đó là hiển nhiên, phải không?
Ông đã được tặng giải thưởng Nobel hồi tháng 12/1989, điều đó liệu rồi có tác động trực tiếp đến văn học Tây Ban Nha không?
- Điều đó hẳn sẽ gây nên một sự say mê văn học, hệt như cả nước mê quần vợt là vì thắng lợi của Santana, mê bóng đã vì những chiến thắng của đội Real Madrid và mê golf vì thành tích của Severiano Ballesteros.
Ông đã biết đến một thời kỳ hoàng kim của văn học, ở châu Âu với Camus, Huxley, Moravia, Sarte, và ở Mỹ với Hemingway, Dos Passos, Faulkner và Steinbeck. Giờ đây, ông nghĩ gì về thời kỳ ấy và ông định vị những tác phẩm của mình như thế nào trong đó?
- Đó là một thời kỳ hoàn toàn phi thường và hiển nhiên là nó thấm vào tác phẩm của tôi. Đấy là vấn đề môi trường, xưa nay tôi vẫn nói thế. Khi Albert Camus in cuốn Kẻ xa lạ và tôi cho ra cuốn Gia đình Pascual Duarte, có những người đã đi đến chỗ viết luận án tiến sĩ về những ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai tác phẩm đó. Sau này, khi chúng tôi trở thành bạn của nhau, điều đó làm chúng tôi rất thú, vì vào hồi chúng tôi ra những tiểu thuyết ấy, chẳng những chúng tôi chưa biết nhau, mà hơn nữa, chưa ai biết đến chúng tôi.
Ông đã cống hiến cuộc đời cho văn học, có bao giờ ông tự hỏi nó dùng để làm gì và có thể là gì đối với một dân tộc?
- Tôi có thể nói đối với tôi, viết là một nhu cầu. Nếu tôi muốn thiết lập một sự tiếp xúc, với bản thân mình cũng như với các đồng loại, tôi phải lấy ngôn từ làm trung gian. Trong lịch sử nhân loại, cái lúc người đầu tiên thốt lên lời nói rành rọt đầu tiên còn quan trọng hơn nhiều so với việc tìm ra châu Mỹ, việc lên tới mặt trăng, thuyết lượng tử hay thuyết nguyên tử.
Văn học dùng để làm gì? Chắc chắn không phải để làm lại thế giới đó. Đó không phải vai trò của các nhà văn. Không nên quên rằng văn học là một bộ môn Mỹ thuật. Phải nói lên sự vật một cách nghệ thuật, có thế thôi. Đối với một dân tộc, văn học là tất cả: nó đảm bảo cho dân tộc trường tồn, chắc chắn hơn cả kiến trúc. Lời chữ bền vững hơn đá.
Ông viết như thế nào, chẳng hạn ông bố cục một cuốn tiểu thuyết như thế nào?
- Chính tôi cũng rất muốn biết điều đó. Tiểu thuyết là một thể loại hay thay đổi hình dạng, đa bội, chưa thể khoanh vùng được. Một tiểu thuyết là mọi văn bản được soạn thảo bằng văn xuôi và mang một đầu đề kèm theo lời ghi “tiểu thuyết” giữa ngoặc đơn. Ngoại trừ nó cũng có thể viết bằng thơ, vì bản trường ca El Cantar de Mio Cid (Bài ca của Le Cid) là một tiểu thuyết.
Ở tôi, tiểu thuyết tự phát vọt ra, đó không phải là một sáng tạo có chủ định. Khi một tiểu thuyết đến ở lì trong tôi - điều đó có thể kéo dài trong nhiều năm - tôi không nghĩ đến chuyện hoài thai nó, tất nhiên việc này đến kỳ hạn sẽ xảy ra tương đối dễ dàng, trong vòng từ tám đến mười tháng. Tôi không tin ở đề cương. Nếu một nhân vật được xây dựng tốt, nó sẽ sống động và không cần được điều khiển, giám sát nó nữa. Chỉ cần thuật lại những việc làm và cử chỉ của nó là đủ làm nên một cuốn tiểu thuyết.
Ông là một người làm việc có phương pháp, ông có tin ở cảm -hứng không?
- Trong tiểu thuyết thì không. Trong thơ trữ tình thì có thể. Dostoievski đã nói rất đúng rằng thiên tài là một sự kiên nhẫn lâu dài. Muốn viết một cuốn tiểu thuyết, phải làm việc rất nhiều giờ trong rất nhiều ngày, và phải có một thể lực lớn để đi tới cùng.
Người ta nói rằng bản sắc Tây Ban Nha phát sinh từ lò luyện của ba nền văn hóa: Cơ đốc, Arập và Do Thái. Có thể nói như vậy về văn học Tây Ban Nha không?
- Tôi đã chẳng viết Những người Do Thái, Những người Maures và Những người Cơ Đốc đó sao? Ở nước chúng tôi có những nhà văn lớn người Marran, dòng dõi Do Thái như Cervantès hay nữ thánh Thérèse d’Avila. Phải, đúng là có một lò luyện và tôi không tin rằng có một người Tây Ban Nha nào có thể khẳng định một cách trung thực rằng mình không có dù chỉ là một giọt máu Do Thái hay Maure trong huyết quản. Các vị vua Thiên Chúa giáo đã mắc một sai lầm chính trị nghiêm trọng khi họ muốn trục xuất những người Maure làm nghề nông và những người Do Thái nắm ngành thương mại, ngân hàng và kim hoàn, trong khi các hiệp sĩ Cơ Đốc xông pha chiến trận. May sao, hầu như không ai ra đi, những người ở lại là người Tây Ban Nha ngày nay.
Về chuyện này, Fernando Villalón đã viết hai câu thơ tuyệt diệu: “Quần đảo Guadalquivir, những người Maures không muốn ra đi thì đến đó.”
Cách đây năm thế kỷ, văn hóa Tây Ban Nha đã bám rễ ở châu Mỹ, do vậy trở nên phổ quát toàn thế giới…
- Không, trước đó nó đã phổ quát rồi, và ít ra nó đã hiện diện ở Italia và Hà Lan. Tính phổ quát của nó được khẳng định ở châu Mỹ thì đúng hơn.
Theo ông, tiếng Tây Ban Nha, cái di sản tuyệt vời ấy của quá khứ, ngày nay liệu có đủ chặt chẽ, uyển chuyển, phong phú và biến hóa để tự khẳng định, đối mặt với tiếng Anh không?
- Mấy năm nữa, sẽ chỉ còn bốn thứ tiếng trên thế giới. Tôi xin kể lộn xộn, không theo thứ tự: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ảrập và tiếng Trung Quốc. Tất cả các thứ tiếng khác sẽ ẩn náu trong ngôn ngữ nói hoặc thơ trữ tình. Khốn thay, chúng ta không bảo vệ tốt tiếng Tây Ban Nha - tiếng Tây Ban Nha chứ không phải tiếng Castilla, thứ tiếng này chỉ là thứ tiếng người ta nói ở vùng Castilla. Chúng ta không tin ở nó trong khi nó là một trong những ngôn ngữ lớn nhất thế giới. Chính phủ Madrid cần phải noi theo những cố gắng anh dũng của những người Basque và Cataluna để bảo vệ cho tiếng nói của họ tồn tại.
Theo ông, tiểu thuyết Tây Ban Nha đã mang lại những gì cho văn học thế giới?
- Xưa nay, tôi vẫn nghĩ và vẫn khẳng định rằng tiểu thuyết ra đời ở Tây Ban Nha. Bá tước Lucanor, tập truyện ngắn đầu tiên của nền văn học chúng ta, ra đời nhiều năm trước Décaméron (Mười ngày) của Boccacio mà mọi người đều coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được biết.
Dù sao đi nữa, tiểu thuyết Tây Ban Nha cũng có một ảnh hưởng quyết định đối với văn học thế giới. Nếu tôi không lầm, chính Gertrude Stein đã chứng minh trong một tiểu luận tiểu thuyết hiện đại là hoàn toàn từ văn học tứ chiếng Tây Ban Nha mà ra. Hiển nhiên là toàn bộ văn học tiểu thuyết từ thế kỷ 19 cho tới nay, nền tiểu thuyết lớn của Mỹ những năm 1920 và thế hệ 1898 ở Tây Ban Nha đều là dòng trực hệ của tiểu thuyết tứ chiếng.
Cervantes là một người khổng lồ trong văn học, nhưng Don Quichotte của ông lại còn lớn hơn nữa. Tôi đã hơn một lần tự hỏi không biết cái tên Cervantes, cũng như Homère có che dấu nhiều tác giả không, bởi vì giữa Don Quichotte và những tác phẩm khác của ông, như Những đoản thiên mẫu mực, là một trời một vực. Don Quichotte đạt đến độ hoàn hảo, thậm chí và nhất là qua những nét không hoàn hảo của nó, mà những nét không hoàn hảo này đều thiên tài, đến nỗi người ta phải tự hỏi đó có phải là cố ý không. Nhưng tôi không khẳng định gì cả, tôi chỉ phỏng đoán thôi,
Nói vậy, song tôi vẫn tin rằng nhà văn lớn nhất của ngôn ngữ Tây Ban Nha - và còn về lâu dài nữa - là Quevedo. Don Quichotte, Quevedo, các nhà thơ thời Trung cổ, tiểu thuyết tứ chiếng vớiLazarillo de Tormes, thế hệ 1898, các nhà thơ năm 1927 - văn học Tây Ban Nha lớn đến mức tôi nhìn thấy hình như nó quá khổ so với những thành tích kinh tế và chính trị yếu kém của Tây Ban Nha.
Ở thế kỷ 20, những gì Tây Ban Nha đem lại cho hội họa, văn xuôi và thơ vượt tất cả những đóng góp của Pháp, Anh, Đức và Italia cộng lại. Chỉ cần kể những tên Picasso, Miró, Dali và Tápies trong lĩnh vực mỹ thuật, hoặc trong lĩnh vực văn học, các nhà thơ Miguel Hernándes, Lorca và thế hệ năm 1927, các nhà viết văn xuôi Unamuno, Valle- Inclán, Baroja, Azorin, Ramón Gómez de la Serna…
Ít lâu nay, người ta nói nhiều đến “làng hành tinh”, đến việc tiến hóa tới một nền văn hóa toàn cầu…
- Tôi không tin điều đó
Điều đó có thể mang đến cho một sản phẩm văn học địa phương sự vang dội trên toàn thế giới?
- Đó không phải là bối cảnh địa lý cũng chẳng phải những tình tiết ly kỳ, mà là động cơ của các nhân vật bởi vì tựu chung, những đam mê lớn đều là phổ quát toàn cầu. Tiểu thuyết tứ chiếng tập trung vào những phong cảnh của Tây Ban Nha, cũng như tiểu thuyết Nga tắm trong không khí thảo nguyên. Vậy mà toàn thế giới đọc hai nền tiểu thuyết đó.
Chúng ta đang sống một nền văn hóa thống trị bởi hình ảnh. Tuy nhiên, chưa bao giờ sách được in nhiều đến thế. Ông có tin rằng cái viết bằng chữ sẽ chống cự được sự tấn công của cái nghe - nhìn?
- Một nền văn hóa bị “thống trị” bởi hình ảnh, tôi không thật tin chắc là như thế. Tôi không ở trong số những người cho rằng truyền hình có tác dụng làm u mê, đần độn, hoặc một hình ảnh có thể có giá trị bằng nghìn từ. Tôi ủng hộ tất cả những gì có thể tạo thuận lợi cho văn hóa và đó rất có thể là truyền hình.
Cái viết bằng chữ sẽ chống chọi được cái nghe - nhìn, cũng như nó sẽ chống chọi được với những tiếp nhận xúc giác, bởi đó là những cảm giác khác nhau. Tại sao anh lại muốn một giác quan này trùm át các giác quan khác? Điều chủ yếu là chúng phải hài hòa với nhau.
Người đưa tin UNESCO, tháng 5-1990