(Pháp)
trò truyện với Bahgat Elnadi và Adel Rifaat
Quốc gia là gì?
Nhà văn- nhà báo Pháp Jean Daniel là người sáng lập kiêm Giám đốc tuần báo Le Nouvel Observateur. Ông là một người hăng hái bảo vệ nhân phẩm và là một nhà quan sát sáng suốt, với con mắt phê phán, những biến cố trong suốt nửa cuối thế kỷ 20. Tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và tiểu luận, mới đây ông đã được trao tặng giải thưởng Albert Camus cho tuyển tập truyện ngắn của ông nhan đề L’ami anglais (Người bạn Anh). Ở đây, ông trò truyện với Bahgat Elnadi và Adel Rifaat về sự tiến hóa hiện thời của quốc gia - nhà nước, chủ đề cuốn sách mới nhất của ông, Voyage au centre de la nation (Hành trình vào trung tâm quốc gia - 1995)
Ở thời buổi mà các quốc gia xem chừng ngày càng bị đe dọa bởi tiến trình toàn cầu hóa, ý niệm quốc gia, nhà nước - chủ đề cuốn sách mới nhất của ông - đang khơi lên nhiều điều suy nghĩ và bình luận.
- Mỗi tháng có hàng chục cuốn sách được xuất bản tại nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề này trở nên rất thời sự, nhất là ở Mỹ và Đức, sau một thời gian dài bị bỏ quên. Tôi tìm ra nguồn gốc của khái niệm này trong cuốn sách nổi tiếng của Johann Fichte1 (1), Diễn văn gửi quốc gia Đức, một cuốn xuất sắc cả về chiều sâu và tính khách quan của tư duy lẫn tác động của nó đối với tư tưởng châu Âu.
Không ai đã ca ngợi một cách tinh tế và sâu sắc hơn thế cái được gọi là “quyền huyết thống”. Theo Fichte, không có quốc gia - có thực hay tưởng tượng - thì sẽ không có tương lại cho một dân tộc, và người Đức đã may mắn vì họ đã có được một thực tế quốc gia nhờ sự tồn tại của một ngôn ngữ và sự thuần khiết của chủng tộc. Ông trình bày ý kiến ấy bằng những lời lẽ tinh vi về triết học và bằng một ngôn ngữ cao sang đến nỗi không ai nhận ra ở đấy một mối liên hệ với những thuyết phân biệt chủng tộc xuất hiện sau này - những thuyết của Joseph de Gobineau2 và của Houston Chamberlain3 chúng sẽ dẫn đến Alfred Rosenberg4 và đến Hitler.
1 Nhà triết học Đức (1762-1814). Diễn văn gửi quốc gia Đức của ông gồm 14 bài giảng tại Trường đại học Berlin từ 1807 đến 1808 là một tuyên ngôn thật sự của chủ nghĩa quốc gia Đức sau khi nước Phổ sụp đổ. - BBT.
2 Nhà văn Pháp (1816 - 1882). - BBT
3 Nhà văn Đức gốc Anh (1855-1927). Tác giả một thuyết phân biệt chủng tộc tại Đức (1899) mà Hitler chịu ảnh hưởng. - BBT.
4 Chính khách Đức (1893-1946), nhà lý luận chính của chủ nghĩa quốc xã. - BBT.
Theo tôi, Fichte vẫn còn mang tính thời sự vì ở một số nơi vẫn còn tồn tại dai dẳng tình cảm luyến tiếc cái “quyền huyết thống” kia, cho dù khái niệm này không được ưa thích trong giới ưu tú phương Tây.
Ông có thể cho một vài ví dụ?
- Những ví dụ về sự luyến tiếc này có thể tìm thấy trong các nhóm chủng tộc và tôn giáo tại các nước Bantic, tại Ucraina, tại Georgia, tại Armenia, Azecbaijan và cố nhiên tại Nam Tư cũ, cho dù trong số trường hợp di sản của “quyền huyết thống” xem chừng đáng ngờ.
Ixraen là một ví dụ đáng chú ý. Một mặt Ixraen tiếp nhận những người đến từ khắp nơi trên thế giới, mà những người này nhiều khi (nhất là đối với người Nga) là sản phẩm của sự hỗn chủng. Mặt khác, hôn nhân giữa người Do Thái và người không phải là Do Thái bị cấm đoán tại các cộng đồng Do Thái ở nước ngoài. Do vấn đề cải đạo không được đặt ra cho nên hôn nhân giữa người Do Thái với nhau tiếp tục là điều lý tưởng. Đôi khi, mối quan hệ dòng máu này được gắn cho một ý nghĩa thần học nguy hiểm: đó là một Liên minh thiêng liêng với một dân tộc cụ thể, cần phải giữ cho mình thuần khiết, dân tộc được làm người đối thoại của Chúa.
Thế còn các nước Arập?
- Trên lý thuyết, đạo Hồi là một tôn giáo toàn cầu, tiếp nhận mọi chủng tộc và mọi nền văn hóa. Nhưng trong thực tế, nó tôn trọng cái quyền huyết thống.
Có phải đạo Hồi, bởi nó không hạn chế việc cải đạo, là một tiến bộ so với luật lệ về dòng máu không?
- Chớ quên rằng thánh Paul, sống ở thời chưa có đạo Hồi, đã bãi bỏ yêu cầu phải cắt bao quy đầu rồi mới được thành người Thiên Chúa giáo. Điều đó không ngăn cản một số quan tòa tòa án dị giáo coi những người Do Thái cải tạo không phải là người Thiên Chúa giáo thực thụ.
Đối với người Hồi giáo, hôn nhân liên tôn giáo không đặt ra vấn đề mà là hôn nhân liên chủng tộc. Nhưng kết cục là như nhau: người ta vấp phải những điều cấm đoán, chúng cho thấy rằng phân tích đến cùng, người ta chỉ thực sự tin tưởng ở quyền huyết thống.
Vả lại, trên toàn thế giới, quyền huyết thống đang nổi lên trở lại mạnh mẽ. Dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp, với những lời biện bạch khác nhau: cho rằng hỗn chủng không có kết quả tốt đẹp, hoặc nó làm mất bản sắc... Trong một chừng mực nhất định, nhiều người mong đạt tới tính toàn cầu tự nhủ rằng rút cuộc nên thực hiện điều đó thông qua việc tập hợp các cộng đồng thì hơn.
Cách mạng Pháp đã mở ra cuộc tranh luận này, với sự đối lập giữa hai khái niệm về quốc gia. Một bên là quốc gia trừu tượng, sinh ra từ “khế ước tự do” giữa các cá nhân tự trị, có ý thức, có trách nhiệm, và mặt khác là quốc gia cụ thể, vật chất, sản phẩm của lịch sử và áp đặt cho các cá nhân, dù họ muốn hay không. Thực tế lịch sử có phức tạp hơn thế không?
- Về điểm này đã diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người cách mạng với nhau, đặc biệt về vấn đề giải phóng người Do thái, người Tin lành và người da đen.
Khi Stanislas de Clermont-Tonnerret1 nói: “Tất cả cho người Do thái với danh nghĩa cá nhân, không cho gì với danh nghĩa quốc gia”, ông đã có những người ủng hộ nhiệt tình không tin ở các cộng đồng. Nhưng cũng có những người phản đối ông, bác bỏ ý kiến của ông. Có người đến gặp ông và nói: “tôi không biết” người Do Thái cá nhân nào cả. Tôi chỉ biết có một cộng đồng.” Tiếp đó, người khách giải thích về sự tồn tại của những cá nhân tách khỏi các cơ cấu cộng đồng của họ. Về người Tin Lành, cách mạng dành cho họ quyền bình đằng. Cách mạng giải phóng họ và cho phép họ được giữ những chức vụ trước đây họ bị loại trừ. Nhưng họ vẫn tiếp tục tự định nghĩa mình theo cách đồng thời mang tính tôn giáo lẫn cá nhân. Vậy là ở vào thời kỳ mà Chúa bị tước mất chủ quyền, mà người ta tách rời trần tục với tâm linh, mà cá nhân bị lóa mắt và bị đè bẹp bởi tự do của mình, người Tin Lành tìm thấy ở nước Pháp một hình thức hội nhập đáng hài lòng: tóm lại, họ được lợi ở cả hai mặt.
1 Đại biểu tầng lớp quý tộc tại Quốc hội Pháp ở buổi đầu Cách mạng Pháp. - BBT.
Đối với người da đen thì phức tạp hơn. Chế độ nô lệ bị bãi bỏ, rồi lại được khôi phục. Các vấn đề kinh tế còn làm phức tạp mối quan hệ với cộng đồng da đen. Những người kế thừa Cách mạng đã sử sự rất xấu và cuối cùng ủng hộ chế độ nô lệ. Tất cả những điều đó được miêu tả một cách tuyệt vời trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Cuba Alejo Carpenter El siglo de las luces (Thế kỷ Ánh sáng).
Để kết luận, qua đó tồn tại một ý niệm trừu tượng về cá nhân. Tuyên bố về các quyền của con người và của công dân năm 1789 không mảy may nói đến các nhiệm vụ của cá nhân (vậy là không có mối liên hệ nào cũng như trách nhiệm nào với cộng đồng). Tự do chỉ có giới hạn là tự do của người láng giềng. Về sau, Edmund Burke ở Anh và Joseph de Maistre ở Pháp, hai nhân vật phản cách mạng, nhấn mạnh với đôi chút lý lẽ rằng những con người năm 89 trong một chừng mực nào đó nói chuyện phi lý, họ đã tạo ra một sinh vật quay lưng lại bản chất con người.
Cố nhiên, nhu cầu ý thức cộng đồng tồn tại trong mọi xã hội. Nó được thể hiện chẳng hạn, ngay từ thời Trung cổ, trong sức mạnh của tập tục tại Anh, hoặc trong di sản của nền quân chủ phong kiến tại Pháp. Đó là chưa nói đến những xã hội trong đó nguyên tắc gia trưởng mạnh đến nỗi cá nhân không chỉ là một thứ gì trừu tượng mà là một thứ phi lý, cộng đồng không ngừng đè nặng lên các thành viên của các xã hội này từ thủa nằm nôi cho đến khi xuống mồ, đặc biệt thông qua các nghi thức khai tâm, hôn nhân và tình dục. Cá nhân lấy được sự cân bằng của mình từ cộng đồng, và khi anh ta đơn độc anh ta cảm thấy được che chở bằng cách nghĩ đến cộng đồng.
Vậy thì có thể thực hiện được một sự cân bằng giữa tự do cá nhân và sự gắn bó với cộng đồng không? Một trong những nơi có thể tìm thấy sự cân bằng này là Nhà nước - quốc gia, xây dựng trong các thế kỷ 18 và 19 tại châu Âu nhằm đáp ứng chính nhu cầu này.
Điều đó không ngăn cản có những bất đồng lớn vê chính quan niệm về cộng đồng...
- Cũng như ở Pháp, có sự bất đồng lớn giữa Maurice Barrès1 và Charles Maurras2. Barrès là một thứ nhà thẩm mỹ học của quốc gia Pháp, đối với ông quốc gia trước hết có cùng chung những người tử trận, và cùng tưởng nhớ đến họ. Maurras có một ý tưởng mạnh mẽ hơn về quốc gia. Ông nói với Barrès: “những người tử trận của ông làm tôi quan tâm, nhưng không phải là việc khóc lóc họ làm nên một quốc gia. Thực tế là họ đã chết rồi. Đó là máu đã đổ”.
1 Nhà văn Pháp (1862-1923) và là một người theo chủ nghĩa quốc gia.- BBT.
2 Nhà văn Pháp (1868-1952) và là nhà quân chủ. - BBT.
De Gaulle cũng có một ý tưởng như vậy. Đối với ông, quốc gia trước hết là một ý niệm. Theo cách nhìn nhận ấy, tư tưởng của De Gaulle tiến bộ hơn nhiều so với tư tưởng của François Mitterrand hoặc của nhiều người đứng đầu nhà nước châu Phi hiện nay. Đối với De Gaulle, quốc gia Pháp là một ý niệm nào đó về nước Pháp và những thử thách cùng chia sẻ trong việc phục vụ ý niệm đó - nhưng hãy lưu ý! - Những thử thách chia sẻ với những người khác. Nước Pháp đã làm nên với những người nước ngoài.
Ý kiến về những thử thách cùng chia sẻ là điều chủ chốt ở đây. Muốn có quốc gia thì phải có một số kỷ niệm, đề án, thử thách cùng nhau. Cái phổ quát cần được đi cùng với cái mà Simon Weil3gọi là sự bắt rễ. Đã xa rồi cá nhân tự do của năm 1789, mỗi ngày lại tự hỏi: “mình có muốn làm người Pháp hay không?”
3 Nhà văn và nhà triết học Pháp (1909-1943).- BBT
Trong các xã hội phương Nam, giữa hai cuộc chiến tranh, khái niệm cá nhân, cho dù là trừu tượng, vẫn là một mũi dùi làm tan rã các cơ cấu tôn giáo và gia trưởng. Ở đây không bao giờ có sự nguy hiểm là đi quá xa trong trừu tượng. Ngược lại, chế độ chuyên chế gia trưởng đã ăn sâu đến nỗi đã phải cần đến tất cả sức mạnh của lý tưởng trừu tượng của năm 1789 mới lật đổ được nó...
- Quả vậy. Nhưng ở phương Tây, cá nhân hiện đại cuối cùng đã đi quá xa và cắt đứt mọi quan hệ với cái thiêng liêng. Những vấn đề của nó ở châu Âu không giống những vấn đề mà những người tri thức hiện đại chủ nghĩa bên kia bờ Địa Trung Hải trải nghiệm.
Về một số mặt, những mối quan tâm của những người trí thức ở phương Nam ngày nay gợi lại những mối quan tâm của giới trí thức châu Âu thế kỷ 19. Và cuộc khủng hoảng của tầng lớp trí thức châu Âu thế kỷ 19 đem lại cho phương Nam thế kỷ 20 một tiền vị về những gì chờ đợi...
- Điều này làm tôi nhớ đến một giai thoại rất hùng hồn. Vào lúc cuối đời, Tolstoi - người đã chiến đấu chống lại chế độ nông nô tại nước Nga và có công lớn trong việc bãi bỏ chế độ này - thường nói khi ông nhìn thấy cách cư xử có phần kênh kiệu và thô kệch của những kẻ nguyên là mugic: “Cuộc đấu tranh trong thời nông nô mới đẹp đẽ làm sao!”
Cũng như vậy, ở đâu có chiến tranh vì việc giải phóng cá nhân thì chính bản thân cuộc đấu tranh đó là một nguồn tự khẳng định. Về những cuộc cách mạng tại phương Nam trong nửa đầu thế kỷ 20, cá nhân bắt đầu tư khẳng định mình trong cuộc đấu tranh đó. Cá nhân tìm thấy sự tự khẳng định đích thực vào lúc anh ta gắn bó nhất, trung thành nhất với lời kêu gọi của cộng đồng trong lúc nguy hiểm. Ngay khi đấu tranh kết thúc thì tự do của cá nhân sẽ bị nghèo đi, nếu không phải là bị tịch thu thẳng thừng bởi một nền độc tài.
Ở đây có một hiện tượng chu kỳ. Sau thời kỳ huy hoàng của chủ nghĩa quốc gia đắc thắng, ý tưởng về tự do cá nhân - như được định nghĩa bởi chủ nghĩa nhân văn Pháp - được khẳng định lại với một sức mạnh mới. Quả rằng mặt trái của nó, sự phủ định theo giáo phải chính thống của nó, đã nhanh chân hơn chiếm lĩnh trận địa...
- Có lẽ sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn Pháp làm phức tạp thêm vấn đề hơn là làm cho nó đơn giản. Nó làm cho hầu như tất cả mọi người bị tinh thần phân lập. Con người trải qua điều đó ở hai mức - với sự phong phú về nội tâm nhiều hơn, nhưng cũng nhiều xung đột và vụng về hơn. Rút cuộc, họ trở nên mất cân đối đến nỗi họ mong muốn trở lại tình trạng cộng đồng cũ, bởi như thế đơn giản hơn, yên tâm hơn. Thay vì thấy có một sự phong phú đặc biệt trong hai mức này, như Senghor, họ lại thấy ở đó một sự phản bội: một sự phản bội so với huyền thoại trở lại cội nguồn, huyền thoại về tính đích thực, về một thời hoàng kim chưa bao giờ thực sự tồn tại, nhưng nỗi luyến tiếc khiến nó có thể chống lại tình trạng tinh thần phân liệt.
Năm hay sáu kẻ theo giáo phái chính thống mà tôi đã gặp trong đời là những kẻ nguyên là tinh thần phân liệt, đã muốn tự giải phóng mình khỏi sự bất lực không tìm ra được một sự tổng hợp giữa hai nền văn minh, hai lý tưởng giằng xé họ. Họ tự nhủ: “Ta chỉ theo có một và ta theo đến cùng để có một cảm nghĩ vững chắc về thực tại mà ta có thể dựa vào”. Ta có thể suy nghĩ về ảnh hưởng đồi bại này của sự lây nhiễm của chủ nghĩa nhân văn.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự đồi bại của các nhà nước ở đó cá nhân tồn tại, nhưng không có cái lưới che chở của quyền công dân
- Thiên hướng cá nhân ở phương Tây xưa kia quả là quyền công dân. Trong quy chế công dân, có nhiều phương thuốc cho người khuyết tật mà chúng ta nhấn mạnh, bởi vì công dân là một người có trách nhiệm. Pierre Mandès France1 cho rằng tự do trao cho nhiều nhiệm vụ hơn là quyền và sự gắn bó với quốc gia hằng ngày không ngừng đặt ra những yêu cầu đối với công dân. Trong các nhiệm vụ của người công dân tự do, cá nhân tìm thấy một sự cân bằng tương đương với cái cân bằng trong các xã hội cổ truyền mà sự lệ thuộc vào cộng đồng đem lại.
1 Chính khách Pháp (1907 - 1982).- BBT
Nhưng thời thế đã thay đổi, ngay cả tại phương Tây, trong mấy thập kỷ gần đây. Đặc biệt có hai thay đổi lớn: xã hội trù phú (làm cho cá nhân thành một người tiêu thụ) và phương tiện nghe - nhìn (làm cho cá nhân thành một người ngồi xem truyền hình). Lý tưởng kinh tế thị trường, biến cá nhân thành kẻ cạnh tranh khao khát tiêu thụ, mâu thuẫn với văn hóa nhân văn. Ngoài ra, là người ngồi xem truyền hình, anh ta ngày càng ít cần đến bầu cử, đến nghị viện: anh ta phản ứng ngày càng thụ động trước những hình ảnh nối tiếp nhau thay vì đưa ra những đánh giá chủ động trong thâm tâm. Sự kết hợp giữa người tiêu thụ và người ngồi xem truyền hình đang thủ tiêu người công dân. Nó không tước bỏ tự do của người công dân bằng cưỡng bức, mà bằng sức nặng của những nhu cầu mới mà nó tiêm cấy vào trong anh ta. Quốc gia có nguy cơ bị tan rã vì kinh tế thị trường và vì truyền hình.
Sự tan rã của quốc gia, dưới sức ép của một thị trường ngày càng toàn cầu hóa, liệu có thể dẫn đến những tập hợp siêu quốc gia không, cũng như những quốc gia - nhà nước thế kỷ 19 được hình thành từ những tiểu nhà nước? Vấn đề này không chỉ đặt ra đối với châu Âu và Bắc Mỹ mà đối với cả thế giới Arập và vùng châu Phi phía nam Sahara. Làm sao có thể sống sót theo một cách khác ở thế kỷ 21 được?
- Những điều ông miêu tả có thể xảy ra nhưng không phải là tất yếu. Tôi nhận thấy rằng những hiện tượng xã hội lớn sinh ra từ các phản ứng, chứ không phải từ các sáng kiến. Các hiện tượng xã hội tuân theo quy luật quả lắc. Khi quả lắc đung đưa quá xa về một bên thì nó cũng phải lắc xa đến như vậy về phía bên kia. Đây không phải là một nhận xét tầm thường vô vị như ta tưởng, vì nó có thể dẫn đến những lập trường đối chọi nhau rất kịch liệt.
Ví dụ: khái niệm quả lắc đó đã dẫn các nhà khoa học như Claude Lévi-Strauss đến chỗ nói đến một “ngưỡng khoan dung chủng tộc”, mà đó là một khái niệm hết sức nguy hiểm. Nếu như trong một không gian nhất định, ta có quá nhiều người nước ngoài, thì sẽ có phản ứng bác bỏ. Do Lévi-Strauss đã bỏ cả cuộc đời nghiên cứu các bộ lạc mà ông khâm phục đến mức muốn bảo vệ sự thuần khiết của họ (theo nghĩa nào đó, ông đứng về phía quyền huyết thống) do ông đã nhận thấy rằng hỗn chủng dẫn đến giao hòa văn hóa, cho nên ông đã đi đến chỗ tin rằng các nền văn hóa có quyền tự vệ đối với nhau. Cố nhiên, thỉnh thoảng vẫn cần có những đóng góp từ bên ngoài, nhưng phải có chừng mực. Rốt cuộc, Lévi-Strauss coi thế giới như một tập hợp các nền văn hóa có quyền tự vệ nhưng không được tìm cách áp đảo nhau.
Ông nghĩ như thế nào về luận thuyết nói rằng chúng ta sẽ quay trở lại thế kỷ 19 về mặt tình cảm quốc gia?
- Tôi không tin rằng chúng ta sẽ quay trở lại thế kỷ 19 như nhà tư tưởng Pháp Régis Debray nghĩ. Bởi vì ở thế kỷ 19 không có một hiện tượng nào như những hiện tượng: trao đổi quốc tế, nhân tố nhân khẩu, công nghệ, sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn hành tinh, sự xâm nhập lẫn nhau của các nền văn hóa, xóa bỏ khoảng cách, Babel hóa các ngôn ngữ - những hiện tượng mà ta có ngày nay và chúng khiến cho nhiều người cảm thấy họ đang mất bản sắc của họ.
Trở lại với ví dụ về nước Pháp, do không có tính công dân châu Âu cho nên tính công dân Pháp bị loãng đi, và sẽ có nhiều người hoặc là co mình lại với chủ nghĩa quốc gia, hoặc trở thành những cá nhân không xương sống. Ngoài ra, việc co mình lại vào trong tôn giáo và những biểu hiện của chủ nghĩa chính thống là những phản ứng dữ dội nhiều hay ít đối với ý niệm triệt để mới mẻ là tất cả chúng ta cùng sống trên một hành tinh duy nhất. Tất cả những điều đó rút cuộc sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu? Chiều hướng tiến tới toàn cầu hóa là không thể đảo ngược cho nên tôi nghĩ rằng có thể các quốc gia sẽ biến mất do tác động phối hợp của cảm nghĩ mất bản sắc, của sự tiêu thụ, của truyền hình và của tình trạng vắng bóng chiến tranh.
Hãy nghĩ đến những luận thuyết về bản sắc của nước Pháp mà nhà sử học Fernand Braudel đã để xuất. Đại thể, Braudel nói rằng nước Pháp là một thứ phép mầu, một sản phẩm của ngẫu nhiên, và ông kể ra tất cả những lý do vì sao Pháp lẽ ra đã không nên trở thành một quốc gia. Không có chút nào tính bổ sung lẫn nhau giữa các mảnh rời rạc của nước Pháp. Không cần thiết Pháp phải trở thành nước Pháp.
Cũng như ngày nay không cần thiết là châu Âu, hay thế giới Arập phải hợp thành một tập hợp liên bang. Hàng triệu người Pháp và người Đức đã phải bỏ mạng để rồi mới quyết định là phải ưu tiên cho các lợi thế kinh tế và bắt đầu công việc xây dựng châu Âu. Trước hết là thấy cần phải chấm dứt việc tiêu diệt lẫn nhau, rồi sau là khám phá ra sự bổ sung cho nhau về kinh tế. Những tập hợp siêu quốc gia có thể hình thành hay không hình thành - điều đó sẽ tùy thuộc ở ý muốn của con người chứ không tùy thuộc ở một sự tất yếu nào đó.
Người đưa tin UNESCO, tháng 12-1995