(Nga)
Ý thức biết xấu hổ
Một nhà trung cổ học xô-viết hàng đầu rung chuông báo động trước sự tấn công của một thứ văn hóa khoái lạc chủ nghĩa trong các xã hội kỹ trị hiện đại.
Ông vừa là nhà khoa học vừa là nhà văn hóa. Ông nhận định tình hình văn hóa hiện nay như thế nào? Ông thấy những xu thế gì, đáng phấn khởi hay đáng lo ngại?
Nhân tố đáng phấn khởi nhất là sự sụp đổ hoàn toàn của cơn thác loạn tư tưởng hệ. Tất nhiên nó có thể quay trở lại - lạy Chúa tránh cho ta điều này! - Nhưng chỉ như một thứ lừa phỉnh nham hiểm. Nó sẽ không bao giờ dụ được tâm trí nhân loại nữa. Không bao giờ nữa. Máu của những người vô tội đã rửa các bàn thờ của những kiểu sùng bái vô nhân đạo ấy. Những sai lầm của quá khứ, kết quả của những nhà tư tưởng đáng giá hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã bị truất ngôi cùng với những hệ tư tưởng cực quyền. Cần phải tìm gốc rễ của cái xấu ở thời xa xưa trong lịch sử tư tưởng.
Tuy nhiên vẫn còn lý do để lo âu. Ta hãy lấy hai tác phẩm đương đại chống không tưởng xem như biển báo “Ngõ cụt”: Năm 1984 của George Orwell và Brave New World (Thế giới mới tốt đẹp) của Aldous Huxley. Xem chừng chúng ta sẽ thoát khỏi những điều khủng khiếp mà Orwell mô tả, nhưng nguy hiểm thay, chúng ta đang tiến gần đến những tiên đoán của Huxley1. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể thấy những dấu báo hiệu của cái thế giới mới tốt đẹp nọ: một thứ chủ nghĩa khoái lạc rất phàm tục mà ở nước chúng tôi chỉ có thể thực hiện được phần nào do thiếu thốn hàng tiêu dùng, nhưng chính thế lại càng dữ dội vì chưa thỏa. Thứ đến, sự biến mất tăm của nền văn hóa với đặc trưng là ý thức liêm sỉ hoặc biết xấu hổ, và cuối cùng, một thứ hầu lốn phi lý trộn nháo nhào các giá trị tư bản chủ nghĩa và mác - xít, không phải là dung hợp, càng chẳng giống gì với một ý muốn tổng hòa và nhập cục cả “Ford”, “Freud” lẫn “Marx” vào trên cùng một cấp độ trong một thế giới không Thượng đế.
1 Năm 1984, tiểu thuyết của nhà văn Anh George Orwell (1903-1950) xuất bản năm 1949, mô tả một thế giới cực quyền trong đó mọi người chịu sự định đoạt của một hệ thống quan liêu thường xuyên dựng hồ sơ bí mật về họ. Trong Brave New World (Thế giới mới tốt đẹp) (1932), Aldous Huxley vẽ lên một tương lai trong đó mọi người bị quy định về tâm lý theo những nhu cầu vạch sẵn của một nền văn minh kỹ học do một số cá nhân điều hành (Chú thích của Ban biên tập).
Dục năng (libido) đang xâm chiếm đời sống. Không phải một dục năng nhục thể. Cứ như là máy móc đã trở nên đầy thèm khát hoặc bản chất con người đã trở nên giống máy mọc vậy.
Ngày nay, thật rất khó nói đến một ý thức biết xấu hổ, nhất là ở nước chúng tôi, nơi người ta sổ toẹt cả một quy phạm phẩm hạnh được áp đặt một cách cưỡng bức đối với họ, cứ như thể họ suốt đời là trẻ con vậy. Đã đành quy phạm ứng xử đó chỉ là biếm họa của một văn hóa liêm sỉ đích thực. Ứng xử tốt không thể thay thế sự cao thượng tâm hồn. Thậm chí có thể nói con đường từ ứng xử tốt đến sự cao thượng tâm hồn là một con đường đầy khó khăn. Mặt khác, còn đường dẫn tới những lệch lạc như thói đạo đức giả đại chúng, than ôi, lại rất dễ. Làm sao người ta lại không xót xa với cái thực tế là những nhóm nhạc rock - trường hợp đỡ nhất - và những sex-shop (cửa hàng chuyên bán ấn phẩm và vật phẩm khiêu dâm) - trường hợp tệ nhất - đã trở thành vật kèm theo tất yếu và thậm chí, theo một nghĩa nào đó, biểu trưng của dân chủ, tự do?
Ta không nên quên rằng ở châu Âu có một truyền thống ý thức công dân, tuy có thể chưa hoàn hảo, do những người Thanh giáo tạo nên. Giờ đây, cái truyền thuyết khởi đầu lý tưởng tự do của phương Tây, theo đó người La Mã nổi lên đánh đổ vua là để bảo vệ danh dự cho một phụ nữ đức hạnh, đã trở thành một trò cười. Thật đáng buồn không những cho đức hạnh, mà trước hết, cho tự do.
Sự thả lỏng đến tột cùng hiện nay khác xa tội lỗi ngày xưa phạm phải trong đam mê, cũng như ung thư khác xa u lành.
Những người bảo vệ tự nhiên - ơn Chúa, họ đang rất tích cực hoạt động - nên nhớ rằng bản chất tự nhiên của con người cũng bị đe dọa, rằng sự hủy hoại tính hổ thẹn một cách có hệ thống như vậy không chỉ hạn chế trong phạm vi đạo đức tình dục, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả không lường.
Văn hóa liêm sỉ thuộc về lịch sử. Những biểu hiện của nó được ghi trong tính tương đối của lịch sử, thành ý thức hổ thẹn của người vô đạo thời Thượng cổ chẳng hạn, nhìn theo quan điểm Cơ độc giáo hay Hồi giáo, lại là trơ tráo. Nhưng trong lịch sử, chưa bao giờ loài người có thể không cần đến nguyên tắc liêm sỉ. Những người nghiên cứu vấn đề hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa nên để tâm đến cái thực tế là đối với Islam (đạo Hồi) chẳng hạn, cái thứ văn hóa hạ cấp phổ quát của các sex-shop là một xúc phạm chết người. Tôi nói đến Islam vì hiện nay hình như chẳng ai nghĩ đến đạo Cơ đốc nữa. Mặc dầu, tất nhiên, khi một sex-shop mở bên cạnh ngôi nhà thờ Trung cổ York Minster, thì không thể không thấy đó là một sự vi phạm quyền của các tín đồ.
Đối với tôi, nói chuyện này thật chẳng vấn đề gì, vì ở nước chúng tôi, quyền của các tín đồ thậm chí còn bị chà đạp thô bạo hơn và hiện nay vẫn thế như tôi được biết qua kinh nghiệm của tôi với tư cách là dân biểu. Nhưng hãy lấy hai thí dụ này, một mang màu sắc Orwell, một theo kiểu Huxley: thí dụ thứ nhất - một nhà thờ cổ nát tan hoang và thí dụ thứ hai - một nhà thờ bên cạnh một sex-shop. Tôi không thể nói đằng nào tệ hơn.
Sự phát triển của nhân loại cũng tương tự như sự phát triển của cá nhân. Con đường của nhân loại được đánh dấu bằng những thành quả văn hóa đặc sắc, nhưng cũng không tránh khỏi những tổn thất. Trong những tổn thất ấy, theo ông, những gì là đáng tiếc nhất và những gì là bình thường và chính đáng nhất?
- Mất mát bao giờ cũng đáng tiếc. Tôi không thể coi tổn thất nào là “chính đáng”. Nhân loại có thể tồn tại mà không cần có một quy phạm này, nọ về danh dự, song không thể thiếu chính bản thân khái niệm danh dự. Tôi rất buồn là những ngôn ngữ cổ điển Hy Lạp và La Tinh biến mất khỏi đời sống châu Âu. Càng ngày càng ít người có thể đọc được Aristote trong nguyên bản, song đó không phải là toàn bộ vấn đề. Vấn đề quan trọng hơn nhiều là tư tưởng Aristote liệu rồi có tiếp tục lưu tồn hay không.
Các nền văn hóa ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng giữa việc một nền văn hóa làm màu mỡ thêm một nền văn hóa khác và tiêu diệt nó, liệu có một ranh giới không? Phải chăng mọi tác động của một nền văn hóa này đối với một nền văn hóa khác đều là một hình thức xâm lược? Dù sao đi nữa, liệu có cái gì khả dĩ được gọi là một nền văn hóa “thuần nhất”?
- Sự tác động của một nền văn hóa đối với một nền văn hóa khác, tự bản thân nó, chẳng có gì mang tính xâm lược cả. Một nền văn hóa “thuần nhất” ắt cũng phi lý như một chuỗi những cuộc hôn lễ loạn luân trong cùng một gia đình, tất yếu dẫn đến thoái chùng. Một trong những thước đo độc đáo của một nền văn hóa là khả năng hấp thu một cách sáng tạo những ảnh hưởng bên ngoài. Hầu hết các câu trong Enéide đều mang âm hưởng Hy Lạp, song điều đó không ngăn Virgile thể hiện được cái tính chất của La Mã.
Thường thường, chính những nhân tố không phải đích thực văn hóa đã phá hoại dữ nhất các truyền thống khác: hậu quả của sự tiêu thụ xả láng, ảnh hưởng thái quá của các “mẫu quốc” thực dân hay đế quốc ở xa. Như thể khi vua Antiochus IV Epiphanes ra lệnh cho một dân tộc nhỏ bé phải quên rằng họ là dân của Kinh thánh.
Tự do của nhân loại là tự do văn hóa. Làn sóng đang đưa thế giới tiến tới dân chủ, đa nguyên và những quan hệ quốc tế thoát khỏi mọi hệ tư tưởng có thể mang lại những gì cho văn hóa thế giới?
- Chí ít là cơ may tồn tại. Chúa biết rằng dân chủ có thể kèm theo man rợ, nhưng nó cũng có thể là đồng nghĩa với văn hóa. Cách nào đó, nó có đường lựa chọn. Nhưng chế độ cực quyền không bao giờ có thể đồng nghĩa với văn hóa, cho dù nó tìm cách liên kết với những lực lượng văn hóa mạnh đến đâu chăng nữa. Lôgích của cực quyền cấm văn hóa không được là văn hóa. Cái lôgích này có sức nặng vô cùng lớn hơn những nguồn gốc bình dân của người học sinh trường dòng Djougachvili hay viên hạ sĩ Schikelgruber1. “Tự do tư tưởng” là một cách nói thừa lời, vì tư tưởng chỉ tồn tại trong chừng mực nó được tự do.
1 Joseph Stalin và Adolf Hitler (Chú thích của Ban biên tập).
Tư tưởng có thể phát triển trên cơ sở đức tin, nhưng không có chỗ trong hệ tư tưởng. Giữa đức tin và tư tưởng có thể phân nhiệm minh bạch. Cái nọ không thể thay thế cái kia, vì đức tin, theo định nghĩa, liên quan đến những gì siêu nhiệm đối với tư duy. Hệ tư tưởng, cũng theo định nghĩa, can thiệp vào những gì đáng lý phải thuộc về lĩnh vực tư tưởng, vì khác với đức tin, nó không phải đối tượng cụ thể của riêng mình, nó là loài ký sinh. Đức tin mà muốn thế chỗ tư tưởng thì là một sai lầm không xứng đáng, nhưng hệ tư tưởng thì không thể làm gì khác được: nó không có đường lựa chọn.
Ông thấy tương lai của tôn giáo như thế nào? Vị trí của nó trong thế giới ngày nay và mai sau? Các khái niệm tôn giáo và tự do khớp nối với nhau như thế nào?
- Tôi tuyệt đối tin rằng những truyền thống tôn giáo bền vững hơn tất cả; khả năng tồn tại của chúng trong những hoàn cảnh cực đoan là phi thường. Mọi cái mới đều mau chóng trở nên lỗi thời, duy những truyền thống ấy vẫn đang dai dẳng. Sau những thử thách ghê gớm nhất, chúng lại hồi sinh. Điều đó đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử mà hiện tại là một.
Nguy cơ lớn nhất đối với các tôn giáo không phải là “cái chết” mà người ta đã đe chúng, mà là sự suy thoái. Homo technicus neo-barbarus (con người kỹ thuật tân - man rợ), hiện là giống người thống trị, chú tâm vào công nghệ hơn văn hóa, nó sớm biến tôn giáo thành “giả tâm lý học”, hay đúng hơn, giả chính trị. Tóm lại, thành một thứ hệ tư tưởng. Chính tai tôi đã từng nghe một linh mục Ý dẫn lời cha Teilhard de Chardin mà tôi rất quý trọng với cái ngữ điệu quen thuộc với đôi tai Nga của tôi, cái ngữ điệu mà ở nước chúng tôi, người ta dùng để dẫn những “kinh điển của của chủ nghĩa Mác” hàng bao thập kỷ nay. Đối với tôi, một hệ tư tưởng tôn giáo cũng không thể quan niệm được như một hệ tư tưởng khoa học, cũng vì lý do ấy: tính không khoan dung của hệ tư tưởng phủ nhận chính sự cần thiết phải có tâm linh sáng suốt và tiếp thụ thấu đáo những dữ kiện khách quan, hai điều thiết yếu cho xung động tôn giáo cũng như phân tích khoa học.
Có một thời các tôn giáo đã là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Hiện nay, liệu còn có thể như vậy được không?
- Biết nói sao đây? Thế kỷ chúng ta đã mang lại những tác phẩm lớn phát sinh từ nguồn cảm hứng thuần túy Cơ đốc, như hội họa Georges Rouault, tượng thánh của cha Grégoire Krong, một tu sĩ khổ hạnh người Nga-Extôni làm việc ở Pháp, âm nhạc của Olivier Messiaen, thơ của Peguy, Claudel, tác phẩm cuối cùng của Vyacheslav Ivanov, tiểu thuyết của Bernanos. Đó không phải là nhỏ. Không có cái nền tôn giáo thì khó có thể có những tác phẩm như của Heinrich Boll, Graham Greene, Akhmatova, Pasternak và Solzhenitsyn, hoặc của một trong những đồng bào ưu tú hiện nay của chúng tôi, Alfred Schnittke. Tôi có thể kể thêm nhiều nữa. Để khỏi bị kết tội là thiên về Cơ đốc, tôi xin nêu những tên tuổi Do Thái như Bialik, Nelly Sachs, Samuel Agnon. Và chỉ do không biết mà tôi không kể ra chứng ấy tên nhân vật Hồi giáo. Ngoài ra, tôi không hoàn toàn tin rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy lại cái thời kỳ mà ở từng nước, toàn dân nô nức chung một nhiệt tình tập thể, một lòng xây dựng các nhà thờ lớn. Tôi không chờ đợi một “thời Trung cổ mới”. Sẽ chẳng có gì lặp lại. Thượng đế không lặp lại cái gì hết. Người “bao giờ cũng tạo ra cái mới”.
Người đưa tin UNESCO, tháng 7-1990