(Na Uy)
Hai mối hiểm nguy lớn đang rình rập chúng ta: chạy đua vũ trang hạt nhân và nguy cơ ô nhiễm. Đó là hai quả bom: quả bom hạt nhân và quả bom sinh thái.
Tên tuổi Bà Gro Harlem Brundtland gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Nguyên thủ tướng Na Uy, bà đã quan tâm đến sinh thái khi trở thành Chủ tịch Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc. Bản báo cáo Tương lai chung của chúng ta của Ủy ban năm 1987 đã có một tiếng vang lớn. Dưới đây, bà Brundtland đề cập một cách thẳng thắn cách tiếp cận của bà về các vấn đề môi trường hiện nay.
Tên tuổi bà được gắn liền với khái niệm phát triển lâu bền. Bà định nghĩa khái niệm ấy thế nào?
- Khái niệm ấy là cơ sở của toàn bộ sự phân tích trong báo cáo Tương lai chung của chúng ta, bản báo cáo do Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển, một cơ quan độc lập do tôi làm chủ tịch, soạn thảo cho Liên Hợp Quốc.
Chúng tôi định nghĩa phát triển lâu bền là “một sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm nguy hiểm đến khả năng của các thế hệ mai sau đáp ứng các nhu cầu của họ”. Sau đó, chúng tôi đặt câu hỏi những nhu cầu của hiện tại chính xác là gì và chúng tôi đã đưa ra những câu trả lời của chúng tôi trong các chương của báo cáo. Chúng tôi đã phân tích một cách tổng thể, xem xét mọi khía cạnh của đời sống con người và không bao giờ quên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong thế giới ngày nay.
Vấn đề thật sự được đặt ra, đó là các quyền của con người - không chỉ con người hôm nay mà cả con cháu họ nữa. Và vì con cháu chúng ta chưa có khả năng nắm lấy vận mệnh của chúng nên nhiệm vụ của chúng ta là làm thay chúng. Trước kia, mỗi thế hệ đều có thể để lại cho thế hệ kế tiếp nhiệm vụ chăm sóc tương lai của họ, và khi thời gian đến, thế hệ này có khả năng đảm nhiệm lấy một mình, tìm ra những giải pháp riêng của mình, khai thác những tài nguyên mới, với những công nghệ và kỹ thuật mới. Và như vậy, cuộc sống có thể tiếp tục và loài người tiến lên. Nhưng ngày nay, sự bùng nổ dân số kéo theo sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm nặng nề đến nỗi khí quyển của trái đất bị ảnh hưởng, nguy hại đến tương lai của tất cả chúng ta. Giờ đây, chúng ta phải có những quyết định vì những điều kiện sinh sống của con cháu chúng ta trong suốt thế kỷ 21. Về mặt này, có hai mối hiểm nguy lớn đang rình rập chúng ta: chạy đua vũ trang hạt nhân và nguy cơ ô nhiễm. Tức là hai quả bom: quả bom hạt nhân và quả bom sinh thái.
Chúng ta có thể làm gì chống lại hai mối hiểm nguy ấy?
- Nhà nước - quốc gia không phải là một thể chế thích hợp để có những quyết định chính trị hữu trách về vấn đề này. Chúng ta cần có một cơ cấu quốc tế cho phép hành động phù hợp với lợi ích của chúng ta và của con cháu chúng ta. Nhà nước - quốc gia không còn đóng vai trò chính trong các vấn đề thế giới nữa. Cách nhìn nhận sự việc của tôi là như vậy. Đã có thời con người sống thành bộ lạc và giao chiến với nhau. Nhưng sau cùng họ đã nhận thấy họ cần có một chế độ gánh vác trách nhiệm chung của cộng đồng và có những quyết định chính trị bên trong những đường biên giới quốc gia. Cái mới ngày nay là đến lượt nhà nước - quốc gia không làm chủ được tình thế nữa. Nó phải từ bỏ một phần đặc quyền truyền thống của nó. Điều đó không có nghĩa chúng ta, những con người thuộc những quốc gia khác nhau, không còn khả năng ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta nữa. Mà chúng ta phải hợp lực lại với nhau để giải quyết một cách có trách nhiệm những vấn đề toàn cầu - những vấn đề không phải một nước nào có thể một mình đương đầu nổi.
Việc ấy có thể thực hiện bằng cách nào? Các hiệp ước quốc tế đã ký kết về môi trường là những bước đi theo hướng đó. Một trong những viên đá đầu tiên để xây dựng nên hệ thống pháp lý quốc tế là hiệp ước về việc sử dụng clorofluorocarbon (CFC), những hóa chất tổng hợp phá hủy tầng ôzôn của khí quyển trái đất. Nhiều nước đã ký kết Nghị định thư Montréal nhằm giảm bớt rồi đi đến xóa bỏ việc sử dụng những hóa chất đó.
Nhưng khí quyển không chỉ bị đe dọa bởi các chất CFC mà còn bởi các nguyên liệu hóa thạch và việc sử dụng dồn dập những nguồn năng lượng không thể tái tạo. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại cần ngày càng nhiều năng lượng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của mình. Điều đó có nghĩa là các nước đã công nghiệp hóa phải tỏ ra tiết kiệm năng lượng hơn. Cần phải thương lượng những hiệp định về giảm dần sự tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp chế tạo và khu vực dịch vụ. Đó là điều có thể làm được bằng cách sử dụng những công nghệ mới và những kỹ thuật tiết kiệm năng lượng.
Nhiều nước có thể giảm đi một nửa mức tiêu thụ năng lượng của mình mà không phải giảm chậm nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của chúng ta là một sự tăng trưởng kinh tế sử dụng ít năng lượng và tài nguyên thiên nhiên hơn. Đó là một mục tiêu mà chúng ta chỉ đạt được bằng thỏa thuận. Dư luận cần được thông tin khá đầy đủ để gây sức ép với các nhà lãnh đạo và đưa họ đến chỗ thỏa thuận với nhau về điểm này
Ủy ban Brandt đã nghĩ đến điều đó rồi trong bối cảnh một sự mất cân bằng kinh tế Bắc - Nam mới. Những đề nghị của ủy ban này đã không dẫn đến những kết quả cụ thể quan trọng. Bà có cho rằng từ đó đến nay thế giới đã chín chắn thêm không?
- Có. Tôi cho là như vậy. Phải là kẻ vô ý thức mới có thể nghĩ rằng ta có thể cứ tiếp tục gây ô nhiễm cho không khí mà chúng ta đang hít thở. Ta không thể quay lưng lại vấn đề ô nhiễm rồi hy vọng nó sẽ tự biến đi. Những nhà công nghiệp lạc quan xưa kia không chịu tin ở những hiểm nguy tiềm tàng của việc sử dụng năng lượng hạt nhân, nay không còn thuyết phục nổi bất kỳ ai rằng ta có thể cứ tiếp tục lãng phí thêm nữa năng lượng và làm ô nhiễm môi trường.
Giả thử những nhà công nghiệp có trách nhiệm thừa nhận cần phải coi trọng tương lai của loài người, nhưng liệu rồi họ có viện ra ngay lý lẽ “công việc của tôi là kiếm lời” không?
- Hẳn là có. Bởi vậy, chính quyền chứ không phải các nhà công nghiệp là người phải tiến hành những biện pháp cần thiết. Kinh tế cần được sự định hướng của chính trị. Và chính phủ các nước rất nhạy cảm với dư luận. Họ sẽ đứng về phía những lập luận về tương lai của loài người nếu những lập luận ấy có đôi chút sức thuyết phục. Theo nghĩa nào đó, chúng ta thực sự không còn cách lựa chọn nào cả: vấn đề là ở chỗ chúng ta hành động nhanh đến đâu và mạnh đến đâu. Tôi không gặp một nhà lãnh đạo nào mà còn tin rằng ta có thể cứ tiếp tục như không hề có gì xảy ra.
Tháng 3/1989, 24 nguyên thủ quốc gia đã tham gia một Hội nghị về khí quyển Trái đất họp tại La Haye. Những người tham dự đã ký một tuyên bố thừa nhận rằng họ chịu trách nhiệm chung về chất lượng không khí mà chúng ta sẽ hít thở trong tương lai. Tuyên bố ghi rằng những thay đổi trong chính sách cần được tiến hành thông qua hợp tác quốc tế và những cam kết có giá trị bắt buộc, rằng các nước giàu phải có trách nhiệm tài trợ các nước nghèo chọn lựa những công nghệ mới, sạch hơn, giúp họ tránh được những giai đoạn ô nhiễm trong quá trình phát triển của họ. Các nước giàu, đã làm ô nhiễm thế giới từ năm mươi năm nay, phải đem lại cho các nước thế giới thứ ba những phương tiện vật chất và kỹ thuật để những nước này tránh gây ô nhiễm, đồng thời vẫn bảo đảm được sự phát triển kinh tế và xã hội của mình.
Đó là một trách nhiệm chung. Các nước cần ký kết những hiệp định trong đó có khoản bồi thường về tài chính. Về vấn đề môi trường, tôi tin rằng sức ép của dư luận tại các nước giàu ngày nay mạnh hơn nhiều và hiệu quả chính trị hơn nhiều những bài diễn văn đạo đức nói về tình cảnh nghèo nàn của thế giới thứ ba và nghĩa vụ phải cứu vớt họ. Cá nhân tôi có tin tưởng ở những lời lẽ ấy nhưng chúng đã không thuyết phục được các nước giàu phải tuân theo cái trên thực tế là nhiệm vụ của họ. Ngược lại, trong những năm 1980, hầu như tất cả các nước ấy đều hạ thấp tỷ lệ tổng sản phẩm quốc dân của họ dành cho viện trợ phát triển. Nhưng nếu ta bảo họ: này, ngay cả những nước giàu cũng không thoát khỏi những thay đổi trong khí quyển đâu nhé. Nếu các ngài muốn cứu vãn cuộc sống của các ngài và tương lai của con cháu các ngài thì các ngài phải cố gắng lên. Nếu không, các nước trong thế giới thứ ba sẽ tiếp tục tiêu thụ ngày một nhiều năng lượng hơn và gây ô nhiễm ngày càng nhiều hơn. Không có cách nào khác là phải chấp nhận thương lượng và tìm ra những công thức thỏa thuận với nhau.
Hội nghị La Haye đã thành công đến đâu về mặt này?
- Tại La Haye, chúng tôi đã nói rằng thể chế được trao nhiệm vụ bảo vệ khí quyển phải có những quyền hành rộng rãi và các vấn đề phải được quyết định theo đa số rộng rãi. Chờ đến khi đạt được sự nhất trí đôi khi quá lâu.
Liệu có thể hình dung một tình thế trong đó có một cấp bộ quốc tế có thể áp đặt ý kiến của mình lên một cường quốc không?
- Tôi nghĩ là có thể lắm. Nếu như một nước không chịu tuân theo quyết định của đại đa số các nước về vấn đề liên quan đến sức khỏe của các dân tộc, hoặc liên quan đến các giá trị cơ bản của con người, tôi thấy rõ là có những biện pháp hữu hiệu để theo đó cộng đồng quốc tế có thể ảnh hưởng đến nước ấy. Nếu như trên toàn thế giới, mọi người quyết tâm vững vàng làm một cái gì đó, thì dù anh mạnh đến đâu anh cũng không lẩn tránh được.
Ở những nước khác nhau có những luật lệ khác nhau, và điều mà nước này coi là nguy hiểm thì nước khác lại có thể coi là không.
- Đúng vậy. Do đó cần có một cấp thẩm quyền chung để quyết định. Hãy lấy ví dụ các chất thải nhiễm độc. Cần có một người nào đó có thể ủng hộ quan điểm chung của khoa học về nguy cơ nhiễm độc rộng lớn. Mỗi nước xác định lập trường riêng của mình là không đủ.
Nhưng ngay cả vấn đề then chốt như tầng ôzôn, ta thấy những bài báo trái ngược nhau và bài báo nào cũng là những ý kiến có thẩm quyền. Một số người nói rằng tình hình rất nghiêm trọng, những người khác lại cho rằng chẳng có gì nguy hiểm. Ngay các nhà khoa học cũng không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau.
- Đúng thế. Bởi vì Cộng đồng khoa học quốc tế rất đa dạng. Nhưng nếu ta tập hợp được những trung tâm nghiên cứu giỏi nhất và những nhà khoa học giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới và yêu cầu họ đánh giá tình hình thì có thể xác định được điều nói chung được chấp nhận ở cấp cao nhất. Tôi đã gặp vấn đề này tại Nauy trong những năm 1970 khi một giáo sư chỉ trích chính phủ lúc bấy giờ đang tìm cách chống lại những trận mưa axít và tìm kiếm một sự thỏa thuận về vấn đề ô nhiễm sunfua điôxít. Mưa axít nói chung được bị coi là nguy hiểm và người ta cho rằng hiện tượng cá hồi bị chết ở các hồ Na Uy chỉ là những dấu hiệu đầu tiên của một điều tai hại sẽ rất nhanh chóng lan tới các khu rừng. Tôi tin rằng cách nhìn nhận đó là đúng. Nghiên cứu rất kỹ các báo cáo khoa học khiến tôi tin rằng hành động chính trị của tôi là đúng hướng. Nhưng vị giáo sư nọ trình bày quan điểm trái ngược của ông ta rất rõ ràng và rộng rãi trên báo chí cho nên tôi đã phải vất vả và mất nhiều thời gian chiến đấu cùng một lúc chống lại ông ta và chống lại nạn ô nhiễm! Mười năm sau, sự chỉ trích của ông ta lắng đi vì thực tế khi đó đã quá rõ ràng.
Bà có cho rằng hệ thống Liên Hợp Quốc có khả năng thi hành những thay đổi cần thiết hay không?
- Tôi tin rằng chúng ta đã xây dựng một hệ thống Liên Hợp Quốc dựa trên loại nguyên lý mà tôi tin tưởng mà ảnh hưởng ngày càng tăng lên theo thời gian. Trong những năm 1990 này, tôi tin rằng sự hợp tác toàn cầu là bắt buộc. Tổ chức Liên Hợp Quốc đã làm việc tốt đẹp nhưng chưa tương xứng với hy vọng của những người sáng lập ra nó năm 1945. Tôi không nghĩ rằng phải cố xây dựng những thể chế hoàn toàn mới. Chỉ cần xem xét lại những thể chế sẵn có, kết hợp chúng lại với nhau tốt hơn, trao cho đại gia đình Liên Hợp Quốc nhiều phương tiện và quyền hành hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng hệ thống Liên Hợp Quốc hiện nay bị xé lẻ ra quá nhỏ. Cách nhìn nhận của nó không đủ chặt chẽ, nhất quán, hành động của nó bị xé lẻ ra quá nhiều vào các khu vực khác.
Với những đảo lộn trên thế giới hiện nay, bà có cho rằng có thể chặn đứng cuộc chạy đua công nghiệp hóa điên cuồng được không? Lấy ví dụ các nước Đông Âu chẳng hạn, họ không hài lòng với mức độ phát triển kinh tế của mình và muốn công nghiệp hóa nhiều hơn nữa.
- Hoàn toàn có thể đặt nền móng cho một sự phát triển lâu bền ở Đông Âu bằng cách đầu tư vào đúng loại phát triển công nghiệp cần thiết. Tại sao không đầu tư vào việc làm sạch ô nhiễm và thúc đẩy gia tăng kinh tế bằng cách tạo ra những ngành công nghiệp mới? Đó là điều mà Tây Âu phải làm - hướng các khoản đầu tư vào những khu vực cần thiết đến chúng nhất. Kinh tế của toàn châu Âu nhờ vậy mà cùng có lợi.
Có nên lo ngại là Tây Âu, Mỹ và Nhật tập trung sự chú ý vào Đông Âu mà quên mất châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh không?
- Tôi thông cảm với nỗi lo ngại ấy và đó là điều mà người ta cảm thấy tại nhiều nơi trong thế giới đang phát triển. Trước hết, tôi cho rằng Tây Âu, Mỹ và Nhật nhất thiết phải tăng cường đầu tư vào thế giới đang phát triển. Chúng ra có những phương tiện để làm việc đó. Viện trợ Mỹ tại châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai cao hơn nhiều mức viện trợ cho các nước đang phát triển hiện nay. Có gì ngăn cản, trong những năm 1990 này, các nước giàu tăng gấp đôi hoặc gấp ba tỷ lệ nhỏ bé trong tổng sản phẩm quốc dân mà họ dành cho viện trợ phát triển? Tôi cho rằng lý lẽ môi trường là lý lẽ hùng mạnh nhất cho chúng ta. Và cố nhiên ta không được bỏ phí một phút nào. Đầu tư vào tương lai, chúng ta sẽ đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ở Đông Âu và thế giới thứ ba, người ta vẫn còn cho rằng “phương Tây đã có cơ hội công nghiệp hóa mà không phải quan tâm gì nhiều đến nạn ô nhiễm, vậy tại sao ta không làm như vậy? Ta hãy làm như họ xem sao”. Lập luận đó là xấu xa đối với tất cả mọi người. Nỗi ám ảnh ấy về công nghiệp hóa liệu có thể chuyển sang các ngành công nghệ mới, hoặc thậm chí các hình thức phát triển mới không?
- Đúng. Công nghệ thông tin, thông tin và các công nghệ khác nay đã cho phép có một sự phi tập trung hóa rất cao. Ta có thể xây dựng những xí nghiệp nhỏ bé hơn, ít gây ô nhiễm hơn, trong những lĩnh vực chế tạo và dịch vụ, không gây ra những tác động tiêu cực như các ngành công nghiệp nặng kiểu cũ. Vậy là bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ mới, ta có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế và xã hội với những hiệu ứng phụ bớt tiêu cực.
Nhưng cần phải có một cố gắng lớn của dư luận thế giới. Bà có cho rằng diễn biến này sẽ được thuận lợi hơn nhờ một cuộc giải trừ quân bị giải phóng các nguồn nhân lực và tài lực không? Trong giới lãnh đạo người ta có thực sự nghĩ đến điều này không?
- Tôi cho rằng có. Người ta đã nói đến nó ở gần khắp Tây Âu cũng như ở Mỹ. Các nước này đã ký kết những hiệp định nhằm giảm bớt ô nhiễm trong thập kỷ tới, một công cuộc hết sức tốn kém. Và cách duy nhất để trang trải những chi phí ấy là giảm bớt chi tiêu quân sự. Vì lẽ đó, những năm 1990 phải là thời kỳ đem lại những cơ hội lớn.
Theo bà, văn hóa có thể đóng vai trò gì trong quá trình này?
- Thật lý thú khi thấy rằng những từ thông dụng đã thay đổi. Trước kia, người ta chỉ nói đến “phát triển”. Rồi sau đó, người ta nói đến văn hóa, môi trường, quyền con người… Đấy là những từ mà cách đây 20 năm nhiều nước không muốn nghe nói. Ngày nay, không ai lẩn tránh được những từ ấy. Khi thì từ này, khi thì từ khác nổi lên thành thời thượng. Tôi còn nhớ có thời ở nước tôi, người ta ra sức phát triển chính sách văn hóa. Đâu đâu cũng chỉ nói đến văn hóa. Rồi khi các vấn đề môi trường nổi lên, người ta bắt đầu dùng từ môi trường thay cho văn hóa. Văn hóa và môi trường thực ra là hai giá trị thiết yếu của con người, vượt ra ngoài diện kinh tế thuần túy. Xem xét kỹ thì đó là hai khái niệm bổ sung cho nhau. Ngày nay môi trường chiếm lĩnh tâm trí mọi người trên tất cả các lục địa, nhưng rõ ràng văn hóa cũng nằm trong môi trường và bổ sung thêm cho nó. Hai khái niệm ấy không thể tách rời nhau.
Bà muốn nói hai khái niệm ấy chỉ cùng những thứ như nhau?
- Không đúng hẳn, nhưng nhiều khi người ta có khuynh hướng mở rộng định nghĩa các từ. Ví dụ, định nghĩa của UNESCO về văn hóa rộng lớn đến nỗi bao gồm hầu như toàn bộ hoạt động của con người. Tổ chức y tế thế giới cũng làm như vậy với khái niệm y tế vì khi họ nhìn vào sức khỏe của con người, họ thấy có biết bao nhân tố liên quan đến nó. Giáo dục rõ ràng nằm trong văn hóa, nhưng không có giáo dục thì cũng không thể có sức khỏe. Và không có giáo dục, không có sức khỏe thì nói đến quyền con người hay nghĩ đến phát triển là vô ích. Tất cả những khái niệm ấy đều gắn bó với nhau vì chúng đều bắt nguồn trong các giá trị và các quyền của con người.
Người đưa tin UNESCO, tháng 9-1990