(Mêhicô)
trả lời phỏng vấn của Người đưa tin UNESCO
Phải giải quyết những vấn đề lớn lao - những vấn đề về bản sắc, về sự lệ thuộc...
Nhà triết học Mêhicô Leopoldo Zea đã xây dựng một triết học về lịch sử có cội rễ ở Mỹ Latinh song vẫn gắn bó chặt chẽ với những trào lưu lớn của tư duy thế giới. Ông trình bày dưới đây những ý kiến của mình về vị trí của triết học trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Trong một thế giới thay đổi mau lẹ, liệu còn có chỗ cho tư duy triết học không?
- Hình thái lịch sử ra đời hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ hai đã bị tan vỡ trong năm 1989. Những biến đổi đặc biệt ở châu Âu trong mấy tháng qua đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ sau chiến tranh thế giới. Chúng ta nay bước vào một thời kỳ suy tư căng thẳng, thời kỳ châu Âu xây dựng lại và tìm kiếm những cấu trúc mới trong khi những nơi khác như Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi đang phải hình dung ra những mối quan hệ mới, những hình thức hợp nhất mới với phần còn lại của thế giới. Hơn bao giờ hết, triết học phải góp phần vào việc hình thành suy nghĩ của chúng ta về thế giới thống nhất này, thoát thai từ một thế giới chia rẽ.
Nhiều người cho rằng triết học là vô bổ, là thừa, thậm chí họ còn đi tới mức loại bỏ triết học khỏi các chương trình giáo dục.
- Triết học xưa nay bao giờ cũng cố thích ứng với thực tế. Kể từ Platon là người tìm cách giải quyết các vấn đề của thành - bang Hy Lạp đến thánh Augustin là người suy nghĩ về các mối quan hệ giữa người Kitô giáo với người tà giáo, từ Kant là người suy nghĩ về số phận của cá nhân trong thế giới hiện đại đến Hegel là người đã viết lịch sử dưới ánh sáng của Cách mạng Pháp, triết học bao giờ cũng đáp ứng những vấn đề của một thời kỳ và một địa điểm nhất định. Nó đem lại một lời giải có thể có cho những câu hỏi mà con người tự đặt ra. Không có những câu hỏi ấy thì triết học không có lý do tồn tại.
Liệu có thể có một triết học phổ biến không?
- Bản chất của tư duy triết học dựa trên hai nguyên lý của logos: lập luận và ngôn từ. Lập luận là nắm bắt thế giới bên ngoài để hiểu nó, còn ngôn từ giúp ta truyền đạt cho người khác những gì ta đã nhận thức. Nó cho ta khả năng hiểu và được người khác hiểu mình bằng truyền thông. Truyền thông là để đối thoại được mở rộng và phổ biến. Chính từ sự vận động đó mà ta có thể nói đến tính phổ biến. Bởi chân lý triết học không tức thì mang tính phổ biến. Nó chỉ trở thành phổ biến khi kẻ khác có thể nhận thức được nó. Tính phổ biến phụ thuộc vào khả năng truyền đạt của người này và khả năng nhận của người khác.
Năm 1986, Đại hội triết học thế giới tại Montreal (Canađa) đã đi đến kết luận là tính phổ biến của triết học phụ thuộc vào khả năng của con người lấy lập luận làm một công cụ truyền thông, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm. Người ta cũng nói rằng không có triết học phổ biến mà chỉ có những triết học đặc thù, những triết học đặc thù này trở thành phổ biến khi nào chúng nhận thức được những triết học khác và là thứ những triết học khác có thể nhận thức được.
Nếu như ngày nay có nói đến một triết học thực sự phổ biến, đó không phải là vì bản chất của triết học đã thay đổi mà vì lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các vấn đề đã trở thành phổ biến. Do một số vấn đề ảnh hưởng giống nhau đến tất cả mọi người, vượt lên trên những khác biệt và những kinh nghiệm riêng, nên các giải pháp của triết học mang ý nghĩa phổ biến. Nhưng ở đây luôn luôn là một sự phổ biến cụ thể, nó xuất phát từ thực tại để giải quyết những vấn đề của con người trong những tình huống nhất định.
Những ưu tiên của tư duy phổ biến mà lại đặc thù đó là gì?
- Trước hết là xác định các phương thức ứng xử và tham gia trong một thế giới đang biến đổi. Quy mô toàn cầu của các vấn đề đặt ra vấn đề ứng xử, không chỉ sự ứng xử của các cá nhân mà của cả các dân tộc và các quốc gia. Ta không chấp nhận kẻ khác - các khối, các chính phủ, các hệ tư tưởng - quyết định thay chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta gánh phần lớn trách nhiệm về những gì đã làm cho chúng ta chọn lựa những hình thức tham gia mới. Thay cho những mối quan hệ thống trị và do đó là lệ thuộc theo chiều thẳng đứng, cần có những mối quan hệ liên kết theo chiều nằm ngang. Vì vậy, các cá nhân, các lớp người thiểu số và các thực thể văn hóa khác nhau ngày càng mong muốn được tham gia.
Mọi người đều muốn tham gia định nghĩa lại cái thế giới đang xuất hiện, cái thế giới mà nói như hiện nay đến một “ngôi nhà chung châu Âu” sẽ không còn thích đáng nữa. Chúng ta nay đã biết rằng ta sống chung trong một thế giới và lần đầu tiên hành tinh của chúng ta thực sự mang tính toàn cầu. Ngôi nhà chung của toàn thể loài người, đó là điều mà chúng ta ngày nay phải nghĩ tới.
Trong bối cảnh toàn cầu đó, trên phương diện một môn học, triết học có đi theo những phương hướng mới nào không?
- Ở nhiều nước hiện đang diễn ra trào lưu đảo ngược lại ý kiến cho rằng công cụ của triết học - tức lôgíc - thực ra phải là mục đích của nó. Ngày nay người ta đã thừa nhận rằng lôgíc chỉ là một phương tiện để hiểu biết nhằm đi đến hành động. Công cụ lôgíc ấy càng sắc bén càng tốt. Nhưng điều chủ yếu là hiểu biết thực tại nhằm biến đổi nó. Vấn đề là ở chỗ ấy. Ta không bao giờ được coi bản thân lôgíc là mục đích của triết học.
Vậy có thể nói là nay người ta quay lại với những mối quan tâm ban đầu của triết học: làm sao hiểu biết thực tại và tác động lên nó. Các nhà triết học Hy Lạp không bao giờ băn khoăn tìm hiểu xem triết học của họ có mang tính toàn cầu hay không. Dẫu vậy, triết học ấy mang tính toàn cầu vì nó đem lại những câu trả lời tỏ ra có giá trị đối với những nơi khác trong những tình huống tương tự.
Cái “chủ nghĩa hiện thực” triết học mới đó rõ ràng đáp ứng những quan tâm về mặt đạo lý. Làm sao có thể hòa giải “đạo lý” với “thực dụng”?
- Nhiều nhà triết học đã từ bỏ việc phân tích trung lập ngôn ngữ đạo lý và không hài lòng với những cấu trúc trừu tượng mà nhiều người đương thời với họ đã cố làm. Như tôi đã nói, cái quan trọng bây giờ là những vấn đề cụ thể của con người. Các nhà triết học cần có vai trò trong việc phê phán các huyền thoại của xã hội đương đại, xác định những vấn đề đạo đức, ấn định những nguyên lý cơ bản, cập nhật những vấn đề chủ yếu.
Tư duy đạo lý tác động đến các vấn đề của con người và xã hội. Các nhà triết học quan tâm đến đạo lý trong y học, đến lẽ thuyết phục bằng vũ khí hạt nhân, đến dân chủ và công bằng kinh tế. Trong một xã hội dân chủ, tư duy đạo lý cần được chia sẻ càng rộng rãi càng tốt. Trước sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong thế giới ngày nay, cần thiết lập được một sự nhất trí về đạo lý giữa tất cả các dân tộc buộc phải chia sẻ số phận chung của toàn cầu.
Theo cách suy nghĩ đó, có thể nói đến một mối quan tâm đạo lý - triết học về môi trường hay không?
- Theo nhà sử học Arnold Toynbee, phương Tây xưa nay vẫn coi con người, không khác gì cây cỏ và súc vật, như những đối tượng khai thác. Ta có thể thấy cách nhìn nhận ấy trong thái độ của các nước phát triển, họ muốn áp đặt những luật lệ sinh thái của họ lên thế giới thứ ba bất chấp lợi ích của những người sinh sống trong đó. Người ta tìm cách ngăn chặn việc tàn phá thiên nhiên bằng cách sử dụng chính cái quyền lực trước đây đã khuyến khích việc tàn phá đó - không hề quan tâm đến những kẻ vì lẽ đó sẽ bị người ta buộc phải sống mãi trong tình trạng kém phát triển với danh nghĩa cứu vãn môi trường. Chỉ một sự nhất trí về đạo lý mới có thể cho phép có một sự điều chỉnh mà không trói buộc một số dân tộc nào đó phải sống mãi trong cảnh lầm than không lối thoát. Triết học có thể góp phần vào việc cân bằng lại trên phạm vi toàn cầu đó, và qua đó giúp vào việc mở đường cho một thỏa thuận về việc phân phối những của cải đã giành được.
Liệu có thể nghĩ đến một thứ triết học ứng dụng như đối với khoa học hay không?
- Triết học hướng về hành động - không chỉ Marx đã linh cảm điều đó. Tư duy là cần, nhưng cũng cần không kém là hành động phù hợp với điều ta tư duy. Triết học không phải là một hoạt động dừng lại ở ngôn từ, bởi vì nếu như tôi có một vấn đề và tôi suy nghĩ về nó, rõ ràng nhằm giải quyết vấn đề, và vì vậy tôi phải hành động. Ngoài ra, riêng việc suy nghĩ đã giả định là ta có khả năng định hướng cho hành động.
Ở Mỹ Latinh có một truyền thống triết học lâu đời quan tâm đến các vấn đề trong khu vực. Ngay từ năm 1842, tại Montevideo (Urugoay), nhà tư tưởng Áchentina Juan Bautista Alberdi đã trù tính đến một công trình tư duy triết học riêng của châu Mỹ, xuất phát từ những “yêu cầu” của lục địa này. Ông tự hỏi: “Những vấn đề mà người ta yêu cầu châu Mỹ đặt ra và giải quyết trong lúc này là những vấn đề gì?”. Chúng không phải là cái gì khác ngoài tự do, các quyền cơ bản, trật tự xã hội và chính trị. Vậy triết học cần phải mang tính “tổng hợp và hữu cơ trong phương pháp, thực chứng và thực tế trong cách tiến hành, cộng hòa trong tinh thần và mục đích”. Vốn hiểu biết thực tế ấy có nghĩa là nhà triết học phải tham gia ở một mức độ nhất định vào đời sống xã hội và chính trị. Alberdi kết luận: “Nhiệm vụ của tất cả những người tốt, những người bằng điều kiện và khả năng của mình có thể có bất kỳ một tác động nào đó, là tham gia công việc của đất nước”.
Phải chăng điều đó có nghĩa triết học phải mang tính “tác chiến” nhiều hơn tại các nước đang phát triển?
- Các dân tộc khu vực chúng tôi phải giải quyết những vấn đề lớn lao - những vấn đề về bản sắc, về sự lệ thuộc. Triết học là một công cụ có một không hai để đề cập và tìm cách giải quyết những vấn đề ấy. Nhưng tìm hiểu những vấn đề ấy, chúng tôi không được phép chỉ dùng những chuẩn mực của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải mở cửa ra với thế giới.
Theo nghĩa đó, cuộc đối thoại giữa Bắc và Nam phải được duy trì để xác định cái mà chúng tôi gọi là “đạo lý phát triển ”. Xử lý những vấn đề đạo lý mà phát triển đặt ra đã trở thành tất yếu.
Phải chăng theo tinh thần ấy mà trong một cuốn sách gần đây (Discurso desde la marginnacion y la barbarie - Luận về tình trạng ngoài lề và dã man), ông đề xuất một tư duy triết học về lịch sử toàn cầu?
- Hiểu biết sâu rộng hơn những khu vực khác trên thế giới có thể giúp chúng tôi nhận thức được sự lệ thuộc của chúng tôi, biết được cái gì tạo nên “sự độc đáo” của chúng tôi cũng như tình thế của chúng tôi so với những nơi khác. Nếu như ban đầu chúng tôi mô phỏng những kiểu mẫu nước ngoài, đó là để “công cụ hóa” triết học châu Âu nhằm dùng nó phục vụ các nhu cầu của chúng tôi. Chúng tôi đã chủ ý làm như vậy: sẽ là phi lý nếu không chịu thừa nhận văn hóa phương Tây đã tạo ra những công cụ khái niệm có thể áp dụng vào thực tế của chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp thu mặt biện chứng của quá khứ, chấp nhận mặt xấu của lịch sử để giữ lại những gì chúng tôi coi là giá trị và điều chỉnh những gì chúng tôi coi là không giá trị. Theo tôi, đó là một trong những trách nhiệm của các nhà triết học Mỹ Latinh: chuyển thể và thích nghi với thực tại riêng của chúng tôi những thứ xuất xứ từ những nơi khác song tuy vậy vẫn có thể có ích đối với chúng tôi.
Tuy nhiên, Mỹ Latinh đã cố tình nhắm mắt đối với thực tại của mình, thậm chí đi đến chỗ bác bỏ quá khứ bản địa hoặc quá khứ Iberia của mình, phớt lờ nó vì coi nó là không thích hợp và xa lạ với mình. Nhưng không biết đến lịch sử của mình tức là tự tước bỏ đi một kinh nghiệm mà không có nó thì không thể đạt tới độ trưởng thành, tới khả năng nhận thức được trách nhiệm của mình.
Dẫu vậy, tư duy Mỹ Latinh đã không dừng lại ở các vấn đề trong vùng: nó đã đóng góp cho một nền triết học đặc thù của châu Mỹ, cho một nhận thức thực tại và các vấn đề của thế giới từ quan điểm của châu Mỹ. Cuốn Discurso desde la marginnacion y la barbarie có tham vọng là một cuốn sách nói về triết học của lịch sử viết theo một cách nhìn không mang tính châu Âu mà cũng không lấy châu Âu làm trung tâm.
Vậy tại sao triết học không tạo ra cho mình một “trung tâm ý thức” khác bên ngoài châu Âu? Đó là việc mà tôi đã làm để giải thích không chỉ lịch sử của riêng châu Mỹ mà cả lịch sử của các dân tộc không phải là người châu Mỹ. Tôi đã có ý chọn những dân tộc châu Âu bên lề lịch sử, những người “man di” theo khái niệm cổ điển, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở cực tây và nước Nga ở đầu bên kia. Thật là lý thú được thấy hiện nay các dân tộc thuộc loại thứ yếu trong lịch sử nay lại giữ một vai trò quan trọng trong việc cấu tạo lại thế giới.
Trong thế giới thống nhất và phụ thuộc lẫn nhau ấy, người ta còn chứng kiến cả sự thức tỉnh của các đặc thù, một nhu cầu về những bản sắc dân tộc đã từng bị đè nén, và sự gia tăng những hằn thù về chủng tộc.
- Rõ ràng công cuộc giành lấy tự do có những rủi ro và cần phải xem xét về mặt phương pháp: tự do có thể đi tới tận đâu? Thế giới phải tránh tình trạng bị xé nhỏ, bị “bộ tộc hóa” mà chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa khu vực quá khích có thể dẫn đến. Nếu ta khuyến khích những hình thức ứng xử và những phương thức tham gia dựa trên sự tôn trọng người khác vì người khác tôn trọng ta thì có thể tính đến sự ra đời của một thứ liên bang thế giới trong đó các quan hệ sẽ diễn ra theo chiều nằm ngang, phụ thuộc lẫn nhau, trong đó sẽ có một nỗ lực chung nhằm tìm ra một giải pháp cho những vấn đề chung. Nếu tôi hiểu biết người láng giềng của tôi khác tôi ở chỗ nào và nếu người ấy cũng hiểu tôi như vậy thì hai chúng tôi có thể thảo luận với nhau, cộng tác với nhau và đi đến thỏa thuận với nhau mà không mất đi một bản sắc mà chúng tôi không thể từ bỏ, và xây dựng lên “ngôi nhà chung của con người” trong đó chúng tôi buộc phải sống chung với nhau.
Ngoài ra, ở châu Mỹ, chúng tôi có một kinh nghiệm có thể cống hiến thế giới: khả năng hỗn chủng và hỗn hợp văn hóa (mastizaje) Người Tây Ban Nha đã để lại cho chúng tôi một ý thức chung sống kỳ lạ giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa, nhưng chính châu Mỹ là cái nôi của sự hỗn chủng. Cái “dòng giống vũ trụ” ấy mà nhà văn Mêhicô José Vasconcelos biểu dương, mang lại một thông điệp hợp nhất và hỗn chủng khiến cho những kẻ bài ngoại và quốc gia chủ nghĩa thuộc mọi loại phải suy nghĩ. Triết học có một nhiệm vụ rõ ràng và cụ thể cần làm để khỏi sinh ra những khối kín mít, tự túc và tự mãn trong những không gian tự do mới.
Nếu như có một bức tường đã đổ, ta phải làm sao để khỏi dựng lên những bức tường khác, tức những hàng rào thuế quan mà các nước phát triển dựng lên để bảo vệ cuộc sống sung túc của họ.
Trong một thế giới hướng tới “sự nhất trí về đạo lý” mà ông đề xuất, làm sao đưa vào đó sự trỗi dậy của tình cảm tôn giáo?
- Tôn giáo, trong chừng mực nó giúp tôi hiểu biết kẻ khác và giúp kẻ khác hiểu biết tôi, có thể đem lại một phương diện tâm linh quan trọng cho nhiệm vụ của nhà triết học. Cái cần phải bác bỏ, đó là thứ tôn giáo nó trói buộc anh trong một thế giới kín mít của một niềm tin nhất định, không nhượng bộ cũng như không khoan dung đối với những tín ngưỡng khác, một niềm tin dẫn đến những xung đột tôn giáo, những cuộc “chiến tranh thần thánh” mà lịch sử loài người xem chừng muốn rũ bỏ.
Cũng như triết học đôi khi chuyển thành hệ tư tưởng và trở thành một thứ kỳ kìm hãm tư duy, ta phải tránh vật chướng ngại là sự cố chấp tôn giáo. Cái từ then chốt ở đây là khoan dung: phải tôn trọng những khác biệt của kẻ khác để kẻ khác tôn trọng những khác biệt của ta.
Trong một thế giới có xu hướng trở thành duy nhất và trong đó các vấn đề mang tính toàn cầu, cần có khả năng khẳng định lại những dị biệt của ta, những điều làm cho ta khác người khác, song vẫn tôn trọng những gì không giống ta mà bình đẳng với ta. Chớ quên rằng cái bình đẳng đó, chưa nói đến chủ nghĩa bình quân, cũng có thể trở thành một phương tiện áp chế. Ngày nay, điều quan trọng là có thể “khác nhau” một cách bình đẳng, sao cho mọi người đều bình đẳng trong khi vẫn khác nhau.
Ông nhìn nhận tự do như thế nào trong bối cảnh đó?
- Tự do là một giá trị chỉ có thể dùng để nói đến cá nhân cụ thể. Nếu không, nó sẽ trở thành một thứ trừu tượng, và cũng cần nhắc lại rằng không có thứ tự do trừu tượng. Không thể bênh vực khái niệm tự do trên phương diện tuyệt đối, nói cho cùng nó là một thứ tự do vô trách nhiệm. Chúng ta phải đấu tranh cho tự do, nhưng là thứ tự do có trách nhiệm, nhận thức được các giới hạn của mình.
Con người tự do phải là con người có trách nhiệm. Con người không phải có quyền tự do mà là có nhiệm vụ tự do; điều đó có nghĩa là có trách nhiệm. Thực thi quyền tự do hàm ý trách nhiệm, trách nhiệm ở mức độ nghĩa vụ tinh thần. Tự do là một sự cam kết. Tôi tự do nhưng tôi còn có sự cam kết đối với tự do của người khác.
Các mối quan hệ phức tạp giữa cam kết, trách nhiệm và tự do đó, nổi rõ trong toàn bộ các tác phẩm triết học của ông, dựa trên mối quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Khuynh hướng đề ra những “kiểu mẫu” tự do để quy định các quan hệ đó hiện nay có mạnh hay không?
- Hoàn toàn không thể nói đến những kiểu mẫu trong lĩnh vực tự do, bởi vì đối với tự do, không thể có kiểu mẫu. Kiểu mẫu rốt cuộc sẽ lại áp đặt những sự lệ thuộc mới. Chấp nhận một kiểu mẫu có nghĩa là đã chấp nhận một sự câu thúc.
Người đưa tin UNESCO, tháng 11-1990