(Braxin)
trò chuyện với Edouard Bailby
Phải biết vượt mình, bẻ gãy những thứ trói buộc mình, để sáng tạo.
Là một trong những nhân vật lỗi lạc nhất trong kiến trúc thời đại ngày nay, Oscar Niemeyer đã đem lại cho Braxin nước ông, và cho thế giới, những công trình sáng tạo hình thức rực rỡ. Tên tuổi ông đặc biệt gắn liền với Brasilia, thủ đô mới của Braxin. Chuyện trò với Người đưa tin về sự nghiệp xuất sắc của mình, ông nhắc nhở rằng kiến trúc không chỉ mang tính ích dụng mà còn là một hình thức nghệ thuật có ý nghĩa to lớn, trong đó ông dành vị trí ưu tiên cho trí tưởng tượng. Oscar Niemeyer đã công bố nhiều bài báo và cuốn sách, trong đó có cuốn Oscar Niemeyer (Milan, 1977).
Ở tuổi 84, với hơn 300 công trình đã được xây dựng hoặc dự kiến xây dựng trên thế giới với đỉnh cao là Brasilia, ông có thể tự coi mình một cách chính đáng là kiến trúc sư có sức sáng tạo dồi dào nhất thế kỷ này. Hiện nay ông còn cảm thấy sự thúc bách tiếp tục công cuộc sáng tạo đó không?
- Tôi còn ít thời gian. Tôi không đi xa nữa, để có thể dành cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, tôi vẫn đến phòng làm việc của mình tại Copacabana hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối, kể cả thứ bẩy. Tôi không thể ngồi trong ghế bành không làm gì cả, hoặc chỉ nghĩ đến những nỗi cơ cực trong cuộc đời. Kiến trúc đối với tôi xưa nay vẫn là một thứ giải trí cũng như một nghề nghiệp. Nó hấp dẫn tôi, cuốn hút tôi, nhưng tôi không dành cho nó một tầm quan trọng quá mức. Điều chủ yếu đối với tôi là cảm thấy thoải mái với nó, gắn bó với những người nghèo khó và tố cáo những bất công xã hội. Ngoài ra, tôi đã có được một tên tuổi nhất định, và những đơn đặt hàng tiếp tục gửi tới, cho dù tôi đã giảm nhóm làm việc của tôi xuống còn 4 người để có một cuộc sống yên tĩnh hơn. Điều quan trọng là phải hoạt động cho đến phút cuối cùng. Con người ta chỉ sống có một lần.
Vậy ông vẫn tiếp tục công việc kiến trúc sư của mình. Ông hiện đang có những dự án gì?
- Tôi sẽ hoàn thành cái trục công trình của Brasilia, xây dựng ba tòa nhà sau này sẽ là những tòa nhà đẹp nhất thủ đô: nhà bảo tàng, thư viện quốc gia và nhà lưu trữ lịch sử. Những tòa nhà ấy sẽ hoàn thành công việc kiến trúc sư của tôi trong khuôn khổ của thiết kế tổng thể của Lucio Costa, nhà quy hoạch đô thị vĩ đại của Braxin mà tôi chịu ơn rất nhiều. Tôi có một dự án khác đã được phê chuẩn: Bảo tàng Niteroi, một thành phố 500.000 dân gần Rio de Janeiro, và Nhà Braxin - Bồ Đào Nha ở trung tâm Lisbon. Tôi đã nhận được những đơn đặt hàng về những công trình khác, đặc biệt tại Sao Paulo. Công trình gần đây nhất của tôi là tại đảo Gorée, ngoài khơi Dakar. Tôi đặc biệt gắn bó với nó vì nó cho phép tôi tố cáo việc di chuyển ồ ạt nô lệ châu Phi sang lục địa của chúng tôi thời buôn bán nô lệ. Tại Braxin, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 4 triệu nô lệ. Bị sỉ nhục và bóc lột, họ dẫu vậy vẫn tham gia các cuộc đấu tranh giành độc lập và có một sự cống hiến quyết định vào nền văn hóa của chúng tôi. Trong thời gian kỷ niệm 500 năm việc Christophe Colomb khám phá ra châu Mỹ, cần phải nhắc lại sự hy sinh của họ.
Ông luôn luôn nhạy cảm với những vấn đề về nỗi đau khổ của con người mà ông đã bày tỏ trong nhiều tác phẩm điêu khắc đồ sộ. Nổi tiếng nhất là bàn tay đẫm máu của Đài kỷ niệm Mỹ Latinh tại Sao Paulo, tượng trưng cho cuộc đấu tranh của các dân tộc chống lại áp bức. Ông dự kiến gì cho Gorée?
- Thông qua một nhân vật nổi tiếng mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ, chính phủ Xênêgan đề nghị tôi tham gia một cuộc thi quốc tế. Như thường lệ, tôi đã từ chối, nhưng để đáp lại tôi đã tiến hành xây dựng đề án mà không lấy tiền công. Đề án ấy đã được chấp thuận đầu năm nay. Hai phái đoàn đã đến Rio de Janeiro gặp tôi để hoàn thành những chi tiết. Công trình bắt đầu xây dựng nay mai. Bản thân đài kỷ niệm là một tấm panen cao 80m trên đó tôi vạch ra hình dáng một con người. Đặt lên trên mặt biển, nó tượng trưng cho người nô lệ châu Phi bị bứt khỏi cội rễ và tan vào không trung. Tượng đài được nối với đất liền bằng một đường cầu đơn giản, hoàn toàn không ảnh hưởng đến vẻ ngoài của nó. Tôi đã thiết kế một nhà bảo tàng, một phòng khách cho những vị khách quan trọng và một phòng ăn mở cửa cho công chúng. Tôi thích dự án này vì nó sinh ra từ chỗ sâu thẳm trong tôi. Tôi nghĩ ra nó trong lúc đi dạo.
Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi bật nhất của ông, người ta có cảm tưởng chúng là kết quả nhiều giờ nghiên cứu tỷ mỉ.
- Cũng như điêu khắc, kiến trúc đòi hỏi một sự nhạy cảm nhất định, một khả năng thoát ra khỏi không gian quanh mình. Khi một dự án được đề xuất với tôi, bao giờ tôi cũng suy nghĩ một mình, khi ngồi trong phòng làm việc của tôi, hoặc nằm trên đi văng hay trong lúc đi dạo. Nói chung, những nét lớn của dự án đến với tôi khá nhanh. Tôi không bị sa lầy vào chi tiết. Đôi khi công việc sáng tạo của tôi đến với tôi như trong một giấc mơ. Giáo đường Hồi giáo Alger, mà tiếc thay người ta chưa khởi công vì thiếu tiền, tôi đã hình dung ra nó trong giấc ngủ, giữa biển cả đẹp lấp lánh. Tỉnh giấc, tôi bắt đầu vẽ ngay. Tôi hình dung ra Nhà hát Brasilia trong 3 ngày Hội hóa trang. Sau khi vẽ phác họa một số sơ đề trong ngày thứ tư, dự án được hoàn thành. Tôi có thói quen vẽ ở thang độ rất nhỏ, điều xưa nay vẫn làm cho các đồng nghiệp ngạc nhiên. Tôi viết bài giải thích càng đơn giản và sáng sủa càng tốt. Tôi không thích tìm từ ngữ trong từ điển. Hồi chúng tôi xây dựng Brasilia, mỗi lần tổng thống Juscelino Kubitschek đọc các bài viết của tôi, ông có thể hiểu ngay ý nghĩa các dự án của tôi. Cố nhiên, tôi có tham khảo ý kiến kỹ sư của tôi để xem dự án của tôi có thích hợp với địa hình, với khí hậu không, xem ngân sách dự kiến có đủ không để có thể có những sửa đổi cần thiết. Nhưng đó chỉ là vấn đề kỹ thuật, chi tiết. Vì không phải là kỹ sư chuyên gia về bê tông, công việc của tôi không phải là giải quyết những vấn đề sức bền vật liệu. Cái chính là khái niệm có trong đó.
Quan niệm hiện nay của ông về kiến trúc là như thế nào. Từ sau Brasilia, nó có diễn tiến gì không?
- Cố nhiên, kỹ thuật mới ngày nay có lẽ cho phép xây dựng theo cách khác những tòa nhà tại Quảng trường Tam quyền. Nhưng thậm chí cũng không chắc. Những sửa đổi mà nếu như ngày nay tôi đưa vào không nhất thiết là những sửa đổi về thực chất. Baudelaire viết rằng cái bất ngờ, cái bất quy tắc, cái ngạc nhiên, cái kinh ngạc là một phần trọng yếu của cái đẹp. Tôi nghĩ ông ta nói đúng. Tác phẩm kiến trúc phải đẹp, nhẹ nhàng, khác những cái khác. Xưa nay, tôi vẫn không chịu nghe theo những quy tắc đã được ấn định từ trước, với những cấu trúc mô phạm và góc vuông, vốn là một sự áp đặt cứng nhắc của con người. Khi Le Corbusier, kiến trúc sư tuyệt vời, người thầy đích thực của thế hệ tôi, bước lên những bậc thang của Cung Đại học, ông đã nói những lời này mà tôi không bao giờ quên: “Ở đây có sự sáng tạo”. Trí tưởng tượng là khởi điểm của kiến trúc. Ngay từ hồi xây dựng Pampulha ở ngoại vi Belo Horizonte vào đầu thập kỷ 1940, tôi đã muốn làm một cái gì khác hẳn. Tôi đã có cái may mắn gặp được một con người phi thường, Juscelino Kubitschek, lúc đó là thị trưởng Belo Horizonte, một con người đầy hăng hái và nhiệt tình. Rất nhanh, chúng tôi thành bạn thân, mặc dầu có những bất đồng chính trị. Khi để cho tôi được tự do sáng tạo hoàn toàn, ông đã cho phép tôi bày tỏ bản thân mình. Hiếm có một dịp may như vậy trong cuộc đời một kiến trúc sư. Người ta đã công kích tôi nhiều, bởi vì tôi đặt lại vấn đề những giáo điều truyền thống của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa duy lý. Nhưng tôi dửng dưng đối với những lời phê bình đó.
Khi ông nói đến trí tưởng tượng, ông muốn nói đến chính xác cái gì? Ông có cho rằng kiến trúc của ông không có tiền lệ không?
- Người ta có thể không yêu thích những công trình và những dinh thự mà tôi đã xây tại Brasilia, nhưng không ai lại có thể phủ nhận rằng người ta chưa bao giờ thấy có cái gì tương tự trước đây. Đây đó, người ta đã thử mô phỏng dinh tổng thống Alvorada, một điều làm vinh dự cho tôi. Tuy nhiên, tôi không tin rằng kiến trúc là một công việc bắt chước, có lẽ là trừ việc xây dựng nhà ở. Phải biết vượt mình, bẻ gãy những thứ trói buộc mình để sáng tạo. Heidegger có nói rằng lý trí là kẻ thù của tư duy. Tức là kẻ thù của trí tưởng tượng. Thế mà cái đẹp đòi hỏi ở kiến trúc sự tự do, hơn thế nữa: sự bất ngờ. Trong khi cái góc vuông ngăn cách, phân chia, tôi lại luôn luôn thích những đường cong, chúng vốn là bản chất của thiên nhiên xung quanh. Không dễ vẽ những đường cong, đem lại cho chúng tính tự phát mà chúng đòi hỏi rồi sau đó tổ chức chúng lại trong không gian để hoàn thành hiệu quả kiến trúc về mặt hình ảnh mà ta tìm kiếm. Như Matisse, tôi cho rằng các đường cong của tôi không phải là vu vơ. Chúng có một ý nghĩa. Le Corbusier, từng ca ngợi những ưu điểm của góc vuông đến một thời gian nào đó cũng đã bắt đầu khinh rẻ nó. Cuối cùng ông đã thừa nhận rằng chúng tôi có lý. Một hôm ông bảo tôi: “Anh làm theo phong cách barốc, nhưng anh làm rất đạt. Anh có những ngọn núi Rio trong mắt”.
Ông luôn luôn nhắc đến Le Corbusier. Ông có quen ông ấy không?
- Tôi làm việc trong êkíp của Lucio Costa, lúc đó là Giám đốc trường Mỹ thuật tại Rio de Janeiro. Một hôm - khi ấy là năm 1936, nếu tôi không nhầm - ông yêu cầu tôi ra sân bay thành phố đón Le Corbusier. Hãy tưởng tượng sự xúc động của chàng thanh niên kiến trúc sư trẻ tuổi là tôi lúc bấy giờ! Mọi người thuộc thế hệ tôi tại Braxin đều có một sự ngưỡng mộ vô bờ đối với con người ấy, từ lục địa cũ đến đây, trong óc đầy kiến thức văn hóa và những ý tưởng mới. Nền kiến trúc của chúng tôi khi ấy rất cổ điển, không có gì độc đáo. Le Corbusier, bằng tri thức và kinh nghiệm của mình, đã làm đảo lộn hết cả.
Tôi mới 29 tuổi khi Le Corbusier thiết kế trụ sở Bộ Giáo dục và Y tế Rio de Janeiro. Tôi đã cảm thấy rằng mình sẽ là một kiến trúc sư riêng. Tôi có khiếu vẽ từ năm lên 7. Mẹ tôi cất giữ tất cả những tranh vẽ của tôi hồi đi học. Khi bản thiết kế của Le Corbusier đến tay tôi, tôi có đưa vào một vài sửa đổi, vì ý thích riêng của mình, đặc biệt là kéo dài chiều sâu của những cột chống từ 4 mét lên 10 mét. Do đây là một công trình của một nhóm làm việc dưới sự chỉ đạo của Le Corbusier nên dự án cuối cùng có chú ý đến mọi gợi ý được đề xuất. Chúng tôi gửi những sửa đổi ấy đến để Le Corbusier phê chuẩn và ông cho đăng chúng trên một tạp chí kiến trúc cùng với bức vẽ của ông.
Người ta thường nói ông cho rằng kiến trúc sư phải làm việc đơn độc, không nhờ đến những người cộng sự bên ngoài. Tuy nhiên những dự án của ông lại nói lên điều ngược lại. Ví dụ, tại Pampulha, ông đã mời họa sĩ Braxin vĩ đại Candido Portinari.
- Tôi luôn luôn khẳng định rằng kiến trúc sư phải chọn những họa sĩ hoặc những nhà điêu khắc nào sẽ làm đẹp cho tác phẩm của mình. Đó chính là điều tôi đã làm. Khi tôi hình dung ra một không gian trống rỗng, một gian phòng, một hội trường, tôi biết trước là tôi sẽ đặt ở đó một bức tường granit, những tấm thảm hay những bức tranh. Kiến trúc là một tổng thể đòi hỏi một sự cộng sinh giữa cấu trúc và trang trí. Khi tôi xây dựng trụ sở Đảng Cộng sản Pháp tại Paris, một trong những tác phẩm ưa thích nhất của tôi, Jacques Duclos yêu cầu tôi: “Anh Oscar này, liệu tôi có được đặt trong phòng tôi chiếc bàn làm việc cổ mà tôi rất quý hay không? Đó là một đồ gỗ lịch sử.” Tôi rất quý sự tôn trọng của ông đối với công việc kiến trúc của tôi. Không phải bao giờ cũng vậy. Người ta đã kê trong nhà thờ lớn Brasilia những chiếc ghế mà tôi thấy gớm ghiếc. Lần gần đây nhất tôi gặp Jack Lang, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, ông hỏi tôi: “Mấy chiếc ghế ấy vẫn còn ở đấy chứ?”
Tại sao thiết kế nhà thờ lớn Brasilia của ông lại khác với thiết kế quy ước về nhà thờ? Một lối vào tối rồi gian giữa tràn ngập ánh sáng? Sự tương phản thật nổi bật.
- Tôi không muốn đó là một nơi ăn năn hối lỗi. Bản thân tôi không phải là một tín đồ, nhưng tôi cố đặt mình vào vai một người Kitô giáo. Tín đồ vào nhà thờ qua một đường trượt dốc xuống, một lối đi tối ngầm dưới đất, rồi bước lên vào gian giữa nhà thờ hình vương miện, bằng bê tông và sắt, thành vách trong mờ. Để nâng cao hiệu quả thị giác và làm dịu bớt tác động của ánh nắng mặt trời, tôi hình dung ra những ô cửa kính sao cho chúng không che khuất bầu trời. Về mặt này, Marianne Peretti đã làm được một công việc tuyệt vời. Nằm dài trên đất, trong một tư thế không thoải mái, chị đã vẽ 16 khung cửa kính này với bề mặt mỗi khung rộng bằng một sân bóng rổ. Không như kim tự tháp bằng kính ở Louvre, gian giữa nhà thờ được mở ra không trung. Lần đầu tiên đến nhà thờ, Đại sứ của Giáo hoàng nói với Giám mục Brasilia: “Kiến trúc sư đã làm ra kiệt tác này phải là một vị thánh thì mới tìm ra được một sự liên hệ chặt chẽ đến vậy giữa đất và Chúa trời”. Làm sao tôi không khỏi xúc động trước những lời ấy?
Ông không thể chối rằng ông quan tâm đến kiến trúc dinh thự nhiều hơn việc vẽ những nhà ở rẻ tiền. Phải chăng có sự mâu thuẫn giữa cam kết chính trị của ông với tác phẩm kiến trúc của ông?
- Tôi lẽ ra đã có thể được nhiều tiền nếu để cho mình bị lôi kéo vào những hoạt động gia trưởng hoặc đầu cơ bất động sản. Nhưng việc đó không hợp với tôi. Tôi không ham tiền. Tôi đã xây dựng các tòa nhà ở Brasilia như một công chức hưởng lương, không nhận tiền đặt hàng hoặc tiền đút lót gì. Như vậy, tôi cảm thấy tự do và làm việc thoải mái. Tuy nhiên, tôi cũng đã thiết kế một số khu nhà ở tại quận Barra de Tijuca mới của Rio de Janeiro. Gần đây, tôi cũng đã xây dựng một số trường học, dùng một thiết kế đang bắt đầu được phổ biến rộng rãi. Tuy đó là những tòa nhà làm bằng những tấm bê tông đúc sẵn, tôi đã cố rút ra được những gì tốt nhất từ một ngân sách eo hẹp. Kiến trúc cũng là một nghề như mọi nghề khác để kiếm sống. Nhưng khi tôi có một người bảo trợ tầm cỡ như Juscelino Kubitschek, tôi cần phải nắm lấy vận may để thể hiện mình và vượt mình. Tôi xưa nay vẫn từ chối con đường tầm thường dễ dàng. Kiến trúc phải dẫn đến cái đẹp. Vấn đề là làm thế nào để đạt được mục đích ấy mà không sợ bị nhầm lẫn. Đã có những lần đến phút cuối cùng tôi phải sửa đổi một dự án vì phối cảnh kém hoặc do một người bạn đưa ra một nhận xét xác đáng. Tôi không tự coi mình là một kiến trúc sư kín mít, không chịu tiếp nhận ảnh hưởng bên ngoài. Tôi sẵn sàng có bất kỳ nhượng bộ nào hoặc đưa vào bất kỳ khía cạnh ngông cuồng nào khả dĩ nâng cao thêm vẻ đẹp tạo hình của công trình.
Tuy nhiên, ông đã rất dứt khoát khi nói rằng kiến trúc chỉ có thể đẹp nếu nó là kết quả của một sự sáng tạo hoặc một sự đoạn tuyệt chưa từng có.
- Tôi không mảy may hào hứng với kiến trúc duy lý với những giới hạn về chức năng của nó, với sự cứng nhắc về cơ cấu của nó, với những giáo điều và lý thuyết của nó. Bê tông cốt thép cho phép kiến trúc sư có ý thức về chất thơ có thể tự thể hiện mình. Kiến trúc là sản phẩm của mơ mộng và hoang đường, của những đường cong và những mảnh không gian rộng lớn. Kiến trúc sư phải biết sáng tạo như thế nào trong khi sử dụng mọi kỹ thuật có trong tay. Cớ sao phải tuân theo những quy tắc và những nguyên tắc trừu tượng. Khi tôi làm những công trình tại Brasilia, tôi cố ý không đọc một cuốn sách kiến trúc nào để khỏi bị chịu ảnh hưởng.
Điều tôi khâm phục nhất ở kiến trúc sư là tinh thần tự do. Gaudi mà tác phẩm nổi tiếng nhất là Nhà thờ Sagrada Familia tại Barcelona, là một kiến trúc sư có những ý tưởng hỗn độn. Tuy nhiên, ông đã dũng cảm bẻ gãy những quy tắc có sẵn và điều đó đã đem lại cho ông một vị trí đặc biệt trong kiến trúc hiện đại, cho dù vai trò của Le Corbusier quan trọng hơn nhiều. Khi tôi thiết kế trụ sở Bộ Ngoại giao tại Brasilia, tôi đã không đi vào một hình thức kiến trúc mới như một số người đã gợi ý. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng thật là dễ làm một công trình kiến trúc đúng về kỹ thuật nhưng hào hiệp về tinh thần, một cái gì làm vừa lòng mọi người bất kể vốn thẩm mỹ của họ như thế nào. Nó không phải là tòa nhà phù hợp với tính cách tôi.
Nếu ông phải biên soạn một bài giảng cho sinh viên kiến trúc, ông sẽ căn cứ trên những nguyên tắc nào?
- Năm nay, tôi đã được yêu cầu trình bày một loạt 12 bài giảng ghi vào băng viđêô cho trường đại học mới ở Campos, một thành phố 400.000 dân, cách Rio de Janeiro khoảng 289km. Tôi sẽ tiếp tục cuộc thử nghiệm mà tôi đã bắt đầu tại Angiêri trong thập kỷ 1960 khi tôi xây dựng trường đại học Constantine.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất trước khi sinh viên bắt đầu vào một lớp kiến trúc là tìm hiểu xem họ có năng khiếu cho nghề này không. Thầy giáo phải hiểu sinh viên của mình, thăm dò họ, phát hiện khuynh hướng mỹ thuật của họ và kiến thức cơ bản của họ, chuyện trò với họ để có thể nói cho họ biết những khó khăn và may rủi trong nghề. Một điều cũng cần thiết là họ phải biết vẽ, đó là điều cơ bản trong kiến trúc. Sinh viên phải học vẽ kỹ thuật và vẽ trang trí trong 6 tháng tại trường, qua đó họ sẽ phát triển ý thức thẩm mỹ. Sau giai đoạn ấy, họ phải làm việc tại một văn phòng kiến trúc lớn, ở đó họ sẽ học được cách nghiên cứu một thành phố từ quan điểm kiến trúc lẫn quy hoạch đô thị. Họ làm việc bên cạnh những người có những kiến thức kỹ thuật - chuyên viên về bêtông, về điều hòa không khí, về nước, v.v... Sau đó, trong ba năm, họ phải theo dõi tại địa hình việc xây dựng một thành phố hoặc một khu phố, từ đầu đến cuối. Sau đó, họ chỉ còn cần học cách viết mộc mạc và súc tích để trình bày dự án của mình. Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi nhận thấy chính những bài viết, hơn là những hình vẽ, đã làm cho các công trình của tôi được chấp nhận. Rất ít người ngoài nghề có thể hiểu được bản vẽ của kiến trúc sư.
Brasilia đã làm ông nổi tiếng, nhưng ông không bao giờ sống tại đó. Sao vậy?
- Tôi đã sống tại đó ba năm, thời gian để thực hiện những dự án của tôi. Thời bấy giờ, Brasilia là một nơi tận cùng trái đất. Phải đi một nghìn kilômét đường ngập bùn mới đến được Rio de Janeiro hoặc Sao Paulo. Tôi sống trong một căn phòng đơn giản: một chiếc giường, một cái bàn, hai chiếc ghế, một cái tủ. Xung quanh có vài người bạn. Không phải chỉ có những kiến trúc sư. Trong số họ có hai nhà báo, một cầu thủ bóng đá, một nhà thơ. Buổi tối, chúng tôi đánh ghita và hát để giải trí. Chúng tôi không bao giờ nói chuyện về công việc. Tôi hình dung ra một cuộc sống chung vui vẻ là như vậy. Cùng với công nhân làm việc sát cánh với chúng tôi, cùng với những cô gái làng chơi sống trong những căn nhà gỗ, và những con chó suốt ngày sủa ăng ẳng, tạo thành một đại gia đình. Có một bầu không khí thực sự như ở trên biên giới. Chúng tôi có cảm nghĩ thế giới sẽ phải thay đổi. Đối với hàng nghìn người lao động từ khắp mọi miền ở Braxin đến đây, chủ yếu đến từ miền đông-bắc, Brasilia tượng trưng cho hy vọng.
Đến ngày thủ đô mới được khánh thành, vào tháng 4 - 1960, với sự có mặt của Tổng thống và các quan chức khác, mọi sự đã thay đổi. Người lao động thấy mình nghèo hơn hồi mới đến đây. Những ảo tưởng của chúng tôi tan vỡ. Xong công việc, tôi ra đi. Không bao giờ tôi còn gặp lại bầu không khí hữu ái anh em như vậy nữa. Ngày nay, một số người phê phán Brasilia là phi nhân tính, lạnh lùng, không cá tính, trống rỗng. Nhưng họ không hiểu Brasilia. Hãy hỏi những người sống tại đó cùng với gia đình, con cái. Họ yêu thích nó. Họ không phải sống trong không khí nhộn nhạo của những quần cư đô thị lớn. Không gian thoáng đãng, đường phố trồng cây hai bên. Ánh sáng từ bầu trời dường như làm dịu đi các phong tục. Lucio Costa với thiên tài của mình đã làm cho thủ đô mới này trở thành một mẫu mực về quy hoạch đô thị. Còn tôi, tôi vui mừng được là tác giả của những mốc chính trong thành phố. Không phải lỗi ở chúng tôi nếu như nó trở thành nạn nhân của những bất công trong xã hội tư bản.
Ông có thể sẽ nhắc lại câu hỏi của ông: tại sao ông không sống ở đó vì nó được xây dựng theo hình ảnh của ông? Tôi xin trả lời một cách rất đơn giản: tôi sinh ra ở Rio de Janeiro, bên bờ biển, dưới chân núi phủ rừng cây nhiệt đới. Tôi xưa nay vẫn sống tại đó. Tôi biết rằng thành phố 6 triệu dân ấy nay đã trở nên không thể sống nổi, với những khu nhà ổ chuột đầy cảnh cơ cực, đầy bạo lực, hỗn độn, ô nhiễm và với những hoạt động điên cuồng trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng tôi đã quen với nó rồi. Làm sao tôi thích nghi được với nơi khác? Tôi yêu mến Brasilia, nhưng ở Rio de Janeiro là tôi ở nhà tôi.
Người đưa tin UNESCO, tháng 6-1992