Khi tôi trở thành CEO của PepsiCo cách đây năm năm, chúng tôi cần truyền thông điệp rõ ràng về triết lý quản lý của công ty trong dài hạn. Chúng tôi tóm gọn suy nghĩ của mình trong một cụm từ đơn giản: “Đạt hiệu quả và có mục đích”. Nếu hiệu quả hoạt động xuất sắc từng là nhựa sống của PepsiCo, thì để duy trì kết quả hoạt động một cách bền vững, điều thiết yếu là phải gắn cho được ý thức thực sự về mục đích công việc vào mọi hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi đưa ra ba nguyên tắc chủ đạo – sự bền vững về mặt con người, sự bền vững môi trường, và sự bền vững tài năng – những thành tố nền tảng để xây dựng nên tương lai của PepsiCo.
Bám sát triết lý trên, chúng tôi xác định rằng, đối với khách hàng, giá trị quan trọng hơn nhiều so với giá cả. Đó là mối quan hệ bền vững, là sự tri nhận rằng một giao dịch được dựa trên niềm tin, một thương hiệu xác tín, một công ty đáng tin cậy. Mọi công ty phải xác định rõ sứ mệnh của mình và thực hiện sứ mệnh đó một cách lâu dài đối với các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Làm được điều đó một cách có trách nhiệm sẽ tạo dựng được niềm tin. Nhưng tình trạng đánh mất niềm tin nghiêm trọng trong môi trường mong manh dễ vỡ ngày nay đòi hỏi mọi công ty – dù lớn hay nhỏ – phải tư duy lại về việc cần làm gì để xây dựng và tái xây dựng niềm tin, và làm thế nào để tạo ra, cho đi và làm tăng thêm giá trị cho cộng đồng. Và trên tất cả, điều đó đòi hỏi mọi công ty phải đảm bảo rằng họ không chỉ tập trung vào giá trị thương mại đơn thuần mà phải xem trọng các khía cạnh đạo đức nằm trong các giá trị ấy. Một lần nữa, nói ngắn gọn, đó là niềm tin.
Đây là những thực tế mới của chúng ta. Stephen M. R. Covey và Greg Link đã viết ra một cuốn sách rất thú vị, đặt chúng ta đối mặt với những thực tế mới này – với những giải pháp thực tế – và họ làm điều này rất kịp thời, gắn sát với thực tiễn, và hành động được.
Cuốn sách này ra đời rất kịp thời. Nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các công ty khắp nơi hiện đã thấy mình bị ném vào một cuộc khủng hoảng kéo dài và gây xói mòn hơn nhiều – một cuộc khủng hoảng niềm tin. Sự xói mòn này đang tác động xấu đến các quốc gia mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào sự năng động và tinh thần sáng tạo được nuôi dưỡng. Nó cũng đặc biệt thách thức các công ty trong hoạt động hằng ngày dựa trên sự trao đổi niềm tin với khách hàng, người tiêu dùng, nhà đầu tư, và những cổ đông quan trọng khác.
Thứ hai, cuốn sách này gắn với thực tiễn. Tôi tin mọi doanh nghiệp trên thế giới ngày nay đều thấy rằng giữ cân bằng thích hợp giữa ngắn hạn và dài hạn là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Tôi nghĩ đáp án đúng là chúng ta cần có sự cân bằng lý tưởng giữa hoạt động và mục đích, cả hai hòa quyện vào nhau để mang lại thành quả. Công ty của tương lai sẽ làm tốt hơn bằng cách tồn tại tốt hơn. Công ty hoạt động dưới sự cho phép của xã hội và vì vậy, phải cho lại một điều gì đó. Làm được như thế, chúng ta thu được niềm tin. Khi có được niềm tin, mọi khả năng trước kia không tồn tại thì nay đều có thể xuất hiện.
Chúng ta cũng phải chăm chút mối quan hệ cảm xúc mà các nhân viên cảm nhận về công ty, vì nếu không có được sự ràng buộc về mặt cảm xúc đó, các công ty không thể vươn đến tiềm năng đích thực của mình. Cốt lõi của mối ràng buộc cảm xúc này là niềm tin.
Cuối cùng, đây là một cuốn sách hành động. Các nhà lãnh đạo ngày nay cần dẫn dắt bằng con tim (tình cảm) cũng như khối óc (lý trí) của mình – bán cầu não phải hòa hợp với bán cầu não trái. Đó mới chỉ là một trong nhiều điều mà cuốn sách này làm tốt – nó chỉ ra những hành động thực tế để các nhà lãnh đạo và tổ chức có thể áp dụng nhằm không ngừng gia tăng niềm tin, giữ cân bằng rủi ro và cơ hội, tính cách và năng lực. Ví dụ, một trong năm hành động mà cuốn sách này gợi ý là “tuyên bố ý định (tốt) của mình… và giả định rằng người khác cũng có ý định tốt đối với chúng ta”. Giả định ý tốt của người khác có lẽ là bài học lớn nhất mà tôi từng học từ cha tôi. Bước giả định đơn giản này là hành động của niềm tin, và nó làm thay đổi đáng kể cách ứng xử trong hầu hết các mối quan hệ.
Cách thức các công ty hoạt động xưa nay có nhiều ưu điểm nhưng cũng lắm nhược điểm. Kết quả là niềm tin bị đánh mất. Chúng ta đang ở ngã ba đường. Khi những nền tảng vững chắc của chúng ta dường như đã bị thay đổi, chúng ta dành ra một khoảng thời gian để suy ngẫm và để tái tạo. Như được đề cập trong cuốn sách này, ngày nay, có nhiều nhà lãnh đạo và tổ chức hiểu và sống trọn vẹn với nguyên tắc đạo đức niềm tin này. Ở PepsiCo, chúng tôi đang nỗ lực để trở thành một công ty như thế. Như mọi công ty có ý định tích cực khác, vấn đề chúng tôi đối mặt là làm cho các tín điều của mình trở nên thật sự rõ ràng và có sức hút, qua đó chúng tôi chọn hành xử một cách có đạo đức.
Chúng ta có thể biến khủng hoảng niềm tin thành một cơ hội lớn, mà Stephen và Greg gọi là “sự phục hưng của niềm tin”. Làm tốt điều này, chúng ta có thể tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa các cơ hội. Để làm được điều đó, mỗi người trong số chúng ta cần bắt đầu từ hành vi của chính mình. Và đó là tất cả những gì cuốn sách này muốn truyền tải đến bạn.
Indra Nooyi
Chủ tịch & CEO, PepsiCo Purchase, New York