Quá trình học nội trú, tôi được chuyển vào ở hẳn trong bệnh viện 24/24 giờ. Những ngày đầu tiên đi trực, khi các anh thế hệ trước chỉ giáo và làm “công tác tư tưởng”, có nhiều lúc tôi có cảm giác mình đang chuẩn bị bước vào một cuộc chiến, vô cùng lo lắng, căng thẳng. Tựu trung lại, ý các anh là học bác sĩ nội trú sẽ rất vất vả, thức đêm hôm, việc gì cũng phải làm, việc gì xảy ra trong viện kể cả chuyên môn lẫn không chuyên môn đều phải biết. Thậm chí, các anh còn bày cho cách “hóng” thông tin từ mọi ngóc ngách bệnh viện để nắm tình hình kịp thời và không để sót. Chừng đó chưa thấm vào đâu, điều khủng khiếp hơn các anh thông báo đó là sẽ không có khái niệm ngủ trong những đêm trực nội trú năm đầu tiên. Ăn uống các anh lo hết, chúng tôi không phải nghĩ, tuy nhiên yêu cầu đặt ra đơn giản thôi, nội trú phải luôn thường trực trong bệnh viện và báo cáo xử lý nhanh nhất những tình huống cấp cứu trong đêm trực cũng như trên các khoa phòng.
Nhớ buổi trực đầu tiên, sáng sớm được các anh phân công phụ trách đón tiếp ban đầu và báo cáo những trường hợp bất thường, ngoài ra chúng tôi chưa được làm gì thêm. Hôm đó, cả ngày chúng tôi chạy xoắn tít, cảm giác tà áo blue còn không kịp chạm vào mông. Thời gian một ngày trôi qua rất nhanh, đêm đến, loanh quanh một hai giờ sáng, lúc bệnh nhân bắt đầu thưa dần, các anh khóa trên đi mổ hoặc lên khoa phòng điều trị, mấy nội trú trẻ chúng tôi sẽ ngồi trông phòng khám, mọi người hay gọi là ngồi canh… miếu. Suốt nửa đêm đến sáng, chúng tôi xem đi xem lại mấy bệnh nhân, thuộc như lòng bàn tay, lúc rảnh hơn, chúng tôi ngồi ở một góc phòng trực và ngắm… kim đồng hồ nhảy tích tắc từng nhịp, cảm giác thời gian trôi thật chậm. Rất buồn ngủ nhưng phải thức, mấy bạn nội trú năm nhất chúng tôi rủ nhau ra căng-tin bệnh viện làm ly café cho tỉnh táo. Café có tác dụng rõ ràng, chúng tôi tỉnh như sáo sau đó, về “canh miếu” lại nét căng. Nhưng cũng chỉ được vài ba tiếng, đến tầm bốn năm giờ đâu lại vào đấy, cơn buồn ngủ tiếp tục kéo về, không đỡ nổi, chúng tôi lại lôi nhau ra căng-tin làm bát mì tôm và bồi thêm ly café nữa. Ngày mới vào viện trực chưa quen, có đêm cao điểm từ một đến bảy giờ sáng, tôi uống tổng cộng ba ly café chỉ để duy trì tình trạng… tỉnh táo cơ bản. Suốt đêm trực, khung thời gian từ năm đến bảy giờ sáng hôm sau là quãng thời gian “khủng khiếp” nhất của chúng tôi, vì dù có thể uống đến hai, thậm chí có đêm ba gói café hòa tan nhưng đến lúc đó cơn buồn ngủ cứ kéo về, ai cũng vật vã đối phó. Vậy nên mới có chuyện mỗi sáng ra đi giao ban, trên trán cậu nào cũng có đám đỏ rực. Ngồi trực buồn ngủ quá đập trán xuống bàn, tỉnh dậy rồi lại ngủ gật gục trán xuống bàn, lặp đi lặp lại vài chục lần trán đỏ rực ngay.
Các anh nội trú khóa trước nghiêm khắc và “kèm” chúng tôi cũng rất sát, chỉ cần “biến mất” vài ba chục phút không báo lý do là các anh í ới lôi về ngay, vậy nên chúng tôi hầu như không có cơ hội ngủ “trộm” được phút nào suốt cả đêm. Có cậu nội trú năm nhất như chúng tôi vì buồn ngủ quá, gần sáng lọ mọ leo lên “nằm ké” giường các anh khóa trước, không nói nhiều, các anh tung chân một phát, cậu rơi oạch xuống sàn. Giọng lạnh tanh và gần như không thèm nhìn xuống, người anh nói như quân lệnh: “Xuống trực ngay”. Không một ý kiến phản ứng gì thêm, cậu lại lút cút xuống trông phòng khám cấp cứu. Thực sự lúc mới vào, chúng tôi cũng đã được các anh cho biết rồi, các em đói rét các anh sẽ lo hết, bỡ ngỡ sai sót trong chuyên môn các anh cũng gánh trách nhiệm và chỉ giáo nhưng làm việc thì phải nghiêm túc, đặc biệt là không được trốn đi ngủ. Lời các anh chúng tôi thấm tận xương và rất ít người vi phạm.
Nội trú năm đầu, ngoài việc chính là trông phòng khám và hỗ trợ các anh làm giao ban, chúng tôi còn được phân công làm tiểu phẫu những ca nhẹ hoặc phụ hai, phụ ba những ca mổ lớn. Ở khoa cấp cứu bệnh viện luôn có riêng một phòng chuyên để thực hiện những ca tiểu phẫu, đó có thể được xem là “thế giới riêng” cho anh em nội trú trẻ, là nơi giúp chúng tôi luyện “kung-fu” khâu vá, bắt đầu từ những ca nhẹ nhất rồi tăng dần trình độ lên những ca phức tạp hơn. Với những ca đầu tiên, nội trú mới luôn được các anh vào hướng dẫn và cầm tay chỉ việc, từ rửa tay đi găng cho đến chuẩn bị kim chỉ, lấy thuốc tê, cách cầm dao kéo, cách đánh giá vết thương và gây tê hiệu quả, rồi cách khâu làm sao tốt nhất cho bệnh nhân… Với đời phẫu thuật viên thì phòng tiểu phẫu chính là những bước đi bỡ ngỡ đầu tiên. Đã không biết bao nhiêu người thầy vĩ đại đi ra và lớn lên từ căn phòng này. Chúng tôi, những bác sĩ nội trú ngoại khoa năm đầu tiên, luôn rất hãnh diện và tự hào.
Có kỷ niệm trong đêm trực, tầm ba bốn giờ sáng, nam thanh niên bị chém chi chít ở lưng vào cấp cứu. Sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính xét nghiệm, bệnh nhân có chỉ định làm tiểu phẫu khâu vết thương và tôi được giao nhiệm vụ xử lý. Vào phòng tiểu phẫu, mở những băng vết thương ở lưng ra, tôi “hoa mắt” luôn. Chằng chịt những vết chém (dù chỉ là phần mềm) đan chéo khắp cả lưng. Nhẩm tính cộng lại theo chiều dài các vết thương tôi áng tầm hơn mét rưỡi, chị điều dưỡng hỗ trợ tôi khâu cũng… lắc đầu ngao ngán, gần sáng rồi được “lĩnh” quả này, hai chị em ăn đủ hết đêm luôn. Giải thích kỹ cho bệnh nhân, dặn chị điều dưỡng chuẩn bị sẵn cơ số lớn thuốc tê, tôi bắt đầu tỉ mẩn khâu từng vết thương. Những mũi khâu đầu tiên, bệnh nhân còn kêu đau làm tôi phải dùng khá nhiều thuốc tê, tuy nhiên sau khoảng hơn ba mươi phút sát khuẩn – tê – khâu vá, gần như bệnh nhân không còn đau nhiều ở lưng nữa, chỉ cảm giác ê ê râm ran. Lúc này, bệnh nhân ngoái lại: “Thôi, bác sĩ không phải tê cho tôi nữa. Cứ khâu luôn cho nhanh!”. Tôi vừa buồn cười vừa thấy hợp lý. Vậy là từ đó, tôi chỉ việc sát khuẩn rồi khâu nốt những vết thương còn lại, không phải mất thêm công đoạn gây tê. Đến lúc kết thúc mũi khâu cuối cùng, đắp gạc băng vết thương, bệnh nhân đã… ngủ say luôn rồi, gọi mấy tiếng mới tỉnh. Lưng tôi mỏi nhừ, thu dọn bàn mổ, cởi găng, bỏ khẩu trang, đẩy cửa bước ra ngoài, trời đã sáng choang, nhìn đồng hồ kim chỉ tám giờ, đêm trực của tôi đã kết thúc như vậy.
Lần khác, biết ngày trực viện nên tôi chuẩn bị tươm tất áo quần và chuẩn bị luôn cả tinh thần chiến đấu cho một ngày dài. Mới sáng sớm hừng hực xuống nhận trực, vừa ngay có bệnh nhân đa chấn thương đẩy thẳng vào phòng hồi sức, máu me be bét đầy mặt. Khám sơ bộ nhận thấy bệnh nhân có chỉ định đặt nội khí quản ngay vì hôn mê, nguy cơ suy hô hấp do tụt lưỡi, trào ngược dịch máu và thức ăn. Tôi cùng mấy nội trú năm thứ nhất “nhảy” vào xử lý, cậu cầm ống hút, cậu cầm đèn pin chiếu, cậu giữ bệnh nhân, tôi hì hục đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân. Bị kích thích vùng họng, bệnh nhân ho một phát rất mạnh, toàn bộ máu me đờm giãi bay thẳng vào mặt tôi và phủ kín gần hết quần áo khẩu trang. Vật lộn một lúc chúng tôi cũng đã làm chủ tình hình, ống thở được đặt xong, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch. Còn tôi, dù sáng sớm quần áo mới tinh tươm nhưng giờ lại phải lụi cụi lên phòng rửa mặt mũi và thay bộ quần áo khác.
Năm thứ nhất nội trú, dù kiến thức và kinh nghiệm ít nhưng chúng tôi rất “máu” xông pha theo kiểu điếc không sợ súng nên cũng nhiều phen toát mồ hôi. Có lần bệnh nhân bị tràn máu và khí trong khoang màng phổi, tôi xung phong vào phòng tiểu phẫu dẫn lưu cho bệnh nhân. Dù đã được các anh khóa trước hướng dẫn và chỉ dạy, nhưng lúc vào thực hiện loay hoay thế nào tôi xác định chưa đúng vị trí đặt dẫn lưu, trộm vía máu và khí vẫn ra, bệnh nhân không đối diện biến chứng gì nguy hiểm. Tuy nhiên ngày hôm sau, khi bác sĩ chuyên khoa tim mạch lồng ngực đi buồng nhìn dẫn lưu tôi đặt mà ngao ngán. Thầy giáo bộ môn, cũng là bác sĩ trong khoa đó còn lấy máy ảnh ra chụp để làm tư liệu “giảng dạy” cho nội trú trong mục… những sai sót cần tránh. Sau vụ đó, tôi lại được thầy gọi lên cho ngồi “uống trà” và nghe “xạc” một trận. Các anh nội trú khóa trước cũng vậy, không biết bao lần bị chúng tôi cho thưởng thức “bưởi rơi vào đầu”. Vì nội trú khóa mới nên khi chúng tôi xử lý bệnh nhân thường ghi tên các anh phía trước để “chống lưng”. Nhiều bệnh nhân chúng tôi xử lý chưa ổn, các thầy xem hồ sơ thấy tên các anh nên bị mắng. Còn chúng tôi, hầu như các thầy ít khi “sờ” đến.
Nhưng nỗi “ám ảnh” của bác sĩ nội trú trong đêm trực đó là bóp bóng bệnh nhân, những ca đẩy thẳng nhà mổ và đi phụ mổ bệnh nhân tắc ruột hoại tử. Hiện nay lượng máy thở khu cấp cứu ở các bệnh viện đã nhiều hơn nên khi có bệnh nhân suy hô hấp, hôn mê không tự thở được, các bác sĩ sẽ lắp hệ thống máy thở hỗ trợ, sinh viên và bác sĩ nội trú vì thế cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, ngày tôi mới vào nội trú năm thứ nhất, lượng máy thở còn ít trong khi bệnh nhân nặng nhiều, vậy nên nội trú năm nhất và sinh viên thường kiêm luôn vai trò là… máy thở: bóp bóng cả đêm. Chúng tôi chỉ việc đứng nguyên một chỗ, ôm quả bóng đã cắm ống thở dẫn khí vào phổi rồi bóp đều đặn theo nhịp thở bệnh nhân, công việc vô cùng tẻ nhạt nhưng lại phải thực hiện liên tục, đều đặn cả đêm, “quên” bóp phát là bệnh nhân hết đường… thở. Chỉ khi bệnh nhân được chuyển đi mổ hoặc có máy thở về, chúng tôi mới kết thúc nhiệm vụ. Có đêm vài nội trú mới như chúng tôi thay nhau đứng bóp ba bốn tiếng, hôm sau cổ tay ai cũng mỏi nhừ.
Khủng khiếp hơn bóp bóng chính là những bệnh nhân phải đẩy thẳng vào phòng mổ. Đó là khái niệm để chỉ những bệnh nhân bị rất nặng, khi vào viện các thông số đe dọa đến mạng sống đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ cần xử lý tối cấp cứu vì mỗi phút giây chậm trễ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn. Thông thường đó là những trường hợp đa chấn thương, bệnh nhân bị vỡ tạng đặc trong bụng (như gan, lách, thận…) gây sốc mất máu, vết thương xuyên vào tim… Với những trường hợp đẩy thẳng, hầu hết các thăm dò xét nghiệm sẽ chưa kịp thực hiện, ngay khi đến phòng khám cấp cứu, qua thăm khám đánh giá ban đầu, các bác sĩ sẽ chỉ định đẩy thẳng nhà mổ. Ngay lúc đó luôn có một ê-kip bác sĩ và điều dưỡng “ốp sát” bệnh nhân để chuyển ngay vào khu phẫu thuật. Những thủ thuật và thủ tục như lấy máu xét nghiệm, đặt đường truyền, khai thác bệnh cảnh tai nạn, giải thích gia đình… đều được thực hiện song song trong quá trình vận chuyển bệnh nhân để đảm bảo không có quãng thời gian “chết”. Cùng thời điểm, phòng mổ nhận được thông báo ngắn gọn “có bệnh nhân đẩy thẳng”, ê-kip gây mê – hồi sức lập tức “hình thành” để tiếp đón bệnh nhân ngay khi bệnh nhân vào đến. Với những trường hợp đẩy thẳng, mọi ưu tiên xử lý cấp cứu sẽ được áp dụng. Từ bác sĩ, phòng mổ cho đến hệ thống trang thiết bị máy móc… với mục đích cuối cùng là cứu được bệnh nhân. Phẫu thuật xử lý những ca đẩy thẳng thường kéo dài rất lâu, có thể có nhiều tổn thương phối hợp nên một số trường hợp có nhiều ê-kip phẫu thuật thay nhau xử lý, chỉ duy nhất bác sĩ nội trú “bám trụ” với bệnh nhân từ đầu đến cuối cùng. Chưa hết, những trường hợp như vậy sau mổ chúng tôi còn phải theo dõi liên tục để kịp thời báo cáo tua trực cập nhật kịp thời nhất tình trạng diễn biến của bệnh nhân. Mỗi ca đẩy thẳng tuy mất rất nhiều sức lực và căng thẳng nhưng lại mang đến cho chúng tôi rất nhiều những kinh nghiệm quý báu. Có những đêm, kết thúc ca mổ đẩy thẳng lúc hai ba giờ sáng, dù mệt nhưng kíp mổ vẫn ra căng-tin uống chén trà nóng, làm bát mì tôm và ngồi bàn luận rút kinh nghiệm, dạy dỗ nhau qua từng tình huống cụ thể. Đó là những quãng thời gian gắn bó và chúng tôi học được thật nhiều. Các thầy, các anh khóa trên nhiệt tình, trách nhiệm còn chúng tôi thì như những chú cá con đói mồi, “nuốt” từng lời chỉ bảo và luôn ghi chép cẩn thận. Những đêm như vậy, thời gian như vô nghĩa. Hai, ba hay năm sáu giờ sáng, chúng tôi đều không quan tâm, ai cũng vui vì những điều thực tiễn đã thu lượm được.
Tham gia mổ hữu trùng những ca tắc ruột cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong đời nội trú. Vì bệnh nhân tắc ruột nên lúc mổ luôn có động tác xử lý “chất thải” trong lòng ruột, làm xẹp ruột và lập lại lưu thông đường tiêu hóa. Những lúc như vậy, cả phẫu trường lẫn phòng mổ luôn nồng nặc mùi phân, găng tay áo mổ ai cũng bốc mùi khủng khiếp. Kết thúc ca phẫu thuật, nội trú hầu như ít được về phòng tắm rửa ngay nên thường chỉ rửa tay, sát khuẩn rồi thay tạm áo quần để còn ra trực tiếp nên chỉ cần ngửi mùi là biết ngay đồng chí nào vừa phụ mổ tắc ruột.
Trực thức đêm rất mệt nên thường sáng ra, đầu tóc chúng tôi cậu nào cũng rối bù lên, mồ hôi nhớt khắp người. Dã man nhất là trực đêm hôm trước hôm sau lại còn “được” khoa phòng phân công đi phụ mổ, mệt đỉnh của đỉnh luôn. Mỗi lần như vậy, người chúng tôi cứ đơ đơ. Cũng may chỉ là phụ hai, phụ ba (phụ trách kéo van, cắt chỉ, cầm chân…) nên đỡ vất vả và căng thẳng hơn.
Năm thứ nhất nội trú, tôi được phân công đi học phẫu thuật gan mật đầu tiên. Đây là khoa thuộc nhóm “khủng nhất” của anh em nội trú vì các thầy rất nghiêm khắc, bệnh lý phức tạp, các ca mổ thì toàn kéo dài hơn nửa ngày, đi phụ mổ mệt rã rời. Có lần đi mổ, tôi được “tin tưởng” cho lên mở bụng trước. Bệnh nhân bị sỏi mật tái phát nên rất dính, tôi to te lính mới chưa có kinh nghiệm trong khi độ “hăng máu nhiệt tình” lại rất cao. Được giao “trọng trách”, tôi hì hục mở bụng, rạch qua lớp da thấy thành bụng dính nhiều, phẫu tích mãi cũng chẳng phân biệt rõ các cấu trúc giải phẫu. Rất cẩn thận, tôi nhẹ nhàng gỡ từng tý một. Rồi, xoẹt dao điện một cái, một cái lỗ tương đối sâu xuất hiện trong phẫu trường. Đầu tiên tưởng đã vào được ổ bụng, ai ngờ nhìn kỹ lại tôi mới biết là lòng… đại tràng. Mặt cắt không ra giọt máu, tôi đứng như trời trồng, đắp gạc chờ thầy lên. Suốt ca mổ đó, tôi được nghe bài “ca nhạc” bất đắc dĩ từ thầy đến cả chục lần, khiếp đến già.
Vất vả là vậy nhưng một trong những điều nội trú thích trực cấp cứu là được nhận tiền… quá tải. Thông thường, cả tua sẽ mổ trên dưới hai mươi lăm bệnh nhân, nhưng khi số lượng ca mổ vượt một ngưỡng nào đó, bệnh viện sẽ có khoản tiền nho nhỏ “động viên”. Vậy là hôm sau, anh em nội trú lại được đi ăn sáng tươm tất hơn.
Trong bệnh viện, nội trú là lính mới nhưng với sinh viên Y, nội trú lại rất oách. Thông thường đêm trực nào cũng có một vài nhóm các bạn sinh viên năm thứ ba, thứ tư hoặc thứ sáu đi trực cùng. Về thực hành lâm sàng, chính những đêm trực là quãng thời gian sinh viên học được nhiều nhất. Và người “thầy” gần gũi nhất chính là những bác sĩ nội trú như chúng tôi. Thông thường trước mười hai giờ đêm, bệnh nhân tai nạn vào rất đông nên ai cũng lo xử lý cấp cứu, chỉ đến một hai giờ sáng vắng bệnh nhân, chúng tôi mới “lôi” sinh viên ra giảng dạy. Để không làm các bạn ngáp ngủ lúc nghe giảng, tôi thường rủ sinh viên ra căng-tin bệnh viện, “mời” các em sinh viên vừa uống trà ăn kẹo lạc rồi nghe giảng bài. Thỉnh thoảng, tôi còn phải pha trò cho các bạn ấy cười để đỡ buồn ngủ và thông thường buổi giảng kết thúc lúc ba, bốn giờ sáng gì đó. Sau những lần như vậy, dù rất mệt nhưng thực sự lòng tôi luôn có một niềm vui lớn khi nghĩ về các em sinh viên, những người đồng nghiệp tương lai, những người thầy thuốc như mẹ hiền. Ngoài chuyên môn, tôi cũng thường chia sẻ với các em sinh viên những vấn đề ngoài chuyên môn mà một người thầy thuốc cần phải có, ví dụ như kỹ năng giải thích cho bệnh nhân, sự cảm thông và cách xoa dịu nỗi đau với những bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong, thấu hiểu được cả với hoàn cảnh gia đình, kinh tế của mỗi bệnh nhân điều trị… Giảng cho sinh viên xong, thường tôi về khoa phòng sau cùng. Có những đêm mùa đông giá lạnh, đi dưới ánh đèn vàng héo hắt, dọc con đường trong viện vắng tanh, gió lạnh thổi buốt vào mặt, lòng cũng đầy tâm tư và suy nghĩ…
Năm đầu tiên nội trú, ngoài việc chính là trông phòng khám, làm tiểu phẫu và phụ mổ, chúng tôi còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là “cắp sổ” theo các anh khóa trước đi giao ban. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính “sống còn”, là “bộ mặt” của tua trực trước ban lãnh đạo bệnh viện vào ngày hôm sau nên các bác sĩ trong tua trực hết sức quan tâm và tạo mọi điều kiện ưu tiên hoàn thành. Mỗi ngày đêm ở bệnh viện Việt Đức đón tiếp và xử lý cấp cứu hàng mấy trăm bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân gãy xương bó bột, có bệnh nhân mổ cấp cứu, có những bệnh nhân nữa vì quá nặng thì gia đình xin về hoặc tử vong. Toàn bộ những thông tin đó kết hợp với bệnh nhân diễn biến bất thường trong các khoa phòng, thậm chí cả những ý kiến phàn nàn, bức xúc của người nhà bệnh nhân, trộm cắp kiện tụng… bác sĩ nội trú làm giao ban phải nắm hết. Không chỉ nắm hết mà còn phải thuộc lòng bàn tay để sáng hôm sau giao ban bệnh viện, giám đốc hỏi còn biết và báo cáo. Nói như vậy để mọi người hiểu được lượng thông tin và khối lượng công việc bác sĩ nội trú giao ban phải làm suốt cả đêm trực lớn đến mức nào. Vì lý do đó, mỗi tua trực sẽ có vài bác sĩ nội trú khóa mới như chúng tôi được phân công đi theo gọi là phụ việc và ôm sổ “điếu đóm” cho một anh bác sĩ nội trú khóa trên làm giao ban.
Có lần chúng tôi được phân công vào phòng mổ chụp vết thương và chụp cả một phần chân bệnh nhân cắt cụt vì dập nát do không còn chỉ định bảo tồn. Vì chưa biết nhiều nên chúng tôi vào hơi muộn, phần khúc chi cắt cụt đã được phòng mổ chuyển xuống khoa đại thể. Hoảng quá vì chưa có tư liệu báo cáo giao ban, mấy chúng tôi đành dùng đèn pin xuống lục khắp kho ở khoa giải phẫu bệnh để tìm cho ra khúc chân vừa cắt rời, tìm mãi rồi cũng ra. Chúng tôi lại hì hục “bày biện” lên tấm toan trải làm sao cho “đẹp mắt” nhất lúc chụp để ngày mai còn báo cáo giao ban. Một lần khác, thường đến sáu giờ sáng, mọi việc báo cáo giao ban trong máy tính phải “hòm hòm” rồi. Nhưng hôm đó chẳng hiểu sao đến quá sáu giờ, công việc giao ban vẫn đang ngổn ngang, anh nội trú giao ban như ngồi trên đống lửa. Chúng tôi gọi là “cháy” giao ban. Khỏi phải nói những lúc như vậy, chúng tôi chạy xoắn lên khắp viện để xem lại mạch, huyết áp bệnh nhân này, tình trạng dẫn lưu hay vận động tay chân của bệnh nhân kia… với mong muốn cập nhật kịp thời nhất cho anh nội trú giao ban nắm rõ để tổng hợp trước khi lên gặp giám đốc báo cáo. Có những lần thì thoát, nghĩa là báo cáo giao ban êm đẹp, giám đốc và các thầy không có ý kiến gì. Tuy nhiên cũng có lần, giao ban không đầy đủ và kịp thời, anh em tua trực bị giám đốc “xạc” cho trận, thỉnh thoảng còn bị “dọa” treo dao, gác kiếm. “Treo dao” là khái niệm chỉ dùng cho những ai làm phẫu thuật viên, khi bị mắc một lỗi gì đó nghiêm trọng, giám đốc bệnh viện thường phạt bằng cách cho nghỉ mổ một thời gian, chúng tôi gọi đó là “treo dao”. Những lần như vậy, hôm sau anh em bác sĩ tua trực lại ngồi bên nhau rút kinh nghiệm và động viên, chúng tôi ít tuổi nhất thì chủ yếu ngồi làm “bị thịt” cho các anh khóa trên xả giận. Phân tích, mắng nạt chán chê, các anh lại lôi chúng tôi ra khu phố cổ gần viện uống chai bia mát rồi về viện nghỉ ngơi, lấy sức cho những buổi trực tiếp theo, anh em nội trú gọi là đi “giải đen”. Rồi một trong những ngày vui nhất của bác sĩ nội trú cũng đến, đó là lễ “quăng sổ”. Nghĩa là những bác sĩ cuối năm thứ hai hoặc năm cuối sẽ không phải cắp sổ đi làm giao ban báo cáo trước toàn viện nữa, mà được ưu tiên tập trung cho việc đi mổ và hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Đó thực sự là niềm vui vô bờ bến của những ai là nội trú ngoại, vì công việc giao ban là công việc hành chính, tốn rất nhiều thời gian cũng như chịu nhiều áp lực. Với tất cả nội trú ngoại, niềm yêu thích nhất vẫn là phẫu thuật nên ngày “quăng sổ” thường chúng tôi tổ chức liên hoan rất to với nhau, và kể từ sau ngày đó, chúng tôi được làm việc với những điều mình yêu thích nhất, đó là đi mổ.
Với bác sĩ nội trú, ngoài việc trực cấp cứu là những buổi “nặng gánh” nhất thì việc điều trị trên khoa phòng cũng phải kiêm luôn. Một khoa phòng có dao động từ sáu mươi đến một trăm bệnh nhân, mỗi người mỗi bệnh cảnh, nhưng bác sĩ nội trú đều phải biết hết và phải biết chắc chắn. Bệnh nhân này đêm qua sốt cao, bệnh nhân kia đường máu cao, vết mổ bệnh nhân này thấm dịch, đêm qua bệnh nhân kia suy hô hấp… tất cả mọi diễn biến của bệnh nhân trong đêm, gần như bác sĩ nội trú sẽ là người biết và xử lý đầu tiên. Do lượng công việc quá nhiều nên thường các bác sĩ nội trú chúng tôi sẽ lựa chọn “ăn ngủ” tại khoa luôn cho tiện, có diễn biến bất thường gì của bệnh nhân trong đêm thì chạy ra cho nhanh, sáng hôm sau cũng dậy sớm nắm bệnh nhân cho dễ để báo cáo các thầy. Chỉ vài hôm, khi áo quần tóc tai “quá hạn sử dụng” thì chúng tôi mới lọ mọ về phòng riêng của mình ở khu dành cho nội trú để “tổng vệ sinh” một lần.
Trong các khoa phòng nội trú phải đi trực có khoa CẤP CỨU TIÊU HÓA, đây được mệnh danh là khoa “khủng” nhất nhì ở viện về lượng bệnh nhân nặng cần phải theo dõi và xử lý trong đêm. Hầu hết bệnh nhân vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận, tắc ruột, đa chấn thương, xuất huyết tiêu hoá… đều sẽ vào nằm và theo dõi, điều trị ở đây. Do làm việc trong môi trường tối cấp cứu như vậy nên các anh chị điều dưỡng ở khoa đó cũng vô cùng chuyên nghiệp. Có lần tôi vừa rời khoa về phòng nội trú được loanh quanh mười phút đã nhận được tin báo của điều dưỡng trên khoa về diễn biến bất thường của bệnh nhân, khoác vội chiếc áo blue chạy lên, chỉ trong tích tắc hầu hết những công tác chuẩn bị và sơ cứu ban đầu đã được các chị điều dưỡng thực hiện. Thở oxy, đặt đường truyền trung tâm, lấy máu xét nghiệm cấp cứu, bù dịch… tất cả đã đâu vào đấy. Chứng kiến hình ảnh đó tôi vừa học hỏi được rất nhiều lại vừa thấy tự hào về bệnh viện. Thực sự được trải nghiệm trong những môi trường “đẳng cấp” như vậy, bệnh nhân sẽ rất an tâm và ít nhiều thấy mình còn may mắn.
Thời gian cứ trôi đi, những trải nghiệm với người bệnh và cuộc sống dần giúp tôi trở thành một người thầy thuốc, dù còn rất trẻ. Trong dòng chảy sống động của nghề Y, ở nơi mà niềm vui của những bệnh nhân tai qua nạn khỏi có thể bị xóa mờ ngay trong chớp mắt bởi tiếng khóc hay những dòng nước mắt của những người xấu số, của những mảnh đời bất hạnh, tôi không thể diễn tả bằng những ngôn từ văn học mà chính những câu chuyện nghề sẽ nói lên tất cả. Ở đó, có những câu chuyện thấm đẫm nước mắt, có những câu chuyện sinh tử để qua đó, ta thấy được cuộc sống này thật mỏng manh, có những câu chuyện lay động lòng người và cả tính nhân văn cao đẹp. Có những câu chuyện mang năng lượng lan tỏa và truyền cảm hứng, có những câu chuyện gợi cho ta về nhân sinh cuộc sống, về lòng từ bi và cả về những ý nghĩa của cuộc đời này.
Trân trọng gửi đến bạn đọc những câu chuyện nghề như vậy…