Tạm biệt ông bà, cha mẹ, tạm biệt quê hương, tôi ra thủ đô nhập học. Tất cả đều ngỡ ngàng, kể cả ông bà, cha mẹ cũng chưa một lần ra thủ đô, nói gì đến tôi. Khác với những lần ra thị xã ôn thi, lần này chính xác tôi là Đông Ki lên thành phố. Tay xách nách mang cập bến xe khách Hà Nội, vừa thấy tôi đã có sơ sơ gần chục bác xe ôm ùa đến, chào hỏi và đỡ hành lý cho tôi như thể là “chỗ anh em” lâu ngày gặp lại. Tôi ngây thơ nghĩ ở thành phố mọi người còn thân thiện và giúp đỡ nhau nhiều hơn làng quê, trái với những lời dặn dò của mọi người trước khi đi. Các bác mỗi người một phần hành lý rẽ theo các hướng khác nhau, tôi ngơ ngác không biết theo ai. Rồi tôi cũng nhận ra, mọi người nhiệt tình vì muốn tôi đi xe ôm của họ. Sau khi chốt ngồi lên xe một bác trung tuổi, bác chuyển bánh chở tôi về trường Đại học Y. Thực sự đó là lần đầu tiên tôi cảm giác mình cần một nơi “nương tựa” theo đúng nghĩa đen. Đường rất đông nhưng bác phóng vèo vèo, để đi nhanh hơn bác lại còn chọn đi tắt vào những ngõ rất hẹp, ở quê tôi chẳng bao giờ có những con ngõ như vậy. Còi bấm liên tục, đèn đỏ hầu như không có tác dụng với bác. Dù là thanh niên con trai đàng hoàng nhưng hai tay tôi ôm chặt vào lưng bác không rời nửa giây, vì tôi biết chỉ cần lỏng tay trong một tích tắc, có thể tôi phải trả giá bằng việc bay ra khỏi yên xe sau khúc cua gấp hoặc qua một ổ gà trên đường. Dường như biết tôi từ quê ra và đang run bần bật, bác lại càng phóng nhanh để thể hiện nhiều hơn, tôi chỉ biết nhắm mắt khấn trời phật khi những pha “nguy hiểm” sắp đến. Cuối cùng, tôi cũng đến được cổng trường Đại học Y Hà Nội an toàn.
Lần đầu tiên đứng trước mái trường Đại học Y danh giá với 100 năm truyền thống và biết rằng sáu năm tới mình sẽ gắn bó ở đây, mình sẽ là một phần của nơi này, sẽ trở thành bác sĩ, cảm giác tự hào xen lẫn hồi hộp xâm lấn tôi. Tôi nghĩ về ông bà nội và cha mẹ ở quê, tôi biết ở làng quê nghèo xa xôi, ông bà, cha mẹ và cả anh chị cũng đang tự hào và gửi gắm ở tôi rất nhiều những niềm tin hy vọng. Cả con đường dài đang chờ tôi phía trước.
Tuy có bỡ ngỡ ban đầu nhưng việc hòa nhập của một “Đông Ki” ra phố không phải là vấn đề nghiêm trọng lắm dù tôi không có họ hàng thân thích ở bên cạnh. Vấn đề chính là nỗi nhớ nhà. Nó làm cho tôi chỉ muốn bỏ ngay Hà Nội để về nhà ông bà nội, về với cuộc sống nông thôn yên bình chậm rãi, tuy có nghèo khó, vất vả nhưng ấm áp, ông bà các cháu có nhau. Ngày đó tôi còn thầm hứa với lòng mình, sau khi tốt nghiệp trường Y, dù thế nào cũng sẽ về quê hương làm việc để được gần với mọi người hơn. Nhưng rồi, thời gian giúp mỗi người chúng ta trưởng thành và thời gian cũng làm con người vơi đi nỗi nhớ. Vậy nên sau này khi tốt nghiệp trường Y, tôi học tiếp nội trú rồi ở lại Hà Nội công tác đến tận bây giờ và chính thức xa cuộc sống quê hương từ ngày ấy.
Năm thứ nhất trường Y, chúng tôi may mắn là khóa thứ 100 của nhà trường. Kỷ niệm dịp này, nhà trường cho nghỉ học và mở hội rất to, tổ chức cắm trại mấy ngày liền, quay ba bốn con bò cho sinh viên ăn no căng bụng. Gần đến dịp lễ, biết nhà trường cho nghỉ học nên tôi xin phép về quê thăm ông bà, không ở lại tham gia lễ hội. Quyết định của tôi thuộc dạng hiếm hoi trong số các bạn sinh viên ngày ấy, vì hầu hết ai cũng háo hức để được tham dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập của nhà trường. Thực sự không phải vì tôi không yêu mến tự hào về mái trường đang theo học, nguyên nhân chính đó là nỗi nhớ nhà quá lớn trong tôi, nó lấn át đi mọi cảm xúc và hoạt động khác. Biết thông tin đó của tôi, anh chủ tịch hội sinh viên đến tận phòng ký túc xá động viên ở lại, anh chia sẻ không phải ai cũng có cơ hội được tham dự một sự kiện tuyệt vời như vậy, 100 năm mới có một lần, khóa tôi lại là khóa 100 của nhà trường, rất tự hào. Dù anh ra sức thuyết phục thì lòng tôi cũng đã quyết, vì tôi biết ông bà nội cùng mấy em ở nhà đang rất nhớ tôi, tôi không thể không về. Vậy là tôi lên đường về quê lần đầu tiên sau khi ra Hà Nội nhập học, bỏ lại sau lưng một tuần rực lửa của sinh viên nhà trường.
Khởi đầu năm học Y1 (năm thứ nhất sinh viên Y), nhà trường tổ chức gặp mặt tân sinh viên. Thầy hiệu trưởng ngày đó dặn dò gửi gắm rất nhiều, ý thầy là tân sinh viên vào Y1 có nhiều bạn học rất giỏi, là những người đạt giải vàng quốc tế, thủ khoa quốc gia, điểm thi đại học tuyệt đối… Tuy nhiên, thầy yêu cầu các bạn cần để tất cả những “vinh quang” đó ở lại phía sau và bắt đầu một hành trình mới. Và ở hành trình mới này, điểm xuất phát của mọi người là như nhau, đều là số không tròn trĩnh. Chính câu nói đó của thầy hiệu trưởng đã làm tôi tự tin lên hẳn, tôi không thấy mình bị “cóng” trước giải thưởng của các bạn và quan trọng hơn, tôi cảm nhận cơ hội của tôi ngang bằng các bạn trong sáu năm học tới. Sau buổi gặp gỡ đó, tôi ít lo lắng suy nghĩ hơn và bắt đầu chuyên tâm vào học. Những tháng ngày mài đũng quần trên ghế giảng đường của tôi cũng bắt đầu từ đây.
Là sinh viên hiếm hoi được miễn hoàn toàn học phí cả sáu năm học vì hộ khẩu thuộc diện “vùng núi rẻo cao” nên cha mẹ cũng đỡ vất vả nặng gánh tiền học cho tôi. Để tiết kiệm thêm, tôi đăng ký và ở suốt sáu năm học trong ký túc xá nhà trường mà không thuê trọ ở ngoài. Sau này nhìn lại tôi thấy quyết định của mình đúng đắn, ở ký túc xá vừa an toàn vừa không buồn, kinh phí rất thấp lại được lên giảng đường học buổi tối. Đặc biệt hơn, khi ở ký túc xá, tôi gần như hạn chế được nguy cơ đi chơi lung tung và nghiện chơi điện tử. Sân trường có sân bóng đá, sân bóng rổ nên cứ chiều về tôi tha hồ chơi với các bạn và thể thao chính là “cứu cánh” giúp tôi lấy lại được cân bằng lẫn sức khỏe suốt sáu năm học hành trường Y căng thẳng. Là sinh viên Y, một ngày của tôi cũng như của bao bạn khác: buổi sáng cắp sách lên giảng đường học lý thuyết hoặc đi học lâm sàng ở bệnh viện, buổi chiều lại lên giảng đường học tiếp hoặc thực tập trên xác người, trên chó hoặc trên ếch. Buổi tối hoặc là đi trực cấp cứu bệnh viện hoặc là lại lên giảng đường và tự học. Tôi thích cảm giác buổi tối ăn xong mang cặp sách lên giảng đường. Một vì lượng kiến thức trong trường rất nhiều kèm theo hầu hết sinh viên Y chăm học nên trời chưa kịp tối nhưng các giảng đường đã lác đác sinh viên lên tự học, đến tầm 7 giờ tối thì hầu hết các giảng đường kín chỗ, bạn nào lên muộn chỉ còn nước quay về ôn tại phòng ký túc xá. Biết tình trạng đó, vào mùa ôn thi tôi thường kết thúc sớm buổi chơi thể thao rồi về ăn tối rất nhanh để còn lên giảng đường cho kịp. Tôi thường chọn cho mình những hàng bàn ghế đầu tiên, cơ bản là vì tôi muốn mình ngồi ở vị trí luôn lọt vào “tầm ngắm” của những người ngồi sau, như vậy mình sẽ luôn cần tập trung vào việc học và tránh làm những việc không cần thiết. Hầu hết các bạn lên học nghiêm túc nhưng tôi biết có những bạn lên giảng đường buổi tối theo phong trào, đặt sách vở giáo trình lấy chỗ rồi ra ngoài trà đá, nhân trần và chém gió, gần mười giờ rưỡi đêm lại lút cút vào ôm sách vở ra về. Những ngày ấy, tôi cũng thường là một trong những nhóm sinh viên ra về cuối cùng. Lý do cơ bản là vì tôi muốn học xong trên giảng đường để sau đó về ký túc xá không phải học nữa, thay vào đó tôi ôm quả bóng rổ rủ một số bạn ra sân chơi. Chơi thể thao buổi tối có những thú vị riêng: không ồn ào đông đúc, không ai soi ngắm, lại có được không khí trong lành.
Trong cuốn sách nổi tiếng Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm của huyền thoại tập đoàn Daewoo, ông Kim Woo Chung, lúc nói về tuổi trẻ gian khó của mình, ông có viết: “Khi còn đi học nhà rất nghèo và tôi thường đi bộ rất xa từ trường học về nhà. Ngày ấy, dù nghèo về vật chất nhưng tôi không thiếu những ước mơ. Tôi vẫn không thể quên cái cảm giác nhiệt huyết căng tràn trong lồng ngực khi bước ra khỏi thư viện vào lúc nửa đêm hay khi bất chợt ngước nhìn lên bầu trời đầy sao trong lúc rảo bước về nhà trên quãng đường xa lắc. Dường như cả thế giới này là của riêng tôi. Mà không, tôi có cảm tưởng như mình có thể ôm trọn cả vũ trụ trong vòng tay. Tôi có cảm giác mình có thể làm được mọi việc và không có gì là không thể”. Khi đọc đến đoạn đó, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh của mình những năm tháng đại học, dù tôi với ông ấy là hai con người có vị trí và tầm vóc khác nhau.
Có nhiều đêm mùa đông lạnh buốt, tôi thường rời giảng đường rất muộn, cả con đường về vắng tanh. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đêm và mơ ước, những ước mơ không quá rõ ràng nhưng rất khát khao và tràn đầy sức trẻ, cảm giác ôm trọn cả bầu trời trong vòng tay. Tôi đã nuôi dưỡng những ước mơ đó hằng đêm và lấy nó làm niềm vui, làm động lực cho riêng mình. Sau này nghĩ lại tôi vẫn luôn thầm cảm ơn những năm tháng đó, chính khó khăn, vất vả đã giúp tôi thấy được giá trị của ước mơ, vì bất cứ ai biết nuôi dưỡng và theo đuổi những giấc mơ thì không ai gọi là nghèo cả.
Đời sinh viên Y khoa có nhiều kỷ niệm, trong đó những đêm trực cấp cứu ở bệnh viện là một phần không thể thiếu. Có lần, năm đó tôi sinh viên Y3 mới ti toe đi trực viện, được phân công “canh” khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai. Ngày ấy khoa nằm ở tầng cao của tòa nhà to nhất viện, ngăn cách giữa hai dãy buồng bệnh là khoảng không gian trống (giếng trời) để tạo độ thoáng cho các tầng. Vào mùa đông gió lùa qua đó thổi vào các buồng rất lạnh. Đêm trực, thường loanh quanh nửa đêm đến một hai giờ sáng nếu không có bệnh nhân nặng cấp cứu, sinh viên sẽ vào mượn các chị điều dưỡng tấm ga mỏng để đắp và giường ngủ chính là chiếc bàn hành chính để giữa khoa, nơi mà gió gần như lùa qua liên tục cả đêm vì không có gì che chắn. Hôm đó thấy bệnh nhân tạm ổn, mượn chiếc ga cùng một tấm chăn mỏng, hạ bớt ánh đèn, tôi bò lên chiếc bàn lim dim. Đêm mùa đông lạnh và vắng, hầu như các bệnh nhân đều đã ngủ say hoặc ít nhất cũng nằm yên, chỉ còn tiếng gió rít nhẹ đâu đó quanh tòa nhà và những cơn gió đó cũng lướt qua nơi tôi nằm, lạnh lẽo. Bỗng có mấy ngón tay sờ vào chân tôi, lạnh toát. Tôi giật mình mở mắt, trong ánh đèn mờ mờ, đứng sát tôi là bóng một ông cụ rất già, đứng yên lặng như trời trồng, khuôn mặt đang nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi choàng tỉnh, trong khoảnh khắc chắc hồn lìa khỏi xác. Thấy tôi bật dậy ông mới từ từ nói, ý ông là chai truyền dịch của người nhà đã hết, mong bác sĩ đến thay hoặc rút đường truyền cho bệnh nhân. Toát hết mồ hôi, tôi bật đèn sáng choang và ngồi định thần một lúc mới thở êm trở lại được, tim vẫn đập thình thịch, lọ mọ ra thăm bệnh nhân. Quay trở lại chỗ nằm, tôi chọn giải pháp thức và không… tắt đèn.
Cũng nhờ chăm chỉ lên giảng đường và cày cuốc như hồi ôn thi học sinh giỏi quốc gia, kết thúc kỳ học đầu tiên của trường Y, tôi tổng kết đạt điểm giỏi và nhận học bổng một trăm tám mươi ngàn. Vào năm 2002 thì số tiền đó là một khoản rất giá trị. Lên nhận học bổng tháng đầu tiên, tôi nghĩ ngay đến ông bà nội và những đứa em họ còn bé tí đang ở nhà, mong nhớ từng ngày. Viết một lá thư gửi về để ông bà yên tâm, trong thư tôi để toàn bộ số tiền học bổng nhận được và thêm hai mươi lăm ngàn nữa để vừa đủ hai trăm lẻ năm ngàn. Tôi ghi rõ: “Cháu Khánh gửi về biếu Ông Bà Nội hai trăm ngàn tháng học bổng đầu tiên để Ông Bà mua thức ăn và gửi năm ngàn về cho các em mua kẹo”. Nhận được thư, biết tin cháu vẫn bình an, ông bà nội tôi mừng vui lắm. Ông đi khoe khắp cả xóm, ông còn viết một lá thư gửi ra cho cháu, những lời nhắn gửi hỏi thăm làm tôi thấy ấm áp vô cùng, tôi cất giữ lá thư như cất giữ tấm bùa hộ mệnh và thỉnh thoảng lại mở ra xem cho vơi nỗi nhớ nhà.
Năm thứ ba đại học, qua cha mẹ chia sẻ tôi biết ông nội muốn có một đôi giày, bao năm tháng vất vả cơm còn không đủ ăn nên chưa một lần ông có đôi giày mới để đi. Biết vậy nên năm đó tôi quyết tâm học tập để cuối năm nhận học bổng, có tiền mua giày tặng ông. Nhưng rồi một nỗi buồn lớn kéo đến, ông nội phát hiện bị ung thư phổi. Ngày ấy học Y nhưng mới năm thứ ba nên tôi chẳng biết gì nhiều, chỉ biết đưa ông ra Hà Nội và ba cha con ông cháu lay lắt hết viện này qua viện khác. Mọi sự cố gắng của Y học và của cả gia đình giúp ông tôi sống thêm được sáu tháng, ông nội mất khi tôi học năm thứ ba Đại học Y. Thời điểm đó là những chuỗi ngày đau buồn và mất mát rất lớn của cuộc đời tôi.
Ngày bé, tôi là một trong những đứa cháu ngoan và chăm chỉ vấn thuốc lào cho ông hút nhất. Tôi làm việc đó hăng say và ngây thơ vì chỉ biết rằng mỗi lần vấn thuốc cho ông, ông rất vui. Sau này ông mất vì chính căn bệnh liên quan đến khói thuốc, tôi mới đủ kiến thức để hiểu được việc mình đã làm. Ngày ông chuẩn bị ra đi, cả đại gia đình chỉ mong chờ mỗi tôi trở về để ông gặp lần cuối. Tôi quên hết việc học, cắt phép và về với ông. Những năm tháng ông cháu bên nhau rồi cũng đến lúc ly biệt, cả đất trời quê hương sầu buồn đưa tiễn ông. Sau ngày ông mất một thời gian, cứ mỗi trưa tôi ngủ ở trường Y là lại mơ về hình ảnh quê nhà, mơ về hình ảnh ông nội như đang đứng đó, trước hiên nhà chờ cháu đi học về. Mỗi lần như vậy, tỉnh giấc lúc nào hai gò má tôi cũng hai hàng nước mắt ướt đẫm, tôi thấy nhớ và thương ông vô cùng. Cuối năm học đó, gom góp đủ tiền về quê mua đôi giày mới, mang ra bên mộ, tôi ngồi tâm sự với ông rất lâu. Món quà cháu mang về tặng ông đây rồi nhưng ông không còn nữa. Bao năm ông không có dép để đi, cháu mua được đôi giày mới thì ông đã không còn, ông chưa một ngày được đi đôi giày cháu tiết kiệm tiền học bổng mua tặng cho ông. Trong ánh chiều tà, tôi một mình lặng lẽ khóc bên mộ ông.
Bao năm trông chờ cây lúa không cải thiện được cuộc sống, để thay đổi, nhà chú tôi bắt đầu nuôi ếch kinh doanh. Đến mùa thu hoạch, ếch cho sản lượng cao tuy nhiên ở nhà không có nơi tiêu thụ, cơ sở thu mua ít, đầu ra khó khăn. Để tìm lối thoát, chú gọi điện ra nhờ tôi liên hệ xem có mối nào nhập ếch ở Hà Nội giúp chú. Thương chú mự vất vả quanh năm, đến ngày thu hoạch lại không bán được, tôi thu xếp việc học hành rồi rong ruổi đi khắp các chợ đầu mối quanh Hà Nội tìm kiếm nơi tiêu thụ. Thực sự cô bác kinh doanh các chợ đầu mối khi nhìn thấy tôi ngơ ngác kèm nói giọng đặc sệt xứ Nghệ đến liên hệ, chẳng ai buồn tiếp chuyện, họ cũng không có chút niềm tin nào nơi tôi, thử mấy nơi kết quả đều tương tự như vậy. Không bỏ cuộc, tôi bảo chú cứ gửi ra mấy yến trước, tôi sẽ mang ếch đến các chợ và “chào hàng” tươi sống luôn, vậy là chú gửi xe khách ra. Sáng sớm hôm đó, tôi cùng người bạn đại học đến bến xe lúc trời chưa sáng để đón hàng ếch trong quê gửi ra. Thuê một xe ba gác thương binh, chúng tôi áp tải ếch ra chợ đầu mối phía Nam rao bán. Xui thế nào, trên đường đi một số ếch lọt khỏi thùng xốp, nhảy xuống đường, tôi với cậu bạn chạy xe máy theo sau xe bác thương binh thấy vậy liền vội quăng xe, nhảy xuống để cùng nhau vây đuổi và bắt ếch dọc cả con đường. Giờ nghĩ đến hình ảnh mấy bác sĩ tương lai chạy đuổi ếch cả buổi sáng tôi cũng không nhịn được cười. Cũng may hôm đó sớm tinh mơ, rất ít phương tiện đi lại trên đường nên hai chúng tôi cũng đỡ ngại ngùng.
Ếch đến chợ đầu mối phía Nam, tập trung một góc cho bạn trông, tôi bắt mấy con to nhất khỏe nhất đi “giới thiệu” dọc chuỗi cửa hàng hải sản và ếch nhái, cũng may có mấy cô thấy ếch to thật nên hỏi mua, mỗi cửa hàng họ mua thử tầm chục cân và giữ liên lạc với tôi, có nhu cầu họ lại gọi điện đặt hàng thêm. Để “mở rộng thị trường” và hy vọng bán được giá hơn, tôi nhờ anh họ (là lái xe cho giám đốc của một công ty) dùng xe ô tô 4 chỗ chở ếch lên chợ Đồng Xuân chào hàng. Người tính vậy nhưng đời lại không như là mơ, lần này tôi thất bại toàn tập. Cả buổi hầu như không bán được cân ếch nào, hai anh em buồn bã bê ếch lên xe trở về. Đen chưa buông tha hai anh em, lúc quay xe trong ngõ chợ, loay hoay thế nào bánh xe sập hố cống không lên được, vậy là anh họ xử lý vô lăng còn tôi thì hì hục xuống vừa bê vừa đẩy bánh xe. Hai ba… Anh họ đạp chân ga, bao nhiêu nước cống bắn tung tóe hướng trọn vẹn vào người tôi, xe lên được khỏi hố còn toàn thân tôi bốc mùi khủng khiếp. Dọc đường về, mùi cống kết hợp mùi tanh của ếch làm toàn bộ xe bao trùm một mùi thum thủm không thể tả nổi. Tôi về ký túc xá, nhốt lại ếch vào nhà tắm rồi mất tầm ba mươi phút khử mùi và tổng vệ sinh cơ thể. Tội nghiệp anh họ vội vàng đi rửa kết hợp xịt mùi cho xe, vì nghe anh nói, buổi chiều anh phải tiếp tục đón sếp đi công việc. Dù sao, sau một thời gian tôi cũng gây dựng được cơ số địa chỉ để tiêu thụ ếch cho chú. Tính ra giá cả có khá hơn ở quê đôi chút, mỗi tội nhiều hôm tôi phải dậy sớm ra bến xe nhận hàng ếch từ quê ra rồi lại quăng quật ở chợ như dân buôn hải sản chuyên nghiệp. Đôi lần, ếch chú gửi ra chưa tiêu thụ được, tôi lại vác về nhốt trong nhà tắm ở ký túc xá ủ hàng (giấu ban quản lý ký túc). Có hôm vì công việc phải đi vắng vài ngày, tôi gọi bạn sang trông và cho ếch ăn. Ngày trở về mở cửa, ếch tràn khắp cả nhà tắm, hai chúng tôi lại cởi trần nhảy vào “vật lộn” một trận để cho chúng trở lại các thùng xốp, đôi con thoát ra ngoài chúng tôi đành chịu. Chắc vì thế mà mấy tháng sau, vào những ngày mưa, ngồi học trong trường tôi còn nghe tiếng ếch kêu văng vẳng ngoài sân, có lẽ cả trường chỉ có mỗi tôi với bạn tôi biết nguồn gốc xuất xứ của những chú ếch đó.
Những năm đầu tiên ở trường đại học, tôi sống thu mình, thời gian chính là ở ký túc xá, giảng đường và sân bóng rổ. Dường như tôi chưa thoát ra được lối sống bình yên chậm rãi của miền quê. Cuộc sống ồn ào và quá nhanh ở Hà Nội làm tôi chưa thể bắt kịp, hoặc tôi cũng chẳng muốn hòa nhịp vào lối sống đó. Nhưng rồi, điều gì đến cũng sẽ phải đến, vì tôi hay chơi thể thao lại có chiều cao tốt nên đoàn thanh niên và đội xung kích nhà trường tuyển vào hoạt động và đây chính là bước ngoặt để tôi rũ bỏ “vỏ ốc” của mình, từ rụt rè, nhút nhát tôi trở nên năng động và quảng giao hơn rất nhiều. Được các anh chị động viên và chỉ dẫn, tôi tham gia hầu hết các hoạt động của nhà trường. Làm đội viên rồi lên làm đội trưởng đội thanh niên an ninh xung kích, trung phong bóng rổ, tiền đạo đội bóng đá rồi làm lớp phó học tập. “Dã man” hơn, vì người cao nên tôi còn được chọn làm người mẫu chỉ mỗi nhiệm vụ dẫn các nữ “siêu mẫu” sinh viên trong những mùa thi sinh viên thanh lịch.
Có nhiều những kỷ niệm thể thao đáng nhớ trong đời sinh viên của tôi. Năm thứ năm đại học, đội tuyển bóng rổ nhà trường tham gia giải sinh viên toàn quốc, tôi được lựa chọn là một trong những trung phong của đội tuyển. Đội trường Y chơi thông minh và đoàn kết, tuy nhiên nhược điểm là quá… hiền, dân thể thao gọi là chơi ngây thơ, không tiểu xảo. Năm đó, chúng tôi lọt vào trận tứ kết gặp các bạn trường Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, đây là đội tuyển gần như cả thời sinh viên ăn tập với trái bóng lại thi đấu cọ xát nhiều. Vào trận tôi “chạm trán” trung phong bên đội bạn cao gần 2 mét, to khỏe vô cùng. Cả trận kèm bạn ấy tôi ăn không biết bao quả cùi chỏ vào ngực, cứ mỗi lần đội bạn lên bóng, tôi ôm sát kèm người là mỗi lần tôi bị dính chưởng, bạn ấy chơi tiểu xảo rất kín nên trọng tài không thể phát hiện ra. Đến cuối vài hiệp đấu, ngực tôi đau không chịu nổi, báo huấn luyện viên thay ra ngoài, kéo áo lên cả vùng ngực đỏ rực như con tôm luộc. Mùa giải đó, chúng tôi ngậm ngùi dừng chân ở tứ kết. Một lần khác, đội bóng đá nhà trường tham gia giải chữ thập đỏ quận Đống Đa, chúng tôi chơi hay và lọt vào đến trận chung kết. Cũng không để ý nhiều đến các đội tuyển khác, tuy nhiên, khi bước vào trận đấu cuối cùng, chúng tôi mới giật mình được biết, đội bạn là những cầu thủ đã từng kinh qua… nghiện hút, một số bị nhiễm HIV, “Hoa xương rồng” là tên đội bóng. Là những sinh viên Y, tuy ai cũng hiểu rằng khi các bạn ấy đã được cai nghiện, điều trị và quản lý HIV thì gần như nguy cơ lây nhiễm trong thể thao sinh hoạt thông thường là rất thấp, nhưng lúc tranh chấp nhìn thấy chân tay các bạn… xăm trổ đầy mình ai cũng run, chúng tôi thất bại trong hầu hết những pha tranh chấp. Kết thúc trận đấu, đội trường Y đạt giải nhì, lĩnh hai triệu tiền thưởng. Sau trận đấu, gần 20 anh em kéo nhau đi uống bia hơi hết… hai triệu rưỡi, các bạn lại ngậm ngùi “dưa góp”.
Nhớ lại ngày chuẩn bị xa quê ra Hà Nội nhập học, lúc từ biệt, ông nội nắm tay tôi thật chặt và gửi gắm nơi tôi một tâm nguyện, đó là ông muốn tôi được kết nạp Đảng trong nhà trường. Ghi nhớ như in tâm nguyện đó của ông, tôi âm thầm phấn đấu và tham gia hầu hết các hoạt động của trường, lớp, Đoàn thanh niên. Đến năm thứ sáu đại học, những cống hiến của tôi được nhà trường ghi nhận bằng kỷ niệm chương, tôi cũng được Đảng bộ nhà trường kết nạp trong năm đó. Chỉ tiếc rằng ông nội không sống đến ngày đó để chứng kiến giây phút cháu về báo cáo với ông rằng tâm nguyện năm xưa của ông, cháu đã thực hiện được rồi. Dù sao tôi vẫn biết, ở một nơi nào đó trên cao, ông vẫn luôn dõi theo và thấy ấm lòng vì tôi.
Cuối năm thứ sáu trường Y, trong lúc mọi sinh viên đang háo hức tập trung bảo vệ luận văn tốt nghiệp và ôn tập cho kỳ thi bác sĩ nội trú thì tôi lại “dính” sự kiện khác, bước ngoặt dẫn tôi bước vào những tháng ngày vất vả nhất đời sinh viên. Quyết định của Bộ quốc Phòng, tôi được triệu tập đi huấn luyện sĩ quan quân y dự bị bốn tháng ở Hòa Bình, thời gian huấn luyện đúng dịp kỳ thi bác sĩ nội trú. Thất vọng gần như tuyệt vọng, nhưng quân lệnh như sơn, tôi cùng với một số bạn khác phải rời xa nhà trường để nhập ngũ, mang theo giấc mơ bác sĩ nội trú đang trở nên mỏng manh dần. Tôi còn nhớ, 8-8-2008 là ngày lên đường nhập ngũ, sáng sớm xe đón chúng tôi ở cổng trường, hành trang tôi mang theo hầu như chỉ là tài liệu và sách để phục vụ cho ôn thi nội trú. Trong tôi vẫn hy vọng lên đơn vị, ngoài thời gian huấn luyện ban ngày, buổi tối có thể tranh thủ ôn thi và đúng ngày thi, đơn vị sẽ cho tôi được về tham gia. Xe chuyển bánh lên đường, trong tôi trống rỗng, chẳng biết nghĩ gì thêm nữa, tôi cũng chẳng thể định đoạt được kỳ thi sắp tới khi mà nhiệm vụ Tổ quốc luôn là ưu tiên. Ngoái nhìn mái trường thân yêu lần cuối, tôi lên đường nhập ngũ.
Đơn vị chúng tôi đóng quân ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong một khu rừng đồi keo và bạch đàn, xung quanh chỉ có núi đồi và xa xa rải rác những ngôi nhà dân. Ngày lên đơn vị, tôi được đại đội trưởng tin tưởng giao đảm nhận chức vụ trung đội trưởng, quản lý ba tiểu đội với mỗi tiểu đội có chín người, dưới tôi có ba bạn làm tiểu đội trưởng. Những ngày đầu tiên trong quân ngũ, nhiệm vụ chính của chúng tôi là “ăn ở – thức ngủ – sắp xếp đồ dùng” vào đúng nề nếp. Tất cả hoạt động của đơn vị gần trăm người đều gắn liền với tiếng kẻng. Từ thức giấc, tập thể dục, xếp chăn màn, đi ăn, hành quân, huấn luyện, xem thời sự buổi tối rồi đi ngủ, tất cả đều “mã số hoá” bằng số lượng tiếng kẻng.
Mỗi ngày với chúng tôi bắt đầu từ năm giờ ba mươi phút sáng và kết thúc lúc tầm chín giờ tối, sau khi xem xong thời sự và sinh hoạt chính trị. Trong vài tuần đầu tiên, sau những ngày lăn lộn và hành quân trên rừng, tối về, tôi cùng các bạn ai cũng rã rời, chẳng còn sức để học và ôn thi nội trú. Có những lúc tôi nghĩ mình sẽ đầu hàng kỳ thi này mất, vì hầu như chưa ôn tập được gì, trong khi ở nhà, các bạn có toàn thời gian cho việc ôn tập lại còn được học thêm ở chỗ cô thầy. Kỳ thi quá khốc liệt, còn cơ hội nào cho mình. Cũng may mắn cho tôi, trong số các bạn nhập ngũ lần này, có đến mười một bạn mang theo tài liệu và cùng theo đuổi giấc mơ nội trú như tôi. Biết được vậy nên tôi cũng tự động viên mình cố gắng. Là trung đội trưởng, tôi đứng ra gặp lãnh đạo đơn vị đề đạt nguyện vọng được tạo điều kiện cho việc học tập và ôn thi. Chúng tôi mong muốn sau thời gian hoàn thành công việc huấn luyện của đơn vị sẽ mượn hội trường làm nơi học tập và ôn thi về đêm. Chúng tôi cũng đã hứa những buổi sáng vẫn dậy huấn luyện đúng giờ, hoàn thành giáo án và công việc đơn vị đặt ra. Đại đội trưởng cùng chính trị viên hiểu được câu chuyện, hiểu được giấc mơ nội trú của chúng tôi chính là giấc mơ của cả cuộc đời, nên tạo điều kiện tối đa. Vậy là cứ mỗi tối, sau khi đã kết thúc sinh hoạt chính trị và xem thời sự, chúng tôi lại cắp sách lên hội trường ôn thi. Và cũng kể từ đó cứ hằng đêm, trong rừng sâu vắng lặng, khi hầu hết các chiến sĩ đã đi ngủ, vẫn có một căn phòng điện đỏ xuyên đêm. Trong căn phòng đó, có mười hai bác sĩ trẻ đang miệt mài ôn thi nội trú, đang âm thầm bấm chí nuôi giấc mơ lớn của cuộc đời mình. Đêm ôn thi, vì hội trường đơn vị rất rộng nên mỗi bạn tự chọn cho mình một góc, yên tĩnh vô cùng, thỉnh thoảng để đỡ buồn ngủ, chúng tôi lại tán chuyện và động viên nhau. Khi đêm đã trôi qua gần hết, trời rạng sáng, chúng tôi lần lượt cắp sách rời giảng đường về phòng. Đi giữa sân rộng lớn, khi cả đơn vị đang chìm sâu trong giấc ngủ, xa xa là những rừng cây mờ mờ, ngước nhìn lên bầu trời, những hạt sương sớm rơi xuống hai má và trán làm tôi ướt lạnh. Những lúc như vậy tôi luôn tự nhủ với lòng mình, chẳng có thành công nào đến với người không cố gắng hy sinh, có khi đó là những hy sinh thầm lặng. Tôi muốn làm được một điều gì đó khác biệt và tôi hiểu điều đó chỉ có thể xảy đến khi tôi có quyết tâm và nghị lực. Nghĩ đến vậy, thấy mình như được an ủi và đỡ mệt hơn phần nào. Về giường đơn vị, tôi tranh thủ ngả lưng để chuẩn bị cho một ngày mới huấn luyện bắt đầu.
Ngày nối ngày như vậy, thấm thoắt đã ba tháng trôi qua, thời khắc mong chờ nhất, lo lắng nhất cũng đến: kỳ thi nội trú. Trước ngày thi một tuần, tôi lại đại diện các bạn ôn thi trong đơn vị lên gặp thủ trưởng để xin được nghỉ phép về trường làm công tác chuẩn bị. Mục đích chủ yếu là để làm quen với không khí kỳ thi cũng như cập nhật những thông tin ôn thi mới, vì cả mấy tháng liền ở trong rừng, chúng tôi hầu như mù tịt thông tin. Thêm một lần nữa, thủ trưởng đơn vị lại ưu ái cho anh em được về.
Tôi muốn nói đôi chút về kỳ thi bác sĩ nội trú, một trong những kỳ thi khốc liệt nhất của cuộc đời những ai theo học ngành Y. Kỳ thi bác sĩ nội trú được tổ chức hằng năm, dành cho những bạn vừa tốt nghiệp bác sĩ, không tuyển sinh những ai đã từng đi làm. Sinh viên Y tốt nghiệp bằng khá trở lên, không vi phạm kỷ luật gì suốt sáu năm học, không thi lại một số môn nhất định mới đủ điều kiện tham gia kỳ thi. Đây là kỳ thi dành cho những bạn sinh viên xuất sắc và ý chí nhất. Và đời mỗi bạn sinh viên chỉ có thể tham gia kỳ thi duy nhất một lần, đó là ngay sau khi tốt nghiệp sinh viên Y khoa, không có cơ hội thi lần thứ hai, nếu không đậu các bạn chỉ có thể tham gia kỳ thi cao học, chuyên khoa mà thôi. Những bạn đậu bác sĩ nội trú sẽ được học tập trong một môi trường bệnh viện rất tốt, được các bác sĩ đầu ngành hướng dẫn kèm cặp, được tạo điều kiện tối đa để thực hành. Hầu hết sau ba năm tốt nghiệp, các bạn ấy sẽ có chuyên môn tương đối vững cũng như dễ dàng tìm cho mình môi trường làm việc tốt ở những bệnh viện hàng đầu. Chính những điều đó đã biến kỳ thi bác sĩ nội trú trở thành một trong những kỳ thi khủng khiếp nhất của những ai theo học Y khoa, và thương hiệu bác sĩ nội trú cũng trở thành niềm mơ ước của bất kỳ bạn sinh viên trường Y nào. Bước vào thời gian ôn thi nội trú và tham gia thi, dù có là siêu sao học giỏi thì bạn nào nhìn cũng rũ rượi vì căng thẳng và lo lắng. Ngoài ra, cái đầu của các bạn cũng phải “giãn nở” tối đa để ghi nhớ lượng kiến thức khổng lồ trong quãng thời gian ngắn ngủi. Còn nhớ đêm trước hôm thi, tôi với người bạn thân vì mệt quá nên vác chiếu ra sân trường nằm cho thư thái, tranh thủ ôn lại bài luôn. Tôi hỏi bạn trả lời và ngược lại, kiểm tra chéo kiến thức cho nhau. Sau khi hỏi vài ba câu thấy bạn trả lời rơi rụng mất nhiều ý, tôi có góp ý bổ sung. Tuy nhiên được một lúc thấy bạn tôi khóc, một người đàn ông khóc, bạn chia sẻ giờ trong đầu bạn ấy không nhớ được một chút gì cả, và bạn đang hoang mang thực sự. Tôi an ủi bạn nhưng cũng chính là đang an ủi cho tôi, vì thực sự trong quãng thời gian trước ngày thi đó, hầu như ai cũng “đơ”, đầu trống rỗng. Chúng tôi biết mình đang đứng trước kỳ thi quá khắc nghiệt và thành bại của nó sẽ quyết định rất nhiều đến cuộc đời phía trước của những người tham gia.
Kỳ thi diễn ra trong hai ngày liên tiếp, chia làm bốn buổi thi và mỗi buổi chúng tôi làm bài trong ba tiếng đồng hồ. Gần như mặc định, trong ba tiếng ấy mỗi chúng tôi phải viết được ít nhất 22 đến 24 trang, nếu không đạt được lượng chữ viết đó, nguy cơ bị trượt tương đối cao. Bước vào phòng thi, tôi cũng “phóng bút” viết được hai mươi mấy trang giấy cho mỗi buổi thi, sau hai ngày thì cổ tay như rụng ra, còn cái cổ cứ vẹo sang một bên vì ngồi viết lâu ở một tư thế. Nhìn lại kỳ thi, tôi thấy tương đối hài lòng, tuy nhiên khi nghe tin có người viết được 28 trang giấy, tôi cũng đâm ra hoang mang. Lo lắng chút nhưng rồi tôi cho nỗi lo đó qua nhanh, vì dù sao kỳ thi đã kết thúc, hoang mang cũng chẳng giải quyết được gì. Sau kỳ thi, mọi người có hai tuần nghỉ ngơi để chờ kết quả, còn mười hai bạn “bộ đội” chúng tôi thì vội vàng trở lại đơn vị ngay lập tức để tiếp tục hoàn thành khóa huấn luyện. Quãng thời gian sau đó trên đơn vị, mấy chúng tôi vừa huấn luyện vừa trông ngóng thông tin từ nhà trường về kết quả kỳ thi, ai cũng hồi hộp. Và rồi, điều gì đến nó cũng đến, cuộc gọi từ người bạn thân báo lên, bảy trong tổng số mười hai bạn chúng tôi đã thi đậu bác sĩ nội trú ở các chuyên ngành khác nhau. Tôi đậu nội trú hệ ngoại khoa, chuyên về phẫu thuật. Một “chiến tích” không thể tin được, cả chúng tôi và đơn vị như vỡ òa, anh đại đội trưởng cũng tỏ ra rất hãnh diện về chúng tôi, những “chiến sĩ” đi thi bác sĩ nội trú. Vậy là từ đây, con đường phía trước tôi đi sẽ có thêm ba năm vất vả nhưng cũng quá đỗi tự hào. Còn nhớ buổi chiều hôm đó, vừa huấn luyện từ ngoài rừng về, nhận được tin nhắn từ bạn gửi lên, lòng tôi như vỡ òa. Tôi chạy vội ra góc rừng gọi điện ngay về cho bà nội, cho cha mẹ, cả nhà tôi ở quê cũng vỡ òa vì sung sướng, còn tôi thì gần như phát điên. Đêm nằm trên đơn vị, tuy mọi người ngủ say giấc nồng nhưng vẫn có một người đang thức, có một tâm hồn đang rạo rực, rạo rực niềm vui và những mơ ước. Tôi mơ về những tháng ngày được học bác sĩ nội trú, mơ về con đường phía trước sẽ đi, lòng rộn ràng, thao thức không ngủ.
Sau vài ngày như ở trên mây, bảy bạn chúng tôi tổ chức một bữa tiệc hoành tráng để chia vui và cảm ơn tất cả mọi người trong đơn vị đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những tháng ngày ôn thi. Và rồi cuối cùng, chúng tôi cũng đã kết thúc khóa huấn luyện trong êm đẹp. Mọi người xếp quân trang rời quân ngũ trở về để tiếp tục một hành trình mới. Với tôi, ở hành trình đó, không còn là những tháng ngày sinh viên, mà là hành trình của những trải nghiệm ngành Y thực sự: đời bác sĩ nội trú.