Lên cấp Hai, tôi học khá những môn tự nhiên, nhưng “đen đủi” cho tôi, lên cấp Ba tôi lại được nhà trường xếp vào lớp chọn khối C, chuyên văn sử địa. Lý do tôi “được” chọn vào lớp các môn xã hội cũng rất “ngang trái”, đến tôi cũng không thể ngờ. Kỳ thi tốt nghiệp lớp Chín kết thúc, tôi có điểm văn và toán tương đối cao, vì lớp toán có nhiều bạn điểm cao như nhau trong khi lớp chọn văn lại ít nên nhà trường quyết định cho tôi vào học lớp chọn văn. Quyết định của nhà trường đưa ra nhưng tôi không hay biết, đến ngày nhập học phân lớp tôi mới giật mình khi nhận quyết định, mọi sự đã an bài. Dù không thích cũng chẳng thể thay đổi được gì, tôi đành ngậm ngùi vào lớp văn để khởi đầu những năm tháng cấp Ba. Buổi ra mắt lớp còn làm tôi choáng hơn, cả lớp hơn năm mươi bạn chỉ có… bảy bạn nam còn lại toàn nữ, trong khi tôi lại thích thể thao, nhìn quanh lớp mà lòng buồn không hề nhẹ, với “lực lượng” mỏng như vậy thì bóng bánh thể thao gì được. Đúng như tôi dự đoán, đến gần mùa hè, nhà trường tổ chức giải bóng đá, lớp tôi ngậm ngùi làm khán giả vì không đủ quân số, mặc dù bóng đá với tôi ngày ấy như là máu thịt vậy. Không chỉ thể thao bị ảnh hưởng, nghiệp văn chương cũng chưa chịu buông tha cho tôi thêm nữa. Số là sang năm lớp Mười một, chẳng hiểu sao cả lớp tin cậy bầu tôi làm lớp trưởng lớp văn, trong khi thực lực học môn văn của tôi chẳng có gì nổi trội. Sau khi nhận chức, tôi đã về suy nghĩ và đưa ra kết luận: lựa chọn này không phải vì tôi học giỏi văn, lý do cơ bản có lẽ vì tôi cao to nhanh nhẹn lại học khá các môn tự nhiên, nên mọi người bầu làm lớp trưởng để tôi có thể gia sư thêm cho các bạn học lệch khối C cũng như để “chạy việc” đoàn hội cho lớp.
Tuy ở lớp văn nhưng từ lớp Mười tôi đã được chọn đi ôn thi học sinh giỏi môn sinh học. Vì lý do như vậy, giữa lớp Mười một, dù đang làm lớp trưởng “đỉnh cao của quyền lực”, tôi vẫn xin nhà trường cho chuyển sang lớp chọn toán, để tiện học khối A cũng như ôn thi đại học. Vậy là không ai như tôi, ba năm trung học thì một nửa thời gian học chọn văn, nửa thời gian còn lại học chọn toán. Kỳ thi học sinh giỏi lớp Mười một, tôi đạt giải Nhất tỉnh Hà Tĩnh môn sinh học. Ngày ấy, so với các trường cấp Ba danh tiếng khác trong tỉnh thì trường nơi tôi theo học ít ai biết nên việc vượt qua các bạn năng khiếu tỉnh và một số trường nổi bật trong tỉnh để giành ngôi quán quân đã ít nhiều làm nức lòng gia đình tôi và nhà trường. Tôi còn nhớ ngày tổng kết cuối năm, lãnh đạo huyện còn đích thân vào chúc mừng nhà trường và tôi. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày tôi “nghênh ngang” ra ủy ban tỉnh nhận phần thưởng và giấy khen theo thư mời của lãnh đạo tỉnh, cứ ngỡ mình sẽ là “cái gì đó” hoành tráng lắm. Thực tế, đời lại không như là mơ, khi trao phần thưởng tại ủy ban tỉnh, chỉ những bạn đạt giải quốc tế và quốc gia mới được bước lên bục nhận giải và chụp ảnh nhận bằng khen, tôi ngồi chờ mãi chẳng thấy gọi tên. Đến gần cuối buổi lễ, ban tổ chức mới thông báo, những em đạt thủ khoa học sinh giỏi tỉnh xin mời ra… sảnh hành lang nhận giấy khen. Lòng tôi bị tổn thương ghê gớm, lúc ra đi dâng trào tự hào hãnh diện bao nhiêu thì ngược lại lúc về, tôi thấy buồn tận đáy. Đúng thực ở nhà nhất mẹ nhì con, đi ra mới biết mình đang ở nơi đâu. Thoáng trong đầu, tự thấy mình như hạt cát bé nhỏ nằm nơi vùng biển hoang vắng, không một ai gọi tên nhớ về...
Sau lần ấy, tôi âm thầm ôn thi để quyết tâm năm sau được đứng lên bục nhận giải của tỉnh. Lớp mười hai, tôi được gọi về trường năng khiếu tỉnh để tập trung đội tuyển ôn thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học. Đội tuyển ôn thi quốc gia có tám bạn, trong đó chủ yếu là các bạn trường năng khiếu, chỉ có ba bạn trường ngoài gọi bổ sung, trong đó có tôi.
Giai đoạn ôn thi là những ngày mùa đông rất lạnh, những ngày sẽ không thể nào quên trong tâm trí tôi. Trong đội tuyển, tôi là người duy nhất sống ở vùng ngoại ô, sáng ra ôn thi tối lại về với ông bà. Ngày ấy ở xã còn chưa có đường nhựa, thay vào đó là đường đất đỏ Biên Hòa. Mùa đông rét buốt, các bạn ở thị xã đi xe đạp mini Nhật với giầy thể thao, rất ấm áp và thời thượng. Còn tôi, đó là chiếc xe đạp Thống Nhất với đôi ủng cao su màu đen cao đến gối. Khi biết tin con được tỉnh gọi vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi quốc gia, cha mẹ chạy vạy góp tiền sắm được cho tôi một chiếc xe đạp, ông bà nội mua tặng thêm đôi ủng “đặc chủng” để đi đường đất đỏ lầy lội vùng quê tôi. Sự kết hợp giữa ủng đen với xe đạp Thống Nhất, xe với ủng thì lúc nào cũng đỏ rực màu đất, tôi trở thành biểu tượng của hình ảnh Đông Ki lên thành phố khi vào năng khiếu ôn thi. Cứ mỗi lần dắt xe từ cổng vào, vết xe tôi đi qua đến đâu là hai vết lằn đất đỏ Biên Hòa in đậm giữa sân trường đến đó, cộng với dáng người cao gầy và đôi ủng đen làm các bạn đứng trên hành lang lớp học nhìn xuống chỉ trỏ cười suốt. Dù vậy lúc đó tôi kệ, tôi không quan tâm nhiều các bạn đang nghĩ gì và bàn luận gì. Vì những ngày ấy, việc làm sao thi đậu quốc gia để được vào thẳng đại học là mục tiêu và là mối quan tâm duy nhất của tôi. Vì tôi hiểu rằng, sau lưng tôi là tất cả niềm tin và niềm hy vọng của ông bà, cha mẹ đang gửi gắm, nặng hai vai vô cùng.
Xe đạp độc và lạ cũng có cái hay, vì mỗi lần tan lớp học, tôi là người dễ dàng tìm thấy xe nhất. Đến nhà xe, chỉ việc cúi nhìn xuống, cứ thấy lốp xe nào dính đầy đất đỏ chính là xe của tôi, chưa bao giờ lẫn vào đâu được. Ngày đó, dù tôi đã học lớp Mười hai và kinh tế có khá hơn một chút nhưng cảm giác đói bụng mỗi lần đi học vẫn xuất hiện thường xuyên, một phần chắc vì mùa đông, tôi đang tuổi ăn tuổi lớn lại ôn thi quyết liệt, tiêu tốn nhiều năng lượng. Có lần vào buổi chiều muộn, mùa đông nên trời tối rất sớm lại kèm mưa lạnh rét mướt, sau khi tan buổi ôn thi ở trường, bụng tôi đói meo. Đang hì hục đạp xe về nhà phát hiện trên đường có anh bán bánh bao đạp xe ngay phía trước, dưới hai nồi bánh bốc hơi nóng hổi và mùi thơm lừng là những bếp lửa ấm áp. Hình ảnh làm tôi chẳng thể nào quên, cảm giác vừa thèm hơi nóng sưởi ấm mùa đông vừa muốn thưởng thức chiếc bánh. Vì hoàn cảnh nhà nghèo chưa cho phép, tôi bấm bụng rồi đạp nhanh về nhà, mong cho cảm giác đó qua thật mau. Như động viên mình, quãng đường về nhà còn lại tôi nhớ đến hình ảnh người anh họ ngay cạnh nhà tôi, nhà rất nghèo, bố bị bệnh nặng nên hằng ngày đi học còn đêm gần như anh thức trắng để đi bắt cua ếch ngoài đồng, sáng sớm mang về cho mẹ mang ra chợ bán lấy tiền ăn học. Sau này anh thi đậu học viện kỹ thuật quân sự với điểm số rất cao, đi học không mất tiền, cả xóm ai cũng quý mến, tự hào. Anh ấy là tấm gương cho tôi noi theo cả về nghị lực và niềm tin, nghĩ đến anh, tôi luôn quyết tâm ôn thi để thay đổi cuộc đời mình. Và tôi cũng không muốn khoảnh khắc “bánh bao” này lặp lại thêm một lần nào nữa.
Trường năng khiếu nơi tôi ra tập trung ôn thi quốc gia nằm gần chợ tỉnh. Khu chợ mới cháy và đang được xây lại, các cửa hàng kinh doanh sử dụng hết tầng một, cả tầng hai hầu như chưa sử dụng nên rất rộng rãi yên tĩnh. Mỗi buổi trưa nghỉ giải lao, các bạn trong đội tuyển thường rủ tôi đi ăn vặt ở các hàng quán như chè thập cẩm, bánh bèo (một món ăn thường cháy hàng vào mùa đông ở quê tôi), ram bánh mướt… Lấy lý do là không thích ăn để từ chối nhưng thực chất là tôi không có tiền để góp mỗi lần chung vui cùng các bạn. Tôi thường đợi mọi người đi rồi ra trước cổng trường mua bánh mì, ôm sách vở lên tầng hai khu chợ tạm thưởng thức. Lúc nào khỏe thì ngồi ôn bài, lúc nào mệt, tôi trải mấy tờ báo xuống nền ngả lưng nằm ngủ ngon lành. Những ngày tháng đó, cả tầng hai chợ tỉnh vắng tanh và dường như chỉ để phục vụ cho riêng một mình tôi, cảm giác rất thích. Tuy vậy, những lúc tâm trạng, tôi lại thấy như cả thế giới đang lãng quên mình, sự tồn tại của tôi có hay không đều không quan trọng. Tôi nhớ về cha mẹ, chỉ mong có cha mẹ ở đây, vỗ về, dù chỉ là một chút thôi, trong giấc mơ trưa.
Thời gian ôn thi quốc gia kéo dài hơn hai tháng, việc tìm kiếm sách và tài liệu vừa khó vừa tốn kém nên tôi nghĩ ra cách là vào thư viện tỉnh đọc, dù đạp xe hơi xa một chút. Quyết định vậy nên tôi đi làm một cái thẻ đọc, cứ có thời gian rảnh là tôi lại đạp xe từ nhà ra thị xã để đọc thêm sách. Hình ảnh cao gầy của tôi ở thư viện tỉnh trở nên rất quen thuộc với các cô quản lý, biết tôi ở xa đến và đang ôn thi quốc gia, các cô quý mến và luôn tìm kiếm cho tôi những cuốn sách về sinh học hay nhất, mới nhất. May mắn chỉ đến với những người chăm chỉ cố gắng, trong rất nhiều những cuốn sách đọc ở đó, tôi có tìm được một cuốn sách có đề thi và đáp án của kỳ thi học sinh giỏi mấy năm về trước ở trang cuối, nhà xuất bản in lại để học sinh tham khảo. Đó là tài liệu vô cùng giá trị đối với tôi, giúp tôi định hình được kết cấu đề thi học sinh giỏi quốc gia cũng như cách trình bày đáp án.
Những ngày ôn thi, trong đội tuyển, tôi là học sinh duy nhất ở xa tự đạp xe đi về mỗi ngày. Mùa đông gió lạnh nên mỗi khi vào lớp, tôi thường co ro một lúc rồi mới ổn định và làm chủ được hai bàn tay để có thể ghi chép. Thầy chủ nhiệm đội tuyển thấy vậy rất thương, thầy đề nghị tôi về ở với cô thầy vì nhà thầy gần trường. Được ông bà đồng ý, tôi dọn về nhà thầy ở để ôn thi. Tuy vậy, sau khi dọn đến ở cùng thầy, cảnh mới nhà mới lại xa ông bà, cảm giác buổi chiều mùa đông ảm đạm, mưa rả rích, ngồi học một mình ở nơi xa lạ làm tôi không thể tập trung được. Thêm nữa, trong nhà thầy có cô nấu cơm rất ngon nhưng vì thầy cô nhiều tuổi không ăn hết bao nhiêu nên mỗi bữa chỉ có một nồi cơm nho nhỏ với thức ăn. Khổ thân tôi, đang tuổi ăn tuổi lớn lại vào mùa đông lạnh và trong giai đoạn ôn thi quyết liệt nên rất mau đói, sơ sơ mỗi bữa ở nhà ông bà nếu có đủ cơm tôi cũng làm dăm bát hoặc hơn. Về nhà thầy lúc nào ăn xong cảm giác cũng cứ như chưa ăn, đến giữa chiều hoặc nửa đêm thì bụng gần như không thể yên được, ngồi ôn thi không được mà đi ngủ cũng không xong. Dẫu biết thầy cô rất thương trò nhưng vì xấu hổ, tôi chẳng dám “trình bày” lý do tế nhị này. Sau hai tuần ở nhà thầy, dù rất cảm kích thầy cô nhưng tôi cũng phải đành tạm biệt để về lại với ông bà. Ở bên ông bà, ngoài ăn cơm lúc đói tôi còn có khoai sắn độn thêm, kiểu gì bụng cũng sẽ chắc chắn hơn nhiều. Hơn nữa, về lại ông bà, cảm giác thân thuộc nhà mình làm tôi thấy thoải mái hơn để ôn thi.
Vì cha mẹ ở xa, ông bà lại già yếu nên hầu như tất cả các kỳ thi tôi đều tự đi một mình, không ai bên cạnh, kể cả kỳ thi quan trọng như thi học sinh giỏi quốc gia. Ngày thi quốc gia vào đúng một ngày mùa đông rất lạnh. Từ sáng sớm, ông nội đã dậy thắp hương khấn vái, bà nội cũng dậy sớm nấu một nồi cơm to và có cả thịt ba chỉ kho, tôi dậy sớm ôn lại bài lần cuối rồi vào bếp làm một mạch mấy bát cơm chắc bụng, chuẩn bị cho “cuộc chiến” lớn nhất nhì trong đời. Mấy tháng ôn thi vừa căng thẳng vừa thức khuya thiếu ngủ, hai mắt tôi thâm quầng, người đã gầy lại gầy thêm. Nhìn cháu rộc người ngồi một mình lầm lũi ăn cơm, ông bà không khỏi xót thương, tôi cảm nhận được tình cảm đó, dù hằng ngày ông rất nghiêm khắc. Tạm biệt ông bà, tôi lặng lẽ đạp xe ra thị xã đi thi. Khi tôi rời đi cả xóm làng chưa ai thức giấc, một mình lặng lẽ trong sương mờ, băng qua những cánh đồng lúa với con đường vắng lặng, những cơn gió mùa đông thổi buốt như táp vào mặt, lạnh lẽo. Khoảnh khắc đó làm tôi nhớ đến hai câu thơ:
“Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về.”
Chẳng hiểu sao lúc đó tôi có cảm giác mình như Kinh Kha đứng bên dòng sông tạm biệt quê hương để băng qua nước Tần hành thích vua Tần Thủy Hoàng vậy. Một đi phải chiến thắng trở về, bi tráng vô cùng. Nước mắt tôi cũng tự nhiên cứ chảy ra. Có lẽ tôi khóc vì những ngày tháng vất vả của ông bà cha mẹ đã ở lại phía sau lưng, tôi ra đi mang theo biết bao niềm tin và hy vọng được gửi gắm. Chỉ duy nhất thắng lợi trở về, tôi mới có thể đền đáp được phần nào những tháng năm vất vả hy sinh ấy. Nghị lực và niềm tin dâng cao tận sâu trong lòng, mím môi và lấy tay quệt vội hai hàng nước mắt, tôi đạp xe nhanh ra trường thi, một kỳ thi sống còn đang chờ đợi.
Lúc tôi đến nơi, mọi người đã có mặt đầy đủ. Hầu như mỗi bạn đi thi có dăm ba người đi theo động viên và ủng hộ, mỗi tôi đi một mình. Ông nội nhiều tuổi, sáng mùa đông lại rất lạnh, dù ông muốn đi với cháu nhưng tôi không đồng ý vì sợ ông bị cảm. Sát giờ vào thi, đứng ở hành lang tầng hai nhìn xuống cổng trường, mọi người ai cũng ngước nhìn lên đứa con thân yêu của mình, các bạn nhìn xuống vẫy tay và nở những nụ cười đáp lại. Tôi cũng đứng đó, cũng nhìn xuống cổng trường, nhưng tôi biết ở dưới kia, sẽ chẳng có ai đáp lại, chẳng có ai thân thuộc. Dù rất mạnh mẽ nhưng khoảnh khắc đó, tôi tủi thân vô cùng. Tôi cố gắng tìm những lý do để tự động viên mình cũng như để thông cảm cho cha mẹ và cả ông bà nội. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã đến, lúc cán bộ chuẩn bị gọi tên vào phòng thi, tôi ngoái lại lần nữa như để kiếm tìm một điều gì đó, ông nội tôi đã xuất hiện. Dáng ông cao gầy quen thuộc và không lẫn vào đâu được. Ông nhận ra cháu, cháu nhìn thấy ông, nước mắt tôi ứa ra vì xúc động, lau vội nước mắt và vẫy tay chào ông, tôi bước nhanh vào phòng thi. Cuối cùng, trời cao cũng không phụ lòng người, kết thúc kỳ thi quốc gia, duy nhất trong đội tuyển tôi đạt giải ba, đủ điều kiện để tuyển thẳng lên đại học. Tất cả như vỡ òa, niềm vui xen lẫn tự hào vô bờ bến của cả gia đình. Tôi thì mấy đêm mừng quá không ngủ được, món quà ngọt ngào nhất tôi đã làm được, để kính tặng ông bà, cha mẹ và thầy cô, những người tần tảo suốt ngày đêm vì tôi.
Trong những năm tháng học phổ thông, người thầy dạy sinh học của tôi cũng chính là người đã dìu dắt tôi trưởng thành rất nhiều trong cuộc sống, hai thầy trò đã gắn bó với nhau suốt ba năm học cấp Ba và trong cả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trước và sau mỗi kỳ thi, tôi thường đến nhà thầy rất lâu. Ngoài những câu chuyện học hành là những câu chuyện cuộc sống, thầy chia sẻ rất nhiều về những trải nghiệm cuộc sống, thầy giúp tôi chín chắn hơn sau mỗi buổi gặp gỡ. Do vậy, chẳng biết từ lúc nào, hơn cả một người thầy, tôi xem thầy như người cha thứ hai của mình, thân thiết và gần gũi đến vô cùng. Kính mến thầy nên lúc chọn trường Đại học, tôi quyết định nộp đơn vào trường đại học Sư phạm chuyên ngành sinh học, với hy vọng sau này sẽ trở thành một thầy giáo dạy sinh vừa thông thái vừa cốt cách như thầy. Ý định là vậy nhưng rồi một câu chuyện xảy đến ngay trước ngày nộp đơn đăng ký chọn trường đã làm tôi thay đổi suy nghĩ và quyết định.
Hằng ngày đi đâu cứ thấy ai đi bộ ven đường cùng hướng là tôi sẽ dừng lại và hỏi có cần đi nhờ không để chở. Hôm đó có việc phải ra thị xã, trên đường đi tôi gặp bà cụ bên đường, hai tay bà xách tương đối nhiều đồ, thành thói quen tôi dừng xe lại ngỏ ý chở giúp, bà vui vẻ nhận lời và mong muốn nhờ tôi chở đến bệnh viện tỉnh. Qua câu chuyện trên suốt chuyến đi, tôi biết con trai bà bị tai nạn, chấn thương rất nặng đang nằm viện mấy tuần nay, sống chết chưa biết thế nào nhưng trong nhà của cải ra đi gần hết. Cả con trâu (là đầu cơ nghiệp của người nông dân ngày ấy) cũng đã bán, nhưng chưa thấm vào đâu. Câu chuyện làm tôi lấn cấn mãi, muốn giúp bà thật nhiều hơn nữa nhưng với hoàn cảnh lúc đó, tôi lực bất tòng tâm, cơm còn đói ăn thì giúp gì được cho ai ngoài chở xe đạp miễn phí. Đưa bà đến cổng viện, động viên bà rồi tôi từ biệt. Trên đường về, hình ảnh và khuôn mặt buồn khắc khổ của bà cụ ám ảnh tôi mãi, trong thoáng chốc tôi nghĩ mình nên trở thành bác sĩ, vì ngành Y cũng tuyển sinh khối B. Làm bác sĩ rồi, muốn giúp ai mình sẽ có nhiều cơ hội hơn, ít nhất là trong vấn đề chuyên môn. Từ suy nghĩ đến hành động rất nhanh, tôi đạp xe một mạch về nhà thầy giáo, trình bày với thầy nguyện vọng của mình. May mắn quá, thầy thấu hiểu và ủng hộ tôi tuyệt đối dù cả hai đều biết trong gia đình của tôi chưa có ai làm ngành Y, truyền thống ngành Y trong họ hàng là số không tròn trĩnh nên con đường Y học của tôi phía trước vì vậy cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Cuối cùng, tôi đã nộp đơn vào học trường Đại học Y Hà Nội.
Trở về thăm gia đình thầy mỗi độ Tết đến xuân về
Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng cũng có giấy báo chuyển về. Tôi trúng tuyển nguyện vọng một, sẽ theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa trong sáu năm. Ngày nhận thông tin từ Sở Giáo dục, mừng vui khôn tả, tôi đạp dọc những con phố chính trong thị xã, cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển vẫy vẫy và cười hét như một thằng điên. Ai nhìn vào cũng chẳng hiểu được sự việc, còn tôi, tôi cũng chẳng quan tâm mọi người đang nghĩ gì. Chỉ biết rằng khoảnh khắc ấy, cậu bé ấy đang vỡ òa trong hạnh phúc. Và con đường Y khoa đang chào đón cậu ở phía trước...