Tôi còn nhớ như in sự kiện ngày hôm đó, cha tôi đi rẫy về và có hái được một bắp hoa chuối rừng, tối đến chế biến món nộm rất ngon. Mẹ tôi chu đáo muốn nhắc phần cho mấy chú đi rừng, tuy nhiên ý cha tôi là nộm này để không được lâu, ngày mai các chú đi rừng mới về đến thì nộm cũng đã chua và hỏng. Chỉ vì câu chuyện như vậy mà cha mẹ tôi xảy ra to tiếng, mấy đứa trẻ con chúng tôi thì chỉ biết quẹt chân vào nhau cho sạch rồi chui lên giường nằm ngủ, nhưng thực chất là chỉ nằm giả vờ ngủ. Ba anh em chúng tôi nằm dỏng tai nghe hai người to tiếng qua lại với tâm trạng vừa buồn vừa lo lắng. Dù không nhiều, nhưng mỗi lần cha mẹ xảy ra mâu thuẫn và tôi chứng kiến được là những lần hằn in trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Đó chính là lý do vì sao khi đã lập gia đình và có con, hầu như tôi cố gắng tối đa tránh to tiếng với vợ trước mặt con trẻ. Sau đêm va chạm hôm đó, tâm trạng cả nhà nặng trĩu. Ngay ngày hôm sau, cha tôi quyết định về thăm ông bà nội, có lẽ cha muốn quên đi những ngày này. Gia đình ông bà nội tôi sống ở một vùng nông thôn ngoại ô thành phố Hà Tĩnh và cách gia đình chúng tôi gần hai trăm cây số. Ngày ấy khó khăn cả về kinh tế lẫn phương tiện đi lại nên cha tôi cũng chẳng có điều kiện về thăm ông bà nhiều, anh em tôi thì chưa bao giờ biết nhà ông bà ở đâu. Trước lúc cha tôi đi, mẹ tôi có ý cho hai con trai theo cha về thăm ông bà luôn, vì trong ký ức của anh em tôi, kỷ niệm về ông bà nội đang là con số không. May mắn quá, cha đồng ý cho hai anh em tôi về cùng. Tôi cũng không ngờ, chuyến đi đó là chuyến đi định mệnh, đánh dấu những tháng ngày mới của cuộc đời tôi, khi tôi được về sống ở vùng đồng bằng ven biển, được tiếp xúc với cuộc sống nông thôn nhưng chắc chắn là văn minh và đông vui hơn so với những tháng ngày chỉ biết làm bạn với núi rừng như hiện tại của tôi. Cũng kể từ ngày đó, tôi lại được đi học, khi ông bà nội quyết tâm giữ anh em tôi ở lại và nuôi ăn học. Ông bà không muốn anh em tôi thất học khi tuổi mới còn bé tý. Vậy là cả nhà quyết định, tôi chính thức về ở với ông bà nội và ăn học từ năm lớp Ba, cha mẹ có nhiệm vụ chu cấp gạo gửi về, còn tôi mỗi năm được về Nghệ An thăm cha mẹ hai lần vào dịp hè và dịp Tết.
10 năm ăn học ở nhà ông bà nội, đến ngày từ biệt ông bà ra Hà Nội để nhập học trường đại học Y là những năm tháng ngập tràn kỷ niệm của tôi, như một chương tiếp theo trong tuổi thơ của tôi vậy, chương tiếp theo sau những tháng ngày sống nơi núi rừng. Giờ nghĩ lại những năm tháng đó, tôi tự thấy mình thấp thoáng như hành trình của chú dế mèn phiêu lưu ký, ít nhất là trong đời sống tâm hồn. Cậu bé mới hơn 8 tuổi ấy sống rất nội tâm và có những ước mơ hoài bão, những ước mơ hoài bão đó cứ lớn dần theo năm tháng sống bên ông bà và nhất là khi lại được cắp sách tới trường.
Nhớ ngày mới xa cha mẹ để về ở với ông bà, chẳng biết anh trai cảm nhận thế nào nhưng với riêng tôi, đó là những ngày nhớ nhà khủng khiếp. Đặc biệt là cứ mỗi buổi chiều về, tôi thường ra phía sau ngõ nhìn ra cánh đồng lúa xanh xa tít, gió nồm thổi những rặng tre xì xào, một mình nhìn hoàng hôn mà nhớ về cha mẹ, lòng buồn rười rượi, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Dù sao, những năm tháng ở với cha mẹ có nghèo khó nhưng luôn có cha mẹ ở bên, cảm giác được chở che, vỗ về. Rồi cảm giác những tháng ngày “lăn lộn” trong núi rừng khe suối, sống cuộc sống tương đối “hoang dã” cùng đám bạn, tất cả đều đã lùi xa. Tôi còn quá ít tuổi để thích nghi với sự thay đổi đột ngột này, môi trường sống và cả nền văn minh mang tên đồng bằng. Thời gian rồi cũng làm nguôi ngoai dần nỗi nhớ, tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống mới: cuộc sống bên ông bà nội. Công việc chính của tôi là một buổi đi học, buổi còn lại chăn trâu, rửa chén bát, phụ giúp ông bà làm việc đồng áng và kèm các em học.
Nhà ông bà nội thuần nông với cuộc sống gắn liền với ruộng lúa và mấy sào lạc cùng khoai lang. Gia đình ông bà cũng là gia đình cách mạng, bằng khen và bằng Tổ quốc ghi công treo đầy nhà, em ruột ông và con trai đầu của ông (tôi gọi là bác) đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông nội tham gia hoạt động cách mạng từ hồi còn rất trẻ và cả tuổi thanh xuân gần như dành để phụng sự Tổ quốc. Tôi nghe bà kể lại, nhà nghèo lại có chín người con nên khoai còn không đủ ăn nhưng mỗi lần bộ đội về, bao nhiêu tiền và gạo trong nhà ông “lấy trộm” mang đi phục vụ cách mạng hết. Sau những lần ấy, bà nội lại phải hì hục ra đồng mót rễ và củ non khoai lang hoặc đi kiếm hạt bobo về cho các con ăn qua ngày. Ngày tôi về ở với ông bà nội, các cô chú trong gia đình đã ra riêng và đi lập nghiệp ở xa hết, cha tôi cũng nằm trong số đó. Hầu hết gia đình các cô chú đều đang vất vả khai hoang bươn chải ở Tây Nguyên cũng như miền núi Nghệ An, chưa ai có điều kiện giúp đỡ ông bà. Thậm chí con cái các cô, các chú cũng còn sống lăn lóc chật vật, có cháu được đi học cháu thì không. Ông bà nội tôi rất nhân từ, trải qua bao năm tháng vất vả nuôi chín người con khôn lớn, đến tuổi già sức yếu nhưng vì thương và sợ các cháu thất học nên lại nhận nuôi năm đứa cháu ăn học: hai anh em tôi và ba em con các cô, các chú khác. Tất cả đều bé tý, chỉ có anh trai tôi học lớp Năm và tôi học lớp Ba là lớn nhất. Sau năm học lớp Chín, anh trai tôi về ở với cha mẹ, còn lại bốn anh em. Tôi gần như là anh cả trong hội vì lớn tuổi nhất, 13 tuổi.
Nhà ông bà nội gần với trường tiểu học và trung học cơ sở nên hằng ngày mấy anh em tôi đi bộ đến trường. Ngay trong lần đầu tiên nhập học vào lớp Ba, ở một môi trường hoàn toàn xa lạ lại không có cha mẹ bên cạnh làm tôi có cảm giác bỡ ngỡ xen lẫn lo lắng suốt dọc đường đi, dù bên cạnh có ông nội đi cùng. Ngay buổi học đầu tiên, biết tôi mới nhập học và từ nơi xa chuyển đến, hai bạn trai ngồi trước bàn học quay lại yêu cầu tôi đưa cặp sách ra để kiểm tra, ngay sau đó, bút chì mới mua, mấy viên phấn, quyển vở mới… bị các bạn ấy “giữ hộ” cho và không hẹn ngày trả lại. Ấm ức lắm nhưng chẳng biết làm sao, cả lớp các bạn biết nhau và chơi với nhau từ những ngày lớp Một, mình đơn độc mới đến đành chỉ biết ngậm ngùi im lặng. Sau mỗi buổi đi học về, dù bị các bạn bắt nạt hay trêu chọc, tôi đều không nói với ông bà, vì tôi biết ông bà đã cao tuổi, việc đứng ra bảo vệ tôi khỏi đám bạn kia là điều rất khó, tôi phải tự xoay xở thôi. Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, tôi dường như có đời sống tinh thần riêng với tâm trạng chủ đạo là nhớ cha mẹ và hay tủi thân. Có lần, sau giờ học, hai anh em tôi vác chiếc thau (chậu) và rổ đi tát cá (chọn những vũng nước ngoài đồng nghi ngờ có cá, chúng tôi ngăn lại, múc hết nước để bắt cá). Hai anh em hì hục gần cả buổi chiều thì vũng nước cũng cạn, chúng tôi bắt đầu lùng sục, xới bùn để bắt cá rô, cá diếc, cá chạch, cá tràu (cá quả). Khi anh tôi dẫm chân trong khóm lúa, một chú cá tràu rất to nhảy ra, hai anh em vui mừng với chiến lợi phẩm lớn. Nhưng rồi, có anh thanh niên trong xóm thấy cá to liền nhảy xuống và bắt chú cá đó mang về trước sự ngỡ ngàng bất lực của hai anh em tôi. Đó là thành quả của cả buổi chiều của hai anh em, nhưng vì chúng tôi nơi xa về ở với ông bà nội và lại còn nhỏ tuổi nên đành ngậm ngùi im lặng. Kết thúc buổi bắt cá hôm đó, hai anh em bùn đất đầy mặt và bụng đói meo lầm lũi về nhà với ít cá diếc, cá rô nhỏ trong chậu, được chú cá to nhất người ta lấy mất rồi. Những lúc như vậy, tôi lại thấy nhớ cha mẹ vô cùng, tuổi thơ luôn cần một chỗ dựa, ít nhất cũng là chỗ dựa tinh thần, phải không các bạn?
Những tháng ngày ở với ông bà, ngoài một buổi đi học ở trường, buổi còn lại tôi được giao phụ trách đi chăn trâu, đó có lẽ là công việc quen thuộc của những đứa trẻ quê tôi ngày ấy. Cánh đồng chăn trâu nằm ngay trước ngõ nhà ông bà tôi, xa xa là con đường quốc lộ với những chuyến xe chạy Bắc Nam suốt ngày đêm. Để giết thời gian trong mỗi buổi chăn trâu, chúng tôi thường ngồi trên lưng trâu và thi nhau đếm những chuyến xe đi hướng ra Bắc và chiều ngược lại. Khi trời tắt nắng, hoàng hôn buông xuống, lũ trâu cũng bắt đầu chẳng muốn ăn cỏ nữa mà thích chạy lung tung, chúng tôi lại cùng nhau tổng kết đếm xe để xem ai thắng thua và dắt trâu về. Cuộc sống nơi miền quê thanh bình như vậy đó. Tôi còn nhớ nhiều lần chăn trâu, may mắn tìm thấy quả trứng vịt đẻ rơi ngoài đồng (ở quê tôi gọi là trứng vịt sảo), lúc đó cảm giác vui mừng như trúng xổ số độc đắc. Vì ở nhà ông bà quanh năm chỉ có khoai với cà, có quả trứng ấy, bà sẽ bác lên với nước mắm để cải thiện, cả nhà có bữa tối gọi là… tươm tất. Đến những ngày mùa, để chuẩn bị cho vụ gieo cấy mới, tất cả mọi người được huy động để ra đồng, tôi cùng ông nội phụ trách chuẩn bị phân chuồng (rơm khô trộn với phân lợn) để bón ruộng. Mỗi lần như vậy tôi lại nhảy vào chuồng lợn, dùng tay bo (tay không có găng) để bốc và chuyển phân ra cho ông nội gánh đi bón ruộng. Những lần như vậy, mùi của phân chuồng bám vào tay đến mấy ngày mới hết dù tôi đã lấy cả chanh và xà phòng giặt (ngày đó chưa có xà phòng rửa tay riêng) ngâm rửa mấy lần. Ngày hôm sau đi học ở trường là tôi phải cho tay vào túi quần và cố gắng hạn chế tối đa việc đưa tay ra ngoài tiếp xúc với các bạn, nhỡ các bạn cảm nhận được mùi “thơm” này thì ngại vô cùng. Rồi khi học lên cấp Ba và trưởng thành hơn, đến mùa thu hoạch lúa chín, tôi được phụ trách thồ lúa từ đồng về nhà, một công việc đòi hỏi tương đối nhiều sức khỏe và sự nhanh nhẹn. Ngày ấy, trong xóm nhiều gia đình có các bác tương đối già yếu, con cái đi làm xa nên tôi cũng thồ lúa giúp luôn. Có lần tôi thồ xe lúa rất to giúp gia đình bác hàng xóm, lúc đi trên cây cầu nhỏ bắc qua kênh do mất thăng bằng, cả người cùng xe lúa rơi rầm xuống kênh. Con kênh mùa thu hoạch cạn nước chỉ còn mỗi bùn, tôi gần như tắm trong bùn còn cả đoạn kênh được phủ vàng bởi những hạt lúa, vì lúa chín quá nên dễ rụng. Thấy vậy, hai bác vội chạy đến, nhìn hình ảnh cả người cả xe ngập trong bùn, mọi người vừa xót lúa vừa thương tôi, còn tôi thì thấy áy náy với hai bác vô cùng.
Ở với ông bà, với chúng tôi, đôi dép vẫn còn rất xa xỉ. Mãi đến năm học mới lớp Sáu, cha mẹ mới có tiền mua cho tôi một đôi dép nhựa màu vàng. Còn trước đó cứ mỗi buổi tối, sau khi học xong tầm mười đến mười một giờ đêm, giống như những ngày sống với cha mẹ, mấy anh em tôi lại chạy đến mượn dép của bà ra giếng rửa chân rồi lên giường, kể từ đó đến sáng hôm sau sẽ không xuống đất nữa. Có lần bác họ hàng xa với ông bà ở ngoài thị xã về chơi mang theo máy ảnh, vì cả đời anh em chúng tôi chưa được chụp ảnh nên ông nội thương, có nhờ bác ấy chụp cho bức ảnh làm kỷ niệm. Vậy là tôi thì chạy đi mượn đôi tông của ông, anh trai mượn đôi tông của bà, hai anh em ôm con vịt bằng sứ làm vật trang trí rồi chạy ra đứng ngay gốc cây chanh làm bức hình kỷ niệm. Nhiều năm sau nhìn lại, hai anh em vẫn không tin đó là chính mình của ngày xưa: hai cậu bé tóc tốt che gần hết mặt, làn da đen nhẻm với hai chiếc áo xoăn tít hở cả rốn, chân thì bé tí đi hai đôi tông người lớn lộ đến cả nửa đôi dép đứng bên gốc chanh, nhìn ai cũng biết nông dân… thuần chủng.
Kể từ ngày về ở với ông bà, tôi đảm nhận luôn việc may vá. Còn nhớ lần đầu tiên đá bóng bị rách cái đũng quần đùi, tôi lấy kim chỉ của bà nội hì hục khâu mất tầm 30 phút buổi trưa. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó, khâu đi khâu lại nhiều lần sẽ chắc chắn hơn, nghĩ vậy tôi khâu chằng chịt cái đũng quần. Đến khi kết thúc, đũng quần dày lên một cục do chỉ, bà nội nhìn thấy cũng không nhịn được cười. Bà lại ngồi gỡ ra và sửa lại. Sau này nói chuyện với bà tôi mới biết, đường khâu mềm mại, đều, lực khâu vừa phải mới tạo nên độ chắc cho đũng quần.
Từ bé cả thời gian ở với cha mẹ đến những năm tháng về sống cùng ông bà nội, dù là mùa hè hay mùa đông, chưa bao giờ anh em tôi tắm nước nóng. Không phải chúng tôi không thích mà cơ bản vì trong nhà ai cũng nhiều việc, chẳng có thời gian chăm con và nhà cũng không có điều kiện đun nước pha tắm, vậy nên anh em chúng tôi cứ nước lạnh múc từ giếng lên mà tự diễn. Đây cũng chính là xu hướng chung của trẻ em quê tôi ngày ấy. Mùa hè thì rất tuyệt nhưng những ngày mùa đông giá rét, nhiệt độ có thời điểm xuống 12-14 độ C, cá còn chết giá thì việc tắm cũng trở nên thử thách hơn. Để chuẩn bị cho việc tắm, anh em tôi thường cởi trần chạy ra vườn ổi thi nhau hít đất và đu lên nhành ổi để kéo xà tầm 30 phút, sau khi thấy người ấm lên một chút là chạy thật nhanh ra giếng, múc gàu nước rồi xối ào từ đầu xuống chân. Cái giếng ông bà trơ trọi nằm cạnh sân, gió lùa tứ phía nên toàn thân anh em tôi như bốc khói, hai hàm răng cắn vào nhau bần bật, được một lúc da cũng tái ngăm đi, tay chân như cứng đờ ra. Mỗi lần như vậy, chúng tôi thường vừa tắm vừa hát to (nói đúng hơn là hét) để duy trì hưng phấn cơ thể. Sau khi tắm xong, ai cũng mặc vội áo quần rồi thi nhau chạy nhanh vào bếp ngồi hơ tay cho ấm. Sau này khi ở ký túc xá đại học Y, thấy có bạn cùng phòng nói rằng từ bé dù mùa hè hay mùa đông đều được cha mẹ đun nước cho tắm nên bây giờ lúc nào cũng phải dùng siêu điện đun nước nóng tắm mà tôi không khỏi ngạc nhiên. Một thoáng thầm nghĩ, mình sống hoang dã quen rồi, tắm nước lạnh để rèn thể lực lại thêm tiết kiệm.
Những ngày mùa đông, nhà ông bà chỉ có mỗi mấy cái chăn chiên (chăn mỏng) để đắp, nhà lại mái tranh vách đất, gió lùa dễ dàng nên thường nửa đêm anh em hay tỉnh giấc vì lạnh. Hôm nào thấy đài báo nhiệt độ xuống thấp quá, biết mình sẽ bị lạnh cả đêm nên anh em tôi thường xin phép bà để ra nhà kho, nơi tích trữ rơm khô cho trâu bò ăn mùa đông và chui rúc trong đó, lấy rơm phủ lên để ngủ, rất ấm. Sáng ra có hơi ngứa ngáy một chút nhưng cả đêm ngủ được. Ngày ấy để đỡ lạnh, mỗi mùa đông đến hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một bếp than và dự trữ ít than tre tự làm giống như những lò sưởi ở phương Tây vậy. Và những ngày giá rét nhất, bà nội tôi sẽ lấy bếp than ra đỏ lửa để sưởi ấm cho cả nhà. Những lần như vậy mọi người quây quần bên nhau, chúng tôi luôn háo hức được ông bà kể lại những ngày tháng chiến tranh, những ngày ông hoạt động cách mạng, những ngày bà nội đi làm hợp tác xã, những lần ông bà cõng gánh các cô, các chú đi di tản... Nhà ông bà nội cách bờ biển hơn mười ki-lô-mét nên những năm chiến tranh, vùng ngã ba Đồng Lộc và đường mòn Hồ Chí Minh đi dọc qua Hà Tĩnh bị bom đạn giày xéo nhiều, đế quốc Mỹ thường chọn cách “câu” bom từ tàu chiến neo đậu ngoài biển vào. Vậy nên bom suốt ngày bay lượn với âm thanh réo rít trên đầu vùng nhà ông bà tôi ở. Bom đạn dội xuống nhiều quá cũng thành quen, chỉ khi nào có kẻng báo động của bộ đội, ông bà nội mới chạy về nhà để bế các con xuống hầm trú ẩn. Hình ảnh cả nhà sum vầy bên bếp than được nghe ông bà kể chuyện và dạy dỗ đã in sâu trong tâm trí những đứa trẻ như tôi, ấm áp vô cùng.
Ở cùng cha mẹ gắn bó với ngô sắn, nay về ông bà nội tôi lại được đổi “phỏm” sang khoai lang luộc và cà muối mặn. Mùa đông có lẽ là mùa ám ảnh nhất đối với ông bà và những đứa cháu chúng tôi, vì đó là quãng thời gian vừa đói lại vừa rét. Ông bà tôi cũng như cả làng quê đều làm nông nghiệp suốt ngày bán thân ngoài đồng ruộng, những ngày mùa đông trời rét căm căm, cả ngày không đủ ăn rồi lại ra đồng lội nước (lội ruộng) nên càng nhanh đói. Vì vậy, cứ mỗi buổi chiều buông xuống, ai cũng thèm cảm giác được về nhà, được sưởi ấm bên bếp than hồng và được bưng bát cơm nóng hổi, nhưng hầu như đó là điều “xa xỉ” với hầu hết mọi người. Mỗi lần anh em tôi cùng ông bà đi làm ngoài đồng, bà nội thường về trước để đỏ lửa, cho lợn gà ăn và nấu cơm tối. Cảm giác thân thương ấm áp nhất chính là khoảnh khắc sau một ngày dài ngoài ruộng rét căm đói meo, khi trở về nhà đã thấy bếp đỏ lửa, cơm khoai đã chín, chúng tôi chỉ việc rửa tay chân xong là vào quây quần bên bếp lửa ấm và cùng nhau thưởng thức bữa tối, mâm cơm tuy đạm bạc nhưng thật ấm áp. Còn cảm giác khủng khiếp nhất có lẽ là khoảnh khắc những mùa đông lạnh giá đó, chúng tôi đi làm về nhưng bếp im lìm chưa đỏ lửa, buổi chiều lạnh mùa đông trở nên buồn cô quạnh.
Ngày ấy, bữa cơm điển hình của ông bà nội và chúng tôi bao gồm một rổ khoai lang luộc, bát cà muối mặn, ít rau muống cùng muối mặn và một nồi cơm rất nhỏ, chỉ đủ cho mỗi người nửa bát cơm. Vậy nên cứ mỗi lần vào ăn, bát cơm ai cũng “để dành” ăn cuối. Trước hết, anh em chúng tôi một tay cầm khoai một tay cầm đũa gắp cà muối, ăn đến lúc nào cảm thấy no bụng thì mới ăn bát cơm chia phần đó để cơm “đè” khoai cà xuống dưới cho đỡ chua cổ về sau. Do ăn cà muối mặn nhiều nên hầu như buổi nào đi học hoặc đi chăn trâu, chúng tôi đều phải uống thật nhiều nước, nếu không cảm giác khát nước sẽ hành hạ chúng tôi cả buổi hôm đó. Sướng nhất với anh em tôi là cảm giác sáng sớm mai ngủ dậy thấy ông đi chợ về, nói là đi chợ nhưng thực chất ông ra nhà bác bán hàng hóa trong xóm, mua mấy củ cải và ít bì lợn về. Bà nội sẽ kho lên, gọi là nồi thịt kho nhưng thực chất chủ yếu là củ cải, chỉ lác đác xen lẫn mấy miếng bì lợn, đó chính là bữa ăn chúng tôi mong chờ nhất, vì ít ra cũng có mùi thịt, vị thịt. Những bữa như vậy, giữa mâm cơm bà nội tôi “quản lý” nồi thức ăn, đến bữa bà sẽ múc ra một bát nhỏ và mỗi người được thưởng thức một ít gọi là hương hoa, đứa em họ tôi tầm 5 tuổi, ít tuổi nhất trong nhà sẽ được tráng cơm với bát đựng thịt. Nhà nghèo vất vả nhưng ông bà và anh em chúng tôi luôn nhường nhịn yêu thương nhau nhiều lắm. Mỗi bữa dọn ra khi thấy ít cơm là không ai bảo ai, ai cũng bảo no và không ăn nữa, thực chất là để nhường cho người khác. Những khoảnh khắc đó, bữa cơm trở nên cảm động và yêu thương vô cùng. Có lẽ chính điều đó là động lực, là niềm tin để dưới căn nhà nhỏ của ông bà, chúng tôi đi qua rất nhiều những khó khăn, vất vả. Khi đọc cuốn sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm của nguyên chủ tịch tập đoàn Daewoo có câu chuyện làm tôi nhớ về những kỷ niệm này, cảm động đến rơi nước mắt. Ngày ấy đất nước Hàn Quốc đang rất nghèo đói, bố cậu bé Kim Woo Choong (chủ tịch tập đoàn Deawoo) bị bắt cóc sang Triều Tiên (Bắc Hàn) nên gần như một mình Kim hằng ngày phải chạy bộ mấy cây số đến chợ bán báo để kiếm tiền nuôi mẹ và các em. Mỗi lần như vậy, dù muộn đến cỡ nào thì mẹ và các em đều ngồi đợi cậu về ăn cơm cùng. Một lần vì mưa tuyết, chợ không họp nên mấy ngày liền cậu bé Kim không bán được tờ báo nào, tiền cũng vì vậy chẳng có mang về cho mẹ mua gạo nuôi các em. Có đêm trở về rất muộn sau mưa tuyết, các em đã đi ngủ hết, thấy mẹ còn thức, trên bàn có một bát cơm để dành cho cậu. Thấy cậu về mẹ bảo: “Mẹ và các em ăn rồi, các em đã đi ngủ, con ăn bát cơm cho đỡ đói”. Thực chất nhà không còn gạo, mẹ đã dỗ các em đi ngủ với cái bụng đói meo để dành cơm cho cậu vất vả cả ngày đi bán báo ngoài mưa tuyết. Kim biết điều đó và cũng nói dối mẹ là đã ăn ở chợ rồi, mẹ ăn cơm đi cho ấm bụng. Khoảnh khắc đó ai cũng biết người kia đang nói dối, hai mẹ con đều rưng rưng nước mắt. Sau này hồi tưởng lại ông đã viết: “Trong phút giây ấy, chúng tôi không tài nào diễn tả được niềm vui dạt dào đang dâng trong lòng. Hạnh phúc không phải là thứ gì xa lạ. Nó cũng không phải là thứ gì quá hoành tráng hoặc quá xa vời và không thể nắm bắt như cầu vồng. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy có lẽ đó là quãng thời gian tôi hạnh phúc nhất trong đời. Mẹ và các em tôi sống vì tôi và tôi cũng sống vì mẹ và các em tôi hơn chính bản thân mình. Khi đó dù nghèo khó nhưng chúng tôi là những người giàu có. Dù không có gì cả nhưng chúng tôi lại luôn muốn san sẻ cho nhau. Nhiều người dù có điều kiện nhưng chỉ biết có bản thân mình thì làm sao có thể được gọi là giàu có? Theo ý nghĩa chân chính, người giàu không phải là người có nhiều mà là người cho đi nhiều. Những người sẵn lòng cho đi luôn là những người giàu có, dù họ có bao nhiêu tài sản đi chăng nữa. Cũng chính từ đó tôi luôn cố gắng biến triết lý Sống vì người khác thông qua chính cuộc đời của bản thân mình. Và để sống vì người khác thì tình yêu thương với người khác chính là tiền đề. Hạnh phúc đến từ tình yêu thương và hạnh phúc cũng ở chính trong tình yêu thương”.
Khi nói về lòng nhân từ, tôi xin được nói về bà nội, một tấm gương lấp lánh trong tâm hồn tôi suốt những năm tháng tuổi thơ đến tận bây giờ. Chỉ với việc nhìn cách bà sống với con cháu, với mọi người, ai cũng cảm nhận được tình yêu thương từ bà. Tôi nhớ có lần, gia đình chị hàng xóm xích mích với bà khiến bà buồn lòng, tuy nhiên bà chỉ im lặng. Buổi chiều hôm đó, gia đình tôi có việc nên làm thịt một con gà, với miền quê nghèo thì việc làm thịt gà là một “sự kiện” trọng đại. Và khi nồi gà xáo đã chín, mùi hương thơm lừng bay khắp xóm và chỉ sau ít phút, cả xóm ai cũng biết nhà tôi mổ gà. Đến bữa cơm, con cháu háo hức quây quanh mâm, nhưng bà từ tốn múc một bát ra trước rồi bảo tôi mang sang biếu gia đình chị hàng xóm, chị mà vừa mới buổi sáng nay còn làm bà phật lòng. Cả nhà ai cũng ngạc nhiên, biết vậy bà nói: “Nhà anh chị ấy cũng có hai cháu nhỏ và các cháu không có lỗi, các cháu đói và thèm bát canh gà, các cháu cũng biết hôm nay nhà mình có làm thịt gà nên mong. Bà muốn nhắc phần đến hai con của chị ấy”. Tôi đồng cảm cùng bà, vui vẻ mang sang gửi gia đình chị. Khi nghe tôi nói bà nội nhắc phần hai cháu, hai tay đỡ lấy bát canh gà, chị như lặng người. Cuộc sống là vậy, sự yêu thương có thể cảm hóa cả những trái tim sắt đá nhất, phải không các bạn?
Ở miền Trung quê tôi, ngoài nắng lửa gió Lào và đói nghèo, còn có một “đặc sản” nữa, đó là bão lụt. Nhắc đến nó, ai cũng còn ám ảnh vì cứ hằng năm quê hương “tiếp đón” dăm cơn bão lớn nhỏ ghé thăm. Những ngày đầu tiên mới về với ông bà, cứ đến mùa bão là ông nội với tôi lại chuẩn bị bao nhiêu cọc tre dây buộc và gậy chống. Vì nhà ông bà mái tranh vách đất, nếu không chuẩn bị chu đáo, nhà có thể “bay đi mất” chỉ sau một vài cơn gió giật. Ông nội có một cái đài radio bé xíu chạy bằng cục pin con thỏ to bằng cổ tay trẻ em, cứ mỗi lần có cơn bão chuẩn bị vào, gần như cả ngày hôm ấy ông nội ôm cái đài và mở thường xuyên để theo dõi diễn biến cơn bão. Mỗi lần bão đổ bộ vào là một lần cả nhà chuẩn bị như trận chiến: Điều lo lắng đầu tiên đó chính là nỗi lo cơn bão thổi bay mất nhà, rồi đến nỗi lo nước lũ lên cuốn trôi trâu bò, cuốn trôi hoa màu và cuối cùng là nỗi lo nhà ngập. Tôi quen thuộc thông tin báo bão đến mức ngày ấy chưa biết gì nhiều về địa lý thiên văn nhưng cứ nghe đài báo “Bão đi theo hướng Tây và Tây Tây Bắc” là y như rằng quê tôi dính bão, thêm thông tin gió giật cấp 10, cấp 11, có lúc giật cấp 12 thì thôi rồi, cả nhà như ngồi trên đống lửa, chẳng biết cơn bão này sẽ ghé qua và lấy đi của gia đình những thứ gì đây. Trước những cơn bão lớn với sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên, mọi người chỉ biết nguyện cầu và chịu đựng, có lẽ tất cả người dân miền Trung quê tôi đều có cùng tâm trạng như vậy. Mà cũng chẳng hiểu vì sao nhưng hầu như bão thường vào quê tôi vào ban đêm. Ngày đó nhà ai cũng dùng đèn dầu vì chưa có điện lưới quốc gia nên mỗi lần đêm đến bão vào là một lần cả nhà thức trắng. Trong nhà có áo quần và ít ngô khoai được ông nội cho vào túi bóng gác lên chạn, mái nhà được ông và tôi tăng cường bằng những túi cát, cửa chính, cửa sổ buộc những thanh tre ngang dọc, ao cá giăng lưới kè tạm. Khi mưa bão vào, khắp nhà hầu như không còn một chỗ khô, ông cháu cùng bà nội mỗi người cứ một cột nhà ngồi ôm chặt, khi cơn gió giật chúng tôi lại dùng hết sức mình “ghì” cột nhà xuống để không cho bão bốc đi. Sáng sớm mai khi bão qua ai cũng phờ phạc ướt sũng. Tuy mệt mỏi sau một đêm dài nhưng việc làm đầu tiên của cả nhà luôn là chạy ra xem chuồng trâu bò có còn hay không? Vì ngày đó với người nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng là tài sản có giá trị nhất. Nhiều năm lũ về kèm sau bão, sớm tinh mơ khi trời sáng tỏ, trước hiên nhà và cả cánh đồng là một màu trắng xóa, lạc lúa đều bị lũ nhấn chìm, ao cá trước nhà cũng ngập trong một màu biển nước, nhiều khi nước còn dâng vào đến trong chân giường. Trước khung cảnh ấy, chẳng ai bảo ai, lòng buồn rười rượi, những người mẹ, người bà úp mặt khóc nức nở, quê hương lại có thêm một mùa đói. Đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm xa cách nhưng mỗi lần nghe thông tin bão lụt vào miền Trung, bao ký ức lại ùa về, lòng như lửa đốt, thương quê hương oằn mình trong thiên tai gió bão. Đúng như lời bài hát đâu đó “Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót...”
Suốt những năm tháng học cấp Một lên cấp Hai rồi đến cấp Ba, mỗi năm tôi chỉ có hai dịp trở về Nghệ An để thăm cha mẹ và anh chị, đó là ngày Tết và những mùa hè. Ngày ấy, việc di chuyển từ Hà Tĩnh ra nhà cha mẹ ở vùng núi Nghệ An thực sự rất khó khăn vì có rất ít phương tiện đi lại. Mỗi lần về thăm cha mẹ, tôi thường dậy rất sớm, tầm ba đến bốn giờ gì đó rồi đi bộ hơn một ki-lô-mét lên đường quốc lộ để đón xe khách. Hôm nào may mắn tôi bắt được xe, nhiều lần lên muộn xe đã đi qua rồi, tôi lại lầm lũi trở về nhà chờ đến ngày hôm sau, vì mỗi ngày chỉ có một vài chuyến xe khách như vậy. Nhà cha mẹ ở sâu trong rừng nên xe khách không bao giờ vào đến nơi, kể cả đến ngày hôm nay khi tôi ngồi viết cuốn sách này, nơi cha mẹ tôi đang sống cũng chưa có xe khách nào vào đến được, cơ bản do đường rừng đi lại khó khăn lại ít người sinh sống. Đến điểm bến cuối, nhà xe thường thả tôi cách nhà cha mẹ tầm 18 ki-lô-mét, xuống xe tôi lại túc tắc đi bộ về. Trên đường tôi về có dòng sông Dăng (là thượng nguồn của dòng sông Lam) chạy qua. Vì những năm đó sông chưa có cầu bắc qua nên mùa hè khi đi bộ đến bờ sông, chưa vội qua đò, tôi thường chọn nơi nước nông nhất, quẳng hết áo đồ ở bụi cây rồi nhảy ùm xuống tắm mát một trận, cảm giác như được gột rửa đi bao khó nhọc và bụi bặm suốt cả hành trình trở về với cha mẹ. Có lần đến vào đúng buổi trưa đò nghỉ, í ới một lúc không thấy bác lái đò bên kia sông hồi âm, tôi lại chui vào gốc cây ven sông ngồi chờ. Một mình lặng lẽ bên dòng sông quê hương, hồn tôi như trôi về cả miền ký ức. Hình ảnh ấy sẽ chẳng bao giờ tôi quên được, vừa thanh bình vừa thấy buồn man mác. Sau này mỗi lần đọc hoặc được nghe bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, những hình ảnh kỷ niệm ngày xưa bên dòng sông quê nhà lại hiện về, đầy ắp trong tôi.
Vì xa xôi cách trở ít dịp về thăm cha mẹ nên nhiều người hàng xóm còn không biết tôi, ai cũng nghĩ nhà chỉ có chị gái và anh trai. Có lần nghỉ hè về lại Nghệ An thăm cha mẹ, do đi bộ mệt quá nên khi đến nơi tôi vứt đồ đạc sang một bên, đi vào thẳng bếp lục tìm thức ăn rồi leo lên giường đánh một giấc ngon lành. Có mấy người mới lên nhà tôi thấy vậy liền vội chạy ngay đi tìm mẹ tôi và “mách”, trong nhà có một chú nào rất lạ, tự tiện vào nhà lục tìm đồ ăn rồi lên giường ngủ rất hồn nhiên. Mẹ tôi ngoài rẫy chạy về thấy con trai đang ngủ say, lúc đó mọi người mới biết nhà cha mẹ tôi còn có thêm một đứa con, đó là tôi.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, mùa hè những năm học cấp Hai khi trở về tôi thường được cha mẹ giao đi thu gom… phân chuồng để về bón cho vườn cam cũng như làm thức ăn cho cá ở đập. Ngày ấy núi rừng nơi cha mẹ tôi sống rất ít chăn nuôi lợn mà chủ yếu tập trung nuôi trâu để lấy sức kéo gỗ. Những chú trâu ấy hầu hết không có chuồng, chúng sẽ được các chủ gia đình thả rông (thả tự do) trong rừng, khi nào đến ngày kéo gỗ hay sinh đẻ mới được “triệu hồi” về sử dụng. Chính vì vậy, việc thu gom phân gia súc của tôi cũng không phải đơn giản là đến các hộ gia đình xin mà phải đi lang thang dọc các cung đường trong rừng để săn những… bãi phân ấy. Những ngày đầu, may mắn thì ngược xuôi tầm một vài cây số tôi sẽ gom đủ hai gánh phân và đạt chỉ tiêu cha mẹ giao, nhiều hôm đen đủi cuốc bộ trên dưới cả tầm bốn năm cây số vẫn không tìm đâu ra đủ, đành ngậm ngùi về trình bày mong cha mẹ “thấu hiểu”. Theo thời gian, kinh nghiệm “săn” phân gia súc của tôi cũng tăng lên. Tôi biết những con đường mòn người đi rừng hay sử dụng để kéo gỗ sẽ có lượng trâu qua lại nhiều nhất, vậy nên cứ mỗi sáng ra tôi thường ưu tiên đi dọc những cung đường đó trước và hầu hết kết quả những buổi đó không làm tôi thất vọng. Tuy vậy ngày ấy, nhiều hộ gia đình cũng cần phân chuồng bón cây và cho cá ăn như gia đình tôi, nên hôm nào tôi sơ sẩy ra muộn một chút là chỉ còn dấu vết mà thôi, vì những người đi trước đã thu gom hết rồi.
Sau khi lên khai hoang nương rẫy được tầm năm năm, cha mẹ tôi bắt đầu làm thêm những nương rẫy mới (ngày ấy chúng tôi gọi là trang trại) cách ngôi nhà chính nơi gia đình tôi ở tầm một cây số đường rừng. Ở đó, chúng tôi sẽ nuôi dê, trồng sắn và ngăn suối làm đập nuôi cá. Để trông nom nương rẫy, cha mẹ tôi có thuê một ông trong họ hàng nhà ngoại từ dưới quê lên, ngày ấy ông cũng hơn 60 tuổi rồi. Tuy nhiều tuổi nhưng tinh thần ông rất minh mẫn, đặc biệt ông hiểu biết nhiều, biết cả chữ Nho, chữ Hán, biết xem cả tử vi và phong thủy. Hợp tuổi nhau hay vì ông có những nét giống ông nội mà những ngày hè mỗi lần về thăm cha mẹ, tôi rất quý mến ông. Với tôi, ông cũng vậy. Biết ở một mình trong trại sẽ buồn nên cứ mỗi buổi chiều kết thúc và màn đêm buông xuống, tôi thường xin phép cha mẹ được vào ngủ với ông. Được cha mẹ đồng ý, tôi một mình đi dọc con đường mòn trong rừng để vào trại ngủ với ông. Ngày ấy, ông cũng có một cái đài bé xíu nên mỗi tối hai ông cháu thường dò sóng để cùng nhau nghe kể chuyện Anh hùng xạ điêu. Dưới đêm hè trăng sáng vằng vặc, trong một cái lều nhỏ bé lọt thỏm giữa rừng xanh, có hai ông cháu vẫn hằng đêm bên nhau, ông kể cho cháu nghe những câu chuyện cuộc sống và cả những trải nghiệm của cuộc đời ông. Hình ảnh ấy luôn làm cho tôi có nhiều xúc cảm mỗi khi nhớ về. Sau này, khi tôi đã trưởng thành và lập nghiệp tại Hà Nội, mỗi lần về quê ngoại Nghệ An, tôi đều vào thăm sức khỏe ông. Biết cháu Khánh vào thăm, lần nào ông cũng xúc động đến rơi nước mắt.
Nhà cha mẹ tôi cách dòng sông Giăng (chính là đầu nguồn sông Lam) tầm sáu cây số đường rừng và một trong những đặc sản ngày ấy ở núi rừng nơi gia đình tôi ở chính là cá mát. Đó là một loài cá sông, to tầm trên dưới ba ngón tay, loài cá này chỉ sống ở thượng nguồn, nơi có nguồn nước vô cùng sạch và trong vắt. Sinh tồn dọc con sông ấy ngoài những người đi rừng khai thác gỗ kết bè để nhờ dòng nước trôi về miền xuôi còn có những người đánh cá, chúng tôi thường gọi là xóm chài ven sông. Họ cũng là những con người vô cùng vất vả để mưu sinh. Những đứa con của họ quanh năm chỉ biết làm bạn với sông nước và hầu hết không được tới trường vì cha mẹ nghèo không đủ tiền học cũng như cuộc sống trên thuyền nay đây mai đó. Ngày ấy mỗi khi hè về, sáng ra tôi luôn thấy lác đác những người phụ nữ đội trên đầu một cái thúng nhỏ đi qua con đường mòn trước nhà. Đó chính là những người vợ, người mẹ xóm chài đi bán cá sau mỗi đêm chồng con khai thác được. Dấu ấn đặc biệt nhất của những phụ nữ ấy chính là làn da nâu sạm cùng với một cái bướu cổ vô cùng lớn nằm ngay dưới cằm. Hình ảnh đó đã làm tôi giật mình trong những lần gặp đầu tiên. Khi thắc mắc với cha mẹ, tôi mới được biết rằng họ sống trên sông nước và vất vả quanh năm nên không có điều kiện ăn đủ muối cũng như chất i-ốt dẫn đến bướu cổ. Sau này vào trường Y, học về bài “Bướu cổ”, hình ảnh những người vợ, người mẹ xóm chài ngày ấy lại hiện về khiến tôi vừa xúc động vừa thấy thương họ vô cùng.
Sau nhiều năm làm lụng vất vả, cha mẹ tôi cũng tiết kiệm mua được một cái cassette cũ để nghe nhạc cho đỡ buồn những buổi trưa hay lúc đêm về. Vì giữa núi rừng bao la ấy, ngoài những người thân trong gia đình thì hầu như ít có cơ hội gặp được ai. Dòng nhạc hầu hết mọi người những năm 90 – 95 hay nghe vẫn là nhạc vàng với những bài hát về tiền chiến. Có những trưa hè, nằm bên cửa sổ phóng tầm mắt ra xa tít nhìn những dãy núi rừng xanh trùng điệp nghe Duy Khánh, Chế Linh hát mà cảm xúc dâng trào. Tôi nghĩ về cuộc đời mình, về những nỗi buồn hoài niệm và cả những nỗi nhớ vô hình…
“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi,
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì,
Tôi là người vui chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu…
… Sao không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua…”
Khi lớn hơn một chút, mỗi hè về thăm cha mẹ, tôi được giao những công việc nặng nhọc hơn như đi rừng cùng mọi người, khai thác nứa, cuốc đất làm rẫy… Vào rừng khai thác nứa về bán là một trong những công việc tôi tham gia nhiều nhất. Nứa là loài cây mọc tự nhiên trong rừng, cùng họ hàng với tre trúc nhưng cây bé hơn và nhiều lông tơ gây ngứa khắp mình mẩy. Mỗi lần đi rừng, chúng tôi được trang bị một bộ bảo hộ lao động kiểu quân đội, đi ủng hoặc giầy cao su chuyên dụng, đội mũ cối cùng với việc đeo bên mình một chiếc dao vô cùng sắc bén. Khi tìm thấy những thung lũng nứa mới, chúng tôi chia nhau ra khai thác, bó lại thành từng bó tầm 10 đến 15 cây (Tùy thuộc độ to của cây nứa và sức vác của mỗi người).
Qua mỗi mùa hè, tôi được “đào tạo” để trở thành một "công dân" đi làm nương rẫy chuyên nghiệp, từ cách vào rừng bắt buộc phải đội mũ cối bộ đội để đề phòng rắn lục trên những nhành cây đớp vào đầu đến việc đeo dao rựa bên hông lưng thế nào cho đúng, từ việc đốn nứa làm sao để tránh cây nứa xuyên thủng bàn chân đến việc nhóm lửa nấu cơm trong nương rẫy… tôi đều biết cả. Núi rừng Tây Bắc Nghệ An về mùa hè có một đặc sản làm tôi mê mẩn đến tận bây giờ, đó chính là măng rừng. Sau mỗi cơn mưa mùa hạ, những mậm măng nứa mới nhất sẽ đội thảm đất mềm chui lên, chúng tôi chỉ việc vào thung lũng rồi dùng tay bẻ và mang về thưởng thức, ngon tuyệt trần. Những món măng tôi ấn tượng có thể kể đến măng luộc chấm chẻo lạc hoặc chẻo vừng, măng xào lá sả và món măng chua nấu canh cá lóc. Có lần vì mẹ xào măng ngon quá, tôi ngồi ăn một mạch mà quên mất dạ dày đã quá căng, khi kết thúc thì no quá, bụng tròn như cái trống, đứng dậy đi lại thì tức và đau khó chịu nên đành nằm ngay giữa thềm nhà và… thở. Thấy vậy, mẹ chạy ra lấy chiếc khăn thấm nước rồi vào đắp lên bụng với hy vọng đường ruột của tôi tiêu hóa được nhanh hơn. Ngày hè, do nhà tôi ở trong rừng sâu nên khi màn đêm buông xuống, đúng mùa sinh nở nên nai hoẵng cứ về ngay sau nương nhà kêu tìm bạn tình suốt cả đêm. Ai sống trong rừng quen thì không sao, những người mới đến thì cả đêm cứ giật mình thon thót và không dám đi ra ngoài vườn. Còn có nhiều dịp, những đoàn voi rừng kéo về giày xéo đồi sắn, vườn cam nhà tôi, mọi người lại phải thắp đuốc và nhờ cả bộ đội biên phòng mang súng đến bắn chỉ thiên đe dọa, đàn voi mới chịu rút sâu vào rừng. Ba tháng hè qua nhanh, tôi lại về nhà ông bà ở đồng bằng để học. Mỗi lần như vậy hầu như bạn bè ai cũng ngạc nhiên với làn da đen trùi trũi cùng mái tóc he vàng xơ xác của tôi. Thêm một mùa hè đáng nhớ trôi qua...
Ông bà nội tôi dù vất vả và phải lao động quần quật cả ngày rất quan tâm và nghiêm khắc với việc học của các cháu, chỉ có kết quả học tập của các cháu mới làm ông bà vui lòng. Bất cứ việc gì liên quan đến học, ông bà đều ưu tiên tuyệt đối cho chúng tôi. Cha mẹ cũng đồng quan điểm đó, dịp nào về thăm con, cha và mẹ đều dặn dò nhắc nhở tôi tập trung ưu tiên việc học hành, để khi lớn lên “tránh” theo con đường vất vả cha mẹ đang đi: tần tảo nơi núi rừng suốt ngày đêm và không nhìn thấy tương lai. Để động viên con quyết tâm học tập, ngày vào lớp Ba, cha làm bài thơ tặng riêng tôi:
Hai chữ “học hành” con nhớ ghi
Sớm khuya đèn sách phải kiên trì
Mài bút trường kỳ ghi nghiệp lớn
Khoa trường rạng rỡ, bảng vàng ghi.
Thấu hiểu được mong mỏi đó của ông bà cha mẹ, anh em tôi ý thức tự học từ rất sớm. Hình ảnh quen thuộc của mấy anh em chúng tôi trong những năm tháng ở với ông bà nội đó là sau bữa cơm tối, cả nhà ngồi quây quần bên bếp than (vào mùa đông) hoặc bên ấm chè xanh (vào mùa hè) tầm 30 phút, sau đó chẳng ai bảo ai, mỗi người vào một góc bàn và ngồi học. Ngày ấy tôi là anh cả trong nhóm năm anh em con cô, con chú về ở với ông bà, lại học khá nên việc kèm dạy các em tôi kiêm luôn, ông bà nội rất tin tưởng tôi. Có lần đang đến gần kỳ thi học sinh giỏi huyện vào đúng dịp thu hoạch mùa, ngồi ôn bài trong nhà nhìn ra thấy ông bà mướt mải mồ hôi gặt lúa rồi tuốt và phơi ngoài sân, chẳng đừng được nên tôi chạy ra với ý giúp ông bà phần nào nhưng ông gạt phắt sang một bên, ông không cho tôi đụng tay chân làm việc thời gian này, ông muốn tôi tập trung ôn thi tốt nhất. Tôi cảm nhận, với ông bà, kết quả thi học sinh giỏi của tôi sẽ là phần thưởng to lớn nhất ông bà trông đợi, cũng là niềm tự hào nhất của ông bà với hàng xóm láng giềng. Ông đã quyết, tôi chỉ biết quay vào bấm bụng ngồi ôn thi với quyết tâm cao hơn mà thôi. Ngày ấy thi thoảng tôi cũng giật được vài ba giải học sinh giỏi của huyện, đó là những phần thưởng làm ông bà tôi vui và hãnh diện nhất, tôi cảm nhận được điều đó qua nụ cười và ánh mắt của ông tôi. Ngày ấy cả làng mới có điện lưới, ai ai cũng vui mừng háo hức, có nhà còn mua cả đài cassette, ti vi. Tuy vậy, nhà ông bà tôi sau khi có điện chỉ lắp đúng hai bóng đèn, và hiếm hoi lắm mới bật một lúc. Không ai nói ra nhưng trong nhà ai cũng có ý thức, chỉ bật điện những lúc thật sự cần thiết và tắt ngay khi có thể, thắp điện nhiều cuối tháng lấy tiền đâu thanh toán. Thường mỗi khi mùa hè đến, để tiết kiệm tiền điện, nhà ông bà sẽ ăn cơm tối ngoài sân khi trời còn sáng. Mùa hè ở miền quê, hình ảnh cả nhà ngồi bên mâm cơm chiều ngoài sân, hương hoa cau hoa bưởi thoang thoảng, xung quanh là những hàng cau cao chót vót và xa xa là những dãy tre xanh gió thổi rì rào, cảm giác rất tuyệt và thanh bình. Tôi cũng hạn chế học vào buổi tối mà chỉ tập trung học vào buổi chiều hoặc buổi sáng sớm để tiết kiệm tiền điện cho ông bà. Mỗi buổi chiều đi chăn trâu, tôi luôn mang theo tất cả những bài tập liên quan đến học thuộc lòng và ghi nhớ, vừa chăn trâu tôi vừa chọn mương nước đã khô cạn, nhảy xuống đó và ngồi học, chốc chốc lại ngó lên xem trâu đang ở đâu. Cuối giờ chiều về, bài tập toán tôi cũng tranh thủ làm luôn khi trời còn sáng, để tối đến không phải đỏ điện học thêm nữa, trừ những đợt ôn thi cao điểm.
Nói về việc học, một trong những âm thanh ám ảnh tôi ngày bé đó là tiếng bước chân của ông mỗi sáng sớm. Ông tôi thường dậy sớm, cứ loanh quanh hơn bốn giờ sáng là ông không ngủ nữa. Vì vậy để học tốt, tôi hạ quyết tâm và thống nhất với ông là cứ mỗi sáng ông dậy sẽ thức cháu dậy học bài. Đang tuổi ăn tuổi ngủ nên mỗi rạng sáng, nằm nghe tiếng bước chân ông lọc cọc đi từ nhà dưới đi lên là tôi giật mình, nhưng không thể khác được, ông đến bên giường, nhẹ nhàng gọi tôi dậy “Khánh ơi, hơn bốn giờ rồi, cháu dậy học bài nhé”. Biết tôi đã dậy, ông ra chống chiếc khại ở hiên nhà lên, om ấm chè xanh, châm điếu thuốc lá tự vấn rồi vừa thưởng thức vừa nhìn ra khoảng không một màu đen của bóng đêm, lúc trời chưa kịp sáng, khuôn mặt trầm tư. Cháu ngồi học một bên, ông ngồi thưởng thức chè xanh bên cạnh. Ông biết ngồi vậy để động viên và giúp tôi học đỡ buồn ngủ. Hình ảnh hai ông cháu như vậy cứ lặp đi lặp lại, kéo dài suốt mùa thu này qua mùa đông khác, năm này qua năm khác, đó cũng chính là hành trình đi tìm con chữ của tôi.
Theo thời gian, ông già đi còn tôi ngày một khôn lớn, sức học của tôi cũng ngày càng tiến bộ. Tôi tham gia hầu hết các kỳ thi học sinh giỏi của huyện rồi cả của tỉnh, giành kết quả thủ khoa toàn tỉnh môn sinh học năm lớp 11 rồi đi thi học sinh giỏi quốc gia. Chính kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học lớp 12 đã trao cho tôi cơ hội vào thẳng trường Đại học Y Hà Nội, đánh dấu một chương mới trong cuộc đời của tôi. Trên con đường đó, ông bà nội luôn bên cạnh với những hình ảnh đẹp đẽ, vô cùng ấm áp và tràn ngập tình yêu thương.