Tôi được sinh ra trong một gia đình công nhân, cả cha và mẹ tôi đều làm việc tại nông trường chè ở vùng núi phía Tây Nghệ An, cách biên giới nước bạn Lào tầm mười ki-lô- mét đường rừng, chứng minh thư nhân dân của tôi luôn có một dải gạch chéo thể hiện công dân sống vùng biên giới. Được mẹ kể lại, tôi sinh ra cũng là điều ngoài ý muốn, vì cha mẹ đã có một chị gái và một anh trai, trong khi những năm tám mươi quá đói nghèo, ít ai quan tâm nhiều đến con cái nên cũng chẳng ai mặn mà chuyện sinh đẻ, thậm chí nhiều gia đình sinh con ra rồi gần như mặc kệ cho “nó” tự sống, “nó” tự tồn tại. Ngày trước, tôi còn đoán rằng chắc tôi là “sản phẩm” ngoài ý muốn sau một đêm mùa hè nóng nực, cha tôi ăn mặn nên khó ngủ. Khổ thân tôi quá!
Những năm tám mươi của thế kỷ 20 khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, khó khăn bao trùm mọi gia đình và nhà tôi cũng không ngoại lệ. Mục tiêu cấp thiết nhất lúc ấy của cả nhà là… đủ ăn qua ngày, tuy vậy mục tiêu này hầu như không thể hoàn thành trong suốt 10 năm tính từ ngày tôi được sinh ra. Cha tôi là thợ lái máy xúc đỉnh cao của nông trường, mẹ tôi là hoa khôi ngày đó, tôi nghe cha kể lại và tin vào điều đó, ít nhất cũng để động viên mẹ và làm cha vui. Tôi còn nhớ, nhà tôi ở trong khu xóm dành cho công nhân nông trường, cả xóm nghèo xơ xác, nhà tôi thuộc tốp nghèo nhất. Nhà tranh vách đất thủng lỗ chỗ, gió lùa tứ phía, nóc nhà thì dột nên hè nắng rọi vào giữa nhà, những ngày mưa thì cả nền nhà ướt gần như không còn chỗ khô để đứng chân. Quanh sân vườn chẳng có nổi một loài cây có giá trị, ngoại trừ mấy cây ổi rừng mà hằng ngày chúng tôi vẫn xem đó là nơi để chơi đùa và rèn luyện kỹ năng leo trèo. Đến mùa cho quả, dù rất chát và nhiều hạt nhưng chính những quả ổi này là nguồn dinh dưỡng giúp lấp đầy dạ dày anh em tôi những bữa đói cơm. Có hôm ăn nhiều ổi xanh quá không tiêu được, anh em tôi bị táo bón mấy ngày liền, bụng căng như cái trống, mệt vô cùng. Những lần như vậy, mẹ tôi lại đi xin mật ong rừng ở nhà hàng xóm về để xử lý thì anh em tôi mới “trên thông dưới thoáng” được.
Với anh em tôi, cả tuổi thơ chưa có nổi một bữa cơm no. Cha mẹ đi làm quần quật cả ngày ở nông trường để nuôi các con nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, mỗi bữa ăn chủ đạo vẫn là sắn luộc, sắn xay bột rồi vắt và hông lên, ngô vàng đãi qua nước vôi rồi nấu, xen lẫn là một ít hạt cơm rải rác độn vào. Ngô sắn là chính, cơm chỉ vài hạt bám quanh. Có nhiều lần, cứ mỗi sáng mai ngủ dậy, điều đầu tiên tôi làm là chạy ngay xuống bếp xem mẹ nấu món gì, nếu mẹ tiếp tục nấu ngô sắn mà không có cơm là tôi lại nằm khóc và giãy đành đạch, liên tục hỏi sao mẹ không cho con ăn cơm? Giờ tôi mới hiểu, nhà nghèo quá lấy đâu ra tiền mà mua gạo. Nghĩ lại vẫn cứ thương mẹ đến muốn khóc, ngày đó chắc lòng mẹ cũng thương con nhiều lắm nhưng chẳng biết làm sao.
Nói đến sắn, có lần vì đói hai anh em chúng tôi ăn nhiều quá, nhưng các bạn biết rồi đó, sắn ăn nhiều sẽ bị say, đặc biệt lúc đói. Vụ đó hai anh em chúng tôi bị say sắn gần chết, cha đi vắng, mẹ ở nhà hoảng hốt chạy quanh hàng xóm nhờ giúp đỡ. May sao có nhà bác láng giềng kinh nghiệm trong mấy vụ này, bác vội đào lên mấy củ khoai lặn (người miền Bắc gọi là củ dong), giã nhỏ pha đường rồi cho anh em tôi uống để giải say. Sau phen ấy, hai anh em tôi đã chán sắn giờ lại thêm sợ sắn. Có lẽ tuổi thơ của anh em chúng tôi, ngô và sắn là hai tên gọi gợi nhiều kỷ niệm... ám ảnh nhất.
Ngày đó, cha mẹ tôi sáng đi làm sớm, để lại trên bếp nồi khoai sắn và hầu như hai anh em tôi dậy tự tìm đồ ăn rồi tự chơi, chơi gì cũng được, cha mẹ cũng chẳng có thời gian bận tâm. Đến khi trời tối đen mù mịt, cha mẹ mới về, vì vậy hai anh em luôn trong tình trạng đói meo và toàn thân lấm lem bụi đất. Có những lần khi trời đã tối nhưng cha mẹ chưa thấy về, mấy đứa bạn cũng đã thôi chơi và được cha mẹ đón về tắm rửa rồi ăn tối. Hai anh em tôi ở lại nhà bạn chơi đợi cha mẹ về, người lấm lem bùn đất, đứng ngoài thềm nhìn vào bữa ăn nhà bạn có cơm trắng và có cả một ít thịt lợn kho mà nước miếng cứ chảy ra, bụng sôi sùng sục. Hai anh em im lặng chẳng dám nhìn vào nhiều lần, vội tìm đồ chơi tiếp để quên đi cái đói. Khi tôi viết đến những dòng này, những kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó ùa về, nước mắt cứ trào ra các bạn ạ, nghĩ lại thấy tủi thân vô cùng. Những năm tháng vất vả nhưng cha mẹ tôi luôn dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Cho đến bây giờ, anh em chẳng ai bảo ai, vẫn luôn sống như vậy.
Cha mẹ đi vắng suốt, trước nhà tôi lại có cái ao to, có lần tôi và anh trai chơi bên hồ, đuổi theo mấy con vịt, rồi vịt chạy xuống ao, anh trai tôi cũng ngây thơ… nhảy xuống theo. Anh trai ngày ấy mới 5 – 6 tuổi, quá nhỏ không biết bơi nên giãy giụa uống nước làm một bụng căng tròn. May quá có bác hàng xóm nhìn thấy liền nhảy xuống, nắm lấy tóc lôi lên, kể từ đó giọng nói của anh trai cũng khàn và mũi nghẹt đến tận bây giờ. Ngày ấy cả tôi và anh trai đều chỉ có một cái áo và một cái quần đùi, áo xoăn tít và dày cộm vì bết đất với mồ hôi, đít quần bạc màu thủng lỗ chỗ, riêng đũng quần thì chưa bao giờ là không thủng vì chúng tôi thường xuyên leo trèo cây cối. Vài tuần đến một tháng, mẹ lại lôi quần áo hai anh em tôi ra khâu đũng, nhưng rồi đâu lại vào đấy vì trèo cây là một trong những trò chơi chúng tôi hay chơi nhất: trèo cây để bắt ve sầu, để hái ổi, trèo cây để chơi trò trốn tìm, thậm chí có những trưa hè, chúng tôi trèo cây để… nằm trên đó ngủ.
Vào mỗi mùa hè nóng nực, sau một ngày chạy chơi khắp nơi trong nông trường, chúng tôi thường về nhà với hình “hoa đất”1 kéo dài từ bàn chân lên đến tận cổ, trán. Vì việc làm sạch cho anh em tôi cũng như “bắt nhái bỏ dĩa” nên mỗi lần tắm, mẹ cũng chẳng đặt nặng việc tắm sạch đến đâu, chủ yếu là “tráng nước” cho trôi lớp đất bên ngoài da để đi ngủ đỡ ngứa. Lâu lâu, đầu tóc anh em tôi khô như rễ tre, hôi và rối không chịu được nữa, mẹ tôi mới lại đi kiếm mấy quả bồ kết nướng lên rồi cho vào chậu nước phơi ngoài nắng, cuối giờ chiều gọi anh em chúng tôi về tắm rửa gội đầu bồ kết và kỳ cọ một trận sạch sẽ, chúng tôi gọi là tổng vệ sinh.
1 Bụi đất kết hợp mồ hôi rồi khô đi, tạo thành những viền đất loang lổ trên da, chúng tôi gọi là hoa đất.
Ngày đó dù đã 5 – 6 tuổi nhưng hai anh em chưa có dép đi, buổi tối chạy nhảy chán chê với nền đất, loanh quanh 10 giờ đêm lúc chuẩn bị đi ngủ, anh em tôi mới lại đến mượn dép của mẹ, ra giếng rửa sạch chân rồi lên giường ngủ và không bao giờ xuống đất trong đêm đó nữa. Ngày đó cả nhà tôi chỉ duy nhất mẹ có đôi dép, tối đến đôi dép đó sẽ dùng chung cho cả nhà để giúp mọi người rửa chân sạch trước khi đi ngủ. Tôi còn nhớ hồi đó, sau mấy lần dùng thanh sắt nung nóng đỏ và dán đi dán lại cho đến khi nhựa khô đét và không thể ăn dính vào nhau nữa: đôi dép duy nhất trong nhà là của mẹ cũng chính thức hỏng. Cả nhà không còn dép để rửa chân, vậy là cả bố mẹ và anh em tôi ngồi mép giường xoa quẹt đôi bàn chân vào nhau cho trôi bớt bụi đất trước khi ngủ. Nhà tôi nghèo, tường đất và nứa thủng lỗ chỗ nên hầu như gió lùa tứ phía, đến nóc nhà cũng dột nước khắp nơi. Có đêm đang ngủ say, tôi bị đánh thức bởi những giọt nước lạnh toát nhỏ vào mặt, lạnh tỉnh cả người. Thức dậy mới biết mưa to, nhà dột nên nước chảy xuyên qua màn vào đúng chỗ tôi đang nằm. Những lần như vậy, cha mẹ lại dậy thu xếp chỗ ngủ mới, tôi nằm dạt sang một bên và cha đặt một chiếc nồi hứng nước mưa ngay chỗ tôi đã nằm, đêm đêm mỗi lần nồi đầy nước, cha lại dậy bê đi đổ, cả đêm lặp lại như vậy và hầu như cả nhà cũng chẳng còn ai ngủ được, vì ướt và cả vì lạnh. Quanh năm đói cá thiếu thịt nên anh em tôi thường mong chờ những ngày mưa lũ nhất, vì mùa mưa lũ chính là mùa nhà tôi có nhiều cá tươi để ăn, nhờ vào tài sát cá của cha tôi. Những ngày mưa to, cứ chờ đêm xuống, cha tôi lại xách lưới đi thả cá ở hai con suối trước cửa nhà, lầm lũi cả đêm như vậy. Và thành quả đêm nào cũng rất tuyệt. Mỗi sáng mai thức dậy, tôi và anh trai bật dậy thật nhanh, chạy ra đầu thềm nhà, nơi cha tôi treo mấy cái lưới dính đầy cá tươi. Cá diếc, cá quả (quê tôi gọi là cá tràu) và đặc biệt là cá hẻn (một loài cá rất giống cá trê, ăn béo ngậy và thịt rất thơm) mắc khắp lưới, ba cha con lại ngồi tíu tít cười đùa, gỡ cá. Đó chính là những bữa no và cũng chính là những bữa cải thiện dinh dưỡng của cả nhà tôi. Hiện tại, tôi cao một mét tám mươi, có được chiều cao này một phần do gen di truyền từ ông nội và cha tôi (đều cao trên một mét bảy) nhưng tôi nghĩ một phần lớn là do tôi được ăn nhiều cá tươi tự nhiên từ ngày bé. Suy luận như vậy, tôi thầm cảm ơn cha và cả những mùa mưa thật nhiều. Năm tháng đó tuy nghèo nhưng cha mẹ tôi luôn lạc quan, đặc biệt là cha tôi. Tôi còn nhớ có lần, Tết sắp đến nhưng trong nhà chẳng có gì ăn, tiền cũng không có, cha mẹ nhìn ba đứa chúng tôi mà ứa nước mắt. Để động viên mẹ và cả nhà, cha tôi lấy cục than viết lên tờ lịch treo trên tường bài thơ “Đón Tết sáu không”:
“Ngước mắt nhìn lên đã hết năm
Đón Tết mừng xuân có sáu không
Không rượu, không chè, không hương khói
Tiền không, gạo hết, Tết như… không.”
Cha mẹ bận làm ăn nên anh em tôi cũng ít được quan tâm, chăm sóc hay dạy dỗ, thỉnh thoảng chúng tôi có được mẹ dặn dò đôi điều rất cơ bản mà thôi. Về phần cha, do lái máy húc và máy ủi cho nông trường nên thường xuyên đi làm xa, tuy vậy trong nhà hai anh em vẫn luôn sợ cha nhất. Mỗi lần mắc lỗi, cha hiếm khi đánh đập mà thường gọi anh em tôi lại hỏi lý do cũng như phân xử ai đúng ai sai rồi vẽ ra hai vòng tròn, vòng tròn nhỏ là của anh trai còn vòng tròn lớn là của tôi, cha bắt hai anh em đứng vào đó và tự suy ngẫm. Nếu lỗi nghiêm trọng, anh em tôi thường đứng tầm một tiếng, lỗi nhẹ nhàng thì đứng 15 – 30 phút gì đó. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn sợ “uy lực” của cha ngày ấy, chính sức ảnh hưởng của cha đã làm cho mấy anh em chúng tôi sinh hoạt và học tập nề nếp, tự giác hơn. Sự nghiệp học hành tiểu học của tôi thì rất lẹt đẹt. Ngày đó nông trường chỗ nhà tôi ở, hầu như chẳng ai quan tâm đến việc cho con đi học, nhà ai cũng xoay đủ nghề để hy vọng có ăn qua ngày, học hay không cũng chưa phải là vấn đề sống còn, nhà tôi không ngoại lệ. Chỗ nông trường chè nơi chúng tôi ở có một ngôi nhà nhỏ với ba hoặc bốn phòng gì đó, gọi là trường học, trơ trọi giữa xóm làng. Ngôi nhà tranh vách nứa thủng lỗ chỗ, mà từ đó chúng tôi dù ngồi trong lớp học nhưng vẫn có thể nhìn ra bên ngoài. Về giáo viên, cả nông trường cũng chỉ có vài cô giáo nên các cô dạy kiêm hết các môn luôn. Tất cả trẻ em trong xóm từ lớp Một đến lớp Hai đều học ở đó. Năm tôi lên 6 tuổi, mẹ quyết định cho tôi đi học, với tôi đó là một cực hình, vì tôi chưa bao giờ đi học cả mẫu giáo lẫn mầm non. Ngày đầu đến trường, mẹ gần như kéo lê tôi trên đường, tôi thì vừa khóc vừa tì chặt hai chân xuống mặt đường với hy vọng có thể được ở nhà và lại lăn lê bò toài tiếp với đám bạn, nhưng rốt cuộc, tôi vẫn phải đến trường học. Do năng lực học yếu quá lại ham chơi và nghịch nhất nhì lớp, tôi học đúp hai năm lớp Một. Năm học đầu tiên, tôi chẳng biết cũng như chẳng hiểu chữ gì, cộng trừ trong môn toán thì mù tịt, chỉ mỗi thích chơi và trêu chọc các bạn. Mỗi lần cô giáo chuẩn bị gọi học sinh lên bảng là tôi toát mồ hôi, tim như nhảy ra khỏi lồng ngực, tôi ngồi nép mình nhất và ra vẻ đang tập trung làm một việc gì đó với hy vọng cô không nhìn thấy hoặc không để ý đến. Tuy nhiên, nhiều lần tôi cũng bị “dính đạn”. Và những lần như vậy, khi phải lên bảng rồi tôi thường cầm viên phấn đứng như tượng, mân mê cho đến nát cả phấn, viết rồi xóa, viết rồi lại xóa để cuối cùng không nặn ra nổi vài chữ. Kết thúc sẽ là việc cô giáo lại cho tôi ra đứng vào một góc bảng và quay mặt xuống “ngắm” cả lớp một hồi lâu, tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Chưa hết, vì đũng quần tôi hay bị rách, nhiều lần đi học mẹ còn chưa kịp vá lại nên khi cô giáo gọi lên bảng làm bài tập, tôi quay lưng lại với cả lớp thì đũng quần lại “phất phơ”. Các bạn lại có một dịp cười ồ lên, tôi ngượng đỏ chín cả mặt. Thực sự năm học lớp Một đầu tiên đó, mỗi ngày đến trường là một ngày u ám đối với tôi. Tôi với hai bạn nữa trong lớp được thầy cô và các bạn xếp vào bộ ba nghịch nhất trường. Từ trêu chọc bạn gái, trốn học, đánh nhau, vẽ bậy lên chỗ ngồi các bạn khác, trộm bưởi nhà hàng xóm… chúng tôi “đảm nhận” cả. Mỗi lần đi họp phụ huynh về là mỗi lần mẹ tôi thở dài ngao ngán, nhìn thấy mẹ vậy tôi cũng buồn theo nhưng rồi chỉ được mấy hôm, đâu lại vào đấy: tôi với hai “bạn thân” lại dẫn đầu lớp về món trốn học, vẽ bậy và đánh nhau. Cuối năm lớp Một đầu tiên, sau khi xem hồ sơ tổng kết cũng như kết quả học tập bết bát cả năm, được sự thống nhất cao giữa mẹ và cô giáo, tôi được “vinh dự” học lại thêm một năm lớp Một nữa. Và càng may mắn cho tôi, hai đứa “bạn thân” của tôi cũng được ở lại theo, vậy là ba chúng tôi lại được chung lớp. Biết được tin đó, chúng tôi vui mừng lắm. Tuy vậy, khi bước vào năm lớp Một… lần thứ hai, chẳng hiểu sao tôi thay đổi hẳn, ít nghịch hơn, học sáng dạ hơn, tôi hiểu vấn đề, chăm phát biểu, chăm lên bảng, về nhà cũng tập viết và làm toán tốt hơn. Không nói hết, mẹ tôi mừng vui đến cỡ nào. Và đến hè, kết thúc năm lớp Một lần thứ hai, tôi được nhận giấy khen của nhà trường kèm với một quyển vở và một cái bút. Ngày đi nhận giấy khen về, mẹ tôi mừng lắm. Vì so với chị gái và anh trai, có vẻ tôi làm rạng rỡ hơn cho gia đình, ít nhất cũng có tờ giấy khen để cha tôi hãnh diện dán lên xà nhà. Ngày ấy trong xóm tôi ở, tường nhà thường là nứa đan không phẳng, nên nếu có giấy khen, nhà ai cũng phết cơm nguội rồi dán lên xà gỗ bắc ngang nhà.
Xóm nơi gia đình tôi ở cách trung tâm của nông trường chè tầm sáu cây số đường rừng, hằng ngày cha tôi đi bộ đến cơ quan hoặc may mắn thì đi nhờ xe đạp ai đó. Có đôi lần được nghỉ học, cha cho tôi đi theo vào nông trường nơi cha làm việc. Những chuyến đi đó hai cha con thường phải dậy và đi bộ từ sáng sớm, lúc nào mỏi chân quá thì cha cho tôi ngồi lên cổ cõng đi một đoạn. Hai cha con lặng lẽ đi qua những khúc cua vắng vẻ, hai bên chỉ là rừng và núi, cả con đường vắng tanh, trên bầu trời những vì sao mai còn sáng tỏ. Lúc đó dường như cả thế giới là của hai cha con chúng tôi, tôi thích thú và thấy yêu cha vô cùng. Tôi còn nhớ, vì đi bộ nhiều quá nên mỏi mệt, để động viên bản thân mình cũng như con trai, cha đã làm bài thơ “Đi bộ”:
“Cuộc đời đi bộ sướng làm sao
Gối mỏi chân mềm lắm ước ao
Sáng ngắm mây treo lưng chừng núi
Chiều buông gió lạnh ngắm trăng sao.”
Sau khi tôi học xong lớp Một lần thứ hai, cha mẹ quyết định chuyển nhà vào sâu hơn trong rừng, nơi mà mọi người thường gọi là khu kinh tế mới, với hy vọng thay đổi cuộc đời gia đình tôi. Vậy là cả nhà phải chuẩn bị cho một hành trình mới, hành trình di chuyển từ nơi rừng núi vào sống ở vùng núi sâu hơn nữa, vùng đất mà hầu như chưa ai khai thác đến, nằm cách biên giới Việt – Lào tầm mấy ki-lô-mét và ở đó chỉ có những con đường mòn dành cho người đi rừng qua lại. Cha tôi động viên cả gia đình vào đây để đốt rẫy làm nương, đi rừng khai thác nứa và gỗ, kết hợp trồng sắn, trồng chè và trồng cam, chấp nhận những rủi ro nguy hiểm nhưng cũng có nhiều hy vọng mới.
Vùng đất chúng tôi chuyển đến gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, mọi người ở nông trường (những gia đình không dám vào vùng này sống) thì gọi vùng đất mới này là vùng rừng thiêng nước độc. Ngày chuyển nhà, cha tôi nhờ một chiếc máy kéo của nông trường chở đồ. Nói đồ cho oách nhưng thực ra chỉ có hai cái giường con con, một cái tủ bếp tự đóng bằng gỗ, ít xoong nồi và bát đũa cùng với vài bao tải đựng áo quần.
Lúc tạm biệt xóm làng để ra đi, mẹ tôi khóc rất nhiều, có thể vì nhớ mọi người nhưng cũng có thể vì thấy tủi thân, thấy hoang mang vào tương lai bất định. Chỉ một mình nhà tôi đi vào sâu trong rừng để sinh sống, tách biệt với mọi người.
Khi đến nơi, địa điểm cha tôi chọn làm nơi “cắm dùi” là một ngọn núi thấp đầy cỏ dại giống như một ốc đảo, được bao quanh bởi hai con suối nhỏ hai bên. Trước khi chuyển đến, cha tôi đã vào trước đốn cây, đốt và dọn dẹp một khoảnh ngay bên triền của núi để vừa đủ cất một căn nhà tạm. Ngôi nhà mới gia đình chúng tôi vừa dựng xong thực chất giống như một cái lán trại thì đúng hơn. Bốn cột nhà được dựng bằng bốn thân cây to bằng bắp chân, quanh nhà giằng néo bằng những thân cây bé hơn, mái được lợp bằng nứa đan, tuy nhiên nóc nhà còn chưa kịp phủ kín. Dù là nhà tạm nhưng cha mẹ tôi cũng có làm lễ nhập trạch để cúng thần núi rừng và cầu mong cho cả nhà được bình an. Để chuẩn bị cho lễ “nhập trạch”, mẹ nấu một nồi cơm trắng và cha tôi cũng kiếm được một con gà để cúng, với ít trầu cau, chai rượu, thẻ hương. Cha tôi đảm nhận việc làm lễ luôn vì ở nơi hoang vắng này, tìm đâu ra thầy cúng. Tôi còn nhớ lúc cha đang cúng, trời đổ cơn mưa rất to, vì nóc nhà chưa kịp che phủ nên nước mưa làm ướt hết lễ, từ vàng hương đến cơm cúng và cả con gà luộc. Cúng xong, cả nhà tôi được một bữa ăn cơm gà độn nước mưa, bữa cơm đầu tiên rất đơn sơ và vội vã nơi miền đất mới. Lúc ngồi ăn, nước mắt mẹ tôi cứ ứa ra, chắc vì giữa núi rừng cô quạnh này, ngồi trong nhà nhìn ra xung quanh chỉ có một màu xanh của rừng hoang, không một bóng người qua lại, không một sợi dây kết nối với thế giới bên ngoài, rồi đây cả nhà sẽ đi đâu về đâu, mẹ tôi lo và khóc cũng phải. Không chỉ riêng mẹ, năm thành viên trong gia đình ai cũng cố gắng giấu thật sâu trong lòng những nỗi lo lắng. Khoảnh khắc đó, dù còn nhỏ nhưng tôi vẫn ám ảnh mãi đến tận bây giờ.
Ngôi nhà mới của gia đình chúng tôi nằm lọt thỏm giữa núi rừng và con đường đi ngang qua nhà thực chất là con đường mòn của những người đi rừng, vậy nên cả ngày chỉ lác đác một vài tốp người xa lạ với những chiếc ba-lô bộ đội chất đầy áo quần thức ăn đi thoáng qua để vào sâu hơn trong rừng. Họ đi tìm trầm hương, đi tìm thú rừng, đi khai thác gỗ, khai thác vàng… Những chuyến đi có thể kéo dài vài tuần đến cả tháng, trừ khi có người trong nhóm bị sốt rét, rắn cắn, tai nạn… họ mới quay về sớm. Buồn nhất là vào những ngày gần Tết, những người đi rừng cuối cùng cũng về xuôi lại đồng bằng đoàn tụ gia đình, con đường nhỏ chạy qua trước nhà tôi trở nên vắng lặng, cả mấy ngày liền chẳng ai đi qua. Và khi màn đêm buông xuống, núi rừng chỉ có ánh lửa leo lét phát ra từ căn nhà gia đình tôi, ánh sáng lọt thỏm giữa cả bạt ngàn núi rừng đen như mực, cảm giác thật cô đơn và bé nhỏ. Các thành viên trong nhà ai cũng mệt nhoài sau một ngày dài ngoài nương rẫy, ngồi quây bên bếp lửa một lúc rồi đi ngủ, dường như để cố gắng quên đi những tâm trạng ở trong lòng. Những tháng ngày buồn và cô quạnh cứ trôi qua với gia đình chúng tôi như vậy trong suốt một thời gian dài.
Ngày đó, do suốt ngày ở trong rẫy khai hoang nên cha tôi bị muỗi đốt nhiều và nhiễm ký sinh trùng sốt rét, cứ cách một vài tháng lại bị lên cơn co giật. Những lúc như vậy, cha nằm co quắp một góc giường vừa sốt vã mồ hôi vừa rét run bần bật, toàn thân co rúm lại, rên liên hồi. Ở trong rừng không tìm đâu ra thuốc chữa nên như một phản xạ thói quen, mỗi lần cha lên cơn là tôi và anh trai chạy khắp nhà lôi hết chăn màn áo quần ra phủ quấn khắp người cho cha đỡ lạnh, anh trai tôi nhảy lên ôm vai và cổ, tôi cũng phụ trách ôm hai chân, vừa truyền nhiệt giúp cha đỡ rét vừa giữ giúp cha đỡ run. Sau mỗi lần như vậy, người cha xanh tái và tiều tụy. Sau này học Y tôi mới biết là vì con vi trùng sốt rét nó phá hủy hết các tế bào máu mỗi lần bệnh bùng phát. Không chỉ cha tôi, ngày ấy thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy vài người đi rừng gánh người nằm trong những chiếc võng đi từ trong rừng ra. Đó là những người đi rừng bị rắn cắn, bị sốt rét ác tính, bị tai nạn ngã sông suối hoặc bị dao rựa chém vào… Những lần bị tai nạn như vậy, họ thường lấy lá rừng băng bịt tạm thời rồi mất mấy ngày liền gánh từ sâu trong rừng về đến miền xuôi, khi về đến nơi có người còn sống, có người đã chết khô cứng lại. Tôi còn nhớ có lần đám trẻ con chúng tôi đi hái quả sim và quả mua (trong bài hát Hoa mua trắng đó các bạn) thì giật mình gặp một người nằm dưới bụi hoa mua, toàn thân bị kiến lửa bu vào đốt, hai mắt đờ đẫn, hai môi khô và trắng bệch như sắp chết. Sau thoáng định thần, chúng tôi vội chạy về gọi mọi người ra giúp đỡ. Được chăm sóc, khi anh ấy tỉnh táo hơn, chúng tôi mới được biết, anh đi rừng cùng một nhóm người nhưng vì bị sốt rét nên mọi người bỏ anh lại để khỏi lỡ mất chuyến đi, chấp nhận anh ấy sẽ chết nơi rừng thiêng này. Cuộc đời anh ấy rất may mắn vì chúng tôi vô tình nhìn thấy, nếu không chắc chắn anh sẽ không bao giờ có cơ hội được sống, và gia đình cũng chẳng bao giờ tìm thấy xác anh nơi núi rừng hoang vắng này. Thỉnh thoảng ngồi nghĩ lại tôi cứ thấy, mảnh đời ngày ấy và nơi ấy thật mong manh, có quá nhiều rủi ro nguy hiểm khi sống những nơi như vậy. Sống chết không biết khi nào và nếu chẳng may có ai đó mất đi, có thể cũng ít ai biết đến ngoài các thành viên trong gia đình hoặc thậm chí là chẳng có ai biết cả.
Sau này theo thời gian, những gia đình trẻ làm kinh tế mới dần kéo lên khai phá và làm nương rẫy gần gia đình chúng tôi, con đường đi ngang trước nhà vì vậy cũng vui hơn một chút, anh em chúng tôi cũng có thêm vài người bạn mới. Kể từ khi nhà tôi chuyển vào rừng để khai hoang làm rẫy, cơ hội đi học của anh em chúng tôi gần như là không còn nữa vì cha mẹ suốt ngày lo khai hoang, trường học lại xa gần hai chục ki-lô-mét đường rừng. Bố mẹ tạm thời cho anh em tôi dừng học. Hằng ngày, tôi cùng mấy chúng bạn tầm 7 – 8 tuổi chui rúc hết con suối này đến con khe khác. Chúng tôi mang rổ đi xúc tôm tép dọc bờ sông, đi hái quả ngấy (quả mâm xôi), đi săn các tổ chim mới nở để bắt về nuôi, đi tắm ở những thác nước tự nhiên nằm sâu trong rừng. Khi lớn hơn một chút, cha mẹ bắt đầu giao việc cho anh em tôi, có ngày thì đi nhặt củi khô để về đun nấu, có hôm thì đi hót phân gia súc dọc đường để về bón cây hoặc cho cá ăn. Những năm tháng ấy, hầu hết người lớn đều mải mê trên rẫy và mặc kệ chúng tôi lăn lộn, quăng quật. Có cảm giác chúng tôi phải tự sống, phải tự lớn lên giữa rừng xanh như vậy. Cuộc sống chẳng biết rồi sẽ đi đâu về đâu nếu không có một sự kiện xung đột xảy đến giữa cha và mẹ, sự kiện đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời tôi…