Bác sĩ còn nhớ hình ảnh ngày hai vợ chồng bệnh nhân người Hải Phòng tầm hơn 50 tuổi bước vào phòng giao
ban chào tạm biệt tập thể y bác sĩ sau ca phẫu thuật ghép tim. Trên tay bác gái là một bó hoa tươi thắm, khuôn mặt hai bác rạng ngời. Lúc phát biểu cảm ơn, bác trai (chính là bệnh nhân được nhận tim ghép) không cầm được những giọt nước mắt vì xúc động. Trong lồng ngực bác bây giờ đang đập những nhịp đập của trái tim một chàng trai hai mươi tuổi, cậu ấy không may mắn bị tai nạn chết não và gia đình đã đồng ý hiến tạng cứu người. Bác may mắn hạnh phúc vì cuộc đời được hồi sinh thêm một lần nữa. Ở một miền quê đâu đó, cha mẹ chàng trai trẻ phần nào cũng cảm thấy ấm lòng an ủi vì trái tim của con trai mình chưa bao giờ ngừng đập, những nhịp đập của “Trái tim nhân ái”.
Trên thế giới, hiện nay hơn 90% ca ghép tạng được thực hiện từ người cho chết não. Trong khi đó ở Việt Nam, nguồn tạng lấy từ người cho chết não chỉ mới chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu được lấy từ người thân đang sống, trong đó hiến một phần lá gan hoặc một quả thận là hay gặp nhất. Dù hiện nay sự hiểu biết của người dân cũng như số gia đình đồng ý hiến tạng khi người thân tai nạn chết não đã tăng lên nhưng thực sự chưa nhiều, mọi người vẫn còn giữ quan niệm có phần tâm linh “chết phải toàn thây” tồn tại hàng trăm năm nay. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia năm 2016, cả nước có hơn 6.000 bệnh nhân suy thận chờ ghép, 1.500 người chờ ghép tim, 300.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Ở chiều ngược lại, mỗi ngày trên khắp đất nước có nhiều người bị tai nạn rất nặng và chết não, hầu như không còn có khả năng hồi phục sự sống. Như vậy, nếu có sự “gặp gỡ cho – nhận” ở đây thì những điều tuyệt vời và nhân văn nhất xuất hiện, phải không các bạn? Sự sống mới sẽ được hồi sinh, hồi sinh từ cái chết.
Mọi người thường nói “Cát bụi lại trở về cát bụi” khi ta chết đi, nhưng bác sĩ xin được có suy nghĩ khác một chút, rằng nếu ta sẵn sàng cho đi, nếu ta sẵn sàng “hy sinh” vì người khác thì sự chết đi lại là sự hồi sinh mới, một gia đình nhỏ lại có được niềm vui sum vầy, vợ lại có chồng, con thơ lại có cha, có mẹ và “Sự ra đi sẽ trở thành bất tử” ở trong lòng mọi người.
Công dân từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến mô tạng hoặc đăng ký hiến mô tạng tiềm năng (hiến khi chết, khi chết não) để chia sẻ trách nhiệm xã hội cũng như lan tỏa những điều nhân văn – tình người.
Trong thời gian bác sĩ viết cuốn sách này, đúng đến giai đoạn viết về những câu chuyện hiến tạng cứu người thì vô tình đọc được bài viết của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, chị cũng bàn về chủ đề này dưới góc nhìn của chị. Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu nổi tiếng với tác phẩm Bóng đè hiện đang sinh sống ở Mỹ cùng gia đình nhỏ. Dưới đây, bác sĩ xin trích nguyên văn bài viết của chị, sau khi đã xin phép tác giả.
“Khi người đàn ông da trắng, nhân viên thẩm định cấp lại bằng lái xe hỏi tôi: “Bạn có đồng ý hiến tạng sau khi chết không?”, vẻ mặt anh ta rất đỗi bình thường. Như thể hiến tạng là việc đương nhiên, giống tặng mẹ cái áo mới hay đút cho con thìa cháo sườn. Như thể hỏi chỉ để hỏi, chắc chắn tôi sẽ trả lời có. Như thể nếu tôi nói không, anh ta sẽ sốc. Anh ta đâu biết, ở quê hương tôi, người ta phải suy nghĩ, cân nhắc cả tháng, cả năm, thậm chí băn khoăn cả đời để quyết định có không. Chẳng phải người Việt thiếu nhân đạo, mà phần nhiều vì chưa hiểu, vì tâm linh.
Chưa hiểu? Tôi đồ rằng hơn nửa dân số nước ta chưa biết mình có thể cứu sống người khác ngay cả khi não đã chết, tim đã ngừng đập. Họ chưa bao giờ đọc, xem hay nghe nói nhãn cầu, gan, thận, da, xương, tim, phổi… người chết có thể lấy ra, ghép vào bệnh nhân hấp hối, khiến người đó khỏe mạnh trở lại, như phép cải tử hoàn đồng. Cải tử hoàn đồng, phép thuật tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết, nay hiện hữu trên đời. Có thể ai đó sẽ nói rằng do dân trí thấp. Tôi không nghĩ thế, đừng cái gì cũng đổ tội cho dân trí. Chỉ là vì chúng ta chưa xem trọng vấn đề, dù rất thạo tin bọn buôn người bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng, hay chỉ chỏ anh nông dân kia, chị công nhân này mới bán thận, bán gan. Sao không, thay vì các tiết học đạo đức công dân khô cứng ở trường, dành thời gian nói với trẻ về hiến tạng, về việc mình có thể cứu sống người khác, mang niềm vui cho biết bao người ngay cả khi chết đi rồi?
Tâm linh? Đa số chúng ta cho rằng có thế giới bên kia, nơi con người tái sinh, đi lại ăn ở y như dương gian, nên thi thể cần nguyên vẹn chôn xuống đất. Thậm chí nhiều trường hợp khi cải táng, trót bỏ sót một cái răng hay một đốt xương tay, ta cũng lo người chết sẽ về ai oán, trách than. “Chết toàn thây” không biết từ bao giờ thành khế ước tâm linh, đạo đức thờ cúng, định luật bảo tồn cho kiếp sau. Chẳng thế mà kẻ xấu hay dọa: tao cho mày chết không toàn thây, giống như chết không toàn thây là lời nguyền đáng sợ nhất, là điều khủng khiếp nhất, là đáy của đáy hỏa ngục. Tôi tự hỏi vậy những tử thi hiến tế cho chim kền kền trong tục Thiên táng ở Tây Tạng thì sao? Tây Tạng là vùng đất linh thiêng, nơi khởi nguồn nhiều huyền bí, nơi gần trời nhất, nơi có không ít đạo sĩ nghe được tiếng nói từ đấng quyền năng. Và họ không coi trọng xác toàn thây, họ cầu nguyện lũ chim rỉa hết thi thể người chết để linh hồn được siêu thoát tới trời.
Chúng ta, chẳng ai có thể khẳng định sau cái chết là gì. Nhưng nếu thực sự có thế giới bên kia, có địa ngục và thiên đường, người nhân đạo chắc chắn sẽ nhận tấm vé tốt nhất cho chỗ ở mai sau. Hiến tạng không chỉ là nhân đạo, hiến tạng là thiêng liêng, dù có khi bản thân người hiến thấy rất đỗi bình thường, bình thường như ôm hôn người thân đã lâu mới gặp.
Khi tôi viết những dòng này, bạn cùng lớp của con gái tôi đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt sau ca ghép gan. Cậu bé suy gan nặng, bác sĩ nói ghép gan là cơ hội duy nhất cứu sống cậu bé nhưng không một ai trong gia đình có chỉ số y học tương thích với cậu. Lúc tưởng hết hy vọng thì một người bạn cũ của bố cậu hiện ra, kết quả xét nghiệm trùng khớp, ông tặng một phần gan của mình cho cậu bé nhẹ nhàng như người ta ngắt bông hoa đẹp đẫm sương mai cắm vào bình. Ông nói tôi đã đăng ký hiến tạng, tôi chưa chết nhưng đã già, sau này các bộ phận lão hóa biết có còn giúp được ai, Thượng đế mang phần gan này tặng cậu bé chứ không phải tôi.
Làm việc tốt để tích đức, không biết từ bao giờ suy nghĩ này đã thành “khẩu hiệu” mà người Việt nào cũng lấy làm kim chỉ nam cho lòng nhân ái. Không sai, điều đó được rút ra từ nguyên lý đạo Phật. Nhưng chẳng phải nếu ta sống nhân đức thì tự thân mỗi việc ta làm đều hướng thiện, xã hội sẽ tự động hiền hòa, nhân ái hơn sao?
Tôi nghĩ, nếu thực sự có thế giới bên kia, người thiện ở kiếp này sẽ được chào đón như anh hùng. Và nếu thực sự có đầu thai, người ta không thể bê nguyên gan tim thận phổi ở kiếp này sang kiếp sau, chỉ hoán chuyển linh hồn, thì linh hồn người tốt thể nào chẳng được ưu tiên.
Thú thật, đọc tin tức về bé Hải An, bé Vân Nhi hiến giác mạc, tôi cảm phục tấm lòng của các thiên thần và gia đình, nhưng cũng không khỏi băn khoăn tại sao ở mình hiếm người hiến tạng đến mức ấy, hiếm đến nỗi ai đó hiến liền trở thành hiện tượng truyền thông, thậm chí thành “quái dị” trong mắt láng giềng? Đến bao giờ chúng ta mới tự nhiên nhẹ nhàng nói có, nhẹ nhàng như hít thở không khí khi ai đó hỏi bạn có đồng ý hiến tạng nếu chẳng may bị tai nạn qua đời?
Thay đổi nhận thức, nhất là nhận thức về vấn đề có liên quan đến tâm linh quả không dễ đối với người Việt. Không thể một sớm một chiều ta vui vẻ gật đầu đồng ý cho đi các bộ phận cơ thể mình khi nằm xuống. Chính tôi cũng đã chần chừ, đã ngắc ngứ, đã sờ sợ trước khi gật đầu. Sợ nhỡ mình cho đi trái tim, ở thế giới bên kia làm sao đập được nỗi nhớ thương người thân. Sợ nhỡ mình khuyết đôi mắt, làm sao nhìn về trần gian có con đang nhớ mẹ, cháu gọi tên bà. Rồi nỗi sợ nhanh chóng qua đi, sự quả quyết ào tới. Kiếp sau nào đó xa lắc nhưng hiện thực thì bày trước mặt. Thử nghĩ mà xem, một ngày xấu trời ở tương lai, ai đó thân thích của bạn không may mắc bệnh nan y, bác sĩ nói ghép tạng là biện pháp duy nhất để sống sót. Lúc ấy, bạn chắc chắn sẽ cầu xin thần linh, cầu xin cả thế giới giúp người thân của mình. Lúc ấy, có thể bạn ân hận vì chưa đăng ký hiến tạng, ân hận vì từng nghi ngờ động cơ hiến của người khác, bạn cho rằng ông trời trừng phạt mình. Số mệnh, hầu hết chúng ta tin đấng tối cao đã định sẵn các ngã rẽ trong chuyến đi cuộc đời mỗi con người. Nhưng có khi nào bạn nghĩ mình mới chính là chủ nhân của chuyến đi ấy, quyết định rẽ ngã này mà không rẽ ngã khác khiến hành trình chuyến đi hoàn toàn thay đổi.
Trước đây chúng ta nghĩ về hỏa táng một cách đầy khiếp sợ, như khiếp sợ hỏa ngục. Giờ đây việc hỏa táng người chết trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Vậy cớ gì còn ngần ngại tặng một vài mảnh thân xác mình cho người, cho tương lai, “tích đức” cho cháu con? Tôi tin hầu hết đạo giáo trên đời, chẳng đấng quyền năng nào cấm con chiên, đệ tử, thành viên của mình nghĩ tới người, thương người, giúp người. Mà thực ra, hiến tạng chỉ mới là lời hứa được bảo đảm bởi luật pháp, là vi bằng nhân đạo chứ lời hứa đó chưa chắc thành hiện thực. Bởi thường thì bạn sẽ sống đến già, đến lúc các bộ phận cơ thể đã hết công năng sử dụng.
Lại có một sự thật khác không thể chối cãi dù đau lòng, đó là số người chết trẻ vì tai nạn giao thông và bạo bệnh ở ta hàng năm không hề nhỏ. Nếu muốn, dù qua đời họ vẫn có thể cứu sống hàng trăm người khác, mệnh đoản sẽ thành mệnh trường. Có lẽ chúng ta cũng nên học theo phương Tây, ghi chú biểu tượng nhân ái lên bằng lái xe của người đồng ý hiến tạng, mã số hóa vào hồ sơ cá nhân, để nếu chẳng may có chuyện gì, họ sẽ được hồi sinh trong hình hài mới. “Cải tử hoàn đồng” tưởng là chuyện hoang đường, kỳ thực con người ta ai cũng làm được, chỉ cần mở lòng mình ra.
Nhưng trên hết, cơ thể là của bạn. Bạn muốn mình lành lặn khi sang thế giới bên kia là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Chỉ xin đừng vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Bạn không hiến tạng nhưng bạn có thể làm hàng trăm hàng ngàn việc tốt khác cho đời, chẳng phải vậy sao?”